Bữa ăn “NĂM VỐ” cuối cùng – Tập 2: ĐỨA CON MẶT TRỜI

Một buổi nọ, khi tôi mới bước vào quán là bà chủ đã kéo tay tôi vào bên trong- một chỗ hơi khuất- gần cái buồng ngủ của ông bà – phòng vip “chín cựa” đây rồi! – Bà căn dặn ”hôm nay tình hình bị động!”. Nói xong, bà đẩy tôi ngồi xuống và tô Phở “có ngay” được đem ra. Không ngờ đây lại là tô phở “đặc biệt” – vì tô phở còn điểm xuyết “một quả trứng gà đập còn nguyên tròng đỏ” dành cho tôi gọi là “khuyến mãi” nằm gọn trên “mặt tiền”. Khi vén đám rau sống ra nó hiện nguyên hình, trông như “đứa con Mặt Trời”! Khi ấy tôi dùng chiếc thìa hốt gọn nó và cho trôi tuột vào ruột gan. “ông Mặt Trời con” đã lọt vào trong tôi, chả cần phải vất vả phi ngựa như Thành Cát Tư Hãn xua quân về hướng Đông đòi bắt “Mặt Trời bố” phải quỳ lạy dưới chân ông.

Bỗng từ đâu, cái không khí nhộn nhịp ồn ào đã tắt lịm. Một nhóm “thày chú” mặc sắc phục cảnh sát đi kèm theo mấy anh mặc đồ “xi vinh” kéo nhau vào quán. Ông bà chủ – kể cả cô con gái- đều lăng xăng lo phục vụ kéo bàn, kéo ghế cho đủ chỗ. Mấy chú xích lô lo cuốn gói. Mấy anh trai trẻ thuộc loại “đào ngũ, trốn lính” lặn mất. Còn tôi, đôi chân bắt đầu gõ nhịp mạnh. Tôi xoay mặt vào phía sâu trong cùng. Quán phở lại không có cửa sau, chỗ tôi ngồi là “bước đường cùng”. Ngay lúc đó, cô con gái bước vào nói khẽ: “anh cứ ngồi im- coi như bình thường – nếu có chuyện thì cứ chui vào gầm giường ba mẹ em- không sao- có con chó nhà đã chửa đẻ ở đó! để em giới thiệu trước – Kiki!- người quen nha con!”.

(Theo tài liệu Technique du Peuple Annamite -Kĩ thuật của người An Nam của Henri Oger 1908-1909, Hà Nội) mà PS TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng đã chú giải Hán Nôm: “Ăn trộm trèo tường”

Từ gầm giường con chó mực cái chui ra với một bộ vú lòng thòng trông bệ vệ, lịch lãm và một đàn chó con mắt nhắm mắt mở nhí nha​ nhí nhảnh theo mẹ đòi bú – “Được! Tụi bay chui ra- có gì cho chú chui vào!” “Bảo vệ nha các con! Người nhà các con ạ”- nói xong cô đi ra ngay. Tôi bèn ngồi xuống lấy theo “cục xương” chìa ra cho con KiKi như “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Nó le lưỡi cho có lệ -chắc là còn đang ”ở cử”-. Nhân lúc đó, tôi cúi xuống gầm giường, rồi nhìn ra ngoài như “gà mắc đẻ”. Cho đầu chui vào trước hay cho chân! Mà phải chui bằng cách nào? Trong nháy mắt- nhờ vào kiến thức “học giả” – qua mấy tác phẩm chuyên nghề ăn trộm- đặc biệt nghề “trèo tường, khoét vách” ngoài Bắc- mà tôi đã xem qua bản vẽ của H.Oger về tên trộm trèo tường – nên tôi có ngay tư tưởng là không nên cho đầu vào trước để lòi cặp giò ngó ngoáy. Trong trường hợp “đặc thù” này! nhỡ con chó đẻ tưởng nhầm “tên trộm” nào đó vào “hốt ổ”!!!

Bỗng! cô gái hô to. “Ấy! Ấy! Chú muốn đi vệ sinh hả!, Để cháu vào trước giữ con chó đẻ. Nó sợ chú bắt con nó!”. Ngay lập tức, tôi thực hiện kế hoạch – Ôi! Cái mùi nước tiểu hòa lẫn mùi phân nồng nàn chân chất của bầy chó con mà mẹ nó chưa dọn sạch- đã lâu ngày. Bây giờ thì bầy chó đã ra ngoài giường. Nhưng con chó mẹ mò đến le lưỡi liếm quanh cái mồm tôi- chắc là còn mùi phở. Còn bầy chó con cũng theo vào lăng xăng. Trong giây phút này- trong đầu tôi hiện ra cái hình ảnh -hồi đó- khi ở trong nhà giam nhờ dạy mấy “tiếng bồi Mỹ” ê a cho thày cai ngục để cho thày khi về hưu xin đi giữ kho cho sở Mỹ -“Hao đu du đu” – “ô kê”. Thày cai ngục thương quá bèn bảo lãnh cho tôi được một chân ra ngoài “rửa cầu”. Ôi! Cái mùi “toát ra từ những người tù” nó có nặng mùi nhưng trông chừng “dễ thở” hơn cái mùi từ con chó đẻ.

“Cha! Bầy chó con dễ thương quá! Cho bắt một con đem về nuôi chơi”.

Con chó mẹ bèn nhe răng sủa ỏm tỏi. Cô con gái hoảng hốt! “Chú ơi chú! Nó dữ lắm!

Thôi chú để nó dứt sửa mẹ rồi cháu bắt cho chú một con- Chú đi ra đi chú”. “Ừ! Đi raNhớ nhe”!. “Này! Hình như có người ngủ quên dưới gầm giường!!”

Ngay sáng hôm đó, tôi xin ông bà chủ cho tôi xem “quyển sổ nợ”. Cô gái lấy ra một cách miễn cưỡng. Trong tháng qua, có 7 tô chưa trả tiền- mỗi tô 5 đồng. Tôi hỏi “sao cô không ghi nợ mấy tô xí quách, mấy chén nước béo, mấy quả trứng gà, rồi cả một chén thịt ăn thêm?!”. Cô không trả lời!. Tôi móc trong túi xấp tiền, đếm từng con số trông như cái anh chi tiền “hụi chết”. “Rồi! Thanh toán đủ!”. Ông bà chủ cứ tần ngần. Còn cô con gái quay lưng đi. Hai vai cô lay động.

– Nhà chú ở đâu?

– Không có nhà đâu hai bác. Nay chỗ này mai chỗ kia!

– Chú đừng đi luôn nhe chú! Thỉnh thoảng chú ghé lại dùng bác Phở. Chúng tôi không biết còn sống đến lúc nào! Thời cuộc thế này thế khác!”.

Nguyễn Mạnh Hùng

Ảnh minh họa: Họa sĩ – Điêu khắc gia Nguyễn Đắc

 

Truyện đã đăng trên Chuyên đề Giáo dục & Thời đại , số 694 (27/04/2011).

Xin quý độc giả xem tiếp Phần cuốiThượng Bồ Đề – Hạ Làm Vồ