Báo chí Việt Nam đầu thế kỉ XX với việc đánh giá VAI TRÒ và ĐỊA VỊ của PHỤ NỮ VIỆT NAM trong lịch sử

ĐẶNG THỊ VÂN CHI
(Tiến sĩ – 2007)

1. Đặt vấn đề

     Trong 30 năm đầu của thế kỉ XX, do tác động của chính sách khai thác thuộc địa của Pháp, đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá của phụ nữ Việt Nam có những thay đổi to lớn. Ngay từ khi xuất hiện lực lượng công nhân đầu tiên đã có mặt của những người phụ nữ lao động làm thuê và cùng với sự phát triển của nền kinh tế thuộc địa, của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ nữ công nhân tăng lên nhanh chóng. Theo Niên biểu thống kê Đông Dương thì tỉ lệ nữ công nhân năm 1908 là 41%, đến năm 1912 là 45%. Trong một số ngành như ngành dệt, nữ công nhân chiếm đến 71%. Do không được học hành, số nữ công nhân có trình độ chuyên môn rất ít. Hầu hết phụ nữ phải làm những công việc chân tay giản đơn. Một ngày làm việc của họ thường kéo dài từ 12 giờ( như ở nhà máy Diêm Bến Thuỷ), cho đến 20 giờ ( như ở mỏ than Kế Bào) . Trong khi đó tiền lương của nữ công nhân chỉ bằng2/3 lương của công nhân nam vốn đã rất thấp. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ nông dân bị đẩy vào cảnh ở đợ, làm thuê, biến thành tá điền bởi gánh nặng tô thuế. Cùng đường, họ bị đẩy ra thành phố, bổ xung vào đội ngũ nữ công nhân, đi ở, làm điếm… trở nên đói nghèo và là nạn nhân của văn minh tư bản. Năm 1931, dân số Hà Nội không quá 10 vạn người mà đã có tới hơn 100 nhà thổ…

     Bên cạnh những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội của tầng lớp phụ nữ lao động, trong những năm đầu thế kỉ XX, ở Việt Nam còn xuất hiện tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản thành thị gồm những người thợ thủ công tiểu thương, vợ con các viên chức làm việc trong các công sở của Pháp và của tư nhân, các nữ công chức và các nữ học sinh…

     Tất cả những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và trong điều kiện của  phụ nữ Việt Nam nói riêng cùng với sự du nhập những tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài vào, sự xuất hiện và ngày càng có vai trò lớn của tầng lớp tiểu tư sản thành thị… đã dần dần xuất hiện vấn đề phụ nữ bên cạnh các vấn đề xã hội khác.

     Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, báo chí xuất hiện và cùng với sự xuất hiện của báo chí các vấn đề về phụ nữ được nêu lên như một vấn đề của xã hội. Có thể nói, ở Việt Nam vấn đề phụ nữ được báo chí quan tâm từ khá sớm. Ngay từ năm 1907, khi báo chí tiếng Việt còn rất hiếm hoi thì trên Đăng cổ tùng báo đã xuât hiện mục “ Nhời đàn bà ’’ với bút danh phụ nữ Đào thị Loan. Tờ báo Phụ nữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam là báo Nữ giới chung xuất bản năm 1918 do bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ở Việt nam có 8 tờ báo phụ nữ bằng tiếng Việt được xuất bản ở cả ba kì, tại ba thành phố lớn : Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Từ sự ra đời của báo Phụ nữ Tân văn năm 1929 cho tới năm 1945, ỏ Việt Nam luôn tồn tại ít nhất một tờ báo phụ nữ. Tờ này đình bản thì lại có một tờ khác ra đời. Điều này không chỉ phản ánh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội mà còn cho thấy tầm quan trọng của vấn đề phụ nữ như là biểu hiện của những thay đổi, những mâu thuẫn xã hội giữa buổi giao thời. Vấn đề này còn thể hiện ở chỗ không phải chỉ có các báo phụ nữ mới đề cập đên vấn đề phụ nữ mà hầu hết các báo đều quan tâm đến vấn đề phụ nữ như Nam Phong đăng khá nhiều bài về Nữ học, nữ quyền hoặc An Nam tạp chí trong những năm 1930 thường xuyên có mục  Nữ giới tùng đàm.

     Nội dung của vấn đề phụ nữ được đề cập trên các báo rất phong phú và đa dạng : Từ việc đánh giá vai trò của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ; địa vị của phụ nữ; giáo dục phụ nữ, nữ quyền và giải phóng phụ nữ đến phụ nữ  trong hôn nhân tự do, phụ nữ với thể dục thể thao, thời trang phụ nữ… Tuy nhiên trong khuôn khổ của một cuộc hội thảo khoa học, chúng tôi xin được giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình là  đánh giá vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử trên báo chí bằng tiếng Việt xuất bản công khai  trong khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX.

2. Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử

     Theo nghiên cứu của chúng tôi thì vấn đề vai trò của phụ nữ Việt Nam được đề cập đến trong hầu hết các cuộc thảo luận liên quan đến  phụ nữ và các tác giả đều đánh giá cao vai trò của phụ nữ Việt Nam không chỉ trong gia đình mà cả trong nền sản xuất xã hội. Nhìn chung các tác giả đều nhấn mạnh vào sự đảm đang tần tảo của phụ nữ Việt Nam, nhất là trong công việc kinh doanh. Đặc biệt phụ nữ trong các gia đình mà người chồng theo đuổi nghiệp khoa cử thì mọi công việc trong nhà từ phụng dưỡng cha mẹ già cho đến nuôi dạy con cái đều do phụ nữ đảm nhiệm. Ngay như Phạm Quỳnh một trí thức Nho học nổi tiếng từng bị báo chí thời đó coi là thủ cựu khi ông ủng hộ chế độ quân chủ cũng đã phải ca ngợi phụ nữ Việt Nam “ linh lợi mà can đảm, cần mẫn mà khôn ngoan, xưa nay  đã có tiếng giỏi về đường kinh tế. Cuộc thương nghiệp trong nước phần nhiều là ở trong tay đàn bà . Dẫu cả thế giới không đâu có cái cảnh rất đáng kính, đáng phục là cảnh vợ nuôi chồng đi học, học suốt đời vì sự học ở nước ta không có thời hạn. Phụ nữ một mình tần tảo mà cung cấp được cho cả một nhà, trên cha mẹ, dưới lũ con’’ (NP. 10.1917 ). Đặc biệt các tác giả thời kì này còn đánh giá cao vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ đối với nam giới cũng như công lao của phụ nữ đối với người chồng trong gia đình. Đó là vai trò cảm hoá, động viên của phụ nữ đối với nam giới. Thậm chí Nguyễn Bá Học còn khẳng định: đàn ông có làm nên được sự nghiệp thì 10 người có đến 7 , 8  người là nhờ công lao của vợ. Hiểu được vai trò và đóng góp của phụ nữ trong xã hội có tác giả đã tỏ ra thông cảm với những khó khăn vất vả của phụ nữ khi họ bị buộc phải gánh trách nhiệm chính trong nền sản xuất xã hội cũng như trong kinh tế gia đình như  ĐN trong bài Cái tai nạn nước lụt ở xứ Bắc kì năm 1926-1927 viết: “ Phàm việc lao động, việc trị sinh nhờ cả ở bọn hạ tiện với bọn đàn bà. Nhất là người đàn bà phải mang cái gánh cho xã hội rất nặng nề. Việc nông thương, cái gì nặng nhọc, đê hèn thì đến người đàn bà…’’ ( NP- 3.1927).

     Báo chí thời kì này cũng phân tích nhiều về vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục con cái. Nguyễn Bá Học cho rằng “ Đàn bà là chủ trong gia đình, đứng vào địa vị gia sư cho con trẻ’’. Hơn thế nữa, ông đã tuyệt đối hoá vai trò  và trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình của phụ nữ Việt Nam  khi cho rằng “ tính nết con hay, dở đều nằm trong tay người đàn bà’’ (NP- 4. 1920 ). Vì vậy mà “ bao nhiêu con nhà thất giáo hồ hết là con nhà không có mẹ’’.(NP- 10.1920)

     Ông cũng cho rằng bản chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt nam mang tính phổ biến. Họ luôn dạy con phải sống trung thực, lễ phép và có hiếu với cha mẹ do đó “chưa hề thấy một người đàn bà dù ngu hèn thế nào mà dung cho con ăn gian nói dối, thứ cho con chửi chú đánh anh’’. Chính vì thế mà phụ nữ Việt Nam “đời nào cũng sản xuất ra những kẻ tuấn tài hào kiệt’’.

     Mặc dù đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và trong nền sản xuất xã hội, nhưng chỉ có Phan Bội Châu là người thấy được vai trò của phụ nữ Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc , còn phần lớn các bài viết trên báo chí thời kì này có thể do hạn chế của thời đại, hạn chế về giai cấp thường chỉ nhấn mạnh vị trí của phụ nữ ở trong gia đình mà không thấy hết được khả năng to lớn của phụ nữ trong việc cải biến xã hội cũng như trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu có chăng chỉ là khuyên chồng đóng góp công sức mở mang kinh tế nước nhà, dạy con biết trả thù nhà đền nợ nước  như trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỉ XX. Phải đến năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thì vai trò của phụ nữ trong phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam không những được  được đánh giá cao mà còn  được coi là một trong những nhân tố đảm bảo cho sự thành công của cách mạng Việt Nam . Nghị quyết của Hội nghị trung ương I của Đảng đã phân tích “ Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu . Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được’’.

3. Địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội

     Đầu thế kỉ XX, vấn đề địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử cũng được thảo luận nhiều. Đặc biệt từ sau Đại chiến thế giới lần I,  khi mà các chính sách chính trị kinh tế văn hoá của Pháp đã đưa lại kết quả : văn hoá phương Tây ảnh hưởng ngày càng sâu sắc trong các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học đã làm bùng lên cuộc thảo luận về vấn đề nữ quyên và giải phóng phụ nữ trên các báo  mà tiêu biểu là tờ Phụ nữ Tân văn – một tờ báo được xuất bản từ năm 1929- 1935.

     Có thể thấy việc đánh giá địa vị của phụ nữ trong lịch sử  đã ảnh hưởng lớn tới việc nhận thức về vấn đề nữ quyền và giải phóng phụ nữ trong thời kì này.

     Có một số người do đánh giá cao những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội mà cho rằng “ đàn bà nước ta từ xưa vẫn được một địa vị xứng đáng trong xã hội ’’ và  công đức của phụ nữ không phải đàn ông xưa không biết, không cảm, không phục ’’ (NP-4. 1924). Phạm Ngọc Thiều trong một bài phát biểu ở Hội Trí Tri (NP-3.1925 ) sau khi phân tích phong tục và luật pháp Việt Nam, đặc biệt về quyền của phụ nữ trong hôn nhân và trong vấn đề sở hữu tài sản đã đi đến kết luận :  Phụ nữ Việt Nam có địa vị cao trong xã hội, đặc biệt là trong gia đình và so với một số nước ở châu A thì phụ nữ Việt Nam đã có nữ quyền rồi. Nguyễn Phan Long- chủ nhiệm báo Đuốc nhà Nam, một người theo chủ nghĩa quốc gia cải lương-  cho rằng phụ nữ không phải là nô lệ, phụ nữ nắm mọi quyền hành trong gia đình do đó phụ nữ không cần đòi nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Hay như Nguyên Văn Vĩnh- chủ bút báo Đông Dương tạp chí và Trung Bắc chủ nhật– thì xưa nay phụ nữ Việt Nam vẫn được bình đẳng với nam giới nhất là trong việc tham gia vào nền sản xuất xã hội cũng như trong kinh tế gia đình, đôi khi trong gia đình “ phụ nữ cầm cả quyền đàn ông’’. Vì vậy nếu mà đòi nữ quyền( hiểu theo nghĩa chỉ là quyến được lao động như nam giới ) như châu Au là “ đòi ngược.’’

      Một số người khác thừa nhận địa vị bất bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Họ cho rằng, phụ nữ  tuy “ không đến nỗi bị bạc đãi  nhưng vẫn chỉ bị coi là vị thành niên, chung thân là vị thành niên’’ và  chủ yếu là chịu sự bất bình đẳng trong vấn đề giáo dục. Nguyên nhân của  sự bất bình đẳng đó chỉ đơn giản là do ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo, quá “ câu nệ về mấy câu sáo ngữ sách Tầu’’ coi phụ nữ  như là vật phụ thuộc vào nam giới hoặc vì “ tin vào thuyết âm dương nên cho đàn bà là âm kém hẳn đàn ông là dương… mà nhu phải thuận cương, phải tam tòng nên không chú ý đến dạy dỗ’’.( NP- 10.1917 ). Do đó thực hiện giáo dục phụ nữ là biện pháp để thực hiện sự bình đẳng nam nữ. Cũng theo khuynh hướng này có người cho rằng phụ nữ muốn được bình đẳng trước hết phải được học tập.

     Cũng có một số người như Phan Khôi hay Diệp Văn Kì cho rằng phụ nữ Việt nam đã phải chịu sự ràng buộc quá nặng nề của lễ giáo phong kiến  và sự ràng buộc đó đã làm phụ nữ chịu một địa vị bất bình đẳng, đặc biệt trong phụ nữ thuộc tầng lớp trên. Theo các ông điều này  đã gây nên nhiều nỗi bất hạnh cho phụ nữ và không còn phù hợp trong điều kiện một xã hội đang thay đổi trước ảnh hưởng của tiếp xúc văn hoá Đông -Tây và phụ nữ cần được giải phóng; “ giải phóng ở phong tục, giải phóng ở gia đình, giải phóng ở xã hội và hoàn toàn giải phóng’’.( PNTV- 1.8.1929).

