Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO
3. Chương J ‘The Wise and the Foolish’
Chương này có 5 nhóm motif:
J0–J199 | điều khôn | acquisition and possession of wisdom (knowledge) |
J200–J1099 | việc khôn/dại | wise and unwise conduct |
J1100–J1699 | sáng trí | cleverness |
J1700–J2749 | kẻ dại | fools (and other unwise persons) |
J2750–J2799 | khôn/dại: những ý khác | other aspects of wisdom or foolishness |
3.1. Điều khôn
34. Ngọc Hoàng và anh nghèo (L’empereur céleste et le pauvre)
Xưa có anh kia nhà nghèo từ đời ông, đời cha cho tới đời ảnh, làm ai cũng buồn bực. Ảnh thắc mắc: ‘Người ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, mà sao chẳng trúng với mình?’ Nghe đồn Ngọc Hoàng ở trên một cái cồn giữa biển, ảnh quyết bụng đi tới đó hỏi ổng coi vì sao số ảnh như vậy và về sau sẽ ra sao.
Ảnh lên đường, khi túi cạn tiền thì gặp nhà của một người giàu, vô xin đồ ăn. Chủ nhà hỏi ảnh đi đâu, nghe xong, biết ảnh đang gặp khó, thì nói:
‘Qua sẽ đưa tiền cho em, nhưng qua có mối lo này nhờ em hỏi Ngọc Hoàng luôn. Số là qua luôn làm điều phải nhưng chẳng được Trời cho đứa con trai nào hết, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng. Em hỏi giùm vì sao số qua hẩm hiu như vậy.’
Rồi chủ nhà đưa anh nghèo một số tiền làm lộ phí. Ảnh đi tới khi hết tiền vẫn chưa thấy cái cồn đâu. Ảnh vô một nhà giàu nữa xin giúp. Nhà này có cái vườn trồng ba chục năm, cây nào cây nấy cao lớn sum sê nhưng chẳng đơm ra trái gì hết. Chủ nhà nhờ ảnh hỏi vì sao có chuyện lạ này, và biếu ảnh số tiền còn thiếu.
Anh nghèo đi miết rồi cũng tới bờ biển. Chẳng biết cách chi ra cồn, ảnh đứng than thầm. Một con ba ba [a] dưới nước trồi lên hỏi:
‘Chú em tính đi đâu đó?’
Ảnh kể chuyện nó nghe, nói luôn việc khó đang gặp. Ba ba nói:
‘Tui sẽ đưa chú em ra cồn, nhưng nhờ chú em hỏi chuyện của tui luôn. Số là tui đã tu một ngàn năm nay, mà sao vẫn y như cũ, chớ chưa đổi dạng.’
Anh nghèo chịu, leo lên lưng con ba ba để nó chở ra cồn.
Anh nghèo quỳ trước Ngọc Hoàng, nói:
‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, con tới đây nhờ một con ba ba chở ra. Nó nhờ con hỏi ngài vì sao nó tu một ngàn năm nay mà vẫn là ba ba chớ chưa đổi dạng.’
Ngọc Hoàng đáp:
‘Con ba ba này, nó có cục ngọc quý, hễ nó chưa đưa cho ai thì không bao giờ đổi dạng mà là ba ba hoài.’
Anh nghèo nói:
‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, còn ông kia nhà giàu, luôn làm điều phải mà sao chẳng có con
trai, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng.’
Ngọc Hoàng đáp:
‘Đứa con gái này, số nó lấy chồng trạng nguyên; chừng nào gặp mặt người nào sẽ làm chồng nó thì nó nói liền.’
Anh nghèo hỏi luôn chuyện ông nhà giàu thứ hai có vườn cây không kết trái. Ngọc Hoàng đáp:
‘Cái vườn này, dưới đất có chôn vàng bạc, chừng nào lấy hết vàng bạc ra thì cây mới kết trái.’
Anh nghèo biết mấy điều này, mừng lắm; rốt cuộc, ảnh tính hỏi chuyện riêng của mình thì Ngọc Hoàng nổi quạu. Ổng nói:
‘Ta đã lánh tới nơi vắng như vầy mà vẫn bị thiên hạ làm rầy!’
