Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)

Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO*

2. Chương F ‘Marvels’

Chương này có 7 nhóm motif:

F0-F199chuyến đi sang cõi khácotherworld journeys
F200-F399tiênfairies and elves
F400-F499tinhspirits and demons
F500-F599người dị thườngremarkable persons
F600-F699người có sức dị thườngpersons with extraordinary powers
F700-F899nơi/vật dị thườngextraordinary places and things
F900-F1099việc dị thườngextraordinary occurrences

     Tinh ma, nói chung, trong tiếng Việt còn gọi là nam, gốc có lẽ ở *[k]n2am trong Proto-Mon-Khmer.

     2.1. Tiên

     19. Tiên giả người  (Un génie déguisé en homme)

     Ở làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tịnh, có một ông già chẳng ai biết từ đâu tới, dựng chòi gần chợ, mặt mày dị hợm, bộ dạng y như người điên. Chẳng ai thấy ổng ăn uống bao giờ. Ổng bán những viên thuốc hiệu nghiệm như thần, ai mắc bịnh chi không biết cứ mua uống một lần là dứt, mỗi lần ổng lấy một tiền thôi. [Bởi vậy người nghèo mua đông lắm nhưng] người giàu sang thì khi dể ông già, chẳng bao giờ chịu mua giúp cho ổng vài viên thuốc làm phước.

     Mỗi lần bán được số tiền kha khá, ông già mua một tấm vải khoác lên người, còn dư bao nhiêu đồng [a] thì xỏ xâu cột quanh hông, chạy vòng vòng bốn góc chợ kêu đám con nít ví theo để giựt, vui lắm.

     Như vậy được ba năm. Bữa kia, ông già xuống suối tắm, dưới nước bước lên thì biến ra một ông cụ da dẻ hồng hào râu tóc bạc phơ. Ổng leo lên một cây cao gần chợ, la lên rằng:

     ‘Mấy người điên kia ơi! Trời sai ta xuống ở đây ba năm để trị bịnh cho mấy người, nhưng mấy người ỷ tiền chê ta nghèo nàn xấu xí [mà không thèm uống thuốc của ta]. Bởi vậy, từ rày, mấy người sẽ chết không còn một mống. Trưa nay, đúng ngọ, mấy người chống mắt coi ta về trời.’

     Mà đúng thiệt, tới giờ ngọ, một cơn giông nổi lên, có cả sấm chớp, rồi ông tiên biến vô mây mất tiêu.

__________
a. Tiền đồng hình tròn có lỗ vuông, mỗi đời vua đúc một kiểu, thí dụ đời vua Khải Định thì có tiền ‘Khải Định thông bửu’.

x
x x

     2.1. Tinh

     20. Chuyện bà thái hậu trào Tống  (Histoire d’une impératrice de la dynastie Tong)

     Dưới trào Trần [a] ở cửa Quèn, tỉnh Nghệ An, có một người ngư phủ già. Năm đó, ngày mồng một tháng sáu, ổng ra vàm tính câu cá, thì thấy một thân cây bạch đàng [b] mắc cạn trên bãi, dài sáu chục thước, ngang ba thước [c]. Ổng ngồi lên cây, đặt mồi câu trên đó, lấy dao chặt. Thì, lạ thay, thấy máu trong cây ứa ra từng dòng, bốc mùi thơm phức. Ổng vụt chạy về làng cho hương hào biết, họ liền đem trầu cau, rượu và nhang ra cúng. Họ nhờ đồng hỏi [thần trong cái cây là ai] thì nghe nói như vầy:

     ‘Tôi là thái hậu của trào Tống [d], mất nước về tay giặc Nguyên, không còn chốn dung thân. Nên tôi và ba con gái đành nhảy xuống biển. Trời thương, cho chúng tôi biến ra cây bạch đàng này, trôi tới nước Nam để ở lại đây. Bây giờ dân làng lấy cây này tạc cho chúng tôi bốn bức tượng, kỳ dư thì làm đồ thờ. Chúng tôi sẽ phù hộ cho làng.’

     Hương cả nói:

     ‘Nếu là thần, xin dời cây về làng, chúng tôi sẽ tin và dựng đền thờ.’

     Tức thì họ thấy cây bạch đàng trên bãi tự nó đi về tới làng qua chặng đường dài chừng một trăm cột dây thép [e].

     Dân làng thấy hiển linh, cùng nhau quyên góp cất đền. Mười ngày sau, một cơn bão nổi lên, bão ngưng thì một đống cột kèo không biết từ đâu trôi xuống bãi Quèn. Nhờ vậy dân làng cất một cái đền ở giữa và hai mươi tư cái tháp mỗi bên [f]. Từ đó họ bắt đầu thờ bốn vị tinh nương, ai tới cầu chi cũng được đáp ứng.

     Khi vua Gia Long ra Hà Nội nhận sắc phong [g], có đi ngang trước đền, vô thăm. Nghe nói đền thờ thái hậu trào Tống, nhà vua nói:

     ‘Nếu là thái hậu, xin cho ta bằng chứng.’

     Thần liền nhập vô đồng, nói:

     ‘Ngài muốn bằng chứng chi?’

     Nhà vua đưa ra ba cây lụa thêu chỉ vàng [brocade], truyền lịnh may một bộ đồ trong một khắc đồng hồ. Vừa nói xong, một tiếng sấm nổ ra, một cô bận đồ xanh từ trên trời bước xuống vô đền nhận ba cây lụa rồi biến vô mây. Hồi sau, nghe một tiếng sấm nữa, một cậu bận đồ đỏ đem xuống một bộ đồ làm bằng ba cây lụa rồi biến mất. Nhà vua e dè, bảo các quan: ‘Mấy vị này thiệt là linh.’

     Ngài ban tước và phong cho bốn vị làm thượng đẳng thần, truyền quan tỉnh mỗi năm làm lễ cúng hai lần; mỗi lần được cấp ba ngàn quan cả thảy. Người An Nam với người Tàu đều thờ đền này, cúng dường hậu hĩnh. Có lần bọn Tàu Ô cả gan vô đền ăn cướp nữa chớ, nhưng chúng mới đưa súng lên ngắm thì hộc máu chết tươi; nên về sau hết dám. [h]

___________
a. 1225–1414.

b. Bạch đàng/đường (Santalum spp), còn gọi bằng những tên khác thí dụ ‘chiên đàn’, là một thứ gỗ quý dùng để tạc tượng, làm nhang. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870), nhà thơ nổi tiếng ở trào Nguyễn, có bài thơ này:

Tuyệt hảo chiên đàn thụ

Phồn hương quýnh bất quần

Hận cừ thiên tính biệt

Chỉ tại nghịch phong văn

c. Một thước ta dài 40 cm.

d. Đây nói trào Nam Tống bên Tàu (1127–1278), bị Kublai Khan của đế quốc Mongol (1206–1294) dẹp bỏ để lập ra trào Nguyên (1260–1295). Vị vua chót của trào Tống là Đế Bính khi chết mới có 8 tuổi.

e. ‘Cột dây thép’ ý nói cột dây điện để gởi điện tín thời đó (poteaux télégraphiques); khoảng cách giữa hai cột có lẽ chừng 20 m, như vậy 4 con tinh đã dời thân cây bạch đàng qua quãng đường chừng 2 km.

f. Có lẽ là nói tới đền thần cửa Cờn, ở địa phận xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, thờ thái hậu họ Dương cùng ba công chúa của trào Tống, theo Đại Nam nhất thống chí, quyển 5.

g. Năm 1803.

h. Landes còn ghi lại một ‘version’ nữa của chuyện này; ở đây bỏ qua.

x
x x

     21. Quan Đế hộ mạng  (Protection de Quan Đế)

     Ở tình Hà Nội, phủ Kiến Xương, có cô kia mồ côi cha mẹ, làm thợ may. Ngày nọ đi chợ, cô thấy người ta bán tranh vẽ hình Quan Đế [a]. Còn nhỏ tuổi nên cô đâu biết ông đó là ai, nhưng chẳng biết vì sao trong lòng cảm thấy kính phục, vậy là cô mua một tấm tranh vẽ hình ông đó đem về nhà để thờ, ngày ngày cúng cơm, thỉnh thoảng có đồ ăn ngon cũng không quên dâng cúng.

     Hôm đó, cô sang làng Nhơn Lý, huyện Thanh Trà, tỉnh Hải Dương. Làng này có đền thờ một con tinh heo [b], hễ tới ngày cuối năm thì họ đi tìm một người con gái đưa vô đền, khóa lại, để cúng cho tinh. Nửa đêm, tinh hiện ra [hưởng đồ cúng], và nạn nhơn mất mạng. Tình cờ, cô thợ may sang làng này một buổi cuối năm.  Hương hào nói cô vô đình để họ giao việc làm, rồi tới đêm thì bỏ mặc cô ở đó.

