NGƯỜI DỘI CẦU

Trời đã về khuya! Cánh cửa phòng giam hé mở, tiếng kêu “ken két” khô cằn nghe như tiếng “nghiến răng” của “Thần sấm”. Người cai tù đẩy anh ta vào bên trong. Cánh cửa khép lại, tiếng ầm phát ra đơn độc. Anh ta nhìn khắp phòng để chọn “chỗ tạm trú”. Căn phòng chật hẹp nhưng đầy người: kẻ nằm, người ngồi ngổn ngang – người mặc quần đùi – người mặc áo thun, không quần – Có người trần truồng – Lại có người nằm ngửa phô bày những hình xăm kỳ quái hay những dòng chữ đầy ẩn ý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, “xa quê hương nhớ mẹ hiền”.

 

Thấy anh ta đứng “ngơ ngác” như con thỏ trước hang hùm – một người đang nằm với vóc dáng trầm tư trông như một “cụ già” – ngồi nhổm dậy chỉ tay về hướng nhà cầu. Anh ta vạch con đường đi vào trong. Khi đi ngang qua người “cụ già”, “cụ” khẽ nói: “Tụi nó kêu cởi truồng thì tuột ngay, đừng cãi. Coi chừng nó đấm vào ngực”. Anh ta bước vào cuối phòng – một mùi hôi thối toả ra nồng nặc. Anh thở nhẹ “một cách bình thản”, tránh đưa tay bịt ngang mũi để lộ ra cái dáng điệu “ta đây”. Đó là cách anh Hai Sài Gòn tỏ ra biết “lễ độ”.

Khi một tay anh chị đang đi tới với vẻ “anh hùng” phô trương tấm ngực với hình xăm “cái hòm” – Sao? Vô trong này! Biểu tình hả! Anh ta im lặng! Có gì không? Anh ta nhanh chóng móc trong túi quần 1 tờ giấy bạc: Chỉ còn nhiêu đó! Hắn cầm lấy gật gù – Nằm trong này! Chờ người nhà thăm nuôi nhớ chia cho anh em. Để tôi nói với đại ca. – Đại ca nào? Anh ta vọt miệng. Đại ca trưởng phòng giam này, đừng hỏi nhiều!

Sau khúc dạo đầu của ngày “nhập trại”, sáng hôm sau, mẹ anh ta đi thăm nuôi như mọi người. Thức ăn thăm nuôi đã được kiểm soát, đầy ắp. Chuối, bánh mì, kẹo… Anh ta bèn bàn giao cho anh “mang hòm”. Ngay lập tức anh ta nhận được cái vỗ vai “ân tình” làm “ấm lòng tình đồng đội” – Yên chí! Người anh em. Ngay lúc đó, anh ta được chuyển ra ngay cửa nhà giam – nơi anh được ngửi mùi không khí trong lành.

* * *

Một đêm nọ anh cai ngục già ngồi ê a mấy câu tiếng Anh để chuẩn bị kỳ nghỉ hưu sắp đến và để còn nộp hồ sơ xin làm gác-dan sở Mỹ. Người tù trẻ cũng tiện miệng tiếp thêm vài câu đối thoại:

– Ê! Người anh em biết tiếng Mỹ hà?

Sau cái gật đầu xác nhận, từ đó anh ta được cho ra ngoài để kèm tiếng Mỹ mỗi khi người cai ngục có ca trực.

Cũng nhờ chút ân tình từ vốn hiểu biết tiếng Mỹ, người tù trẻ được thêm một ân huệ mà ông “chỉ huy” trại giam dành cho người cai ngục. Anh được nhận nhiệm vụ mới, được ra ngoài từ sáng đến tối, chỉ làm công việc dội cầu ngày 3 lần. Anh tự hài hước gọi mình là “con người có pít-tông mạnh”. Thời gian còn lại anh ta dành giúp cho người cai ngục trau dồi tiếng Mỹ và “tà tà” xuống nhà bếp phụ mấy chị đầu bếp ra sức vật vã với 4 cái lò chảo gang nấu ăn cho cả trại giam.

Nhưng anh không quên nhiệm vụ chính của anh là “dội cầu”. Qua thời gian làm việc, anh đã có “uy tín” vì chưa bao giờ “cầu lại sạch đẹp, khang trang nề nếp như thế”. Đó là lời tuyên dương đáng ghi chép vào lý lịch của anh.

Một đêm – sau bài học số bốn – nét phấn chấn hiện rõ trên gương mặt rạng rỡ của người cai ngục:

– Chiều hôm qua tôi bất chợt gặp một anh thông ngôn sở Mỹ, người đỡ đầu cho tôi. Anh ta chào hỏi tôi bằng tiếng Mỹ để thử tài và tôi đã trả lời trôi chảy. Anh ta hứa đỡ đầu tôi chuyển sang gác ở kho Long Bình. Trời ơi! Tôi sướng như điên! Chú biết không – cái kho này “thượng vàng hạ cám” đều chứa trong đó. Từ cây kim, sợi chỉ cho đến hỏa tiễn, thiết giáp, lựu đạn, hột vịt, bom mìn… Nó là cái “kho tàng đồ chơi chiến tranh lớn nhất thế giới”. Béo bở lắm! Tôi chỉ cần cho xuất kho trên giấy tờ để chất trên một xe nhà binh đầy “bột mì”. Nhưng thực ra đấy lại là “bột ngọt” để bán cho bà con Hố Nai, là trúng khẳm. Ăn một năm chưa hết!… Vậy trước khi tôi chuyển việc, chú muốn giúp gì không?

 

    Quá bất ngờ, nhưng người tù trẻ vẫn nhanh nhảu trả lời ngay tức khắc để chộp thời cơ:

– Hay là chú tìm cách đưa em về thăm nhà em chỉ còn bà mẹ già!

Người cai ngục bỗng tái mặt như bị sét đánh:

– Chú đừng nói giỡn chơi nghe chú! Chú cho tôi đi dây tử thần hả chú! Tôi chưa biết chú là ai? Nhỡ “trong bụng” chú theo “mấy ổng” là chú giết cả nhà tôi… Mà nhà chú ở đâu?

– Ở xóm xe lửa, cổng số 1

Cái đầu người cai ngục gật gù:

– Phen này một là tôi ra nhà kho Long Bình – hai là vào Khám Chí Hòa! Chú nên nhớ!

Tôi làm “cai ngục” gần mãn đời mà chưa đấm đá thằng tù nào bao giờ. Chả nhẽ trời hại tôi? Thôi! Để tôi tính!

* * *

     Vào cái đêm thứ bảy, trong bộ đồ lính nhà binh nghiêm chỉnh và một cái xe mô-bi-lét, người cai ngục hẹn người tù trẻ ăn mặc đồ sạch sẽ rồi ra sau nhà bếp. Chú bảo ngồi sau xe đàng hoàng, giấu cái mặt để chú chở đi. Chú “si-nhan” anh lính gác cho mở cánh cổng rồi chào qua loa mấy tiếng vui vẻ “tối mai ra quán Bà Hai Cây dừa hai anh em nhậu một bữa, nhớ nhe người anh em!”.

Trái tim người tù trẻ như co thắt lại khi xe chạy dọc theo nhiều đường phố xá đang còn sáng đèn. Anh ta cảm thấy “Sài Gòn đẹp quá!”.

Khi đi ngang qua xóm “chị em ta” trên đường Lê Văn Duyệt, anh ta nhận thấy có vài bàn tay ve vẩy “Đi không hai anh”. Chú cai ngục lên tiếng: “Bữa khác đi, hôm nay làm nhiệm vụ”. Thấy đời đang lên từ trong cõi lòng phấn chấn, anh ta bèn ôm eo ếch để tỏ tình quyến luyến với ông cai ngục: – Chú có cái gì cộm cộm bên hông vậy chú?

