Biến đổi VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG của NGƯỜI THÁI ở miền núi tỉnh THANH HOÁ

     Miền núi tỉnh Thanh Hoá có 223.316 người Thái, chiếm 35,6% dân số các tộc người thiểu số của tỉnh 1. Người Thái có 2 nhóm tự nhận là Tày Dọ (tương đồng Thái trắng ở Tây Bắc) cư trú chủ yếu ở huyện Thường Xuân và một số xã của huyện Như Xuân; nhóm tự nhận là Tày (tương đồng Thái đen ở Tây Bắc) cư trú chủ yếu ở các huyện Quan Hoá, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh,…

     Trong những năm qua, trước sự biến đổi và phát triển diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội, văn hoá của người Thái nói riêng, của các tộc người thiểu số ở miền núi tỉnh Thanh Hoá nói chung cũng đứng trước những thách thức và tác động mạnh mẽ.

__________
1. Số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá, trên trang http://bdt.thanhhoa.gov.vn.

1. Những yếu tố tác động tới văn hoá truyền thống của người Thái

     – Có thể nói, yếu tố quan trọng đầu tiên có tác động mạnh mẽ đến văn hoá truyền thống của người Thái (và các tộc người thiểu số khác) là chế độ, thể chế chính trị xã hội. Từ sau năm 1945, những cơ cấu xã hội truyền thống của đồng bào các tộc người thiểu số về cơ bản đã bị giải thể; thay vào đó là bộ máy chính quyền mới cùng với tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể chính trị – xã hội được xác lập. Đặc biệt là với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong cả nước, các tộc người ở miền núi tỉnh Thanh Hoá nói chung đã trở thành những người làm chủ quê hương, Tổ quốc và là thành viên bình đẳng trong quốc gia đa tộc người ở Việt Nam. Rõ ràng, sự thay đổi về chính trị là một trong những nhân tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến chiều hướng phát triển mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong sự vận động chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.

     – Các chính sách của Nhà nước như chương trình xoá đói giảm nghèo, các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục (chương trình 134, 135, 30a…) đã và đang làm cho đời sống người dân thay đổi theo chiều hướng ngày càng nâng cao, làm thay đổi những phong tục tập quán và nhiều giá trị văn hoá truyền thống.

     – Sự giao lưu văn hoá giữa các tộc người đã tạo nên những tiếp ứng và tiếp biến trong các giá trị văn hoá truyền thống. Chính quá trình này đã tác động mạnh tới bản sắc văn hoá tộc người và do đặc điểm lịch sử nên sự ảnh hưởng của văn hoá Việt và Mường tới văn hoá người Thái nói riêng và các tộc người thiểu số ở miền núi Thanh Hoá nói chung ngày càng mạnh mẽ và đa dạng. Chẳng hạn, ảnh hưởng của văn hoá Mường tới văn hoá Thái có hai biểu hiện nổi bật: “Thứ nhất, là ảnh hưởng của bộ nữ phục. Bộ nữ phục Mường đã trở thành “sở hữu” chung của cả một bộ phận đáng kể phụ nữ Thái ở huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hoá,… Thứ hai, là ảnh hưởng của hệ thống hành chính của xã hội cổ truyền Mường đã lấn át hoặc len lỏi vào chính bộ máy của xã hội Thái. Có nhiều thuật ngữ trước kia là các từ Mường (chòm – làng bản, đất thín – làng của dân lệ nông, lang đạo – phìa tạo, thổ ti…) [7, 39].

     – Trong thời đại hiện nay, người dân ngày càng được/bị tiếp cận với nhiều nguồn thông tin (chính thống và không chính thống). Thông tin làm cho tính khép kín của xã hội truyền thống không còn tác dụng, tâm lí và quan niệm truyền thống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng dần thay đổi; các giá trị văn hoá mới ngày càng được người dân tiếp xúc và tiếp nhận bằng nhiều cách thức khác nhau.

