Định hướng PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG thành phố CẦN THƠ – Tiếp cận từ nhu cầu du lịch

PGS.TS. LƯU THANH ĐỨC HẢI 1 , TS. NGUYỄN QUỐC NGHI1
(1Trường Đại học Cần Thơ)

     Thành phố Cần Thơ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch sông nước vô cùng phong phú. Ngành du lịch thành phố đã xác định du lịch sông nước là sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển loại hình du lịch sông nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Bài viết này tập trung đề xuất định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông thành phố Cần Thơ – tiếp cận từ nhu cầu du lịch của du khách trong nước và quốc tế.

1. Mở đầu

     Du lịch đường sông là một trong những loại hình du lịch đặc trưng của nhiều địa phương, nhiều quốc gia trên thế giới. Một số địa phương ở Việt Nam đã và đang đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sông nước, bao gồm các hoạt động du thuyền trên sông thăm lăng tẩm ở Huế, sông Son (Phong Nha, Quảng Bình), hang động núi non ở Ninh Bình, suối Yến chùa Hương (Hà Nội), du lịch tuyến đường sông Đồng Nai, thưởng ngoạn trên dòng sông Sài Gòn, tham quan chợ nổi, cù lao trên sông Tiền, sông Hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, việc khai thác tiềm năng vốn có của du lịch đường sông đang bộc lộ một số hạn chế: sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa đầu tư vào chiều sâu sự trải nghiệm, sự liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ còn hạn chế,…

     Thành phố Cần Thơ sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông, với vị trí nằm ngay bên bờ sông Hậu hiền hòa cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, vườn cây ăn trái bạt ngàn và một nền văn hóa đậm chất Nam bộ. Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ có cơ sở vật chất hạ tầng phát triển, giao thông thuận tiện, hệ thống nhà hàng, khách sạn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa ngành du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng kinh tế của thành phố thì việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là tiềm năng du lịch sông nước. Do đó, làm thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường sông, làm thế nào để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đường sông đặc trưng là vấn đề đặt ra cần có lời giải đáp cụ thể.

2. Các tiêu chí ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch đường sông của du khách

     Dựa vào số liệu khảo sát ở bảng 1 cho thấy, du khách quốc tế rất quan tâm đến các tiêu chí “Sự hấp dẫn của văn hóa bản địa”, “Thích trải nghiệm điều mới lạ, khác biệt”, “Cảnh quan tự nhiên hấp dẫn” khi quyết định lựa chọn loại hình du lịch sông nước. Trong khi đó, du khách nội địa tập trung sự quan tâm đến các tiêu chí “Cảnh quan tự nhiên hấp dẫn”, “Vấn đề an ninh, an toàn, y tế” khi quyết định lựa chọn du lịch sông nước. Như vậy, tiêu chí được du khách trong nước và quốc tế rất quan tâm là “Cảnh quan tự nhiên hấp dẫn”, đây là tiêu chí quan trọng để các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch quan tâm, định vị sản phẩm du lịch đường sông theo nhu cầu thị trường.

     Bảng 1: Các tiêu chí ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch đường sông của du khách.

Tiêu chí Du khách nội địa Du khách quốc tế
Trung bình Đánh giá Trung bình Đánh giá
1. Sự hấp dẫn của văn hóa bản địa 4,10 Ảnh hưởng 4,51 Rất ảnh hưởng
2. Thích trải nghiệm điều mới lạ, khác biệt 4,19 Ảnh hưởng 4,50 Rất ảnh hưởng
3. Cảnh quan tự nhiên hấp dẫn 4,25 Rất ảnh hưởng 4,42 Rất ảnh hưởng
4. Khoảng cách gần nhau giữa các điểm quan 3,60 Ảnh hưởng 3,09 Bình thường
5. Dễ dàng tiếp cận các điểm đến bằng nhiều phương tiện đường thủy 3,79 Ảnh hưởng 3,23 Bình thường
6. Quảng bá xúc tiến du lịch đường sông 3,83 Ảnh hưởng 2,79 Bình thường
7. Các thông tin phản hồi của cộng đồng du khách 3,84 Ảnh hưởng 3,68 Ảnh hưởng
8. Chi phí dịch vụ 3,93 Ảnh hưởng 3,73 Ảnh hưởng
9. Điều kiện thời tiết 4,10 Ảnh hưởng 3,53 Ảnh hưởng
10. Gợi nhớ quá khứ 3,36 Bình thường 2,97 Bình thường
11. Xu hướng du lịch đường sông 3,46 Ảnh hưởng 2,79 Bình thường
12. Hài lòng khi đi du lịch đường sông trong quá khứ 3,54 Ảnh hưởng 2,83 Bình thường
13. Hạ tầng viễn thông 3,85 Ảnh hưởng 3,27 Bình thường
14. Hệ thống cơ sở lưu trú 4,00 Ảnh hưởng 3,56 Ảnh hưởng
15. Vấn đề an ninh, an toàn, y tế 4,36 Rất ảnh hưởng 3,68 Ảnh hưởng
16. Dịch vụ bổ sung 4,10 Ảnh hưởng 2,99 Bình thường

Nguồn: Số liệu khảo sát 405 du khách, năm 2018

     Khi lựa chọn loại hình du lịch sông nước, du khách quốc tế còn chịu sự chi phối bởi các tiêu chí như “Các thông tin phản hồi của cộng đồng du khách”, “Chi phí dịch vụ”, “Điều kiện thời tiết”, “Hệ thống cơ sở lưu trú”, “Vấn đề an ninh, an toàn, y tế”. Trong khi đó, du khách nội địa chịu sự tác động bởi các tiêu chí: “Sự hấp dẫn của văn hóa bản địa”, “Thích trải nghiệm điều mới lạ, khác biệt”, “Chi phí dịch vụ”, “Điều kiện thời tiết”, “Hệ thống cơ sở lưu trú”, “Dịch vụ bổ sung”.

3. Mức độ hấp dẫn của loại hình du lịch đường sông thành phố Cần Thơ theo đánh giá của du khách

     Khi trải nghiệm du lịch sông nước Cần Thơ, du khách quốc tế đánh giá cao về sự hấp dẫn ở các tiêu chí “Cồn, cù lao, kênh rạch trên sông”, “Hệ thực vật”, “Hệ động vật”, “Ẩm thực địa phương”. Trong khi du khách nội địa đánh giá cao sự hấp dẫn ở tiêu chí “Ẩm thực địa phương”. Các tiêu chí thuộc về du lịch sông nước Cần Thơ được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao về mức độ hấp dẫn là “Cồn, cù lao, kênh rạch trên sông”, “Hệ thực vật”, “Ẩm thực địa phương”. Dựa vào thông tin này, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch có thể thiết kế sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu thamquan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

     Bảng 2: Mức độ hấp dẫn của du lịch đường sông theo đánh giá của du khách.

Tiêu chí đánh giá Du khách nội địa Du khách quốc tế
Trung bình Đánh giá Trung bình Đánh giá
1. Cồn, cù lao, kênh rạch trên sông 3,98 Hấp dẫn 4,31 Rất hấp dẫn
2. Hệ thực vật 4,12 Hấp dẫn 4,34 Rất hấp dẫn
3. Hệ động vật 3,80 Hấp dẫn 4,31 Rất hấp dẫn
4. Nguồn nước trên sông 3,49 Hấp dẫn 3,16 Bình thường
5. Các làng nghề thủ công ven sông 3,87 Hấp dẫn 4,17 Hấp dẫn
6. Lễ hội, sự kiện 3,84 Hấp dẫn 3,72 Hấp dẫn
7. Ẩm thực địa phương 4,30 Rất hấp dẫn 4,41 Rất hấp dẫn
8. Di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc cổ 3,82 Hấp dẫn 3,86 Hấp dẫn
9. Công trình kiến trúc đương đại 3,56 Hấp dẫn 3,86 Bình thường

Nguồn: Số liệu khảo sát 405 du khách, năm 2018

4. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông thành phố Cần Thơ

     Căn cứ vào tài nguyên du lịch đường sông, thực trạng phát triển loại hình du lịch đường sông, ý kiến của du khách đối với du lịch đường sông thành phố Cần Thơ, bài viết gợi ý định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông thành phố Cần Thơ nên tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: nhóm sản phẩm du lịch tham quan đường sông, nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên sông và nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên sông.

     4.1 Nhóm sản phẩm du lịch tham quan đường sông

     Nhóm sản phẩm du lịch này bao gồm các hoạt động tham quan cảnh quan chợ nổi, tham quan vườn trái cây, tham quan thành phố về đêm, tham quan làng nghề và tham quan tìm hiểu di tích lịch sử – văn hóa địa phương.

     4.1.1 Sản phẩm du lịch đường sông tham quan cảnh quan chợ nổi

     Với sự độc đáo riêng biệt, chợ nổi Cái Răng được bình chọn là một trong mười khu chợ ấn tượng nhất thế giới vào năm 2016 (Tạp chí Du lịch Rough Guide, Vương quốc Anh). Đến với chợ nổi Cái Răng là đến với biểu tượng đặc trưng của du lịch sông nước, cuộc sống thương hồ cùng hoạt động mua bán tấp nập sẽ là những hình ảnh thu hút du khách. Bên cạnh đó, du khách được thưởng thức ẩm thực dân gian, các món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị đặc trưng riêng. Phần lớn du khách thích trải nghiệm ẩm thực trên tàu, ghe di chuyển để cảm nhận những hoạt động sinh hoạt thường nhật của người dân trên sông nước bềnh bồng. Ngoài chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền là một trong những chợ nổi có quy mô lớn tại vùng ĐBSCL. Chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km về phía Đông Nam.

     Nếu chợ nổi Cái Răng chủ yếu buôn bán nông sản thì chợ nổi Phong Điền phong phú hơn, từ các loại sản vật miệt vườn như cam, quýt, xoài, vú sữa, mận, sầu riêng, măng cụt… cho đến những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, các sản phẩm đan đát và các loại hàng bách hóa tổng hợp.

     Để gia tăng mức độ trải nghiệm cho khách du lịch, sản phẩm du lịch tham quan chợ nổi cần có thêm nhiều hoạt động để du khách tham gia buôn bán sản vật địa phương như một người dân thương hồ đích thực. Ngoài ra, những chiếc tàu, ghe chở khách du lịch cần có sáng tạo và thiết kế riêng về mẫu mã và kiểu dáng. Có thể vẫn dùng tàu, ghe truyền thống, tuy nhiên cần tạo sự bắt mắt, độc đáo bằng việc sơn nhiều màu sắc, mỗi chiếc thuyền một màu, trang trí trên những mui thuyền, bạt che hay mạn thuyền những sắc màu hay hình ảnh đặc trưng cho du lịch sông nước. Việc sáng tạo trong trang trí sẽ tạo nên nhiều màu sắc tươi tắn, sinh động cho khúc sông phát triển du lịch.

     4.1.2 Sản phẩm du lịch đường sông tham quan vườn trái cây

     Thành phố Cần Thơ sở hữu các vườn cây trái trù phú. Sau khi tham quan chợ nổi, tiếp tục chuyến thủy trình, du khách thường sẽ ghé thăm những vườn trái cây ở địa phương. Huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 16km về phía Nam, là một nơi nổi tiếng với nhiều loại trái cây, đặc sản đậm chất Nam Bộ. Tại đây, có rất nhiều vườn trái cây phục vụ du khách như vườn trái cây Mỹ Khánh, vườn dâu Hạ Châu thuộc xã Nhơn Ái, vườn du lịch Vàm Xáng, vườn trái cây Chín Hồng.

     Ngoài việc di chuyển đến vườn trái cây bằng đường sông, tại đây, lần theo những con mương nhỏ ngăn giữa các liếp vườn, khi ngồi trên xuồng, du khách có thể với tay hái các loại quả và dùng ngay tại chỗ. Như vậy, du khách có cơ hội hòa mình vào các hoạt động gắn liền với đời sống thường nhật của người dân Nam Bộ như học cách chèo xuồng (một phương tiện đặc trưng mà người miền Tây sử dụng để di chuyển trên sông) và cả thưởng thức vẻ đẹp đầy quyến rũ của thiên nhiên. Tuy nhiên, vấn đề dễ gặp nhất ở sản phẩm này là sự chênh lệch giữa thông tin quảng cáo với chất lượng thực tế. Các trang mạng, các kênh thông tin du lịch thiếu cập nhật mùa vụ trái cây ở các điểm vườn làm cho du khách không cảm thấy hài lòng. Khi đến các vườn trái cây thường gặp những vấn đề về số lượng cây có trái, số lượng trái trên cây và việc hạn chế cho du khách hái trái cây.

     4.1.3 Sản phẩm du lịch đường sông tham quan thành phố về đêm

     Hiện nay, tại Cần Thơ, hoạt động du lịch sông nước hầu hết chỉ diễn ra ban ngày. Kết quả khảo sát cho thấy, du khách rất ít ở lại qua đêm với các lý do: không có nhiều hoạt động về đêm và không có nhiều địa điểm vui chơi, giải trí. Quận Ninh Kiều với lợi thế là quận trung tâm của thành phố, nơi phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa và cả du lịch đô thị, nơi sở hữu hệ thống sông, kênh rạch trong lòng thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố vẫn chưa khai thác hoạt động du lịch đường sông tham quan thành phố về đêm. Hiện tại, công tác xây dựng, nâng cấp bờ kè, quy hoạch dân cư hai bên bờ rạch Khai Luông – rạch Cái Khế – hồ Bún Xáng đang được xúc tiến. Điều này hứa hẹn sự phát triển của hình thức du lịch đường sông tham quan thành phố về đêm.

     Hồ Bún Xáng là hồ tự nhiên lớn nhất thành phố Cần Thơ với diện tích khoảng 18ha, nơi đây được xem là “lá phổi” của thành phố về điều tiết khí hậu, môi trường sinh thái tự nhiên. Dự án đầu tư hồ Bún Xáng triển khai bố trí công viên dọc tuyến hồ vừa đảm bảo sinh hoạt cộng đồng của người dân, vừa tạo kiến trúc cảnh quan khu vực hồ và xung quanh hồ. Các dịch vụ trên mặt nước, các lễ hội dưới nước, những môn thể thao dưới nước và những sự kiện trên công viên sẽ được đầu tư khai thác. Đây sẽ là điểm đến cuối cùng, tích hợp nhiều hoạt động vui chơi, giải trí của du khách trong chuyến du lịch đường sông nội ô về đêm tại Cần Thơ. Sản phẩm du lịch sông nước về đêm nếu được thực hiện và đạt chất lượng sẽ thu hút và giữ chân du khách ở lại với Cần Thơ nhiều hơn.

     4.1.4 Các hoạt động du lịch đường sông gắn với sự kiện, lễ hội

     Du lịch đường sông Cần Thơ cần kết hợp với những sự kiện, lễ hội được tổ chức thường xuyên để thúc đẩy loại hình du lịch không mới nhưng chưa phổ biến. Mỗi sự kiện nên có chủ đề rõ ràng, xuyên suốt và hướng đến nhóm đối tượng du khách cụ thể. Thời gian tổ chức các sự kiện du lịch đường sông nên trùng với các ngày lễ quan trọng trong năm. Không gian diễn ra sự kiện được tận dụng không chỉ ven bờ sông mà còn có các hoạt động trên sông. Nguyên tắc hàng đầu của các sự kiện là phải tôn trọng những tài nguyên tự nhiên và các giá trị nhân văn. Người tham dự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo nên sự liên kết thân thiện giữa con người và thiên nhiên.

     Những yếu tố thu hút du khách đến với các giá trị văn hóa là lòng tin về tôn giáo hay các tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp. Lễ hội hoa đăng thả đèn với sự tham gia của du khách trên những chiếc ghe lung linh ánh đèn vào những ngày rằm sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho ngành du lịch thành phố. Hoạt động này sẽ phục vụ nhu cầu về tôn giáo, tín ngưỡng và lòng tin cho người dân địa phương, đồng thời kích thích sự tham gia nghiệm của du khách. Có thể khai thác và hiện thực hóa sản phẩm này ở những nơi hấp dẫn khách du lịch và thuận lợi giao thông như Bến Ninh Kiều, xuyên suốt rạch Cái Khế và hồ Xáng Thổi.

      4.1.5 Du lịch đường sông tham quan làng nghề 

     Du lịch tham quan những làng nghề truyền thống tại địa phương là một hoạt động phổ biến trong tour, tuyến du lịch sông nước Cần Thơ. Làng nghề nổi bật ở gần trung tâm thành phố bao gồm: cơ sở sản xuất hủ tiếu Sáu Hoài, cơ sở sản xuất bánh hỏi Út Dzách. Sản phẩm du lịch đường sông tham quan làng nghề có thể được mở rộng với các điểm đến xa trung tâm thành phố như: làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng đan lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), làng đan lợp Thới Long (Ô Môn). Đối với các làng nghề ở các quận, huyện xa trung tâm thành phố, nên ưu tiên chọn phương tiện vận chuyển là tàu, ghe kết hợp với xuồng chèo vào các kênh rạch nhỏ.

     Du lịch đường sông kết hợp tham quan làng nghề truyền thống và ẩm thực đã và đang phát huy thế mạnh. Nếu những làng nghề có định hướng quy hoạch tốt sẽ tạo nên sức hấp dẫn lớn. Các làng nghề cần tạo dựng thương hiệu riêng, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong từng sản phẩm để nâng cao sức hấp dẫn đối với du khách.

     4.1.6 Sản phẩm du lịch đường sông tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa

     Một trong những ưu thế của thành phố Cần Thơ khi phát triển loại hình du lịch đường sông đó là hầu hết các điểm tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa nổi bật đều có thể tiếp cận bằng đường thủy. Các điểm đến mang đậm nét văn hóa tâm linh như công trình kiến trúc Phật giáo Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Phong Điền), di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Thủy, di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ họ Dương (Nhà cổ Bình Thủy), di tích lịch sử Chùa Nam Nhã, di tích lịch sử Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, di tích lịch sử Giàn Gừa (Phong Điền, Cần Thơ).

     Sự phong phú về tài nguyên nhân văn của thành phố có thể kết hợp với loại hình du lịch sông nước tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho phân khúc thị trường du khách đam mê khám phá.

      Những công trình văn hóa lâu đời, những di tích lịch sử sẽ được hồi tưởng một cách sinh động và thuyết phục khi được hướng dẫn viên địa phương thuyết minh rõ ràng và chân thật.

     4.2 Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên sông

     Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình du lịch giúp con người hồi phục sức khỏe, lấy lại tinh thần sau khoảng thời gian dài làm việc mệt mỏi và căng thẳng. Đối tượng của loại hình du lịch này đa phần là những người lớn tuổi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và có khả năng tài chính. Việc kết hợp đi du lịch với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng được du khách ở các nước phát triển ưa chuộng.

     4.2.1 Sản phẩm tàu thủy du lịch

     Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên sông bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, các dịch vụ bổ sung khác được diễn ra ngay trên sông có thể kể đến là Victoria Cruises, Mekong Delta Bassac, Le Cochinchine Cruise hay Mekong Eyes.

     Các chuyến tàu này có lịch trình đi qua các địa phương thuận lợi cho việc lưu thông, trong đó có điểm đến là thành phố Cần Thơ. Du khách có thể nghỉ qua đêm trên tàu và trải nghiệm nét đẹp sống động của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương ven sông và trên sông. Các con thuyền tam bản chờ sẵn ở bến, đưa du khách đến chợ nổi với bữa sáng trên tàu và có một chuyến tham quan vùng đồng bằng sông nước cả ngày. Tàu có thể đỗ ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Trà Ôn, Măng Thít (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Châu Đốc (An Giang). Tuy nhiên, chưa có tàu thuyền nhỏ phục vụ nhóm du khách ít người (2 đến 5 người), đây là điểm hạn chế trong phát triển sản phẩm tàu thủy du lịch.

     4.2.2 Sản phẩm nhà hàng nổi và khách sạn nổi

     Tại thành phố Cần Thơ, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên sông chưa được đầu tư theo chiều sâu. Những nhà hàng nổi, khách sạn nổi trên sông, ven sông hay ở vị trí ngã ba sông được du khách mong chờ trải nghiệm. Khi nhắc đến nhà hàng nổi, nhiều du khách nghĩ ngay đến loại hình du lịch trên sông bằng du thuyền ở bến Ninh Kiều. Nhưng với một vùng đô thị sông nước đầy tiềm năng, cần có nhà hàng nổi và khách sạn nổi không chỉ ở trung tâm thành phố, mà có thể phát triển ở khu vực ven đô với điểm giao nhau giữa các con sông lớn và kênh, rạch. Lượng du khách trải nghiệm các tour du lịch sông nước ngày càng nhiều, nhu cầu được thưởng thức ẩm thực cũng như dừng chân nghỉ ngơi giữa những chuyến thủy trình là rất cần thiết. Khách sạn nổi có diện tích tương đối lớn, sức chứa khoảng 50-70 khách. Khách sạn được đặt cố định tại một bến đỗ lớn, nhưng vẫn đảm bảo được tính lưu động. Các vị trí đáp ứng tương đối đủ điều kiện để xây dựng nhà hàng nổi, khách sạn nổi là hai bên khúc sông Khai Luông, sông Cần Thơ đoạn ở trung tâm thành phố, hướng xuống chợ nổi Cái Răng vì ưu thế nổi trội với dáng sông quanh co, mặt nước phẳng lặng phản chiếu ánh đèn.

     Nhóm du khách có mức thu nhập cao, nhu cầu đi du lịch của họ không đơn thuần là tham quan ngắm cảnh và hưởng thụ. Họ muốn có nhiều sự trải nghiệm tại địa phương mà họ ghé thăm, để mỗi cảm xúc và ấn tượng trong họ là đẹp nhất và chân thật nhất. Ngành du lịch thành phố Cần Thơ nên xây dựng và mở rộng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên sông gắn với sự dân dã, bình dị nhưng cung cách phục vụ chuyên nghiệp.

      4.3 Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên sông

      Sự pha trộn, kết hợp giữa ngắm cảnh và tham gia các hoạt động mạo hiểm trên sông sẽ tạo cho du khách sự trải nghiệm đáng nhớ. Trong chuyến du lịch sông nước, tại các điểm đến có lợi thế gần các kênh rạch nhỏ, nước sông sạch tự nhiên và không bị ô nhiễm, các trò chơi vận động tạo cảm giác mạnh, hòa mình vào thiên nhiên sông nước sẽ tạo ấn tượng mạnh, nhắc nhớ về điểm đến cho du khách.

      Du lịch sông nước kết hợp với tắm sông chưa được ngành du lịch Cần Thơ khai thác. Khi đem sản phẩm vui chơi này đến với du khách, người cung ứng dịch vụ cần tạo được không gian gần gũi thiên nhiên và mang đậm nét truyền thống. Có thể dựng lên những cây cầu (khai thác những cây gỗ lớn bên sông) để người tham gia đứng trên tầm cao nhảy xuống giữa vùng nước mênh mông nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn. Phao an toàn được thay thế bằng thân cây chuối, nổi tốt và mộc mạc, tự nhiên. Muốn hiện thực sản phẩm này, đơn vị cung ứng dịch vụ cần giữ được môi trường nước sông thật tốt, tránh tình trạng rác thải thả lan khu vực sông phục vụ du lịch.

     Các hoạt động thể thao mạo hiểm trên sông tại thành phố Cần Thơ có thể được áp dụng là chèo thuyền kayak tự do khám phá kênh rạch nhỏ và hệ động thực vật, các môn thể thao như boxing, bóng chuyền trên sông. Chèo thuyền kayak khá quen thuộc với các du khách có kinh nghiệm trong du lịch thể thao mạo hiểm. Trong sản phẩm du lịch đường sông TP. Cần Thơ, có thể sử dụng thuyền kayak thám hiểm kênh rạch nhỏ. Du khách được giới thiệu về khúc sông và địa bàn cho cuộc thám hiểm, được cung cấp bản đồ và các vật dụng hỗ trợ trên sông. Tại những bến bãi ven sông, nên được khai thác và xây dựng một cách tự nhiên, đồng nhất với cảnh quan miệt vườn. Những cuộc chiến boxing trên một sàn đấu trên sông, nước ngập tới đầu gối sẽ tạo sự phấn khích cho du khách. Người tham gia sẽ được trang bị bảo hộ trên đầu và mặt, áo phao, được trải nghiệm một cảm giác mới của trò chơi boxing. Du khách quốc tế không quá xa lạ với trò chơi này, tuy nhiên khi đứng giữa một sàn đấu trên sông thì mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn, mang lại nhiều điều thú vị và ấn tượng hơn.

5. Kết luận

     Với lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sông nước, ngày du lịch thành phố Cần Thơ cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đường sông đặc trưng của địa phương. Để phát huy lợi thế này, ngành du lịch thành phố cần quan tâm đến vấn đề liên kết chặt chẽ giữa đơn vị lữ hành, điểm đến du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đường sông nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch sông nước hiện tại và phát triển thêm các sản phẩm du lịch sông nước tiềm năng. Sự đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch sông nước hợp lý sẽ góp phần định vị sản phẩm du lịch, nâng cao sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh điểm đến cho thành phố Cần Thơ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quốc Nghi (2018). Giải pháp phát triển du lịch đường sông Cần Thơ. Tạp chí Du lịch, số 5.2018, trang 38-39.

2. UBND Thành phố Cần Thơ (2018). Quyết định số 2403/QĐ-UBND ngày 24/09/2018 về việc phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030”.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Cần Thơ, T. 70, S. 4 (2019)

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)