LÀNG XÃ và VĂN HOÁ LÀNG XÃ _ Một số giới hạn cần nhận thức lại trong thời hiện đại

ÐẶNG QUYẾT TIẾN

1.

      Trong một vài thập kỉ trước đây, do những yêu cầu chính trị nào đó, chúng ta thường mới chỉ thấy những truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt Nam được hình thành trên nền làng xã. Và đương nhiên mặt tiêu cực, hạn chế hoặc không được nhắc đến, hoặc chỉ được nhắc đến như là những biểu hiện ngoại lệ. Thực tế không như vậy. Nếu những nét tích cực mang tính hệ thống trong văn hoá Việt Nam được hình thành trên cơ sở làng xã, theo chúng tôi, thì những tiêu cực cũng hình thành trên chính cơ sở ấy cũng có tính hệ thống. Phải nhìn nhận lại, phải cắt nghĩa lại, chúng ta mới có thể khắc phục và phát huy những giá trị truyền thống tích cực. Tuy nhiên, thực hiện công việc này là không dễ: nó động chạm tới tâm lí mang tính cộng đồng; nó dễ gặp sự phản ứng; nó dễ bị xem là cực đoan. Chẳng có một ai trên đời này thích bị chê bai/nói xấu huống chi là cả một cộng đồng, một dân tộc. Tuy nhiên nếu khuyết điểm, giới hạn,… của một cá nhân không được nói ra thì không có nghĩa là nó không có. Điều ấy cũng đúng với một cộng đồng dân tộc. Chúng tôi cho rằng một trong những vấn đề quan trọng của hiện đại hoá dân tộc là phải tạo ra cho bằng được năng lực tự phê phán. Phê phán hoàn toàn khác với nói xấu, bêu riếu, mạt sát cho thoả lòng tự ái cá nhân. Vì vậy, trong bài này chúng tôi có ý nhấn mạnh vào việc phân tích những gì mà bấy lâu nay không/hoặc ít được nói tới trong các công trình nghiên cứu về làng xã, văn hoá làng xã. Chúng tôi coi đây là một sự lên tiếng có tính chất đối thoại, mang tinh thần đối thoại.

2.

      Chúng ta đã biết Việt Nam là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á lục địa. Dải đất này nằm giữa hai dãy núi vào loại lớn nhất thế giới là Hi Mã Lạp Sơn và Thiên Sơn. Nơi đây cũng có những con sông lớn phát nguyên và chảy qua như Mê Kông, Hồng Hà. Vì thế nơi đây cũng là vùng đồng bằng trẻ (châu thổ) mới được kiến tạo. Đồng thời đây cũng là vùng đất có địa hình đa dạng phức tạp vào bậc nhất trên thế giới (núi, đồng bằng, biển). Đông Nam Á là vùng có khí hậu rất riêng biệt – nhiệt đới gió mùa. Nóng, ẩm, mưa – thời tiết rất thất thường, thường là nơi chịu nhiều hậu quả của những trận bão biển lớn.

      Với đặc điểm về địa lí, khí hậu như vậy, Đông Nam Á cũng là nơi có một hệ sinh thái thời tiền sử riêng biệt. Người ta chia hệ sinh thái thành hai loại phổ tạp phổ nguyên chuyên biệt.

      Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có hệ sinh thái phổ tạp rất rõ. Số lượng các loài cây, con rất nhiều nhưng số lượng cá thể trong mỗi loại thì ít, thậm chí rất ít. Hơn thế nữa, hệ sinh thái Đông Nam Á và hệ sinh thái Việt Nam thực vật lấn át động vật. Đặc biệt những loài động vật lớn thường không nhiều. Cũng cần nói thêm, trong số những loài động vật có ở Đông Nam Á và ở Việt Nam thì những loài thuỷ sinh nhiều hơn những loài sống trên cạn, trên đất liền. Những điều kiện ấy dẫn đến nền văn minh Đông Nam Á và văn minh Việt Nam ngay từ khi hình thành thiên về trồng trọt, thiên về đa canh. Cũng có thể nói thêm, tính chất phổ tạp còn thể hiện cả trong lĩnh vực khoáng vật. Khoáng sản Việt Nam hầu như loại nào cũng có nhưng trữ lượng nhìn chung là khiêm tốn. Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu,… xem ra nên hiểu như là một cách nói mang tính tu từ học hơn là thực tế. Phải chăng tính phổ tạp trở thành một hằng số văn hoá Việt? Lại nên nhắc thêm: nông nghiệp Việt Nam khởi thuỷ là nông nghiệp trồng lúa nước. Canh tác lúa nước song song với việc khai thác đồng bằng châu thổ sông Hồng – đây là quá trình không phải tính bằng tháng bằng năm mà tính bằng thế kỉ, thiên niên kỉ. Việc ấy không thể không tác động trở lại, chi phối trở lại lối sống, lối ứng xử, tính cách Việt, văn hoá Việt,… Trồng lúa nước thì nước trở thành một thứ điều kiện tiên quyết. Nước có mặt trong văn hoá Việt như một hằng số. Chỉ nêu một quan sát của riêng người viết những dòng này: cho đến nay, người Việt trong ăn uống thường vẫn thích ăn canh, chan canh (Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon), trong những món ăn Việt tôi thấy hầu hết được làm chín bằng sức nóng của nước (hầu hết lại là trực tiếp); tiếp khách bằng nước chè, nước vối; bể nước mưa vốn được coi là của dự trữ cho sinh hoạt con người. Nước đi vào đời sống con người trực tiếp và gián tiếp vô cùng tinh tế, uyển ảo: ăn ở như bát nước đầy, nước nổi bèo nổi, dòng đời lênh đênh. Có khi nước đi vào tâm thức người Việt một cách gián tiếp: ví dụ so sánh với những gì có ở dưới nước (Đôi ta như rắn liu điu… Nước nào cá ấy, Tức nước vỡ bờ gần đây là Nước sông công lính!). Quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam đi dần từ miền núi, trung du xuống đồng bằng. Canh tác rau, củ, quả,… chuyển dần sang canh tác lúa. Lúa gạo dần trở thành thứ lương thực chính trong đời sống cũng là lúc con người cư trú thành làng, thành xã. Làng xã hình thành trong quá trình chuyển dịch núi – trung du – đồng bằng. Trong diễn trình ấy là đắp đê trị thuỷ. Đắp đê để lấy chỗ canh tác cũng là để lấy nơi cư trú. Lối làm thuỷ lợi tại chỗ, lối cư trú quần tụ như vậy buộc con người phải coi trọng ao, chuôm, đầm, hồ bên cạnh sông ngòi… Làng Việt truyền thống hầu như không thể thiếu những yếu tố này: làng ven sông, cảnh quan làng xã hầu như gắn liền với cây đa bến nước; hồ ao, ao làng (Cá nào chịu được ao này… Ta về ta tắm ao ta… Cạn ao thì bèo xuống đất… Đêm qua ra đứng bờ ao… Cùng với: Chiều chiều ra đứng bờ sông… Hỡi cô cắt cỏ ven sông… Sông sâu cá lặn biệt tăm… Vườn rau ao cá… Và bây giờ vẫn là: Bên bờ ao nhà mình). Có thể nói mà không sợ sai rằng: người Việt Nam, dân tộc Việt Nam là những người, là dân tộc gắn bó với sông nước (sông ngòi, ao, hồ, đầm,…). Cần chú ý cũng là nước nhưng không phải là BIỂN phải khu biệt ngay kẻo lầm lẫn trong nhận xét, khái quát. Một điều khá lí thú: sông thì dài chảy qua nhiều vùng miền khác nhau nhưng chảy qua đâu hình như được gọi theo một cách tuỳ thuộc vào cư dân của vùng đất ấy: Sông Thao, Sông Hồng, Sông Nhị, Sông Cái = SÔNG HỒNG. Tình hình ấy khá là phổ biến cho nhiều dòng sông khác. Tìm hiểu cho thấu đáo kể thì Ở trong còn lắm điều hay.

