LUẬN ÁN Phó Tiến sĩ của NGUYỄN MANH HÙNG – Phần 2

… tiếp theo Phần 1:

CHƯƠNG I

TÌM HIỂU VỀ BỘ TƯ LIỆU:

KỸTHUẬT NGƯỜI AN NAM

I. NGUỒN GỐC LAI LỊCH BỘ TƯ LIỆU

1. Toàn bộ công trình gồm:

a. “Kỹ thuật của người An nam”*  của H. Oger, gồm những tư liệu thu hoạch được.
      Đây là bộ anbum gồm hơn 4.000 hình khắc gỗ về nhiều mặt xã hội Việt nam đầu thế kỷ 20.

b. “Giới thiệu tồng quát về việc nghiên cứu kỹ thuật người An nam“ của H. Oger ** .
      Đây là tập văn bản mô tả các ngành nghề truyền thống và một số nhận xét của H.Oger về xã hội Việt nam.

* OGER HENRI – TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE – ENCYCLOPEDIE DE TOUS LES INTRUMENTS, USTENSILES DE TOUS LES GESTES DE LA VIE ET METIERS DU PEUPLE ANNAMITE TONKINOIS – JOURNAL QUOTIDIEN DE L’INDOCHINE FRANCAISE 114 RUE JULES FERRY HANOI.
** OGER HENRI – INTRODUCTION GENERALE A L’ETUDE DE LA TECHNIQUE DU PEUPLE  ANNAMITE – ESSAI SUR LA VIE MATERIEL, LES ARTS ET INDUSTRIES DU PEUPLE D’ ANNAM – GEUTHER, LIBRAIRIE EDITEUR JOUVE & CIE – IMPRIMEURS EDITEURS.

2. Nơi lưu trữ:

       Bộ kỹ thuật của người An nam của H. Oger được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Hà nội ký hiệu HG 18 và lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, mã số: 1O511.

II. KHẢO SÁT BỘ TƯ LIỆU VỀ MẶT VĂN BẢN HỌC:

1. Các sai lầm của những người đã công bố trước

       Thiếu trung thực với nguyên bản, tẩy xoá các bộ phận tạo hình, lắp ghép thêm các bộ phận tạo hình khác, vẽ lại có sửa nét, làm sai lại các ý nghĩa khoa học.

2. Chú giải Hán nôm

      Trên mỗi bản vẽ đều có chú giải Hán nôm bên cạnh mỗi bức tranh. Đây là bố cục thứ hai của bản vẽ.

III. CÁC TÁC GIẢ BỘ TƯ LIỆU

1. Các công trình và cuộc đời của Henri Oger:

       Qua bài viết của Pierre Huad đăng trên tập kỷ yếu viễn đông bác cổ với tựa đề : ” Nhà tiên phong về kỹ thuật học Việt nam, Henri Oger”, chúng ta được biết một phần lý lịch của tác giả cũng như các công trình và phương pháp nghiên cứu.

2. Những nghệ nhân khuyết danh:

      Qua bộ tư liệu này, chúng ta đã phát hiện trong số hơn 4000 bức vẽ khắc gỗ có 4 bức họa hoàn chỉnh mà chúng tôi sẽ giới thiệu này 2 bức vẽ cảnh chợ, 2 bức ghi lại ngày Lễ hôi Tôn giáo, với tên tuổi quê quán của 4 nghệ nhân. Từ đó xác định gia tộc gia phả cũng như xây dựng một địa chỉ văn hoá mới.

CHƯƠNG II

XÃ HỘI VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ 19 – ĐẦU THẾ KỶ 20 QUA BỘ TƯ LIỆU

I. CÁCH PHÂN LOẠI ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU XÃ HỘI VIỆT NAM CỦA H. OGER

  1. Nền công nghiệp lấy nguyên liệu từ trong thiên nhiên (261 bức).
  2. Nền công nghiệp chế luyện các vật liệu lấy từ thiên nhiên (1199 bức)
  3. Nền công nghiệp đưa vào sử dụng các vật liệu đã chế luyện (1154 bức)
  4. Đời sống riêng và chung (890 bức)

II. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT:

1. Nghề nông

       Được mô tả những sinh hoạt trên cánh đồng (gieo trồng, cày bừa, gặt hái…)

2. Nghề đánh bắt

       Chủ yếu đánh bắt tôm cá.

3. Nghề săn bắn

      Chủ yếu săn bắt chim, chuột.

4. Nghề thủ công

      Mô tả ngành nghề truyền thống chạm khắc, làm giấy, tranh dân gian, thêu đan, sơn mài…

III. ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ

1. Sinh hoạt lễ hội dân gian
Tết cổ truyền Việt Nam và tín ngưỡng cơ sở

       Nếu muốn phác hoạ một bút tranh xã hội Việt Nam, chúng ta sẽ đứng ở góc cạnh nào để mô tả: một mảnh ruộng nông thôn đang cày bừa, một phường thợ hay phó xá… điều đó cũng chỉ có giá trị của một mặt cắt ngang dù có sinh động thế mấy vào thời điểm đó nó cũng đã thủ tiêu nhiều yếu tố ràng buộc trong quá trình cuộc sống. Nhà kỹ thuật học có óc sáng tạo như H. Oger không chịu làm một máy chụp ảnh cho từng thời điểm rời rạc mà có ý thức xây dựng thành những chuỗi hoạt động mang yếu tố xã hội nhân văn trong cuộc sống, liên kết giữa đời sống văn hoá vật chất với tinh thần. H. Oger cho rằng nó gắn liền với tập tục cổ truyền của những ngày lễ Tết, lễ hội dân gian như quyện chặt trong môi trường sống. Vậy có gì hơn khi mô tả bức tranh ấy chúng ta đặt nó vào trong toàn bộ cuộc vận hành chung của sinh hoạt tinh thần. Như vậy cuộc sống không chỉ làm cho no cơm ấm áo mà còn cả những cảm quan về triết lý nhân sinh, về vũ trụ, về thẩm mỹ và về những tín ngưỡng thô sơ.

2. Tục lễ cuới hỏi

       Trong quá trình tìm hiểu các tục lễ làng xã, chúng ta đã đụng chạm đến mọi cổ tục về hôn lễ đã để lại từ lâu đời và vẫn còn được tồn tại vào đầu thế kỷ này. Những bản vẽ của H. Oger tái hiện đầy đủ những bước diễn biến trong việc tiến hành gã cưới ở miền trung du Bắc bộ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chế độ phong kiến vẫn đang còn đè nặng lên xã hội Việt nam thời ấy một thứ luân thường đạo lý theo nho giáo, rập khuôn văn công gia lễ của Chu hy với những nghi thức quá rườm rà, lạc hậu. Muốn được vợ người thanh niên phải qua sáu lễ phiền phức, tốn kém có khi biến hôn nhân thành chuyện gã bán nặng nề : từ nạp thái (coi mắt), vấn danh (hỏi vợ), nạp cát (bói được ngày giờ tốt), thỉnh kỳ (định ngày cưới), nạp tệ (đưa lễ cưới) và thân nghịch (rước dâu).

3. Tục lệ ma chay

       Trong đời sống Việt Nam tục lệ ma chay, cưới hỏi là những tục lệ hết sức phức tạp và hệ trọng. Nhiềi nhà biên khảo đã để tâm thu thập nhiều tư liệu trong dân gian để mô tả thật đầy đủ và chi tiết những nghi thức tang chế ràng buộc trong gia đình, trong họ tộc. Fustel de Coulanges trong L’Annam d’autrefois (An nam ngày xưa) – Essai sur la constitution de l’Annam avant l’intervention francaise (P. Pasquier – Paris 1907. p.22) đã viết: “Có những trao đổi liên tục giữa người sống và người chết trong một gia đình. Người sống không thể bỏ qua người đã chết và ngược lại. Thật không còn tóm lược được ý nghĩa tổng quát việc thờ cứng ông bà ông vải của người Annam”.

       Nếu các tục lệ cưới xin phức tạp thế nào thì tục lệ tang chế cũng phức tạp không kém. H. Oger cho ta thấy kể từ lúc một người sắp chết (hấp hối) cho đến lúc chôn cất xong phải trải qua nhiều giai đoạn từ phạn hàm, chiêu hồn, khâm liệm, nhập quan đến đặt linh sàng, linh toạ rồi làm lễ thành phục… sau đó lo chuyển linh cữu, cất đám, lại còn nghi lễ đi đường rồi hạ huyệt, cúng quy lăng.

IV. MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ TIÊU BIỂU QUA BỘ TƯ LIỆU

1. Phong trào yêu nước khởi nghĩa

       H. Oger cho ta một số ảnh về liên quan đến các phong trào Cần Vương,  phong trào khởi nghĩa của các dân tộc ít người, phong trào khởi nghĩa Yên Thế với bản vẽ một đám rước có chú giải: “Đề Thám, bái mệnh Hoàng Đế” và Henri Oger chú thích chữ Pháp “Cortège portant un message au Roi”. Đây là nhũng tư liệu xác định động cơ nổi dậy của Đề Thám chính là hưởng ứng hịch “Cần Vương”.
       Bên cạnh đó, bức vẽ: “Người Thổ xách đầu thằng giặc” phải chăng đây là hình ảnh của Đề Thám ở giai đoạn cuối đời?

       Đối với phong trào Kỳ Đồng, Henri Oger cho ta 5 bản vẽ mô tả đời sống huyền thoại về nhân vật này như Kỳ Đồng hay chữ từ bé, Kỳ Đồng phất cờ khởi nghĩa, bị Pháp bắt đem ra góc tường bắn mà không chết hay Kỳ Đồng bị chôn sống rồi đào mồ trễ về gặp quan lĩnh cùng ứng đối… Tư liệu này bổ suug tư liệu lưu trữ tại Pháp do mật thám Pháp ghi chép tại Hà nội. Chúng ta nhận thấy có nhiều điều trùng khớp.

2. Phong trào chống thuế đi phu ở Trung Kỳ

       Henri Oger cho ta một bản vẽ 4 người bị cùm chân với lời chú giải của chính tác giả: “prisonier à la cangue” (tội nhân bị đóng gông). Nếu chỉ với những thông tin như trên chúng ta cũng chưa dám vượt khỏi ý nghĩ của một loại tội tiểu hình, nhưng nếu chúng ta đọc lại 3 chữ Nôm ghi chú bên cạnh: “Phải tội khôn” và quan sát 4 tội nhân với mái tóc đã cắt ngắn thì đây không phải một tội bình thường mà liên quan đến chính trị. Vây “Phải tội khôn” là gì? Đây là tội “làm khôn cắt tóc ngắn”.  Nhưng tại sao cát tóc ngắn lại phải tội trong khi có cả một phong trào đang học đòi văn minh phưong Tây vào đầu thế kỷ này như mặc đồ Tây, nói tiếng Tây, cắt tóc ngắn được vận động rầm rộ, thậm chí tóc ngắn tham gia những cuộc biểu tình chống Pháp. Khi chúng vây bắt hàng ngàn người cắt tóc ngắn đã bị đóng gông từng nhóm 10 người hay 3, 4 người như ta đã thấy trong bản vẽ.

       Hình ảnh trên đây đã gợi cho ta nhớ lại bối cảnh lịch sử cùng với những biện pháp vơ vét bóc lột của thực dân đã dẫn đến phong trào chống thuế, chống bắt phu rầm rộ mở đường cho sự chuyển hướng đấu tranh trong lịch sử vào những năm đầu thế kỷ.

… CÒN TIẾP …

MỜI XEM TIẾP:
◊  LUẬN ÁN Phó Tiến sĩ của NGUYỄN MẠNH HÙNG – Phần 3

 

MỜI XEM:
◊  LUẬN ÁN Phó Tiến sĩ của NGUYỄN MẠNH HÙNG – Phần 1
◊  LUẬN ÁN Phó Tiến sĩ của NGUYỄN MẠNH HÙNG – Phần 2

BAN TU THƯ
09 /2019