Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)

Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO

     Từ nửa cuối thế kỷ 19, nếu không kể Trương Quốc Dụng (1797 – 1864), một nho sỹ làm quan dưới ba đời vua trào Nguyễn, thì Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), Antony Charles Celestin Landes (1850 – 1893) và Jean François Marie Génibrel (1851 – 1914)1 có thể coi như ba vị học giả đầu tiên quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép chuyện dân gian người Việt. Sang thế kỷ 20, công việc vẫn nối tiếp với Nguyễn văn Ngọc (1890 – 1942), Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984), Tô Nguyệt Đình (1920 – 1988), Lê Hương (1922 – 1976) và Sơn Nam (1926 – 2008), theo thứ tự thời gian. Những vị đó đã góp công rất lớn giúp cho ta tránh được cái điều vô lý rằng một ngày nào đó trên đất Việt ‘không còn mấy người mẹ, người bà, kể được một đôi truyện cổ tích nào của nước nhà cho con cháu nhà nghe nữa’. 2

     Trong những vị đó, Landes viết bằng tiếng Pháp để cho người Pháp [và người Âu] đọc, nên người Việt ít ai biết tới.

     Contes et legendes Annamites của Landes3 (sau đây gọi tắt ‘cuốn sách’) ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, vì hai người kể chuyện, một thầy tướng (devin) và một nhà nho (scholar), đều là dân tỉnh đó. Cuốn sách có hai phần:

  •    127 chuyện đời xưa và truyền thuyết, ghi nguyên văn theo lời kể,
  •    22 chuyện cười, ghi đại ý theo lời kể;

     kèm theo chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm văn hóa Việt.

     Chúng tôi xin chọn ra một số chuyện trong cuốn sách để giới thiệu với bạn đọc, biết rằng đôi ba chuyện trong đó cũng đã được các vị khác công bố. Chuyện sẽ không chọn ngẫu nhiên, mà chọn theo những ‘motif’ đã phân loại trong hệ thống của Stith Thompson; hệ thống này, chúng tôi đã có dịp giải thích trên internet ở bài Rồng – từ biển Đen tới đất Việt nên ở đây sẽ không nhắc lại. Gần như hết thảy ghi chú của tác giả sẽ được giữ nguyên; thảng hoặc, chúng tôi cũng có ghi chú thêm nếu cần.

1. Chương E ‘The dead’

     Ta bắt đầu với chương E của hệ thống Thompson, vì câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách,  Chuyện hai ông nghè, tình cờ cũng là câu chuyện kể theo motif ‘tái sanh’ trong chương E.

     Chương này có 4 nhóm motif:

E0 – E199 người chết sống lại (resuscitation)

E200 – E599 người chết trở về (ghosts and other revenants)

E600 – E699 người chết tái sanh (reincarnation)

E700 – E799 hồn (the soul)

     Chúng tôi sẽ không kê ra tất cả motif [đã được phân loại] của từng câu chuyện, vì việc đó không phải là chủ đề của bài này; vả chăng, có nhiều motif chưa được ghi nhận và phân loại trong hệ thống Thompson.

     1.1. Người chết sống lại

     1. Cậu Bỉnh

     (Maitre Bỉnh)

     Ở Sa Đéc có một anh khùng khùng điên điên tên là Bỉnh. Ảnh không làm gì ai hết, hễ nhà nào có đám ma thì tới xin đồ tang về bận. Đứa nhỏ nào bị bịnh, ốm o, kêu ảnh tới vỗ trên người mấy cái là nó khỏe như thường. Bỉnh ở đó mấy năm thì ông phủ Phong người Mỏ Cày được bổ tới làm quan phủ Tân Thành, đem theo bà má. Bà này bị bịnh, yếu lắm, uống thuốc chi cũng không khỏi.

     Ngày nọ bịnh trở nặng, bả chết. Nhưng trong bụng bả như còn âm ấm, nên người ta chưa chôn. Qua một đêm, bả sống lại, kể với con trai như vầy.