– Đó là “con chó lửa”; – Để làm gì; – Để đề phòng nếu “chú em” nhảy xuống là tôi rút ra “nẹt một cái”. Nếu không, tôi sẽ thay chú vào Khám Chí Hòa

– Làm gì dữ vậy! Thằng em này hễ muốn trốn khỏi nhà giam thì trở vô đàng hoàng rồi tính nước. Ai chơi cái trò “lừa đảo”.

– Chú nói vậy nghe đúng là “dân chơi” thứ thiệt. Tôi tin chú.

Chạy qua khu lao động, lòn lách vào mấy con hẻm tối tăm: – Rồi! Nhà cháu đây chú!

Người cai ngục dựng xe, dắt tay anh ta vô như vừa thân thiện vừa trói tay “thằng tù”.

Khi vừa đến cửa thì một bà cụ bước ra

– Má tôi đây chú. Còn chú đây đưa con về thăm má một chút rồi đi!

– Nhà chú có cửa sau không?

– Không!

Vậy chú vào trong năm ba phút rồi trở ra. Nhà chú còn nhỏ hơn cái chuồng heo của tôi.

Thấy “mình mẩy” chú không có hình xăm tôi tưởng chú là con nhà “tư sản”.

Anh ta ôm bà mẹ trong lòng, mặc cho nước mắt bà thấm ướt hai vai áo. Ông cai ngục đứng dạng chân trước cửa như một anh “thủ môn” chờ bắt cú bóng phạt đền.

– Con có sao không con? Người ta có đánh con không?

– Không có đâu má!.

– Nghe nói vậy má mừng! Như vậy con có nơi tạm trú. Mẹ yên tâm. Chứ họ thả mày ra, mày chạy biến đi đâu, má không biết đâu mà tìm!

– Thôi chú Hai ơi! Quá mười phút rồi! Mình về chú ơi! Xin chào chị, tôi trả chú này về nhà giam. Tôi cố để chú ở lâu lâu tại đó để chú còn dạy tôi thêm nhiều bài nữa. Chị yên tâm!

– Con có “nghề” rồi! Vừa rửa cầu, vừa dạy học! Má yên tâm nhớ thăm nuôi con nhiều nhiều. Còn chia cho anh em.

Anh ta lại thót lên cái xe mô-bi-lét, bà con chung quanh nghe xì xào chạy ra nắm tay anh ra căn dặn: Xin trời phật phù hộ cho cậu! Nhớ ra tù sớm nhe cậu Hai! Có người sụt sùi nước mắt.

Trên đường về nhà giam, đường phố Sài Gòn vẫn còn đèn. Con “chó lửa” của người cai ngục vẫn nằm yên đó. Nhưng những con chó khu phố sủa vang lên ỏm tỏi. Mấy chú xích lô còn lọc cọc với những người khách cuối cùng. Tiếng “mì gõ” của chiếc xe hủ tiếu đêm như đánh nhịp nơi xa. Tiếng đại bác ầm ì như tiếng ho người hấp hối.

Người tù trẻ chợt tràn ngập cảm giác thấm thía, thốt lên thành lời: “Đồ chiến tranh! Tên lừa đảo”!

Lê Phong

Nguyễn Mạnh Hùng
Ảnh minh họaTrúc Sơn

Truyện đã đăng trên Sài Gòn Giải Phóng và tên truyện được đổi thành “NGƯỜI TÙ TRẺ SÀI GÒN THƯỞ ẤY“.

Link Sài Gòn Giải Phóng:

http://www.sggp.org.vn/nguoi-tu-tre-sai-gon-thuo-ay-29558.html?fbclid=IwAR0OH3ddoYkT5lLf8KdlbR257ekw0iIFRWg3JR-E6iUaUFHsh_InNgcVU54