BẢO TỒN và PHÁT HUY giá trị loại hình DIỄN XƯỚNG HÁT SẮC BÙA ở Bến Tre

1. Mỗi khi tết đến, xuân về, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, người dân Bến Tre lại tưng bừng chào đón năm mới. Bên cạnh việc sắm sửa bánh, trái, thịt, hoa quả,… để dâng cúng tổ tiên, thần, Phật và dùng để ăn trong những ngày tết thì họ lại nô nức tổ chức và tham gia nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ như hội hoa xuân, nghe đờn ca tài tử, hát sắc bùa,… Thế nên, trước thập niên 70 của thế kỉ XX, ở nhiều làng quê Bến Tre, hình ảnh đội sắc bùa ngày tết với bộ đồ bà ba, đem theo trống cơm, sanh tiền, sanh cái, đàn cò đi chúc tết khắp làng trên xóm dưới đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với người dân xứ dừa.

2. Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian truyền thống đã hiện diện lâu đời trong những ngày tết cổ truyền của người Việt ở Bến Tre nói riêng và người dân tại nhiều địa phương khác trên cả nước nói chung. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp với mục đích chúc tụng người yên vật thịnh, gia chủ có nhiều tài, nhiều lộc, gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn, con cháu hoà thuận và thành đạt.

     Ở Bến Tre, khác với đờn ca tài tử, hát sắc bùa chỉ phổ biến ở một vài địa phương như Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức, An Bình Đông, Mĩ Nhơn của huyện Ba Tri và Tân Thanh của huyện Giồng Trôm. Trong đó, nổi trội nhất là Phú Lễ 1, nơi đây được xem là cái nôi của hát sắc bùa ở Bến Tre, bởi trong những thập niên trước, Phú Lễ có nhiều đội hát sắc bùa với quy mô lớn và nghệ thuật diễn xướng đã đạt đến trình độ cao.

    Cũng như hát sắc bùa ở nhiều tỉnh, thành khác, hát sắc bùa Phú Lễ là loại hình sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, mang tính quần chúng rõ nét. Chính quần chúng nhân dân là đối tượng đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho hát sắc bùa phát triển. Tuy nhiên, đây là một loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian nhưng cũng mang màu sắc của một hoạt động lễ hội, vì nó vừa mang tính lễ nghi nông nghiệp pha tạp với pháp thuật của đạo giáo, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán.

__________
1. Phú Lễ là một trong 23 xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

     2.1. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hát sắc bùa xuất hiện ở Bến Tre vào khoảng thế kỉ XVIII, có nguồn gốc ở miền Trung, do những lưu dân trong quá trình di cư vào Nam đã mang theo. Mặc khác, trong gia phả của họ Hồ ở ấp 1, xã Phú Lễ có ghi: “Hồ Đức Quang đậu cử nhân khoa Ất Mùi, làm Án sát, rồi Đốc học tỉnh Bình Định. Ông có người con rể là Trần Văn Hậu đỗ Thái sinh đồ, thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay mới đem về dạy cho dân Phú Lễ hát” 1. Căn cứ trên nhiều dữ liệu, các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định: “Hát sắc bùa Phú Lễ có nguồn gốc từ hát sắc bùa miền Nam Trung Bộ và có thể có gốc gác trực tiếp với hát sắc bùa Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định – TG). Đây là một trong những chứng tích biểu hiện rõ nhất mối giao lưu văn hoá Trung Bộ – Nam Bộ” 2.

     Sau khi so sánh những yếu tố tương đồng giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa của một số địa phương khác như Hoà Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,… đồng thời liên hệ đối chiếu với hàng loạt gia phả của các gia đình, dòng họ đang sinh sống tại Bến Tre, các nhà nghiên cứu bước đầu đã đi đến kết luận rằng, hát sắc bùa Bến Tre có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Nam Trung Bộ về các phương diện như: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục, hình thức văn học, đặc điểm âm nhạc,…

__________
1. Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 15.

2. Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd, 1992, tr. 16.

     2.2. Về số lượng thành viên, mỗi đội hát sắc bùa ở Bến Tre thường có từ 4 đến 6 nghệ nhân, có khi lên đến 8 hoặc 12, nhưng ít nhất không được dưới 4 nghệ nhân, dưới sự điều khiển của một ông bầu. Tuy nhiên, đội hát sắc bùa được xem là đầy đủ nhất thường có 6 nghệ nhân, chơi sáu loại nhạc cụ gồm: hai người chơi sanh tiền, hai người chơi sanh cái, một người chơi trống cơm và một người chơi đờn cò. Điều đó cho thấy, mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Có một người hát chính gọi là cái kể (người mang trống cơm – giữ vai trò là ông bầu của cả đội), những người còn lại hát phụ gọi là con xô. Cái kể hát trước, mỗi người trong đội hát một câu so le, câu kết cả đội cùng hát.

     Cũng như các đội hát sắc bùa ở Quảng Nam, trong một đội sắc bùa ở Bến Tre thành viên chủ yếu luôn là nam giới. Theo giải thích của các nghệ nhân hát sắc bùa thì loại hình sinh hoạt này không kể ngày đêm nên không tiện để phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, do tư tưởng trọng nam khinh nữ ngày xưa, vả lại trong hát sắc bùa, những bài hát chủ yếu được hát trong nhà, trước bàn thờ tổ tiên như bài Dâng hương, vì thế đàn bà con gái đứng trước bàn thờ tổ tiên là điều không nên. Do đó, người ta không muốn nữ giới làm thành viên của đội sắc bùa, nếu không sẽ phạm vào điều “kiêng cữ”.

     2.3. Hát sắc bùa chỉ diễn vào dịp Tết Nguyên đán và chỉ phục vụ cho những gia đình có yêu cầu. Thời gian diễn ra hát sắc bùa được bắt đầu từ giữa đêm 30 tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Về trang phục, đội hát sắc bùa ở Bến Tre có phần khác với các tỉnh thành khác. Trang phục của đội hát sắc bùa ở Bến Tre thường là bộ đồ bà ba đen hoặc những màu sắc tuỳ theo sở thích của người mặc. Còn các đội hát sắc bùa ở miền Trung, như tại Thừa Thiên Huế, người làm cái và ông tróc quỷ thường mặc áo mã tiên vẽ rồng phượng, lưng thắt dây vải đỏ; ở Quảng Ngãi, trang phục của người làm cái là áo dài đen, quần lụa trắng, đầu chít khăn đỏ, chân mang giày vải thêu chỉ màu vàng, thắt lưng đỏ hoặc vàng; đặc biệt ở Quảng Nam, trước đây thành viên các đội hát sắc bùa thường mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi guốc mộc, người làm đội trưởng trên đầu phải đội khăn đóng. Giáo sư Lê Trí Viễn mô tả, các đội sắc bùa ở Quảng Nam thời bấy giờ “ăn mặc vui mắt: bắt cái áo rộng (áo thụng), khăn đóng, hò con khăn nhiễu, quần trắng, áo dài đen, thắt lưng ngũ sắc,…” 1. Nhưng từ sau năm 1945, trang phục của các đội hát sắc bùa Quảng Nam càng về sau càng đơn giản hơn, ngoại trừ người làm cái bắt buộc phải áo dài, quần Tây, khăn đóng, chân mang giày thì người làm con chỉ cần áo sơ mi, quần Tây, mang giày là được, thậm chí nếu người làm con không có giày thì mang dép 2.

     2.4. Nhạc cụ của một đội hát sắc bùa gồm: hai sanh tiền, hai sanh cái, một đàn cò và một trống cơm. Trong quá trình hát, chiếc trống cơm đóng vai trò quan trọng trong suốt buổi diễn và do người làm cái mang trước bụng, dùng hai tay vỗ hai bên mặt trống. Khác với các loại trống khác, trống cơm dùng trong hát sắc bùa ở Bến Tre có chiều dài khoảng 50cm, hai đầu hơi tum, đường kính mặt da khoảng 15cm, thường được làm bằng thân gỗ mít, đục rỗng ruột rồi bịt da ở hai đầu. Trong các nhạc cụ kể trên, nghệ nhân sử dụng nhạc cụ trống cơm (ông bầu, người làm cái) thường giữ nhịp và hát bắt cái (còn gọi là cái kể) và là người giữ vai trò đội trưởng của đội hát sắc bùa.

     2.5. Mỗi buổi hát sắc bùa được chia ra thành hai phần: phần mang tính nghi lễ và phần hát giúp vui. Phần mang tính nghi lễ bắt đầu thực hiện từ ngoài cửa rào – trước cửa nhà – trước bàn thờ gia tiên – dán bùa yểm quỷ, trừ tà trên các cửa nhà, tuần tự gồm các bài: Mở cửa rào, Mở ngõ, Cõi nam, Khai môn, Rước xuân, Tiên sư, Trừ tà, Xốc quách, Dán bùa và bài Dẫn bùa.

