DANH NGÔN VUI trong TIẾNG VIỆT nhìn từ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG NGỮ NGHĨA (Phần 2)

TS. TRẦN KIM PHƯỢNG
MAI THANH DUNG

3. Danh ngôn vui nhìn từ phương diện lập luận

     Danh ngôn vui không chỉ là những lời nhận xét thông thường phản ánh cuộc sống với mục đích mua vui mà nó còn trao gửi những chiêm nghiệm, triết lí, bài học về cuộc sống. Vì vậy, danh ngôn vui đi vào lòng người, khiến người ta thích thú không chỉ vì tính hài hước mà còn vì tính trí tuệ ở trong nó. Để đi tới một cái đích như thế, danh ngôn vui đã sử dụng linh hoạt những phương thức lập luận khác nhau. Đó là các phương thức gây hiệu quả lập luận bằng sự định nghĩa, sự so sánh, sự miêu tả, sự trích dẫn, sự lặp lại, sự liên tưởng, sự đối xứng, đối lập, sự đảo trật tự… Danh ngôn vui là một lối nói có hàm ý.

     3.1. Dùng cấu trúc định nghĩa

     Phương thức định nghĩa là cách thức mà trong đó người phát ngôn sử dụng kiểu câu định nghĩa hoặc lối nói đồng nhất giữa hai hay nhiều đối tượng để làm rõ một khái niệm. Định nghĩa một khái niệm nào đó vốn là nhiệm vụ của Từ điển học. Nhưng đó là cách định nghĩa theo kiểu cung cấp tri thức khoa học với cái nhìn biện chứng của triết học và lô gích học. Còn định nghĩa trong danh ngôn vui lại mang đến một nội dung hoàn toàn mới lạ, bất ngờ, vì cách định nghĩa này không nêu lên thuộc tính vốn có bên trong của sự vật, tuy nhiên, nó vẫn “có lí” theo một cách nhìn nhận nhất định.

      Thứ nhất, danh ngôn vui định nghĩa một vấn đề bao gồm thêm tính chất khác (có thể liên quan hoặc không liên quan) đến vấn đề ấy:

(94) Tính khiêm tốn là một dạng tự kiêu ít làm người xung quanh khó chịu.

     Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, “khiêm tốn” là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ [6, 381]. Rõ ràng, ta thấy sự đối lập nhau trong cách sử dụng từ ngữ trong khái niệm khiêm tốn. Trong từ điển: “khiêm tốn: là không tự đề cao, không kiêu căng“, trong khi danh ngôn vui nói: khiêm tốn một dạng tự kiêu… Nhưng suy cho cùng tự kiêu ít làm người xung quanh khó chịu cũng gần như không kiêu căng, tự phụ (bởi kiêu căng tự phụ bao giờ cũng làm người xung quanh khó chịu). Câu danh ngôn vui đi đến hàm ý: Chúng ta nên học cách khiêm tốn.

      Ngoài ra, trong mô hình câu C là V, chúng ta còn bắt gặp nhiều câu tương tự như: Hạnh phúc, đó là khi không cần biết hôm nay là thứ mấy; Hôn nhân là chàng trai trẻ mua rau thay vì mua hoa... Bên cạnh việc đưa ra những cách định nghĩa đơn giản, hóm hỉnh về những giá trị tinh thần, danh ngôn vui muốn kết luận rằng: hạnh phúc đó là khi không phải quan tâm đến thời gian, còn hôn nhân là dấu chấm hết cho sự lãng mạn để trở về với thực tại.

     Thứ hai, danh ngôn vui biểu hiện mối quan hệ giữa hai đối tượng vốn không liên quan đến nhau:

(95) Đối với các chân dài, đại gia là những máy ATM di động.

     Đại gia theo định nghĩa của từ điển là nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn hoặc người tài giỏi, có tên tuổi trong một lĩnh vực nào đó [3, 205]. Còn máy ATM là máy rút tiền tự động (viết tắt của từ Automatic Teller Machine trong tiếng Anh). Câu danh ngôn vui đã thực hiện sự đồng nhất hai đối tượng tưởng như hoàn toàn không liên quan đến nhau là đại giamáy ATM. Chân dài đã làm cầu nối “nối kết” hai đối tượng này. Cách định nghĩa ấy cốt để đưa ra một kết luận hàm ẩn là: đối với người đẹp, thì đại gia là nơi để họ rút tiền mặt hay thanh toán tiền hàng hóa ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Câu danh ngôn vui đã hiện thực hóa, đồng thời hài hước hóa mối quan hệ giữa chân dài – đại gia trong xã hội hiện đại. Đây cũng là tiếng nói châm biếm hai kiểu người: đàn ông giàu mê sắc, con gái đẹp mê tiền.

