Sử lược tỉnh GÒ-CÔNG trải qua các thời-đại

HUỲNH MINH

NON NƯỚC GÒ-CÔNG

Công, trổ danh lam vững đất Gò,
Sơn qui, hiệp cảnh quả trời cho.
Địa linh tú-khí, sanh anh kiệt,
Tô đậm sử xanh biết mấy pho.

DANH TÀI

Gò – công tỉnh nhỏ lắm anh tài.
Bốn biển năm-châu thảy thảy hay.
Thuở trước Thái-Hoàng còn rỡ mặt,
Ngày nay Công-Định tiếng ghi hoài,
Tấn Tài kiện tướng ai bì kịp,
Biểu-Chánh văn hào thật xứng tay.
Tân cựu hai đàng dân chúng nể,
Trung thần ái quốc vẫn còn dài.

x
x x

Sử lược tỉnh GÒ-CÔNG

(Căn cứ vào Bộ Hoàng-Việt Địa-dư chí đời Minh-Mạng thứ 14 năm 1934 và Cours d’Histoire Annamite của Trương-Vĩnh-Ký, in năm 1877).

A— Ý NGHĨA VÀ ĐIỂN-TÍCH DANH HIỆU GÒ-CÔNG :

Từ lâu lãnh thổ Gò-công đã được ghi vào Bộ Đại-Nam-Quốc-Sử do cụ Phan-Thanh-Giản bình luận, là một xứ “Địa-Linh Nhơn- Kiệt”, căn cứ vào địa lý và nhân văn.

Có hai thuyết định nghĩa danh hiệu Gò-công

     Thuyết thứ nhứt : Gò-công nguyên xưa kia là đất đai của Cao- miên, khi Chúa Hiền (Nguyễn-Phúc-Tần) định cuộc di dân Nam tiến, thì người Việt-Nam mới tràn vào định cư. Lúc bấy giờ Gò-công còn là nơi rừng rậm, chưa có người ở. Đặc biệt tại xứ này có một cái gò cao, nhiều giống chim công ở nên gọi là Gò-công từ đó. Trong sử có ghi chép một đoạn về danh từ các tỉnh như sau : Khi vua Minh- Mạng ra lệnh cho các quan địa-phương đổi tên nôm na các tỉnh thành chữ Nho cho tao nhã thì “Gò-công” biến thành (Khổng-tước- Nguyên), Đồng-nai đổi ra (Lộc-dã), Bến-tre là Trúc-giang, Sóc-trăng đưực gọi là “Nguyệt-giang” (Sông-trăng), v.v…

     Thuyết thứ hai, cho rằng : Lần đầu tiên tại xứ này có một người đàn bà tên Thị-Công đến lập quán bán thức ăn cho dân khai thác đồn điền. Lần hồi, vì thấy Gò-công là nơi dễ sinh sống nên dân chúng các nơi tụ họp về khai hoang ruộng rẫy, lập thành làng mạc. Số người ở càng ngày càng đông, do đó dân địa-phương thường quen gọi là quán Bà Công, Gò Bà Công, đến sau lâu ngày trở thành một địa danh vắn tắt là Gò-công tồn tại đến hôm nay.

B— GÒ-CÔNG TRƯỚC THỜI CẬN ĐẠI :

     Đây 1à một vùng đất hoang vu không tên, có rất nhiêu rừng rú và cọp hùm, thuộc nước Thủy-Chân-Lạp (Khmer) không dân cư, chỉ có một vài sóc Mền trú ngụ trên các giồng cao.

C – GÒ-CÔNG DƯỚI THỜI NGUYỄN TRỊNH PHÂN TRANH :

     Chúa Trịnh ở Bắc hà không quan tâm đến xứ này vì cách rất xa. Chúa Nguyễn ở Nam-hà gần với Thủy-Chân-lạp, thấy dân nước này yếu hèn nên thường mưu tính việc xâm lấn bằng cách tàm thực nghĩa là như tầm ăn dâu, không chinh chiến mà thu phục được đất. Đời Chúa Hiền Nguyễn-Phúc-Tần (1649-1686) mưu việc Nam tiến Người xuất dân tỉnh Quảng-ngãi và khai-thác nguồn lực tại Gò-công. Miên sống thưa thớt, có tánh nhút-nhát lại thấy người lạ khác ngôn ngữ và văn-hóa xâm nhập, không đủ sức kháng cự nên lần lần rút luỉ. Thành thử lâu ngày tràn ngập người Việt trên phần đất này, lập thành làng, thành xã để khai khẩn làm ăn.

     Ngược dòng lịch sử, chúng tôi thấy mãnh đất Gò-Công mà đồng bào miền Nam Trung-Phần vào định cư khai thác hồi đầu thế kỷ 17, được chánh thức nhập vào bản đồ Việt-Nam từ năm 1755.

     Trước đấv, năm 1750, xảy ra sự tranh chấp ngôi báu Cao-Miên Nặc-Nguyên (Ông Snguôn) từ bên Xiêm về tranh được ngôi và thường đem quân xâm lấn nước ta, còn phía bắc thì thông sứ với Trịnh-Vương để đánh Nguyễn-vương.

     Năm Quí Dậu (1 753), Võ-vương sai Nguyễn-Cư-Trinh làm Tham mưu đốc xuất tướng sĩ ngũ dinh đi đánh Nặc-Nguyên : bốn phủ Tầm bôn, Lội-lạp, Cầu-nam và Nam-vang xin hàng.

     Nặc-Nguyên chạy trốn, đến năm ất-hợi (I755) Nặc-Nguyên chạy ra Hà-tiên nương nhờ Mạc-Thiên-Tích, xin hiến hai phủ Tầm-bôn vì Lội-lạp tức địa phận Gò-công ngày nay để chuộc tội và xin cho về nước.

     Nguyễn-vươrg chấp thuận.

GÒ-CÔNG ĐẤT DỤNG BINH CỦA VÕ-TÁNH GIÚP NGUYỄN-ÁNH CHÓNG TÂY-SƠN KHẮC PHỤC ĐẤT NAM-KỲ

     Năm 1785, trong khi Nguyễn-Ánh (Gia-Long) thất thế sa-cơ bị quân Tây-sơn đánh bại phải chạy qua nương náu ở Xiêm, thế kém thân cô không hy-vọng gì khôi phục lại cơ đồ, thì lúc bấy giờ có một thanh niên ở làng Phước-tỉnh tục gọi Lưới-rê Giếng-Bọng, Bà- rịa, xưa thuộc tỉnh Trấn-biên sau kêu Biên-hòa. Chào đời nhầm thuở loạn ly cha mẹ mất sớm, Võ-Tánh chịu cảnh mồ côi ở với anh là Võ-Nhàn, Cai-Cơ thuộc tướng cùa Đỗ-Thành-Nhân.

     Người thanh niên ấy nặng lòng với tổ-quốc đứng lên hoạt-động, đứng ra kêu gọi tráng niên quy tụ những tôi thần Chúa Nguyễn đang bôn đào, hết lòng vận động góp nhóm tàn binh của đạo Đông-Sơn. Đầu tiên Võ-Tánh chọn Vườn trầu, hiện là Hốc-môn và Bà- điểm, tỉnh Gia-định làm nơi tập trung binh lực.

     Lúc ấy không ai rõ Võ-Tánh theo đuổi mục-đích nào. Phò ai ? chống ai? Hay chỉ là một anh hùng thời loạn muốn tự tạo cho mình một sự nghiệp ? Không ai biết, vì sau khi vua Gia-Long giết Đỗ-Thành-Nhân thì anh Ông Võ-Nhàn tụ tập du đảng cùa đạo quân Đông Sơn của Đỗ-Thành-Nhân làm phản chống lại rồi cũng bị bắt giết. Nhưng quân Tây-Sơn lúc ấy đã làm chủ Gia-Định Nghi là Võ-Tánh chiêu binh mãi mã giúp Nguyễn-Ánh, liền phái một đoàn quân đến Vườn-Trầu bao vây Võ-Tánh. Một trận kịch chiến xảy ra. Quân Võ Tánh mới qui tụ còn ô hợp, mặc dầu có thừa can đảm chiến đấu hết lòng, rốt cuộc vẫn bị một kẻ địch thiện chiến và đông hơn đánh cho thất điên bát đảo. Võ-Tánh như con hùm dữ tả xông hữu đột, sát địch như chém chuối, không khác nào Triệu Tử-Long đương dương trường bản, nhìn lại quanh mình trơ trọi nhứt thân, một mình hổ tướng phá trùng vây, thoát ra được nhưng mình tho trọng thương, sau lưng bị đâm nhiều mũi giáo. Sau cuộc thất bại đớn đau này, sự đớn đau cả tinh-thần lẫn thể-xác, nếu là một người khác tất đã nhục khí đứng lại rồi. Nhưng Võ-Tánh không thối chí ngã lồng, nhẫn nại góp nhặt lại tàn binh, chiêu mộ thêm người mới. Lòng tự nhủ : Thua keo này ta bày keo khác ! Tuy nhiên viên tướng trẻ thất trận rút tỉa kinh nghiệm, nhận thấy địa-thế Vườn trầu không thuận lợi cho một cuộc đồn quân kháng địch, ông bỏ vùng này rút về Gò-Công, nghĩ rằng nơi dây vườn ruộng phì-nhiêu, sông rạch đầy cá, người đông của thịnh, công việc nuôi quân dễ dàng hơn, đồng thời ở vùng này có nhiều giồng cao, cây cối rậm rạp phải là nơi dụng binh rất tiện khi phục kích cũng như khi né tránh.

     Viên tướng trẻ quan-sát địa-hình địa-vật chọn lựa Giồng-tre, hay Gò-tre, là một nơi đồi đất lên cao, địa-thế hiểm-trở, ở phía đông Gò Công cách 1.500 thước, ở bên hữu con tỉnh lộ đi từ Gò-Công đến Tân-niên-tây, nơi đây Võ-Tánh dốc lòng lo xây đồn đắp lũy, mua trữ lương thực, tuyển mộ tân binh. Tổ chức vừa xong thì gặp quân Tây-sơn kéo tới tấn-công liền, lần nầy là một đạo quân rất hùng hậu. Tuy quân mình yếu hơn quân địch, Võ-Tánh khôn ngoan dùng quỷ kế, dụ địch quân vào chính giữa giồng, rồi dùng hỏa công thiêu rụi. Những binh sĩ Tây sơn thoát khỏi ngọn lửa thì lại bị quân Võ-Tánh xạ tiển phóng giáo diệt trừ Cả đạo binh Tây-sơn thất bại ; chỉ thoát được một phần rất nhỏ. Thắng lợi trận này lòng tin tưởng càng thêm vững, Võ-Tánh tuyển mộ thêm binh và tổ-chức hẳn hoi hơn, dưới quyền chỉ huy của ông đã thành lập một đạo binh bách chiến bách thắng, oai danh lừng lẫy đến đổi về sau nay hễ nghe tin đạo binh Võ-Tánh, gọi là “Kiến-hoả-đạo”, đến nơi thì quân Tây-sơn chưa đánh đã lo kiếm đường chạy.

     Lúc bấy giờ danh tiếng của ông lẫy lừng, nơi Đầm Vạn-Thắng ở Gò-Công ông đã giết rất nhiều quân Tây-Sơn, ghi lại những chiến công hiển hách của viên tướng trẻ tài ba lỗ lạc trên đất Gò ngày nay còn nhắc nhở.

     Năm 1787, Chúa Nguyễn-Ánh từ giã nước Xiêm về đến Hà-tiên trước khi đi Chúa Nguyễn đã phái một người tin cậy là Nguyễn-đức Xuyên về Gò-Công liên lạc với Võ Tánh để yêu cầu vị tướng trẻ tài ba này về phò nhà Nguyễn, bởi Nguyễn-Ánh đã nghe được tin cuộc chiến thắng của Võ-Tánh trước quân Tây-Sơn, tại Giòng-tre, Đầm Vạn-Thắng v.v .. Lạ một điều là Võ-Tánh từ chối, thì kế Chúa Nguyễn về nước chiến thắng Tây-Sơn ở nước xoáy hiện là rạch Mân-Thích Vĩnh-Long. Tướng Tây-Sơn là Phạm-Văn-Tham, tấn công chúa Nguyễn bị thất bại phải rút về Kỳ-hôn, một rạch ở phía Nam tỉnh lỵ Mỹ-tho.

   Võ-Tánh tuy từ chối giúp vua Gia-Long, bỗng nhiên tự ý kéo binh qua rạch Kỳ-hôn chận đường lui binh của tướng Tây-Sơn Phạm văn-Tham, xáp chiến 3 trận. Võ-Tánh thắng cả ba, đánh tan quân đội Tây-Sơn thất trận chạy tán loạn, lội rạch bằng đồng lầy tìm về Gia-Định.

     Sau cuộc thắng trận, Võ-Tánh lui về trấn tại Gò-Công như cũ, thì nơi đây vào khoảng năm 1788, một đại-diện của chúa Nguyễn là Trương-Phước-Giao tìm đến diện-kiến để thuyết phục ông theo phò nhà Nguyễn cho trọn nghĩa tình. Lần này Võ-Tánh ưng thuận dẫn theo mình 4 viên tướng cạnh trung thành là Võ-Văn-Luông, Nguyễn- Văn-Hiếu, Mạc-Văn-Tô, Trâ2n-Văn-Tín và một số quân đến yết-kiến chúa Nguyễn tại Vĩnh-long, ông vào bái yết, dựng một quả gạo và một quà trứng gà làm lễ ra mắt. Kẻ thị thành trông thấy dường như khi dể nên cười chúm chím. Chúa Nguyễn-Ánh là bậc thông-minh, biết người biết ta, niêm nở tiếp rước hỏi ông: “ Thiên lý cống nga mao, lễ khinh nhơn ý hậu, ta muốn biết ý tướng quân hậu thế nào ?” Chúa khéo đem lời trong kinh thư là bộ sách chánh-trị phương đông chép lời của vị vương giả khôn ngoan tiếp nhận và phủ dụ các triều thân ở xa từ ngàn dậm tới bái yết với lễ mọn, dầu một cái lông ngỗng cũng là trọng hậu lắm rồi. Ngài thưa : “Xin chúa ngự xem. Hột gạo trắng trong, trứng gà to, tròng đỏ lớn. Tôi ngụ ý hai món thổ sản này của quê hương, tượng trưng lòng trung-dõng của người Gò-công đem kính hiến lên Chúa”. Nguyễn-Ánh cả mừng, bước xuống ôm ông và nói “Thật quả là địa-linh Nhơn-Kiệt”. Chúa truyền luộc một trứng gà nấu một chén cháo cho chúa ngự, còn bao nhiêu đổ vào nồi lớn nấu chín chia cho các tướng sĩ cùng nếm cái hương-vị trung-dõng của người Gò-công.

     Từ đây chúa Nguyễn được tôi trung phò tá, bèn phong cho ông làm Tiên-phong-dinh Khâm-sai Tổng-nhung Chưởng-cơ và gả trưởng công-chúa là Ngọc-Du cho ông. Theo phò chúa Nguyễn lập nhiều chiến công hiển-hách, đánh đâu thắng đó, uy danh lẫy lừng khiến chọ Tây-sơn khiếp sợ gọi là “Gia-định tam hùng”, duy Võ Tánh đệ nhứt. Lần lần thâu phục sáu tỉnh Nam-kỳ, đánh lấy được thành Sài-gòn, kéo binh thẳng ra miền Trung hạ được thành Bình-định là nơi phát tích của Tây-Sơn. Chúa Nguyễn giao cho ngài và Ngô-tùng-Châu, trấn thủ, lui về Sài-gòn tức vương vị, sắp đặt guồng máy chánh-trị, dưỡng sức quân binh chờ ngày Bắc tiến. Tây-sơn kéo rốc đại binh lấy lạỉ thành Bình-định, vây bốn mặt thành. Nguyễn-Vương đem binh ra giải vây và ra lệnh cho người ra bảo ngài bỏ thành, ngài không khứng chịu quyết cố thủ cho đến kỳ cùrg chớ không chịu rút lui.

     Cố thủ ba năm, lương thực đã hết, ăn tới thịt voi ngựa, tướng sĩ khuyên ngài phá vòng vây mà ra. Ngài nói : “Nếu ta ra thì đặng rồi khi giặc lọt vào thành tàn sát quân lính và lương dân vô tội ta không nở”.

     Ngài nhứt quyết sống chết với thành. Đến lúc cùng quá, quan Hiệp-trấn Ngô-tùng-Châu hỏi kế, Ngài nói : “Đã là võ tướng thà hy sinh thân mạng để bảo vệ non sông, mặc dầu có phải chết để cho dân tộc sống tôi cũng vui lòng. Trước khi chết Ngài lên lầu bát giác ngồi day mặt về hướng vua khấn vái lạy ba lạy, rồi bảo quân sĩ chất lửa thiêu Ngài để bảo tồn thinh giá, đồng thời Ông Ngô- tùng-Châu về dinh trước uống thuốc độc quyên sinh. Thế là xong sự nghiệp của vị anh hùng đất Gò đã tận trung báo quốc trả nợ núi sông bằng cái chết can đảm danh lưu muôn thuở. Ngài chết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu (1801).

Mô tả về Võ Tánh trên bìa sách Trung tiết anh hùng: Lịch sử ông Võ Tánh (1930)
của tác giả Huyền Mặc đạo nhân, bìa sách miêu tả cảnh Võ Tánh tự sát
cuối cuộc bao vây thành Quy Nhơn. Nguồn ảnh: https://vi.wikipedia.org/wiki

     Tướng Tây-Sơn là Trần-Qưang-Diệu thấy ngọn lửa biết Ngài giữ chữ tín đã kết liểu đời oanh liệt rồi,  truyền tấn binh nhưng bốn cửa thành đều mở ; Trần-Quang-Diệu không hề giết chóc ai hết, đem thi hài Ngài ra dùng vương-lễ khâm liệm và mai táng trọng thể đúng với tinh thần thượng võ của hai vị anh hùng dân-tộc cái chết của hai ông để bảo toàn sinh mạng ba quân. Vua Gia-Long nghe tin Ngô-tùng-Châu và Võ-Tánh tử tiết ngài lấy làm xúc động làm một bài văn tế hai ông lời lẽ rất nên thống thiết.

Nguồn: GÒ CÔNG Xưa và Nay
Cánh Bằng, Tác-giả Xuất-bản, 1969
Ảnh đại diện do Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) thiết lập tone màu sepia –
Lăng mộ Võ Tánh trong thành Hoàng Đế. Ảnh: VĂN LƯU.
Nguồn ảnh: http://baobinhdinh.com.vn/

     Mời xem

BÀI VĂN của VUA GIA-LONG tế VÕ-TÁNH và NGÔ-TÙNG-CHÂU.