Chức năng cơ thể với trang phục -Xét từ quan điểm thiết kế trang phục tiện dụng
Tác giả bài viết: INOMATA MIEKO
(Đại học nữ sinh Showa)
Những thuật ngữ chính: Trang phục, chức năng cơ thể,
thiết kế trang phục tiện dụng (universal design), người cao tuổi, động tác cài khuy.
1. Mở đầu
Tại Nhật Bản, số lượng người cao tuổi ngày càng trở nên nhiều hơn. Với họ, yêu cầu về trang phục không chỉ là khắc phục được những vấn đề như tuổi tác, vóc dáng hay khiếm khuyết trên cơ thể, mà còn phải thoải mái, tiện dụng và đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Trang phục là môi trường gần gũi nhất với con người. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, do vậy yêu cầu một trang phục phải tiện lợi và thoải mái khi mặc cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cùng với tuổi tác, các trạng thái của cơ thể như hình dáng, chức năng cơ thể cũng thay đổi theo nên trang phục dành cho nhóm người có tuổi và trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện các chức năng hoạt động, cũng phải khác so với trang phục của thanh niên. Ngay cả trong nhóm người cao tuổi cũng có sự khác nhau khá lớn giữa cơ thể của người khỏe mạnh và người sức khỏe yếu phải có người chăm sóc, do vậy thiết kế trang phục cho họ cũng phải khác nhau. Ví dụ, với động tác mặc và cởi quần áo, đối với những người có tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh thì yêu cầu đối với trang phục là cởi, mặc phải dễ dàng đồng thời dễ hoạt động. Còn đối với những người sức khỏe yếu phải có người chăm sóc, thì yêu cầu lại là tạo sự dễ dàng cho người hộ lý chăm sóc khi cởi ra mặc vào, đồng thời phải đem lại sự thoải mái cho bản thân người mặc. Hiện người ta đang tiến hành các nghiên cứu liên quan tới trang phục của người cao tuổi, nhưng những thành quả nghiên cứu đó vẫn chưa được phản ánh một cách đẩy đủ trên những bộ trang phục may sẵn hiện nay. Chúng ta hi vọng sẽ có những bộ trang phục may sẵn phù hợp với vóc dáng, đặc tính động tác và chức năng sinh lý của người cao tuổi.
Trong bối cảnh như vậy, gần đây ở Nhật Bản, người ta rất quan tâm tới việc thiết kế trang phục trang phục tiện dụng. Thiết kế trang phục tiện dụng được giáo sư Ronald L.Mace thuộc Trường đại học bang North Carolina của Mỹ đề xướng vào những năm 1990, với ý nghĩa “thiết kế trang phục phù hợp với tất cả mọi người dù tuổi tác thế nào hay khả năng ra sao”. Trong lĩnh vực trang phục học, người ta đã tiến hành phân tích chức năng hoạt động, chức năng sinh lý cua tất cả các nhóm người từ lứa tuổi thanh niên trẻ khỏe cho tới nhóm những người sức khỏe suy giảm do tuổi tác và bệnh tật, đồng thời tiến hành thử nghiệm những thiết kế tạo ra “loại trang phục thoải mái” dựa trên quan điểm thiết kế trang phục tiện dụng.
2. Phân tích động tác dựa trên quan điểm thết kế trang phục
Trên quan điểm của một nhà thiết kế trang phục, tôi đã tiến hành nghiên cứu về những tính năng của trang phục như dễ cử động và thoải mái khi mặc. Đồng thời, tôi cũng phân tích các động tác mặc vào, cởi ra, tìm hiểu xem với những bộ trang phục khác nhau thì các động tác ấy khác nhau như thế nào. Để hình dung được sự thay đổi trong động tác, tôi đã đo điện đồ cơ bắp (electromyogram – EMG, sơ đồ 1)(1), sơ đồ này giúp ta biết được cử động của cơ bắp, đo áp lực của quần áo (áp lực giữa cơ thể và quần áo) và đo sự biến đổi các số đo của cơ thể(2).

