Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO*
26. Thủy phủ cần gỗ chò (Bois de charpente pour les enfers)
Ở núi Hoành Sơn, tỉnh Quảng Bình, có một thứ cây quý kêu bằng chò trắng [a]. Đám con thủy tề năm nào cũng nổi bão để đem cây đó xuống dưới [cất nhà].
Lần nọ, bọn họ đã gom được ba cây, thả theo dòng sông Danh tấp vô bãi gần bến đò, bỏ đó bốn năm ngày. Gần bến có chừng bốn chục căn nhà, người chèo đò cũng ở đó. Tối nọ, năm kẻ dưới sông đi lên. Họ bận đồ đen, đầu bịt khăn, tay hươi đao. Họ gọi anh chèo đò, ảnh ra cửa chống liếp lên [b]. Họ vô nhà nói:
‘Nhà anh có heo phải không? Làm thịt đi, bọn ta trả tiền.’
Anh này mổ heo dọn cho năm kẻ đó nhậu với rượu. Bọn họ ăn thịt heo sống. Rồi họ biểu ảnh ra mé sông nhận tiền và đưa cho một trăm quan. Ảnh tính về thì họ biểu leo lên cây, và nói trong vòng một tiếng đồng hồ họ sẽ nổi bão cho nước sông trào lên để đem ba cây chò xuống thủy phủ, dưới đó đang cần kíp.
Họ đi rồi, anh chèo đò liền leo lên một cây cao, lát sau sấm ì ầm, gió vụt vụt, mưa như trút, làm ngập xóm nhà ven sông. Một tiếng đồng hồ sau, trời quang, mưa tạnh, nước rút, anh chèo đò trên cây leo xuống, thấy ba cây chò mất tiêu. Té ra hồi nãy ảnh mần việc với đám lính của thủy tề lên đây lấy gỗ mà đâu có hay.
__________
a. Có lẽ là cây chò chỉ Parashorea chinensis (họ Dipterocarpaceae) mọc hoang từ Quảng Bình trở ra miền bắc.[i]
Ở vài nơi, người ta kiêng lấy gỗ chò để cất nhà, mà lấy để đóng hòm hay đóng ghe thuyền [ý nói gỗ này dành riêng cho người cõi âm]. Étienne François Aymonier (1844–1929), học giả người Pháp, cho biết cây chò người Lào cũng dùng như vậy. Ngoài ra, cây sao đen Hopea odorata (họ Dipterocarpaceae) cũng có kiêng kỵ như cây chò chỉ.
b. Liếp là tấm đan bằng tre để che cửa bằng cách treo một đầu bên trên, muốn mở thì giở đầu bên dưới rồi lấy sào tre tựa đất chống lên. [Người Việt thì quen chớ người Tây thì thấy lạ!].
[i] https://vnnew.vncreatures.net/sinh-vat-rung/3153.
27. Gà trống thành tinh (Un vieux coq devient un esprit malfaisant)
Ông kia nhà giàu nuôi mấy trăm con gà trong vườn, chuột chồn diều quạ có bắt mất cả chục con ổng cũng chẳng hay. Vườn rộng thinh, rào hai ba chục lớp cây tre, dày hai trượng [a]. Có con gà trống chui vô kiếm thóc rơi, bị kẹt cứng trong hàng rào, hết đường nhúc nhích. Hơn hai chục năm nó nằm đó, chịu đựng mưa nắng, hút tinh hoa của nhựt nguyệt để cầm hơi, nhưng nhờ vậy nó thành tinh, biết biến ra hình người, trai gái đều được, hàng ngày vô nhà phá phách.
Chủ nhà thấy con cái đứa thì ốm o, đứa thì khùng khùng điên điên, của cải thì hao hụt, mà không biết vì sao, nên kêu thầy tới cứu. Thầy pháp tới ếm, bị con tinh đè ná thở bỏ chạy, mất cả chiêng lẫn mõ. Thầy chùa tới tụng kinh Kim Cang [b], bị con tinh mổ một nhát làm u cái đầu trọc. Mấy thầy nữa cũng chẳng khá hơn, chủ nhà hết biết nhờ ai, đành cho con cái dọn đi nơi khác.
Có anh học trò lang thang kiếm việc làm, tình cờ tới nhà đó. Vô xin nước uống, ảnh thấy chủ nhà ngồi chẻn ngoẻn, tay ôm gối, thì hỏi sao nhà bự như vầy mà ở có một mình, ổng than: ‘Số tui tận rồi cậu ơi.’ Anh kia nói: ‘Chú gặp nạn gì, nếu cần, tui sẽ ráng giúp chú.’
Chủ nhà kể chuyện bao nhiêu thầy pháp, thầy chùa đều bị con tinh đánh gần chết, rồi nói bởi vậy ổng chẳng dám liều cho một người học trò khỏng khảnh như anh này đứng ra giúp [c], sợ nộp cho con tinh một nạn nhơn nữa mà thôi. Anh này nói:
‘Thôi được, chú đem hết tiền bạc đồ đạc dọn đi luôn, để tui coi nhà. Chú cho tui chút gạo nấu cơm, với một đĩa đầy dầu để đốt đèn, là đủ. Trong năm ngày, tui sẽ biết con tinh là ai, rồi mình kiếm kế trừ nó.’
Sau đó ảnh trải chiếu ngồi giữa nhà, lật kinh Diệc [d] coi sáu mươi tư quẻ [e], đêm năm canh, ngày sáu khắc, không nghỉ. Đêm thứ ba, con tinh hiện ra. Nó thổi tắt đèn, ảnh đốt đèn, lặng lẽ coi sách. Con tinh thò một bàn tay trên mái nhà xuống che đèn, ảnh tỉnh queo. Con tinh biến ra hình rắn vặn vẹo trước chiếu, ảnh ngó lơ. Đêm kế, con tinh biến ra người con gái ngã ngớn, ảnh thây kệ. Con tinh đưa bàn tay che cuốn sách, chỗ ảnh đang đọc, nhưng không giựt sách; ảnh chụp bàn tay nó, nói: ‘Mày ở đâu tới đây làm dơ kinh sách của thánh hiền? Nếu mày bị ai đó ức hiếp hay tước đoạt cái chi, thì nói đi, tao sẽ kiếm họ đòi lại cho. Chớ đừng hành hạ con cái và phá hoại nhà cửa người khác. Làm vậy mắc tội với trời đất, không sao rửa sạch.’
Con tinh nói: ‘Anh ơi, tui là con gà trống, vô vườn kiếm ăn, bị kẹt trong hàng rào tre hơn hai chục năm trời, chịu đựng mưa nắng gió sương, nhờ hút tinh hoa của nhựt nguyệt để cầm hơi mà biết biến hình. Tui vô gặp chủ nhà để nói ổng gỡ tui ra, nhưng thấy ổng ác đức với người ở, nên tui nổi hung phá cho ổng chừa vậy thôi. Nếu anh gỡ tui ra, thì tui còn phá chi nữa.’
‘Mày bị kẹt chỗ nào trong hàng rào, sáng mai tao gỡ cho.’
‘Từ đây anh ra là phía bên trái, sau sáu bảy lớp rào là chỗ tui nằm.’ Con tinh vừa nói vừa dắt ảnh ra cửa cái, rồi biểu ảnh bỏ tay nó ra để nó chỉ đường, nhưng ảnh mới thả lỏng ngón tay thì con tinh biến mất, ảnh nghe một tiếng ‘rẹt’ như thứ gì xiên qua bụi tre.
Anh học trò đi kiếm chủ nhà kể lại mọi chuyện mình gặp. Khi chặt tre cho thưa bớt chỗ kia, thì thấy một con gà trống hình thù kỳ dị, tót ở giữa mà nở hai đầu. Ảnh châm lửa đốt xương nó ra tro, cho nó tái sanh, thoát nạn. Ngôi nhà yên ổn trù phú trở lại như trước. Đó là nhờ cái đạo của thánh hiền đã chế ngự tinh ma không cho chúng tác oai tác quái. Chủ nhà đền ơn anh học trò. Ảnh nói: ‘Chẳng qua là cái đạo của thánh hiền mà thôi chú ơi.’
__________
a. Mỗi trượng là 10 thước ta, tức là 4 thước tây.
b. Kim Cang Phá Tà Kinh.
c. Chủ nhà nói vậy bởi vì nếu muốn giúp thì anh học trò sẽ phải thức trắng con mắt mấy ngày mấy đêm liền.
d. Tức là kinh Dịch. Người kể chuyện này là nhà nho, một mặt thì tin có ma quỷ, mặt khác cũng tin rằng kinh sách và kẻ làu thông kinh sách thì mới có thể chế ngự ma quỷ, chớ chẳng tin thầy pháp với thầy chùa.
e. Mỗi quẻ có một lời ‘thoán’ cho biết quẻ đó là điềm lành (kiết) hay điềm dữ (hung).
28. Ba con chó tinh (Les chiens demons)
Ông bà kia có con gái cưng. Muốn cất cho cổ một cái buồng, họ vô rừng kiếm cây. Trong rừng có ba con chó mới cắn nhau chết: một con trắng, một con vàng, một con đen. Sau khi chết, ba con biến ra một cây nở bông đủ ba màu xanh, trắng, đỏ. Người cha thấy, nói: ‘Cây này đẹp ghê, cất buồng xong, mình bứng về trồng cho con nó ngó chơi.’ Nhưng khi kéo về thì cây bị nứt toác, nên họ xẻ cây làm bộ then cho cái buồng.
Mấy con chó tinh bây giờ ở trong bộ then đó. Một con ngó thấy cô kia, nó hiện ra xáp vô ôm, cổ né tránh một hồi thì bị nó hớp hồn [a] nằm ngay đơ, tỉnh dậy ngơ ngáo, ai làm chi cũng kệ. Người cha nghe lộn xộn trong buồng con gái, qua coi chuyện gì, cũng bị nó nhập vô, nằm một đống tới khi nó xuất ra mới tỉnh. Bởi vậy ổng hết dám vô buồng.
Sau có anh học trò lạc đường vô nhà đó xin trọ. Chủ nhà dòm bộ dạng anh này thấy hao hao giống con tinh trong nhà, nên không muốn tiếp. Ảnh nói: ‘Tui là người mà, chú đừng sợ.’
‘Thôi thôi, cậu nhập vô tui, tui không chứa đâu.’
‘Tui thiệt là học trò. Chú bị chuyện gì, nếu cần tui giúp một tay.’
Chủ nhà kể chuyện rồi dắt ảnh qua buồng cô con.
Như đã biết, trong bộ then có ba con chó tinh, thì con đen đang nằm ngang cửa, con trắng mang hình người bận đồ lịch sự đang ngồi kế cô kia. Thấy anh học trò bước vô, con đen la lên cho con trắng nghe: ‘Quới nhơn tới, chạy mau!’ [b] Chúng phóng chạy, nhưng ảnh rút dao lia đứt cẳng một con, đưa chủ nhà coi. Ổng mừng húm, hậu tạ, ảnh không nhận tiền, mà xin bộ then cửa. Ổng cho, ảnh nhét vô dây lưng, cột chặt, lên đường.
Một hồi, ba con tinh thấy ngộp, năn nỉ anh học trò thả ra, đổi lại, chúng hứa đưa ảnh một cái mặt trời, một cái mặt trăng và một con ngựa. Ảnh chịu, lấy bộ then ra, chúng giữ lời, đưa đủ ba thứ.
Con ngựa chạy lẹ như chớp, sáng đưa anh học trò tới kinh để thi, tối đưa ảnh về nhà, vợ gặp mừng rơn. Ba má ảnh ở kế bên, đâu biết ảnh về, tưởng con dâu đưa thằng nào vô nhà. Sáng sau, khi anh học trò đã lên đường tới kinh, ổng bả qua hạch hỏi, con dâu nói chồng về, họ chẳng tin. Nhưng chiều đó, thấy ảnh về, họ mới tin, hỏi làm sao lẹ vậy, ảnh nói:
‘Nhờ con ngựa thần này nè ba má. Con nói nó đi đâu là trong chớp mắt tới nơi. Đợi thi xong con về.’
Ba của anh học trò leo lên ngựa, kêu nó đi Nam Vang [c] cho biết, một lát quay về. Tới phiên má của ảnh, bả chọn không đúng lúc nên bả mới đụng vô mình con ngựa là nó hết phép, đứng im như tượng. Anh học trò thất kinh, thiếu con ngựa làm sao ảnh có mặt ở kinh đúng giờ thi. Ảnh lấy mặt trời ra cầm trong tay, bắt đầu bước đi. Vậy là ngày dừng lại lúc đó, ảnh kịp tới kinh trước khi hết giờ thi. Ảnh cất mặt trời vô túi, tức thì đêm sụp xuống.
Dù sao ảnh cũng đã tới trễ, nên [sau khi thi đậu] ảnh bị phạt bằng cách bổ đi làm quan làng nọ, mà ở đó hết thảy chức sắc đều đã mất mạng vì tinh. Dân làng ra làm lễ đón quan, bọn tinh cũng [hiện hình người] kéo tới. Quan không nhận lễ vật của ai hết, rồi khi họ trở về, quan cho thám tử dò theo. Thám tử thấy một bọn đi tới cái giếng kia, rồi, lạ thay, từng đứa nhảy xuống giếng mất dạng. Biết được, quan cho lính đi vét cái giếng đó, nhưng rút bao nhiêu nước thì giếng đầy bấy nhiêu. Tới đêm, một người lính nằm mơ thấy bọn tinh hiện ra ghẹo:
‘Chừng nào tụi bây kêu được rồng về đây thì mới mong rút cạn giếng này nghe chưa!’
Bọn chúng không ngờ tên của quan là Long (rồng), nên sáng hôm sau khi quan đích thân đi vét giếng thì cái giếng sạch trơn, thấy dưới đáy có hai con rắn nằm chèo queo, chúng nói: ‘Xin quới nhơn tha mạng, tụi con sẽ đi nơi khác kiếm ăn.’ Quan tha, về sau làng hết bị tinh phá. [d]
__________
a. Nếu mở miệng nói chuyện với con tinh, sẽ bị nó hút hơi, hút hồn, nhập vô, làm cho ngây dại; thường thì phải nhờ thầy pháp trục nó ra.
b. ‘Quới nhơn’ ở đây ý nói ‘người có mạng lớn, làm vua/quan’.
c. Tức là Pnom Penh bên xứ Cao Miên.
d. Còn cái mặt trăng, ta không nghe kể vật này đã giúp cho anh học trò việc chi.
29. Chuyện vợ chồng Giáo (Histoire de Giáo)
Nơi làng Phan Rang, tỉnh Bình Thuận, có vợ chồng Giáo [a]. Họ không con, vô rừng dọn cây mở đất để ở. Sau hai năm, miếng đất dòm cũng xinh. Bữa nọ chồng biểu vợ sắp đặt gà, vịt, rượu, trầu cau, để cúng thổ công. Cúng xong, ăn xong, bà vợ ra vườn chơi, thấy một con voi xông tới, bả thất kinh té ngửa. Chừng đứng dậy, thấy cái quần mình biến đâu mất. Bả vô nhà nói chồng biết, nhưng chồng không tin, nói bả ra vườn xằng xịu với thằng nào. Bà vợ tức gan, thách chồng ra coi, nếu ổng chẳng thấy gì lạ thì nói chi bả cũng chịu. Chồng ừ.
Ngay khi ổng ra vườn, một con voi trong rừng lao tới chụp ổng, bứt đứt cái đầu, ổng la ú ớ, té xuống chết. Bà vợ ở trong cửa dòm ra thấy hết, điếng hồn, chạy te xuống làng kêu cứu. Bả kể lại mọi chuyện xảy ra. Ông hương cả chẳng biết nghĩ sao, báo lên huyện. Quan huyện cũng chẳng nghĩ ra ý gì, nên gọi hết bô lão trong làng tới, hỏi xưa nay họ biết chuyện nào như vậy xảy ra hay chưa.
Một ông già, có cả trăm tuổi không chừng, nói rằng:
‘Xứ này là xứ của voi, cọp, nai và đủ thứ muông dữ. Chúng chết thì thành tinh. Khi tui còn trẻ, thấy chuyện này xảy ra một lần rồi.’
Quan huyện hỏi:
‘Nhưng làm sao biết đây là chuyện của tinh làm?’
Ông già nói:
‘Quan cứ tới chỗ đó, nếu như tui nói trúng, thì khi đào đất lên, sẽ thấy cái quần của bà vợ và cái đầu của ông chồng.’
Quan làm theo, và, y như lời ông già nói, họ tìm thấy cái quần và cái đầu dính đầy máu chôn dưới đất.
__________
a. Ở đây người kể chuyện cho biết tên là ‘Giáo’ chớ không cho biết họ gì.
30. Bà mọi (Femme sauvage)
Một ông nho sỹ lấy bà vợ tốt tánh, họ thương nhau đằm thắm. Nhà có một con sen, nó cũng quý hai người. Ngày nọ con sen vô núi kiếm củi, gặp một cái hang rộng tối thui nhìn chẳng thấu, nó chọi mấy cục đá vô hang rớt nghe bịch bịch.
Con sen về kể chuyện chủ nghe. Họ biểu nó dắt tới chỗ cái hang. Tới đó, họ đang đứng coi, thì, rủi thay, bà vợ trợt chưn té xuống hang. Ông chồng thất kinh, chạy đi bứt dây rừng thảy xuống hang cho vợ nắm leo lên, nhưng cả ngày trôi qua mà bả vẫn biệt tăm.
Ông chồng ở lại bên miệng hang cả năm trời, khóc lóc, than vãn. Cuối cùng, không thấy vợ trở lên, ổng với con sen đành bỏ về nhà, rồi, từ đó trở đi, lúc nào cũng rầu rĩ, ai nói chuyện lấy vợ kế là ổng gạt phăng.
Ngày nọ con sen vô núi kiếm củi. Nó nghe tiếng động trên cây, dòm lên, thấy bà chủ của nó, không miếng vải che thân, mình mẩy lông lá xồm xàm như thú rừng. Con sen vừa mừng vừa sợ, kêu lên:
‘Bà ơi, bà! Bà có khỏe không? Ông ở nhà ngày nào cũng khóc, chờ bà về, không chịu lấy lẽ. Sao bà không về nhà?’
Bà này nói:
‘Cho bà hỏi thăm sức khỏe ông, và nói ông lấy vợ đi, chớ đừng chờ chi nữa, bà không muốn ở với người ta nữa đâu.’
Con sen dông về nhà cho chủ hay, ổng vụt chạy đi gặp vợ, thấy bả ngồi trên cành cây. Ổng lăn lộn dưới đất, khóc lu bù, kêu vợ xuống nói chuyện. Bả nói:
‘Cảm ơn mình tới gặp em, nhưng ta gặp nhau vầy đủ rồi. Mình trở về lấy vợ khác đi, em không muốn ở với mình nữa.’
Ông chồng không nghe, một hai kêu vợ xuống, bả xiêu lòng. Ổng ôm bả, năn nỉ ỷ ôi, rốt cuộc cũng đem được bả về nhà.
Trên người của bả vẫn đầy lông lá. May thay, có ông kia tự xưng thầy lang đi ngang nhà, hứa có thuốc làm rụng lông cho bả. Mà đúng thiệt, uống thuốc xong, lông rụng sạch nhách và bả dòm còn bảnh hơn lúc trước mười phần.
Ông chồng mới hỏi vợ sao hồi đó không ra khỏi hang cho lẹ và sao bị biến hình như vậy, trong khi ổng chờ hơn năm trời ở đó. Bả nói:
‘Em té xuống hang, ở dưới chẳng biết bao lâu. Tới hồi leo lên miệng hang, thì không thấy mình đâu hết. Đói quá, em hái trái cây ăn đại. Dè đâu, ăn xong, người nhẹ hểu, rồi em trèo lên cây, lông lá mọc cùng mình, mà sao vẫn thấy như thường.’
Nghe chuyện này, ông chồng thấy lạ hết sức, nghi rằng cái hang đó có con tinh nào ở dưới không chừng. Bà vợ đẻ hai đứa con rồi mất.
31. Tinh sấm (Le tonnerre prend la forme d’un animal)
Ở tỉnh Thanh Hóa, huyện Lôi Dương, có một bãi cát ven biển kêu bằng Bãi Sấm. Đêm nọ, tháng hai, khi mưa tạnh, lối canh năm, trên bãi phát ra một tiếng nổ; dân làng dè dặt kéo nhau ra coi thì thấy sấm từ dưới đất phóng ra từng ‘con’. Họ ví theo, chụp được mấy ‘con’, còn bao nhiêu thì nổ cái ầm, bay mất.
Mấy ‘con’ sấm mà dân làng chụp được thì dòm như mấy con heo sữa, mình mẩy trắng phau, thịt không có máu, khô, lạt phèo, chẳng giống thịt muông thú tý nào. Dân làng cho rằng mấy ‘con’ này chưa có hình thù là bởi chúng được âm dương sanh ra, nhưng ta không hiểu làm sao những ‘con’ đó biến thành sấm. Để ghi nhớ việc này, vua An Nam đặt tên cho huyện là Lôi Dương [a] mà nay vẫn còn.
__________
a. Lôi = sấm; Dương = [âm] dương, mặt trời,…
2.2 Người dị thường
32. Chuyện một người-cọp (Histoire d’un homme-tigre)
Từ Thức ở huyện Nhơn Lý, tỉnh Ninh Bình, là người có tài dị thường. Mẹ của cậu, hồi hai mươi tuổi, đang làm trong đồng bên rừng, bị một con cọp bắt vô hang hai ngày trời mà không hề hấn chi. Rồi bà về nhà. Chồng hỏi, bà kể bị cọp tha bỏ vô bụi cây chằng chịt, rồi nhơn lúc nó đi đâu, bà trốn thoát.
Sau chuyện đó, bà đẻ ra Từ Thức. Cậu này mới mười mấy tuổi mà làm việc chi cũng giỏi, kể cả việc nhà lính; nhưng cấp trên chẳng ai tinh mắt nhận ra cái tài của cậu để phong chức gì cho xứng. Nản chí, cậu lui về một cái hang trong núi Thần Phù, sám hối.
Năm mười lăm tuổi, cái đầu của cậu biến ra đầu cọp mà cái mình còn nguyên là người. Cậu săn bắt thú rừng dễ như trở bàn tay, cậu còn rào một cái bãi để nuôi thú. Giọng cậu bây giờ nghe như tiếng cọp rít, chẳng ai hiểu gì hết. Nhưng cậu có hiếu lắm, hay để thú trong hang cho cha mẹ tới lấy về bán. Ban ngày cậu ngủ, ban đêm đi săn.
Đêm nọ cậu ví một con nai vô nơi hẻo lánh. Qua ngày thứ ba, cậu thấy một tên cừ khôi kêu bằng Quản Nhứt Tiền, cùng một đứa nữa, đang tới nơi đó hẹn gặp người nhà. Từ Thức hú một tiếng, tên kia sợ té chết giấc. Từ Thức đem y về hang. Hôm sau, cha của Từ Thức tới hang lấy thú, gặp tên này, liền về báo quan cho lính tới bắt. Họ mừng lắm, vì tên này là tướng giặc hung hăng chưa ai từng bắt được. Quan báo vua biết công trạng của Từ Thức, nhà vua phong cho cậu chức Hổ Đại Tướng Quân, trấn nhậm Thần Phù [a], và trọng thưởng cho cha cậu.
_________
a. Grand généralissime ayant la force du tigre, véritable seigneur de Thần Phù.
