Bàn về SẢN PHẨM DU LỊCH Việt Nam hiện nay
PHAN HUY XU
(Phó Giáo sư, tiến sĩ)
TÓM TẮT
Những năm qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn thấp. Có nhiều nguyên nhân nhưng theo tác giả nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm du lịch Việt Nam còn đơn điệu thiếu sức hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Tác giả đã đề ra một số giải pháp cần thiết để tăng số lượng khách du lịch nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở Việt Nam.
ABSTRACT
Vietnam tourism has obtained great achievement recently, however, the number of international tourist arrivals is still low. There are various reasons but the author argued that the important reason was because of the monotonousness of the tourism products, lack of the attractiveness to the international tourists. The author would like to suggest some necessary solutions to raise the number of international tourists in the circumstance of current international economic integration in Vietnam.
x
x x
Từ ngày Đổi mới đến nay, đất nước ta đã có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Năm 1994, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 1 triệu lượt, năm 2000 đạt 2,13 triệu lượt, đến năm 2013 đạt 7,5 triệu lượt.
Những số liệu đánh giá về sự phát triển du lịch Việt Nam như số lượng khách du lịch, thu nhập trong du lịch, tỷ trọng của du lịch trong GDP và số lao động làm việc ở ngành này…, đã khẳng định vai trò và vị thế của ngành du lịch nước ta. Ngành du lịch đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, giữ vững quốc phòng nước ta.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì du lịch Việt Nam phát triển còn chậm.
Năm 2013, số lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan là 26,7 triệu lượt, Malaysia: 25,7 triệu lượt, Singapore: 14,4 triệu lượt, Indonesia: 8,6 triệu lượt. Như vậy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN. Lượng khách du lịch đến Campuchia và Lào tuy còn thấp hơn nước ta, nhưng tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến hai nước này lại cao hơn.
Như vậy, lượng khách du lịch đến Việt Nam chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình. Đặc biệt, lượng khách có khả năng chi trả cao và nghỉ dưỡng dài ngày còn thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn thấp, nhưng nguyên nhân chủ yếu và bao trùm là: sản phẩm du lịch nước ta còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu tính độc đáo, đặc sắc, thiếu tính đồng bộ và khả năng liên kết chưa cao, ít sáng tạo.
Tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của hiện trạng trên, ta thấy nguyên nhân chính tạo nên sự yếu kém của sản phẩm du lịch là do những người làm nghiệp vụ du lịch chưa có nhận thức đúng và đủ về sản phẩm du lịch. Phải có nhận thức đúng mới tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Vậy sản phẩm du lịch là gì?
Chúng ta biết rằng, sản phẩm du lịch được tạo thành từ 5 nhóm yếu tố:
– Khách du lịch;
– Tổng thể tự nhiên, lịch sử, văn hoá: Tài nguyên du lịch;
– Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật;
– Các dịch vụ và hàng hóa;
– Hệ thống quản lý, điều hành và nhân lực phục vụ du lịch.
Trong năm yếu tố trên, trừ nhóm yếu tố thứ nhất là khách du lịch, bốn nhóm yếu tố còn lại đều nằm trong tổng hợp các thành phần tạo nên sản phẩm du lịch. Như vậy, trên bình diện lý luận, sản phẩm du lịch là loại sản phẩm mang tính tổng hợp và hoàn chỉnh, bao gồm các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, các dịch vụ du lịch, các hàng hoá, tiện nghi, thái độ phục vụ…, nhằm thỏa mãn nhu cầu và kỳ vọng của du khách. Phải quan niệm đúng đắn rằng, sản phẩm du lịch là sản phẩm tổng hợp, hoàn chỉnh, không phải là sản phẩm riêng lẻ, tách rời. Sản phẩm du lịch phải được tập hợp từ các dịch vụ cần thiết: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ tham quan giải trí, hàng hóa tiêu dùng, đồ lưu niệm và các dịch vụ du lịch khác cho du khách (chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, chăm sóc trẻ con kèm theo…), phải được liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, đơn vị và cá nhân cùng tham gia trong xâu chuỗi sản xuất ra sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu du khách. Sản phẩm du lịch phải đạt chất lượng cao, có tính cạnh tranh, tính đặc thù, đặc sắc của vùng, miền. Cần nâng cao sản phẩm du lịch thành thương hiệu, có đẳng cấp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Lâu nay, chúng ta thường có quan niệm không đúng đắn và phiến diện về sản phẩm du lịch nên chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các “phân khúc” trong chuỗi sản xuất sản phẩm du lịch, hay nói cách khác là sản phẩm du lịch không có tính hoàn thiện. Vì vậy, sản phẩm du lịch không đủ sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, số lượng khách du lịch chưa tăng mạnh, số ngày lưu trú còn thấp, khách đến rồi ít quay trở lại, nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Chẳng hạn, một công ty lữ hành khi thiết kế, tổ chức tour du lịch cần chú ý đầy đủ các khâu, các công đoạn từ lúc đón tiếp đến khi chia tay, từ vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, tham quan, giải trí đến thuyết minh, mua sắm, giá cả, vệ sinh… Nếu trong chuỗi sản xuất sản phẩm du lịch trên có một khâu chất lượng kém thì khách du lịch sẽ không hài lòng với cả tour du lịch.