Do trang phục khác nhau thì lực ma sát cũng khác nhau, nên ta có thể biết được bộ nào dễ mặc, bộ nào không. Lực ma sát càng lớn bao nhiêu thì dòng điện lưu sản sinh ra từ cơ Denta càng lớn bấy nhiêu, do đó ta có thể biết được mức độ lực tác động lên cơ như thế nào.
3. Động tác cài khuy ở nguời cao tuổi
Theo kết quả điều tra ý kiến đánh giá của người cao tuổi đối với trang phục may sẵn, họ cho rằng ống tay thì dài còn cài và tháo khuy ống tay thì khó, nên người ta đã tiến hành thử nghiệm động tác cài khuy trên 18 đối tượng nữ từ 64 đến 89 tuổi và 9 đối tượng nữ ở độ tuổi 20(3). Để nắm được một cách định lượng mức độ dễ dàng của động tác cài khuy, người ta đã đo thời gian cài khuy, đồng thời kết hợp với việc quan sát động tác cài khuy, người ta đã thử tìm hiểu những đặc tính trong động tác của người cao tuổi khi mặc quần áo. Việc đo thời gian và quan sát động tác được thực hiện bằng phương pháp phân tích qua video. Kết quả cho thấy rằng, người càng có tuổi thì thời gian cài khuy trung bình sẽ càng lâu. Căn cứ vào thời gian trung bình và mức độ khác biệt so với thời gian tiêu chuẩn thì sự khác biệt ở nhóm tuổi 70 là rất lớn. Động tác cài khuy của những thanh niên ở nhóm tuổi 20 và những người cao tuổi cũng rất khác nhau. Động tác cài khuy của người cao tuổi có 2 kiểu. Kiểu một là kéo cổ tay áo lại gần phía bàn tay, dùng ngón tay ấn cổ tay áo rồi cài khuy (hình 2). Kiểu 2 là nghiêng cổ tay lên, kéo cổ tay áo về phía khỷu tay rồi cài khuy. Người ta thấy rằng cả hai cách trên đều có động tác khép cánh tay vào người, cố định cổ tay áo sau đó cài khuy và theo những người khó cài khuy thì cần đính sao cho dễ cầm khuy hơn.
![]() | ![]() |
Hình 2: Ví dụ động tác cài khuy của người cao tuổi | Hình 3: Cách đính khuy |
4. Trang phục dễ cài khuy
Người ta đã so sánh thời gian cài khuy ngực của một số áo sơ mi với mỗi chiếc có cách đính khuy khác nhau(4) (hình 4). (1) Trường hợp dùng chỉ cotton và đính khuy bằng tay (2) Trường hợp sử dụng chỉ cao su và đính khuy bằng tay (3) Trường hợp áo may sẵn, sử dụng chỉ cotton và đính khuy bằng máy. Kết quả cho người ta thấy rằng: thời gian cài khuy ở mọi vị trí của áo may sẵn rất lâu, đặc biệt là khoảng thời gian cài khuy lâu nhất trong 3 cách lại rất dài nên có thể thấy vẫn có người gặp khó khăn khi cài khuy. Đối với trường hợp (1) và (2) đính khuy bằng tay thì thời gian cài được rút ngắn hơn. Trường hợp khuy đính bằng chỉ cao su được đánh giá là “rất dễ cài”. Đó là do khi cầm, chân chỉ bằng cao su có thể kéo dãn ra hợp với độ dày của đầu ngón tay, đồng thời độ co dãn của loại chỉ cao su dùng trong cuộc thử nghiệm lần này rất vừa vặn với lực kéo ở đầu ngón tay người cao tuổi. Qua đó, người ta nhận định rằng, việc cài khuy sẽ dễ dàng hơn nếu như cân nhắc một số yếu tố, đối với khuy ở vị trí khó cài như khuy ống tay áo, khuy ngực số 1 thì gắn thêm chân chỉ, hoặc sử dụng loại chỉ có tính chất co dãn. Phải cân nhắc độ dài thích hợp cho chân chỉ vì độ dầy của ngón tay mỗi người khác nhau và vị trí của khuy cũng khác nhau. Mặt khác, người ta cũng thấy rằng đối với những người không gặp khó khăn trong việc cài khuy thì cài cách nào cũng vậy đều không có sự khác biệt nhiều.
Tiếp đó, người ta đã tiến hành thử nghiệm cho nhóm đối tượng là nữ giới ở độ tuổi 20 thử cài khuy theo 2 cách: một là cài bằng tay trần và một là đi bao tay 2 lớp để không cảm giác được bằng đầu ngón tay, với chất liệu vải may trang phục có độ co dãn khác nhau và khuy cũng có màu sắc và hình dáng khác nhau. Kết quả cho thấy, khi đi găng tay cài khuy, giống như người cao tuổi, họ phải nhìn chăm chú vào khuy và lỗ khuyết, đồng thời thời gian thực hiện động tác trên mỗi bộ trang phục thử nghiệm cũng khác nhau khá lớn. Khi chất liệu có độ co dãn (Polyester – Polyurethane, sợi dọc: 274.20%, sợi ngang: 199.40%) thì thời gian cài khuy ngắn hơn và cài cũng dễ dàng hơn. Đối với khuy ngực số 1, sự khác biệt về thời gian cài tương đối lớn. Còn đối với những người đi bao tay, cảm giác bằng đầu ngón tay kém, thì sự khác nhau về chất liệu vải và khuy có ảnh hưởng lớn tới việc mặc và cởi trang phục, đặc biệt ở những vị trí khó cài thì sự khác biệt đó càng thể hiện rõ rệt.
Hình 4: Những người tham gia thí nghiệm: Phụ nữ trong độ tuổi từ 65 đến 89 13 người MIN mức tối thiểu MAX mức tối đa MEAN mức trung bình Số 1, số 2 là vị trí của nút tính từ trên xuống dưới
Bảng4 Cách gắn nút và thời gian cài nút đối với phụ nữ lớn tuổi
5. Kết thúc
Đối với những người có chức năng cơ thể kém, việc mặc hay cởi trang phục có dễ dàng hay không chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách đính khuy cũng như chất liệu của trang phục. Với những người cao tuổi gặp khó khăn khi cài khuy, thì chỉ cần đính lại khuy bằng tay, chắc chắn trang phục đó sẽ trở nên thuận tiện hơn, không gây cho người mặc có cảm giác mình đã già nua.
Khi muốn thiết kế một trang phục có tính tiện dụng, phải điều chỉnh và cân nhắc sao cho thiết kế phù hợp với từng trạng thái cơ thể như người còn khỏe mạnh, người sức khỏe suy giảm do tuổi tác hay những người bị bệnh hoặc bị thương. Qua những cuộc thử nghiệm như vậy, hy vọng rằng những đặc tính trong động tác trong việc mặc và cởi quần áo của người cao tuổi và người tàn tật sẽ được làm rõ thêm, từ đó thúc đẩy quá trình thiết kế theo hướng tạo ra những trang phục thoải mái và dễ hoạt động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Inomata Mieko: Quan điểm về sinh hoạt trang phục (tác giả kiêm biên tập: Nakajima Toshinari), nhà xuất bản Koseikan, trang 25-28 (1999).
Inomata Mieko và một số tác giả khác: Trường đại học nữ sinh Showa (682), nhà xuất bản Gakuen, trang 134-141 (1996).
Inomata Mieko, Nakamura Ayako: Báo cáo của Hiệp hội Nihonkasei, 48(6), trang 531-537 (1997).
Inomata Mieko, Nakamura Ayako: Trường đại học nữ sinh Showa (726), nhà xuất bản Gakuen, trang 21-28,(2000).
Nguồn:
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chức năng cơ thể với trang phục -Xét từ quan điểm thiết kế trang phục tiện dụng (Tác giả: Inomata Mieko) |