      Làng là đơn vị cộng cư cơ bản nhất của người Việt. Làng Việt thoát thai từ công xã nguyên thuỷ và công xã nông thôn. Làng đầu tiên được hình thành theo huyết thống. Dấu vết còn lưu đến tận ngày nay. Những tên làng mang dấu ấn dòng họ có mặt khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ: Lê Xá, Đỗ Xá, Cao Xá, Đặng Xá, Phạm Xá, Hoàng Xá,… Sau này làng mở rộng thành đa họ hoặc được thiết lập trên cơ sở khác nhưng vai trò của dòng họ, huyết thống, huyết tộc vẫn rất rõ trong họ ngoài làng, ngoài làng trong họ vẫn là hiện tượng phổ biến. Làng có tổ chức chặt chẽ. Có cấu trúc vừa khép kín vừa mở rộng để một mặt có thể huy động sức người, sức của vừa có thể phân biệt với làng khác. Làng Việt có thể hình thành từ thời Hùng Vương nhưng hoàn thiện vào thời Lê sơ. Làng trở thành một cấu trúc bền vững đủ sức trở thành một hình ảnh của nước (trong làng ngoài nước… Phép vua thua lệ làng…). Cấu trúc làng chính là hình ảnh thu nhỏ của cấu trúc nước. Làng nước là cái gì đó quá thông thuộc đối với người Việt. Trong tâm thức của người Việt nước chính là sự mở rộng của làng. Sau loạn 12 sứ quân nhà nước phong kiến Việt Nam chắc chắn phải quy giang sơn về một mối. Một chính thể mang tính chất tập quyền, toàn trị vừa được Nho giáo hoá vừa được làng hoá. Như vậy, vô hình chung, tư tưởng Nho giáo vốn mang đầy tính chất bác học đã gặp gỡ và nhận được sự chia sẻ của tư tưởng làng của người Việt.

      Trong làng, thì gia đình có một vai trò cực kì quan trọng. Nền sản xuất mang tính chất tiểu nông thịnh hành, phổ biến thì gia đình càng có vai trò quan trọng. Người Việt coi trọng gia đình có lẽ vì lí do: mỗi một gia đình là một đơn vị kinh tế vô cùng tự nhiên. Tự nhiên như hít thở khí trời vậy. Gia đình huyết tộc là nền tảng của gia đình Việt Nam. Ruộng đất là tài sản vô giá của các thế hệ đi trước. Nó được chia cho các con trai khi đã có gia đình riêng. Có khi con gái cũng được chia ruộng kiểu này. Việc chia ruộng là chuyện vừa đương nhiên vừa cực chẳng đã. Gia đình tứ, tam đại đồng đường là diễm phúc nhưng người Việt cũng sớm nhận ra quy luật lớn xẻ bé vun. Thế là ruộng vốn không nhiều, vốn manh mún lại càng trở nên ít hơn, manh mún hơn. Ruộng hương hoả tuy không nhiều nhưng nó là quyền lợi, là danh dự là… tất cả, cho nên dù ít mà không ai có gan từ chối. Phải đến khi, không còn ruộng để chia hoặc còn quá ít… người ta mới nghĩ đến việc dời bỏ quyền lợi để mà xa làng. Đầu tiên người ta đến việc dời làng trong đê để ra bãi (trong làng ngoài bãi, trong làng ngoài trại…). Gắn bó với làng, sống chết ở làng… có lẽ bắt đầu từ những nguyên nhân như vừa phân tích. Không gian làng gắn chặt với quyền lợi như vậy cho nên làng còn là một không gian gần gũi thiêng liêng quen thuộc. Không gian làng vì thế gắn bó với con người từ cốt tuỷ quyền lợi kinh tế và cốt tuỷ tinh thần. Không gian làng đã đi vào văn chương nghệ thuật, đi vào tâm thức Việt. Không thiếu gì dẫn chứng cho nhận xét này. Tuy nhiên, làng cũng mang tính hai mặt. Làng là một thiết chế cho nên làng cũng là một hệ quy chiếu cho mọi nhận xét, bình giá, là chỗ dựa, là nguyên lí ứng xử, là thước đo… Chúng ta có thể kể ra một vài ví dụ: kêu làng, la làng, trống làng nào làng đó đánh… Toét mắt là tại hướng đình, Cả làng đều thế… Lệ làng phép nước… Làng phạt vạ… Khao làng… Vạ làng…

