Một số thông tin mới về Vương Thuý Kiều góp phần tìm hiểu “Truyện Kiều” theo góc nhìn khu vực

TRẦN NGHĨA – LƯƠNG THỊ THU
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

     Những năm gần đây, do để tâm tới văn học so sánh, chúng tôi phát hiện thêm nhiều tác gia, tác phẩm văn học cổ ở trong nước cũng như ở nước ngoài viết về Vương Thuý Kiều.

     Thuộc phạm vi trong nước, ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du mà chúng ta đều biết, còn có không ít những sáng tác khác lấy câu chuyện Vương Thuý Kiều làm đề tài (1). Trong số này, có loại dùng Kim Vân Kiều truyện (KVKT) của Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) làm bản nguồn (văn bản nguyên thuỷ, source text) để viết, và ở trường hợp này, tác phẩm đang nói tới sẽ là bản phái sinh (soạn lại, revuriting), như Truyện Kiều (còn có các tên gọi khác: Thuý Kiều truyện, Kim Vân Kiều truyện, Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du; Kim Vân Kiều lục của Phạm Quý Thích; Hội đề Kiều thi của Phạm Quý Thích, Hà Quyền; Thanh Tâm Tài Nhân thi tập của Trần Bích San, Chu Mạnh Trinh; Thanh Tâm Tài Nhân cổ kim minh lương đề vịnh tập biên của Minh Mệnh, Tự Đức, Nguyễn Khuyến v.v…

     Lại có loại tác phẩm dùng Truyện Kiều của Nguyễn Du làm bản nguồn để soạn lại, như Ca phả của tác giả khuyết danh; Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca của Lê Dụ; Kim Vân Kiều trò của tác giả khuyết danh; Kim Vân Kiều phú của tác giả khuyết danh v.v… Ngoài ra, còn có những công trình nghiên cứu so sánh, như Kim Vân Kiều hợp tập của tác giả khuyết danh; Thuý Kiều truyện tường chú của Chiêm Vân thị… Đặc biệt còn có loại tác phẩm “Tục Thuý Kiều”, như Đào hoa mộng tục Đoạn trường tân thanh của Cấn Phong Hà Đạm Hiên.

     Thuộc phạm vi khu vực, đáng nói trước hết là Trung Quốc. Ở cái đất nước nổi tiếng về “Truyện Tàu” này, Vương Thuý Kiều sớm trở thành nhân vật trung tâm của nhiều cuốn tiểu thuyết “tài tử giai nhân”, nhiều vở hí khúc “lâm ly thống thiết”. Đời Minh, đáng chú ý có Sinh bão Hoa Ngạc Ân, Tử tạ Từ Hải nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân; Lý Thuý Kiều của Đới Sĩ Lâm; Hồ Thiếu bảo bình Nuỵ tấu tích của Trần Thụ Cơ; Vương Thuý Kiều truyện của Dư Hoài; Thu hổ khâu của Vương Lung v.v… Đời Thanh, đáng chú ý có KVTT của TTTN; Hổ phách chuỷ của Diệp Trĩ Phỉ; Song Thuý viên cả Hạ Bỉnh Hoành… (2).

     Riêng KVKT của TTTN, ở Trung Quốc hiện có hai loại văn bản khác nhau: bản đầy đủ (phồn bản) và bản tóm lược (giản bản), theo kết quả khảo sát gần đây của bà Isohe Yuko (Cơ Bộ Hựu Tử), nhà nghiên cứu về tiểu thuyết “son phấn” (tiểu thuyết yên hoa phấn đại) người Nhật Bản. Trong số bản đầy đủ, lại có cả bản in lẫn bản chép tay, nội dung giống nhau về cơ bản. Bản in hiện tàng trữ tại Thư viện thành phố Đại Liên của Trung Quốc, thường gọi là “Đại Cốc bản”. Bản chép tay hiện tàng trữ tại Thư viện Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Trong số bản tóm lược, lại có thứ giản bản thuộc thế hệ 1 và thứ giản bản thuộc thế hệ 2, nội dung không chỉ khác nhau về độ giản lược, mà còn khác nhau cả ở một số tình tiết. Giản bản thuộc thế hệ 1 hiện tàng trữ tại Thư viện thành phố Đại Liên. Giản bản thuộc thế hệ 2 hiện tàng trữ tại Thư viện Nam Kinh (3).

     Sau Trung Quốc, phải kể đến Nhật Bản. Ở đất nước “mặt trời mọc” này, KVKT của TTTN cũng sớm du nhập và trở thành bản nguồn của nhiều loại tác phẩm soạn lại dưới dạng mô phỏng hoặc cải biên. Theo điều tra của Isohe Yuko, tại Nhật Bản cũng có loại KVKT phồn bản và KVKT giản bản. Phồn bản hiện tàng trữ tại Thần Cung văn khố và Vô cùng hội. Giản bản thuộc thế hệ 1 hiện tàng trữ tại Quốc hội Công văn thư quán, Thư viện Sở nghiên cứu Đông Dương thuộc Đại học Tokyo (do Song Hồng Đường văn khố và Thượng Thạch văn khố nhượng lại), Thú Dã văn khố thuộc Đại học Đông bắc, Vô Cùng Hội, Đạm Song đồ thư quán…

     Từ các loại bản nguồn trên, ở Nhật Bản cũng đã xuất hiện một loạt tác phẩm soạn lại, như Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori, Phong tục Kim Ngư truyện của Kyokutei Bakin, Triều nhan Nhật ký của Umada Ryuro (4).

     Ở bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu thời cổ, theo Isohe Yuko, cũng có một số tác phẩm văn học mô phỏng hoặc cải biên KVKT của Trung Quốc. Trong lời tựa sách Trung Quốc tiểu thuyết hội mô bản, có nhắc tới Vương Thuý Kiều truyện của Hàn quốc; trong sách Trung Quốc cổ đại tiểu thuyết đông truyền Hàn quốc cập kỳ ảnh hưởng của Trần Tường Hoa cũng đề cập đến chuyện KVKT du nhập Triều Tiên. Trong cuốn The American Periodical Asia Major.3 có ghi Kim Vân Kiều truyện bằng ngôn ngữ Mãn Châu, nhưng các tác phẩm nói trên hiện chưa được nghiên cứu kỹ.

     Những thông tin mới trên đây có thể giúp ta nâng việc nghiên cứu Truyện Kiều của Nguyễn Du lên cấp độ khu vực, theo hướng văn học so sánh. Có thể đặt một số vấn đề để tìm hiểu như:

     – Bản nguồn của Truyện Kiều là Kim Vân Kiều truyện, điều đó đã đành, nhưng thuộc loại KVKT phồn bản hay KVKT giản bản?

     – So với bản nguồn KVKT của TTTN thì Truyện Kiều của Nguyễn Du thuộc loại chuyển thể, cải biên, hay gì nữa, nhìn từ góc độ “phiên dịch học”?

     – Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đóng góp những gì cho bức tranh chung Vương Thuý Kiều được phác hoạ bởi các nước phương Đông, trước hết là nhóm nước “đồng văn”?

     Trả lời những câu hỏi trên đây, cũng tức là mở rộng thêm biên giới việc nghiên cứu Truyện Kiều, làm cho sự hiểu biết về Truyện Kiều của ta thoát khỏi tình trạng cùng túng, bấn chật, khép kín như hiện nay. Chúng ta cố gắng “bước lên một tầng gác nữa” để có thể “phóng tầm mắt ngàn dặm” mà tìm hiểu hình tượng Vương Thuý Kiều, một nhân vật luôn dành cho giới nghiên cứu những khám phá bất ngờ và thú vị.

BẢNG KÊ NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HỌC CỔ CỦA VIỆT NAM VIẾT VỀ ĐỀ TÀI VƯƠNG THUÝ KIỀU

TT TÊN TÁC PHẨM TÁC GIẢ KÝ HIỆU SÁCH ĐẶC ĐIỂM SÁCH BỊ CHÚ
1 Ca phả 0 AB. 170 Các lối hát ả đào, chèo, ngâm thơ. 284tr. Có Bản chèo truyện Kiều Chuyển thể, theo Truyện Kiều của Nguyễn Du.
2 Đào hoa mộng ký (= Đào hoa mộng = Đào hoa mộng tục Đoạn trường tân thanh) Cấn Phong Hà Đạm Hiêm A.436,
VHv. 215
Hậu Kim Vân Kiều tân truyện, 20 hồi (nay chỉ còn 2 hồi). Có Hán văn, có diễn Nôm lục bát. 64tr – 106tr Hậu Truyện Kiều.
3 Đoạn trường tân thanh – Nguyễn Du soạn;
– Kiều Oánh Mậu chú thích.
Phạm Quý Thích đề từ
AB. 12 Thơ Nôm lục bát. In năm 1902. 180tr Chuyển thể từ tác phẩm của TTTN.
4 Hội đề Kiều thi Hà Quyền biên tập AB. 197 Liễu Văn đường in năm 1914. 25tr. 46 bài thơ vịnh Kiều của Phạm Quý Thích, Hà Quyền. Đề vịnh Kiều.
5 Kim Kiều diễn ca 0AB. 67 Thịnh Mỹ đường in năm 1906. 12tr. 12 bài vịnh Kiều theo điệu hát nói. Đề vịnh Kiều.
6 Kim Vân Kiều ca Đào Nguyên Ngọc Thụ Lương Gia Tử biên tập AB.222 Những bài hát trống quân lấy đề tài từ KVKT. 26tr Hát nói về Kiều
7 Kim Vân Kiều chú – Nguyễn Du soạn;
– Thiêm (///) chú giải
Paris. SA. HM. 2183 Truyện Kiều chú giải và bình luận. Theo Ô. Thiêm, Nguyễn Du mang KVKT về nước vào đời Gia Long. 409tr. Chú giải Truyện Kiều của Nguyễn Du.
8 Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca – Nguyễn Du soạn;
– Lê Dụ dịch ra chữ Hán
A. 3213 Dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra thơ chữ Hán, thể lục bát, năm 1948. 4 quyển, 240tr. Dịch Hán bản Kiều Nôm của Nguyễn Du.
9 Kim Vân Kiều hợp tập – Nguyễn Du (thơ);
– Khuyết danh (văn xuôi Hán)
VNv. 159 Một bản Kiều bằng văn xuôi chữ Hán + 1 bản Kiều bằng thơ Nôm lục bát, có chú thích (Hán 1/2 trên, Nôm 1/2 dưới) 174tr. Truyện Kiều bằng Hán văn và bằng thơ Nôm.
10 Kim Vân Kiều lục Phạm Quý Thích soạn AC. 651; VNv.1898; AC. 512 Chiêu Văn đường in năm 1888, 62tr – 98tr. Thơ, hát nói, vịnh các tình tiết trong truyện Kiều Thơ, hát nói, vịnh Kiều.
11 Kim Vân Kiều phú 0 AB.59,AB.41, AB.641, AB.59 Tụ Văn đường in năm 107, 12tr. Bài phú nói về thân thế Thuý Kiều Phú về Kiều
12 Kim Vân Kiều quảng tập Nguyễn Du VNv. 71; VNv. 147; VNv. 208 Liễu Văn đường in năm 1924. 184tr – 208tr. Thơ Nôm 6/8. Có phần nói về lai lịch Truyện Kiều và bình luận (Hán) Chuyển thể 618 Nôm từ bản nguồn KVKT của TTTN.
13 Kim Vân Kiều tân truyện Nguyễn Du VNb.8 v.v
(14 dị bản)
Truyện Kiều của Nguyễn Du id.
14Kim Vân Kiều tập0 Paris. LO. VN III.313, (AB.170) Khắc in năm 1875. Vở chèo Kim Vân Kiều gồm 3 hồi, 136 tr Chuyển thể chèo, từ bản nguồn Truyện Kiều.
15 Kim Vân Kiều trò 0 AB. 214 Quảng Thịnh đường in năm 1914, 6 tiết, 2 hồi, 54 trang. Vở chèo Kim Vân Kiều, từ đoạn Thuý Kiều đi chơi thanh minh gặp Kim Trọng Chuyển thể chèo, từ bản nguồn Truyện Kiều.
16 Kim Vân Kiều truyện Thanh Tâm Tài Nhân A. 953, VHv.281/1-2; VHv.1396; HV.1956/2 Kim Vân Kiều truyện soạn bằng Hán văn, 20 hồi. 410tr – 464tr Kim Vân Kiều truyện, bản nguồn của truyện Kiều
17 Thanh Tâm Tài Nhân thi tập Trần Bích San, Chu Mạnh Trinh AB.412 Những bài thơ vịnh thân thế Thuý Kiều theo các chương hồi trong KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân Sáng tác, dựa vào bản nguồn KVKT của TTTN.
18 Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề vịnh tập biên Minh Mệnh, Tự Đức, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Phạm Quý Thích v.v… VNv. 240 Thơ vịnh thân thế Thuý Kiều id.
19 Thù thế tân thanh Trần Thự soạn AB. 445, AB. 167, VNv. 242 Vở chèo Kim Vân Kiều gồm 6 màn.Một số thơ Hán, Nôm dùng để hát khi trình diễn… 110tr – 146tr Chuyển thể chèo, từ bản nguồn Truyện Kiều.
20 Thuý Kiều sở ngộ cảnh huống thi Nguyễn Thực Đình, Hương cống triều Lê soạn VHv.2398, A. 1076 30 bài thơ vịnh Kiều, từ lúc Kiều gặp Kim Trọng lần đầu, đến lúc tái hợp. Có chú giải, bình luận. 38tr – 40tr Đề vịnh Kiều
21 Thuý Kiều lục 0 VHv. 1397 Truyện Thuý Kiều bằng chữ Hán (thể văn xuôi). 87tr. Trong truyện có nhiều bài thơ. Có thơ Phạm Quý Thích tổng luận về thân thế Kiều Truyện Kiều bằng Hán văn (giản bản).
22 Thuý Kiều thi tập 0 AB. 45, AB. 543 A..1076, AB. 411 36 bài thơ vịnh Kiều từ lúc gặp Kim Trọng lần đầu đến khi tái ngộ. 26tr Thơ đề vịnh Kiều.
23 Thuý Kiều truyện tường chú – Nguyễn Du soạn;
– Chiêm Vân Thị, tường chú đính;
– Lê Mạnh Liêu dịch ra Việt văn
Tài liệu riêng của Trúc Viên Lê Mạnh Liêu. (Tài liệu do Ô. Hoàng Văn Phước tặng Ô.Trần Nghĩa) Gồm 2 tập Thượng và Hạ, Bộ Giáo dục Sài Gòn xuất bản 1966/1967 (in năm trước và năm sau). Có bài đề từ của Phạm Quý Thích. 158tr + 159tr = 317tr “Đắc Bắc lục quy nhi phiên chi giã” (Lời Chiêm Vân Thị). (Đối chiếu Truyện Kiều của Nguyễn Du với KVKT của TTTN).
24 Việt Nam âm Kim Vân Kiều ca khúc dịch thành Hán tự cổ thi thất ngôn luật Bản dịch Hán của Từ Nguyên Mạc, Tuần phủ Lạng Sơn A. 3205 Bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra thành nhiều khổ thơ thất ngôn tứ cú. Năm 1906. 208tr Dịch Hán Truyện Kiều thành nhiều khổ thơ thất ngôn tứ cú
25 Vương Kim truyện quốc âm – Vương Kim truyện diễn tự – Nguyễn Kiên chú thích và giải nghĩa chữ khó bằng Hán văn bản Kiều Nôm của Nguyễn Du AB. 234 Toàn văn Truyện Kiều của Nguyễn Du (Nôm) được chú thích và giải nghĩa về chữ khó, điển… tích. Chép năm 1915 Chú giải Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Chú thích:

1. Xem phầnPhụ Lụcở cuối bản tham luận.

2. Xem thêm Trần Nghĩa: “Để hiểu thêm Từ Hải hay từ Từ Hải trong lịch sử đến Từ Hải trong văn học”. Tạp chí Văn học, số 9 – 1966, tr. 72 – 82.

3, 4. Xem Isohe Yuko: “Nghiên cứu so sánh quan điểm tình cảm nhìn từ sự du nhập tiểu thuyết yên phấn Trung Quốc đối với các nước Châu Á”. Tài liệu do tác giả gửi tặng Ô. Trần Nghĩa năm 1999. Nhân đây xin chân thành cảm ơn – TN.

     Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.397-403

Nguồn: http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=154&Catid=343

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Ảnh đại diện: Kim Vân Kiều Tân Truyện (Ban Tu Thư thanhdiavietnamhoc.com thiết lập). Nguồn hình: lib.nomfoundation.org