Ổng liền bay về trời, còn anh kia thì thấy mình đã rõ mọi điều mà người ta muốn biết nhưng vẫn chưa rõ cái điều mà chính mình muốn biết. Ảnh nghĩ số mình là vậy, nên đành quay về.
Con ba ba dưới nước trồi lên, hỏi anh nghèo làm xong việc chưa. Ảnh kể nó nghe lời Ngọc Hoàng nói. Con ba ba nhớ rằng chuyện nó có ngọc thì không ai biết, nên nó tin lời anh nghèo, và nhả cục ngọc ra, biếu cho ảnh để trả công, tức thì nó biến thành một người đàn ông, rồi đường ai nấy đi.
Tới nhà ông già có cái vườn cây không kết trái, anh nghèo kể lại lời Ngọc Hoàng nói. Họ liền đi tìm khắp vườn và thấy của quý [chôn dưới đất]. Chủ nhà tính cho ảnh hết trơn số đó, nhưng ảnh nhận phân nửa thôi. Có tiền rồi, ảnh ra sức học, sau đó mấy năm ảnh thi đậu trạng nguyên. Nhà vua cho ảnh vinh quy về quê. Khi ảnh và đoàn tùy tòng đi ngang nhà của người giàu thứ nhứt, ảnh ghé vô, kể ông này nghe cái điều mà ổng đã nhờ ảnh đi hỏi. Khi ảnh cho biết lời của Ngọc Hoàng, đứa con gái của ông giàu [dòm thấy ảnh] biết nói liền. Ổng nói đây là ý chỉ của Ngọc Hoàng nên gả con gái cho ảnh.
__________
a. ‘Ba ba’ ở đây ý nói một thứ rùa biển (sea turtles), thí dụ đồi mồi Eretmochelys imbricata, vích Lepidochelys olivacea, ở họ Cheloniidae, hoặc rùa da Dermochelys coriacea ở họ Dermochelyidae.
35. Thầy cứu trò (Un maitre sauve son élève)
Anh học trò kia để vợ ở nhà [a] sang tỉnh khác học. Ba năm sau ảnh xin thầy về nhà. Thầy coi chỉ tay của ảnh, nói:
‘Con chớ về, nhưng thôi muốn về thì về. Con sẽ gặp nạn, nhưng thầy dặn con bốn điều nêu nhớ nằm lòng để tránh nạn. Một là không vô chùa, hai là không dầu thơm, ba là không đuổi gà, bốn là không phải ba, bốn, sáu.’ [b]
Anh học trò thưa thầy ra về. Đi một ngày đàng, trời nổi cơn dông, ảnh gặp một cái chùa trơ trọi. Nhớ lời thầy, ảnh không vô chùa đụt, mà đứng bên ngoài. Một hồi, chùa sập, mọi thứ bên trong ắt đều nát bấy.
Ảnh về tới nhà, gặp vợ ra mừng. Mừng vậy thôi, bởi lúc ảnh vắng nhà, vợ ảnh đã có bồ. Chị ta giả đò đi chợ, kiếm tên kia báo tin chồng về, rồi hai bên bàn tính. Tên kia nói:
‘Pha chút dầu thơm gội đầu cho nó. Khuya nay tui qua giết nó.’
Chị này về nhà nấu nước pha dầu thơm nói để gội đầu cho chồng. Anh này nhớ điều thứ hai thầy dặn, nên không chịu gội dầu thơm; chị vợ lấy gội luôn đầu mình. Khuya, tên kia mò vô tới giường của hai vợ chồng, nghe mùi thơm ở người nào thì chặt phăng cái đầu ở người nấy, rồi trốn.
Anh chồng thức dậy thất kinh thấy vợ chết bên cạnh, chẳng hiểu sao mà vậy. Ảnh la bài hải. Hương quản tới tra hỏi, ảnh nói mình không làm, họ đưa ảnh lên huyện. Quan huyện tra soát; ảnh thiệt thà kể lại, nói không biết kẻ giết vợ là ai. Quan tạm giam ảnh trong ngục chờ thêm chứng cớ. Ảnh bị giam lâu mà chưa thấy thêm chứng cớ gì ráo. Bữa đó người ta phơi lúa, họ giao cho ảnh coi chừng gà mổ. Gà tới mổ lúa, nhưng ảnh nhớ điều thứ ba thầy dặn, nên thây kệ gà, không thèm rượt. Quan hỏi sao được giao canh lúa mà để gà mổ, ảnh đáp:
‘Thầy tui biết trước tui gặp nạn nên dặn bốn điều. Một là không vô chùa: tui gặp một cái chùa mà nếu tui vô thì giờ này chết tiêu rồi bởi chùa sập. Hai là không dầu thơm: vợ tui đòi lấy dầu thơm gội đầu cho tui mà nếu tui chịu thì giờ này người chết là tui chớ không phải vợ tui. Ba là không đuổi gà, nên tui không đuổi.’
