Phát triển KĨ NĂNG ĐỌC và VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN cho HỌC SINH LỚP 11 thông qua TÍCH HỢP DẠY ĐỌC HIỂU và VIẾT (Phần 1)

Trần Văn Cảnh 1, Nguyễn Thị Hồng Nam 2
(1. Trường THPT Ngọc Tố, Sóc Trăng
2. Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT

     Tích hợp (TH) là một xu hướng dạy học phổ biến trên thế giới. Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) môn Ngữ văn xác định TH là nguyên tắc dạy học chủ đạo, thể hiện qua việc thiết kế các chủ đề học tập, TH dạy đọc với dạy viết, nói và nghe. Ở Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu nào về việc dạy tích hợp 4 kĩ năng này trong môn Ngữ văn. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thử nghiệm TH dạy đọc hiểu và viết văn bản nghị luận (VBNL) để phát triển kĩ năng đọc và tạo lập VBNL cho HS lớp 11, Trường THPT Ngọc Tố, tỉnh Sóc Trăng. Đây là nghiên cứu trường hợp. Hai phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy TH dạy đọc với dạy viết đã góp phần tăng kĩ năng đọc và viết VBNL cho HS lớp 11 Trường THPT Ngọc Tố.

     Từ khóa: dạy học tích hợp; văn nghị luận; năng lực; kı năng đọc hiểu; kĩ năng viết.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, TH trong dạy học thường được nhắc đến qua mô hình TH liên môn STEM. Tuy nhiên, tích hợp nội môn thì ít được nghiên cứu. Trong chương trình Ngữ văn hiện hành, ba phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn được dạy hầu như tách biệt, thiếu sự liên kết. Điều này làm cho HS gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng kiến thức, kĩ năng về ba mảng này vào giao tiếp (nói và viết). Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm trả lời câu hỏi việc dạy TH đọc và viết VBNL có giúp tăng kĩ năng đọc và viết văn bản (VB) cho HS hay không.

2. Mục tiêu nghiên cứu

     Mục tiêu của nghiên cứu này là chứng minh tác động của việc DHTH đọc và viết đối với kĩ năng đọc và kĩ năng tạo lập VBNL của HS. 

3. Cơ sở lí thuyết

     3.1. Kĩ năng đọc và viết văn nghị luận

     Đọc và viết là hai trong bốn kĩ năng giao tiếp: đọc, viết, nói và nghe, trong đó đọc và viết là hai kĩ năng chủ yếu. VBNL là một trong ba loại VB thông dụng mà HS cần được học, đó là VB văn học, VBNL và VB thông tin.

     Dựa trên yêu cầu cần đạt (YCCĐ) về đọc hiểu và viết văn nghị luận (NL) của các tài liệu: Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức – kĩ năng Ngữ văn 11 (Ministry of Education & Trainning, 2007), Tài liệu tập huấn phương pháp day ho ̣ c (PPDH), kĩ thuật xây dựng ma trận đề và biên soạn câu hỏi kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực hoc sinh (HS) (Ministry of Education & Trainning, 2016), CTGDPT môn Ngữ văn (Ministry of Education & Trainning, 2018), chúng tôi xác định:

     i. Các YCCĐ về kĩ năng đọc hiểu VBNL của HS

     – Về nội dung VB: Xác định được vấn đề và nội dung NL; xác định được các luận điểm, luận cứ, bố cục VB; nhận biết thái độ, giọng điệu tác giả; nhận biết mối quan hệ giữa nhan đề và nội dung VB.

     – Về hình thức VB: Xác định được các thao tác, phương thức NL, nghệ thuật lập luận.

     – Liên hệ, mở rộng: Biết liên hệ vấn đề NL với thực tế; nêu quan điểm cá nhân về vấn
đề được nêu trong VB.

     ii. Các YCCĐ về kĩ năng tạo lập VBNL của HS

     – Phân tích đề, tìm và lập dàn ý: biết phân tích đề, xác định được dạng đề; lập được dàn
ý với các luận điểm, luận cứ.

     – Triển khai nội dung VB: Biết triển khai vấn đề NL; sắp xếp các luận điểm, luận cứ theo một trật tự hợp lí; các luận cứ phù hợp với luận điểm; vận dụng các thao tác, phương
thức NL phù hợp; thể hiện quan điểm của bản thân về vấn đề NL.

     – Tổ chức hình thức VB: Đảm bảo bố cục 3 phần; phân đoạn theo luận điểm, có câu chủ đoạn; liên kết giữa các giữa các câu, đoạn; diễn đạt lưu loát, mạch lạc, ngắn gọn; sử dụng từ ngữ đúng và hay; viết câu đúng ngữ pháp, sử dụng đa dạng, linh hoạt các cấu trúc ngữ pháp.

     3.2. Tích hợp dạy đọc và dạy viết

      3.2.1. Dạy học tích hợp

     Theo Gulab Kanwar và đồng sự (2017), DHTH là “sự phối hợp các hoạt động dạy học
khác nhau để đảm bảo việc thực hiện hài hòa các chức năng của tiến trình giáo dục” (tr.10).
CTGDPT tổng thể định nghĩa: “DHTH là định hướng day học giúp HS phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết
có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng” (Ministry of Education & Trainning, 2018, p.35).

     Mục tiêu của DHTH là: (1) tránh trùng lặp về nội dung các môn học khác nhau; (2) tạo mối quan hệ giữa các môn học với nhau và với kiến thức thực tiễn; (3) tạo cơ hội để hình thành và phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn (Tài liệu tập huấn DHTH ở trường phổ thông (2016).

     TH được thực hiện ở cấp độ chương trình và cấp độ phương pháp dạy học (PPDH). Ở cấp độ chương trình, TH được thể hiện trong việc thiết kế các chủ đề dạy học (nội môn hoặc liên môn). Ở cấp độ PPDH, TH là sự kết hợp sử dụng nhiều biện pháp day học. Một số nghiên cứu của (Furner & Kumar, 2007; Fllis & Fouts, 2001; King & Wiseman, 2001; Smith & Karr-Kidwell, 2000) đã chứng minh rằng DHTH cung cấp cho HS nhiều cơ hội để trải nghiệm các lĩnh vực kiến thức, kĩ năng khác nhau, phát triển kĩ năng tư duy cấp cao, kĩ năng giải quyết vấn đề và sự ghi nhớ kiến thức của HS (Stohlmann, et al, 2012). Trong nghiên cứu này, TH được thể hiện ở hai cấp độ: chương trình (TH nội môn Đọc hiểu và Làm văn) và kết hợp hướng dẫn HS phân tích mẫu VB đọc và tạo lập VB dựa trên
tiến trình.

     3.2.2. Tích hợp dạy đọc và viết

     Đọc, viết, nói và nghe là những kĩ năng giao tiếp có mối quan hệ chặt chẽ. Johnson (2008) đã chứng minh rằng việc thường xuyên nghe người khác nói sẽ giúp trẻ em nói tốt
hơn, đọc nhiều sẽ giúp viết tốt hơn, viết sẽ tăng kiến thức về ngữ âm và giúp đọc trôi chảy.
Cả bốn kĩ năng này tác động đến cách chúng ta tư duy, và khả năng tư duy tác động đến khả năng sử dụng cả bốn kĩ năng trên. CTGDPT môn Ngữ văn đề ra một trong những mục tiêu của chương trı̀nh mới là “giúp HS phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe” (Ministry of Education & Trainning, 2018, p.5).
DHTH và phân hóa được xem là một trong ba định hướng về phương pháp giáo dục của chương trı̀nh mới. Đọc là trục chính, qua dạy đọc, tích hợp dạy viết, nói và nghe. Nghĩa là trong quá trình dạy đọc, bên cạnh việc giúp HS hiểu được nội dung VB, GV còn phải hướng dẫn HS phân tích cấu trúc hình thức của VB, cách tạo lập VB của người viết, từ đó, học cách tạo lập VB tương tự. Kĩ năng nói và nghe cũng được hình thành qua quá trình thảo luận, tương tác về cái đã đọc, đã viết.
Trong nghiên cứu này, TH dạy đọc và viết văn NL được hiểu là sự kết hợp dạy cách đọc hiểu VBNL (được xem là mẫu chuẩn tương đối) với dạy viết văn NL để giúp HS qua
việc đọc VB, HS học được nội dung VB, đồng thời học cách tạo lập VB tương tự về thể loại.
Hai phương pháp dạy học chủ yếu được sử dụng trong quá trình thực nghiệm là phương pháp phân tích mẫu, thông qua các phiếu học tập (PHT) đọc) và hướng dẫn HS tạo lập VB theo tiến trình, thông qua các PHT viết.
Chúng tôi thiết kế hai loại PHT: phiếu hướng dẫn HS phân tích VB đọc và phiếu hướng dẫn HS cách tạo lập VB. Các phiếu hướng dẫn đọc hiểu gồm:
PHT 1: xác định vấn đề và mục đích NL; PHT 2: xác định các luận điểm, các luận cứ của từng luận điểm, các lí lẽ và dẫn chứng của mỗi luận cứ, cách thức lập luận, phương thức liên kết trong VB, giọng điệu, thái độ của tác giả; PHT 3: nhận biết nội dung, giá trị của VB;
PHT 4: nhận xét những thành công, hạn chế của tác giả và viết đoạn văn cảm nhận về VB.
Quá trình thực hiện các PHT trên chính là quá trình HS được hướng dẫn phân tích VB
mẫu, để từ đó học cách tạo lập VB tương đồng về thể loại.

Chúng tôi tôi sử dụng các PHT viết để hướng dẫn HS trong suốt tiến trình tạo lập VB.
Gồm các phiếu:
PHT 5: phân tích và xác định yêu cầu của đề bài; PHT 6: tìm các luận điểm, luận cứ, luận chứng liên quan đến vấn đề NL; PHT 7: sắp xếp các luận điểm, luận cứ, luận chứng theo một trình tự hợp lí, logic. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng một số PHT khác để hướng dẫn HS viết đoạn văn, chỉnh sửa đoạn văn, viết bản nháp và chỉnh sửa bài viết. Sau đó, trao đổi với bạn trong nhóm, để chỉnh sửa, hoàn thiện đoạn văn, VB.

__________
Cite this article as:
Tran Van Canh, & Nguyen Thi Hong Nam (2019). Developing reading and writing skills for argumentative text for 11th graders through integrated reading and writing teaching. Ho Chi Minh City University of Education Journal of Science, 16(11), 787-798.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM – ISSN: 1859-3100
Tập 16, Số 11 (2019): 787-798
Ảnh đại diện do Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập
Nguồn ảnh: https://ccbook.vn

     Mời xem:

Phát triển KĨ NĂNG ĐỌC và VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN cho HỌC SINH LỚP 11 thông qua TÍCH HỢP DẠY ĐỌC HIỂU và VIẾT (Phần 2)