“MỘT NGƯỜI HÀ NỘI” – Đọc từ ĐA VĂN HÓA

GS.TS LÊ HUY BẮC*

     “Một người Hà Nội” là câu chuyện kể về cô Hiền. Cô là người Hà Nội. Đúng hơn cô là biểu tượng văn hoá của Hà Hội, là kết tinh nhiều giá trị đạo đức quý báu để ứng phó với những đổi thay thời cuộc. Cô Hiền là cái phần căn bản, bất biến trước cuộc đời nhiều bão tố. Lời cô dạy lũ trẻ, “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng” (tr. 93) đã cho thấy rõ phẩm chất này. Đương nhiên là cô đáng ngợi ca, nhưng không hẳn cái gì ở cô cũng được ngợi ca một chiều.

x
x x

     Nguyễn Khải là bậc thầy trong việc tái hiện xung đột (ông có hẳn tiểu thuyết mang nhan đề Xung đột, 1959–1962), đặc biệt là xung đột giữa cái cũ và cái mới, giữa tích cực và tiêu cực, giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa ta và Tàu, giữa Đông và Tây… Đọc ông ta thấy đầy ắp xung đột. Những xung đột này có lúc nổi lên bề mặt, có lúc lại chìm ẩn, bởi ông là một môn đệ trung thành của học thuyết Marx: xung đột là động lực phát triển xã hội. Nhưng ông là môn đồ cấp tiến, nắm bắt được quy luật giải cấu trúc. Có thể xem ông là điển hình cho sự tiếp biến Marxist – hậu hiện đại. Tư tưởng này thể hiện rất rõ trong những sáng tác từ sau năm 1980 của ông. Đặc biệt là Một người Hà Nội.

     Một người Hà Nội(1) là câu chuyện kể về cô Hiền. Cô là người Hà Nội. Đúng hơn cô là biểu tượng văn hoá của Hà Hội, là kết tinh nhiều giá trị đạo đức quý báu để ứng phó với những đổi thay thời cuộc. Cô Hiền là cái phần căn bản, bất biến trước cuộc đời nhiều bão tố. Lời cô dạy lũ trẻ, “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng” (tr. 93) đã cho thấy rõ phẩm chất này. Đương nhiên là cô đáng ngợi ca, nhưng không hẳn cái gì ở cô cũng được ngợi ca một chiều.

     Nói đến Hà Nội là nói đến truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Văn hoá Hà Nội là văn hoá gốc cho mọi biến thiên của cuộc đời Việt, nhưng cái làm nên văn hoá Hà Nội là sự tiếp biến không ngừng của các giá trị cổ xưa và hiện đại, phương Đông và phương Tây,… Trong người Hà Nội có gốc gác Giao Chỉ bản địa, có văn minh Tàu, văn minh Pháp, Liên Xô, Đông Âu và cả Mỹ nữa… Sự bổ sung văn hoá cho một cộng đồng luôn là cần thiết và bất khả kháng, nếu cộng đồng đó muốn tốt đẹp hơn. Nhưng cái sự bổ sung, nếu quá đà thì sẽ dẫn đến hiện tượng lai căng đáng ghét. Nguyễn Khải miêu tả cô Hiền với những tập quán Hà Nội. Một Hà Nội dịu dàng, đằm thắm, nhân hậu, thuỷ chung… Thoạt nhìn, ở cô Hiền, ta thấy đầy ắp đức tính tốt. Lối kể này, nếu thật chỉ có thế, thì hoá ra là Nguyễn Khải lại viết một câu chuyện cổ tích.

     Ông ngợi ca cô Hiền, nhưng không chỉ một chiều. Có thể cô Hiền đẹp về nhiều cấp độ nhưng cơ bản, cái nhà văn muốn nói đến còn là sức ỳ cố hữu nhất định của chốn phồn hoa kinh kì. Thêm nữa, nhiều vấn nạn cuộc đời luôn diễn ra sau những cú va chạm văn hoá. Nếu không độ lượng, không trải lòng thì những mất mát tất yếu sẽ xảy ra, cuộc sống sẽ trở thành cõi chết.