     Ngoài bài Mở cửa rào, một bài hát sắc bùa mang tính nghi lễ thường chia thành 3 phần: phần mở đầu là những câu rao do ông bầu (cái) hát bắt giọng, trống cơm và đàn cò dạo theo. Kết thúc phần mở đầu là phần nội dung, câu đầu do tất cả các đội viên còn lại vào nhịp hát gọi là con xô, câu thứ hai cái kể, câu thứ 3 con xô và cứ như thế cho đến hết phần nội dung. Hai câu sau cùng là câu kết thúc, toàn đội sẽ hát chung.

     Phần quan trọng không thể thiếu là hát bài Dán bùa và dán bùa. Nghi thức hát và dán bùa tuy không cầu kì nhưng diễn ra rất trang nghiêm. Theo quan niệm xưa, ngày xuân, ai lại không thích đội sắc bùa vào nhà mình trấn áp ma quỷ, đem đến sự an lành cho gia chủ. Từ lí do đó nên một trong những khâu đội hát sắc bùa trước khi đi biểu diễn trong dịp tết cổ truyền là chuẩn bị sẵn những lá bùa. Thông thường, họ không làm mà nhờ những người làm thầy cúng tương đối có tiếng tăm trong hay ở ngoài làng làm giúp.

     Về hình thức, lá bùa là mảnh giấy có hình chữ nhật, dài khoảng 15cm, rộng khoảng 4 – 5cm, màu vàng hoặc có thể màu đỏ. Lá bùa có thể dài, rộng tuỳ theo cửa nhà rộng hẹp. Hình thù lá bùa được viết bằng chữ Hán, xung quanh có những hình vẽ nhìn có vẻ huyền bí, được dán ở cửa trước hoặc căn giữa ngôi nhà. Lá bùa trong hát sắc bùa ở Bến Tre cũng gần giống với lá bùa trong múa hát sắc bùa ở một số tỉnh thành khác 3.

__________
1. Lê Trí Viễn, Sắc bùa xứ Quảng, Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng, số Xuân Tân Tị, 2001, tr. 40.

2. Phạm Hữu Đăng Đạt, Sắc bùa xứ Quảng, NXB Đà Nẵng, 2010, tr. 54-55.

3. Ở tỉnh Quảng Nam, lá bùa là mảnh giấy có hình chữ nhật, màu vàng, trên và dưới đều có đường viền màu xanh (có nơi không có đường viền màu xanh), dài khoảng 30cm, rộng khoảng 10cm. Hình thù lá bùa do thầy cúng vẽ rất kì dị, không ra chữ, không ra hình, nhìn có vẻ huyền bí. Lá bùa được dán ở căn trung, tức bên trong đầu cửa ra vào, đối diện với bàn thờ tổ tiên. Nhưng, nếu gia chủ yêu cầu, người ta cũng có thể dán ở cửa buồng hay ở chuồng heo. Còn ở tỉnh Nghệ An, lá bùa được làm bằng giấy nhuộm màu nghệ, trên đóng ấn bằng son, dùng để dán lên nóc cửa, buồng the, chuồng lợn, chuồng trâu và trên cả hồi nhà. Ở tỉnh Quảng Ngãi, nghi thức ém quỷ trừ tà xưa diễn ra khá phức tạp, như gia chủ phải đem con gà trống đã làm sẵn ra cúng ngoài sân, rồi đội hát sắc bùa tiến hành các nghi thức để tiến hành các thủ tục phạt mộc, rồi mới đến hát bài trấn bùa và trấn bùa với ba lá bùa được trấn trên giữa xuyên, ngay tim nhà, trước bàn thờ chính ngó vào, hai lá bùa được trấn hai bên…

     Khi hát dán bùa, một thành viên trong đội tay cầm lá bùa, miệng vừa hát, tay vừa dán lên cửa mở ra hướng Đông hoặc các hướng Tây, Nam, Bắc tuỳ theo vị thế của từng ngôi nhà. Bài Dán bùa được hát như sau:

Cái kể: Cửa này là cửa Đông phương
Ngọ, Giáp, Ất thuộc chi hành mộc
Chi mẹo, dần dưỡng ở mùa xuân
Trời có sanh Thái hiệu thần linh
Quản phương ấy trừ chơn tà quỷ
Lá phù Quan đế mà trấn cửa Đông phương
Con xô: Đông phương! Đông phương!
Cái kể: Xuất nhập hanh thông
Con xô: Chói ngời trời mọc
Cái kể: Mát mẻ gió xuân
Con xô: Lộc tới rần rần
Cái kể: Cả nhà cả cửa
Con xô: Bốn mùa vượng tướng
Cái kể: Một thuở hiển vang
Con xô + Cái kể: Năm mới giàu sang
Con xô + Cái kể: Gia quan tấn lộc.

     Sau những bài hát mang tính nghi lễ, toàn đội đến bộ ván (được xem như là sân diễn) để hát giúp vui. Phần giúp vui thực hiện đan xen hai nội dung gồm các bài có nội dung chúc tụng gia chủ và các thành viên trong gia đình năm mới làm ăn phát đạt, nghề nghiệp phát triển thành đạt trong mọi lĩnh vực và chúc nghề nghiệp cho khách đến vui xuân, cùng với những bài chúc tụng là những bài hát giúp vui gồm những bài vè, lí theo yêu cầu của gia chủ và vừa theo yêu cầu của khách du xuân.

     Kết thúc phần hát giúp vui là bài Giã từ, sau đó vừa đi ra cổng vừa hát bài Ra đi. Kết thúc buổi hát và tiếp tục cuộc lưu diễn cho đến hết tháng Giêng 1.

     Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, do mục đích thực hành nghi lễ của sinh hoạt hát sắc bùa quy định nên nội dung của các bài hát sắc bùa có đặc điểm riêng. Các bài hát chúc là những bài hát nặng về tính chất xưng tụng xen lẫn với phù chú có tính chất ma thuật. Nhưng chủ đề lớn của nó là những mơ ước của người lao động. Người nông dân cầu mong cho “lúa tốt thấy da, một bông bảy nhánh”; người nuôi tằm ươm tơ dệt vải thì cầu mong vải tốt, vải đẹp “bạn hàng đến tay”, “làm không kịp đủ”; còn người thợ hồ, thợ mộc thì mong “người ta năng rước” để “bạc vô như nước, tiền chất đầy rương”,… Tất cả đều là mơ ước lớn lao và chính đáng của người lao động. Điều này cho thấy nguồn gốc lễ nghi nông nghiệp cổ xưa của tục hát sắc bùa Phú Lễ 1.

3. Có thể nói, hát sắc bùa trong dịp đầu năm mới nhằm cầu cho gió thuận mưa hoà, mùa màng bội thu, cây cỏ tươi tốt, vạn vật sinh sôi, gia đình hoà thuận, tống quỷ trừ ôn, trăm nghề tấn phát,… Nhưng vào những thập niên trước, do nhiều nguyên nhân mà hát sắc bùa ở Bến Tre bị “quên lãng” dần đi. Những năm gần đây, nhằm bảo tồn và phát huy kịp thời những di sản văn hoá phi vật thể có nguy cơ bị mai một, trong đó có diễn xướng hát sắc bùa, những nghệ nhân tâm huyết với loại hình nghệ thuật này đã cho phục dựng lại nghệ thuật hát sắc bùa nhằm giữ gìn điệu hát độc đáo của quê hương.

     Trải qua quá trình phát triển, hát sắc bùa ở Bến Tre đã để lại một số lượng đáng kể những sáng tác dân gian, những làn điệu dân ca có giá trị. Đó là nguồn tư liệu vô giá phản ánh cả một số mặt về văn hoá vật chất lẫn tinh thần của cư dân Bến Tre. Song song với quá trình phát triển của lịch sử, thì trình độ nhận thức của con người ngày càng được nâng cao, do đó, hát sắc bùa ở Bến Tre cũng dần dần biến đổi và ngày càng gắn liền với hiện thực của đời sống, trong khi phần tập tục, nghi lễ mang tính chất ma thuật phai nhạt dần.

__________
1. Lư Hội, Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Bến Tre, 2005, tr. 157.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Phạm Hữu Đăng Đạt, Sắc bùa xứ Quảng, NXB Đà Nẵng, 2010.

2. Lư Hội, Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre, Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Bến Tre, 2005.

3. Trần Hồng, Hát sắc bùa, NXB Đà Nẵng – Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2001.

4. Huỳnh Ngọc Trảng, Hát sắc bùa Phú Lễ, NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

5. Huỳnh Ngọc Trảng – Phạm Thiếu Hương, Đặc khảo về hát sắc bùa, Sở Văn hoá – Thông tin và Trung tâm Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

6. Lê Trí Viễn, Sắc bùa xứ Quảng, Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng, số Xuân Tân Tị, 2001, tr. 40.

NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆP 1

__________
1. Nhà báo, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bến Tre.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *