PHÁT TRIỂN NGHĨA MỚI CỦA TỪ- Một phương thức góp phần làm giàu VỐN TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT giai đoạn 1900-1945 (Phần 1)

TRẦN NHẬT CHÍNH
(TS. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH KHXH & NV, ĐH QGHN)

1. Dẫn nhập

     Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tiếng Việt bước vào giai đoạn mới – được sử dụng rộng rãi trong các trường học và trong các công sở. Do vậy, từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung hàng loạt từ ngữ mới bằng con đường vay mượn từ ngữ từ tiếng Hán, tiếng Pháp; bằng con đường cấu tạo từ và phát triển nghĩa mới của từ. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến việc phát triển từ ngữ mới giai đoạn 1900-1945 bằng con đường phát triển nghĩa của từ.

2. Một số quan niệm về phát triển nghĩa của từ trong tiếng Việt

     Hầu hết các nhà Việt ngữ học đều cho rằng trong tiếng Việt, nghĩa của từ được phát triển bằng hai con đường cơ bản: a) mở rộng và thu hẹp nghĩa của từ; b) chuyển đổi tên gọi bằng ẩn dụ và hoán dụ.

     Trong cuốn “Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ”, tác giả đã đề cập tới hai con đường phát triển nghĩa là ẩn dụ và hoán dụ. Tác giả viết: “… nội dung nghĩa từ đa nghĩa gắn liền với quá trình chuyển nghĩa và sự xuất hiện nghĩa bóng… sự chuyển nghĩa được thực hiện bằng tư duy hình tượng. Nó được thực hiện qua chuyển tên gọi một khái niệm này ra tên gọi một khái niệm khác… Quy luật tạo ra sự chuyển đổi là dựa vào các mối liên hệ tương đồng và tiếp cận. Thể hiện tập trung của các mối liên hệ đó theo hình thức ẩn dụ, hoán dụ…” [12, tr.189-190].

     Ví dụ: Hai từ “đắng”“cay ” lúc đầu có nghĩa cụ thể chỉ vị “đắng ” hoặc “cay ” của một sự vật cụ thể nào đó (ớt cay, mật đắng), về sau, chúng có thêm nghĩa mới rộng hơn, trù tượng hơn, đặc biệt là khi kết hợp với nhau thành “đắng cay, cay đắng “ thì ý nghĩa của nó càng rộng, càng có tính trừu tượng, biểu thị sự đau khổ, xót xa mà ai đó gặp phải trong cuộc sống. Nếu chúng ta nói rằng “đắng cay (hoặc cay đắng) là kết quả của quá trình mở mang ý nghĩa của từ từ nghĩa cụ thể đến nghĩa trừu tượng, hoặc nó là kết quả của phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về tính chất thì theo chúng tôi, đều có thể ấp nhận được.

     Từ những điều vừa trình bày trên, trong bài viết này, chúng tôi quan niệm quá trình phát triển nghĩa của từ tiếng Việt gồm hai con đường cơ bản là thuật ngữ hoá từ thông thường và mở rộng ý nghĩa của từ bằng chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ.

     Sở dĩ chúng tôi không dùng khái niệm “thu hẹp” ý nghĩa của từ là vì, theo chúng tôi, thu hẹp ý nghĩa của từ thực chất là thu hẹp phạm vi biểu hiện (định danh) của từ. Nói cách khác, thu hẹp ý nghĩa của từ là cấp cho từ đó một nghĩa thuật ngữ để biểu thị một khái niệm đặc một sự vật thuộc một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Quá trình này thường gặp khi xây dựng thuật ngữ cho các ngành khoa học.

     Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải phân biệt chuyển nghĩa (ẩn dụ, hoán dụ) tu từ học chuyển nghĩa từ vựng học. Chẳng hạn trong hai nhóm ví dụ sau.

Nhóm 1:

     a. “Đêm trăng thanh, anh mới hỏi nàng

       Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng?” (ca dao)

     b. “Suốt mười năm tôi đọc Nguyễn Du” (Chế Lan Viên)

Nhóm 2:

     a. “Đêm hậu phương tôi nhớ vùng bàn đạp

       Nỗi nhớ không sao nói nổi thành lời” (Lê Đình Cánh)

     b. “Vai trò đầu tàu của thanh niên”

     Ở nhóm ví dụ 1, ta thấy “tre non đủ lá” có nghĩa chỉ cô gái đã đến tuổi xây dựng gia đình; “đan sàng” có nghĩa “lấy chồng, kết hôn”; “Nguyễn Du” có nghĩa chỉ các tác phẩm Nguyễn Du viết. Tuy nhiên, những nghĩa đó chỉ lâm thời tồn tại trong các câu trên, hoặc trong một ngữ cảnh giao tiếp cụ thể nào đó. Nếu tách chúng ra khỏi ngữ cảnh thì “tre non đủ lá” chỉ còn nghĩa thuần túy chỉ cây tre bánh tẻ (đủ lá) đã có thể sử dụng được. Tương tự như vậy, nếu tách “Nguyễn Du” ra khỏi “…đọc Nguyễn Du” và thay từ “đọc” bằng các từ khác như: tìm, gặp, trông thấy… thì “Nguyễn Du” sẽ không còn có ý nghĩa là “tác phẩm của Nguyễn Du” nữa mà sẽ có nghĩa chỉ một người có tên là Nguyễn Du mà thôi. Sở dĩ chúng ta hiểu “Nguyễn Du” là “tác phẩm của Nguyễn Du” là nhờ ở tính võ đoán của tín hiệu ngôn ngữ. Bởi lẽ, động từ “đọc” chỉ chấp nhận sau nó các từ làm bổ ngữ như thơ, truyện, tiểu thuyết, tác phẩm… Do đó chúng ta cũng có thể nói: đọc Tố Hữu, đọc Nguyễn Tuân, đọc Nguyễn Bính.

     Hiện tượng chuyển nghĩa ở cả hai ví dụ (a và b) của nhóm 1 đều là hiện tượng chuyển nghĩa mang sắc thái tu từ học. Chúng thuộc phạm vi nghiên cứu của ngành tu từ học. Chuyển nghĩa tu từ học không tạo ra ý nghĩa mới thực sự cho từ. Chúng chỉ tạo cho từ có nét nghĩa lâm thời, giàu hình ảnh, giúp cho các tác giả diễn đạt một cách chính xác các sắc thái khác nhau về tư tưởng và tình cảm của mình trong một ngữ cảnh nhất định.

     Khác với nhóm 1, các từ “bàn đạp, đầu tàu ” trong các ví dụ thuộc nhóm 2 dù ở trong câu hay bị tách khỏi ngữ cảnh, đứng một mình thì ngoài nghĩa ban đầu vốn có, “bàn đạp” còn có nghĩa chỉ “nơi được dùng làm điểm tựa để tiến công nơi khác hoặc để làm việc gì”; từ “đầu tàu ” còn có nghĩa chỉ “bộ phận hăng hái, tích cực, có tác dụng lôi cuốn, thúc đẩy các bộ phận khác trong một phong trào, một cuộc vận động”.

     Các từ “bàn đạp, đầu tàu ” với các nghĩa trên là kết quả của hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng học. Chuyển nghĩa từ vựng học tạo nên những nghĩa mới thực sự cho từ; những nghĩa mới được ghi vào từ điển và được dùng bình đẳng với các nghĩa khác mà từ đó đã có.

     Như vậy, kết quả của quá trình phát triển nghĩa theo thời gian đã tạo ra sự thay đổi cấu trúc ngữ nghĩa của từ. Qua quá trình biến đổi lịch sử, từ được bổ sung thêm những ý nghĩa mới, làm cho dung lượng nghĩa phong phú, đa dạng bằng nhiều nghĩa phái sinh. Việc phát triển ý nghĩa mới của từ luôn đi cùng với sự phát triển của xã hội, góp phần làm cho vốn từ vựng của ngôn ngữ phong phú và hoàn thiện hơn.

3. Kết quả khảo sát phát triển ý nghĩa mới của từ giai đoạn 1900-1945

     Giai đoạn 1900-1945, từ vựng tiếng Việt đã tận dụng cả hai con đường phát triển ý nghĩa của từ để làm giàu khả năng biểu đạt của mình. Hai con đường đó là:

      (1) Thuật ngữ hoá từ thông thường bằng cách thu hẹp nghĩa của từ.

     (2) Mở rộng ý nghĩa của từ bằng phương thức ẩn dụ và hoán dụ.

     Tuy nhiên, số lượng nghĩa mới của từ do mỗi con đường tạo ra có khác nhau.

     3.1 Thuật ngữ hoá từ thông thường

     Thuật ngữ hoá từ thông thường bằng cách thu hẹp nghĩa của từ là quá trình ngược lại với mở rộng nghĩa. Kết quả của quá trình này là nghĩa của từ phát triển từ nghĩa chung, nghĩa khái quát về phạm vi nghĩa hẹp hơn, cụ thể hơn. Quá trình này thường gặp trong khi xây dưng thuật ngữ cho các ngành khoa học chuyên môn hoá nào đó. Thuật ngữ hoá từ thông thường làm cho ý nghĩa của từ (nghĩa gốc, nghĩa cơ bản) từ phạm vi ứng dụng thuộc lĩnh vực này sang phạm vi ứng dụng thuộc lĩnh vực khác với cách nhìn từ những góc độ khác nhau. Chẳng hạn từ “góc” trong trong cách hiểu thông thường là “khoảng không gian ở gần chỗ tiếp giáp của hai cạnh và nằm phía trong hai cạnh”, (góc vườn, góc nhà). Còn trong ý nghĩa chuyên môn của toán học, “góc” có nghĩa là “phần mặt phẳng giới hạn bởi hai nửa đường thẳng cùng xuất phát từ một điểm. Ví dụ: “góc trong tam giác”.   

     Thuật ngữ hoá từ thông thường thực chất là con đường dùng phép chuyển di ngữ nghĩa của từ để tạo các thuật ngữ. Sự chuyển di ngữ nghĩa này khá tinh tế và phức tạp mặc dù nó không dẫn đến việc chuyển nghĩa của từ. Quá trình này thường xảy ra ở phần lớn các từ thuộc vốn từ cơ bản của tiếng Việt, như; cày, bừa, nhà, cửa, cỏ, cây,… Trong ý thức của người bản ngữ, ranh giới giữa nghĩa thông thường và nghĩa thuật ngữ của các từ cơ bản trên không phải bao giờ cũng rõ nét. Dường như nghĩa thường dùng (nghĩa gốc) và nghĩa thuật ngữ (cũng là nghĩa gốc) về cơ bản là đồng nhất, hoặc trùng nhau. Có lẽ vì điều đó nên trong các cuốn từ điển giải thích, các nhà từ điển học thường chỉ giải thích nghĩa của từ theo cách hiểu thông thường mà ít khi giải thích theo cách hiểu của thuật ngữ.

     Ví dụ: Nước: “chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên ở sông hồ, ở biển” (TĐTV, 1998, trang 722). Còn “nước ở nghĩa thuật ngữ hoá học, phải giải thích khác, có thể là “hợp chất do sự kết hợp của hai nguyên tố Hyđrô và ôxy, có công thức hoá học là H2O”.

     So với hình thái của các từ ngữ thông thường, hình thái của các thuật ngữ không có gì đặc biệt. Dấu hiệu quan trọng nhất giúp cho sự nhận diện các từ ngữ có tư cách thuật ngữ là đặc điểm của chu cảnh mà từ đó xuất hiện.

     Dưới đây là một số ví dụ về thuật ngữ hoá từ thông thường trong thời đoạn được khảo sát:

     – Từ “nước”, cuối thế kỷ XIX có nghĩa thông thường chỉ “vật thể lỏng nói chung” (Đại Nam Quấc âm tự vị). Đầu thế kỷ XX, ngoài nghĩa thông thường trên, “nước” có thêm nghĩa chuyên môn là “vật thể lỏng do không khí và dưỡng khí hợp lại mà thành ra, nguyên chất trong và không có vị” (Việt Nam từ điển, 1931).

     – “Đá”: có nghĩa gốc là “loại quặng cứng, người ta hay dùng để làm táng, xây nền”, (Đại Nam quấc âm tự vị). Đầu thế kỷ XX, từ “đá” có thêm nghĩa thuật ngữ “một thứ khoáng vật dắn (rắn)” (Việt Nam từ điển, 1931). Như vậy, ngoài nghĩa thông thường, “đá” đã có thêm một nghĩa hẹp thuộc chuyên ngành địa chất mỏ.

     – “Dầu”: Trong cách hiểu thông thường, “dầu” có nghĩa chỉ chung các loại “chất lỏng nhờn, không hoà tan trong nước, lấy từ các nguồn thực vật hay khoáng vật, dùng để ăn, chữa bệnh, thắp đèn, chạy máy”. Nhưng ở trong “dầu mỏ” (ngành mỏ), “dầu máy” (ngành cơ khí) thì “dầu” mang ý nghĩa thuật ngữ.

     – “Đường thẳng”: Trong cách hiểu chung, “đường thẳng” có nghĩa là con đường không lệch về bên trái hay bên phải, không vòng vèo. Còn trong toán học, nó có nghĩa là “đối tượng cơ bản của hình học, là đường, hay khoảng cách ngắn nhất nối hai điểm”.

     Giai đoạn 1900-1945, ý nghĩa mới của từ được tạo nên bằng cách thuật ngữ hoá từ thông thường còn rất hạn chế vì khi đó các ngành khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, của đất nước ta chưa phát triển.

     3.2. Mở rộng ý nghĩa của từ bằng phương thức ẩn dụ và hoán dụ

     Ẩn dụ và hoán dụ từ vựng học là hai hình thức chuyển di ngữ nghĩa có tính quy tắc rõ rệt. Đó là những hình thái rất cơ bản trong sự phát triển ý nghĩa của từ, kể cả nghĩa thuật ngữ. Nếu sự chuyển di ngữ nghĩa của từ dựa trên quan hệ tương đồng về hình thức, màu sắc, chức năng, thuộc tính, tính chất… giữa hai sự vật, hiện tượng thì đó là sự chuyển di ngữ nghĩa bằng phương thức ẩn dụ. Ví dụ: chân trong chân núi, chân tường, chân bàn, chân tủ… Còn nếu sự chuyển di ngữ nghĩa dựa vào quan hệ tương cận giữa hai sự vật thì đó là chuyển di ngữ nghĩa bằng phương thức hoán dụ. Ví dụ: miệng trong “nhà có năm miệng ăn”, cổ trong “cổ áo”, chân trong “ông ấy có chân trong ban chủ nhiệm”…

     Có thể nói rằng quy luật liên tưởng ẩn dụ, hoán dụ là nguyên nhân tạo ra các nghĩa phái sinh của từ. Thực tế cho thấy sự hiện thực hoá các quy luật này trong các ngôn ngữ là khác nhau. Bởi lẽ, chúng luôn luôn chịu sự tác động của tâm lý, tập quán xã hội và sự phát triển nội bộ của ngôn ngữ.

     Nếu coi từ A có nghĩa ban đầu là C để định danh cho sự vật hoặc hiện tượng B và C’ là kết quả của quá trình chuyển nghĩa để định danh một sự vật hoặc hiện tượng B’ thì quá trình chuyển nghĩa có thể được biểu thị bằng sơ đồ sau:

     Giai đoạn 1900-1945, từ vựng tiếng Việt đã mở rộng ý nghĩa của từ chủ yếu dựa trên một số mô hình ẩn dụ và hoán dụ sau: (mỗi loại chúng tôi chỉ dẫn ra một vài ví dụ).

    Còn tiếp:

     Mời xem: PHÁT TRIỂN NGHĨA MỚI CỦA TỪ- Một phương thức góp phần làm giàu VỐN TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT giai đoạn 1900-1945 (Phần 2)