ẨN DỤ Ý NIỆM VÀNG trong TIẾNG việt nhìn từ GÓC ĐỘ MIỀN NGUỒN

PGS.TS ĐẶNG THỊ HẢO TÂM

     1. Trong những năm gần đây, không khó bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng những bàn luận về vàng – một thành tố của nền kinh tế – theo kiểu:

     Tính chung cả đợt sốt từ đầu tháng 8, vốn để vào vàng cũng ngót nghét hàng tỉ đồng.
              (Tin mới.com, 13/12/ 2011)

     Phục hồi mạnh mẽ nhưng rồi giá vàng trong nước nhanh chóng đi xuống theo giá vàng thế giới.
              (24 h.com, 24/5/2012)

     Những diễn đạt này tồn tại song song cùng những diễn đạt mang tính truyền thống khi nói về vàng, thí dụ: lời vàng; sức khỏe là vàng; tấm lòng vàng. Dường như tư duy của người Việt đã đánh giá vàng theo chiều hướng mở rộng hơn, qua những hiện tượng ngôn ngữ trên. Bài viết sẽ xem xét vàng từ góc độ miền nguồn nhằm chỉ ra cách thức tư duy của người Việt về thứ kim loại này.

     2. Ý niệm là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất của ngôn ngữ học tri nhận. Ý niệm là đơn vị của ý thức bao gồm 3 thành tố: cảm xúc, trí tuệ, ý chí. Trên cơ sở đó, ý niệm còn được hiểu là những liên tưởng và ấn tượng phản ánh kinh nghiệm của người sử dụng ngôn ngữ. Như vậy, ý niệm được hình thành từ những trải nghiệm của con người về thế giới, và do đó ý niệm mang tính nghiệm thân. Cụ thể hơn, “ý niệm về những sự vật cụ thể bắt nguồn từ những trải nghiệm của các giác quan, còn ý niệm về các sự vật trừu tượng là kết quả của việc điều chỉnh, tổng hợp, xử lí thông tin trên cơ sở các ý niệm về sự vật cụ thể” [3, 221]. Việc tri nhận các dấu hiệu đặc trưng của vật ở cấp độ ý niệm cũng chính là quá trình ý niệm hóa. Bàn về ý niệm, quá trình ý niệm hóa, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đều cho rằng bản chất của quá trình được thể hiện bởi sự ánh xạ ẩn dụ từ miền nguồn tới miền đích. Một ý niệm được tạo ra từ nhiều sự ánh xạ, và sự ánh xạ từ miền nguồn tới miền đích mang tính bộ phận. Thông thường chỉ có một số phương diện của miền nguồn được làm nổi bật, được kích hoạt để giúp chúng ta hiểu miền đích, trong khi đó, những phương diện còn lại bị tẩy mờ đi. Bản chất của quan hệ ánh xạ giữa miền nguồn với miền đích còn thể hiện ở chỗ: một miền nguồn có thể ánh xạ tới nhiều miền đích khác nhau, và trên thực tế, hầu hết các miền nguồn đều ánh xạ không chỉ một mà là một vài miền đích.

     Những quan niệm về bản chất của sự ánh xạ cũng như cơ sở của sự ánh xạ trong ẩn dụ ý niệm trên đây là điểm tựa cho bài viết này.

