Văn hoá VIỆT – NHẬT qua CÂU CHUYỆN ĐÔI ĐŨA

     Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hoá – ngôn ngữ. Dẫn chứng tiêu biểu là việc người Nhật và người Việt đều sử dụng chữ Hán. Hiện nay, số lượng từ mượn từ tiếng Hán trong tiếng Nhật và trong tiếng Việt chiếm tỉ lệ khá tương đương. Nếu nói về ẩm thực thì người Nhật và người Việt đều sử dụng gạo như một món ăn quan trọng. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, những câu chuyện văn hoá ngôn ngữ này có nhiều điều khác biệt.

     Trong bài tham luận này, chúng tôi xin kể ra một số điểm tương đồng nhưng lại dị biệt một cách thú vị giữa hai nền văn hoá qua câu chuyện về đôi đũa.

     Ăn cơm bằng đũa

     Người Nhật và người Việt đều sử dụng đôi đũa trong bữa ăn cũng như người dân ở một số quốc gia châu Á khác là Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc. Các cẩm nang du lịch đều có những chú ý đặc biệt đối với khách du lịch khi đến các quốc gia “đũa” này. Tuy nhiên, việc sử dụng đũa ở Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm khác biệt.

     Về lịch sử

     Việc dùng đũa ở Nhật xuất hiện vào thế kỉ VII do du nhập từ Trung Quốc qua Triều Tiên. Đối với Việt Nam thì không phải như vậy. Việc sử dụng đũa ở bữa ăn của người Việt, cũng có người cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, tuy nhiên, GS Trần Quốc Vượng thì cho rằng, bản quyền về đôi đũa thuộc người Việt hay nói rộng ra là sản phẩm của nền văn minh gốc nông nghiệp lúa nước. Chứng lí biện minh cho điều này có thể là cách dùng đũa để gắp thức ăn mô phỏng cách mà loài chim dùng mỏ dài mổ hạt và gắp thức ăn. Loài chim mỏ dài này có thể thấy có nhiều trên trống đồng cổ được phát hiện tại Việt Nam. Đây là loài chim nước có cấu tạo mỏ khác với loài chim ăn thịt như chim ưng, kền kền. Theo các tài liệu cổ của Trung Quốc thì trước đời Tần, người Trung Quốc chưa biết dùng đũa, chỉ sau khi thôn tính phương Nam của người Bách Việt, người Trung Quốc mới dùng đũa. Trong câu chuyện trầu cau, do hai anh em sinh đôi giống nhau quá, người vợ của người anh đã dùng cách sau để phân biệt, chị dọn 2 chén cơm và 1 đôi đũa, thấy người này nhường người kia đôi đũa, chị biết người nhường là người em. Câu chuyện này tương truyền xuất hiện từ thời Hùng Vương. Như vậy việc dùng đũa ở Việt Nam phải chăng đã có trước khi người Hán tràn xuống đô hộ.

     Về hình thức

     Đũa Nhật dùng để ăn cơm chủ yếu làm từ gỗ, ngắn và một đầu nhọn. Đũa Việt dùng để ăn cơm chủ yếu làm từ tre, có gỗ (gỗ mun), hai đầu có thể bằng nhau hoặc một đầu thon hơn nhưng không nhọn. Có ý kiến cho rằng, người Việt không làm đũa nhọn đầu vì trông giống vũ khí, tạo ấn tượng nguy hiểm. Tôi cho rằng, sự khác nhau ở đây do gạo Nhật và gạo Việt khác nhau. Gạo tẻ Việt Nam ít độ kết dính, khi ăn, người Việt đưa bát cơm lên gần miệng, dùng đũa để “và”. Gạo tẻ Nhật, độ kết dính nhiều, khi ăn, người Nhật không “và” mà dùng đôi đũa xắn vào bát cơm lấy từng miếng cho vào miệng. Cũng có ý kiến cho rằng, đũa Nhật nhọn chủ yếu là do người Nhật dùng để gỡ xương cá, dễ xử lí khi ăn cá.

     Về chủng loại

     Đũa Nhật khá phong phú về chủng loại. Trước hết đũa Nhật có thể được chia làm 2 loại chính là đũa dùng trong những nghi lễ thần đạo gọi là “hare no hashi” (晴れの箸), loại thứ hai là đũa dùng cho sinh hoạt của con người “ke no hashi” (褻の箸) hay còn được gọi là katakuchibashi (片口箸). Cụ thể hơn thì có đũa dùng để ăn cơm được gọi là “sakaritsuke bashi” (盛り付け箸) và đũa dùng để gắp thức ăn trên mâm cơm gọi là “toribashi” (取り箸). Người Nhật không dùng đũa của mình gắp các món chung trên mâm cơm mà dùng toribashi. Đối với việc nấu ăn thì người Nhật có đũa bếp gọi là chouri no hashi (調理の箸) nhưng chia làm hai loại là đũa dùng cho món cá: manabashi (真魚箸) và đũa dùng cho món rau: saibashi (菜箸). Lại có đũa dùng trong trà đạo là chaji no hashi (茶事の箸), dùng cho bữa ăn nhẹ trước khi tiến hành các nghi thức trà đạo.

      Ngày nay, ở Nhật khá phổ biến loại đũa dùng một lần gọi là waribashi. Loại đũa dùng một lần này có hình thức khác với loại đũa truyền thống, thường không tròn, hình chữ nhật và không nhọn.

     Người Việt cũng chia đũa làm một số loại theo mục đích sử dụng nhưng không quá chi tiết như người Nhật. Thứ nhất là đũa cúng, các gia đình Việt đều có một bộ đũa cùng với bát đĩa để dọn mâm thờ cúng, để ở tủ thờ. Thứ hai là đũa để ăn, các đôi đều giống nhau, trước bữa cơm gia đình, có động tác so đũa rồi để từng đôi vào bên cạnh các bát trên mâm hoặc bàn ăn. Thứ ba là đũa để xào nấu, việc quy ước đũa nào dùng cho món gì cũng tuỳ từng gia đình chứ không mang tính xã hội. Thứ tư là đũa cả (miền Trung) gọi là đũa bếp, dùng để xới cơm từ nồi vào các bát. Hiện nay, đũa cả này không còn được sử dụng nhiều vì sự phổ cập của nồi cơm điện.

     Về nghi thức

     Người Nhật rất chặt chẽ với nghi thức dùng đũa: có tới hơn 30 điều cần tránh khi dùng đũa, trong đó cũng có một số điều giống như cách người Việt cần tránh khi dùng đũa như:

     Kojibashi – こじ箸: dùng đũa đảo, xới trong đĩa thức ăn để chọn miếng ăn.

     Saguribashi – 探り箸: dùng đũa khua khoắng trong bát canh miso để tìm thức ăn.

     Mayoibashi – 迷い箸 hoặc namajibashi – 憖箸: đưa đũa qua lại phía trên các đĩa thức ăn, nhưng phân vân chưa rõ muốn ăn món nào.

     Karabashi – 空箸: đã lấy thức ăn nhưng lại bỏ xuống và đưa đũa không về bát của mình.

     Sashibashi – 指し箸: dùng đũa chỉ trỏ vào người khác.

     Kakibashi – 掻き箸: dùng đũa gãi đầu.

     Neburibashi – 舐り箸: liếm đũa.

     Chigaibashi – 違い箸: dùng 2 chiếc đũa không cùng loại.

     Hotokebashi – 仏箸 (tatebashi – 立て箸): cắm đôi đũa thẳng đứng trên bát cơm. Đây là nghi thức cúng cơm người chết theo đạo Phật mà cả người Việt và người Nhật đều có. Do đó hình ảnh này là cấm kị trong bữa ăn.

     Điểm khác ở đây là tiếng Nhật có những thuật ngữ riêng cho những điều cấm kị này còn tiếng Việt thì không có.

     Tuy nhiên, có những quy tắc ngược nhau giữa người Việt và người Nhật khi dùng đũa:

     Kakikomibashi – かきこみ箸: đưa bát cơm lên miệng và dùng đũa lùa thức ăn vào miệng. Đây là hành động “và” cơm bình thường của người Việt, nhất là khi ăn cơm canh, tuy nhiên, đối với người Nhật thì hành động đó là không lịch sự. Như cách giải thích từ đầu của chúng tôi, điều này có liên quan đến gạo dẻo và không dẻo. Tuy nhiên, ở Nhật, có một món ăn được phép dùng động tác “và”, đó là món “ochazuke” tức là món cơm, cá sake hoặc mơ muối, chan với nước trà nóng, bây giờ ở các quán thường dùng nước sôi. Thông thường người Nhật dùng món này khi kết thúc buổi uống rượu.

      Ngoài ra, với những món ăn có nước như udon, soba, ramen ở Nhật hay phở, bún, miến,… ở Việt Nam thì cách ăn cũng có khác nhau. Người Nhật lùa sợi vào miệng và dùng hơi hút vào, tiếng kêu càng to càng tạo cảm giác tốt. Người Việt nếu ăn như vậy thì sẽ bị coi là không lịch sự.

     Đặc biệt, trong gia đình Nhật Bản, mỗi người có một đôi đũa riêng với hình thức, kích thước, màu sắc khác nhau: đũa của bố, đũa của mẹ, đũa của con, đũa dành cho khách. Đũa dành cho khách là đôi đũa mới, với màu sắc, kích cỡ, hình thức khác với đũa của những người trong gia đình và khi khách về rồi thì đôi đũa đó cũng được bỏ đi.

     Đối với gia đình Việt thì không như thế, vì vậy trong bữa cơm của gia đình người Việt, có hành động “so đũa” và các đôi đũa về cơ bản là phải bằng nhau.

     Về triết lí

    Cả người Việt lẫn người Nhật đều sử dụng hình tượng “đũa” trong những triết lí về nhân sinh, xã hội. Tuy nhiên, cụ thể thì có những liên tưởng khác nhau.

     Triết lí của người Việt qua hình tượng đôi đũa: triết lí (1) cặp đôi, (2) đoàn kết, (3) nhân sinh.

     – Triết lí “cặp đôi”: nói về sự phù hợp, bình đẳng trong yêu đương, hôn nhân và quan hệ xã hội.

     Người Việt xưa thường coi sự cân xứng hoà điệu trong tình yêu, trong hôn nhân như sự cân xứng của hai chiếc đũa trong một đôi đũa.

     Hãy đọc những câu tục ngữ, ca dao sau:

– Vợ chồng như đũa có đôi
– Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau
– Đôi ta như đũa trong kho
Không tề, không tiện, không so cũng bằng.

     Cô gái đã phải thốt lên buồn bã về cuộc hôn nhân ép buộc của mình do người mẹ tham của tham giàu:

– Mẹ tôi tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Con đã bảo mẹ rằng đừng 
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.

     Và kết cục cay đắng mà cô thấy là:

– Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

     Người Việt xưa đã đúc kết những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày về sự cân xứng, giống nhau của 2 chiếc đũa trong một đôi đũa. Thậm chí câu tục ngữ sau đã nhấn mạnh đến mức coi “một đôi đũa vênh” còn tệ hơn một cô “vợ dại”:

Vợ dại không hại bằng đũa vênh/lệch.

     – Triết lí về đoàn kết

     Người Việt coi bó đũa là hiện thân của sự đoàn kết. Người ta không thể dùng tay bẻ cả bó đũa một lần mà chỉ có thể:

Bẻ đũa từng chiếc một.

     – Triết lí về nhân sinh

     Người Việt phê phán cách nhận xét, khái quát vấn đề một cách hồ đồ, thiếu cơ sở, thiếu phân tích, thiếu dữ liệu bằng câu tục ngữ:

Vơ đũa cả nắm.

     Hoặc trong những trường hợp cần phải chọn giải pháp tình thế:

So bó đũa chọn cột cờ.

     Người Việt xưa cũng phê phán những ảo tưởng, những ý muốn không thực tế về hôn nhân:

Đũa mốc lại chòi mâm son.

     ….

     Người Nhật cho rằng con người “khởi đầu từ đũa và kết thúc bằng đũa” (箸に始まり、箸で 終わる – Hashi ni hajimari, hashi de owaru). Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, người Nhật thường tổ chức lễ sơ thực okuizome có sử dụng đũa.

     Trong tang lễ, người Nhật dùng đũa để gắp xương người chết. Chính vì thế, người Nhật kiêng không chuyền thức ăn từ đũa sang đũa.

     Người Nhật không liên tưởng về tình yêu và hôn nhân với đôi đũa như người Việt. Người Nhật có những khái quát về kinh nghiệm sống từ đôi đũa. Ví dụ những câu tục ngữ sau:

1. “箸が進む” (Hashi ga susumu). Nghĩa đen là: đũa cứ tiến tới, nghĩa bóng là, ngon nên ăn nhiều.

2. “箸にも棒にも掛からない” (Hashi ni mo bou ni mo kakaranai). Nghĩa đen là: đũa cũng không cầm được, gậy cũng không cầm được. Nghĩa bóng là: người không có năng lực, kém cỏi.

3. “箸より重い物を持った事が無い” (Hashi yori omoi mono o motta koto ga nai). Nghĩa đen là: chưa cầm một cái gì nặng hơn đôi đũa, nghĩa bóng là được bố mẹ quá nuông chiều.

4. “箸折り屈みの兄弟” (hashi orikagami no kyoudai). Nghĩa đen: đũa gãy chính là anh em.
Nghĩa bóng: hai người có tình cảm sâu đậm mới là anh em.

5. “石臼を箸に刺す” (ishiusu wo hashi ni sasu). Nghĩa đen: chọc chiếc cối xây bằng đũa. Nghĩa bóng: làm một việc không thể làm được, như là câu tục ngữ Việt: trứng chọi đá”.

6. “箸が端” (hashi ga hashi). Đây là câu tục ngữ chơi chữ, sử dụng từ đồng âm. Nghĩa đen: đôi đũa là chiếc cầu. Nghĩa bóng: đôi đũa là chiếc cầu nối thức ăn với con người, gắn kết con người với thần linh, tạo hoá.

     Chính vì vậy, đối với người Nhật, đôi đũa được coi là quan trọng như một phần của nghi lễ tôn giáo. Ngày 4 tháng 8 hàng năm là ngày lễ đũa, được tổ chức ở các đền thờ Thần đạo.

     Ở Nhật có những cửa hàng chuyên bán đũa và có những trang mạng về đũa.

     Ở Nhật đũa cũng được trân quý như một món quà, vì vậy, người Nhật thường mua những đôi đũa đắt tiền với những bao đũa cầu kì để làm quà.

Kết luận

     Đôi đũa là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hiện nay đũa được dùng phổ biến tại Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Việc so sánh đôi đũa ở Việt Nam và Nhật Bản như trên, cho thấy những điểm khác biệt và tương đồng thú vị, cho thấy đôi đũa là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt cũng như của người Nhật.

     Xã hội của văn hoá ẩm thực thời nay diễn ra khắp nơi cả ở nông thôn lẫn thành thị đang bị dư luận lên án. Phải chăng đó là những biểu hiện của sự suy đồi trong văn hoá ẩm thực hiện đại hay chỉ là những tàn dư tiêu cực trong văn hoá ẩm thực xưa trỗi dậy khi có điều kiện thuận lợi?

     Trong thời đại toàn cầu hoá, hiện đại hoá hôm nay, chúng ta sẽ học hỏi, thu thập được nhiều điều mới lạ từ trong văn hoá ẩm thực của các nền văn hoá khác và chính văn hoá ẩm thực Việt Nam đã và sẽ phát huy tác dụng của mình không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

     Văn hoá ẩm thực Việt Nam có một gốc rễ sâu bền được bắt nguồn từ trong dòng máu con người Việt, được phát triển và củng cố trong một môi trường tự nhiên và xã hội đặc trưng của nó. Văn hoá ấy đã được thử thách vững vàng qua muôn vàn biến thiên gian khó của lịch sử, có một bản sắc rõ ràng. Văn hoá ẩm thực Việt chắc chắn sẽ trường tồn và sẽ không ngừng phát triển.

NGUYỄN THIỆN NAM 1

__________
1. PGS TS, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội.