TÌM HIỂU NGÔN NGỮ VĂN HOÁ VIỆT qua các KHUÔN GIAO TIẾP TIẾNG VIỆT

NGUYỄN VĂN KHANG
(Giáo sư, tiến sĩ, Viện Ngôn ngữ học)

1.

     Về thuật ngữ, stereotype hiện có mấy cách dịch sang tiếng Việt: hình ảnh, định kiến, thiên kiến, điển tín, khuôn, khuôn mẫu. Thiết nghĩ, mỗi cách dịch đều cố gắng phản ánh nội hàm của thuật ngữ này. Chúng tôi chọn cách dịch của tiếng Việt cho thuật ngữ này là khuôn hay khuôn mẫu như chúng tôi đã sử dụng trong cuốn Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính (2003). Bên cạnh đó, chúng tôi tham khảo các cách dịch khác, nhất là cách dịch điển tín của Nguyễn Thị Hương (2013) như là sự bổ sung, làm phong phú nội hàm của khái niệm khuôn.

     Stereotype là thuật ngữ in ấn, gồm hai thành tố stereo là “rắn, chắc” và type là “kiểu, mẫu”. Trong in ấn, stereotype là bản in đúc, khuôn sắp chữ, trên đó các chữ vốn có thể tháo lắp ra được, được xếp liền thành khối, thành mẫu cố định, nhờ đó có thể in ra hàng loạt.

     Từ nghĩa này, stereopype được sử dụng để chỉ hình ảnh, tư tưởng, tính cách,… đã trở nên cố định hoặc tiêu chuẩn hoá dưới một dạng quy ước, được coi là khuôn. Vì mang đặc điểm của khuôn “giống như nhau”, nên stereotype đôi khi được cấp thêm nội hàm là sáo rỗng, không thật (tương đương với khuôn sáo của tiếng Việt).

     Lí do của sự xuất hiện khái niệm này được giải thích là, con người vì muốn đơn giản, tiết kiệm nên có xu hướng tư duy theo kiểu khuôn mẫu, tức là đánh giá sự vật, hiện tượng khách quan không dựa vào bản chất của sự vật, hiện tượng mà dựa vào hình ảnh chủ quan của mình về hiện tượng sự vật đó (Walter Lippman; dẫn theo Nguyễn Thị Hương, 2013).       Ví dụ:

     Có một anh thanh niên ở tỉnh nọ đi chơi Hà Nội về kể với mấy bạn rằng: Mấy hôm đến Hà Nội mình tình cờ quen một cô gái Hà Nội gốc. Nói chuyện một hồi rồi chia tay cô ấy mà mình không biết đến bao giờ mới có thể quên được. Sao cô ấy ăn nói nhẹ nhàng, dịu dàng, lịch sự và quan tâm đến người nghe như mình thế nhỉ!,…

     Anh ta đang say sưa kể thì một người trong số đó cắt ngang:

– “Con gái Hà Nội mà!”

Lập tức mấy anh chị ngồi đó cũng hoạ theo:

– “Con gái Hà Nội thì nói làm gì!

– “Thiếu nữ Hà Nội thì đương nhiên là dịu dàng thanh lịch rồi!

– “Dịu dàng, thanh lịch thì là đúng rồi, khéo thì đúng rồi, nhưng khéo quá thì…

     Như vậy, mặc dù chưa một lần gặp và tiếp chuyện với các cô gái Hà Nội, nhưng những đặc điểm như “nhẹ nhàng”, “thanh lịch”, “khéo” (và cả khéo miệng đến mức “không thật lòng”) trở thành stereotype gán cho con gái Hà Nội với các chiều kích khác nhau: Con gái Hà Nội nhẹ nhàng… và các suy diễn tiếp theo: 1/ Với ai họ cũng vậy thôi (đừng tưởng họ chỉ nhẹ nhàng cho riêng anh); 2/ Con gái Hà Nội khéo miệng (chắc gì đã thật);…

     Sự hình thành các stereotype thường bắt đầu từ cá nhân rồi sau đó được cả cộng đồng chấp nhận, cũng như dư luận bao giờ cũng từ một cá nhân rồi khuếch tán, lan toả. Arlo Guthrie (dẫn theo Jean Aichison trong Language change: progress or decay) đã đưa ra một ví dụ khá thú vị thế này:

