Chuyển dịch CƠ CẤU KINH TẾ theo hướng THÍCH ỨNG HIỆU QUẢ với BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ở khu vực ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG
(Học viện Chính trị Khu vực)

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một hiện tượng đã và đang diễn biến trong quá khứ cũng như hiện tại và được dự đoán là có thể biến động nhanh hơn trong tương lai. Sự gia tăng quá nhiều chất khí do các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp vào bầu khí quyển đã gây nên hiệu ứng nhà kính và hệ quả là tạo nên hiện tượng nóng lên toàn cầu làm băng tan ở hai cực, cũng như những mảng băng trên các dãy núi cao tan nhanh hơn khiến mực nước biển đã và đang dâng cao. Từ đó, cán cân tuần hoàn nước thay đổi làm đe dọa toàn bộ hệ sinh thái hiện hữu, đặc biệt là các vùng đất đồng bằng thấp và các vùng ven biển. Việt Nam là một quốc gia có chiều dài đường bờ biển là 3.260 km, với hơn 75% dân số sống tập trung ở các vùng ven biển, các tổ chức như IPCC (Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu), Word Bank (Ngân hàng Thế giới) và các tổ chức nghiên cứu khác đánh giá Việt Nam là 1 trong 3 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng gây ra, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được cảnh báo là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng.

     Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học, toàn vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ chịu tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, hoạt động sản xuất nông, ngư nghiệp của hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL, theo các khía cạnh như sau:

     BĐKH đang tác động đến nguồn nước, ngập úng, xâm nhập mặn, hạn hán, chế độ thủy triều, v.v. Từ đó, tác động mạnh đến nền kinh tế của khu vực, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: năng suất, diện tích, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi khi không thích ứng kịp thời với những BĐKH; các cơ sở hạ tầng bị phá hủy do sạt lở, lũ lụt, hạn hán.

     Theo các chuyên gia dự báo về mức độ ảnh hưởng của BĐKH trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng lên 1oC sẽ làm giảm 10% năng suất lúa, giảm 5 – 20% năng suất các loại cây họ đậu. Còn nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì sẽ có 70% diện tích lúa ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5 – 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán làm tăng áp lực dịch hại trên cây trồng; mật số sâu bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế. Các tỉnh ven biển như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là những tỉnh chịu tác động lớn nhất của BĐKH. Đơn cử như Trà Vinh, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triễn Nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong những năm gần đây, hiện tượng nước dâng gây tràn ngập hệ thống đê sông và đê kênh mương các cấp rất trầm trọng1. Theo quan trắc, khảo sát mực nước biển những năm qua cho thấy, đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước, kèm theo đó là thiệt hại diện tích đất sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng tăng theo. Chẳng hạn, nếu năm 2007 thiệt hại hơn 4.880 ha, thì năm 2008 thiệt hại hơn 14.790 ha, năm 2010 thiệt hại hơn 15.800 ha, thì năm 2011 với đỉnh triều đạt + 2,1m tại cửa Duyên Hải đã gây ra thiệt hại trên 19.600 ha2.

     Ngập úng: BĐKH đã làm chế độ ngập lũ sông Mê Kông đổ về hạ lưu ngày càng mãnh liệt, lượng mưa tăng làm cho diện tích đất ngập sâu ngày càng mở rộng. Triều cường kết hợp mưa nhiều đã làm 100.000ha nằm ngoài các đê bao tại ĐBSCL bị ngập từ 10 – 40 cm, chủ yếu là đất trồng cây ăn quả. Nước ngập xảy ra ngay trong mùa khô gây trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt của người dân sống ngoài vùng đê bao.

     Xâm nhập mặn: nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH, lũ không về hoặc có về nhưng ở mức thấp đã làm cho ĐBSCL cũng đứng trước nguy cơ mất mùa lũ khiến cho vùng bị xâm nhập mặn nặng. Tình trạng khô hạn kéo dài, đặc biệt là vào mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã diễn ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, làm cho diện tích canh tác nông nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ bị suy giảm, sức đề kháng của vật nuôi giảm đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát, hiện tượng này gần đây lại có khuynh hướng ngày càng lấn sâu hơn vào đất liền. Bên cạnh đó, lũ ít hoặc không về sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của những người đang hưởng lợi từ lũ, sẽ không còn sự bồi lắng phù sa do các trận lũ mang lại, đồng thời không còn khả năng bồi đắp đất làm cho cao độ của đồng bằng bị hạ thấp dần so với mực nước biển, v.v.

     Nông dân, ngư dân, diêm dân và người dân nghèo đô thị sẽ là đối tượng chịu nhiều bị tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng tối thiểu, thiếu sự sở hữu tài nguyên, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi thời tiết – khí hậu. Sẽ có sự di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây (như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An, v.v.). Điều này khiến các kế hoạch, quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số3 .

     Vì vậy, để ứng phó hiệu quả với những tác động tiêu cực đó của quá trình BĐKH, ĐBSCL trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giảm bớt tỷ trọng của các ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các ngành phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu, v.v.) mà tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp, dịch vụ.

     Cơ cấu kinh tế của một quốc gia không những thể hiện đặc điểm của nền kinh tế đó mà còn thể hiện trình độ phát triển của nền kinh tế. Một cơ cấu kinh tế hiện đại báo hiệu quốc gia đó có trình độ phát triển kinh tế cao. Hiện nay, xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trên toàn thế giới là tăng dần tỷ trọng của công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi của cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với môi trường phát triển của lực lượng sản xuất thúc đẩy phân công lao động xã hội. Từ đó, để tránh những tác động gây hậu quả nặng nề đến đời sống sản xuất của người dân vùng ĐBSCL thì việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển những ngành sản xuất hiện đại không chịu tác động của những thiên tai bão, lũ và nước biển dâng là rất cần thiết.

     Với những lý do trên, bài viết đề xuất một số định hướng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, như sau:

     Thứ nhất là, chuyển từ sản xuất các nông sản có giá trị thấp và tiềm năng thị trường hẹp sang các sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường lớn; chuyển từ tập trung đầu tư vào các công đoạn sản xuất sang đầu tư cả cho những khâu tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sau thu hoạch; chuyển từ chỉ thúc đẩy sản xuất, kích cung sang hỗ trợ cầu; chuyển từ nông nghiệp thâm dụng tài nguyên sang nông nghiệp thâm dụng khoa học công nghệ, huy động tài nguyên con người; chuyển từ nông hộ tiểu nông sang phát triển kinh tế hợp tác, chuyên môn hóa cao, gắn kết cả ngành hàng tại các vùng chuyên canh. Hiện đại hóa công nghiệp bảo quản, chế biến; ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. Phát triển các khu công nghiệp, các cụm, nhóm sản phẩm công nghiệp và dịch vụ chung cho toàn vùng; thực hiện liên kết và phân bố công nghiệp hợp lý trên toàn vùng, đảm bảo phát triển cân đối và hiệu quả giữa các địa phương.

     Thứ hai là, tăng cường hoàn thiện đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) hiện có; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng cần thiết cho phát triển các KCN mới ở giai đoạn tiếp theo; phát triển các KCN đồng bộ với đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các cơ sở dạy nghề, các công trình hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao, v.v. tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là lao động di cư từ nơi khác đến các KCN tập trung trong vùng. Với đặc điểm tự nhiên sông nước của vùng, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần thiết lập các biện pháp và quy định bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, chống lũ lụt và thủy lợi hiệu quả. Cần đảm bảo gắn kết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường bền vững, đảm bảo chất lượng đời sống cho người dân, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

     Thứ ba là, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, khoáng sản, rừng, v.v. vào mục đích cải tạo và xây dựng đô thị. Xác định, bảo vệ và duy trì hệ khung thiên nhiên gồm rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, hệ thống vườn quốc gia, cây xanh mặt nước v.v. gắn với đặc điểm của điều kiện tự nhiên trong vùng và trong mỗi đô thị.

     Thứ tư là, đẩy mạnh việc huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư cho công nghiệp hóa và phát triển đô thị. Có chính sách khuyến khích để huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Hướng đầu tư để cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như giao thông, cầu cống, bến cảng, sân bay, điện nước, viễn thông, v.v. nhằm tạo cơ sở ban đầu cho các nhà đầu tư đồng thời thúc đẩy sự giao lưu, kết nối giữa vùng với các bộ, ngành có liên quan, với Trung ương và các địa phương khác. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020; trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; sử dụng và tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật có quy mô lớn, đồng bộ và hiện đại. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ đất đai; ban hành chính sách khuyến khích đầu tư kết hợp với tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng; phát triển thị trường tài chính; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư. Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP, v.v. tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản.

     Thứ năm là, nhanh chóng đưa các nguồn tài nguyên đang bị bỏ phí vào sản xuất nông nghiệp như đất ở các khu dự án công nghiệp thuộc dạng quy hoạch treo; huy động, xã hội hóa các nguồn lực dân cư để xây dựng, phát triển giao thông nông thôn và thủy lợi nhỏ trong chương trình nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế vào các hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân và doanh nghiệp, tăng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ và khuyến nông, đẩy mạnh triển khai cơ chế đấu thầu các đề tài nghiên cứu.

     Thứ sáu là, tập trung đầu tư kết hợp cải tiến tổ chức, phát triển toàn diện chuỗi ngành hàng (từ sản xuất, chế biến đến buôn bán) đối với những ngành có lợi thế như lúa gạo, cá da trơn ở ĐBSCL, cây ăn trái có giá trị cao tại các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu trọng điểm (theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, v.v.). Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh và hệ thống kho tàng, chế biến, vận chuyển, tiếp thị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm giá thành nông sản.

     Thứ bảy là, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện kịp thời các loại bệnh dịch nguy hiểm, nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn nhằm ứng phó với BĐKH; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường, làm cơ sở cho công tác điều hành và dự báo thị trường; tiến hành bảo hiểm sản xuất nông nghiệp; xử lý dứt điểm, cổ phần hóa và sắp xếp lại các doanh nghiệp nông lâm nghiệp nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng đất bằng cách làm rõ đối tượng quản lý và sử dụng có hiệu quả cao nhất…

     Tóm lại, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển, và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước, trước hết là vùng Đông Nam bộ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GRDP (Gross Regional Domestic Product) và cơ cấu lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL là một tất yếu khách quan trong tiến trình hội nhập và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, khai thác có hiệu quả lợi thế cạnh tranh về sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững của vùng.

_________
1
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam.

2 Viện Khoa học Khí tượng Thủy vãn và Môi trường.

3 Viện Khoa học Khí tượng Thủy vãn và Môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục ứng phó với BĐKH, Hà Nội, 2013.

2. Diễn đàn trao đổi BĐKH khu vực Mekong, Lồng ghép BĐKH vào kế hoạch và chương trình phát triển ngành, 2009.

3. Giáo trình BĐKH và tăng trưởng xanh, Nxb. Tài nguyên và Môi trường, 2013.

4. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, BĐKH và tác động ở Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, 2013.

5. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Báo cáo về ảnh hưởng của nước biển dâng đến ngập lụt và xâm nhập mặn đối với ĐBSCL, Bộ NN&PTNT, 2012.

6. Niên giám thống kê 2010 – 2015 và 2016 của Tổng cục Thống kê.

7. Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Cần Thơ. ISSN: 1859-025X, T. 63, S. 01 (2018)

Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)