Sau khi được công bố là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, khách du lịch đến Hạ Long rất đông, họ háo hức thưởng thức cái đẹp tuyệt vời, có một không hai của nhân loại. Nhưng tối đến, họ vật vờ trên bãi biển, chẳng biết đi đâu, thưởng thức cái gì, và rồi, họ tính đến chuyện về phòng trong sự nuối tiếc. Giá như họ được lênh đênh trên biển trong những đêm trăng thanh gió mát, được thưởng thức những món ăn ngon lành chỉ có ở xứ sở này, trên mênh mang sóng nước để hương vị của biển, của trời, của đêm thấm vào tâm hồn họ thì thú vị và thỏa mãn biết nhường nào!.
Tài nguyên du lịch là sản phẩm tiên quyết, đóng vai trò quan trọng nhất, thế mà chúng ta đã khai thác sử dụng nó như thế nào?. Có thể nói là chưa đúng mức, còn bừa bãi, tùy tiện, thiếu quy hoạch. Một trong những giá trị lớn nhất của tài nguyên du lịch là tính nguyên bản! Vậy mà, rất nhiều tài nguyên du lịch, khi chúng ta khai thác đã đánh mất đi tính nguyên bản của nó! Chúng ta đã xây những cái không đáng xây, và phá đi những cái không được quyền phá. Các hang Chùa Hang, Thạch Động ở Hà Tiên, Kiên Giang, Non Nước Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, Tam Thanh ở Lạng Sơn…, đã bị bê tông hóa một cách nham nhở bởi những ngôi chùa xây tùy tiện, và những mảng xi măng trét lên những khối đá cho giống hình pho tượng. Những người đã từng leo lên đỉnh Bà Nà trước đây và bây giờ quay trở lại thường than thở rằng, khung cảnh nguyên sơ thơ mộng ngày ấy biến đâu mất rồi, để bây giờ chỉ thấy toàn là bê tông. Chúng ta xây những nhà máy thuỷ điện ngay trong vùng lõi các vườn quốc gia Kôn Ka Kinh, Chư Mom Rây… để có vài KW điện mà chẳng hề nghĩ đến việc môi trường sinh thái du lịch nơi đây sẽ bị tàn phá như thế nào?…
Các tài nguyên du lịch tự nhiên bị tàn phá bởi sự khai thác bừa bãi, khó kiểm soát đã là một lẽ, các tài nguyên du lịch nhân văn hiển hiện ngay trước mắt mọi người, thế mà nó cũng bị xâm hại không thương tiếc. Ngôi đình làng Đình Bản, chùa Tây Phương… đã không còn là nó khi người ta dỡ đi để xây lại mới. Các cửa vào Đền Hạ, Đền Trung… của Đền Hùng, ngày xưa các cụ làm thấp để “Con cháu về với Tổ Tiên thì phải cúi đầu chứ không được thẳng lưng mà bước”, vậy mà bây giờ, người ta làm cao lên để xóa đi ý nghĩa thiêng liêng ấy. Phần lớn các di tích lịch sử văn hoá, mặc dù nằm giữa lòng thành phố, vẫn bị xâm lấn và được sử dụng bừa bãi.