     ‘Lính của Diêm vương bắt má lôi đi. Được nửa đàng, má thấy một anh chừng mười sáu mười bảy chi đó, ngồi trên ngựa, có một đám đông theo sau. Ảnh kêu tụi lính đang bắt má lại, biểu: ‘Bà này là má của ông phủ chỗ ta đang ở. Thả bả ra đi, đừng bắt bả nữa.’ Rồi ảnh ra lịnh cho tụi kia đem má trở về. Má tính quỳ lạy, nhưng ảnh không cho, nói má về cho con hay: ảnh là con của Diêm vương, đang ở Sa Đéc, tên là Bỉnh đó.’

     Ông phủ cho mời Bỉnh tới, nhưng anh này vẫn điên điên như mọi khi, ông phủ cho tiền và quần áo thì nhứt định không lấy. Ông phủ nói: ‘Cái xác là Bỉnh, mà làm cho nó cục cựa là hồn của thái tử con Diêm vương.’ Ổng cấm mọi người mai mốt không được gọi ảnh là ‘thằng Bỉnh’ mà từ giờ trở đi phải kêu bằng ‘cậu Bỉnh’.

     1.2. Người chết trở về

      2. Vài chuyện ma

      (Histoires de revenants)

     Vợ chồng nhà giàu nọ có đứa con gái cưng. Nó mới mười lăm tuổi, còn trinh nguyên, thì đã chết; nhưng ba má nó không muốn xa nó, nên để hòm nó lại trong nhà chớ chẳng chôn. Suốt ba năm, đốt đèn cầy trước hòm; khi đủ hai khí âm dương, đứa con gái hiện ra trong nhà, thành cái hình mờ mờ.

     Ngày nọ có chiếc ghe buôn tới đậu ở con mương trước nhà. Chủ ghe là một anh bảnh trai, ưa đánh đờn ban đêm. Đứa con gái mê tiếng đờn, xuống ghe nói chuyện với anh kia ba bốn đêm. Đêm nọ nó rủ ảnh tới nhà nó chơi; ảnh đâu biết nhà của con nhỏ này là một cái hòm, nên đi theo, và, sáng hôm sau, ảnh nằm chết trong hòm.

     Ba má con nhỏ thấy cái cảnh đó, sợ muốn té đái, hối hả lo đem hai đứa đi chôn.

***

     Ông quan nọ có hai bà hầu, không con. Khi họ chết, ổng cho chôn một bà trong vườn lê, một bà trong vườn liễu. Khi ổng chết, hai cái vườn bị bỏ hoang, cây cỏ um tùm. Sau có anh học trò đi tìm thầy học, qua đó thấy vườn thì ưng bụng ở lại; ban ngày tới nhà thầy học, ban đêm vô vườn.

     Khi anh học trò chưa tới, trong vườn cây cối rậm rạp thì âm khí đầy tràn, hai cái thây ở trỏng muốn hiện hình cũng chưa được vì thiếu dương khí; song le, ảnh ở đó chừng một năm, có tiếng người, thì âm dương cân bằng và hai cái thây hiện ra thành hai đứa con gái tươi tốt làm bạn với ảnh.

     Khi ảnh thi đậu, họ cùng đi theo về quê của ảnh và nói cho ảnh biết họ là ai; lúc đó hai khí âm dương luôn luôn đầy đủ, nên họ làm vợ chồng và có con với nhau.

     3. Bốn con quỷ quan tài

     (Les quatre âmes en peine)

     Có một anh đi bán trống. Ngang núi, gặp anh kia ngồi dưới bóng cây đa, dừng lại hỏi thăm. Nói tên, anh bán trống là Tam, anh kia là Tứ. Tứ nói cũng đi buôn, nhưng lúc đó đã hết vốn và đang kiếm chỗ ở. Tam kêu Tứ theo mình phụ bán. Hai anh đem trống đi. Một hồi thấy khát, họ kiếm giếng uống nước. Gặp giếng, Tứ biều Tam: ‘Tui cột dây lưng vô người, anh giòng tui xuống uống trước, xong kéo tui lên; rồi tui làm lại cho anh như vậy.’

     Tam chịu, nhưng tới khi ảnh đang uống nước dưới giếng thì Tứ giả đò mắc công chuyện gì đó và kêu ảnh chờ, rồi gom hết trống dông mất. Tam chờ hồi lâu, ráng sức trèo lên, chẳng thấy Tứ mà cũng chẳng thấy trống thì biết mình bị lừa.