     Đọc Một người Hà Nội, ta thấy ngay nét văn hoá Tàu ngự trị khá nặng. Giới thượng lưu Việt buổi giao thời Tây – Ta đầu thế kỷ XX ấy, để cưỡng lại sự xâm lăng mà họ cho là nỗi nhục dân tộc, thì có xu hướng thiên sang những giá trị cổ để bảo tồn. Không phải vô tình mà Nguyễn Khải nhắc đến việc cắt tỉa hoa thuỷ tiên, một thú chơi tao nhã của người Hà Nội, nhưng lại nói rõ gốc gác thuỷ tiên không phải do người Hà Nội trồng, mà thầm tiếc vì bây giờ người ta mải buôn những thứ hàng khác, không đoái hoài gì đến thuỷ tiên. “Dân Hà Nội nhảy tàu lên Lạng Sơn buôn bán đủ thứ mà không buôn được vài ngàn củ thuỷ tiên nhỉ?” (tr. 97). Một lối hỏi ngầm ý mỉa mai, kín đáo rất Hà Nội. Dẫu tác giả không nói rõ nguồn gốc của thuỷ tiên, nhưng việc buôn ở Lạng Sơn về thì chắc là từ Tàu. Như thế, một nét thanh tao nơi cô Hiền ấy là thanh tao Tàu. Không hề chi, bởi vì đấy là cái đẹp. Nhưng tiếp đó, tác giả nhắc đến chuyện cái bình phong mà bao tháng năm nay cô Hiền ngồi tiếp khách sau đó: “Nơi tiếp khách của cô sau tấm bình phong cao hơn đầu người bằng gỗ chạm suốt mấy chục năm không hề thay đổi” (tr. 96). Tuy dấu hiệu này khó nói là thuần tuý Tàu nhưng vẫn mang không khí Tàu. Nói đúng hơn là sự du nhập Tàu vào Việt, có lẽ từ nhiều trăm năm trước…

     Đưa các dẫn chứng này ra để nói rằng, có lẽ Một người Hà Nội không đơn thuần ngợi ca cô Hiền như ta đọc vội mà đúng hơn là bao hàm cả sự giễu cợt cái lối thân Tàu quá đáng, hoặc là hoài cổ quá mức của giới trung lưu nệ cổ đất Hà thành.

     Nhưng nếu quy hết những biểu hiện văn hoá cổ trong truyện cho Tàu thì thật là sai lầm. Người Việt có một nền văn hoá cổ xưa cao đẹp. Kiểu văn hoá lúa nước đặc thù, luôn bao hàm tính nhị phân: không chỉ là tốt – xấu, thiện – ác… mà còn là từ tốn có nguy cơ chậm chạp, nhân hậu có lúc ngộ nghĩnh, chăm chỉ đôi khi lừ đừ, nhanh nhảu đến mức hậu đậu, yêu thương hoá ngờ nghệch, dũng cảm hàm chứa đôi phần hiếu chiến… và đặc biệt mê tín dị đoan đến bí hiểm, thích luận bàn những lẽ cao siêu của trời đất mà chẳng thể nào thấu hiểu được đó là gì… Người Việt luôn tin có thánh thần, ma quỷ. Thánh thần thì giúp người ngay, hại kẻ xấu. Ma quái thì phá hoại đời sống tốt đẹp của con người. Cô Hiền vừa là kết tinh của những nét văn hoá đẹp cũng như cả sự quái gở từ những góc tối mà sự đa tạp văn hoá mang lại.

     Điểm đáng ngợi ca nhất ở cô Hiền chính là tinh thần say mê lao động. Cô kiếm sống bằng đôi tay. Những năm tháng đất nước đói nghèo sau chiến tranh, để tồn tại được đâu có dễ. Thế mà bằng bàn tay chèo chống của mình, cô đã tạo được cuộc sống no đủ cho gia đình. Có điều, cái nghề của cô không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Đấy là làm hoa giấy.

     Nghề này được xem là vốn quý của dân tộc. Hoa giấy được bày bán để mọi người trang trí nhà cửa. Nhưng tại sao lại là hoa giấy chứ không là hoa thật. Bởi Hà Nội nổi tiếng với nhiều làng hoa (Nhật Tân, Ngọc Hà, Tây Tựu…), sao cô Hiền không bỏ vốn trồng hoa thật. Có thể diễn giải được gì ở đây?