     Có 1 sự việc nếu 1 người làm thì bảo là điên; 2 người làm thì bảo là không bình thường; 3 người làm thì bảo đó là tổ chức; 10 người làm thì coi đó là phong trào. Cũng vậy, thói đời, một sự việc hiện tượng nếu chỉ có một người nói thì có thể tin, cũng có thể không tin; nếu hai người nói thì bán tín bán nghi; nhưng nếu ba người nói thì chắc là sự thật. Trong giao tiếp, người Việt ưa dùng “nghe nói”, “có người nói”, “người ta bảo thế”,... để tránh, không chịu trách nhiệm về điều mình nói ra, nhưng lại có hàm ý khẳng định là đúng như vậy. Đây chính là stereotype trong giao tiếp khi muốn sử dụng dư luận và không muốn chỉ đích danh (hoặc lợi dụng để đưa ý kiến cá nhân của mình).

     Như vậy, stereotype là những khuôn được lưu hành và lặp đi lặp lại trong một cộng đồng ngôn từ, văn hoá và tư tưởng. Nó là sản phẩm của cộng đồng. Chẳng hạn:

     Trong lĩnh vực tâm lí xã hội, stereotype được hiểu là những niềm tin, biểu tượng tinh thần hợp thành những hiểu biết chung mà người ta dựa vào đó để phân loại, đánh giá người khác hoặc nhóm người khác. Những biểu tượng, niềm tin này mang tính tập thể, trở thành chung cho cộng đồng và được các thành viên trong cộng đồng đó chia sẻ, chịu sự chi phối của biểu tượng, niềm tin đó trong nhận thức và ứng xử. Chẳng hạn, trở lại ví dụ trên, quan niệm các cô gái Hà Nội ngày xưa (và cả ngày nay) dịu dàng, thanh lịch là một nhận thức khuôn mẫu cho cả cộng đồng người Việt. Mặc dù phần đông người nói vẫn chưa hình dung ra được một cách cụ thể diện mạo của nó, nên vì thế, người ta luôn lấy đó làm tiêu chí để tìm tòi, khám phá.

     Một ví dụ khác, các định kiến về giới kiểu như “đàn ông gì mà lèm bèm như đàn bà ấy”, “phụ nữ gì mà cục súc như bọn đàn ông thế” cũng trở thành khuôn mẫu trong tâm lí của người Việt và là cơ sở để mở rộng các mô hình giao tiếp tương tự. Đây chính là lí do Nguyễn Thị Hương (2013) đã dịch stereotype là “điển tín”, bởi stereotype không chỉ là khuôn/khuôn mẫu mà cao hơn thế, nó là “niềm tin, biểu tượng tinh thần” của cả cộng đồng.

     Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, sterotype được ứng dụng vào trong nghiên cứu ở mọi lĩnh vực như ngữ nghĩa học, phong cách học, phân tích diễn ngôn, giao tiếp,… Chẳng hạn:

     Trong ngữ nghĩa học, khuôn chính là những nét nghĩa tiêu biểu mang tính chất bách khoa hợp thành cấu trúc nghĩa của từ và dùng để miêu tả sở chỉ của từ. Ví dụ: Khi nói đến nét nghĩa của từ cha là phải nghĩ ngay đến “đàn ông, đã có con”; Khi nói đến động từ sủa là nghĩ ngay đến “tiếng phát ra từ chó” và khi dùng để nói về con người (sao mà sủa ghê thế) thì lập tức nhờ có sự liên tưởng mà hiểu ngay rằng, người nói đã thể hiện thái độ không hay ho gì đối với những phát ngôn đó; Khi nói đến các loại màu người ta thường liên tưởng đến các màu cụ thể xuất hiện trong đời sống để làm nên khuôn “có màu như màu của…”: đỏ là màu như màu của máu; xanh là màu như màu của lá cây; tím là màu như màu của quả cà dái dê; vàng là màu như màu của nghệ, hoa mướp, v.v.

     Trong phong cách học đó là những khuôn có sẵn. Ví dụ, trong văn chương cổ phương Đông, thơ luôn đi với rượu làm nên cụm từ “bầu rượu, túi thơ”; khi nói về hình ảnh của một cô gái đẹp ngày xưa trong văn chương thì phải là “mắt đen hạt nhãn”, “tóc vấn trần”, “lông mày lá liễu”, “thắt đáy lưng ong”. Trong văn phong hành chính hiện nay, stereotype chính là các khuôn văn bản. Ví dụ:

    Ví dụ 1: Trong các quyết định thì bao giờ cũng là:

     Căn cứ … (một hoặc nhiều căn cứ và thường từ 2 đến 4 căn cứ…) Sau đó giữa hàng có từ viết in QUYẾT ĐỊNH

Điều 1:…; Điều 2:…; Điều 3:…, v.v.

     Ví dụ 2: Trong các đơn thư tiếng Việt từ xưa đến nay thường không thể thiếu vắng từ xin, ví dụ: Đơn xin nghỉ phép; Đơn xin lĩnh lương;… mặc dù những nội dung người viết dùng từ xin đó đều là quyền lợi của họ và họ chỉ cần đề nghị là được. Nhưng văn hoá Việt Nam là vậy. Tính rập khuôn quen thuộc đến mức nhiều khi có những phát ngôn xem ra rất vô lí nhưng lại trở thành một khuôn không thể thiếu. Chẳng hạn, trong đơn xin nghỉ học của học sinh thường có dòng cuối cùng:

     “Nếu được nghỉ học em xin chân thành cảm ơn thầy/cô”.

     Câu này, về logic, vô lí ở hai điểm: 1) Khi lá đơn này gửi đến thì học sinh đã nghỉ học rồi (thường nhờ bạn mang đến) và 2) là câu điều kiện “nếu được nghỉ thì cảm ơn” cũng có nghĩa rằng, nếu không được nghỉ thì không cảm ơn. Nhưng, đó lại là nét văn hoá giao tiếp không thể thiếu của loại hình đơn này.

     Trong giao tiếp, người ta thường sử dụng những cách diễn đạt có sẵn trong giao tiếp cộng đồng tin và chia sẻ, thường mang tính đánh giá hoặc bày tỏ thái độ phù hợp với giao tiếp của mình. Ví dụ:

     Ví dụ 1:

A: Vừa nghe TV nói có loại thực phẩm chức năng tốt lắm, có thể giảm mỡ, hạ huyết áp.

B: Tin gì quảng cáo.

     “Tin gì quảng cáo” là một khuôn đánh giá được cộng đồng “tin và chia sẻ” khi nhận định về tính thái quá của việc quảng cáo sản phẩm, nhất là quảng cáo thuốc và thức ăn chữa bệnh. Vì thế, mặc dù B chưa sử dụng lần nào nhưng người ta đã hình thành ấn tượng nhờ khuôn giao tiếp này.

     Ví dụ 2:

A: Mình mai đi Tuyên Quang.

B: Tuyên Quang à, sướng nhỉ, trên ấy con gái xinh lắm đấy.

     Mặc dù B chưa một lần đến Tuyên Quang và cũng chưa một lần gặp cô gái Tuyên Quang nào nhưng nhờ vào khuôn “chè Thái gái Tuyên” để đưa ra nhận định của mình.

2.

Khuôn giao tiếp có một số đặc điểm như sau:

     Thứ nhất, khi nói đến khuôn là gắn với sự nhận diện. Đó là sự nhận diện nhóm xã hội được hợp thành bởi các các thành viên có những điểm giống nhau theo các đặc điểm về quê quán, xuất thân, giới, tuổi, tôn giáo, địa vị,… Vì thành một nhóm nên các thành viên của nhóm luôn cố gắng hoặc có ý thức hoặc vô thức điều chỉnh, đề cao sự khác nhau giữa nhóm của mình với nhóm khác và giảm thiểu sự khác nhau giữa các thành viên trong nhóm. Ví dụ:

     Vídụ1: Khi nói về đặc điểm tiếng Việt của mỗi vùng miền, người ta thường trêu đùa nhau bằng việc sử dụng các khuôn đánh giá về cách phát âm mang tính đặc thù như: Sơn Tây có con bò vàng (vàng được đọc ở thanh cao); Hải Phòng thì lúc nào cũng chúng eem (em); dân Thái Bình thì con tâu tắng gặm bờ te tụi (con trâu trắng gặm bờ tre trụi);

     Ví dụ 2: Trong giao tiếp hiện nay, người Việt có các cách nói bỏ lửng theo khuôn để đánh giá, tỏ thái độ về nhóm người trong xã hội. Ví dụ: X ấy mà; X thì khỏi phải nói; X thì biết rồi; X ai còn lạ gì nữa;…

     – Dân công chức ấy mà.

Dân nhà báo thì khỏi phải nói.

Trai tỉnh Thanh thì biết rồi đấy.

Dân văn nghệ sĩ thì lạ gì nữa.

Tuỳ theo hoàn cảnh giao tiếp mà các khuôn trên mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.

     Trong vai trò nhận diện nhóm này, có một xu hướng nổi lên là tính thiên kiến trong đánh giá nhóm. Xu hướng phổ biến thường là đánh giá nhóm mình hơn, quan trọng hơn hoặc có giá trị đặc thù hơn nhóm khác. Chẳng hạn, khi nói về nhóm mình thì người ta thường đánh giá cao giá trị của nhóm mình, còn khi nói về nhóm khác thường có sự đánh giá thấp mà nói theo kiểu thành ngữ Việt là đánh giá theo kiểu “mẹ hát con khen hay”. Ví dụ:

     Vídụ1: Trong giới trí thức, thường có cách đánh giá chê bai trình độ khoa học hoặc chất lượng công trình khoa học của ai đó/nhóm nào đó bằng khuôn: “chẳng có gì mới”, “sai nhiều”. Chẳng hạn, một vị tiến sĩ vừa nhìn đầu đề bài thuyết trình của một thạc sĩ đã rỉ tai người bên cạnh:

     “Vấn đề này người ta bàn nát ra rồi, chẳng có gì mới cả”. Ví dụ 2: Đây là câu chuyện của các em học sinh:

a) Câu cửa miệng của các thầy/cô sau khi dạy một vài buổi ở lớp mới là: “Tôi không thấy/chưa gặp lớp nào…… như lớp này”:

Tôi không thấy/ chưa gặp lớp nào mất trật tự như lớp này.

Tôi không thấy/ chưa gặp lớp nào lười học như lớp này.

Khuôn giao tiếp này vừa như là chê bai nhưng cũng vừa như là đánh thức ý thức học tập của học sinh.

     b) Câu cửa miệng của các bà mẹ vừa gặp con khi đón con tan học là: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Khuôn này cũng thể hiện cách giáo dục truyền thống của người Việt ăn thua về điểm ngay từ mẫu giáo, tiểu học (mà hiện nay ngành giáo dục đang thay đổi bằng cách không cho điểm ở bậc tiểu học).

     Cũng có một xu hướng ngược lại với thiên kiến, đó là, tự cho nhóm mình là yếu kém và cho nhóm khác là tốt. Điều này gắn với niềm tin được thể hiện bằng các khuôn giao tiếp. Chẳng hạn, xu hướng hướng ngoại (khen Tây) của người Việt đi đôi với việc chê nội – chê TA (bản thân mình) đã hình thành các khuôn giao tiếp trong tiếng Việt. Ví dụ:

     Chồng đi làm về muộn và giải thích với vợ rằng bị kẹt xe ở ngang đường. Nghe xong, vợ lập tức nói:

     – Sao mà Việt Nam mình khổ thế chẳng bù cho bên Tây.

(mặc dù chị vợ chưa đi Tây lần nào).

     Các khuôn giao tiếp kiểu như: “đẹp như Tây”; “trông rất Tây”; “nói tiếng gì mà hay như Tây”; “Tây có khác”; “ăn mặc Tây thế”,… thể hiện một thiên kiến được định hình trong xã hội Việt Nam.

     Thứ hai, nhờ khuôn giao tiếp mà người ta có thể nhận diện nhóm và nhận diện các thành viên trong nhóm. Chẳng hạn, người ta có thể nhận diện bằng hình thức bề ngoài, bằng cử chỉ điệu bộ và bằng ngôn ngữ giao tiếp. Từ đó, ở góc độ ngôn ngữ, hình thành nên các khuôn giao tiếp như:

     – X gì mà ăn nói như bọn đường chợ. (X: không thuộc tầng lớp “đường chợ” như kĩ sư, bác sĩ, giáo viên,… nói chung là người có học):

     – Đúng là giọng lưỡi của kẻ lắm tiền.

Đang yêu có khác, nói năng ngọt ngào hẳn.

Đúng là giọng lãnh đạo/ Giọng lãnh đạo có khác.

Ông ấy thì chấp làm gì, thô lỗ cả cục.

Loại ấy thì thôi rồi.

     Các khuôn giao tiếp này cho thấy, xã hội đã “đóng dấu” vào các nhóm xã hội với các nhận định trở thành các khuôn như: kẻ đường chợ hay nói tục, chửi bậy; người lắm tiền thường mạnh miệng; người đang yêu được cân bằng về tâm sinh lí và có chút thăng hoa nên nói năng dịu dàng hơn trước khi yêu; lãnh đạo thường răn dạy và chỉ thị;… Nhờ đó, bất cứ ai dù chưa gặp, chưa từng tiếp xúc nhưng cũng có thể nói ra những lời như vậy.

     Nhờ tính lập khuôn mà người ta có thể không khó khăn trong việc hiểu các phát ngôn, làm cho các phát ngôn trở nên dễ hiểu. Ví dụ:

     Ví dụ 1: Nếu biết về văn hoá Việt thì dễ dàng hiểu được các từ ngữ “mận, đào”, “vườn hồng” trong câu ca dao “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”.

     Ví dụ 2: Khuôn về “hãy đừng tin con gái nói mà hãy nhìn vào mắt họ và hành động của họ” (con gái nói không là có/ con gái nói có là không) giúp cho hiểu được các khuôn giao tiếp của phụ nữ như:

     – Anh về đi!/ Anh đi đi! (= đừng có đi).

Em/Tôi không cần anh nữa! (= rất cần đấy).

Em ghét anh! (= đâu có ghét, rất yêu là khác).

     Nhờ tính lập khuôn, việc điều tiết mối quan hệ cũng như giao tiếp trở nên tốt hơn. Ví dụ, ai đó khi đặt vấn đề nhờ người khác việc gì hoặc định nói điều gì (tỏ ra quan trọng, nghiêm trọng) thường có chiến lược vòng vo: bắt đầu bằng việc hỏi thăm gia đình đến hỏi thăm công việc, nói những điều mang tính tâm sự, chia sẻ,… sau đó mới nói điều định nói. Nếu nắm được khuôn giao tiếp này thì sẽ điều chỉnh được cuộc thoại. Ví dụ:

     Các học viên cao học, nghiên cứu sinh khi muốn gia hạn thường “mở đầu” cuộc thoại rất dài bằng việc hỏi thăm cuộc sống, công việc của người hướng dẫn (có khi còn có những lời ca ngợi hoặc dẫn lại những lời ca ngợi người hướng dẫn của mình từ những người khác), tiếp đó chuyển dần sang tâm sự, than vãn hoàn cảnh khó khăn của mình (thường là than vãn về áp lực công việc), sau đó mới đặt vấn đề xin gia hạn. Nếu biết được khuôn giao tiếp này, thì người hướng dẫn có thể cắt ngang cuộc thoại, đi thẳng vào nội dung giao tiếp (như: “Em chưa xong luận án chứ gì!”; “Em định gia hạn phải không?”). Như vậy, có thể rút ngắn được thời gian giao tiếp.

     Cũng nhờ có khuôn giao tiếp mà có thể bảo lãnh được cương vị xã hội của cá nhân, tức là khẳng định ai đó thuộc nhóm nào. Điều này giải thích vì sao, người ở các địa phương gặp nhau ở Hà Nội khi nhận ra là đồng hương họ sẽ chuyển sang nói tiếng quê hương; cánh mày râu khi lên diễn đàn sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực là thế nhưng khi ở quán bia họ hoà mình bằng ngôn ngữ của “bạn nhậu”.