     Trời gần tối, ảnh đi nữa, gặp một cái miếu, xin người canh miếu cho vô trọ qua đêm.

Ông này nói:

‘Muốn vô thì vô, nhưng ở đây có bốn kẻ chết mà không chôn nên thành quỷ [a], hễ tới canh ba là kiếm người nuốt. Nên tui khuyên đừng vô.’

     Tam nói:

‘Số chết thì chết, cho tui trốn đâu đó cũng được.’

‘Không có chỗ nào trốn hết; bốn con quỷ ở cái buồng này nè, thôi núp sau cửa buồng là yên nhứt.’

     Canh ba, bốn con quỷ đi đâu về. Chẳng thấy Tam, chúng dừng bên cửa buồng, nói chuyện. Con thứ nhứt nói:

‘Tao thấy trong vườn sau miếu có ai chôn mười hũ bạc phía bên trái và mười hũ vàng phía bên phải. Còn tụi bây thấy gì hôn?’

     Con thứ hai nói:

‘Tao thấy thứ này ghê lắm, ai cầm nó chọi mình là chết cả đám.’

     Ba con kia hỏi:

‘Đó là giống gì?’

‘Một cục ngọc rùa. Ai để ngoài vách buồng kìa.’

     Nghe vậy, Tam phóng ra ngoài, kiếm cục ngọc. Bốn con quỷ rượt theo, tính chụp nuốt ảnh, nhưng ảnh đã lượm được cục ngọc, chọi chết hết bốn con. Sáng, ảnh cám ơn ông canh miếu, rồi đi kêu người về đào đất ngoài vườn thì quả nhiên tìm thấy vàng bạc. Còn Tứ thì bị mấy con quỷ khác dòm thấy, bắt nuốt luôn.

__________
a. Tức là đã bỏ vô hòm mà không chịu chôn, vẫn để trong nhà.

      4. Người chết báo thù

      (Vengeance d’un mort)

     Xưa ở Nam Kỳ có ông quan nhận đồ hối lộ mà không lo chạy việc cho người ta. Ngày nọ, ổng nhận hai chục cây bạc của một tên cướp rồi hắn bị xử tử. Chẳng lâu sau, ổng đổi ra kinh.

     Lúc đó sắp tới kỳ thi. Có anh học trò ở Gia Định tính ra kinh ứng thí mà nhà nghèo không biết sao đi [tạm gọi tên anh này là Tý]. Tý gặp một kẻ kia gợi ý cho ảnh cứ đi, lộ phí để hắn lo. Đúng là sau đó hắn lo đầy đủ cho Tý, có điều khi ăn uống thì hắn chẳng bao giờ đụng vô thứ gì. Tý thấy kỳ, hỏi sao vậy. Hắn mới nói hắn không phải là người mà là ma, ra kinh để trả thù một ông quan đã bỏ mặc cho hắn bị xử tử, tên ổng như vậy như vậy. Tý biểu:

‘Tui không muốn dính vô chuyện thù oán của anh, vì ông quan đó là thầy cũ của tui nghen.’

     Con ma nói:

‘Có sao đâu, ổng làm mày tốt thì mày trả ơn, ổng làm tao xấu thì tao trả oán.’

     Ra tới kinh đô thì buổi thi sắp sửa bắt đầu, Tý đi luôn vô nơi thi. Con ma thì dông tới nhà ông quan, nhập vô thằng con của ổng làm nó nổi điên, xách dao đi đâm chết một người đàn ông, làm vợ chồng quan phải dốc tiền chạy tội. Thằng con vẫn bị ma nhập, đập phá lung tung, chẳng thầy pháp nào trục nổi.

     Tý không làm được bài thi, đi ra. Con ma nói:

‘Tao trả oán ổng rồi, giờ mày trả ơn ổng. Mày tới đó giả đò làm phép, tao xuất ra khỏi thằng con ổng, thì cứu được nó.’

     Tý nghe theo, tới nhà thầy cũ xin trục ma. Ban đầu ổng không chịu vì không tin Tý biết làm, nhưng ảnh hứa là biết làm và rồi ảnh làm được; ông quan trả công cho Tý hai chục cây bạc [a] và ảnh về quê.

___________
a. Chính là số bạc mà ông quan đã nhận của tên cướp. Con ma (tên cướp) hẳn là thấy trả oán như vậy đủ rồi, nên không cần hại ổng hơn nữa. Còn anh học trò thì ta chưa rõ lý do vì sao con ma làm ơn cho ảnh, có lẽ người kể chuyện đã bỏ sót chi tiết nào đó; song le, theo cái nhìn của người bổn xứ, thì anh học trò này xứng đáng được thưởng vì ảnh là người có chí, mà con ma ắt cũng chẳng có lý do nào khác để ‘chơi đẹp’ với ảnh như vậy.

     5. Học trò đã chết trả ơn cho bạn

     (La reconnaissance de l’étudiant mort)

     Có hai anh học trò chơi thân với nhau. Nhà nghèo, thiếu ăn, nhưng cả hai đều chăm chỉ, tới ngày thi, cùng có mặt một lúc. Tội nghiệp, một anh bị chết ngay nơi thi, anh kia buồn bã bỏ thi lo chôn cất bạn mình. Ảnh còn ở lại ba năm để trông coi mả bạn.

     Tới khóa sau, ảnh đi thi. Khi làm bài, mặt ảnh đỏ phừng, tay viết không ngừng, miệng lầm bà lầm bầm, ai cũng thấy kỳ. Về chỗ trọ, ảnh nằm mơ gặp bạn nói:

Anh đã lo chôn cất và chăm sóc cho tôi ba năm liền, tôi không biết lấy chi đền đáp, nên đã nhắc bài cho anh nhớ.’

     Anh này thức dậy, mừng rỡ. Ảnh đậu trạng nguyên. Trên đường vinh quy về làng, ảnh ghé nơi mả bạn, xây một cái am. Sau đó, hay tới am thăm bạn, và bạn cũng tiếp: cả hai nói chuyện với nhau mà chẳng thấy hình nhau. Ai đi ngang đó cũng lấy làm lạ khi nghe tiếng hai người nói chuyện mà thấy có một người. Nhà vua nghe đồn, cho gọi trạng nguyên hỏi duyên cớ. Hiểu ra, nhà vua ban thưởng cho ảnh và phong tước cho người đã chết.

     Người bạn đã chết có một con gái, trạng nguyên có một con trai. Khi trạng nguyên chết, gặp lại bạn ở cõi dưới, họ muốn tác hợp cho hai con nên duyên. Bởi vậy họ về báo mộng, biểu hai con lấy nhau. Hai con nghe lời. Về sau dân làng vẫn nghe tiếng nói chuyện trong cái am kia mà không thấy người nào hết. Ai muốn cầu ước điều chi tới đó xin ắt được như ý.

     6. Người chết trả ơn kẻ chôn mình

     (Le mort reconnaissant a celui qui a gardé son tombeau)

     Ở tỉnh Bắc Ninh có ông thợ nghèo, quan kêu vô Huế làm. Tới Nghệ An, sau khi đi đò qua sông Lách, ổng bị bịnh nặng rồi nằm chết ở chưn núi Giằng. Mối đùn lên thành gò trên xác ổng. Tội nghiệp, ở nhà con cái ổng chẳng biết cha mình đã chết. Hơn mười lăm năm trôi qua, con ổng nay thành người có tiền tài danh vọng, mà chẳng biết cha mất ngày nào đặng cúng giỗ, nên họ buồn không xiết.

     Ở làng Giằng, anh kia tên Khá, cày chỗ đất nơi có cái mả, thấy không ai ngó ngàng, thì động lòng thương, mỗi năm dọn vun mả một lần. Hồn ông thợ nhờ vậy yên nghỉ và biết ơn Khá nhiều lắm.

     Ngày nọ ở Bắc Ninh người nhà ông thợ làm lễ cúng tổ tiên và Khá đang đánh trâu cày đất thì hồn ổng hiện ra hình người phía trước con trâu, nói chuyện với Khá.

‘Sáng nay ông cày sớm vậy.’

‘Tui lên luống trồng khoai.’

‘Còn sớm mà. Nhà tôi đang cúng ông bà; tôi mời ông nghỉ tay, để cày và trâu đó, sang uống chén rượu lạt với tôi.’

‘Xin lỗi ông, để trâu đây nó phá.’

‘Ông sang một lát rồi về. Có ông tôi mừng lắm.’

‘Ông tốt quá, nhưng tui đang bận quần ngắn, sang đó sợ làm khách của ông mất mặt.’

‘Đây tôi cho ông mượn áo và quần dài, mặc vào rồi đi, kẻo họ chờ.’

     Khá bận đồ đi theo. Được một lát, băng qua cái mương, thêm một lát, nhảy qua tảng đá, chừng dập bã trầu thì tới nơi. Ở đó Khá thấy nhiều người bận đồ lịch sự, ngồi thành hai hàng, nhìn ai cũng chẳng quen. Họ nói giọng lạ hoắc. Ảnh e dè, nhưng tới đây rồi thì ăn thôi. Đồ ăn ngon, Khá uống nhiều và bắt đầu thấm rượu.

     Tiệc xong, ông kia tới gần, nói:

Thôi mình về, trễ rồi.’

‘Gần nhà mà, tui còn nhớ đường, ông về trước, tui theo liền.’

‘ Nếu ông còn ở thì cho lại tôi cái áo để mặc.’

     Khá cởi áo, rồi nằm ngủ một lát. Người nhà thấy ảnh ngủ trên ván, mà chẳng biết ai. Họ gọi dậy.

     Ảnh đã giã rượu, thấy một đám người nói giọng lạ hoắc, thì lo, nhớ lại sáng sớm nay có ai mời ảnh đi ăn cúng và không hiểu sao giờ mình nằm đây. Ảnh hỏi đây là đâu, họ nói đây là một cái làng ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, rồi họ hỏi:

‘Anh người ở đâu, ai mời anh tới đây?’

     Khá thiệt thà kể lại:

‘Tui người kẻ Giằng ở Nghệ An. Sáng sớm nay, đang cày ở chưn núi Giằng thì có người lạ hiện ra phía trước con trâu, mời tui tới nhà ổng ăn cúng. Tui nói phải cày sớm đặng trồng khoai, mà cũng không có đồ mặc, thì ổng cho mượn đồ rồi hối tui đi cho lẹ. Dọc đường ổng nói: ‘Hồi xưa tôi nghèo lắm, tha hương cầu thực, rồi nằm lại nơi ông đang cày đây, nhưng con cái tôi vẫn ở đằng đó.’ Tui nghe rồi nghĩ lung, chẳng biết làm sao; ai dè ổng dắt tui đi cả chặng dài năm sáu ngày đường trong chớp mắt như vầy.’

     Nghe tới đó, người nhà mừng rỡ, nói:

‘Rõ ràng là cha của chúng tôi rồi, cả chục năm trước lên đường đi Huế rồi từ đó mất tích luôn. Chúng tôi không biết cha nằm đâu, hay là có ai chôn chưa. Nay đã biết nơi cha nằm, chúng tôi mang ơn ông không xiết.’ Rồi họ đem nhiều quà biếu Khá và dẫn ảnh đi bộ sáu ngày đường trở về, ở nhà vợ con ảnh tưởng đâu ảnh chết rồi chớ.

     7. Xuống âm phủ

     (Descente aux enfers)

     Ở tỉnh Nam Định có hai vợ chồng nhà giàu, chồng là Trần văn Hải còn vợ là Huỳnh thị Du. Đứa con gái tên Xuân, có sáu ngón nơi bàn tay trái. Lên mười ba tuổi, nó xinh lắm, nhưng bị bịnh đậu mùa mà chết, tội nghiệp. Ba má nó buồn không xiết.

     Ngày nọ họ nghe nói ở tỉnh Quảng Yên có một cái chợ kêu bằng Mạnh Ma [a], mỗi năm nhóm một lần ngày mồng một tháng sáu, suốt ba ngày ba đêm. Chợ này có cái lạ là người dương gian và người âm phủ đều tới đây mua bán [b]; bởi vậy họ tính tới đó bán đồ coi thử. Hồi con gái còn sống, họ có đặt làm cho nó một cái quả nhỏ bằng bạc mà sau khi nó chết vẫn giữ lại để nhớ. Họ đem quả theo, tới chợ Mạnh Ma thì bày ra với cái khay trầu. Bữa đó, bà mẹ đang ngồi coi đồ, có một cô tới trước mặt dừng lại. Bả lanh lẹ lấy trầu trong khay mời cổ ăn. Cổ hỏi bả ở đâu tới.

‘Chúng tôi tới đây mong gặp lại đứa con gái tên Xuân đã chết hơn hai chục năm nay.’

‘Cái quả này bác mua ở đâu, bao nhiêu tiền?’

‘Tôi đặt làm cho con gái, nhưng nó đã chết hồi mười ba tuổi.’

     Cô kia nhận ra cha mẹ mình, ba người ôm nhau khóc mùi mẫn. Bà mẹ giữ rịt con gái, không cho đi. Cô con rủ cha mẹ theo mình xuống âm phủ coi chơi cho biết. Họ đi. Cô này đã có chồng là một anh lính gác dưới âm phủ. Thấy vợ dắt cha mẹ tới nhà, ảnh hỏi:

‘Mấy người trần này làm gì ở đây?’

‘Cha mẹ tôi đó. Tôi đưa tới thăm nhà mình, vì thương cha mẹ đẻ ra một đứa con là tôi thì lại mất đi, có bao nhiêu tiền cũng chẳng bù được.’

‘Người trần không được ở đây, tôi cho cha mẹ ở ba ngày thôi; để tôi dắt đi coi những nơi xử người có tội.’ [c]

     Mới vô tới nơi thứ nhứt, hai vợ chồng kia đã thấy tên của họ ghi đó. Cái tội của họ là cho vay lấy lời góp cao hơn vốn tới năm sáu lần [d], ai không trả nổi thì bị họ nhốt bỏ đói, để người ta phải bán nhà hoặc cầm con mà có tiền trả. Thấy tên mình trên bảng, hai vợ chồng khiếp sợ, hỏi con rể khi họ về nhà thì phải làm gì cho bớt tội. Anh này nói họ phải lấy số tiền mà họ đã thu đó, đem cúng dường cho chùa và bố thí cho người nghèo, chừng nào hết thì được xóa tội.

     Hai vợ chồng trở về nhà làm y theo lời con rể. Sau khi quyên sạch tiền cho việc tốt, họ quay ra chợ Mạnh Ma mong gặp lại con gái để theo nó xuống âm phủ coi mình hết tội chưa. Họ gặp con gái, nói chuyện với nó mới biết tội của họ đã xóa và họ chẳng cần xuống âm phủ lần nữa làm gì cho mất công.

___________
a. Đây là chợ ‘trời sanh’, ý nói những cái chợ nhóm ngoài trời, chớ không phải chợ trong nhà lồng do người nào đó bỏ tiền ra xây, thí dụ chợ Thủ Đức [ở tỉnh Gia Định trước 1975] được cho là do ông Tạ Dương Minh xây hồi nửa cuối thế kỷ 19 và gọi theo tên hiệu của ổng.

      b. Ở chợ này, người âm phủ xài tiền hàng mã [đã đốt] nhưng tiền đó trong tay họ thì nhìn giống hệt tiền thiệt; muốn biêt phải thử: tiền âm phủ bỏ trong nước thì nổi còn tiền khác thì chìm.

      c. Đây là địa ngục trong Phật giáo (naraka theo tiếng Hindi). Có 34 cái ngục lớn, chưa kể nhiều ngục nhỏ nối với cái thứ nhứt.

      d. Theo lệ, lời góp không được nhiều hơn vốn; đây là cái tội chịu hình phạt nặng nhứt. Dù vậy, người bổn xứ (An Nam) vẫn không ngán mà cho vay ăn lời tới 36–300% tùy số vay nhiều ít.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 09/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam(trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)” do tác giả viết (ngày 9/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TSSử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):

1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)

2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)

3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)

4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)

6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)

7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)

8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)

11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)

12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)

13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)

14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)

15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)