     – Kinh tế thị trường đã và đang ảnh hưởng, tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Trước hết là quan niệm về giá trị được đơn giản hoá, có xu hướng “quy ra thóc” những giá trị văn hoá truyền thống. Hơn nữa, do nhu cầu của cuộc sống, sự đa dạng của sản phẩm hàng hoá và cùng với nó là lối sống, quan niệm mới cũng đã tác động mạnh mẽ tới các giá trị văn hoá truyền thống của người Thái.

     – Sự suy giảm nhanh chóng của vốn rừng và thảm thực vật đã làm cho nguồn cung cấp gỗ trở nên khó khăn, dù muốn hay không thì việc thay đổi từ tập quán ở nhà sàn sang nhà đất là một thực tế. Nghề dệt cổ truyền tuy có phát triển để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và một phần cho khách du lịch, nhưng chất lượng vải dệt chưa cao, mẫu mã chưa phong phú. Hơn nữa, tính thời trang, sự tiện ích và sang trọng của trang phục hiện đại đã ngày càng đẩy lùi những bộ trang phục truyền thống vào vùng sâu, vùng xa và chúng thường chỉ được các bậc cao niên sử dụng trong các dịp lễ tết, hội hè, cưới xin, tang ma.

     – Tính hiện đại và sự tiện ích của các loại đồ điện tử, các loại nhạc cụ mới đã tác động mạnh tới một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên. Nhiều tập quán trong lễ cưới được giản tiện do tiếp thu máy móc cách tổ chức của người Kinh. Chẳng hạn, trong lễ cưới cô dâu mặc váy nhiều tầng, loa đài, nhạc sống, v.v. làm mất đi tính truyền thống và linh thiêng của nghi lễ cưới của tộc người.

     – Trình độ học vấn phổ thông của đa số người dân Thái còn thấp, sách chữ Thái sưu tầm lưu giữ trong thư viện, chưa được chú ý dịch và xuất bản, tỉ lệ người biết chữ Thái ngày càng ít, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu văn hoá Thái, đặc biệt là người mang tộc danh Thái còn ít về số lượng và còn hạn chế về phương pháp luận nghiên cứu.

     – Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức tới sự nghiệp phát triển văn hoá của các tộc người thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Đầu tư của Nhà nước cho việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể còn ít và dàn trải, mang tính phong trào, thời vụ. Một số phòng, trung tâm Văn hoá – Thông tin huyện, nhất là các huyện vùng cao, các huyện mới chia tách, thường thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản, đào tạo lại về chuyên ngành văn hoá nên trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ còn thụ động, thiếu bài bản.

     – Tác động của các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,… ngày một mạnh mẽ, đặc biệt là ở các vùng dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, dọc theo đường biên giới. Điều này đã ảnh hưởng tới lối sống thuần hậu, phóng khoáng, thật thà của người dân Thái, với đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là thanh, thiếu niên.

     – Các công trình thuỷ lợi – thuỷ điện được xây dựng trên địa bàn cũng đã tác động mạnh tới không gian văn hoá Thái của một khu vực rộng lớn, đặc biệt là vùng lòng hồ (thuỷ lợi, thuỷ điện Cửa Đặt ở huyện Thường Xuân; thuỷ điện Trung Sơn, thuỷ điện Hồi Xuân ở huyện Quan Hoá). Dù người dân có được nhà nước quan tâm đầu tư để tái định cư, ổn định sản xuất thì cái được chủ yếu là ở khía cạnh kinh tế – xã hội; yếu tố văn hoá của tộc người sẽ không còn nguyên trạng, thậm chí bị phá vỡ do không gian sinh tồn của con người – chủ nhân sáng tạo nền văn hoá – đã bị tái cấu trúc.

2. Những biến đổi của văn hoá truyền thống của người Thái

     – Về văn hoá vật chất:

     Văn hoá vật chất cũng là lĩnh vực có sự thay đổi nhanh nhất. Bởi nó gắn bó mật thiết và đáp ứng tức thời các nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. Có thể thấy, ngày nay phương thức sản xuất ở người Thái đã có sự biến đổi rất rõ so với phương thức canh tác, sản xuất truyền thống trước đây. Biểu hiện rõ nhất là ở công cụ sản xuất và kĩ thuật canh tác, cơ cấu sản xuất. Qua những chuyến điền dã mà chúng tôi có dịp tiến hành trong những năm gần đây cho thấy nhiều gia đình người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hoá đã sử dụng các công cụ sản xuất cải tiến và máy móc cơ giới. Một số gia đình khá giả đã mua được máy tuốt lúa dậm chân (thay cho việc đạp lúa, tuốt lúa thủ công trước đây), máy bơm nước xách tay, máy phát điện mini chạy bằng nguồn nước tự nhiên. Cơ cấu giống cây trồng cũng đã được thay đổi, cây lúa nếp đã được thay dần cây lúa tẻ, một số giống cây, con mới có năng suất cao đã được áp dụng vào sản xuất.

     Phương tiện đi lại ngày nay đã tương đối phổ biến bằng xe đạp và số hộ có xe máy cũng đang ngày một tăng. Đồ dùng bằng các sản phẩm công nghiệp như các công cụ nấu ăn bằng kim loại, bát đĩa sứ, đài, tivi, máy khâu, v.v. được sử dụng phổ biến.

     Cấu trúc làng mạc, nhà ở – một loại hình văn hoá vật chất in đậm bản sắc văn hoá truyền thống cũng đã có những biến đổi rất rõ rệt. Nhất là tại các khu vực gần thị trấn, thị tứ hay gần trục lộ giao thông đã xuất hiện những loại hình thức cư trú mới; đó là những thôn xóm được quy hoạch theo kiểu đường phố hoặc làng phố. Có thể nói, ngày nay nhà cửa của người Thái đã có những thay đổi cơ bản. Nhiều nơi, ngôi nhà sàn truyền thống mái lợp cỏ tranh hay lá cọ nay đã thay bằng mái ngói. Kiểu nhà sàn to rộng và thoáng mát trước đây nay được làm không còn quá rộng, vừa tốn kém vừa thừa diện tích.

     Văn hoá ẩm thực, thói quen về đồ ăn, thức uống của người Thái cũng đã có sự thay đổi rất nhiều so với truyền thống trước đây. Ở đồng bào các tộc người thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều những thực phẩm, đồ ăn, thức uống công nghiệp. Nhất là khi môi trường đang ngày bị thu hẹp, tài nguyên rừng không còn đáp ứng đủ cho cuộc sống con người, động thực vật – nguồn cung cấp tự nhiên ngày càng ít đi. Có thể nói, ngày nay bữa cơm nếp truyền thống được đồng bào thay dần bằng bữa cơm tẻ; món cơm lam truyền thống gần như mất dần trong cuộc sống đời thường và chỉ còn hiện diện trong dịp lễ tết, hội hè, giao lưu, trình diễn văn hoá dân tộc như để nhớ về nét riêng trong văn hoá dân tộc mình. Các đồ uống như rượu cần cũng đang có xu hướng ngày càng bị thu hẹp dần phạm vi sử dụng.

     Về trang phục: hiện nay cả nam và nữ người Thái đều ưa dùng quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp như ở vùng xuôi. Theo đó, nghề trồng bông dệt vải mất dần và các khung dệt vải, các công cụ thêu thùa, căng nhuộm vải cũng đang dần vắng bóng trong các gia đình. Tuy nhiên, ở lớp người trung niên và người cao tuổi thì trang phục truyền thống vẫn là cách ăn mặc được nhiều người ưa chuộng.

     – Về văn hoá tinh thần:

     Trước hết, cần phải khẳng định sự thay đổi trong các sinh hoạt văn hoá ở người Thái bắt đầu diễn ra từ sau năm 1945 và nhất là sau hoà bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), khi mà đồng bào các tộc người thiểu số cùng nhân dân cả nước bước vào xây dựng một xã hội mới. Trong quá trình phát triển đi lên ấy, một số loại hình văn hoá truyền thống do chưa được nhận thức đúng hoặc là do chúng ta chủ quan cho nó không phù hợp với xã hội mới nên đã áp đặt, cưỡng chế không cho tồn tại. Vì vậy, trên thực tế nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống không tồn tại nữa, kể cả những sinh hoạt văn hoá dân gian rất đáng được trân trọng và cần được giữ gìn phát huy.

     Đầu tiên phải kể đến tiếng nói và chữ viết – một di sản cực kì quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của các tộc người. Thế nhưng hiện nay chữ viết và tiếng nói của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp dần phạm vi sử dụng, thậm chí một số tộc người đang rơi vào tình cảnh mất hẳn tiếng mẹ đẻ và chữ viết. Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích để phát triển tiếng nói và chữ viết của đồng bào các tộc người thiểu số, đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thể nghiệm giáo dục nhằm duy trì và phát triển tiếng nói và chữ viết cho các tộc người, đặc biệt là lớp trẻ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đáng chú ý là do thời đại ngày nay mọi sách báo, kho tàng kiến thức, các thông tin đại chúng đều bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Những kiến thức đó cần và hữu dụng đối với cuộc sống hiện đại. Có lẽ trừ các nhà nghiên cứu, còn không ai mất nhiều công sức để đi tìm và dịch một câu thơ hay truyện cổ bằng chữ dân tộc. Mặt khác, vấn đề đào tạo thầy, tài liệu giảng dạy, trang thiết bị dạy học, dạy ở cấp nào là phù hợp vẫn là chuyện phải tiếp tục bàn mà nhiều cuộc hội thảo, sơ kết, thể nghiệm vẫn chưa thống nhất được. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là ai học? Liệu các em học sinh người dân tộc thiểu số có thích học chữ dân tộc mình không? Và học để làm gì? Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là hiện nay lớp thanh niên của đồng bào các tộc người còn có tâm lí tự ti, xấu hổ khi nói tiếng của tộc người mình trước đám đông, trong giao tiếp xã hội. Hình như họ đang cố giấu đi nguồn gốc tộc người của mình thông qua việc ăn mặc, ứng xử theo lối của người Kinh, nói tiếng Kinh, thậm chí một số người còn quan niệm càng “Kinh hoá” bao nhiêu càng tự hào bấy nhiêu. Có thể nói, đây là một hiện thực đáng để chúng ta suy nghĩ.

     Những câu hỏi ở dạng tương tự như vậy trên thực tế chưa được trả lời và cũng chưa có cuộc điều tra khoa học nào thống kê, đánh giá tác hại của nó. Song rõ ràng xu hướng phát triển tiếng dân tộc và chữ viết của họ như thế nào thì đã quá rõ. Đó là tiếng nói và chữ viết của các tộc người thiểu số đang bị lép vế, chèn ép và thu hẹp dần theo không gian và thời gian. Hiện tượng sử dụng song ngữ ở vùng người Thái và đồng bào các tộc người thiểu số nói chung là rất phổ biến.

     Các thể loại văn học dân gian dưới sự tác động của kinh tế thị trường và sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại cũng đang bị co dần lại. Việc sưu tầm các vốn văn hoá tinh thần trong dân gian như truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ,… tuy được Nhà nước tạo điều kiện vẫn gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ ngày càng bị mai một vì nó chỉ còn được lưu giữ ở lớp người cao tuổi, trong khi quỹ thời gian của đối tượng này còn rất ngắn.

     Các hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian, múa hát dân ca như múa Xoè, hát đối đáp của người Thái (còn gọi là khắp Thái), trước đây rất phổ biến trong các sinh hoạt văn hoá làng bản, nhưng ngày nay nó chỉ hiện diện chủ yếu trong các dịp diễn ra lễ hội và các phiên chợ văn hoá, hoặc các ngày hội văn hoá thể thao do các cơ quan văn hoá địa phương tổ chức.

     Phần được coi là “bền vững” nhất trong đời sống tinh thần là yếu tố tâm linh, đời sống tôn giáo tín ngưỡng… cũng đang có những chuyển dịch, biến đổi rất đáng được chú ý. Các hình thức tôn giáo tín ngưỡng truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại cho tới ngày nay. Nhiều hình thức tín ngưỡng vẫn có sức sống và trong nhiều trường hợp có tác động rất lớn đối với đời sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Đặc biệt, những nghi lễ, tín ngưỡng gắn liền với các phong tục, tập quán, lễ hội hiện đang ngày càng có xu hướng phục hồi. Đây là vấn đề cần được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí văn hoá xem xét một cách nghiêm túc trong thực tiễn xây dựng đời sống văn hoá mới ở địa phương.