     2.1. Dấu hiệu thuộc tính của sự vật vàng và trường từ vựng chỉ sự vật

     Khảo sát 2 cuốn từ điển của Hội khai trí Tiến Đức [5] và Hoàng Phê [8], chúng tôi thu được 14 từ chỉ vàng cùng các dạng cụ thể của nó. Đó là: vàng, vàng bạc, vàng cốm, vàng điệp, vàng lá, vàng mười, vàng ngọc, vàng ròng, vàng tây [8, 1097 – 1098]; vàng, vàng cốm, vàng, điệp, vàng mười, vàng quỳ [5, 625]. Dựa theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn trong [10] chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích thành tố nghĩa để phân giải lời định nghĩa từ điển của từ chỉ vàng thành các nét nghĩa khu biệt, phản ánh đặc trưng cơ bản của vàng được biểu thị. Chúng tôi nhận thấy cấu trúc lời giải thích cho mỗi tên gọi vàng của cả hai từ điển đều gồm có thành tố (I) chỉ loại và thành tố (II) chỉ tính chất – đặc trưng khu biệt. Cụ thể như sau: (I) tên gọi chỉ loại của vàng (i) “kim loại”; (II) đặc trưng của vàng gồm: (ii) “quý”; (iii) “màu vàng”. Riêng từ điển Hoàng Phê có bổ sung thêm cho định nghĩa vàng ở thành tố (II) – chỉ thuộc tính của vàng: (iv) “không rỉ”, (v) “dễ dát mỏng”, (vi) “dễ kéo thành sợi”; và thêm thành tố (III) chỉ “ngoại cảnh” (từ dùng của Nguyễn Đức Tồn trong [10]) có liên quan đến những đặc trưng mang tính đánh giá chủ quan của con người về vàng, phản ánh vai trò của vàng đối với đời sống xã hội, đó là nét nghĩa (vii): “thường dùng làm đồ trang sức”. Như vậy, trong những nét nghĩa tạo nên cấu trúc nghĩa cho trường từ vựng vàng, nét nghĩa “kim loại, màu vàng, không rỉ, dễ dát mỏng, dễ kéo thành sợi” là những nét nghĩa phản ánh đặc trưng bản thể của sự vật vàng – những nét nghĩa mang tính khách quan. Nét nghĩa (ii) “quý” và nét nghĩa (vii) “thường dùng làm đồ trang sức” là nét nghĩa phản ánh nhận thức của con người trong quá trình tương tác với vàng. Từ nét nghĩa (i), (iii), (iv) – (vi) là những nét nghĩa phản ánh đặc trưng bản thể của vàng mà dẫn tới nét nghĩa (ii) và nét nghĩa (vii) lại là những nét nghĩa phản ánh đặc trưng mang tính đánh giá chủ quan của người Việt về thứ kim loại này. Có thể mô hình hóa cấu trúc nghĩa của trường từ vựng chỉ vàng của cả hai từ điển như sau:

Thành tố I Thành tố II Thành tố III
Nét nghĩa (i): kim loại Nét nghĩa (iii) màu vàng.
Nét nghĩa (iv): không rỉ.
Nét nghĩa (v): Dễ dát mỏng.
Nét nghĩa (vi): Dễ kéo thành sợi.
Nét nghĩa (ii): quý
Nét nghĩa (vii): thường dùng làm đồ trang sức

     Trong cấu trúc ngữ nghĩa trên, các nét nghĩa thuộc thành tố I và II là những nét nghĩa trung tâm, nét nghĩa (ii), (vii) thuộc thành tố III và là nét nghĩa ngoại vi.

     2.2. Sự tri nhận vàng của người Việt trong cấu trúc ngữ nghĩa của trường từ vựng chỉ vàng

     Căn cứ vào lời giải thích của Từ điển tiếng Việt [8, 1097], có thể thấy nhóm biên soạn đã phân xuất trường từ vựng vàng thành 3 nhóm (3 tiểu trường), tương ứng với 3 phạm vi sử dụng. Nhóm 1, bao gồm các từ sử dụng trong phạm vi chỉ loại sự vật (kim loại) như: vàng, vàng bạc; vàng cốm; vàng diệp/ vàng lá; vàng mười; vàng ròng; vàng tây; vàng trắng. Nhóm 2 bao gồm các từ sử dụng trong phạm vi chỉ cái đáng quý (không phải kim loại mà là vật hoặc khái niệm), thí dụ: vàng đen, tấm lòng vàng, ông bạn vàng. Riêng nhóm (3) bao gồm các từ sử dụng trong phạm vi chỉ sản phẩm làm từ nguyên liệu giấy. Tương ứng với phạm vi hiện thực này sẽ có các từ ghép định danh (theo ẩn dụ của từ vàng): vàng hoa (vàng để đốt cho người chết, có dán hình hoa bằng giấy kính); vàng hồ: (vàng để đốt cúng cho người chết); vàng lá: (giấy giả hình vàng lá để đốt cho người chết); vàng mã: (vàng và mã, đồ làm bằng giấy để đốt cúng cho người chết theo tập tục dân gian); vàng hương/vàng mã: (tên gọi khái quát bao gồm các loại nhỏ như tiền âm phủ (tiền xu, tiền giấy, trong đó có vàng lá, vàng hoa, vàng hồ ) và các vật dụng đi kèm).

     Một câu hỏi đặt ra: Người Việt chọn đặc trưng nào của vàng để làm cơ sở định danh cho tên gọi các đối tượng ở cả 3 trường hợp trên? Ngữ nghĩa của các từ ngữ thuộc 3 phạm vi sử dụng trên có mối quan hệ với nhau như thế nào? Nét nghĩa nào thiết lập được mối quan hệ giữa chúng? Trả lời những câu hỏi này là một cách khai mở con đường nhận thức về vàng của người Việt.

     Tập hợp các từ ngữ được sử dụng trong cả 3 phạm vi trên đều có sự hiện diện, không thay đổi của đặc trưng “quý hiếm”. Cụ thể như sau:

     – Các từ ghép được sử dụng ở nhóm 1 (vàng cốm; vàng diệp/ vàng lá; vàng miếng) đều có chung một kiểu cấu tạo: yếu tố chỉ loại + dạng thức tồn tại. Trong đó yếu tố chỉ loại phản ánh mối quan hệ giữa đặc trưng bản thể của vàng với các nét nghĩa khu biệt theo kiểu hoán dụ (lấy tính chất của sự vật để gọi tên sự vật). Trong các từ ghép trên, yếu tố chỉ dạng thức tồn tại của vàng dẫu có thay đổi (cốm, diệp, lá, miếng) cũng không làm mất đi đặc trưng “quý hiếm” được biểu thị trong yếu tố chỉ loại. Bằng chứng là khi yếu tố thứ 2 trong một số từ ghép định danh vàng biểu thị ý nghĩa thành phần hóa học như vàng tây, vàng trắng (thành phần gồm có vàng và một số kim loại quý hiếm như niken, platin…, do tính chất đặc biệt của hợp kim nên màu vàng trong vàng trắng đã biến mất) hoặc được dùng trong sự kết hợp với một sự vật khác (vàng bạc) thì đặc trưng “quý hiếm” vẫn không bị triệt tiêu, bên cạnh các trường hợp vàng mười, vàng ròng.

     – Trong nhóm (2), đặc trưng “quý hiếm” là cơ sở nhận biết những trường hợp được phái sinh từ đặc điểm liên quan đến vàng, thí dụ: Lễ cưới vàng.

     – Ở nhóm (3), các tên gọi vàng mã, vàng hoa, vàng vó có lẽ xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”. Vàng là tài sản quý giá của người sống thì cũng sẽ là tài sản quý giá của người chết (tập tục chôn vàng cùng người chết là một biểu hiện). Theo đó, đồ để cúng, đốt cho người chết cũng phải mang ý nghĩa tượng trưng cho “vàng”. Phải chăng vì thế mà các sản phẩm làm từ giấy này đều được phết lớp nhũ màu vàng (mặc dù có những loại vàng mã được phết nhũ màu bạc, nhưng người Việt không nói đốt bạc/ hóa bạc. trong mọi trường hợp, người Việt chỉ nói đốt vàng/ hóa vàng. Điều đó càng khẳng định nhận thức của người Việt về đặc trưng, giá trị của “vàng”). Như vậy, các từ ngữ thuộc phạm vi sử dụng của nhóm (3) được định danh theo ẩn dụ của từ vàng dựa trên sự giống nhau về hình thức. Nói như Nguyễn Đức Tồn [10], những đặc trưng được tri nhận với tư cách là dấu hiệu khu biệt vàng với các kim loại khác để định danh vàng cũng chính là đặc trưng được nghĩ đến đầu tiên khi hình dung để định nghĩa về vàng. Điều này có nghĩa: “cấu trúc nghĩa của trường từ vựng đã phản ánh khá trung thành đặc điểm tri nhận của người bản ngữ về khúc đoạn của thế giới khách quan mà trường từ vựng biểu thị” [10, 369]. Theo quan điểm của Kovecses, trong một cấu trúc ý niệm, một thuộc tính nào đó sẽ đóng vai trò tiêu điểm ngữ nghĩa khi nó “được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng ngôn ngữ, được tìm thấy trong hầu hết các đặc tính của miền nguồn và đặc trưng cho miền nguồn” [6, 101] thì nghĩa hạt nhân “quý hiếm” trong cấu trúc nghĩa của trường từ vựng chỉ vàng phản ánh thuộc tính quý hiếm của vàng và nó chính là tiêu điểm ngữ nghĩa của cấu trúc ý niệm vàng bởi (i) trong mọi ngữ cảnh sử dụng, thuộc tính này vẫn được giữ nguyên, không thay đổi; (ii) được tri nhận từ kinh nghiệm tương tác của con người với vàng; và (iii) là cơ sở phái sinh của những thành viên nghĩa thuộc các nhóm từ ngữ (2) và (3).

     2.3. Sự ánh xạ từ miền nguồn vàng đến một số miền đích

     2.3.1. “Cái quý giá là vàng”

       2.3.1.1. “Con người là vàng”

       Sự xuất hiện của con người trên trái đất là một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của thế giới vật chất. Có con người mới có xã hội, chính con người sáng tạo nên lịch sử xã hội. Con người là “hiện vật” quý giá nhất của vũ trụ, là chủ thể sáng tạo ra thiên nhiên thứ 2 (M.Gorki). Đối với phương Đông, con người là một trong 3 ngôi “Tam Tài”: Thiên – Địa – Nhân của vũ trụ bao la. Tất cả trên trái đất này không có gì quý hơn con người.

     – Cha em như ngọc, mẹ em như ngà/ Thụ thai em như bạc, đẻ em ra như vàng/ Ở nhà cha mẹ coi như bạc như vàng/ Ra đường người coi như gạch lát đàng người đi. (Ca dao)

     – Người là vàng, của là ngãi.

     – Thủy bế đứa bé trên tay rồi nói: “Ôi cha, lấy chồng rồi đẻ ra cục vàng thế này cũng sướng”.
             (Sau cửa kính, Thúy Vy)

     – Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ.
            (Một người Hà Nội, Nguyễn Khải)

       Khi tri nhận về giá trị của con người, đê xem xét đánh giá một người đáng quý đến mức nào từ thể xác đến tinh thần, từ mặt đạo đức, trí tuệ, nghề nghiệp, tài năng đến vị trí xã hội, người Việt lựa chọn thuộc tính nổi trội “quý hiếm” của vàng làm cơ sở. Sự ánh xạ từ miền nguồn vàng tới miền đích giá trị con người một lần nữa cho thấy đặc trưng “quý hiếm” của vàng luôn được cộng đồng ngôn ngữ Việt nhìn nhận khi tri nhận về vàng.

     Giá trị tinh thần của con người bao gồm đạo đức, trí tuệ, tài năng, những phẩm chất mà người đó thực sự có được (hoặc được thừa nhận bởi người khác). Trong sự phát triển của xã hội, bên cạnh mặt tích cực luôn xuất hiện mặt tiêu cực, làm cho sự đan xen hòa quyện giữa cái giá trị và cái phản giá trị trong đời sống đạo đức của xã hội trở nên phức tạp. Có không ít trường hợp “nhiễu” trong việc lựa chọn giá trị, tiếp nhận giá trị đạo đức, bên cạnh những trường hợp thể hiện tập trung hình ảnh chuẩn mực của giá trị đạo đức (bao gồm các quan điểm về thiện – ác, công bằng, trách nhiệm, lương tâm, hạnh phúc) được cá nhân lựa chọn, duy trì và có khả năng tạo tính định hướng cho hoạt động của cộng đồng. Điều này có nghĩa đạo đức là một trong những thước đo giá trị con người, tạo nên nền tảng văn hóa cho xã hội. Một con người vô đạo đức sẽ trở thành kẻ cản trở bước tiến của cộng đồng. Lấy đặc trưng “quý hiếm” của vàng để tri nhận đạo đức, cũng là một cách để người Việt bày tỏ quan niệm về giá trị con người. Theo đó có ý niệm: “Đạo đức là vàng”. Thí dụ: Nguyễn Tuân tìm kiếm thứ vàng mười trong tâm hồn con người; Tiền là gạch, nghĩa là vàng; Tấm lòng vàng; Trái tim vàng.

     Duyên tình cũng thuộc phạm trù đạo đức nhưng khi miền nguồn vàng ánh xạ lên miền đích duyên tình thì đặc trưng được lựa chọn không đơn giản chỉ gồm “quý hiếm”. Đặc trưng “không gỉ” kết hợp với đặc trưng “kéo thành sợi mỏng” (nhưng vẫn là vàng) tạo thành đặc trưng liên tưởng: “tính không biến chất của vàng”. Đến lượt nó, “tính không biến chất”, kết hợp với đặc trưng “quý hiếm” đã ánh xạ lên miền đích duyên tình ở phương diện trước sau không thay đổi – thủy chung. Thí dụ: Lời thề vàng đá; Đám cưới vàng; Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

     Lao động thúc đẩy xã hội phát triển, lao động làm nên giá trị xã hội, giá trị con người. Do đó, sản phẩm lao động, hiển nhiên là cái quý giá, đồng thời cũng là thước đo giá trị con người. Mặt khác, sản phẩm lao động cũng phản ánh chính xác nhất khả năng nhận thức, khả năng lao động và sự sáng tạo trong công việc của con người. Từ kinh nghiệm tự thân này xuất hiện ẩn dụ ý niệm: “Trí tuệ, tài năng là vàng”. Thí dụ: Bàn tay vàng; Khối óc vàng; Con dao vàng. Cây kéo vàng; Cuộc thi “Đôi giày vàng”; Anh ta là niềm hi vọng vàng của thể thao nước nhà; Gương mặt vàng của làng Wushu Việt Nam.

     2.3.1.2. “Thời gian là vàng”

     Xuất phát từ đặc tính của thời gian (tính đơn chiều, không trở lại), thời gian gắn liền với hoạt động của con người, là thước đo kết quả lao động của mỗi cá nhân, cộng đồng nên con người quan niệm “thời gian là tiền”. Bên cạnh đó, tiếng Việt còn có ẩn dụ “thời gian là vàng/ vàng bạc”. Ngày xưa, để giữ của, người Việt thường mua vàng rồi đem cất, chôn. Ngày nay, trước tình hình kinh tế có nhiều biến động, người Việt hiện đại vẫn có thói quen tích vàng dưới nhiều hình thức như cất giữ hoặc gửi ngân hàng. Người Việt, dù ở thời nào, luôn coi vàng là thứ tài sản mang giá trị chắc chắn và bền vững. Coi thời gian là vàng chứng tỏ người Việt nhận thức về thời gian là thứ quý giá. Thí dụ: Thời gian là vàng; Thời gian quý như vàng; Thời giờ vàng bạc; Tám tiếng vàng bạc/ tám giờ vàng ngọc; Khoảnh khắc vàng của thể thao nước nhà; Bộ phim được phát vào giờ vàng.

     Theo tư duy liên tưởng, nằm trong hệ thống “Cái quý giá là vàng, có thể bắt gặp chùm các sự vật tự nhiên được người Việt tri nhận trên cơ sở hiểu biết về vàng. Với người Việt, đất không chỉ là một dạng tài nguyên mà còn là nơi để sản xuất canh tác duy trì sự sống, là nơi đánh dấu sự hiện tồn của con người qua việc chiếm giữ vị trí trong không gian. Các biểu thức ngôn ngữ: Tấc đất tấc vàng; Khu đất vàng; Xây nhà trên khu đất vàng ở Hà Nội; Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu chứng minh cho sự ánh xạ từ miền nguồn vàng đến miền đích đất mà mối liên hệ giữa hai miền này chính là đặc trưng “quý hiếm” của vàng. Tương tự, rừng, các dạng năng lượng, thóc gạo… cũng được tri nhận như là vật có giá trị bởi sự ánh xạ từ đặc trưng quý hiếm của vàng: “Rừng là vàng” (rừng vàng biển bạc); “Lúa gạo là vàng” (hạt thóc hạt vàng); “Các dạng năng lượng là vàng” (vàng đen, vàng trắng).

     Giá trị của một số sản phẩm nhân tạo phục vụ nhu cầu vật chất của con người cũng được tri nhận bởi vàng để khu biệt giá trị của chúng so với các sự vật khác cùng loại. Nằm trong nhu cầu vật chất của con người bao gồm trang phục, nhà cửa, đồ đạc, xe cộ. Những sản phẩm nhân tạo này có khả năng phân định giá trị của con người khi vàng xuất hiện, tham gia vào việc kiến tạo chúng. Nội thất của một chiếc xe ô tô hay một ngôi nhà, thậm chí một bộ quần áo hay nhỏ bé hơn nữa là chiếc bát, khi thành phần cấu tạo có thêm chất liệu vàng thì sẽ chuyển sang một đẳng cấp khác với những đồ vật cùng loại. Trong trường hợp này, nhờ đặc trưng “quý hiếm” của vàng mà chủ nhân sở hữu chúngtrở nên có giá trị.

     – Tiếc thay chiếc đọi bịt vàng/ Đem ra đong cám lỡ làng duyên em.
           (Ca dao)

     – Được coi là ngôi biệt thự xa hoa bậc nhất ở Sài Gòn, căn nhà 3 tầng nằm trên đường Hàn Thuyên giữa khu vực Nhà thờ Đức Bà và Dinh Thống Nhất của hoa hậu thời trang Quốc tế Ai Cập Ngô Mỹ Uyên xây dựng theo kiểu cấu trúc của Pháp, phần trần nhà dát vàng lấp lánh (…). Tuy nhiên Ngô Mỹ Uyên không cho rằng đấy là biểu tượng của sự giàu có. Cô coi đó là ngôi nhà ấm áp để đón tiếp bạn bè, mỗi lần cô trở về nước.
          (24 h.com, 24/5/ 2010)

     – Vàng luôn là thứ kim loại ưa thích được sử dụng để trưng diện. Hết ô tô dát vàng lại đến xe máy.
          (Tin Mới.com, 17/9/2012)

     – Nội thất dát vàng 24 K bạc tỉ dành cho đại gia. Bộ bàn ghế tiếp khách bề thế dát vàng 24K có giá trên 1 tỉ đồng, hay chiếc giường ngủ kèm theo bàn trang điểm, tủ đựng quần áo đều được dát vàng long lanh có giá trị trên 1,1 tỉ đồng khiến nhiều người ngỡ ngàng. Theo lời một nhân vật giới thiệu sản phẩm, tất cả đồ nội thất này dành cho các đại gia nhiều tiền.
           (Báo Mới.com, 28/2/2012)

       2.3.2. “Thủ phạm kích thích dục vọng là vàng”

      Ham muốn vật chất vốn thuộc bản năng của con người. Các yếu tố vật chất (chẳng hạn thuộc các phương diện tiền bạc, ăn, ở, mặc, đi lại, nhu cầu thể xác…) luôn có khả năng tác động đến con người bằng những sức mạnh khác nhau tùy theo đặc điểm của chúng. Con người biết được sự tác động của những sức mạnh đó bằng chính sự trải nghiệm tự thân khi tương tác với chúng. Khi vàng mang giá trị của tiền bạc, của cải thì đó chính là lực hút của vàng đối với con người. Các biểu thức ngôn ngữ sau đây là những thí dụ: Nhìn thấy vàng mắt nó sáng rực lên; Nhìn thấy kho vàng, người anh hoa cả mắt, vội vàng nhét cho đầy túi 6 gang; Người anh cho cả vàng vào hai ống quần, quên mất lời chim dặn; Liều lĩnh, táo tợn cướp tiệm vàng bằng dao và súng. Các từ chỉ trạng thái quên, hoa mắt, sáng rực hay tính chất liều lĩnh, táo tợn diễn tả mức độ tác động khác nhau của vàng tới chủ thể. Đáng chú ý, biểu thức hoa mắt diễn đạt sự tác động của ánh sáng, mầu sắc đến khả năng nhìn; biểu thức (mắt) sáng rực diễn đạt mức độ phản quang của màu vàng lóng lánh được chứa trong mắt. Trong khi đó, các từ: quên, liều lĩnh, táo tợn lại nổi trội ở nét nghĩa bản năng, mất sự kiểm soát của nhận thức lí tính. Trong những trường hợp trên, các biểu thức đều được dùng để chỉ tình trạng mất kiểm soát của con người trước giá trị, sự lấp lánh hấp dẫn của vàng. Vì thế chúng minh chứng cho sự có mặt của ẩn dụ ý niệm “Thủ phạm kích thích dục vọng là vàng”. Một vài thí dụ dưới đây làm rõ hơn cho ý niệm:

     – Sau khi đâm chủ tiệm vàng ngã gục, hai tên cướp vội bỏ chạy, chúng còn dùng súng tự chế bắn trả người dân truy đuổi.
         (Zing News.com, 10/4/2012)

     – Dư luận cả nước rúng động bởi hung thủ Lê Văn Luyện trong vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang.
         (VTC news.com, 24 /8/2011)

     Với miền nguồn vàng, không cần đến các biểu thức ngôn ngữ để cụ thể hóa cho thuộc tính “quý hiếm”, bản thân danh từ vàng trong mọi ngữ cảnh sử dụng cũng đủ sức gợi liên tưởng đặc điểm đó. Một số ẩn dụ ý niệm có chung miền nguồn vàng nêu trên đã bộc lộ quan điểm, triết lí về vàng của người Việt: vàng là cái hai mặt, vàng vật chất hóa giá trị tinh thần và cái đẹp thuộc con người nhưng vàng cũng là nguyên nhân của sự suy đồi đạo đức, là khối nặng giết chết con người.

3. Kết luận

     Tìm hiểu về vàng như là ẩn dụ có cùng miền nguồn nhưng khác miền đích, bài viết một mặt hướng tới làm rõ cấu trúc nghĩa của trường từ vựng chỉ vàng, mặt khác chỉ ra cơ sở ánh xạ, bản chất ánh xạ của ẩn dụ ý niệm vàng. Từ đó mong muốn khai mở cách thức tư duy của người Việt về vàng – thứ kim loại có khả năng mang lại hạnh phúc nếu được sử dụng tốt nhưng cũng có khả năng đẩy con người vào bất hạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Văn Cơ, Ngôn ngữ học tri nhận (Ghi chép và suy nghĩ), Nxb KHXH, 2007.

2. Đỗ Hữu Châu, Tuyển tập, Tập 1- Từ vựng ngữ nghĩa, Nxb GDVN, 2005.

3. Nguyễn Thiện Giáp, Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Nxb GDVN, 2012.

4. Võ Kim Hà, Ẩn dụ tiếng Việt nhìn từ lí thuyết nguyên mẫu (so sánh với tiếng Anh và tiếng Pháp), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, ĐH KHXH & NV Tp HCM, 2012.

5. Hội khai trí Tiến Đức, Việt – Nam Tự – Điển, Sài – Gòn, Hà – Nội Văn Mới, 1954.

6. Kovecses Zoltan, Metaphor: A practical introduction, Oxford University Press, 2002.

7. Lakoff G., & Jonhson M., Metaphors we live by, University of Chicago Press, Chicago/ London, 1980.

8. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2005.

9. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb KHXH, H., 2005.

10. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.

SUMMARY

     This paper approaches the concept of gold from the source domain perspective. In the construction of the concept of gold in the source domain, the characteristic of “preciousness” is the focal meaning, from which it can map on to two opposite categories:
“valuable thing ” and “sex stimulating thing”. With the construction “A IS B”, some conceptual metaphors of gold are built on the basis of human bodily experiences in interactions with the world. The connotation and linguistic expressions reflecting usage contexts of gold show that the conceptual metaphor of gold is real.

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ số 12 năm 2012

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)