Sự tiếp biến VĂN HÓA VIỆT NAM trong những thập niên ĐẦU THẾ KỈ XX (Phần 2)

TS. NGUYỄN THỊ ĐẢM
(Đại học Sư phạm Huế)

3. Về văn hóa tinh thần

     Tiếp xúc văn hóa phương Tây, tư duy văn hóa truyền thống bị lay động. Người Việt Nam đã hình thành một cách tư duy mới – tư duy phân tích. Trên nền tảng tư duy tổng hợp của văn hóa Phương Đông, người Việt Nam tiếp nhận cách tư duy phân tích, bổ sung vào văn hóa nhận thức của mình để ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội một cách khoa học hơn. Người ta nhìn nhận sự việc một cách biện chứng hơn, chứ không bất biến như nho gia xưa sao nay vậy. Với cách tư duy văn hóa mới, người Việt đã chọn lọc và học tập những giá trị tốt đẹp của chế độ dân chủ cộng hòa, để vừa bảo tồn được giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc vừa tiếp nhận được thành tựu văn hóa tiến bộ của nhân loại. Trong thư gửi toàn quyền Đông Dương Lương Trúc Đàm đã xác nhận: “những điều dân chủ, cộng hòa, bình đẳng, tự do… đã thấm vào trong óc người nước tôi”12.

     Với cách tư duy mới người Việt Nam đã tin “hoàn toàn có thể học hỏi để nắm bắt tư duy Tây Âu, một khi đã có ý mệnh về văn hóa và văn học, nghệ thuật Pháp và Tây Âu, người mình hoàn toàn có đủ năng lực để sáng tạo được một nền văn học và một nền văn hóa dân tộc hiện đại”13.

     Trong lối sống người Việt đã chịu ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa, đồng tiền chiếm vị trí trọng yếu trong đời sống phá vỡ quan hệ luân, thường truyền thống, tình nghĩa bị lép vế trước lợi nhuận. Quan hệ họ hàng gia tộc bị lu mờ trước cá nhân. Cá nhân từ chỗ bị chìm trong quan hệ gia tộc, làng xóm đã trở thành những cá thể độc lập, là bản vị của xã hội có nghĩa vụ và lợi ích độc lập. Cách nhìn nhận phong tục tập quán đã khác trước. Một mặt tôn vinh bản sắc tinh tế riêng biệt của văn hóa dân tộc qua các lễ hội, sinh hoạt gia đình, tình làng, nghĩa xóm, đạo thầy trò, nghĩa cha con, vợ chồng, đề cao sự khoáng đạt bao dung, thủy chung nhân hậu của văn hóa truyền thống. Mặt khác đã phê phán nhẹ nhàng những hủ tục lạc hậu. Xuất hiện những hành vi ứng xử mới trong phong tục như thay đổi cách đặt tên cho con, dùng tên của những loài hoa đẹp hoặc ước vọng của cha mẹ đặt tên cho con, chứ không phải chỉ là thằng cu, con thẽm nữa. Đem hoa ra viếng mộ để tưởng nhớ người đã khuất. Ở thành thị đơn giản hóa ngày tết. Trong hôn nhân con cái được tự do yếu đương, không nhất thiết phải môn đăng hộ đối, không nên phân biệt giàu nghèo, cha mẹ không cưỡng ép duyên con cái nặng nề như trước.

     Nhìn nhận về Nho giáo có những điểm mới: Vừa thấy cái hay, cái mạnh của Nho giáo, làm cho nước nhà có kỷ cương, dân hưởng thái bình, “giúp con người tu dưỡng đạo đức cá nhân”. Nhưng cũng thấy cái yếu là dễ nhu nhược, kỹ nghệ thô sơ, nên cạnh tranh không mạnh. Với cách nghĩ ấy người ta coi việc tiếp xúc với văn hóa Phương Tây là dịp tiến hóa của văn hóa dân tộc.

     Nhận thức về nghề nghiệp của người Việt đã khác xưa. Nhân tâm người Việt say mê bia đá bảng vàng, nên chăm lo dùi mài kinh sử để đi thi, lấy con đường khoa bảng để lập thân, nên coi thường công nghệ. Đầu thế kỷ XX giới sĩ phu đã viết “Văn minh tân học sách” phê phán thái độ coi rẻ công thương và thấy cần phải chấn hưng công nghệ. Nhận thấy “cái lý chung của một nước quan trọng nhất là buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán suy thì nước cũng suy”14.

     Người ta hô hào:

“Việc tân học kíp đem dựng nước
Hợp doanh đoàn cả nước cùng nhau
Việc buôn ta lấy làm đầu
Mọi nghề cùng với địa cầu một phẹn”15.

     Với những nhận thức mới ấy hoạt động văn hóa tinh thần đầu thế kỷ XX mang một tầm vóc mới. Cả nước dấy lên một phong trào vận động cải cách văn hóa, tiêu biểu như phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ (1906), phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội (1907). Đông Kinh Nghĩa Thục mô phỏng theo chương trình giáo dục của Pháp, nhưng biên soạn theo mục đích tuyên truyền tư tưởng mới. Sách “Văn minh tân học sách” dạy người ta học theo văn minh tư bản được coi là tài liệu giảng dạy và học tập chủ yếu của Đông Kinh Nghĩa Thục.

     Đông Kinh Nghĩa Thục đã khơi dậy phong trào tự mở trường dạy học theo chương trình giáo dục mới rầm rộ khắp cả nước. Chỉ riêng Quảng Nam đã mở được 40 trường.

     Cả lớp trí thức dân tộc tham gia vào việc xây dựng nền văn hóa dân tộc trong điều kiện mới. Bước đầu đã xây dựng được cơ sở văn hóa tinh thần dân tộc vừa hiện đại vừa truyền thống.

     Thành tựu quan trọng bậc nhất là xây dựng được chữ viết của dân tộc: Chữ Quốc ngữ. Trong quá trình giao thoa với văn hóa Pháp, người Việt Nam đã nâng chữ quốc ngữ thành quốc tự – chữ viết phổ thông của dân tộc. Làm phong phú thêm ngôn ngữ dân tộc bằng cách du nhập hoặc phiên âm tiếng nước ngoài để dần dần du nhập vào tiếng Việt để diễn tả những khái niệm mới của thời đại. Kho tàng chữ quốc ngữ ngày càng phong phú hơn bởi các trước tác của lực lượng nghiên cứu và sáng tác mới những thập niên đầu thế kỷ XX.

     Người việt coi:

“Chữ quốc ngữ là hồn của nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách Âu Mỹ, sách China
Chữ kia chữ nọ dịch ra cho tường”.

     Môn Quốc ngữ trở thành một môn thi trong các kỳ thi Hương. Nhờ chữ quốc ngữ, Việt Nam đã xây dựng được một nền văn chương đẹp đẽ, độc đáo bằng tiếng mẹ đẻ gồm các thể loại báo chí, văn học (thơ mới, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói). Văn học thành thị ra đời thay cho văn học nông thôn. Báo chí tiếng Việt ra đời: tờ Quan báo bằng chữ quốc ngữ ra số đầu tiên 01/1919, Nam Phong (1919), Thực nghiệp dân báo (1920), Nam Kỳ kinh tế (1920), Thanh niên (1925), Tiếng dân (1927)… Các tạp chí, nhà xuất bản sách tiếng Việt ra đời là Tạp chí Hữu Thanh, Nam Đồng Thư xã, Cường học thư xã, Quan Hải tùng thư…

     Các tác phẩm dịch thuật ra đời: dịch truyện Pháp, Trung Quốc, chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ.

     Lực lượng sáng tác tân học đã mô phỏng theo các tác phẩm nước ngoài để sáng tác văn học cận hiện đại. Từ các bài tường thuật, phóng sự, du ký, kể chuyện, họ đã viết truyện ngắn, tiểu thuyết như: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, sáng tác kịch nói Chén thuốc độc của Vũ Đình Long. Có thể nói ba thập niên đầu của thế kỷ XX là thời kỳ manh nha của nền văn học quốc ngữ. Đồng thời bùng nỗ dòng thơ mới với các nhà thơ nổi tiếng: Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ… Đây cũng là thời kỳ văn hóa dân tộc được bổ sung những ngành nghệ thuật mới gồm: hội họa, sân khấu và điện ảnh. Nghệ thuật hội họa xuất hiện những thể loại mới có nguồn gốc từ Phương Tây: Tranh sơn dầu, tranh bột màu. Nghệ thuật sân khấu từ chỗ công diễn các vở kịch nói của Pháp người Việt Nam đã tự dàn dựng kịch nói của mình. Từ vở Bệnh hoang tưởng của Gô – li – ê Pháp đến vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, được dàn dựng và công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội ngày 22/10/1921, sân khấu kịch nói hình thành. Năm 1924 điện ảnh ra đời và chiếu bộ phim đầu tiên do diễn viên Việt Nam đóng: bộ phim Kim Vân Kiều truyện.

     Trong âm nhạc đã xuất hiện các ca khúc lời Việt nhạc Tây, nhạc cụ Phương Tây như đàn ghita đã xuất hiện giữa các nhạc cụ truyền thống. Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), dòng tân nhạc Việt Nam thực sự hình thành với các nhạc sĩ nổi tiếng như Nam Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tuớc…

     Đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, sự tiếp biến văn hóa tinh thần đậm nét nhất. Người Việt Nam đã chọn lọc và tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm giàu văn hóa dân tộc. Trong những năm 1900 – 1918, Việt Nam đã tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ hơn tư tưởng quân chủ phong kiến, lớp sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX đã hướng cả dân tộc phát triển theo hướng văn minh tư sản. Từ năm 1919 người Việt Nam được tiếp xúc với tư tưởng xã hội chủ nghĩa – Học thuyết Mác – Lênin. Tư tưởng yêu nước Việt Nam đã chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, cách mạng triệt để hơn. Tiêu biểu nhất cho sự chuyển biến tư tưởng yêu nước đó là Nguyễn Ái Quốc.

     Người đã trải qua một chặng đường dài từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc. Trên chặng đường dài đó Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận với nhiều nền văn hóa trên các Châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc và đã tích hợp được cho mình một vốn văn hóa đặc sắc với các tinh hoa văn hóa nhân loại Đông – Tây.

     Đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, Nguyễn Ái Quốc thâm nhập vào văn hóa nhân loại. Trong kho tàng văn hóa thế giới Nguyễn Ái Quốc đã gặp Chủ nghĩa Mác – Lênin – Một học thuyết khoa học và cách mạng là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Học thuyết Mác – Lênin được Nguyễn Ái Quốc đón nhận một cách nhiệt thành và Người đã trở thành người cộng sản sáng suốt. Với tâm thức của văn hóa Phương Đông và phương pháp luận của của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra những điểm chung giữa các tôn giáo, các học thuyết, chắt lọc lấy tinh hoa của các tôn giáo, học thuyết ấy để xây dựng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, xây dựng giá trị văn hóa tinh thần mới cho dân tộc và nhân loại.

     Theo Nguyễn Ái Quốc thì giữa Khổng Tử, Giê Su, Mác và Tôn Dật Tiên có một điểm chung là họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội và Nguyễn Ái Quốc cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy 16.

     Điểm chung đó chứa chan tình hữu ái và nhân đạo, là tinh hoa văn hóa bất tử của nhân loại, thấm sâu vào tâm khảm Nguyễn Ái Quốc và suốt cuộc đời Người đã hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội” trong đó có Tổ Quốc và Đồng bào của Người.

     Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế. Tình yêu giai cấp hòa quyện trong tình yêu dân tộc, yêu thương đồng bào mình hòa quyện trong tình yêu thương nhân loại. Điều này thể hiện rõ qua các bài báo trên tờ Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1922. Từ các bài phóng sự điều tra, bút chiến đến tiểu phẩm, truyện ký và kịch nói đăng trên các tạp chí và báo khác trên thế giới, đều chĩa mũi nhọn vào kẻ thù dân tộc, khích lệ lòng yêu nước và tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng, để hướng cả nhân loại bị áp bức và dân tộc Việt Nam vào cuộc đấu tranh thủ tiêu áp bức dân tộc, áp bức giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người đi tới Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập – tự do – hạnh phúc.

      Coi trọng tính cộng đồng, lối sống hiền hòa, trọng tình nghĩa của văn hóa Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đã khám phá ra một viên ngọc quý giữa lòng chủ nghĩa tư bản Phương Tây bất công vô nhân đạo, đó là tình hữu ái giai cấp vô sản trong những năm 1922 – 1925 Nguyễn Ái Quốc đã viết rất nhiều về giai cấp công nhân đăng trên các báo “Nhân đạo”, “Đời sống công nhân”, “Người cùng khổ” tạp chí “Thư tín quốc tế”… để xây dựng vun đắp cho tình hữu ái ấy ngày càng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế và dân tộc. Nguyễn Ái Quốc chỉ cho công nhân các nước đế quốc đi xâm lược và công nhân thuộc địa, cả binh lính thuộc địa thấy họ đều là anh em cùng một giai cấp. Vì họ có chung một kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, “tới khi chiến đấu thì bắn vào kẻ thù chung của mình chứ không phải anh em bắn lẫn nhau”17.

     Dù là công nhân Trung Quốc, công nhân Nhật Bản, công nhân Thổ Nhĩ Kỳ, Đa – Hô – Mây, Đông Dương hay công nhân Pháp thì trước chủ nghĩa đế quốc họ đều là anh em cùng giai cấp. Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động không mệt mỏi để gắn bó công nhân chính quốc với công nhân thuộc địa và ngược lại để công nhân nhận thức được lực lượng vĩ đại của giai cấp mình – một giai cấp có tính chất toàn thế giới, bao gồm tất cả các nước với mọi màu da. Do đó họ phải đoàn kết lại thành một đội quân cách mạng chống kẻ thù chung – chủ nghĩa đế quốc.

     Hạt ngọc quý – tính hữu ái luôn tỏa sáng qua cách ứng xử của Nguyễn Ái Quốc. Vì thế năm 1923 gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà văn Xô Viết Ô Sip Mandel – Stam đã cảm nhận sâu sắc đặc trưng văn hóa ở Người và thốt lên “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, có lẽ đấy là nền văn hóa của tương lai… qua dáng điệu trang nhã và giọng nói chậm rãi của Nguyễn Ái Quốc người ta thấy vọng lại âm thanh của ngày mai, âm thanh trầm hùng của đại dương bao la tình hữu ái”.

     Có thể nói Nguyễn Ái Quốc là đại diện tiêu biểu cho thế hệ người Việt Nam đã chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, bổ sung vào nền văn hóa tinh thần của dân tộc những yếu tố mới, đặt nền móng cho nền văn hóa dân tộc hiện đại ngày nay.

     Từ sự trình bày trên cho thấy ba thập niên đầu của thế kỷ XX văn hóa Việt Nam đã hội nhập vào văn hóa nhân loại nhất là văn hóa Phương Tây trên các phương diện vật chất và tinh thần. Người Việt nam đã chọn lọc những tinh hoa văn hóa tốt đẹp của nhân loại, bổ sung vào nền văn hóa truyền thống của dân tộc làm cho nó đẹp hơn, hiện đại hơn. Đến năm 1930 văn hóa Việt Nam đã lật sang trang mới với chủ thể văn hóa mới, nội dung hoạt động văn hóa mới đã bước đầu xây dựng được nền tảng của nền văn hóa dân tộc hiện đại, khoa học và đại chúng. Sự tiếp biến văn hóa Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho vấn đề hội nhập hôm nay để xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện mới.

__________
12 Hồ Song. Thư của Lương Trúc Đàm gửi toàn quyền Đông Dương kháng nghị việc bắt Phan Chu Trinh. TC NCLS số 1, 1994, tr. 76.

13 Hồ Song. Thư của Lương Trúc Đàm gửi toàn quyền Đông Dương kháng nghị việc bắt Phan Chu Trinh. TC NCLS số 1, 1994, tr. 76.

14 Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 268.

15 Phan Cự Đệ và nhiều tác giả khác. Văn học Việt Nam (1900 – 1945), Nxb Giáo dục, 1999, tr.51.

16 Ủy ban khoa học xã hội. Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc danh nhân văn hóa thế giới, Nxb Khoa học xã hội, 1990, tr. 226.

17 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.25.

Nguồn: Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)