     Thứ ba, khuôn mẫu luôn có tính hai mặt:

     Trước hết, khi ngôn ngữ giao tiếp đã thành khuôn thì tiện lợi cho việc sử dụng nhưng lại làm cho ngôn ngữ trở nên rập khuôn, xơ cứng, gây cảm tưởng sáo rỗng và cũng vì thế nhiều khi không theo kịp sự vận động của xã hội. Chẳng hạn:

     a) Khuôn trình bày các báo cáo tổng kết làm cho người nghe cảm giác “năm nào cũng như năm nào”. Ví dụ:

Có được những kết quả to lớn này là nhờ……

     – Bên cạnh những thành tích to lớn đã đạt được, đơn vị ta vẫn còn tồn tại một số nhược điểm cần khắc phục như: có một bộ phận… chưa gương mẫu…

     b) Khuôn phát biểu cảm tưởng gây cảm giác sáo rỗng: “tôi rất cảm động/ tôi rất xúc động” (nhưng trên mặt lại không có biểu hiện xúc động).

     c) Khuôn nhận xét trong Bản nhận xét luận văn, luận án thường có câu ở cuối trước khi đưa kết luận:

     – “Mặc dù còn một số thiếu sót trên nhưng chúng tôi đánh giá cao chất lượng của luận án/luận văn”.

“Những thiếu sót trên không làm ảnh hưởng đến chất lượng của luận án/luận văn”. Có thể nhận ra “tính nhân nhượng”, “rất lựa” của người viết nhận xét.

     Thứ nữa, khuôn sẽ tạo ra sự phân biệt mà muốn phân biệt thì phải so sánh. Điều này tạo nên các định kiến, thiên kiến trong giao tiếp. Khi bàn về các chiến lược giao tiếp, Kerbrat – Orecchioni (1992) đã chỉ ra hai quan điểm đối lập trong hoạt động giao tiếp của con người:

     Một là, những người giao tiếp theo quan điểm lạc quan (optimistic view) luôn trọng nguyên tắc hài hoà, tức là, coi đối thoại là một quá trình có tính hợp tác, tiến tới sự thoả hiệp;

     Hai là, những người giao tiếp theo quan điểm bi quan (pessimistic), ngược lại, luôn trọng nguyên tắc đối đầu, tức là, coi đối thoại là “một trận chiến liên tục” để áp đặt lời nói và quyền lực (giành phần cho mình, tôn giá trị cho mình, làm mất thể diện đối tác,…). Chẳng hạn:

     Các khuôn đánh giá theo kiểu chê bai như “vô học”; “vô văn hoá”; “chấp gì loại ấy”; “không biết/hiểu gì”; “sai hết/hoàn toàn”; “lạc hậu”,… trở thành “khuôn tự nhiên” của không ít người giao tiếp theo hướng bi quan (chê NGƯỜI), còn khi nói về mình thì thường sử dụng các khuôn khẳng định (khen TA). Ví dụ, trong giới khoa học, không ít người ưa sử dụng các khuôn giao tiếp như:

     – Về lĩnh vực này, tôi đã có nhiều năm nghiên cứu… (tức là những điều tôi sẽ nói là đúng).

Về lĩnh vực này, tôi là chuyên gia (tức là chỉ có ý kiến của tôi là chính xác).

Tôi đã đọc kĩ luận án này (tức là nhận xét của tôi là chính xác).

     Thứ tư, khuôn giao tiếp cũng không phải nhất thành bất biến mà cũng thay đổi. Sự thay đổi này gắn với sự thay đổi theo hướng thích ứng về văn hoá – xã hội của mỗi cộng đồng. Cũng vậy, khuôn không phát huy hiệu lực đối với tất cả mọi người mà chỉ với những người có chung một khung quy chiếu nhất định. Khung quy chiếu ở đây được hiểu là các tiền đề nhận thức và hoạt động của khuôn. Theo đó, khuôn chỉ có thể kích hoạt và phát huy ảnh hưởng của nó đối với những người có chung một khung quy chiếu. Chẳng hạn, người Bắc thường có cách mời “gãy đũa gãy bát” mới nhận lời “ngồi vào mâm”. Ví dụ: Một ai đó đến chơi nhà muốn giữ lại ăn cơm hoặc tình cờ gặp bữa thì phải mời ít nhất 3 lần mới nhận được sự đồng ý:

     Chủ: May quá. Tiện bữa, bác ăn với gia đình cho vui. Cũng vừa dọn mâm.

Khách: Gia đình xơi cơm đi. Tôi cũng mới ăn. … (mặc dù là khách chưa ăn, đang đói).

Chủ: Chẳng mấy khi. Biết là bác thì có thiếu gì của ngon vật lạ. Ăn rồi thì bác ăn thêm chút cho vui, gọi là ăn nhiều ăn ít thôi ăn bằng quả quýt cho vui.

Khách: Gia đình xơi cơm đi mà.

Chủ: Tiện bữa gọi là thêm đũa thêm bát. Có phải nấu nướng thêm gì đâu. Hay bác chê cơm rau nhà em. Mời bác.

Khách: Vâng. Nể bác quá (và ngồi vào mâm ăn cơm).

Trong khi đó, ở miền Nam thì thường chỉ mời một lần, nếu từ chối thì mời ngồi chơi.

     Khuôn giao tiếp cũng gắn với điểm nhìn của cộng đồng giao tiếp. Chẳng hạn, cùng một cách nói, cộng đồng này thì bảo là tục, còn cộng đồng kia bảo không tục. Điều này đã được Bùi Thị Ngọc Anh chứng minh qua điều tra ngôn ngữ của cộng đồng người dân Hoài Thị: họ thường xuyên sử dụng các từ ngữ tục trong giao tiếp nhưng họ đều không cho rằng đó là tục. Cũng vậy, tại một cộng đồng dân nói lẫn lộn n /l, nhưng họ đều cho rằng họ không nói ngọng.

3.

     Có thể nói, các khuôn giao tiếp của người Việt phản ánh những nét văn hoá Việt, bởi chúng gắn với cộng đồng giao tiếp. Vì gắn với cộng đồng giao tiếp nên chúng có thể được hình thành, sử dụng rồi mất đi theo sự thay đổi tồn tại và mất đi của cộng đồng giao tiếp (nhóm xã hội) và có thể thay đổi cùng với sự thay đổi về không gian, thời gian. Chẳng hạn, cách chào bẩm cụ, lạy ông trước đây đã không còn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện nay; các cách nói mở đầu như nói khí vô phép, nói bác (ông/bà/anh/chị/…) bỏ quá cho,… hầu như không còn nữa.

     Khuôn là sản phẩm của một môi trường lớn về văn hoá, xã hội, tư tưởng nhất định nên khi môi trường ấy thay đổi thì thì sẽ kéo theo sự thay đổi của khuôn. Nếu sự thay đổi quá lớn sẽ tạo ra khoảng cách giữa khuôn cũ và khuôn mới, theo đó, sẽ có sự tranh chấp, chuyển hoá giữa chúng. Ví dụ, bên cạnh cách dùng quen thuộc của người Việt như được, vâng, như vậy nhé,… (các kiểu đáp theo hoàn cảnh giao tiếp); về nhé, tạm biệt, đi nhé (chào khi từ biệt) thể hiện tường minh tình cảm, thái độ của người giao tiếp thì sự xuất hiện của cách sử dụng OK (để trả lời); bai, bai bai, bái bai (chào từ biệt) tràn lan trong xã hội hiện nay đang làm “trung hoà hoá” các sắc thái biểu cảm và thái độ của người giao tiếp. Đây là một nét mới trong nghi thức giao tiếp của người Việt: nghi thức giao tiếp mang tính xã giao nhiều hơn là thể hiện thái độ, tình cảm và trở thành các khuôn giao tiếp mới gắn với nét văn hoá mới của người Việt.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Bùi Thị Ngọc Anh, Đặc trưng ngôn ngữ học xã hội của từ ngữ kiêng kị trong tiếng Việt (trên cứ liệu giao tiếp ngôn ngữ của trẻ em ở Hoài Thị), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, 2014, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2014.

2. Nguyễn Thị Hương, Điển tín và điển tín về giới trong sách giáo khoa tiểu học hiện hành ở Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.

3. Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.

4. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013.

B. Tiếng nước ngoài

5. Jean Aichison, Language change: progress or decay, Cambridge Unversity Press, 2001.