Thế nào là không công thành danh toại? Đó là khi ta đã tứ thập mà bồ của ta cũng ngoài bốn mươi. (Thí dụ 80 đã dẫn).

     Danh ngôn vui này được kiến tạo từ hai câu riêng lẻ. Câu đi trước là câu hỏi gợi vấn đề. Câu đi sau trả lời cho vấn đề đó. Có thể hiểu hàm ý của câu bằng cách bỏ đi từ phủ định: Người công thành danh toại là người khi mình 40 tuổi thì bồ của mình dưới bốn mươi. Như vậy, câu danh ngôn vui bổ sung một tiêu chí cho người công thành danh toại, ngoài những tiêu chí truyền thống (chẳng hạn: giỏi giang, đỗ đạt và làm ra nhiều tiền): Người công thành danh toại là người có bồ trẻ. Và đây trở thành một định nghĩa mới cho người đàn ông thời hiện đại.

     3.2. Dùng cấu trúc so sánh

     So sánh là lấy đối tượng này để làm rõ đối tượng kia, thông qua những điểm giống và khác nhau. So sánh trong danh ngôn vui có sự đối chiếu giữa hai đối tượng không có nhiều nét tương đồng để đưa ra những kết luận bất ngờ.

     Phương thức so sánh thường được sử dụng trong những phát ngôn lập luận có cấu tạo thuộc kiểu câu so sánh.

     Thí dụ:

(96) Tìm ý nghĩa cuộc sống cũng tương tự như cố công phát minh ra động cơ vĩnh cửu.

      Ta có một tiền giả định: Động cơ vĩnh cửu, và ai cũng hiểu được đó là: một thiết bị cơ khí do con người tưởng tượng ra, với hi vọng là động cơ này có thể tự hoạt động mãi mãi mà không cần cung cấp năng lượng; do đi ngược lại với nguyên tắc của định luật khoa học (định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng), động cơ vĩnh cửu là vấn đề không tưởng. Như vậy, sau phép so sánh thì cái đích cuối cùng của câu danh ngôn vui là nhằm khẳng định: rất khó, hay nói chính xác hơn là không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Đây là một trong số rất ít những câu danh ngôn vui thể hiện cái nhìn bi quan về cuộc đời. Bên cạnh những câu lạc quan, nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng thì việc nhận ra mặt tiêu cực của cuộc sống cũng là điều cần thiết.

(97) Uống chúc sức khỏe cũng giống như đánh nhau vì hòa bình.

     Câu danh ngôn vui gồm hai vế được nối kết với nhau bằng từ so sánh giống như. Vế thứ nhất là vế so sánh (gọi là A), vế thứ hai là vế được dùng để so sánh hay chuẩn so sánh (gọi là B). Chúng ta có các tiền giả định như sau:

Vế B: đánh nhau là một việc xấu, hòa bình là một điều cao đẹp.

Vế A: chúc sức khỏe là một điều tốt đẹp, uống – việc không xấu.

     Bằng phương thức so sánh, người phát ngôn đã đưa ra kết luận: Uống chúc sức khỏe (vốn không xấu) là một việc xấu. => Hàm ý: làm một việc xấu vì một lí do cao đẹp.

     Có thể nhận thấy, ngoài phương thức so sánh, người nói còn sử dụng những đối lập trong lập luận để tạo tiếng cười. Rõ ràng, câu danh ngôn vui góp một cái nhìn khá hóm hỉnh về thú vui uống bia rượu của đàn ông.

     Ngoài ra còn có những so sánh thật mạnh dạn giữa các phạm trù không mấy liên quan, ít người nghĩ tới, song cũng chính vì vậy mà chúng thật hài hước:

(98) Danh dự như trinh tiết, mất là không thể vá lại được.

(99) Yêu vì sex thì chẳng khác gì mua cả con bò cái chỉ vì thích uống sữa.