     Gia đình, dòng họ, làng,… gắn bó với nhau như bóng với hình tạo nên một thiết chế vô cùng đặc biệt. Chặt chẽ và khép kín. Vô hình chung nó gặp gỡ một cách vô cùng tự nhiên với tư tưởng Nho giáo – một thứ học thuyết xa lạ về mọi mặt nhưng nó lại có những tương quan đồng dạng – tôn ti luận. Thế là, tinh thần làng xã, tinh thần tiểu nông đã tìm được chỗ dựa vô cùng vững chắc và không kém phần huyền bí, cao siêu là Nho giáo. Và Nho giáo cao sang đã tìm được nơi trú ngụ vô cùng bình yên ở làng xã Việt Nam. Chính vì thế nghiên cứu làng người ta thấy nó cứ nhang nhác tinh thần Nho giáo. Liên minh tinh thần ấy liệu có dễ dàng loại bỏ? Liệu có dễ dàng vượt qua? Liệu có dễ dàng khắc phục? Câu trả lời tưởng như đã có.

     Làng có những nhân vật nào đáng miêu tả? Trước hết là những người thuộc tầng lớp trên của làng. Ta tạm gọi chung là hào lí. Có lẽ chỉ cần đọc lại Chí Phèo của Nam Cao một chút là có thể hình dung được. Tiên chỉ, Chánh tổng, Lí trưởng, Trương tuần,… có đương và có cựu. Miêu tả thì đã có người miêu tả kĩ lưỡng, ở đây chỉ nhấn mạnh tầng lớp hào lí tự/được coi là cha mẹ dân. Một thiết chế có lẽ là biến tướng của gia đình trị, của thiết chế già làng trưởng bản bị tha hoá thậm tệ. Nó là sự dịch chuyển mô hình gia đình. Cùng hào lí là đám dân đen. Những người nông dân ít nhiều còn có ruộng tư hoặc cấy rẽ ruộng công. Nông dân vừa có mảnh ruộng nhưng vô cùng nhỏ bé vừa lệ thuộc vào những quy chế chặt chẽ của làng. Nên họ giống như hạc đầu đình muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay. Nhân vật thứ ba mà ta cần nói đến là nhà Nho. Nhà Nho không đỗ đạt hoặc nhà Nho thất thế… Họ là những người ít nhiều có học, họ sinh ra từ làng nhưng vì nhiều lí do họ gắn bó với làng. Họ làm thầy dạy học, thày lang, thày địa lí, thầy bói, thầy cúng,… Họ vừa là đối tượng để cho người nông dân phấn đấu noi theo, vừa là đối tượng để người nông dân dè bỉu. Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ! Nhà Nho trở thành nhân vật đặc biệt của làng. Họ là người (rất có thể là như thế) nói lên tiếng nói của dân. Những bài ca, bài vè,… những khúc ca dao, dân ca,… có lẽ phần nhiều là do những nhà Nho này chế tác. Những sinh hoạt văn hoá tinh thần của người nông dân (cưới xin, tang ma, làm nhà, cải mộ,…) đều ít nhiều liên quan đến nhà Nho. Những nhà Nho hay chữ có thể cũng là người ghi chép xã chí; cũng có thể là những người soạn thảo hương ước. Cũng có thể là những người chọn hướng đình, tìm ngày giờ tốt để khai móng, cất nóc đình làng hoặc tư gia… Họ là ai thì người trong làng chắc là rõ. Chắc chắn những nhà Nho ấy phần đông là không giỏi giang gì và hoàn cảnh kinh tế cũng nhiều khó khăn chật vật (y đọc lại truyện/thơ dân gian về các ông thầy (thầy đồ, thầy bói, thầy địa lí, thầy cúng, thầy thuốc, thầy chùa,…) sẽ rõ) cho nên uy tín của họ trong làng chắc cũng rất… vừa phải. Tuy nhiên, những việc vừa nói vẫn cứ phải có. Cho nên xuất hiện tâm lí hướng ngoại. Hướng ngoại theo kiểu Bụt chùa nhà không thiêng mà thôi. Ngoài nhà Nho trong làng Việt không thể không kể đến những người không thuộc dân làng, dân gốc – ấy là đám dân ngụ cư. Họ không phải là người làng gốc nhưng vẫn thuộc về làng. Họ định cư ở làng nhưng ở ngoài rìa hiểu theo mọi nghĩa. Họ bị phân biệt đối xử. Họ bị coi khinh, coi rẻ. Họ phải làm những việc mà dân chính cư không được/không dám/không thèm làm làm mõ, làm lềnh,... Tâm lí kì thị, khinh miệt ấy ai đọc Nam Cao hẳn rất thấm thía.

      Trên đây chúng tôi điểm qua đôi nét về làng một đơn vị hành chính – văn hoá rất độc đáo. Cố nhiên bấy nhiêu điều chỉ là những phác thảo sơ lược nhất.

     Về kinh tế, làng gắn bó với ruộng đất. Làm ruộng là chủ yếu. Chăn nuôi luôn là phụ. Chăn nuôi để có thêm thức ăn, nhưng có lẽ chủ yếu là để lấy phân bón ruộng và để tận dụng rau già cá ươn, tấm cám, thóc lép,… Chăn nuôi có mặt khắp nơi. Chủng loại vật nuôi khá phong phú đa dạng nhưng không hề có tính chuyên nghiệp, hoàn toàn tự phát. Sản phẩm của chăn nuôi có thể nói chưa bao giờ có nhiều. Cơm gà cá gỡ, giò nem ninh mọc vẫn là của hiếm nên trâu bò, dê lại càng hiếm khi trở thành nguồn thực phẩm phổ biến. Mổ trâu mổ bò là chuyện vĩ đại.

     Hãy nhớ so sánh … như mổ bò! Ba bò chín trâu… Những điều vừa nói đã giải thích vì sao nền kinh tế làng xã mấy nghìn năm ít có những biến đổi lớn. Cơ cấu cây trồng vật nuôi hầu như giữ nguyên. Không mấy ai bận tâm đến việc cần thay đổi. Có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu trì trệ trong sản xuất. Lúa Việt Nam mấy mươi năm trước năng suất rất thấp, chất lượng gạo thì rất vừa phải ; trâu bò, gà lợn, vịt, ngan,… năng suất cũng rất khiêm tốn. Dê là một trong những vật hiến tế quan trọng nhưng hình như không được nuôi ở làng. Một số con vật cần có sự nuôi dưỡng có tính chuyên biệt hình như không được người Việt vồ vập. Nếu không nhầm, trong suốt chiều dài lịch sử chúng ta không/ít thấy người Việt trồng, nuôi những thứ gì chỉ thuần tuý thoả mãn nhu cầu tinh thần: cá cảnh, gà cảnh, cây cảnh. Và người Việt hình như không thích thú lắm với việc sưu tầm kì hoa dị thảo. Nghệ thuật bonsai có lẽ không thể xuất hiện ở Việt Nam được!