     Như vậy khi đánh giá về địa vị của phụ nữ Việt Nam, nhìn chung các tác giả dù vô tình hay cố ý đều né tránh đề cập đến một điểm rất cơ bản là địa vị chính trị của phụ nữ Việt Nam , và không ai chỉ ra được rằng phụ nữ muốn giải phóng, muốn đòi nữ quyền  hay bình đẳng nam nữ trước hết cần  có một tiền đề tiên quyêt là nước nhà độc lập. Đến cuối năm 1934 đầu năm 1935, do ảnh hưởng của Đảng cộng sản và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo, trên báo Phụ nữ Tân văn bắt đầu xuất hiện những bài vạch rõ những thiếu sót, sự phiến diện  trong việc đánh giá địa vị của phụ nữ cũng như nhận thức về nữ quyền và giải phóng phụ nữ. Đồng thời  những bài báo này còn chỉ ra được mối quan hệ giữa phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ, thực chất của vấn đề phụ nữ trong chế độ thuộc địa. Đó là điều kiện sống, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm, vấn đề nhân phẩm… của phần lớn phụ nữ đang làm việc trong guồng máy kinh tế của chủ nghĩa tư bản Pháp.

 4. Kết luận

1. Những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong gia đình là một thực tế khác quan không thể phủ nhận. Điều này đã khẳng định vai trò của phụ nữ ViệtNamtrong lịch sử. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lâu dài của tư tưởng Nho giáo, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chịu một địa vị xã hội không xứng đáng với những đóng góp của họ. Chính mâu thuẫn này đã làm cho phụ nữ luôn trở thành một vấn đề xã hội, đặc biệt trong những năm đầu thế kỉ XX, dưới tác động của các chương trình khai thác thuộc địa của Pháp cũng như tiếp xúc văn hoá Đông- Tây.

2. Từ rất sớm báo chí đã đề cập đến vấn đề phụ nữ . Cùng với sự phát triển của báo chí, mối liên hệ, cũng như ý thức cộng đồng phát triển. Báo chí làm cho phụ nữ Việt Nam xích lại gần nhau hơn  trong một mối quan tâm chung về vai trò và vị trí của họ trong xã hội, đồng thời phản ánh nhận thức của của xã hội đối với phụ nữ  cũng như của bản thân phụ nữ Việt Nam về vai trò và địa vị của chính họ trong xã hội.

3. Tuy nhiên báo chí công khai ở ViệtNamtrong 30 năm đầu thế kỉ XX chủ yếu là báo chí tư nhân hoặc báo chí của chính quyền thực dân. Các tác giả phần lớn xuất thân từ tầng lớp trên, là những trí thức phong kiến hoặc những trí thức Tây học nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, do đó những đánh giá của họ về vai trò và địa vị phụ nữ Việt Nam còn nhiều hạn chế. Họ tuy phải thừa nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhưng lại nhấn mạnh vị trí của phụ nữ ở trong gia đình mà chưa thấy được khả năng to lớn của phụ nữ trong xã hội cũng như chưa thực sự đi vào  thực chất của vấn đề phụ nữ trong  một xã hội thuộc địa. Phải đến năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam đời phụ nữ Việt Nam mới được đánh giá đúng và dưới sự lãnh đạo của Đảng phụ nữ đã trở thành một lực lượng cách mạng quan trọng đảm bảo cho sự thành công của cách mạng. Và có thể nói thành công của Cách mạng tháng Tam 1945 đã thực sự mang lại địa vị bình đẳng cho  phụ nữ Việt Nam cũng như những cơ hội cho phụ nữ Việt Nam thực hiện quyền bình đẳng của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đăng cổ tùng báo. 1907

2. Đông Dương tạp chí. 1913-1917

3. Nữ giới chung. 1918

4. Nam Phong. 1917-1935 ( NP )

5. AnNam tạp chí

6. Phụ nữ Tân văn. 1929-1935 (PNTV)

7. ThanhNghị

8. Hà thành ngọ báo

9. Bác Hồ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ. H.1992.

10. Phan Bội Châu.Vấn đề phụ nữ.Phụ nữ tùng san. Huế 1929.

11. Vu Gia .Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hoá văn học. Văn hoá 95.

12. Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam.T.1.Phụ Nữ.1961.

13. Lê thị Nhâm Tuyết.Phụ nữ ViệtNam qua các thời đại. KHXH.1973.

14. Trần Quốc Vượng.Truyền thống phụ nữ ViệtNam. Phụ nữ. 1972.

Bài viết đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
Nguồn: http://vandephunu.blogspot.com/

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)