Quan hỏi điều thứ tư thầy ảnh dặn là gì. Ảnh nói:
‘Là như vầy: không phải ba, bốn, sáu.’
Quan nghĩ nếu vậy thì tức là năm, liền sai hương bộ tra sổ coi trong làng có ai là thứ năm [c], nếu có thì bắt kẻ đó tức thì. Mà trúng thiệt, thằng giết người [ở nhà y] là thứ năm. Y chối đây đẩy nhưng bị giải lên huyện, rồi cũng nhận tội và khai hết đầu đuôi.
__________
a. Học trò lấy vợ sớm để có con nối dõi giòng họ. Chuyện có vợ con rồi mới bỏ nhà đi học thì chẳng có gì lạ [nơi xứ này].
b. Phần đầu chuyện này giống như phần đầu truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu [1822–1888]. Vân Tiên trước khi xuống núi cũng được thầy coi bói đoán vận như sau:
Số con hai chữ khoa kỳ
Khôi Tinh đã rạng, Tử Vi thêm lòa
Hiềm vì ngựa chạy đường xa
Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan
Bao giờ cho tới bắc phang
Gặp chuột ra đàng con mới nên danh
(trích theo bổn dịch của Trương Vĩnh Ký).
c. Người An Nam có tên riêng mà cũng được gọi theo thứ trong nhà, ai sanh ra trước hết thì gọi là thứ hai [anh/chị Hai, thằng/con Hai] chớ không phải thứ nhứt. Khi đứa nhỏ lớn lên, mới gọi theo thứ. Thực ra, từ khi biết đếm, người ta đã gọi nhau theo thứ chớ ít khi kêu tên riêng. [Còn nếu không biết thứ, thì gọi người lạ là thứ hai.]
3.2. Sáng trí
36. Quan tổng đốc nghĩ kế tìm kẻ giết người (Stratagème d’un gouverneur de province pour convaincre un meurtrier)
Ở tỉnh Nghệ An, huyện Chân Lộc, có người giàu tên Trần văn Phong, làm chủ mười chiếc ghe buôn bán từ Ngũ Quảng [a] ra tới Bắc Kỳ. Mỗi ghe có một anh đầu dọc. Một anh tên Ninh, bảnh trai, lanh trí, từ lâu xằng xịu với cô vợ của Trần văn Phong mà ông này chẳng hay.
Ngày nọ, khi mười chiếc ghe cụ bị đi chuyến đầu năm, sắp cúng ra khơi, thì Ninh kiếm chủ nài nỉ ổng lên ghe với y ra biển. Y nán lại sau, nửa đêm núp bên lộ, chờ Trần văn Phong đi ngang, giết ổng chết. Rồi lên ghe nhổ neo.
Cha mẹ Phong đi kiện, nhưng quan đề hình không tìm ra dấu tích gì hết. Rốt cuộc, quan tổng đốc Nghệ An gọi mười anh đầu dọc tới tra hỏi. Hết thảy đều chối không làm chuyện này. Quan nghĩ ra một kế. Gần tới canh hai, quan cho đưa mười anh đầu dọc vô phòng, ra lịnh đứng khoanh tay dòm một cây đèn cầy đang cháy. Ổng cho mỗi anh ngậm một sợi bấc đèn trong miệng, nói: ‘[Sáng mai] sợi bấc của ai dài hơn thì người đó có tội.’
Sáng sau quan cho kiểm tra thấy chín sợi bấc dài bằng nhau, riêng sợi của Ninh thì ngắn hơn, bởi y sợ nó dài ra nên đã cắn bớt một khúc. Vậy chín anh kia được thả, còn y bị xử. Y nhận đã giết Phong, nhưng nói rằng y làm vậy là bị cô vợ của ông này xúi giục mà y nhẹ dạ nghe theo. Quan xử cô này bị năm ngựa phanh thây còn Ninh bị đày sáu năm biệt xứ.