Một bãi biển ở Thái Lan, khi được mọi người khen đẹp thì hướng dẫn viên cho biết, nhờ chúng tôi mua cát ở Phú Quốc – Việt Nam về san lấp nên mới được như thế, trước kia nó sình lầy dơ bẩn lắm! Thiết nghĩ, chúng ta nên học hỏi họ trong việc cải tạo tự nhiên, biến cái không thể thành có thể, đừng tự ý phá hoại tài nguyên môi trường như một số trường hợp kể trên.
Nhiều năm qua, một số du khách quốc tế vì không hài lòng với sản phẩm du lịch nên họ đã rút ngắn thời gian lưu lại nước ta. Số khách du lịch trở lại Việt Nam cũng rất ít vì ngành du lịch Việt Nam chưa xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng chỉ khai thác tài nguyên du lịch có sẵn một cách thụ động, tùy tiện, hàm lượng trí tuệ và tâm hồn ít, dẫn đến nhàm chán và đơn điệu. Đặc biệt, chúng ta còn để xảy ra tình trạng ép giá, chặt chém trong mua sắm, ăn uống và vận chuyển, đặc biệt là xe taxi. Cảnh thiếu nhà vệ sinh và ô nhiễm môi trường, cảnh ứng xử kém văn hóa, cảnh thiếu nơi giải trí, nhất là về đêm, cảnh người bán hàng và người ăn xin đeo bám, hướng dẫn viên thuyết minh sai, trình độ ngoại ngữ yếu đã gây nhiều sự phiền hà và bức xúc với du khách quốc tế.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế về tự nhiên và nhân văn. Đặc biệt, nước ta có nhiều di sản tự nhiên và nhân văn đã được UNESCO công nhận, đồng thời, Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị và an toàn. Đó là những thuận lợi cơ bản để thu hút khách quốc tế đến. Nhưng vì sản phẩm du lịch của chúng ta còn nhiều yếu kém nên chưa thu hút và hấp dẫn khách quốc tế, chưa mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế.
Để có lượng khách du lịch quốc tế đến ngày một tăng, ngành du lịch nước ta và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, các công ty lữ hành, các nhà hàng khách sạn, các điểm tham quan, các khu vui chơi giải trí…, cần phải khẩn trương thực hiện các vấn đề sau đây:
1/ Cần nhận thức đúng về sản phẩm du lịch là sản phẩm hoàn thiện và tổng hợp, là tập hợp các dịch vụ cần thiết, có tính hợp tác liên kết cao giữa các vùng miền, giữa các đơn vị và cá nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm du lịch bao gồm các thành phần tài nguyên du lịch cộng với dịch vụ và các hàng hóa du lịch. Sản phẩm du lịch không phải là sản phẩm đơn độc, riêng lẻ, mạnh ai nấy làm.
2/ Cần nhận thức đúng là sản phẩm du lịch hiện nay đang ở thời kì hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, sản phẩm du lịch Việt Nam phải có tính cạnh tranh cao, có chất lượng, có tính đặc thù của từng vùng miền.
3/ Chú ý đào tạo có tính chuyên nghiệp đối với người làm công tác xây dựng sản phẩm du lịch ở các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các địa điểm vui chơi giải trí, công ty vận chuyển…
4/ Vận động và giáo dục cộng đồng nhân dân ta cần phải có văn hóa ứng xử thân thiện và có trách nhiệm với khách du lịch quốc tế với sản phẩm du lịch của mình, cần chuyển đổi nghề du lịch tự phát, manh mún, tùy tiện sang nghề du lịch chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, chất lượng.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu ra bảy nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nước ta. Một trong bảy nhóm giải pháp đó là nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch đã được đặt lên hàng đầu.
Vì vậy, toàn ngành du lịch nước ta từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch cần phải có chiến lược du lịch cụ thể và kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch này.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông sẽ nói lên sự thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, đồng thời sẽ góp phần tăng thu nhập, nâng hiệu quả kinh tế nhằm đưa ngành du lịch nước ta thành ngành kinh tế mũi nhọn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thị Phương Anh, Khoa Việt Nam học – Đại học Sư phạm Hà Nội, Ảnh hưởng của Toàn cầu hoá đến hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam.
2. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam – Tổng cục Du lịch (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
3. Luật Du lịch (2005), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.