CUỘC ĐỜI trước khúc quanh lịch sử BA MƯƠI THÁNG TƯ BẢY LĂM – Phần 1
Trong giới học thuật – một bộ phận học giả có biết đến Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG (Hình đầu bài) – Ông từng đứng ra góp một phần công sức tích cực mở đầu hệ đại học không chính quy (1984–1988) tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh – với tư cách như là “giáo viên cơ nhỡ”. Ông quản lý “Lớp tiếng Việt” – tiền thân của ngành Việt Nam học ngày nay. Khi ấy dành cho đoàn sinh viên Campuchia đầu tiên của Trường Đại học Phnôm Pênh đến Việt Nam du học. Ông cũng từng là giáo sư Việt Nam học tại Trường Đại học Ngoại ngữ Osaka Nhật Bản (1988–1992). Ông cũng từng sớm đứng ra sáng lập một trường đại học (1992–1997) và giữ chức vụ Hiệu trưởng trong 18 năm (1997–2015) Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Đó là “phần đóng ván” bên trên mặt hồ, phần chìm lấp bên dưới là “lớp bùn đất” lại chưa được biết đến. Đó phần ẩn mình trong góc khuất của cuộc đời ông từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn. Tuy nhiên, ngay sau ngày đất nước được thống nhất năm 1975 – Ông phải“che lấp” tất cả công việc liên quan sách báo mà ông đã ấn hành từ 1965–1975. để tránh phạm “tội đồ làm tay sai Đế quốc”.
Không phải thế là gì? Khi những tác phẩm mà ông viết thời ấy “thật đáng nguyền rủa!”. Mà ông cũng biết thân phận nên đã phải sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau – Đó là :
1. Từ điển Nhật Việt Anh (viết tay) – bút danh Nguyễn Vũ Dũng;
2. Kanji – Hán Nhật Việt (in bằng tay) – bút danh Chính Văn;
3. Việt Nhật thông thoại Từ điển – bút danh Văn Vi Trình – hợp tác với giáo sư Kobayashi;
4. Đi tìm nguồn gốc truyện Tây Minh trong tác phẩm Lục vân Tiên “Trước đèn xem truyện Tây Minh – Luận văn tốt nghiệp đại học đi ngược lại quan điểm của Abel des Michels và nhiều học giả khác…
Và còn hơn thế nữa…
Tuy nhiên, ít ai trong số độc giả biết được rằng ông là một trong số người đầu tiên dạy tiếng Việt cho người Mỹ theo giọng “rặt Sài Gòn” từ năm 1965 – Ông cũng là người nghiên cứu tiếng lóng Mỹ mà thành lập nhóm xuất bản tác phẩm: Americanism (đặc ngữ Hoa Kỳ) từ 1966. Từ đây ông đã biên soạn tiếng lóng Hybrid Sài Gòn khi tiếp cận với không gian văn hóa thuộc địa Pháp tại Đông Dương. Ông đã đưa ra khái niệm Tiểu văn hóa Hybrid An Nam. Thế nào là Tiểu văn hóa ? Thế nào là Hybrid ? Đó là vấn đề khác.
Sau đây là một số bản thảo mà chúng tôi tiếp cận được để giới thiệu sau này. Đó là :
1. Đông Dương thuộc Pháp;
2. Nam Kỳ thuộc địa;
3. Tiểu văn hóa Hybrid thời Đông Dương thuộc địa;
4. Tết An Nam & Lễ hội An Nam (ba ngôn ngữ: Việt Pháp Anh);
5. Trò chơi trẻ con ở đồng bằng Bắc bộ (ba ngôn ngữ: Việt Pháp Anh);
6. Sài Gòn – Chiếc áo choàng thuộc địa tráng lệ;
7. Nude – Con người vỡ hạt;
8. Toàn văn Luận án Tiến sĩ Sử học (Hình 2) – Kỹ thuật người An Nam (1962–2020) với 4577 ký họa chú giải Hán-Nôm, Pháp, Anh (dự kiến in thành 12 quyển);
9. Truyện cổ Nhật Bản (7 tập) (Hình 3);
Hình 3: Truyện cổ Nhật Bản – PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng – NXB. Trẻ (Nguồn: Kho tàng Văn liệu Nguyễn Phan ST. Minh Nhật)
10. Vạn Diệp tập – Manyôshu (XXXX) (Cổ thư Nhật Bản);
11. Lịch sử Nhật Bản (XXXX);
12. Truyện Tây Minh là truyện gì? Trong tác phẩn trước đèn xem truyện Tây Minh của Nguyễn Đình Chiểu;
13. Kanji–Hán Nhật Việt Đại từ điển (1963-1975) (Hình 4);
14. Sắc phong – Chiếu chỉ triều đại phong kiến An Nam qua đối chiếu với Trung Hoa–Nhật Bản;
15. Từ điển đối chiếu chữ Nôm Nhật Bản – Việt Nam.
Trong lúc ông đi “trình diện học tập”, thì ở nhà bà mẹ ông đã vội vàng đem đốt 2000 quyển Nhật–Việt–Anh Từ điển (viết tay bằng bút lông – sẽ công bố để kỷ niệm thời viết tay chưa có chữ in) (Hình 4) vừa mới xuất bản không lâu đã còn tồn, do theo lệnh địa phương phải tiêu hủy tất cả “sách báo đồi trụy, đế quốc“. Một câu hỏi được đặt ra là: – Làm sao bà đốt được một số lượng sách lớn như thế ? – Đó là cách“nấu nước” ngày đêm (Hình 5); nước sôi đến đâu được đổ xuống ống cống đến đó, rồi thay nước mới…
Tuy nhiên, ông đã làm bản tự khai “học tập cải tạo” tại địa phương với nội dung tương đối hiền lành: – “Tôi đã trốn chiến tranh suốt từ năm Mậu Thân đến ngày Ba mươi tháng Tư Bảy lăm”.
Sau đây là “Buổi trao đổi” chung quanh vấn đề đó, để độc giả hôm nay đọc cho vui, như loại truyện cổ tích – Người cán bộ gật gù :
– Tôi chưa cần hỏi, anh trốn suốt thời gian đó, anh làm gì? Nằm yên được à?Việc này rồi sẽ phải làm rõ sau, chờ đấy! Anh quan niệm thế nào là chiến tranh mà anh đã phải trốn nó?
– Thưa cán bộ. Chiến tranh là do hai bên đánh nhau.
– Hai bên là hai bên nào?
– Thưa cán bộ. Bên đây, chỗ tôi đứng – còn Bên kia, Cha tôi nằm.
– Anh “đứng” thì rõ rồi. Còn Cha anh tại sao ông lại “nằm”? Chả nhẽ “bị liệt” à?
– Vâng. Cha tôi nghe theo tiếng gọi Việt Minh mà đi vào Chiến khu D từ khi tôi mới được sinh ra. Rồi “nằm” ở đó. Ông được “liệt” vào danh sách kháng chiến chống Pháp.
– Thế! Trước đó anh làm gì?
– Tôi đi học và thêm chức “huấn luyện viên tập tạ” để có bát cơm “Năm vố”. (Hình 6)
Lúc ấy, tôi gồng cơ trình bày “con chuột”. Xấu hổ quá! Trông như “cùi bắp”. Nhưng ông cán bộ không quan tâm lắm.
– Cơm “Năm vố” là cơm của anh Năm nào? Có bí ẩn không? Có làm tình báo gián điệp gì không?
– Thưa không! “Năm vố” là tên gọi của dân giang hồ. Đó là “cơm thừa canh cặn” của nhiều nhà hàng Sài Gòn vất ra cho heo… mà bà bếp dành ưu tiên cho xích lô, cu li bam bù và bọn sinh viên nghèo – tôi chen vào đó.
– Anh có làm gì gây “nợ máu” đối với nhân dân?
Tôi ngập ngừng…
– Thôi anh về, mai lên học tập tiếp.
Hôm sau tôi lên, câu chuyện học tập chuyển sang hướng kê khai hành vi thời gian từ năm 1963 đến 1975. Còn tôi đã làm gì mà không gây “nợ máu”? – Kính trình, tôi chỉ có nợ “cơm áo” nhân dân. Nhưng đấy là vấn đề khác – hơn cả bí mật đời tôi.
Không bao lâu sau, tôi được gọi lên Ủy Ban quân quản Phường mà nghe rằng: – “Thế là tốt rồi”!
Tuy nhiên, không ngờ chính cái “con chuột” mà tôi cố nặn ra để minh chứng cho một thời “hổ nhớ rừng” thì được đánh giá cao. Người cán bộ lên tiếng: – “Chế độ Sài Gòn tạo ra cơ bắp là để trau chuốt vẻ đẹp xa xỉ cho giai cấp tư sản. Còn cách mạng thì coi đó là công cụ làm nên “cơm áo, gạo tiền”. Thôi! Được rồi. Anh thuộc thành phần gia đình tiểu tư sản cơ bản tốt. Sắp tới Phường thành lập Hợp tác xã chất đốt. Anh được bổ nhiệm làm “Trưởng ban bổ củi” (Hình 7) và được hưởng“xuất gạo mười chín ký” ăn trọn.
Tuy nhiên, điều cơ bản hơn cả là ông cán bộ gọi tôi là “đồng chí”. Tôi chạy về nhà “ăn mừng” với mẹ tôi. Bà rơi nước mắt. Hôm sau, bà xuống mớ tóc. Nhưng còn tôi, tôi tra cứu từ điển để dò tìm ý nghĩa hai từ “đồng chí” cho chắc. Thật là đáng giá! Ý nghĩa vẫn còn nguyên vẹn mà không“thay đổi lập trường” trong đêm ba mươi. Đây! Đồng bào, Đồng liêu, Đồng bạn, Đồng hương, Đồng nghiệp, Đồng minh, Đồng tình, Đồng lòng, Đồng ý. Ôi thân thương quá! Nhưng khi rà đến mục “đồng tiền”,“đồng lõa”,“đồng bọn”, tôi đã bị dòng “tĩnh điện” cao thế giật mạnh.
Từ sau năm 2015, ông đã rời chức vụ Hiệu trưởng để “giản cách xã hội” không phải vì đoán trước “Cô–Vi” sắp đến mà vì số phận“cô đơn” đã “luu trữ” sẵn trong số mệnh mà sắp xếp cho ông vào sống ở một góc xó – trông như một kho sách báo ve chai hay đồ đồng nát.
… còn tiếp theo ở Phần 2 …
MỜI XEM TIẾP:
◊ Đó là “PHẦN ĐÓNG VÁN” bên trên mặt hồ, phần chìm lấp bên dưới là “LỚP BÙN ĐẤT” lại chưa được biết đến! – Phần 2.
◊ Đó là “PHẦN ĐÓNG VÁN” bên trên mặt hồ, phần chìm lấp bên dưới là “LỚP BÙN ĐẤT” lại chưa được biết đến! – Phần 3.
BAN TU THƯ
07 /2020
GHI CHÚ:
◊ Bài viết đã đăng trên Tạp chí THANH NIÊN số 23, ra ngày 24/6/2020, trang 15.
MỜI XEM THÊM:
◊ Bửa cơm NĂM VỐ – Phần 1: PHỞ NHÀ XÁC.
◊ Bửa cơm NĂM VỐ – Phần 2: ĐỨA CON MẶT TRỜI.
◊ Bửa cơm NĂM VỐ – Phần 3: THƯỢNG BỒ ĐỀ – HẠ LÀM VỒ.