     – Về văn hoá xã hội:

     Có thể nói, ngày nay cùng với những chuyển biến về kinh tế ở người Thái tỉnh Thanh Hoá đã kéo theo sự thay đổi mạnh mẽ về văn hoá – xã hội. Gia đình – tế bào của xã hội đang thực sự có những chuyển dịch rất rõ rệt và nhanh chóng. Mô hình gia đình gồm nhiều thế hệ (ông, bà, bố, mẹ, con, cháu) đang dần phân nhỏ ra do tác động về điều kiện không gian cư trú, đất sản xuất bị thu hẹp, do điều kiện phải tìm kế sinh nhai và phát triển kinh tế. Các quan hệ dòng họ, huyết thống, sở hữu ruộng đất của dòng họ cũng đang có sự thay đổi ở các mức độ khác nhau; các quan hệ thân tộc, láng giềng có chiều hướng thưa dần sự qua lại giao lưu tình cảm, bởi sự đốc thúc về kinh tế, chạy đua làm giàu, phát triển kinh tế. Điều này càng rõ nét hơn ở khu vực thị trấn, thị tứ, ven đường giao thông.

     Ngày nay cùng với việc thực hiện dân chủ hoá ở cơ sở, các địa phương, các cộng đồng tộc người và cá nhân, gia đình ngày càng có quyền tự do hơn, rộng mở hơn. Quan hệ xã hội, cá nhân, gia đình, cộng đồng, dòng họ đã dân chủ hơn, bình đẳng hơn. Có thể nói, không khí dân chủ đã thổi một làn gió mới trong các sinh hoạt văn hoá xã hội. Dù vậy, một số mặt, khía cạnh, thành tố tạo thành văn hoá xã hội vẫn được bảo tồn, dĩ nhiên là nó đã mang trong mình những nhân tố mới. Chẳng hạn, ngày nay tuy người đàn ông trong gia đình người Thái vẫn nắm giữ quyền lực, nhưng không thể độc đoán như trước đây và không thể không lắng nghe, xem xét những ý kiến xác đáng, hợp lí của các thành viên trong gia đình; ngày nay các phong tục cưới xin, ma chay, hiếu hỉ,… vẫn được duy trì nhưng đã bớt đi phần nghi lễ rườm rà phức tạp. Điều mà bất cứ ai có dịp đến vùng này đều dễ dàng nhận thấy là cách tư duy, cách làm ăn, các quan hệ xã hội đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực và tiến bộ. Các yếu tố mới của thời đại đã và đang từng bước thâm nhập làm chuyển đổi, thay thế dần các yếu tố lạc hậu, phong tục, tập quán cản trở sự tiến bộ.

     Trong sự nỗ lực xây dựng một thiết chế văn hoá của thời đại mới, trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống, những năm đổi mới đã mang đến một không khí sôi nổi phấn khởi trong hàng loạt các sinh hoạt văn hoá. Những năm gần đây, với nhận thức đúng về vai trò của lễ hội đối với đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, của các cấp chính quyền và ngành Văn hoá – Thông tin, nên các sinh hoạt lễ hội truyền thống của người Thái ở miền núi tỉnh Thanh Hoá có xu hướng được khôi phục và phát triển trở lại nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho một bộ phận cư dân sống ở vùng núi, vùng cao 1. Song, cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, lễ hội có sự phục hồi, phát triển và biến đổi trong điều kiện của xã hội mới. Có thể nói, trong môi trường lễ hội mới, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian mang tính lành mạnh, vui tươi của đồng bào Thái đã và đang có điều kiện để được tái diễn, phát huy. Phần lớn các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian trong lễ hội các Dân tộc được khôi phục theo xu hướng chuyển hoá và mở rộng quy mô, mở rộng không gian. Một sự biến đổi khác trong các lễ hội hiện nay là phần nghi lễ ngày càng được đơn giản hoá, không còn các nghi lễ cúng tế kéo dài nhiều ngày gây tốn kém về tiền bạc, của cải vật chất và ảnh hưởng đến sản xuất như trước đây. Phần lễ trong lễ hội có phần giảm xuống, còn phần hội lại có xu hướng tăng lên và đóng vai trò chủ đạo trong lễ hội. Các cuộc chơi với nhiều trò diễn dân gian như ném còn, hát giao duyên vì thế đã thực sự là phần chủ đạo trong lễ hội, do vậy nó đã thu hút được đông đảo mọi người tham gia.

     Tóm lại, sự phát triển, biến đổi là quy luật của bất kì một sự kiện, hiện tượng nào. Văn hoá cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Bên cạnh việc duy trì những đặc trưng văn hoá truyền thống, văn hoá Thái đã có những biến đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt, tiếp thu những nét độc đáo của các nền văn hoá khác, đặc biệt là của dân tộc Kinh, bổ sung và làm phong phú thêm bản sắc văn hoá truyền thống, đồng thời loại bỏ những phong tục, tập quán lỗi thời, lạc hậu, điển hình như việc áp dụng các kĩ thuật canh tác tiên tiến mang lại năng suất cao trong sản xuất. Mặt khác, sự biến đổi của văn hoá Thái cũng đã có những biểu hiện của sự mất dần bản sắc truyền thống, lớp trẻ hiện nay không thiết tha với văn hoá tộc người.

     Có thể nói, văn hoá là phạm trù lịch sử, là một hình thái ý thức xã hội có môi trường phát sinh, có điều kiện phát triển và biến đổi, được quyết định bởi đặc thù của nền kinh tế. Sự biến đổi các giá trị văn hoá của dân tộc Thái chịu tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính phải kể đến là sự tác động của các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Điều này đã giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gián tiếp từng bước làm thay đổi các giá trị văn hoá. Vì vậy, việc xây dựng, tổ chức và quản lí tốt các hoạt động văn hoá truyền thống của đồng bào sẽ góp phần to lớn vào xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đồng thời sẽ phát huy tốt những ảnh hưởng tích cực của văn hoá truyền thống vào đời sống xã hội hiện nay.

___________
1. Trong những năm qua, một số lễ hội của người Thái được phục dựng như: Lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân); Lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn); Lễ hội Căm Mường (ở các xã Văn Nho và Kỳ Tân, huyện Bá Thước)…

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Vi Văn An, Thiết chế xã hội truyền thống của người Thái ở miền Tây Nghệ An, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Viện Dân tộc học, Hà Nội, 1999.

2. Vương Anh, Tiếp cận văn hoá bản Thái xứ Thanh, Sở Văn hoá – Thông tin Thanh Hoá, Thanh Hoá, 2001.

3. Attha Nantachukra, Các giá trị văn hoá vật chất của người Thái ở miền núi Nghệ An, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội, 2000.

4. Vi Văn Biên, Văn hoá vật chất của người Thái ở Thanh Hoá và Nghệ An, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2006.

5. Ngô Hoài Chung, Xây dựng đời sống văn hoá ở miền núi Thanh Hoá, Văn hoá nghệ thuật, số 12, tr. 36-39, 2003.

6. Vũ Trường Giang, Tri thức bản địa của người Thái ở miền núi Thanh Hoá, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học KHXH & NV, Hà Nội, 2009.

7. Lê Sĩ Giáo, Đặc điểm phân bố các tộc người ở miền núi Thanh Hoá, Dân tộc học, số 2, tr. 37-43, 1991.

8. Lê Hồng Lý (chủ nhiệm), Sự biến đổi của văn hoá tộc người Thái ở Tây Bắc trong thời kì đổi mới, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Nghiên cứu văn hoá, Hà Nội, 2009.

9. Mai Thanh Sơn – Chu Tuấn Thanh, Mấy suy nghĩ về một số biến đổi trong văn hoá vật chất của người Thái ở Quỳ Châu, Dân tộc học, số 1, tr. 46 – 54, 2001.

10. Cầm Trọng – Phan Hữu Dật, Văn hoá Thái ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

VŨ TRƯỜNG GIANG 1

__________
1. TS, Học viện Chính trị khu vực II TP Hồ Chí Minh.