__________
a. Ngũ Quảng : đã giải thích ở phần 1 (Chuyện cô công chúa đời Lê).
37. Tra hỏi cục đá (Une pierre mise à la question)
Ở tỉnh Hà Tịnh có bà kia nghèo lắm. Sắp tới Tết [a], bà nhổ rau đem ra chợ bán lấy tiền sắm sửa. Khi về, qua cầu, bà làm rơi mọi thứ mới mua xuống nước. Bà ngồi khóc, vì không còn tiền mua lại những thứ đó. May sao, ông huyện đi ngang, thấy bà khóc mới hỏi chuyện gì. Bà kể lại chuyện rơi đồ, kể thêm chuyện sợ về nhà bị chồng cho ăn đòn. Ông huyện nói: ‘Thôi đi về phủ với ta, để ta coi gỡ rối cho bà.’
Về phủ, ông huyện sai lính, một người đi kiếm cục đá bự, cột dây xung quanh [làm như trói nó], một người cầm roi đứng chờ, một người nữa cầm hai cái hộp không đứng nơi cửa. Rồi phao tin rằng ông huyện sắp tra hỏi một cục đá, ai muốn coi thì vô cửa đưa cho người lính gác ba chục xu mà coi. Khi hai cái hộp đầy vun, ông huyện đưa cho bà nhà nghèo. Rồi ổng nói dời lại ngày mai mới tra hỏi cục đá. Hôm sau, mọi người trở lại [coi] thì ông huyện cười hả hả, nói ổng muốn tìm cách giúp cho bà nhà nghèo [ăn Tết] vậy thôi.
__________
a. Ở đây Landes giải thích vắn tắt cái tục ăn Tết của người Việt.
38. Năm ông thầy chùa bị chết (Mort de cinq bonzes)
Xưa có anh kia làm nghề săn mật ong [a]. Bữa nọ ảnh tìm ra một chỗ trong rừng có nhiều ổ ong, liền đem giỏ tới đó [leo cây] lấy mật, nhưng rồi đeo giỏ nặng quá nên không dám leo xuống, mà ở đó đợi coi ai đi ngang thì cầu cứu.
Ảnh đợi tới trưa. Lúc này có một anh nài cỡi voi đi ngang, anh săn ong kêu:
‘Anh ơi! Làm ơn cứu tui xuống, tui chia anh nửa giỏ mật; bị nặng quá mà cây cao nên không dám xuống.’
Anh nài nói:
‘Vậy đứng đó nắm cành cho chắc, tui đứng trên lưng con voi ôm chưn anh.’
Anh săn ong làm theo, anh nài đứng lên trên lưng voi, nhưng, ngay khi anh nài nắm hai chưn anh săn ong thì con voi bên dưới trượt đi làm anh nài hổng chưn, đu tòn ten dưới chưn anh săn ong.
Anh này la:
‘Chết! Sao anh làm vậy, cành gẫy là hai đứa mình tiêu hết.’
Anh nài nói:
‘Ráng nắm chắc đi, tại anh chớ tui muốn vậy hồi nào.’
Hai anh than thầm. May sao có bốn ông thầy chùa [b] đi cúng ở đâu về ngang đó. Thấy vậy, hai anh bị nạn mừng húm, kêu:
‘Mấy thầy ơi! Cứu con với! Cứu một mạng còn hơn sám hối chín kiếp! Cứu một mạng còn hơn xây tháp bảy tầng! Tụi con dâng hết sáp ong cho mấy thầy cúng Phật.’
Bốn ông thầy thấy tội nghiệp, mà cũng không cần sáp ong, nên tính coi làm cách chi cứu mấy ảnh. Ông thầy cả nói:
‘Bây giờ mình lấy tấm vải gói kinh [trải ra], mỗi người cột một góc tấm vải vô cần cổ, rồi đứng thiệt vững như bốn cây cột, nghen. Hai anh này rớt xuống, nhờ tấm vải sẽ rớt nhẹ, khỏi chết.’