     Nghề thủ công vốn xuất hiện khá sớm trong đời sống xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, những sản phẩm của nghề thủ công Việt Nam hình như vẫn không địch nổi với sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực. Cũng như chăn nuôi, nghề thủ công vẫn được coi là nghề phụ. Mặc dù chúng ta có làng nghề nhưng hầu như không làng nghề nào thoát li hẳn làm ruộng. Nghề thủ công có nhiều: dệt, làm giấy, rèn, mộc, chế biến nông sản (làm bánh kẹo, nấu rượu, làm miến, làm nha,…, nghề chế tác kim hoàn, nghề làm vàng mã,… nghề nào cũng có. Nhưng rất ít làng nào chuyên về một nghề. Người làm nghề sử dụng thời gian nông nhàn, tổ chức thành phường hội… Người làm nghề có khi đạt tới trình độ cao, nhưng hình như không có khái quát thành lí thuyết. Người ta học nghề theo kiểu học lỏm, học mót; người ta dạy nghề theo kiểu truyền nghề. Sản phẩm thủ công chủ yếu phục vụ những nhu cầu mang tính thực dụng của đời sống cho nên chất lượng sản phẩm không hẳn đã cao. Sản phẩm tinh khéo hình như không phù hợp với tâm lí/nhu cầu ăn chắc mặc bền, kín trên bền dưới, tốt gỗ hơn tốt nước sơn hoặc lễ bạc lòng thành, hay chùa đất Phật vàng,... Sản phẩm nghề thủ công chủ yếu được tiêu thụ trong làng, người ngoài làng có thể thuê thợ nơi khác đến để chế tác… Chính điều này đã không kích thích được nghề thủ công phát triển. Nhiều sản phẩm thủ công mang tính độc bản, sản phẩm tốt thì bị đem dâng nộp cho triều đình, thợ khéo được huy động vào kinh đô hoặc tập trung cho những công trình mang tính chất cộng đồng, tính chất tôn giáo (đình chùa đền, miếu, cầu, quán,…) vì thế cá tính sáng tạo bị thui chột, người ta làm theo mẫu là chủ yếu. Những sản phẩm đòi hỏi kĩ thuật cao thì người ta cầu từ bên ngoài. Nghề thủ công có từ lâu đời, nhiều nghề nhưng sản phẩm của nó chưa bao giờ được gọi là phong phú. Không có cạnh tranh nên nghề thủ công ít có cải tiến sáng tạo. Sành sứ ta có từ lâu nhưng không thể có một Giang Tây trên đất Việt. Chúng ta hãy nghe nhận xét của thương nhân người Anh là Dampier – người đã đến Đàng Ngoài buôn bán: Xứ ấy nghèo lắm, đến nỗi các thương nhân phải chờ đến 3, 4 tháng mới nhận được hàng đã trả tiền trước, vì khi có tàu ngoại quốc đến người ta mới có công việc cho những người thợ nghèo túng làm và với số tiền nhận được, họ mới có khả năng làm việc. Thương nhân người Pháp là Poivre thì kể: Tôi đã tìm gặp một thợ đang dệt một tấm sa tanh, vải nhự và nhiều chỗ bị hỏng. Tôi hỏi người ấy tại sao lại dệt một thứ hàng xấu thế. Người ấy trả lời là : biết rõ những chỗ xấu, hỏng của tấm sa tanh. Nhưng tấm đó vẫn cứ được bán ra và coi như là tốt đẹp, người trong xứ không khó tính như tôi đâu. Sau đó, tôi có nói với người ấy về hàng tơ dệt của người Trung Quốc… và hỏi người ấy có thể làm được như thế không. Người ấy trả lời rằng làm được, nhưng sẽ có hai điều tệ hại: một là sẽ không có ai mua cả; hai, quan trọng hơn là ngay lập tức người ta sẽ đến tóm cổ anh đi để bắt anh suốt đời làm thợ cho chúa…

     Chợ làng cũng là một sản phẩm độc đáo của văn hoá làng. Chợ đương nhiên là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, chợ làng Việt Nam gắn liền với kinh tế tiểu nông mang tính chất tự cung tự cấp cho nên dù trăm người bán vạn người mua thì cũng khó trở thành một ngành gọi là thương mại. Chợ làng nhìn chung có quy mô nhỏ, tuy có chợ vùng hay chợ huyện thì quy mô cũng không lớn. Tổ chức chợ nhìn chung đơn giản. Người bán người mua hầu hết là những người trong làng xã. Hàng hoá được bán chủ yếu là nông sản và những gì liên quan đến ruộng vườn. Sản phẩm đem bán nhìn chung không nhiều. Bán không nhiều bởi mua không nhiều. Bán lẻ là chủ yếu ít có bán buôn. Người đi buôn chủ yếu là buôn thúng bán mẹt, buôn đầu chợ bán cuối chợ, mớ rau con cá,… Buôn bán theo kiểu cò con, lấy công làm lãi, nhặt nhạnh tích lẻ thành chẵn… Chưa bao giờ có một đội ngũ nhà buôn chuyên nghiệp. Chợ được tổ chức tự phát cho nên không bao giờ có chuẩn mực chuyện đong đầy bán vơi, mua mật bán gừng,… là chuyện thường ngày. Giá cả không bao giờ có sự chuẩn mực mà tuỳ thuộc vào người bán và hoàn cảnh bán… Tất cả những điều ấy tạo ra tâm lí cò con trong làm ăn, tuỳ tiện trong giao dịch, thiếu trung thực sòng phẳng, tâm lí ghét người đi buôn, ghét nghề buôn. Chợ làng không thể là nền tảng để hình thành nền thương mại hiện đại được.

     Nông nghiệp là nền kinh tế chi phối lâu dài toàn xã hội và trở thành nền tảng của văn hoá làng, văn hoá Việt Nam. Sinh hoạt công – thương không tạo điều kiện cho sự ra đời của một tầng lớp thợ thủ công và thương nhân có tính độc lập trong xã hội, tiền đề của một phương thức sản xuất mới. Tư duy của người Việt Nam đương thời trước hết là tư duy nông nghiệp, tư duy làng xã. Vì thế, người làng sẽ sẵn sàng tiếp nhận tất cả những gì của ngoại lai nếu xuất phát từ văn minh nông nghiệp, từ lối sống nông thôn. Chẳng tin chúng ta cứ thử xem thẩm mĩ của chính chúng ta ngày này? Chúng ta thích thơ, thích nhạc đồng quê, thích lãng mạn, thích nhẹ nhàng; chúng ta thích cái quen thuộc, thích cái nên thơ, thích thiên nhiên, cái được coi là đẹp là tốt thường gắn với cái nghèo, cái xưa cũ, cái ổn định,…

     Sinh hoạt vật chất như thế thì sinh hoạt tinh thần cũng như thế. Người Việt Nam ở làng đã tạo ra sinh hoạt văn hoá làng. Lễ hội có thể nói hầu như gắn liền với lễ hội nông nghiệp. Lễ hội ở tầm quốc lễ thì trước hết cũng gắn liền với làng hoặc một liên làng nhất định rồi sau đó mới lan ra nước. Sinh hoạt văn hoá chủ yếu gắn liền với những lúc nông nhàn và… không đói: Ăn no rồi lại nằm khoèo; Nghe tiếng trống chèo bế bụng đi xem. Hội chèo, chiếu chèo, chèo sân đình… do những người nông dân – nghệ sĩ biểu diễn. Đọc thơ Nguyễn Bính là ta có thể hình dung ít nhiều về sinh hoạt văn hoá chèo ở làng quê thời trước. Có tích mới dịch nên trò, người ta không ai bận tâm đến kịch bản sân khấu. Tích chuyện thì quen, đi xem chèo và đi nghe hát. Hình như hát mới là yếu tố quan trọng. Sân khấu chèo hát quan trọng hơn tất cả. Đạo cụ đơn giản, vũ đạo đơn giản, lấy khéo làm trọng, ít bài bản. Cùng với chèo là múa rối nước. Người nông dân Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ say mê rối nước. Trò rối có thể nói đã đạt được trình độ có thể đem chuông đi đấm xứ người nhưng phải nói nó không phong phú đa dạng. Trò diễn không hoàn toàn mới lạ chỉ là những cái cũ được thể hiện dưới những hình thức khác mà thôi.

3.

     Tóm lại, làng xã là đơn vị cộng cư, đơn vị kinh tế, đơn vị văn hoá tính thần của người Việt truyền thống. Tư duy làng chi phối tất cả. Nếu văn học là nơi kết tinh những gì thuộc về căn cước của một dân tộc thì chúng ta nên suy nghĩ về thông tin sau: Khi tìm hiểu ca dao tục ngữ của người Việt trong sưu tập của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, người ta tính được kết quả sau đây. Trong tổng số 641 câu nói về cộng đồng, chỉ có 14 câu nói về quốc gia (chiếm tỉ lệ 2,2%). Số còn lại là nói về dòng họ, về làng xã. Chẳng ai nghi ngờ gì lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc,… của người Việt. Nhưng có thể khẳng định tất cả những điều đó đều có hệ quy chiếu là làng. Làng xã trở thành một hằng số văn hoá. Hằng số ấy đã làm xong sứ mạng lịch sử của nó hay chưa? Nếu chưa thì nên đổi mới nó như thế nào? Nếu không đổi mới nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến công cuộc hiện đại hoá đất nước? Theo chúng tôi những câu hỏi này rất đáng để chúng ta bận tâm.