     Cô lấy tấm tranh Quan Đế ra treo lên vách, cúng rượu và đôi đũa bằng gỗ thơm. Nửa đêm con tinh heo hiện ra, sấn tới chỗ cô đang nằm, thì cái hình người cầm thương [c] trong tấm tranh cũng nhảy ra, chém con tinh làm ba khúc, máu chảy thành vũng. Rồi ông Quan Đế hiện ra nói với cô: ‘Vì con có lòng thờ ta, nên ta cứu mạng con đó.’ Nói xong biến mất.

     Sáng sau dân làng tưởng cô đã chết nên khiêng hòm tới tính chôn. Ai dè họ thấy máu lênh láng trong đền và cô còn sống. Nghe cô kể lại chuyện đêm qua, họ cho rằng chính Quan Đế đã cứu mạng cho cô. Dân làng bèn phá bỏ đền thờ tinh heo và dựng đền thờ Quan Đế ngay nơi đó.

___________
a. Quan Vũ người trào Hán bên Tàu, đánh giặc ‘khăn vàng’ [184–205], bị Tôn Quyền [182–252], người lập nước Ngô, bắt xử chém; được phong thánh đầu thế kỷ 12 và phong đế năm 1594, từ đó, được thờ như thần đánh trận.

b. Người An Nam tin rằng heo rừng sống lâu khi chết sẽ thành tinh ác, và heo nhà sống lâu thì mọc nanh dài rồi cũng thành tinh ác. Người ta ít nuôi heo nái đã đẻ hai ba lứa, sợ về sau nó sẽ đẻ ra tinh. Tôi từng thấy ở nhà kia có một con heo đẻ ra với cái đầu khỉ, mà lối xóm ai cũng cho là điềm xấu lắm. Gái còn trẻ thì kiêng nuôi heo nọc [không thiến], sợ sau này họ cũng đẻ con cả lứa như heo nái, mà sanh ba hay sanh bốn, với người ta, thì là điều không hay.

c. Hình người cầm thương trong tranh Quan Đế tên là Châu Thương, vốn là cừ khôi của bọn ‘khăn vàng’, rồi theo Quan Công làm tùy tòng, và chết sau khi chủ tướng của mình bị Tôn Quyền xử tử.

x
x x

     22. Người câu cá ở Ao Trời  (Le pêcheur de l’étang céleste)

     Ở tỉnh Quảng Bình có một cái ao kêu bằng Ao Trời [a]. Đi cả ngày mới giáp vòng. Ao sâu lắm, chẳng biết mấy trăm sải.

     Ở làng Đông Hải có ông kia, số nghèo, làm nghề câu cá. Ổng hay câu ngoài biển, nhưng bữa nọ tính câu trong ao cho biết. Ổng tới đó từ sớm, câu một hồi chẳng được gì, vô bụi rậm ngồi nghỉ. Liếc ra phía ao, ổng thấy hai người phốp pháp ở dưới nước trồi lên, đội khăn, bận áo đỏ, tay hươi đao. Ổng hết hồn, nằm mọp trong bụi, làm thinh. Một hồi, hai người đó hụp xuống nước, thì thấy mười người nữa trồi lên, bận đồ đủ màu, tay cũng hươi đao, đi một vòng quanh ao, và trở xuống nước.

     Rồi ông thợ câu, lúc đó sợ xanh mặt, thấy ba chục cái ghe vẽ hình rồng từ dưới nước nổi lên, cùng một cái ghe nữa bằng vàng, che lọng, cắm cờ, đứng trên đó là ba người chủ soái, bận đồ đỏ, tay cầm loa, ra lịnh cho những ghe kia. Vừa hát vừa chèo, họ tới bờ ao, đánh trống, phất cờ, khiêng ba cái kiệu lên. Ông thợ câu, núp trong bụi, không thấy rõ họ làm chuyện gì nên chui ra ngoài, thì đám chủ soái trên cái ghe bằng vàng ngó thấy ổng và kêu lính tới bắt. Họ hỏi: ‘Ông tới đây hồi nào?’ Ổng nói:

     ‘Tui là thợ câu, xưa rày câu ngoài biển, chẳng hiểu ai xui khiến bữa nay tới đây; suốt buổi sáng chẳng câu được gì, rồi vô bụi đụt nắng. Tui thấy hai lần có mấy người phốp pháp mặt mày dị hợm ở dưới ao trồi lên, mà họ chẳng thấy tui. Tui sợ lắm, đâu dám ra mặt, nhưng thấy cảnh này lạ kỳ, nên mới chun ra coi cho biết. Mấy ngài làm ơn tha tội.’

     Một người chủ soái nói:

     ‘Thôi được, tui cho ông về, nhưng ông phải há miệng nuốt lưỡi gươm này có hai đầu nhọn. Ông sẽ sống tới một trăm tuổi, nhưng đừng kể ai biết ông thấy chuyện gì ở đây. Nếu ông kể, lưỡi gươm sẽ đâm lủng mình ông lòi ra ngoài, và ông chết liền. Tui cũng cho ông một cái nồi đồng, mỗi ngày ba lần đổ nước vô là cơm tự có cho ông ăn, khỏi đi câu làm chi nữa cho mệt.’

     Nói xong, người này ra lịnh chặt đầu đám lính canh vì tội lơ là.

     Ông thợ câu về nhà. Từ đó, nhờ cái nồi, cả nhà ổng có cơm ăn hàng ngày. Ổng sống vậy tới chín mươi chín tuổi, chẳng dám kể ai biết mình đã gặp chuyện gì.

     Ngày nọ, khi làm lễ cúng ông bà, có mặt cả nhà, ổng chợt nghĩ rằng, mình nay sống hơn chín chục tuổi là dai lắm rồi, chẳng lo điều chi, con cháu đầy đàn, thì còn mong sống lâu hơn nữa để làm gì. Cứ kể cho con cháu nghe, lỡ chết vì lưỡi gươm thì thôi. Vậy là ổng kể hết những điều trông thấy, kể xong chết ngắt. Từ đó, người ta coi Ao Trời là một nơi thiêng và kiêng chẳng dám tới đó câu cá.

___________
a. ‘Ao Trời’ ý nói cái ao do Trời đào, nên rộng và sâu lắm. (Chuyện này dường như chẳng có liên quan gì tới một vùng đất ngập kêu bằng ‘Bàu Tró’ ở tỉnh Quảng Bình.)

x
x x

     23. Chuyện một con tinh  (Mauvais genie)

     Ở làng Mỹ Dương, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có một con tinh kêu bằng Thằng Bợ [a], hay đi kiếm gái làm hại. Nhiều cô bị điên vì hắn. Có nhà kêu thầy pháp tới trị bịnh cho con gái [b], thì nghe tiếng nói sau nhà đưa lên: ‘Dọn đồ rồi dông cho lẹ nghen, không thôi tui đập bể hết chiêng trống à.’ Thầy pháp chậm chưn sẽ thấy chiêng trống bể từng miểng, nên chẳng còn ai dám động tới Bợ.

     Một ông hương hào có con gái, bữa đó nghe Bợ nói: ‘Gả con gái ông cho tui đi, ông muốn bao nhiêu tui cũng có; nhược bằng ông gả nó cho kẻ khác, thì không xong đâu.’ Đứa con gái dần dần ốm o xanh mét, ai tới hỏi làm vợ cũng bị từ chối. Mỗi tháng Bợ đem cho vợ ba chục quan; dân làng cúng chi cũng phải chừa hắn một phần. Nếu không, hắn sẽ bỏ đồ dơ dáy vô mâm cúng làm chẳng ai dám rớ.

     Ở làng Cương Gián ven biển, người ta may lưới. Bợ phá họ đủ cách, làm họ trào gan. Họ bày mưu, lấy hai tấm ván bự kê thành cái bàn làm như bàn thờ, đặt đồ cúng lên, cho bốn người đứng bốn góc xung quanh giăng một cái lưới thiệt chắc, tay cầm gậy. Rồi giả đò cúng lễ đó cho Bợ, khấn rằng nếu hắn chịu nhận thì hiện hình khua mâm chén cho kêu. Bợ tưởng thiệt, khua mâm chén leng keng. Tức thì bốn người chụp lưới xuống, đập túi bụi vô đó cho Bợ chết. Ai dè khi họ đang bặm môi đập thì Bợ bứt lưới rách một lỗ chun ra. Ra ngoài, hắn cự nự: ‘Tui làm gì mấy ông đòi giết tui?’ Qua tháng tư, trời khô rang, khi gió lên, Bợ đốt làng cháy từ đầu này tới đầu nọ.

