Để các làng nghề truyền thống phát triển đúng hướng
Tác giả bài viết: THỦY CÔNG
Hiện nay cả nước có khoảng hơn 2.000 làng nghề với lịch sử hàng trăm năm. Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vừa qua, kinh tế làng nghề đã có bước phát triển đáng kể, thu hút một lực lượng lớn lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn. Sản phẩm từ các nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước mà còn vươn tới nhiều thị trường nước ngoài như Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, Ca-na-đa, Trung Quốc, Nhật Bản… Có được những kết quả đó là nhờ sự năng động, sáng tạo, biết phát huy sức mạnh nội lực, tự tìm kiếm hướng đi của mỗi người dân trong làng nghề dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, đặc biệt là tổ chức đảng ở cơ sở. Qua khảo sát một số tổ chức cơ sở đảng nơi có làng nghề truyền thống thuộc các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, chúng tôi thấy:
Chọn hướng đúng
Trước những năm 80 của thế kỷ XX, làng nghề truyền thống rất phát triển, nhiều loại sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và Đông Âu như sơn mài Hạ Thái, tranh thêu Quất Động (Thường Tín – Hà Tây), tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh)… Nhưng, cuối thập niên 80, trước những biến động trong đời sống chính trị trên thế giới cũng như những thăng trầm của nền kinh tế đất nước, các làng nghề truyền thống chịu nhiều sóng gió sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, không ít làng nghề và HTX thủ công nghiệp tan vỡ, nhiều gia đình có nghề truyền thống phải chuyển sang nghề khác hoặc ra thành phố kiếm việc làm. Nhiều nghề có nguy cơ thất truyền. Trước tình trạng đó, nhiều cấp uỷ và tổ chức đảng nơi có làng nghề truyền thống đều trăn trở tìm, mở hướng đi. “Có nghề không thể để nhân dân rơi vào tình trạng thất nghiệp”. Từ suy nghĩ này, nhiều cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng đã có chủ trương khôi phục nghề truyền thống và coi đây là một hướng phát triển kinh tế của địa phương. Đảng uỷ xã Phong Khê (Yên Phong – Bắc Ninh) xác định, khôi phục và phát triển nghề làm giấy truyền thống để giúp nhân dân phá thế thuần nông, chủ động làm giàu và chủ trương phải tạo được bước đột phá trong nghề này. Từ chủ trương của Đảng uỷ, Đề án Chuyển đổi sản xuất giấy thủ công sang sản xuất bằng máy với quy mô vừa và nhỏ được xây dựng. Xã đã quy hoạch 2,5ha đất nông nghiệp thành khu sản xuất công nghiệp tập trung. Không phải ngay lúc đầu chủ trương này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi tập quán canh tác nông nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Thêm vào đó, người dân vốn sản xuất kiểu thủ công, chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp. Đảng uỷ và chính quyền xã tổ chức quán triệt đến các chi ủy, lãnh đạo các đoàn thể, các trưởng thôn để thống nhất chủ trương, giải pháp vận động nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong từng giai đoạn phát triển, Đảng ủy đều có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển làng nghề như: Nghị quyết lãnh đạo chuyển từ sản xuất giấy pháo sang sản xuất giấy theo công nghệ mới (năm 1994-1995), Nghị quyết phát triển vùng công nghiệp, làng công nghiệp, cụm công nghiệp (năm 2000), Nghị quyết lãnh đạo quy hoạch, quản lý làng nghề tại địa bàn (năm 2003)…
Vốn có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ với đội ngũ những người thợ có tay nghề cao, nhưng trong nhiều năm trước đây, làng Đồng Kỵ gần như không phát huy được nghề truyền thống tại địa phương, nhiều nhóm thợ phải đi làm thuê khắp nơi. Qua nghiên cứu tiềm năng và dự đoán tương lai phát triển nghề truyền thống, Đảng uỷ xã Đồng Quang (Từ Sơn – Bắc Ninh) chủ trương tập hợp, động viên những người đi làm thuê trở về vận dụng kinh nghiệm, tay nghề của mình đứng ra tổ chức sản xuất tại quê hương. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và triển khai của UBND, các thủ tục đăng ký với các cơ quan chức năng, thẩm định hồ sơ, vay vốn ngân hàng nhanh chóng được hoàn thành… tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sớm đi vào sản xuất. Bên cạnh việc hình thành những khu công nghiệp lớn hàng trăm héc-ta để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, Huyện uỷ Việt Yên (Bắc Giang) chủ trương phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và mở mang các làng nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nông dân. Nhờ chủ trương đúng đắn này mà Việt Yên không chỉ khôi phục và phát triển được các làng nghề truyền thống, còn du nhập được những nghề mới, đưa tỷ trọng công nghiệp (gồm cả tiểu thủ công nghiệp) đến cuối năm 2004 tăng lên 35,3%, tăng 18,5% so với năm 2000.
Với quyết tâm khôi phục, duy trì nghề sơn mài bị mai một kể từ khi giải thể HTX Sơn mài Hạ Thái, Đảng ủy và chính quyền xã Duyên Thái (Thường Tín – Hà Tây) đồng thời với khuyến khích những gia đình đảng viên và quần chúng tự lực duy trì nghề truyền thống của dòng họ mình, đã hỗ trợ các hộ về mặt bằng sản xuất, về vốn đầu tư và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ trong xã đứng ra tín chấp giúp các hộ vay vốn ngân hàng. Kết quả là, chỉ trong một thời gian ngắn, 100% hộ gia đình có nghề tranh sơn mài đều được vay vốn từ các ngân hàng vào sản xuất.
Những năm đầu đổi mới, khi tranh nghệ thuật của Đài Loan, Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã gần như mai một. Đảng ủy xã Song Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh) đã đưa ra chủ trương khuyến khích toàn dân trong xã vừa khôi phục và phát triển nghề tranh truyền thống, vừa mở mang nghề mới. Đến nay, đã có 1.100 hộ trên tổng số 1.300 hộ trong toàn xã Song Hồ trực tiếp tham gia sản xuất các mặt hàng giấy, các phụ liệu để sản xuất tranh và mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm nghề tranh Đông Hồ…
Nâng tầm vóc làng nghề
Thực hiện đổi mới cách thức tổ chức sản xuất ở những làng nghề gắn với chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, bộ mặt làng nghề ở nông thôn nhiều nơi đã thay đổi. Nếu như trước kia, Đồng Quang là một trong những xã nghèo nhất huyện Từ Sơn thì nay đã vươn lên trở thành một xã giàu, có tổng thu nhập cao nhất huyện, với doanh thu từ mặt hàng đồ gỗ năm 2003 là 130 tỷ đồng, năm 2005 là 150 tỷ đồng. Đồng Quang hiện có 196 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đã thu hút 3.000 lao động của xã và 3.000 lao động từ nơi khác đến. Nghề sản xuất các sản phẩm từ sắt, thép của xã Châu Khê (Từ Sơn – Bắc Ninh) với 50 doanh nghiệp, hơn 800 hộ sản xuất thủ công và hơn 100 hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã mang lại một đời sống ổn định, tổng doanh thu mỗi năm lên tới hơn 800 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hằng năm của người dân “làng công nghiệp” Phong Khê đã tăng hơn 20 lần trong 5 năm 2000-2005. Làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) đã chuyển đổi từ việc sản xuất gốm nung bằng lò gạch xây sang sản xuất bằng lò ga với những sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp, có hiệu quả kinh tế cao. Cũng như ở Từ Sơn (Bắc Ninh), nhờ tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và cách chỉ đạo, các làng nghề ở huyện Việt Yên (Bắc Ninh) mở mang sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường (mây tre đan ở Tăng Tiến, rượu và bánh đa nem ở làng Vân). Riêng HTX Tăng Tiến không chỉ làm sống lại nghề đan thúng, dần sàng tiêu thụ nội địa mà đã phát triển thành một làng nghề mây tre đan xuất khẩu nổi tiếng với gần 50 mặt hàng chất lượng cao, thu hút hơn 10.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Nghề thêu truyền thống ở làng Quất Động (Thường Tín – Hà Tây) cũng đã đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, nhất là những khi nông nhàn.
Quy hoạch sản xuất các nghề truyền thống theo hướng tập trung, chuyên môn hoá là bước phát triển mới, tạo nên tầm vóc mới của các làng nghề. Đảng uỷ các xã Đồng Quang, Châu Khê, Yên Phong (Bắc Ninh), Duyên Thái, Quất Động (Hà Tây), Bát Tràng (Hà Nội) đều có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo quy hoạch và xây dựng các khu, “cụm công nghiệp làng nghề” và đưa nội dung này vào chương trình hành động hằng tháng của ban chấp hành đảng bộ, từng chi bộ, đặc biệt là các chi bộ ở làng nghề; lãnh đạo tốt việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương đến mỗi người dân, đến từng hộ gia đình, nhất là những hộ có ruộng, đất nằm trong diện quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa hiểu đúng chủ trương CNHHĐH nông thôn của Đảng và Nhà nước, sợ mất đất sản xuất nông nghiệp, tâm lý ngại thay đổi, di chuyển địa điểm sản xuất vì dễ gây “rủi ro”, “đen đủi”,… Cấp uỷ và tổ chức đảng đã một mặt giải thích để nhân dân hiểu đúng, mặt khác khuyến khích các cán bộ, đảng viên vận động gia đình, người thân đi đầu chuyển đến sản xuất tập trung. Dần dần nhiều hộ khác cũng hưởng ứng làm theo. Đến nay, Cụm công nghiệp và đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Quang đã thu hút 238 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đến sản xuất tập trung. Cụm công nghiệp làng nghề xã Châu Khê thu hút 135 hộ sản xuất và 20 hộ kinh doanh dịch vụ, đã tăng sản lượng thép lên 10 lần so với trước khi quy hoạch tập trung. Khu sản xuất tập trung 16,9ha của làng gốm sứ Bát Tràng đã góp phần giảm thiểu những tác động xấu về môi trường đến khu dân cư. Các cụm công nghiệp kết hợp du lịch làng nghề Quất Động, Duyên Thái cũng đã bước đầu mang lại kết quả khả quan; khu chợ tranh Đông Hồ đang trở thành địa điểm du lịch, nơi góp phần quảng bá nghề tranh truyền thống.
Cùng với quy hoạch phát triển làng nghề tập trung, để các mặt hàng thủ công truyền thống giữ được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, các tổ chức đảng chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng sản phẩm. Đảng uỷ xã Duyên Thái có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ. Đảng uỷ chỉ đạo các chi bộ trong sinh hoạt định kỳ chú ý nội dung này và phân công đảng viên theo dõi hoạt động sản xuất của từng hộ, lấy hiệu quả lãnh đạo, giám sát chất lượng sản phẩm các hộ sản xuất, kinh doanh làm một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên, chi bộ cuối năm. Đảng uỷ xã Đồng Quang duy trì thường xuyên việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ mỗi người dân và khách hàng về chất lượng sản phẩm. Xã Quất Động có chính sách ưu đãi riêng đối với những cá nhân, hộ sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng cao như giới thiệu với khách thăm quan du lịch về sản phẩm của họ, giúp đỡ khai thác thông tin thị trường…
Nhiều cấp uỷ đảng đã chú trọng lãnh đạo xây dựng quy hoạch làng nghề gắn với điểm du lịch, tổ chức hội du lịch làng nghề, tổ chức tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm… Việc lãnh đạo thành lập và duy trì hoạt động của các hội, hiệp hội làng nghề truyền thống cũng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, ở hầu hết các làng nghề đã khảo sát đều thành lập được các hội làng nghề như Hiệp hội những người làm nghề Sơn Mài ở Hạ Thái, Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, Hội Doanh nghiệp xã Đồng Quang, Hội Doanh nghiệp nữ Phong Khê… Các hiệp hội này đã góp phần không nhỏ vào việc cùng hợp tác giới thiệu sản phẩm, truyền bá kinh nghiệm, tạo thương hiệu cho sản phẩm và hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống, tổ chức quỹ phúc lợi để phát triển mọi mặt văn hoá, xã hội ở nông thôn.
Hạn chế
Tuy các làng nghề đã có bước phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội nhất định, nhưng nhìn chung vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng chưa tương xứng với yêu cầu, vẫn còn những hạn chế:
Một là, sự lãnh đạo của hầu hết các tổ chức cơ sở đảng chưa dựa trên một chiến lược phát triển các làng nghề được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá một cách khoa học về sản phẩm, thị trường mà thường thụ động tiếp nhận các chương trình đầu tư của tỉnh, của huyện. Sản phẩm của làng nghề tiêu thụ hầu hết mang tính thời vụ và do các doanh nghiệp tự tìm kiếm thị trường nên tính rủi ro còn khá cao. Những doanh nghiệp nhỏ chưa chủ động được đầu ra, phải thông qua các khâu trung chuyển, các đại lý của địa phương khác nên hiệu quả kinh tế bị chia sẻ, thương hiệu nghề truyền thống không được khẳng định. Ví như những người thợ thêu làng Quất Động hoàn toàn không biết sản phẩm của mình làm ra được tiêu thụ ở đâu và với giá cả như thế nào.
Hai là, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong lãnh đạo và quản lý các làng nghề. Tình trạng lợi dụng kẽ hở của chính sách và pháp luật, làm sai trái nhằm thu lợi không chính đáng vẫn xảy ra.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và tổ chức đảng chưa gắn phát triển kinh tế làng nghề, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân với bảo vệ môi sinh, môi trường, xây dựng đời sống văn hoá trong cộng đồng dân cư; tình trạng ô nhiễm môi trường và những vấn đề xã hội nảy sinh ở những làng nghề chưa được khắc phục kịp thời.
Bốn là, công tác xây dựng đảng nói chung, công tác phát triển đảng viên nói riêng trong các làng nghề chưa được chú ý đúng mức, đặc biệt là chưa chú trọng kết nạp đảng viên trong người lao động trực tiếp sản xuất, trong những doanh nghiệp lớn. ở xã Châu Khê có 159 đơn vị sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có bốn đơn vị có đảng viên. Xã Phong Khê cũng chỉ có bốn doanh nghiệp có đảng viên trong tổng số 171 doanh nghiệp toàn xã. Con số này ở Đồng Quang là một trong số 96 doanh nghiệp… Do vậy, đã hạn chế vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong quá trình phát triển và mở mang các làng nghề.
Đề xuất
Để phát huy vai trò lãnh đạo phát triển làng nghề truyền thống của các tổ chức cơ sở đảng cần:
1. Dựa vào chủ trương, chiến lược phát triển làng nghề của tỉnh, huyện, phát huy trí tuệ tập thể, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đặc điểm sản xuất, tiềm năng nghề truyền thống của từng địa phương. Trong chỉ đạo cần gắn quy hoạch phát triển làng nghề, mở rộng thị trường với bảo vệ môi sinh, môi trường, với xây dựng đời sống văn hoá, văn minh trong các làng nghề.
2. Phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng đảng trong những làng nghề. Các chi bộ cần phân công đảng viên, nhất là những đảng viên có trình độ năng lực, hiểu biết về nghề, có kiến thức kinh doanh theo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, các hộ, phản ánh với tổ chức đảng để có chủ trương kịp thời giúp họ tháo gỡ những khó khăn trong phát triển sản xuất, hạn chế những tác động tiêu cực xảy ra.
Cấp uỷ, chi bộ cần có kế hoạch chủ động lựa chọn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn trong những người lao động trực tiếp, các chủ doanh nghiệp, các chủ hộ sản xuất giỏi.
3. Có kế hoạch duy trì, phát triển nghề truyền thống theo hướng CNH, HĐH
Đi đôi với đổi mới công nghệ và thiết bị, cần có kế hoạch tổ chức các lớp truyền nghề cho thanh thiếu niên; bảo tồn và giữ gìn các bảo vật nghề truyền thống như các mẫu vẽ ở làng thêu, ván khắc của làng tranh… cần đặc biệt chú trọng phát huy tài năng và uy tín của các nghệ nhân làng nghề.
4. Cần coi trọng việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân ở nông thôn cùng với củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hiệp hội nghề, làng nghề trong xây dựng và phát triển các nghề truyền thống.
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)