     Loại hoa cô Hiền bán được là nhờ có người mua. Người Hà Nội mua hoa giấy, có nghĩa người Hà Nội chơi hoa giấy. Có thể vào dạo đó hoa giấy là mốt, hoặc giả là vào thời đó, nghèo quá nên chơi hoa giấy vốn rẻ hơn hoa thật là có thể chấp nhận. Nhưng ta có thể suy luận rộng thêm rằng, cái việc chơi hoa giấy đó là chơi đồ giả, cái không thật. Vẻ đẹp của cái không thật kia còn lâu mới sánh được với một giò thuỷ tiên mà người kể ao ước cuối truyện. Dẫu thế nào đi nữa thì việc bán và mua hoa giấy đó cho thấy một thị hiếu không mấy sức sống, không mấy tươi mới của người Hà Nội. Loại hoa đó có lẽ được đưa ra như một biểu tượng về một thời đói khổ, con người sống duy ý chí, chạy theo những điều viển vông mà bỏ qua những thứ thiết thực nhất của đời sống như cơm ăn, áo mặc.

     Văn minh Tây phương cũng chiếm ưu thế trong truyện nếu xét từ cô Hiền. Ắt hẳn, “hoa giấy” có xuất xứ từ phương Tây. Có thể nói, phần nào đó cô và nhóm bạn cô là một mô hình kỳ quặc (mặc dù trong truyện người kể kể với giọng ngợi ca) của sự lai căng Tây – Tàu. Ta nhớ ông chồng cô Hiền là một giáo viên tiểu học, một người Tây học. Nhờ viết sách giáo khoa và đi dạy mà có thể nuôi sống gia đình một cách sung túc. Chi tiết này như một lối so sánh văn hoá về quyền lợi giáo dục của thời đó với thực trạng đời sống giáo viên hiện nay. Nguyễn Khải quả là đáo để. Nhờ có tiền từ nghề giáo, cô Hiền mua nhà, đẻ con, thuê người giúp việc… Tóm lại là sống cuộc đời sung túc chân chính, đề huề nhờ… đi dạy. Thế rồi, cách mạng về. Vấn đề đặt ra là cuộc sống độc lập tự do có phải là tối ưu cho tất cả mọi kiểu người trong xã hội.

     Đi theo cách mạng, “tôi” người lính trở thành yếu nhân, là chủ nhân của thời đại kể từ năm 1954 đến 1985. Nhiều nhà giàu trước kháng chiến thì lại sa sút. Vậy nên có sự xung đột văn hoá giữa hai lối sống cũ và mới, giữa tư sản và lính. Rõ ràng, nền độc lập dân tộc là thiêng liêng. Sự tự do cho con người là lẽ cao quý mà bất cứ ai ai cũng thừa nhận. Thế nhưng, như mọi cuộc cách mạng, quyền lợi sẽ thuộc về số đông, còn số ít, ít nhiều cũng bị tác động. Đấy là quy luật vĩnh hằng của lịch sử. Vấn đề là thái độ của con người trước sự đổi thay đó.

    Cô Hiền, tạm gọi là người thất thế trong cuộc vinh quang đó. Cô chấp nhận mọi thứ như một lẽ thường. Thời độc lập, văn minh Tây – Tàu nhường bước trước văn minh Việt. Đất nước chuyển sang hệ hình văn hoá mới, nói theo cách của Nguyễn Khải là văn hoá lính. Hệ văn hoá này đối chọi lại văn hoá tư sản. Văn hoá lính thắng thế. Cả xã hội đều vận hành theo kiểu lính, “Cho nên cái mùi lính tráng thâm nhiễm vào mọi nơi, mọi chỗ, quan hệ kiểu lính, vui chơi kiểu lính, ăn nói kiểu lính, văn chương cũng là một mùi lính” (tr. 95). Ngay đến ước nguyện mở một xưởng in của chồng cô Hiền vào năm 1956 cũng không thể có đất vì như thế ông giáo đó tự biến mình thành tư sản, cái mà văn hoá lính không cho phép tồn tại.

     Không thể không kiếm sống, như trên đã nói, cô Hiền quay sang nghề làm hoa giấy. Cô để con trai, Dũng tham gia bộ đội vào Nam chiến đấu. Nguyễn Khải phát hiện rất tinh tế tâm trạng cảm xúc của những người hoà mình chậm vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Cô bảo cô đau lòng mà để con ra đi vì hai lẽ: tôn trọng tư cách làm người của Dũng và công bằng với mọi người mẹ khác. Như thế cô Hiền không đứng ngoài sự vận động của lịch sử. Cô vẫn lấy Tổ quốc làm trọng. Nhưng rõ ràng cô không hào hứng về cái chuyện bắn giết ấy. Cô vốn ưa hoà bình. Nét tâm lý này rất nhân bản. Chẳng người mẹ nào muốn con mình chết, ngay cả khi cái chết đó là sự xả thân cho lý tưởng cao đẹp. Nhưng có những thời khắc, con người không có được lựa chọn. Cô “đau đớn mà bằng lòng” (tr. 94). Trong bầu không khí hào hùng của dân tộc, vào Nam chiến đấu là mệnh lệnh sống còn của mỗi người dân Việt. Cô Hiền xứng đáng được ghi điểm ở diễn ngôn có vẻ ích kỷ này.

     Nhờ tích tụ rất nhiều lớp văn hoá, nên ở bất kỳ thời đại nào, cô Hiền cũng tồn tại. Có thể xem cô Hiền là lớp trung gian trong xã hội. Những con người này nếu nhìn họ theo lối tiêu cực thì đấy là loại tắc kè hoa, đổi màu theo bất cứ thời tiết nào. Nhưng nếu nhìn theo lối tích cực thì đấy là kiểu người điềm tĩnh, cam chịu, dung hoà để giữ cho mình một sự sống trung dung trước biến cố cuộc đời. Nét tính cách chịu đựng là chủ đạo ở cô Hiền. Trong khi đó, “tôi” là nhân vật trung tâm của thời đại sau chiến tranh, thời đại của cái mới phóng túng, xâm tàn cái cũ đã định hình thành nếp.

     Như “tôi” nhận xét, cái chất lính đã phổ khắp mọi nơi. Đấy là cái chất trung thực, thẳng thắn đến mức sỗ sàng. Còn gì bi hài hơn lối so sánh “cách ăn” và bàn ăn của gia đình “tôi” và gia đình cô Hiền. “Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định”. Còn đây là cách ăn của gia đình “tôi”: “vợ chồng con cái ngồi xúm xít quanh cái mâm nhôm, thức ăn có khi múc ra đĩa, có khi cứ để nguyên trong nồi, nồi lớn đặt giữa mâm, nồi nhỏ đặt cạnh mâm, cứ việc sục muôi vào, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát con mắng cái, nhồm nhoàm, hả hê, không cần phải khuôn bó theo một quy tắc nào cả” (tr. 75). Trên cái nền xung đột, hai cách ăn cho thấy hai thái độ sống. Một đằng là hưởng thụ từ tốn, trưởng giả theo lối “trong bao” trung tâm luận, mặc kệ sự đời. Tuy là giới tri thức lớp dưới (chồng là giáo viên tiểu học, vợ là con một ông giáo, bản thân ở nhà nội trợ) nhưng có lẽ cái gia đình đó là hiện thân cho đẳng cấp trung lưu của thời Pháp thuộc. Ngược lại, cái lối ăn của gia đình “tôi” là đẳng cấp trung tâm sau khi hoà bình lập lại (năm 1954) và thống nhất đất nước (năm 1975) lại có lối hành xử phi trung tâm, bát nháo, xô bồ của một lối sống thoải mái, có phần bản năng. “Tôi” kể theo lối so sánh thoạt nghe thì như thể để đề cao lối sống nhà cô Hiền và hạ thấp lối sống của gia đình mình, nhưng thực chất không phải. Vẫn có niềm tin và tự hào nào đó trong cái cảnh hỗn độn, xô bồ đầy lính tráng đó. Một đằng không làm gì để mặc đất nước cho người khác lo và một đằng xả thân vì nước, sự thiếu thốn chiến trường đã tạo cho người lính một thói quen không được thanh lịch như những người không tham gia chiến trận, vậy thì lối sống nào có giá trị hơn?

     Nguyễn Khải đã cài cái nhìn hậu hiện đại vào các ký hiệu “ăn”, “mặc”, “ở” này. Với hậu hiện đại, trước hết không có cách ăn, mặc, ở nào cao cả hơn cách ăn, mặc, ở nào. Tiếp nữa, cách nào phù hợp với cá nhân và hoàn cảnh là cách ăn tối ưu nhất, vậy nên cô Hiền có cách ăn của cô, “tôi” có cách ăn của “tôi”, mọi cách ăn đều bình đẳng, và người đọc sẽ rút ra được điều gì ẩn tàng sau các kiểu ăn đó là chuyện của người đọc.

     Chuyện “ở” cũng vậy, một sự tương phản bi hài kịch, một đằng thì “họ ở rộng quá, một toà nhà toạ lạc ngay tại một đường phố lớn”, trong khi đó thì cánh lính “và gia đình họ phải ở chen chúc trong những khu nhà tập thể, có khi phải ở ngay dưới gầm cầu thang của một nhà bạn bè” (tr. 90). Có sự đối lập nực cười cay đắng giữa hai cách ở. Từ việc trưng ra những sự thực này, người kể tạo được hình ảnh so sánh sinh động về các khả năng sống và tuy không một lời bình luận, nhưng vẫn cho thấy sự bất công của thực trạng cuộc sống, những người xả thân cho Tổ quốc thì chỉ có được một cuộc sống như thế, còn những người đứng bên lề vận mạng dân tộc thì có được sự sung túc gấp bội phần. Mạch truyện ngầm dẫn đến một sự thay đổi. Bắt buộc phải thay đổi. Cô Hiền và giới của cô đã thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó, lại diễn ra rất phức tạp, vẫn có một khoảng trống tinh thần, nơi tác động xã hội không với đến được. Điều này tạo nên một phức cảm trong hình tượng – phức cảm hậu hiện đại.

    Về chuyện “mặc”, tác giả cũng có một cái nhìn đa diện tương ứng. Có nghĩa có nhiều cách mặc, đầy ngưỡng mộ nhưng cũng thực bi hài, xót xa cho cái đẹp quá vãng và những ai tôn sùng cái đẹp đã lỗi mốt đó. Tính chất đa bội trong cái nhìn đã khiến tác phẩm âm vang nhiều giọng điệu. Chúng không ngừng trì biệt, đối thoại để tạo nên những bè giọng bất tận cho tác phẩm. Người lính ăn mặc giản dị đến mức tuềnh toàng. Cái cảnh “tôi” đi hỏi đường ở Hà Nội, sau Đổi mới, bị mọi người xem thường vì ăn mặc lôi thôi, đã nói lên được bản chất cái nhìn này. Trong khi đó thì cô Hiền và nhóm bạn vang bóng một thời của mình thì cho dù trong cảnh sa sút đến đâu vẫn cố duy trì cái nếp sống ngày xưa cũ. Đàn ông thì “mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, bỏ áo khoác ngoài, bên trong còn mặc đồ bộ, thắt cà-vạt”, đàn bà thì “lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh, rồi một loạt bảy tám bà tóc đã bạc hoặc nửa xanh nửa bạc, áo nhung, áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển” (tr. 79). Những bộ cánh đó được bình: “Nhưng đã sờn bạc cũ kĩ” (tr. 79). Việc níu kéo thời gian, thực chất là níu kéo một thời hoàng kim đã qua, níu kéo một thời xuân sắc. Nhưng sân khấu đã hạ màn. Họ không còn là vai diễn chủ đạo. Họ quá già, quá thất thế để trở thành minh tinh màn bạc. Điều này tạo nên dư vị chua chát về sự đổi thay thế cuộc hay rộng hơn là sự mất mát tuổi trẻ mà bất kỳ ai cũng phải gánh chịu. Nhưng cũng cần hiểu rằng, nhờ đóng màn kịch lỗi thời tư sản đó mà những kẻ thất thế sau 1954 mới có thể tồn tại qua thời gian khốn khó.

     Cái nhìn đa chiều hậu hiện đại còn chi phối thiên truyện ở chỗ, nếu trong thời chiến, lối ăn uống điệu đàng kiểu cô Hiền bị phê phán, phải ăn như “tôi” mới phù hợp. Nhưng trong thời bình, ăn như “tôi” lại yếu thế trước cô Hiền. Cái nhìn của “tôi” không khỏi ngậm ngùi. Cần phải có một trận chiến mới cho thực tại. Một trận chiến văn hoá thực sự nhân danh văn hoá. Thời bình không thể sống như thời lính được. Thì ra, cô Hiền có cái đúng của cô, “tôi” có cái đúng của “tôi”, còn ủng hộ ai là chuyện của người đọc.

     Dẫu sao thì “tôi” vẫn nhận ra sự kém thế trước cô mình nên mới có lời bình chua chát: “Ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi rườm rà của… giai cấp tư sản” (tr. 75). Có sự tồn tại và đối nghịch giữa hai lớp văn hoá: lính và tư sản. Văn hoá lính thì mang lại độc lập, tự do cho nước nhà trong thời chiến, văn hoá tư sản thì làm phong phú cho nước nhà trong thời bình. Xem ra, cả hai đều quan trọng như nhau. Nhưng ở từng thời điểm, văn hoá nào được đề cao mới là điều đáng nói.

     Trong truyện, người lính có hai thế hệ. “Tôi” là người lính thế hệ chống thực dân Pháp. Dũng thuộc thế hệ lính chống đế quốc Mỹ. Nếu cô Hiền – tư sản là đối tượng tương phản với người lính chống thực dân Pháp thì thế hệ Dũng, con cô lại tiếp bước người lính trong cuộc chiến thống nhất đất nước. Có thể coi đây là một sự điều chỉnh kịp thời của giới trung lưu Hà Nội thời Pháp thuộc. Thế hệ lính thứ hai này có cái đĩnh đạc riêng, có cách suy nghĩ riêng về cuộc sống hậu chiến. “Dũng nói rằng trong nửa năm nay anh không ngớt nghĩ về những người từ Hà Nội ra đi cách đây đúng mười năm. Sáu trăm sáu mươi người, bây giờ còn lại khoảng trên dưới bốn chục” (tr. 95). Dũng luôn bị ám ảnh bởi cái chết của đồng đội và luôn day dứt về trách nhiệm, bổn phận của mình – một người còn sống.

     Truyện ngắn này rất đặc biệt bởi lối kể truyền thống xen lẫn hậu hiện đại. Giọng điệu “khen” thì thiên sang cô Hiền, nhưng các ký hiệu then chốt thì luôn được xử lý theo lối dung hoà mang tính nhị phân: ứng với mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại, hành vi của con người, cái nhìn của con người,… có những điều chỉnh khác nhau. Sự đối lập giữa hai mô hình văn hoá của hai chặng đường lịch sử: một bên tự nguyện xả thân, phải tự lực cánh sinh, phải nhọc nhằn mưu sinh, một bên thì sung túc tận hưởng sự giàu có vật chất, có người hầu kẻ hạ,… đều có lý do tồn tại của nó.

     Có thể nói, đây là câu chuyện đậm màu sắc hiện thực, nhưng thuộc vào số hiếm khi viết về nhà giàu mà không chê bai, chỉ trích trên văn đàn Việt. Nguyễn Khải tiên phong trong việc suy tôn nhà giàu trong bối cảnh thời đại mới. Nhìn về quá khứ, ông rất sòng phẳng với những thành tựu và hạn chế nhất định của thời bao cấp. Thời đó tuy khó khăn về mặt vật chất, nhưng đời sống tinh thần phơi phới một niềm vui bất tận của những người thoát ách nô lệ trăm năm. Văn hoá lính dẫu có những hồn nhiên nhất định, nhưng vẫn cứ là thời hoàng kim theo cách nào đó trước ngưỡng cửa kinh tế thị trường. Người kể “tôi” không khỏi ngậm ngùi, “Còn bây giờ, sau bữa tiệc mừng đại thắng mười lăm năm, tầng lớp lính đã mất đi ngôi vị độc tôn của mình rồi. Bây giờ là thời của các giám đốc công ti” (tr. 95). Văn hoá lính là thuần khiết, không tạp chủng, không vàng thau lẫn lộn. Nhưng cái hình ảnh trung tâm đó đâu chói sáng mãi, đến lượt mình, nó bị giải cấu trúc để chuyển mô hình trung tâm sang một mớ tạp pí lù, những kẻ ngoại vi của thời kháng chiến lên ngôi. “Các cố vấn, chuyên viên kinh tế thật giả đủ loại lên ngôi ban phát mọi tiêu chuẩn giá trị cho cả xã hội” (tr. 95). Rõ là một cơ chế kinh tế hậu hiện đại, trong cái tích cực có cái tiêu cực, trong cái tốt cũng có cả cái đồi bại của sự cạnh tranh thị trường với nhiều vấn nạn về đạo đức và môi sinh.

     Câu chuyện có đến ba thế hệ (cô Hiền là người sống qua ba thế hệ): cô Hiền; “tôi” và những người của thời mở cửa. Tương ứng với ba kiểu trung tâm: Giới thượng lưu Pháp thuộc, cánh lính và cánh giám đốc công ty, chủ tịch tập đoàn. Cô Hiền là thế hệ trước năm 1954, tôi là thế hệ sau 1975 và thế hệ thứ ba là sau năm 1986. Có chuyện của Hà Nội, chuyện của Thành phố Hồ Chí Minh, được nhìn từ cái nhìn của một người lính thất thế của những năm 1990 về thế thái nhân tình… Tương ứng với ba thế hệ đó là vô vàn kiểu giọng điệu, một giọng điệu tự tin, một giọng điệu ngợi ca, một giọng điệu nhâng nháo,… một mặt phô bày bản chất thực của thời mình, của cái bản thể trung tâm, mặt khác không ngừng đối thoại để chuyển dịch tư thế cho phù hợp với yêu cầu mới.

     Có một lối tự sự quay vòng đặc trưng hậu hiện đại. Ký hiệu ban đầu là một “chị giúp việc” và cái đà lên ngôi của các “giám đốc công ti” thì chẳng mấy chốc thực tiễn ô sin sẽ trở lại. Chặng cuối của lớp tư sản kiểu cũ sẽ xuất hiện một lớp người có thể định danh là tư sản kiểu mới. Người kể không nói nhiều về kiểu người này, nhưng chỉ một câu nói bâng quơ của một cô gái vừa làm mẹ (cho con bú) về chuyện đi xe “cúp”, đã là ký hiệu rõ nét cho văn hoá phương Tây tràn vào theo lối từ Nhật qua Liên Xô về Việt Nam, như đường đi của con “cúp” đó. Ở chặng cuối của văn hoá lính, lại là văn hoá cơ giới Tây xâm nhập vào nền kinh tế mở cửa theo lối du kích, tàn sát triệt để cái sự hồn nhiên, ngây thơ thời bao cấp.

     Xem ra, Nguyễn Khải đã hành xử câu chuyện theo lối rất hậu hiện đại. Ông dịch chuyển một cái trung tâm (giới thượng lưu của cô Hiền) ra ngoại biên, đưa cái ngoại biên (văn hoá lính) vào trung tâm, rồi lại giải cấu trúc văn hoá lính, đưa họ ra ngoại biên trước cái trung tâm là các giám đốc công ty… Đường đi của truyện là vậy, nhưng đấy chỉ là phiên bản rất gần của sự dịch chuyển xã hội. Nguyễn Khải dường như đóng vai trò khái quát, ghi lại bằng một lối kể đa tầng về sự vận hành của xã hội Việt Nam kể từ đầu thế kỷ XX lúc cô Hiền sinh ra cho đến cuối đời cô, “ngoài bảy mươi” vào khoảng những năm 1990, “một người Hà Nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn” (tr. 96). Một sự kết luận rất chủ quan nếu không nói là một lối giễu cợt thâm trầm.

     Lịch sử một thế kỷ đa văn hoá Việt đã nhiều lần tự giải cấu trúc chính nó, khi vận động tiến lên. Không có chuyện nhất thành bất biến trong thiên truyện này. Ai cũng có thể và phải vận động. Các trung tâm thường trực thay thế nhau theo quy luật vận hành của xã hội và cao hơn là của tạo hoá, cái mà cô Hiền khái quát tù mù, “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được” (tr. 98). Cô Hiền chết trên ngưỡng cửa toàn cầu hoá. Cô chết khi nền kinh tế thị trường lên ngôi. Ích lợi của công cuộc mở cửa mang lại cho con người là vô cùng lớn lao. Điều này càng thúc đẩy thêm nữa quá trình hội nhập. Trên tiến trình đó, văn hoá vừa là một cửa ngõ thoáng đạt nhưng đồng thời cũng là rào cản trong chừng mực nhất định. Toàn cầu hoá không có nghĩa là xoá bỏ mọi bản sắc văn hoá của cộng đồng mà đơn giản chỉ là làm phong phú thêm bản sắc đó. Không ai có thể khư khư cố chấp với cái mình cho là đúng hay tốt. Lịch sử có sự vận hành của riêng nó. Mọi thứ đều không ngừng dịch chuyển để tiến lên. Cô Hiền không tránh khỏi những tác động bất như ý, kể cả cái chết như là đích cuối của sự sống.

     Từ sự đổi thay, giải cấu trúc liên tục như một tất yếu, chúng ta sẽ thấy, qua cô Hiền, một nền văn hoá ưu việt trước hết đòi hỏi phải bảo tồn được những giá trị cao quý của chính nó, lấy đó làm phần bất biến để du nhập và tiếp biến những điều tốt đẹp bên ngoài. Văn hoá trong tồn tại cũng tuân thủ nguyên tắc nhị phân: bền vững và thích ứng. Vì lẽ đó mà ngày nay, việc bùng nổ nghiên cứu văn hoá như là nhiệm vụ tối thượng của phê bình lý luận nhằm khám phá những phần cốt lõi và phần du nhập để khẳng định tính tối ưu của sự tiếp biến văn hoá như một quy luật bất biến.

     Bất kỳ sáng tác của nhà văn nào cũng đều không tránh khỏi những vấn đề văn hoá chung, dẫu cho họ có sử dụng ký hiệu ngôn ngữ theo kiểu nào đi nữa. Nhìn rộng ra, ký hiệu văn hoá như một thuộc tính tất yếu của mọi biểu đạt nghệ thuật. Câu chuyện của Nguyễn Khải suy cho cùng cũng chỉ là chuyện văn hoá chuyển dịch trong nhiều thời khắc lịch sử. Trên bề mặt ông kể câu chuyện về một người Hà Nội, nhưng thực chất là tái hiện những đặc thù văn hoá với những xung đột thay thế giữa bao nẻo đường hợp phân của dân tộc. Cách làm của Nguyễn Khải về cái mới thì chẳng có gì nhiều để nói, nhưng cái lối ông đối xử với những nét văn hoá lỗi mốt, lạc điệu thì rất đáng trân trọng. Theo đó, tại điểm đổi thay, văn hoá sẽ mang trong nó cả “sự bại trận” và những kẻ bại trận thì đâu dễ từ bỏ văn hoá của họ. Vậy nên, ông trân quý những cái quá vãng mà một thời từng là hoàng kim. Lịch sử dân tộc cũng như cá nhân, ai cũng có một thời hoàng kim để rồi già cỗi, giã từ… Điều này truyền cho người đọc sự tê tái trước những mất mát mà con người phải đối diện, cho dù đằng sau đó là yếu tố tích cực, tiến bộ, là quy luật tất yếu của cuộc đời.

     Bảo cô Hiền không thay đổi, “thuần tuý Hà Nội” thì chỉ là ước nguyện của người kể thôi. Thực tế, cô đã thay đổi. Cô thường xuyên chịu và tự mình giải cấu trúc. Cô mang trong mình bao lớp văn hoá, muốn tránh cũng không được. Nhưng cái không đổi ở cô là tình người, là niềm tin vào tương lai tốt đẹp, yêu lao động và biết chịu đựng, bao dung trong những thời khắc cam go nhất. Đấy mới là linh hồn, là tinh tuý Việt, lớn rộng hơn cái chuyện về Một người Hà Nội kia mà Nguyễn Khải đã ký thác qua thiên truyện nhiều chua chát nhưng cũng rất đỗi bình yên, hạnh phúc của kiếp người.

     Chú thích­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­:

     (1) Nguyễn Khải, Một người Hà Nội, In trong Ngữ văn 12, tập 2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, H., 2010. Các trích dẫn văn bản trong bài đều lấy từ sách này.

Nguồn: Bài đăng tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/2018,
trích từ chuyên luận “Ký hiệu học văn học”, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2018.
Trích dẫn: Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội (Khoa Việt Nam Học)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)