___________
a. Người kể chuyện có ý ghét con tinh nên mới kêu là ‘thằng’. Dù vậy, ta không chắc dân làng Mỹ Dương và Cương Gián dám gọi con tinh này là ‘thằng’ mà không sợ hắn trả thù.

b. Đây là bịnh ‘mắc đàng dưới’, đã giải thích ở phần 1 bài này; ngoài ra xin coi thêm hai chuyện tiếp theo.

x
x x

     24. Chuyện con nam dưới nước  (Histoire d’un génie des eaux)

     Làng kia ở Nghệ An có ông Lê văn Phước với cô vợ đẹp tên là Thị Hơn, nhà kế bờ sông. Đêm nọ, chồng đi vắng, vợ ở nhà với em gái, thì con nam tới nhà gõ cửa làm như chồng về. Cô vợ mở cửa, nó giả giọng ông chồng, không cho cổ đốt đèn, nói muốn ngủ liền với cổ.

     Lúc đó có thằng ăn trộm núp ngoài hiên, gặp tấm da rắn của con nam bỏ đó, lượm về nhà coi. Thấy có đủ màu xanh vàng đỏ, y cất đi. Con nam ra về, không thấy tấm da đâu, đành trở vô nhà. Thị Hơn đốt đèn, thấy không phải chồng mình mà là một con nam, hai chị em la bài hải. Con nam bò núp trong góc. Hàng xóm ùa tới, bắt được, hỏi gì nó cũng gục đầu làm thinh. Họ đành bỏ nó vô cáng, khiêng lên quan. Giữa đường, có hai con rắn mào đỏ dưới sông bò lên chặn lại, nhào vô mổ mọi người. Dân làng khiêng con nam trở lui. Có ông cụ chín chục tuổi biết đó là con nam, biểu dân làng thả ra, nhưng rồi họ thấy nó vẫn lảng vảng trong làng.

     Thằng ăn trộm thấy con nam, đoán rằng tấm da mà y đang giữ là của nó. Y nói nó muốn chuộc phải trả y hai thỏi vàng. Con nam kêu hai con rắn kia lên nói gì đó, chúng bò xuống sông, hồi sau đem lên hai thỏi vàng. Nhận lại tấm da, con nam khoác lên mình, biến xuống sông.

     Về sau, Thị Hơn đẻ ra một đứa con trai mình người đầu rắn, cao tới hai thước thì không lớn nữa. Mỗi tháng con nam tới nhà đó một lần, đem theo bạc [đưa vợ nuôi con].

x
x x

     25. Lấy kẻ đàng dưới  (Mariages entre les enfers et la terre)

     Gần sông Danh [Gianh] có nhà bà kia ở với cô con bảnh gái. Đêm nọ lối canh ba, họ nghe tiếng gõ cửa và giọng đàn ông kêu mở cửa gấp. Cho là người quen, họ đốt đèn mở cửa, thì thấy một anh bảnh trai chừng hai chục tuổi đi với một tên mặt mũi dị hợm [dường như là đầy tớ của anh kia]. Hai má con hết hồn, trốn vô trong nhà. Tên đầy tớ nói họ đừng sợ, kêu ra nói chuyện. Bà má nói cô con cứ núp, để bả ra, có gì thì bả cũng già rồi.

     Anh kia nói bả cho ảnh lấy con gái làm vợ, bả muốn gì ảnh cũng có, nhưng không đem sẵn tiền, nên ảnh gởi trước cho bả một cục đá chiếu sáng để ban đêm khỏi phải đốt đèn. Bà già nói nhà còn hai má con mà thôi, vả chăng thói ăn ở dưới nước khác trên cạn. Anh kia nói ảnh vẫn để vợ ở đây, mỗi tháng tới một lần thôi. Nếu cổ ưng thì muốn gì ảnh cũng cho, còn nếu không thì ảnh cũng bắt.

     Tới đây trời sáng, hai kẻ nọ lượm hai tấm da rắn để bên giường, khoác vô, đi xuống sông.

     Hai má con lo sợ, tìm ông bà ngoại kể chuyện, hỏi phải làm sao, nhưng ai cũng chẳng biết làm sao và nói thôi đành chịu vậy. Một tháng trôi qua, họ tưởng đâu êm, thì đêm nọ có ba kẻ từ dưới sông lên, đem theo ba khay đựng vàng, bạc, châu, để làm sính lễ. Họ đi thẳng vô nhà, ở lại một lúc, rồi về sông. Từ đó, anh kia mỗi tháng tới thăm cô nọ một lần, trong năm sáu năm, rồi thôi, và cô nọ đi lấy chồng.

Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp

Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B) 

Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 24/11/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

__________
ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)” do tác giả viết (ngày 24/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.

 

     Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):

1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)

2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)

3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)

4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)

5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)

6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)

7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)

8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)

9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)

10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)

11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)

12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)

13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)

14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)

15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)