Ý nghĩa biểu trưng của DANH TỪ RIÊNG trong THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT

ĐỖ THỊ THU HƯƠNG
(Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)

1.

     Theo Từ điển tiếng Việt, biểu trưng có nghĩa là “biểu hiện một cách tượng trưng và tiêu biểu nhất” [3, 80]. Đó là cách người ta lấy một sự vật cụ thể hoặc một tính chất thích hợp để gợi ra, liên tưởng đến một cái trừu tượng nào đó. Chẳng hạn, chim bồ câu tượng trưng cho hoà bình. Theo Nguyễn Đức Tồn, “Đó là hiện tượng khá phổ biến và quen thuộc đối với các dân tộc và phản ánh quan niệm “ngây thơ” dân gian của mỗi tộc người đôi khi được cố định hoá trong ngôn ngữ. Khi một sự vật hiện tượng có giá trị biểu trưng thì nó (và kèm theo tên gọi của nó) sẽ gợi lên trong ý thức người bản ngữ sự liên tưởng khá bền vững”. [4, 404].

     Để tạo nên nghĩa biểu trưng hay nghĩa chuyển, người ta đều phải dựa vào quan hệ liên tưởng, có thể là liên tưởng tương đồng (ẩn dụ) hay liên tưởng tương cận (hoán dụ). Tuy nhiên, giữa hiện tượng chuyển nghĩa và nghĩa biểu trưng có sự phân biệt tinh tế ở chỗ: Các nghĩa chuyển thường mang tính cụ thể; còn ý nghĩa biểu trưng mang tính ước lệ, tính quy ước và biểu hiện các hiện tượng khái quát, trừu tượng. Mỗi nghĩa biểu trưng được tạo ra trên cơ sở quan hệ với cái được quy chiếu là quan hệ có lí do. Nói cách khác, nó không hoàn toàn võ đoán. Nó có thể được hình thành dựa trên những đặc điểm tồn tại khách quan ở đối tượng, đồng thời còn có thể dựa trên cả sự gán ghép theo chủ quan của con người. Chẳng hạn, chim bồ câu với đặc tính hiền lành, không hay đánh chọi nhau nên ở hầu hết các dân tộc trên thế giới, chim bồ câu được dùng làm biểu tượng cho hoà bình. Hay cái cân, từ chức năng đo khối lượng, đã được chọn làm biểu tượng cho công lí… Việc tạo nên các nghĩa biểu trưng cũng hoàn toàn mang tính quy ước của từng cộng đồng dân tộc. Theo đó, mỗi dân tộc sẽ có thói quen, tập quán riêng trong việc biểu trưng hoá các sự vật, hiện tượng của thế giới hiện thực. Chẳng hạn, cùng biểu trưng cho niềm kiêu hãnh, lòng tự hào dân tộc, người Nga chọn hình ảnh cây sồi; trong khi người Campuchia lại chọn hình ảnh cây thốt nốt. Ngược lại, cùng một hình ảnh, ở các dân tộc khác nhau có thể mang những nghĩa biểu trưng hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, lá dương xỉ biểu trưng cho sự mong muốn có nhiều thành đạt trong năm mới nhưng ở Nga, dương xỉ lại được liên tưởng đến sự chết chóc, nghĩa địa.

     Trong hệ thống ngôn ngữ, bộ phận mang ý nghĩa biểu trưng đậm nét nhất chính là các thành ngữ. Như chúng ta biết, nghĩa của thành ngữ không phải là nghĩa đen của các từ ngữ tạo nên mà ngụ ý điều gì đó suy ra từ chúng. Đó là nghĩa bóng hay nghĩa biểu trưng. Nghĩa biểu trưng này được hình thành dựa vào quan hệ tương đồng (ẩn dụ, so sánh) hoặc quan hệ tương cận (hoán dụ). Tính biểu trưng của hình ảnh, của sự vật, sự việc được miêu tả trong thành ngữ, ở những mức độ khác nhau có liên quan đến các hiện tượng trong đời sống xã hội, trong lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Đúng như E.M. Veresagin và V.G. Kostomarov nhận xét: “Các thành ngữ là các đơn vị phản ánh rất rõ sắc thái văn hoá dân tộc thông qua cách biểu đạt bằng ngôn ngữ” [dẫn theo 1, 44]. Mỗi ngôn ngữ sẽ có cách lựa chọn riêng các thành tố để tổ chức thành loại đơn vị có tính hình tượng. Thông qua đó, người ta có thể nhận ra thói quen, tập quán, tâm lí và các hành vi điển hình của một dân tộc.

     Người ta có thể lựa chọn nhiều hình ảnh làm chất liệu biểu trưng trong thành ngữ, chẳng hạn dùng bộ phận cơ thể, dùng hình ảnh các loài động thực vật, các con số,… Dưới đây, chúng tôi tìm hiểu về việc sử dụng danh từ riêng làm chất liệu biểu trưng.

2.

     Danh từ riêng là lớp danh từ dùng để gọi tên riêng một người, một vật. Nếu như các từ thông thường đều biểu thị một khái niệm nhất định thì các tên riêng không có ý nghĩa khái quát, chúng không hề liên quan đến bất kì một khái niệm nào. Chúng chỉ là những kí hiệu dùng để gọi tên cho một đối tượng cá biệt và đơn nhất. Có thể ví, danh từ riêng giống như những cái ‘mác’, cái “nhãn” để con người dán lên sản phẩm, giúp con người phân biệt sản phẩm này với sản phẩm kia.

     Chính vì vậy, theo chúng tôi, danh từ riêng là lớp danh từ thể hiện rõ nhất văn hoá đặc thù của mỗi dân tộc. Mỗi tên riêng chứa đựng trong đó những dấu ấn lịch sử, truyền thống, văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Lê Trung Hoa cho rằng địa danh như là một “tấm bia lịch sử bằng vàng”.

     Theo khảo sát của chúng tôi, trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt có 37 thành ngữ có sử dụng tên riêng. Các thành ngữ này có thể chia thành 2 nhóm sau:

     1/ Thành ngữ sử dụng tên riêng thuần Việt làm chất liệu biểu trưng:

      nợ như chúa Chổm, vắng như chùa Bà Đanh, oan như Thị Kính, nói dối như Cuội, kẻ Nam người Bắc, tốt như đồng Tụ, rét nàng Bân, bụt Nam Sang còn từ oản chiêm, ăn như Nam Hạ vác đất, ông Tơ bà Nguyệt, như vợ chồng Ngâu, Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, trăm thứ bà Dằn/Giằn, đồ Chí Phèo, đồ Lý Thông,…

     2/ Thành ngữ sử dụng tên riêng có nguồn gốc Hán làm chất liệu biểu trưng:

     nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo, chạy rống Bái Công, kẻ Tấn người Tần, cửa Khổng sân Trình, đầu Ngô mình Sở, sư tử Hà Đông, máu ghen Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải, lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, châu về Hợp Phố, như con Điêu Thuyền, mũi dùi Mao Toại, nói như ông Bành Tổ, giấc mộng Nam Kha, Ngưu Lang Chức Nữ, ả Chức chàng Ngưu, bát cơm Phiếu mẫu, ải Tần non Thục, non Bồng nước Nhược, bể Sở sông Ngô, mưa Sở mây Tần,…

     Trong số các thành ngữ có sử dụng tên riêng có nguồn gốc Hán làm chất liệu biểu trưng có những thành ngữ đã rất quen thuộc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người Việt Nam. Những thành ngữ này hầu như đã được Việt hoá, dấu ấn ngoại lai mờ nhạt, chẳng hạn, đa nghi như Tào Tháo, như con Điêu Thuyền, chạy rống Bái Công,… Ngược lại, một số thành ngữ sử dụng tên riêng thuần Việt làm chất liệu biểu trưng lại có nguồn gốc từ tiếng Hán, chẳng hạn, như vợ chồng Ngâu (Ngâu là biến âm của Ngưu), ông Tơ bà Nguyệt,… Vì vậy, việc phân loại thành ngữ có sử dụng danh từ riêng làm chất liệu biểu trưng thành hai nhóm nói trên chỉ mang tính tương đối.

     Như chúng ta biết, tên riêng thường dùng để chỉ người hoặc sự vật duy nhất, cá thể. Tuy nhiên, khi được sử dụng trong thành ngữ, tên riêng thường được dùng với ý nghĩa khái quát để biểu trưng cho một tính cách, một ý niệm nhất định. Khi người hay sự vật mang tính chất điển hình cao thì giá trị biểu trưng càng lớn. Chẳng hạn, thành ngữ nợ như chúa Chổm. Chúa Chổm là tên gọi thuần Việt của một nhân vật có thật trong lịch sử (tên thật là Lê Ninh). Tục truyền, nhân vật này thuở còn hàn vi mắc nợ rất nhiều. Khi lên ngôi vua và được rước về kinh thành Thăng Long thì ông bị đòi nợ suốt dọc đường. Lúc đầu, vẫn cái tính vung tay quá trán nên cứ ai hỏi là trả, nhưng khi thấy chủ nợ mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về đến cổng thành Cửa Nam. Từ câu chuyện kể trên, tên gọi chúa Chổm đã trở nên nổi tiếng và trở thành biểu tượng của sự nợ nần.

     Một ví dụ khác, thành ngữ oan như Thị Kính. Thị Kính là nhân vật trong tích truyện dân gian Quan Âm Thị Kính. Cuộc đời nàng hai lần mắc phải những nỗi oan lớn. Một lần Thị Kính cầm dao cắt râu chồng khi chồng ngủ, nên bị nghi là giết chồng. Lần thứ hai, nàng giả trai đi tu, bị Thị Màu chửa hoang vu cáo, nàng đành phải nuôi nhận đứa con thơ. Từ câu chuyện về cuộc đời của Thị Kính, dân gian đã khái quát nên thành ngữ oan như Thị Kính để biểu trưng cho những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãi bày được.

     Để chỉ nhiều thứ linh tinh, lôi thôi, rắc rối, tiếng Việt có thành ngữ trăm thứ bà Giằn/Dằn. Tên gọi bà Giằn trong thành ngữ này chỉ một nhân vật trong thần thoại Đẻ đất đẻ nước của người Mường. Truyền thuyết kể rằng bà Giằn vốn là một con yêu tinh sống trong hang động chuyên ăn thịt người. Để tiêu diệt bà Giằn, người ta đã băm nó ra thành trăm mảnh. Máu của nó chảy đến đâu hoá thành những muỗi, rệp, bọ, rắn, rết, đỉa,… đến đấy. Từ câu chuyện này, tên gọi bà Giằn đã trở thành hình ảnh biểu trưng cho những thứ linh tinh, thượng vàng hạ cám.

     Hầu hết các tên riêng được sử dụng trong thành ngữ đều có xuất xứ từ các tích truyện điển hình trong dân gian hoặc các tác phẩm văn học nổi tiếng. Những nhân vật điển hình trong các tác phẩm này có sức sống lâu bền, có sức lan toả mạnh mẽ đến mức đã được cố định hoá trong dân gian. Cho nên, câu chuyện càng nổi tiếng, nhân vật càng điển hình thì giá trị biểu trưng của tên riêng càng rõ rệt. Có thể minh chứng điều này bằng các thành ngữ sử dụng tên riêng có nguồn gốc Hán như nóng như Trương Phi. Trương Phi là một nhân vật nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Trong tác phẩm, Trương Phi được khắc hoạ với những phẩm chất tốt đẹp như ngay thẳng, cương trực nhưng lại hết sức nóng nảy, với những cơn giận dữ kinh hồn, sấm sét. Con người ấy đã từng lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi áo lấy đồ vật, đã từng thét lên một tiếng làm tướng địch Hạ Hầu Kiệt sợ đứt ruột mà chết, đã từng đòi đánh thốc vào cửa quan để bắt sống Đổng Trác, cuối cùng đã phải bỏ mạng tại thành Lãnh Trung chỉ vì nóng nảy muốn báo thù cho người anh kết nghĩa vườn đào với mình là Quan Vũ. Từ tính cách điển hình ấy mà Trương Phi đã được người Việt Nam lựa chọn để biểu trưng cho sự nóng nảy.

     Cũng trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, nhân vật Tào Tháo lại gây ấn tượng với người đọc bởi tính cách đa nghi. Truyện kể, Tào Tháo không tin bất kì ai trên đời, dù là tướng tài giỏi hay người lính hết lòng phục vụ ông ta. Tính cách hay ngờ vực, nghi kị đã trở thành điển hình, từ đó, người Việt khái quát thành cụm từ đa nghi như Tào Tháo.

     Có thể kể thêm một số thành ngữ thuộc nhóm này như: như con Điêu Thuyền, máu ghen Hoạn Thư, sư tử Hà Đông,…

     Ngược lại, khi tên riêng biểu thị người hay sự vật bình thường, chỉ quen thuộc trong phạm vi hẹp thì nghĩa biểu trưng của thành ngữ mờ nhạt. Chẳng hạn, bẻ tay Bụt ngày rằm, tốt như đồng Tụ, v.v.

     Bên cạnh tên riêng của người, tên địa danh cũng được phản ánh trong thành ngữ và cũng mang giá trị biểu trưng. Nhìn chung, tên gọi các địa danh thường mang nghĩa biểu trưng cho sự xa xôi, cách trở như: kẻ Tấn người Tần, kẻ Việt người Tần, kẻ Nam người Bắc, cùng Nam cực Bắc.

     Khác với việc sử dụng bộ phận cơ thể hay dùng con số để biểu trưng, việc lấy tên riêng để biểu trưng cho một ý niệm nào đó tính có lí do là rất rõ. Phần lớn các thành ngữ có sử dụng tên riêng để biểu trưng thường có nguồn gốc từ tích truyện dân gian hoặc các tác phẩm văn học nổi tiếng. Cho nên, để hiểu được chính xác và sâu xa nghĩa biểu trưng của thành ngữ trong trường hợp này phải nắm được nguồn gốc ra đời của thành ngữ.

3.

     Việc sử dụng danh từ riêng làm chất liệu biểu trưng trong thành ngữ tiếng Việt không mang tính ngẫu nhiên mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của con người Việt Nam. Như đã nói, các tên riêng được sử dụng trong thành ngữ tiếng Việt hầu hết đều có nguồn gốc từ những nhân vật điển hình trong các tích truyện dân gian, điển cố, tác phẩm văn học nổi tiếng. Mỗi nhân vật thường có nhiều nét tính cách, nhưng việc lựa chọn nét tính cách điển hình nào để phản ánh vào thành ngữ lại tuỳ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi dân tộc. Cho nên, có thể khẳng định, đây cũng là một trong những phương diện thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt Nam trong thành ngữ tiếng Việt.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Hữu Đạt, Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.

2. Hoàng Văn Hành, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2008.

3. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992.

4. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy (tái bản có chỉnh lí và bổ sung), NXB Từ điển Bách khoa, 2010.

5. Nguyễn Như Ý, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.