     3.3. Dùng sự trích dẫn, mô phỏng

     Ở những phát ngôn trong đời thường, đặc biệt là những đối thoại tranh luận nhằm chứng minh, thuyết phục điều gì đó, người ta thường trích dẫn một ý kiến quan trọng, một câu nói được xem như chân lí mà nhiều người biết đến để nâng cao hiệu quả lập luận. Trong danh ngôn vui, chúng ta thường gặp những câu mô phỏng cấu trúc của danh ngôn chính thống một cách sáng tạo, hoặc một vế trong danh ngôn vui là một câu nói quen thuộc có tính chân lí cao. Thí dụ:

(100) Im lặng là vàng nên hòn đất nào cũng chẳng biết nói năng.

     Lập luận trên có thể trình bày theo tam đoạn luận:

Im lặng là vàng. (Đại tiền đề)

Hòn đất không biết nói -> Hòn đất im lặng (Tiểu tiền đề)

=> Hòn đất là vàng. (Kết luận)

     Tiểu tiền đề trong câu này là một biến thể ca dao (Hòn đất mà biết nói năng…), nó phản ánh một thực tế trong thời buổi ngày nay: đất vô cùng đắt đỏ.

Những câu dưới đây cũng được xây dựng theo mô hình tương tự như vậy:

(101) Có những cơ quan làm từ thiện theo nguyên tắc quyên của người giàu và không chia hết cho người nghèo. Câu này mô phỏng một khẩu hiệu rất quen thuộc của nước ta thời kì chiến tranh: lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.

     Câu danh ngôn vui: Người cho ta tiền là thầy ta, người cho ta mượn tiền là bạn ta, người lúc nào cũng muốn lấy tiền của ta là vợ ta (thí dụ 90 đã dẫn) mô phỏng cấu trúc của câu danh ngôn chính thống: Người chê ta mà chê phải là thầy ta; người khen ta mà khen đúng là bạn ta; kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta là kẻ thù của ta vậy. Hay câu danh ngôn vui: Cưới lần đầu vì yêu, lần thứ hai vì tính toán, lần thứ ba vì thói quen thì có sự mô phỏng cả về hình thức lẫn nội dung của câu tục ngữ Đức: Cưới hỏi một lần là bổn phận, hai lần là khùng, ba lần là điên dại. Hoặc câu Hãy cho tôi biết túi tiền của anh ở đâu, tôi sẽ cho anh biết cách tiêu tiền như thế nào là mô phỏng danh ngôn khuyết danh: Hãy nói cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào.

     3.4. Dùng câu hỏi

     Những câu hỏi sử dụng trong lập luận cũng giống như câu hỏi tu từ trong phong cách nghệ thuật. Chúng hỏi nhưng không nhằm nhận lấy câu trả lời mà hỏi để nhấn mạnh hoặc khẳng định một vấn đề nào đó. Danh ngôn vui cũng sử dụng những câu hỏi không lời đáp để đạt được cái đích cuối cùng là đưa ra những chiêm nghiệm về hiện thực. Chẳng lẽ chỉ có thể hiểu phụ nữ một cách thực sự khi ta chuyển đổi giới tính? (Thí dụ 69 đã dẫn).

     Nếu lật ngược lại vấn đề ở câu này, ta sẽ có nội dụng sau: nếu ta không chuyển đổi giới tính (tức không là phụ nữ) thì ta không thể hiểu phụ nữ một cách thực sự => Không ai có thể hiểu thực sự phụ nữ ngoài chính họ. Như vậy, hàm ý của câu là: Phụ nữ thật phức tạp, khó hiểu.

     3.5. Dùng sự miêu tả

     Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà ngôn ngữ Hayakawa đã nói: Ít khi người ta miêu tả chỉ để miêu tả. Thật vậy, trừ những diễn ngôn khoa học, trong giao tiếp đời thường, khi chúng ta miêu tả một cái gì đó là đặt cái nội dung miêu tả đó vào một lập luận nào đấy.

     Phương thức miêu tả thường được sử dụng nhiều trong những đoạn văn lập luận. Mỗi câu là một luận cứ để người nói đi tới một kết luận nào đó. Kết luận này có thể tường minh, có thể hàm ẩn. Với danh ngôn vui, chúng tôi cho rằng nên hiểu một cách rộng hơn về khái niệm miêu tả. Miêu tả trong danh ngôn vui không dừng lại ở việc dùng phương tiện nào đó làm cho người khác hình dung được cụ thể sự vật, sự việc hoặc thế giới nội tâm của con người mà miêu tả còn là trần thuật lại một sự kiện, một vấn đề nào đó, để từ đó, người ta hình dung tới cái khác.

     Thứ nhất, đối tượng của sự miêu tả cũng là đối tượng hướng tới của kết luận:

Hạnh phúc thường bấm chuông nhà ta khi chuông hỏng. (Thí dụ 2 đã dẫn)

     Hạnh phúc bấm chuông nhà ta tức là hạnh phúc cũng như một vị khách của chúng ta. Tuy nhiên lại thường bấm chuông khi chuông hỏng. Như vậy, chủ nhà không biết để có thể mở cửa cho hạnh phúc vào nhà. Ẩn sâu sau lớp nghĩa bề mặt còn là một chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống: Hạnh phúc rất hiếm gặp.

     Thứ hai, đối tượng của sự miêu tả là biểu trưng cho một đối tượng khác lớn hơn:

(102) Chúa trời tạo Eva cho Adam để Adam hiểu rằng mình không còn được ở trên thiên đường nữa.

     Đối tượng được đề cập tới ở đây là AdamEva. Nhưng người ta không chỉ nói tới hai nhân vật này. Eva và Adam là hình ảnh ẩn dụ để chỉ người phụ nữ và đàn ông nói chung. Thiên đường là thế giới đầy hạnh phúc, nó đối lập với địa ngục. Câu danh ngôn vui thực chất là một lập luận mà kết luận ẩn đi: Từ khi có phụ nữ thì cuộc sống sung sướng của người đàn ông chấm dứt.

(103) Những người bình thường có thể làm bất cứ nghề gì nhưng không thể trở thành thi sĩ.

     Tam đoạn luận của câu này khá rõ ràng:

     – Những người bình thường có thể làm mọi nghề.

     – Những người bình thường không thể trở thành thi sĩ.

     => Thi sĩ không phải là những người bình thường.

     Câu này không hướng tới những người bình thường mà hướng tới thi sĩ.

     3.6. Dùng các từ ngữ lặp lại

     Phương thức dùng các từ ngữ lặp lại là việc sử dụng nhiều lần một từ ngữ nào đó trong phát ngôn. Chúng có thể là từ mang nhiều ý nghĩa hoặc đơn giản chỉ là việc người nói cố tình tạo ra một lối diễn đạt “loanh quanh” như một lối chơi chữ hài hước.

     * Dùng từ nhiều nghĩa

(104) Nghệ thuật tồn tại vì nghệ thuật kiếm tiền bằng nghệ thuật.

     Ở phát ngôn có tới ba từ nghệ thuật. Nhưng thực chất chúng không giống nhau về ý nghĩa. Từ nghệ thuật thứ nhất và thứ hai là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng tình cảm [6, 533] – nghệ thuật là một danh từ. Trong khi đó, từ nghệ thuật cuối cùng được hiểu là phương pháp, phương thức giàu tính sáng tạo, đem lại hiệu quả cao [6, 533]. Như vậy kết luận ở trong câu là khẳng định: hình thái ý thức nghệ thuật có thể tồn tại được vì nó kiếm tiền bằng phương pháp điêu luyện, tinh vi đem lại hiệu quả cao – nghệ thuật là tính từ. Thực chất đó là cách nhìn châm biếm về nghệ thuật nói chung – khi mà ngày nay, người ta thường mượn hai chữ nghệ thuật để kiếm tiền.

     Cách dùng lặp lại từ ngữ mà từ ngữ ấy lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau trước hết tạo nên sự mơ hồ về nghĩa. Khi người đọc càng phải bỏ ra nhiều công sức, càng phải huy động nhiều quy tắc để lĩnh hội được hàm ý của phát ngôn thì lập luận càng hấp dẫn. Hơn nữa, chúng ta biết rằng trên mặt báo, có những điều không được phép nói, không tiện nói hoặc nói thẳng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao bằng những lời nói tế nhị, cho nên danh ngôn vui thường chọn lối nói có hàm ý. Cách tạo ý nghĩa mơ hồ như thế mang lại giá trị lập luận cao.

     * Sử dụng lặp lại một từ với lối diễn đạt “loanh quanh” tạo tiếng cười hài hước.

(105) Lá cải nhất là viết lời bình lá cải cho những tít bài lá cải.

     Lá cải là từ ngữ có tính chất khẩu ngữ dùng để ví một tờ báo tồi, viết nhảm nhí, không có giá trị. Như vậy, có thể hiểu lá cải trong câu danh ngôn vui này là một tính từ chỉ những gì nhảm nhí, không có giá trị. Và có thể diễn đạt lại ý nghĩa trên bề mặt câu danh ngôn vui như sau: Vô nghĩa nhất là viết những lời bình nhảm nhí cho những tít bài không có giá trị. Ba từ lá cải có mặt cả ở đầu, giữa và cuối câu tạo nên sự “loanh quanh” trong lối diễn đạt. Sự vòng vo ấy một mặt tạo tiếng cười hài hước, mặt khác như là một cách hiện thực hóa cho kiểu lời bình lá cải mà người nói nhắc tới trong câu. Đồng thời ẩn ý sâu xa mà người đọc có thể tiếp nhận được từ nội dung câu danh ngôn vui này là: Đừng nói, đừng viết những gì không có giá trị.

     Danh ngôn vui có hàng loạt câu được tổ chức theo cách này:

(106) Bạn của bạn tôi là bạn tôi. Nhưng bạn của bạn gái tôi chưa chắc đã là bạn tôi.

(107) Nếu thích thì với cái gì cũng có thể liên kết được kể cả với phong trào không liên kết.

(108) Có ý kiến cho rằng mọi ý kiến đều cần được phản biện.

(109) Tôi từng có nhiều ham muốn, ham muốn quá nhiều thứ. Bây giờ tôi chỉ có một ham muốn, là làm sao loại bỏ được những ham muốn đó.

     3.7. Dùng các từ ngữ cùng trường liên tưởng

     Theo nhà ngôn ngữ học Pháp Ch. Bally – tác giả đầu tiên của khái niệm trường liên tưởng, mỗi từ có thể là trung tâm của một trường liên tưởng. Như từ bò của tiếng Pháp có thể gợi ra các từ sau do liên tưởng:

Bò cái, bò mộng, bê, sừng, gặm cỏ, nhai trầu…

Sự cày bừa, cái cày...

Những ý niệm về tính chịu đựng, sự chậm chạp, nặng nề…

     Như vậy, trường liên tưởng là hiện tượng từ một từ trung tâm có thể gợi ra nhiều từ ngữ khác do liên tưởng.

     Ở danh ngôn vui, việc sử dụng những từ ngữ cùng trường liên tưởng là một phương thức hiệu quả để tạo nên tiếng cười. Nhưng liên tưởng ở đây chủ yếu là giữa những từ có vỏ ngữ âm gần giống nhau.

(110) Người ta hay nhầm chuyện lộng ngôn và loạn ngôn với tự do ngôn luận.

     Hai từ lộng ngôn, loạn ngôn được suy ra từ cụm từ trung tâm tự do ngôn luận. Ba từ ấy đều cùng chung một nét nghĩa là nói đến cách thức nói năng của một đối tượng nào đó. Tuy nhiên vẫn có sự khác nhau về nghĩa. Tự do ngôn luận là thoải mái phát biểu ý kiến mà không sợ bị ai kiểm duyệt, quản chế. Loạn ngôn chỉ sự nói năng bừa bãi, không kể gì phải trái, hay dở. Còn ý nghĩa của từ lộng ngôn cũng tương tự loạn ngôn – chỉ sự nói năng tùy tiện, bất chấp kỉ cương. Chúng có những nét nghĩa khác nhau. Tự do ngôn luận thường gắn với nghĩa tích cực. Còn lộng ngônloạn ngôn thì lại mang ý nghĩa tiêu cực. Bằng việc sử dụng những từ ngữ có phần mơ hồ và gần giống nhau về nghĩa, danh ngôn vui đã nêu một cách hóm hỉnh hiện thực: con người nhầm lẫn giữa quyền đưa ra chính kiến với việc nói năng bừa bãi. Từ đó đi đến một kết luận: hiện nay người ta đang mượn quyền tự do ngôn luận của con người để nói năng một cách bừa bãi, tùy tiện, thiếu văn minh.

     3.8. Dùng từ ngữ đối và các vế đối trong phát ngôn

     Biện pháp đối từ lâu đã thể hiện vai trò quan trọng trong các thể loại có liên quan nhiều đến lập luận như văn chính luận, thuyết minh… Khi cần thuyết phục, bác bỏ hay chứng minh một vấn đề nào đó, người ta hay tìm đến biện pháp đối để gây ấn tượng mạnh và làm nổi bật đối tượng chính mà người nói muốn hướng tới. Danh ngôn vui cũng sử dụng phương thức này như một trợ thủ đắc lực trong việc tạo tiếng cười và đưa ra hàm ý sâu xa của nó. Chúng tôi nhận thấy có hai kiểu đối chính trong danh ngôn vui là: đối từ ngữ và đối ý nghĩa giữa các vế trong câu.

     a. Phương thức sử dụng những từ ngữ đối lập

(111) Người ta hay nói dối chỉ vì không ai muốn nghe sự thật.

(112) Giá trị món quà tặng được đo bằng mức độ vô dụng của nó.

(113) Thế giới của con người càng thấp bé thì anh ta càng coi mình là phần lớn hơn của vũ trụ.

     Các từ ngữ đối nhau: dối – thật, thấp bé – lớn, giá trị – vô dụng trước tiên tạo sự đối xứng cho câu, đồng thời cũng là phương tiện tạo tiếng cười.

     Trong thí dụ (113), giá trị của món quà tặng vốn được hiểu là ích lợi, tác dụng – cái làm nên ý nghĩa, sự đáng quý cho nó. Tuy nhiên, danh ngôn vui lại cho rằng giá trị của quà tặng phải được đo bằng mức độ vô dụng. Có sự đối lập về nghĩa giữa vô dụng >< ích lợi, tác dụng. Người đọc cũng có thể nhận ra kết luận hàm ẩn trong danh ngôn này: những món quà được trao tặng thường không thiết thực, không có tác dụng nhiều trong cuộc sống.

     Danh ngôn vui có khá nhiều câu được xây dựng theo hình thức này:

(114) Chân dài phải khôn thì mới dồn được đại gia vào chỗ dại.

(115) Giá càng lên thì niềm tin càng xuống.

(116) Phụ nữ càng lạnh thì đàn ông càng dễ nóng lên.

(117) Đồ vật càng cũ càng rẻ, trí tuệ càng già càng đắt.

     b. Phương thức đối giữa các vế trong câu

      Phương thức này chủ yếu xuất hiện trong những câu danh ngôn vui được kiến tạo theo kiểu câu ghép, đặc biệt là kiểu ghép đẳng lập có quan hệ nghịch đối hoặc những câu ghép mà giữa hai vế thường có nội dung ngược nhau như câu ghép chỉ quan hệ nhượng bộ.

     Tây Thi làm thích mắt đàn ông, Thị Nở làm thích mắt đàn bà. (Thí dụ 71 đã dẫn)

     Hai vế của câu có quan hệ đối lập nhau.Vế thứ nhất nêu ra hiện thực:

     Tây Thi làm thích mắt đàn ông => hàm ý: đàn ông thích ngắm phụ nữ đẹp. Đây là một sự thật hiển nhiên dường như ai cũng biết và hiểu được điều đó. Vế 2, về nội dung ý nghĩa, có phần tương phản với vế 1: Thị Nở làm thích mắt đàn bà => hàm ý: phụ nữ sung sướng khi thấy người phụ nữ khác xấu xí. Và người đọc cười vì sự bất ngờ trong nội dung của vế thứ hai này. Hàm ý trong cả hai câu là: phụ nữ hay ghen tị, đặc biệt là ghen tị với nhan sắc của người phụ nữ khác. Câu danh ngôn vui là cái nhìn hài hước về tính cách có phần đặc trưng của mọi phụ nữ nói chung. Tương tự với thí dụ dưới đây:

     Ai cũng ca ngợi Nguyễn Du nhưng không mấy ai đọc hết truyện Kiều. (Thí dụ 50 đã dẫn)

     Câu này được xây dựng dựa trên tiền giả định: Nếu mình đã thích một nhà văn, nhà thơ nào đó, mình phải đọc hết tác phẩm của họ. Sự đối nhau trong nội dung giữa hai vế của câu ghép chính phụ chỉ quan hệ nhượng bộ làm cho câu nói thật khôi hài. Nó cũng phản ánh phần nào thực tế xã hội ngày nay: chả mấy ai tìm hiểu vấn đề cho đến nơi đến chốn; đặc biệt là thực trạng đọc sách: người ta chỉ quen nói dựa.

     Như vậy, phương thức đối đã mang lại cho danh ngôn vui sự cân xứng về hình thức, sự đối lập về nội dung. Nếu danh ngôn vui gồm hai vế thì vế thứ nhất nêu hiện thực được nhiều người thừa nhận, vế thứ hai có nội dung đầy bất ngờ, đối lập với vế đầu. Danh ngôn này là những lời tổng quát và xâu chuỗi những đối tượng trong thế giới khách quan tạo thành những nhận xét, chiêm nghiệm hết sức thú vị. Những câu sau cũng theo mô hình như vậy:

(118) Người lười thường vô hại nhưng người có hại lại không lười.

Đàn ông cần tiền chủ yếu chi cho hai việc: có được nàng thoát được nàng. (Thí dụ 64 đã dẫn).

     3.9. Dùng phương thức đảo trật tự từ

     Như chúng ta đã biết, một trong những đặc điểm loại hình của tiếng Việt là ý nghĩa ngữ pháp thể hiện chủ yếu ở phương thức trật tự từ. Khi ta thay đổi trật tự sắp xếp các từ trong câu thì nội dung câu sẽ thay đổi. Danh ngôn vui đã vận dụng phương thức đảo vị trí của từ ngữ, tạo nghĩa mới. Đây cũng là cơ chế gây tiếng cười hài hước của danh ngôn vui. Phương thức đảo vị trí từ ngữ thường xuất hiện trong những kiểu câu so sánh hoặc câu ghép có quan hệ nghịch đối.

(119) Cướp nhà băng không phổ biến bằng bị nhà băng cướp.

     Danh ngôn này được cấu trúc theo kiểu câu so sánh. Hai đơn vị ngôn ngữ được xây dựng đơn giản bằng cách đảo trật tự là cướp nhà băngnhà băng cướp. Trật tự này mang đến những ý nghĩa khác nhau. Ở vế thứ nhất – cướp nhà băng là một cụm động từ, trong đó nhà băng là đối tượng của hành động cướp (quan hệ ngữ pháp của hai thành tố này là quan hệ chính phụ). Còn trong nhà băng cướp thì nhà băng là chủ thể của hành động cướp (quan hệ ngữ pháp của hai thành tố này là quan hệ chủ vị). Cách đảo vị trí từ ngữ tạo nên tiếng cười hài hước của câu so sánh. Câu danh ngôn vui là một luận cứ để chứng minh cho một kết luận hàm ẩn là: dịch vụ của nhà băng (ngân hàng) trong thời buổi này quá đắt.

(120) Đừng bao giờ làm việc với kẻ thích buôn dưa lê và cũng đừng bao giờ buôn dưa lê với người thích làm việc.

     Hai vế của câu ghép mang ý nghĩa vừa có phần tương phản, vừa có phần bổ sung cho nhau. Nội dung hai vế hoàn toàn khác nhau được biểu hiện hết sức ấn tượng chỉ thông qua hình thức thay đổi trật tự sắp xếp từ ngữ.

     Nội dung ý nghĩa của làm việcbuôn dưa lê trái ngược nhau. Làm việc mang ý nghĩa tích cực, buôn dưa lê mang ý nghĩa tiêu cực. Lời khuyên mà người nói đưa ra được biểu hiện tường minh trên câu chữ (thông qua phụ từ cầu khiến đừng) được hiểu một cách đơn giản là: Hãy làm việc với người thích làm việc, hãy buôn dưa lê với kẻ thích buôn dưa lê. Và hàm ý sâu xa trong câu danh ngôn vui này là làm gì cũng phải đúng người, đúng chỗ.

     Ngoài ra chúng tôi còn nhận diện được một số câu cũng sử phương thức đảo vị trí từ ngữ như:

     Rủ được sếp đi nhậu là đáng nể nhưng được sếp rủ đi nhậu còn đáng nể hơn. (Thí dụ 60 đã dẫn).

     Ngày trước, tôn giáo là ma túy với quần chúng; ngày nay ma túy là tôn giáo với một số người. (Thí dụ 37 đã dẫn).

     (121) Nghèo không phải người có ít tiền mà là người có bao nhiêu tiền vẫn thấy ít.

     Có thể thấy phương thức đảo vị trí từ ngữ có phần giao thoa với phương thức đối vì cùng sử dụng từ ngữ đó, khi ta thay đổi trật tự sắp xếp thì nội dung của nó tương phản với nội dung ban đầu. Phương thức đảo trật tự thường xuất hiện trong những câu gồm hai vế (câu đơn so sánh, câu ghép). Người đọc khi tiếp cận những câu có từ ngữ bị đảo thì thường có tâm lí so sánh giữa hai đối tượng được nêu trong nội dung hai vế để từ đó rút ra kết luận cần thiết. Danh ngôn vui, vì vậy, đã đạt hiệu quả lập luận.

     3.9. Dùng phương thức tạo mâu thuẫn trong lập luận

     Khi lập luận, cần phải tuân theo những quy tắc nhất định. Trong đó, các câu cần lô gích với nhau. Tuy nhiên, có một số danh ngôn vui lại cố tình vi phạm những quy tắc lập luận để tạo ra hàm ý.

     Không thể mua được tình yêu và kiến thức. Nhưng bán thì được. (Thí dụ 54 đã dẫn).

     Có người bán mới có kẻ mua, hay có người mua thì mới có kẻ bán, đó là quy luật thị trường. Câu thứ nhất và câu thứ hai trong danh ngôn vui này mâu thuẫn nhau, bởi nếu đã không thể mua được thì đương nhiên cũng không thể bán được. Tuy nhiên, lập luận thứ hai, đứng sau từ nhưng, có hiệu lực mạnh hơn. Từ mâu thuẫn ấy, hàm ý được nảy sinh: tình yêu và kiến thức vẫn có thể mua bán được.

Kết luận

     1. Trên bình diện nội dung, danh ngôn vui là tiếng nói của đời sống, nó vô cùng gần gũi với con người chứ không thi vị hay lí tưởng hóa cuộc sống. Cuộc sống vốn là thế, có người tốt, kẻ xấu; có niềm vui, nỗi buồn; có thành công, thất bại. Cuộc sống không phải toàn màu hồng, xã hội không phải toàn những điều tốt đẹp, danh ngôn vui cho ta một cách nhìn mới, nhìn sự tiêu cực bằng những suy nghĩ lạc quan.

     2. Ở phương diện lập luận, hàm ý của danh ngôn vui được thể hiện thông qua hàng loạt phương thức lập luận: định nghĩa, so sánh, miêu tả, sử dụng câu hỏi, dùng từ ngữ lặp lại, dùng từ ngữ đối lập hay tạo mâu thuẫn trong lập luận… Điều này làm nên giá trị của danh ngôn vui, khiến người ta thích và nhớ nó. Chính vì vậy mà mặc dù danh ngôn vui không phải là khuôn vàng thước ngọc, song mỗi khi đọc nó, ta vẫn thầm kêu lên “Chí lí!”.

NGUỒN TRÍCH DẪN

1. Diệu Huyền (tuyển chọn), Tuyển tập danh ngôn, Nxb Văn hóa thông tin, H., 2004.

2. Nguyễn Văn Trung (sưu tầm), Danh ngôn thế giới, Tập 1, Nxb Đồng Nai, 2009.

3. Tuổi trẻ cười, Số 414, Số 415, 2010.

4. An ninh thế giới cuối tháng.

5. http:// khotangdanhngon.com/ danh-ngon-vui-ranh-ngon

6. http://antgct.cand.com.vn/vi- vn/nhandam/ranhngon.cand

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb GD, H., 2009.

2. Đỗ Hữu Châu, Đại cương Ngôn ngữ học, Tập 2, Ngữ dụng học, Nxb GD, H., 2006.

3. Nguyễn Đức Dân, Lô gích, ngữ nghĩa, cú pháp, Nxb ĐH & THCN, H., 1987.

4. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, Tập 1, Nxb GD, 2000.

5. Mai Thanh Dung, Danh ngôn vui nhìn từ lí thuyết ba bình diện: kết học, nghĩa học và dụng học, Khóa luận tốt nghiệp, Trường ĐHSP HN, 2012.

6. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2008.

7. Hoàng Anh Thư, Danh ngôn nhìn từ lí thuyết ba bình diện: kết học – nghĩa học – dụng học (trên ngữ liệu tiếng Việt), Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường ĐHSP HN, 2010.

SUMMARY

     Famous joyful sayings are funny and humorous which reflect our life full of happiness and sorrows, the good and the evils. They reflect our life with a positive outlook. In terms of argumentation, the implications of famous joyful sayings could be presented in any forms of argumentation: definitions, comparison, uses of symmetrical and opposition words, etc. This feature has made the sayings joyful and unforgetable. The combination between brief, clear presentation and the special features has enabled famous joyful sayings to bring about not only a completely new, humorous but also logical vision in whatever way they can be explained.

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, số 12 (2012)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)