2.3 Người có sức dị thường
33. Anh em sanh năm (Les cinq jumeaux)
Ông nọ lấy một trăm vợ, nhưng hết thảy những bà này đẻ cho ổng một đứa con gái mà thôi. Khi lâm chung, ổng nói con gái đi kiếm cho đủ một trăm người, ở với họ, để trả nợ cho ổng.
Cô này nghe lời, và đã ở với chín mươi chín ông thì có một vị tiên trên trời biến ra người cùi tới nhà cổ xin cứu giúp.
Cổ cho ông này đụt trong chái bên nhà. Đêm về, cổ nghĩ ông này chính là người thứ một trăm để ở với mình, nên cổ qua ngủ với ổng.
Ông cùi đưa bàn tay rờ bụng cô chủ nhà, làm cổ có thai và đẻ ra năm thằng con một lúc. Chúng lớn lên giống nhau như đúc; nhưng cậu thứ nhứt thì mình đồng gan sắt; cậu thứ hai thì lanh trí; cậu thứ ba thì thính tai, ở đâu cũng nghe tới; cậu thứ tư thì chưn khoèo [clubfoot] đi được trên mặt nước; cậu thứ năm thì không sợ nóng, bỏ vô nước sôi sống nhăn.
Năm cậu ở trong rừng. Ngày nọ nhà vua truyền rằng ai giết được bà Chằn [a] thì sẽ gả công chúa cho. Thính Tai sai hai cậu Mình Đồng Gan Sắt với Không Sợ Nóng đi đánh bà Chằn. Đánh không lại, bà Chằn bị hai cậu này cắt đầu đem về trình vua. Cái đầu của bả quăng rớt trước ngai vua thì lặn xuống đất mất tiêu. Nhà vua nói họ ngày mai trở lại sẽ gả công chúa cho. [Thực ra] vua dụ họ trở lại để chặt đầu, nhưng người tới gặp vua là Mình Đồng Gan Sắt nên rốt cuộc vua không chặt đầu được. Vua nói cậu này về và ngày mai trở lại.
Vì sắt không chém được đồng, nên vua tính sẽ quăng người giết bà Chằn xuống biển. Thính Tai nghe được [âm mưu của vua], nói Chưn Khoèo đi gặp vua. Vua cho bỏ Chưn Khoèo lên bè thả ra biển, nhưng cậu này dễ dàng bước vô bờ, rồi, cũng như người anh, được vua kêu về, hẹn sáng sau trở lại.
Làm hai cách đều không xong, vua quyết định sẽ quăng họ vô nước sôi. Một lần nữa, Thính Tai nghe được [âm mưu của vua], nói Không Sợ Nóng đi gặp vua, và, một lần nữa, âm mưu của vua bị bể.
Thấy không cần làm gì nữa hết, vua tính gả công chúa như đã hứa. Thính Tai nghe được, hôm sau đích thân đi gặp vua và được gả công chúa. [b]
__________
a. ‘Bà Chằn’ là tên gọi một thứ yêu cái, ác độc, mà khó định nghĩa chính xác. Chúng ở trong rừng, trên cây, trong động, ăn thịt muông, thịt người. Mình bự tổ chảng, dễ sợ, lông lá, tóc cháy nâu, mặt sọc dưa, miệng có nanh như heo rừng. Dân gian kiêng nhắc tới tên ‘Bà Chằn’, nhưng cũng ví những kẻ dữ tợn với Chằn: ‘cô đó dữ quá chằn tinh gấu ngựa’ [gấu ngựa = Asian black bear, Ursus thibetanus thibetanus]. Có một thứ ốc mình trần trụi kêu là ‘ốc bà chằn’ [Limax spp].
b. Cậu thứ hai, Lanh Trí, chẳng thấy đóng vai gì trong câu chuyện.
_________
1. http://sealang.net/monkhmer/dictionary/
2. https://vnnew.vncreatures.net/sinh-vat-rung/3153
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 24/11/2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)” do tác giả viết (ngày 24/11/2021) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)