Mấy thầy kia làm theo. Hai anh kia buông tay rớt xuống tấm vải, nhưng sức rớt nặng quá, làm bốn ông thầy chùa cúp xuống, bốn cái đầu dộng nhau cái cốp, chết ngẳng củ từ. Anh nài voi với anh săn ong thấy vậy bỏ chạy.
Chuyện đó xảy ra gần một cái quán. Bà già chủ quán thấy bốn cái xác, sợ bị mắc tội giết người, hè hụi kéo bốn cái xác vô sau quán, rồi ngồi nghĩ coi nên làm gì nữa. Ngay lúc đó, một ông thầy cúng bước vô mua rượu uống, bả lấy cho ổng thứ rượu ngon nhứt mà tính tiền rẻ rề. Đợi ổng vô mấy ly, bả nói:
‘Số tui thiệt khổ, thầy ơi. Có thằng cháu đi làm mướn, từ hổm rày mắc bịnh về ở đây. Chẳng biết uống thuốc gì cho hết, tui biểu nó cạo đầu sám hối với Phật. Ai dè mới cạo đầu, nó phà ra chướng khí hôi rình, kêu nhức đầu rồi chết luôn. Tui già, nghèo, chẳng biết làm gì. Thầy coi có cách chi giúp, tội nghiệp tui.’
Ông thầy cúng nói:
‘Để tui. Đưa cái cuốc với cái vá đây, tui đem nó ra đồng chôn. Vậy hén?’
Bà già lịa miệng cám ơn, hứa trả công cho ổng ba bầu rượu ngon, rồi vô sau quán kéo ra một cái xác. Ông thầy cúng lấy chiếu quấn lại, vác lên vai, đem ra đồng chôn.
Xong, ổng trở về quán, thấy trên mặt đất có một cái xác nữa. Bà già sụt sùi:
‘Để tui nói thầy nghe. Thằng cháu này thương tui lắm, nó bám tui riết, hồi mới đi ở mướn, buổi sáng đã về đây thăm tui, tới chiều tui chửi nó mới đi. Giờ chết yểu như vầy, nó khi nào chịu rời tui. Bởi không biết nó, nên có khi thầy đào hố chưa sâu, để nó về đây nè.’
Ông thầy cúng thấy lạ; nhưng ổng nhận ra cái xác, nhờ cái đầu trọc. Ổng nói bà già:
‘Kỳ há! Để tui đem nó đi thiệt xa, đào hố thiệt sâu, coi nó về nữa thôi.’
Ổng xốc cái xác lên vai, đem đi chôn. Hồi trở về, vẫn thấy cái xác trọc đầu trên mặt đất, và nghe bà già nói:
‘Tui đã dặn thầy nhớ cái tánh của thằng cháu tui, sao thầy chưa chôn sâu cho nó, đó thầy coi.’
Ông thầy cúng nói:
‘Đừng nóng, để tui làm một hớp cái đã, lần này tui nói sẽ chôn cho nó khỏi về luôn.’
Ổng đi chôn, rồi khi về thấy bà già trỏ ngón tay vô một cái xác nữa, nói cà riềng cà tỏi.
Ổng nổi dóa:
‘Từ hồi nào tới giờ tui chôn ai mà họ quày lại đâu cà. Thôi để tui đem chôn một lần nữa, chắc chắn là nó đi biệt.’
Ổng cúp lưng vác cái xác đi. Trời nực, đất cứng, mình mỏi, ổng chôn xong cái xác thứ tư thì đêm xuống. Trở về quán, tính đòi bà già ba bầu rượu mà bả đã hứa, thì khi đi ngang cây cầu, ổng thấy một người [trọc đầu] ngồi chần vần ở đó. Ổng hét:
‘Tao chôn mày cả ngày trời mà mày còn về đây đòi chôn nữa hả.’
Người kia dường như nói gì đó, nhưng ổng la:
‘Mày về ba bốn lần, làm tao muốn đứt hơi, còn cãi. Tao oải rồi, khỏi chôn mày nữa; thôi sông đó, xuống cho cá ăn đi.’
Rồi ổng đạp người kia rớt xuống sông cái ùm, mất tiêu. [c]
__________
a. Đi lấy mật ong tự nhiên, không gác kèo. Ở xứ này, người ta đóng chốt vô cây để trèo lên. Người săn ong đeo hai cây đuốc sau lưng, cho cháy bên trên đầu mình, để ong đừng chích. Mật ở Rạch Giá lấy trong rừng tràm nên có vị lạ nhờ bông tràm.
b. ‘Thầy chùa’ là tiếng dân gian dùng để gọi ‘thầy tu đàng Phật’,1 không có ý khi dể.
c. Trương Vĩnh Ký kể một câu chuyện giống vậy mà sơ sài hơn, tựa đề Bốn anh thầy chùa làm phước mà phải chết.2
39. Vợ khôn chồng dại (Femme habile et sot mari)
Cô kia khôn lấy anh chồng dại. Bữa nọ cổ nói với chồng:
‘Tôi mới dệt vải xong, mình đem đi bán bốn quan một tấm, nếu ai trả ba quan chín tiền năm mươi chín xu thì đừng có bán nghe chưa.’ [a]
Anh chồng đem vải đi rao, nhưng tới đâu cũng chẳng thấy ai mua. Rốt cuộc gặp một ông thầy đồ mua hai tấm, nhưng ổng không đem sẵn tiền, nói rằng:
‘Mai anh tới gặp tôi nhận tiền. Tôi ở chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi so le, chỗ cây tre một mắt. Anh tới, tôi trả liền.’
Bữa sau anh khờ đi cả ngày kiếm chỗ chợ đông không ai bán, mà chẳng thấy đâu. Ảnh đành về than với vợ, cô này đoán ra cái điều mà người mua muốn đố, cắt nghĩa rằng chợ đông không ai bán là cái trường học, kèn thổi so le là cây sậy bị gió thổi lúc lắc, còn cây tre một mắt là cây hành, bởi vậy, nơi mà anh chồng cần tìm là một cái trường học, kế bên bãi sậy, trước cửa trồng hành [b].
Theo lời vợ, anh chồng tìm ra người mua, ông này hỏi ai chỉ đường cho ảnh tới đó. Ảnh nói vợ ảnh. Ông thầy đồ thầm phục cô này sáng trí; bữa đó ổng làm cơm cúng ông bà, mời anh khờ ăn uống, rồi gởi bánh về biếu vợ ảnh, kèm theo một nhánh bông lài ghim vô một cục phân trâu khô. Thấy vậy, cô vợ hiểu ý ông thầy đồ muốn nói biếm cổ:
Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại
Tiếc bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
Cô vợ nghĩ số mình khổ, nên buồn và muốn nhảy xuống sông cho rồi. Cổ ra bờ sông, ngồi bên mé nước, chờ chết.
Ông thầy đồ, lúc đó, nghĩ mình làm vậy thì có thể khiến cho cô kia làm chuyện không hay, nên tính đi can. Ổng lấy một cái giỏ lủng đáy đi ra bờ sông nhằm chỗ cô kia đang ngồi, tới gần, la lớn:
‘Cô này đi chỗ khác để tôi đặt bẫy ở đây kiếm chút cá coi.’
Thấy một ông già đầu hai thứ tóc lấy giỏ lủng đáy đi bẫy cá, cổ mới biết rằng trên đời này vẫn còn nhiều người khác dại hơn chồng mình. Bởi vậy cổ hết buồn, về nhà, khỏi chết oan mạng, nhờ lòng tốt của ông thầy đồ.
__________
a. Tức là thiếu một xu thì đủ bốn quan [1 quan = 10 tiền, 1 tiền = 60 đồng xu].
b. Nói nào ngay, cắt nghĩa như vậy chưa trúng, vì phần đông nhà người An Nam phía trước đều có một cái ‘vườn’ nhỏ gồm những chậu đất kê trên cọc, thường là trồng hành.
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp:
Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, năm 2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
__________
* ĐỖ NGỌC GIAO, tác giả sinh sống tại Việt Nam (trước năm 1975), làm việc tại Nhà máy Đường (sugar) Việt Nam, Nhật Bản, nay đã về hưu, ham thích nghiên cứu và có viết một số bài chuyên khảo như Bách Việt, Austro Asiatic, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, … Bài viết chuyên khảo “Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)” do tác giả viết (năm 2022) và gửi trực tiếp cho Ban Tu Thư – Viện Nghiên cứu Việt Nam học để đăng tải trên các trang web-Hybric do PGS.TS. Sử học Nguyễn Mạnh Hùng sáng lập.
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)