Đôi điều về gốm thương mại miền Bắc Việt Nam thế kỷ XV—XVII
Tác giả bài viết: HÁN VĂN KHẨN
(Đại học Quốc gia Hà Nội)
Đồ gốm xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, ít nhất cũng cách ngày nay 7.000 năm. Từ đó đến nay, đồ gốm, nhất là gốm sứ thời Đại Việt, không ngừng phát triển và đã tạo nên nhiều bản sắc độc đáo cho văn hóa Việt Nam.
Gốm sứ Đại Việt nổi tiếng với 3 dòng gốm men chính:
– Gốm men ngọc thời Lý.
– Gốm men màu ngà hoa nâu thời Trần.
– Gốm men trắng hoa lam thời Lê.
Trong 3 dòng gốm trên thì gốm men trắng hoa lam nổi trội hơn và phổ biến rộng rãi hơn không chỉ ở trong nước mà còn cả ở ngoài nước.
Nhiều cuộc điều tra, thám sát, khai quật các di tích gốm sứ được tiến hành ở nhiều nơi, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Hải Dương. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, hàng chục di tích và hàng chục vạn di vật gốm sứ được phát hiện và nghiên cứu (2 – 6, 10 – 18, 24 – 31). Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu các trung tâm sản xuất gốm sứ xuất khẩu và các thương cảng xuất khẩu gốm sứ, các nhà khảo cổ học Việt Nam được nhiều học giả nước ngoài quan tâm giúp đỡ, nhất là các học giả Nhật Bản (19 – 21, 23, 29, 36 – 55).
Để tìm hiểu xuất xứ của các loại gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở nhiều di tích ở Đông Nam Á và nhiều di vật đang được lưu giữ trong một số nhà bảo tàng nước ngoài, các học giả Nhật Bản và Úc đã nhiều lần đến Việt Nam và cùng các nhà khảo cổ Việt Nam tiến hành điều tra khai quật một số di tích gốm sứ quan trọng, nhất là các trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp cho xuất khẩu ở Hải Dương như Chu Đậu, Cậy và Ngói.
Ngoài các trung tâm làm gốm men, các nhà khảo cổ còn xác định được một số trung tâm sản xuất gốm sành xuất khẩu, như các lò sành ở Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và v.v…
Nhiều loại sản phẩm gốm sứ của các trung tâm trên đã có mặt với số lượng lớn tại các bến bãi thuộc thương cảng Vân Đồn và tàu đắm Cù Lao Chàm (6,8,26,30).
Việc tìm kiếm và xác định các trung tâm cũng như các loại sản phẩm gốm xuất khẩu đang được triển khai song song với việc nghiên cứu các thương cảng cổ dọc ven biển miền Bắc Việt Nam, nhất là khu vực thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).
Cũng cần phải nói ngay rằng, việc xác định các thương cảng gốm sứ xem ra hết sức khó khăn, ngay như thương cảng Vân Đồn được sử sách ghi chép mà nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được thương cảng Vân Đồn nằm ở chỗ nào?
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), Mùa Xuân, Tháng Hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông xin cư trú, buôn bán, bèn cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương” (7). Đại Định là niên hiệu vua Lý Anh Tông, Trảo Oa – đảo Gia Va thuộc Indonexia, Lộ Lạc có thể là quốc đảo Lavo ngày xưa (một bộ phận của Thái Lan ngày nay). Xiêm La, quốc gia người Thái thuộc vùng thượng lưu sông Mê Nam thời Trung Đại (một vùng thuộc Thái Lan ngày nay).
Như vậy thương cảng Vân Đồn được chính thức thành lập vào năm 1149, dưới triều vua Lý Anh Tông. Lúc đầu, Vân Đồn chỉ có thương thuyền của 3 nước Đông Nam Á đến buôn bán, về sau có thương thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, Ẩn Độ, một số nước Trung Cận Đông và Châu Âu.
Vị trí của thương cảng Vân Đồn không được sử sách ghi chép rõ ràng khiến cho các nhà nghiên cứu khó xác định và gây nhiều tranh cãi. Vì thế, cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được vị trí thương cảng Vân Đồn ở đâu.
Thú thật, sau hai năm cùng hai nhà khảo cổ Nhật Bản và một số nhà nghiên cứu Việt Nam tiến hành điều tra nhiều di tích gốm sứ ở huyện đảo Vân Đồn, như cống Tây, cống Đông, Cái Làng, Sơn Hào, Minh Châu, … và khai quật ở cống Tây (2002) và Rộc Ngoài (2003), nhưng chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra vị trí thương cảng Vân Đồn thời Lý (18). Bởi vì, chúng thôi chỉ thấy gốm sứ Trần – Lê, Nguyên – Minh và hầu như không thấy gốm sứ thời Lý. Như mọi người đều biết, các loại sành sứ là di vật chủ yếu (gần như duy nhất) của các di tích bến bãi cổ ở Vân Đồn. Ở đây, các loại sành sứ nằm chồng chất lên nhau trên các bến bãi và trong tầng văn hóa. Trong tình trạng gốm sứ nằm hỗn độn như hiện nay thì việc phân định các di tích gốm sứ theo trật tự sớm muộn là vô cùng khó khăn. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, Vân Đồn là một thương cảng đầu tiên, được thành lập sớm nhất, là nơi xuất khẩu nhiều gốm sứ nhất và có vị thế quan trọng trên con đường giao thương gốm sứ Đông – Tây trong nhiều thế kỷ.
Gần đây, trong quá trình nghiên cứu thương cảng Vân Đồn, một số người đặt vấn đề phải nghiên cứu các tiền cảng Vân Đồn. Bởi vì, trên thực tế, gốm sứ từ trong đất liền ra Vân Đồn phải qua các bến trung chuyển. Dấu tích của một hệ thống tiền cảng này đã phát hiện được ở một số nơi, như Yên Hưng (Quảng Ninh), Tiên Lãng (Hải Phòng). Không những thế, ở những vùng cửa sông giáp biển này còn phát hiện được nhiều lò gốm cổ (chủ yếu là sành). Đây là nơi cung cấp đồ sành cho Vân Đồn. vấn đề tiền cảng rất thú vị và đang được nhiều người quan tâm.
Ngoài vùng Đông Bắc, các nhà nghiên cứu đã điều tra một số bãi bến ở cửa các con sông thông ra biển, như Lạch Truờng ở Thanh Hóa; Kẻ Trào, Kẻ Gốm ở Nghệ An; Hội Thống ở Hà Tĩnh (27). Thanh – Nghệ -Tĩnh không có cảng biển.
Kết quả khai quật nhiều trung tâm và thuơng cảng gốm sứ cũng nhu kết quả trục vớt các tàu thuyền chở gốm sứ cổ bị đắm ở bờ biển Việt Nam và Đông Nam Á cho phép chúng ta buớc đầu định danh đuợc các chủng loại gốm sứ xuất khẩu trong thời gian từ thế kỷ XV đến XVI.
Sản phẩm gốm xuất khẩu bao gồm đồ sử và đồ sành, trong đó chủ yếu là gốm men trắng hoa lam.
Tất cả các loại sành sứ xuất khẩu đều có thể thấy ở dạng nguyên hay mảnh vỡ ở các trung tâm sản xuất, các bãi bến thuộc thương cảng Vân Đồn hoặc các tàu thuyền chở gốm Việt Nam đã được trục vớt ở hải phận Việt Nam và Đông Nam Á (5, 6, 8, 26, 30).
Để có thể phần nào thấy được tính phong phú và đa dạng của các chủng loại gốm sứ ở tàu Cù Lao Chàm đã được trục vớt và công bố (6, 8, 26).
Danh sách gốm sứ tàu Cù Lao Chàm:
Đĩa lớn và đĩa nhỏ – 1.000 chiếc
Bát lớn và nhỏ – 8.000 chiếc
Lọ to và nhỏ – 6.200 chiếc
Hộp sứ cao (10,6cm) và thấp (l,3cm) – 7.000 chiếc
Chén – 1.200 chiếc
Ấm (nhiều kích thước khác nhau) – 80 chiếc
Âu – 40 chiếc
Liễn – 240 chiếc
Bình – 150 chiếc
Các loại khác – 100 chiếc (chậu, nậm, tước, tượng, kendy, hũ, bình vôi, bát hương và một số đồ đựng bằng sành).
Đây chỉ là con số thống kê 10% trong tổng số 240.000 hiện vật của tàu Cù Lao Chàm. Đây cũng chua kể đến khối luợng lớn gốm sứ vỡ của con tàu này. Dù vậy, với số luợng và chủng loại trên chúng ta có thể thấy gốm sứ thương mại Việt Nam phát triển cao như thế nào ở thế kỷ XV – XVI.
Sự thịnh đạt của gốm sứ thương mại Việt Nam thế kỷ XV – XVI còn đuợc thể hiện qua các loại gốm Việt Nam có mặt ở nuớc ngoài.
Truớc thế kỷ XV, gốm Trần chắc đã được xuất khẩu. Ngay những năm 1936 – 1938, một học giả Nhật Bản – Yamamoto Tatsuro đã phát hiện được gốm thuộc thế kỷ XI – XIV ở thương cảng Vân Đồn. Các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng phát hiện đuợc gốm Trần ở nhiều bến bãi ở Vân Đồn. Năm 2002 – 2003, trong khi điều tra và khai quật, Đoàn Khảo cổ Việt – Nhật đã thấy gốm thời Trần không chỉ ở bến bãi mà cả ở trong các hố khai quật. Đó là loại bát đĩa men nâu cháy và có 5 dấu con kê ở đáy. Đó là các mảnh liễn, thạp, thố men màu ngà hoa nâu (18). Tuy nhiên, việc xuất khẩu gốm sứ với số lượng lớn, nhiều chủng loại và phạm vi rộng lớn phải đến thời Lê mới thực hiện được.
Gốm sứ, nhất là gốm men trắng hoa lam được bán ra trên một thị trường rộng lớn, từ Cận Đông đến Nhật Bản, nhất là vùng Đông Nam Á (32).
Như nhiều người đã biết, chiếc bình cổ cao vẽ lam hiện trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Topkapi Saray (Istanbul) là chiếc bình được làm tại Nam Sách (Hải Dương) vào năm 1450(13, 33). Xét về mọi mặt, chiếc bình này thực sự là một trong những sản phẩm gốm men đạt độ tinh xảo và hoàn hảo cả về kỹ và mỹ thuật. Ngoài ra, ở bảo tàng này còn một bình ngọc hồ xuân hình bát giác cũng có khả năng có xuất xứ từ Hải Dương (5).
Trong sưu tập của thánh đường Ardebil ở Iran do vua Shah Abbas tặng năm 1611 có một đĩa men trắng hoa lam Việt Nam rất đẹp (53). Đĩa trang trí hoa dây, hoa mẫu đơn và hoa sen giống như bình Topkapi Saray, Chu Đậu và tàu Cù Lao Chàm. Như vậy, chiếc đĩa này có niên đại thế kỷ XV.
Những mảnh gốm men trắng hoa lam cánh sen khai quật được ở đảo Hormuz hay các mảnh gốm ở cảng Julfar thuộc bán đảo Ả-Rập (53) cũng có xuất xứ từ Hải Dương. Ngoài ra những mảnh gốm tìm thấy ở Fostat (Ai Cập) cũng có nguồn gốc từ Hải Dương hay Chu Đậu.
Tại Nhật Bản, gốm sứ đào được ở nhiều nơi, như Dazaifu, Hakata, Sakai, Osaka, Okinawa, Nagasaki và v.v…
Tại Dazaifu (55) đã tìm được gốm Việt Nam vẽ men lam mờ, men độc sắc, men lam. Mảnh gốm hoa lam cánh sen, hoa dây cuộn và hoa lá rất giống gốm Chu Đậu. Niên đại của nó có thể thuộc thế ký XV.
Gốm Việt Nam ở Hakata (5) thuộc thế kỷ XV – XVI. Đó là các loại gốm độc sắc như trắng, vàng, nâu, xanh hay trong trắng ngoài nâu, đôi khi hoa văn in nổi dưới men. Các loại gốm này giống gốm Chu Đậu và Hợp Lễ. Còn loại bát in các vòng hoa cúc nhỏ (màu lam) ở trong và ngoài được các học giả Nhật cho là thuộc thế kỷ XVI.
Gốm Việt Nam thấy ở Sakai (5) có men trắng, hoa văn in nổi dưới men ở bên trong. Loại gốm này thấy ở Lam Kinh (Thanh Hóa), Hà Nội. Cậy, Ngói và tàu Cù Lao Chàm. Loại bát in hình hoa cúc nhỏ đã gặp ở Hakata cũng thấy ở Sakai.
Gốm Việt Nam ở đảo Okinawa (5) (Lưu cầu) có bát men ngọc, bình ngọc hồ xuân vẽ hoa lam, hộp gốm vẽ tam thái, mảnh vò. Bình hồ ngọc xuân vẽ lam và đồ gốm tam thái có xuất xứ từ Chu Đậu. Gốm ở đây có niên đại từ thế kỷ XIV – XVI.
Theo Mori Tsuyoshi, tại di chỉ hào thành Osaka, ở khu phố Dosho và Semba, người ta thấy 10 chiếc bát in hoa cúc, trong tầng đất bị cháy vào năm 1708 hoặc 1724. Tại một di tích có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVI cũng tìm thấy một bát vẽ rồng giống như ở Dosho (21).
Ở Nagasaki tìm thấy bát vẽ hoa cúc, bát nhỏ vẽ lam đơn giản, đĩa giật cấp. Gốm ở đây thuộc thế kỷ XVI (22).
Như vậy, Nhật Bản nhập khá nhiều gốm Việt Nam, cả đồ sứ lẫn đồ sành. Ngoài một số nơi vừa nêu, gốm Việt Nam còn được lưu giữ trong các dòng họ ở Nhật, liên quan đến trà đạo (38).
Tuy nhiên, như mọi người đều biết, Đông Nam Á mới là thị trường chính tiêu thụ gốm sứ Việt Nam. Theo các học giả Nhật Bản và phương Tây, ở Đông Nam Á có trên 30 địa điểm phát hiện được gốm sứ Việt Nam (50).
Có thể những đồ gốm ở di tích Bukit Siram, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Sabah, hay ở di tích Catalanga trên đảo Luzon (Phi-lip-pin), có niên đại thế kỷ XV, được làm tại Chu Đậu (36).
Con tàu đắm ở Pandanan (Phi-lip-pin) chở nhiều đồ gốm Việt Nam, trong đó có nhiều đồ gốm Chu Đậu như bát, liễn, hộp, bình vẽ chim chích chòe. Các tàu đắm ở Thái Lan như Rang Kwian, Si Chang III cũng có đồ gốm Chu Đậu, thế kỷ XV.
Đặc biệt, như trên đã trình bày, con tàu Cù Lam Chàm có tới 240.000 đồ gốm sứ các loại. Sưu tập gốm này không những nhiều về số lượng, đa dạng về hình loại, mà còn phong phú về hoa văn trang trí. Đây chủ yếu là gốm Chu Đậu thế kỷ XV – XVI.
Ket quả nghiên cứu nhiều mặt cho phép xác định, tàu Cù Lao Chàm là tàu Thái Lan đến Vân Đồn mua gốm sứ Hải Dương, chủ yếu là gốm Chu Đậu (6, 8, 26).
Gốm Việt Nam có mặt khá nhiều ở Indonexia. Đồ gốm ở đây khá đa dạng và có xuất xứ Chu Đậu và Hợp Lễ. Có loại gốm khá đặc biệt phát hiện được ở Indonexia, như ngói vẽ hoa lam hay đa sắc, hình chữ thập, đa giác hay chữ nhật, được dùng để gắn lên các ngôi đền. Ngoài các loại hoa văn vẽ theo yêu cầu của người đặt hàng, như makara, còn có nhiều hoa văn quen thuộc của gốm Chu Đậu, như hoa cúc, hoa mẫu đơn. Ngay một số đồ gốm làm theo yêu cầu của các nước Đông Nam Á như kendy… vẫn thấy có mặt hoa văn đặc trưng Chu Đậu, như vành hoa văn cánh sen (5).
Như mọi người đều biết, thế kỷ XVI là thời kỳ phát triển của kinh tể hàng hóa và hưng thịnh của các cảng thị ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Nhờ đó, Việt nam có điều kiện giao thương với Đông Nam Á, với phương Tây và phương Đông. Trong mối giao thương này, Công ty Đông Ấn Hà Lan có vai trò lớn. Ví dụ, Công ty này đã mua từ Bắc kỳ 1.456.000 đồ gốm đem đi bán ở các nước Đông Nam Á (56). Có thể qua Công ty này, gốm sứ Việt Nam đến với Cận Đông và Châu Âu.
Từ những trình bày trên (rất vắn tắt), chúng tôi sơ bộ nêu lên một vài nhận xét về gốm thương mại Việt Nam thế kỷ XV – XVI:
– Việc sản xuất gốm thương mại có quy mô rộng lớn, đạt trình độ phát triển cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật, có một số trung tâm sản xuất tiêu biểu và nổi tiếng như Chu Đậu, Cậy và Ngói.
– Gốm sứ xuất khẩu có nhiều chủng loại với nhiều hình dáng, hoa văn phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới.
– Thị trường tiêu thụ gốm Việt Nam là rộng lớn và đa dạng, bao gồm Đông Nam Á, Đông Á, Trung Cận Đông và Châu Âu.
– Gốm thương mại Việt Nam hưng thịnh nhất vào thế kỷ XV – XVI và có vai trò quan trọng trong việc giao lưu kinh tế – văn hóa của Việt Nam với Đông Nam A và Đông — Tây. Bờ biển Việt Nam thực sự là một nhịp cầu quan trọng trên con đường tơ lụa – gốm sứ Đông – Tây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Yoji Aoyagi. Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á, Trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb. KHXH, Hà Nội- 1991,Tr. 113 – 123.
2. Bums, Hán Văn Khẩn, Tăng Bá Hoành, Đào thám sát di tích Ngói (Hải Hưng), Trong: NPHM về KCH năm 1990, Viện KCH, Hà Nội – 1991, Tr. 186 -187.
3. Hà Văn Cẩn. Từ bình ngọc hồ xuân đến bình tỳ bà trong gốm sứ Hải Dương, KCH, số 2 – 1998, Tr. 66 – 67.
4. Hà Văn Cẩn. Vành hoa văn đặc trưng Việt Nam trên gốm đĩa Chu Đậu, Trong: NPHM về KCH năm 1998, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1999, Tr. 414 – 417.
5. Hà Văn Cẩn. Các trung tâm sản xuất gốm sứ cổ ở Hải Dương, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội – 2000.
6. Nguyễn Đình Chiến. Sưu tập hiện vật độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm, Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội – 2000, Tr. 28 – 40.
7. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. VH-TT, Hà Nội – 2000, Tr. 489 – 490.
8. Đỗ Mạnh Hà. Hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phân chia cho các bảo tàng ở Việt Nam, Trong: Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội – 2000, Tr. 41 – 48.
9. Hasebe Tìm hiểu mối quan hệ Nhật – Việt qua đồ gốm sứ, Trong: Đô thị cồ Hội An, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1991, Tr. 81 – 85.
10. Tăng Bá Hoành. Khai quật di tích lò gốm Chu Đậu (Hải Hưng), Trong: NPHM về KCH năm 1986, Viện KCH. Hà Nội – 1997, Tr. 287 – 289.
11. Tăng Bá Hoành. Hợp Lễ – Một trung tâm sản xuất gốm to lớn và phồn thịnh thời Lê (Hải Hưng), Trong: NPHM về KCH năm 1986, Viện KCH, Hà Nội – 1987, Tr. 290 – 292.
12. Tăng Bá Hoành. Khai quật Chu Đậu – Hợp Lễ (Hải Hưng) lần thứ hai, Trong: NPHM về KCH năm 1987, Viện KCH, Hà Nội – 1988, Tr. 212 – 214.
13. Tăng Bá Hoành, Đặng Đình Thể, Nguyễn Duy Cường, Nguyễn Khắc Minh. Gốm Chu Đậu, Hải Hưng, 1993, Tái bản có bổ sung 1999.
14. Hán Văn Khẩn. Báo cáo sơ bộ khai quật và thám sát các di tích Chu Đậu, Cậy và Ngói (Hải Hưng) lần thứ hai, Tư liệu trường ĐHTHHN.
15. Hán Văn Khẩn, Tăng Bá Hoành. Khai quật Chu Đậu (Hải Hưng) lần thứ tư, Trong: NPHM về KCH năm 1990, Viện KCH, Hà Nội – 1991, Tr. 180 – 183.
16. Hán Vãn Khẩn, p. Khai quật di tích gốm Cậy (Hải Hưng), Trong: NPHM về KCH năm 1990, Viện KCH, Hà Nội – 1991, Tr. 183 – 185.
17. Hán Văn Khẩn, Hà Văn Cẩn. Gốm Chu Đậu Việt Nam, Trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế quan hệ Việt – Nhật thế kỷ XV – XVI qua giao lưu gốm sứ, Hà Nội – 1999.
18. Hán Văn Khẩn. Báo cáo khai quật di tích cống Tây (Quảng Ninh). Tài liệu chưa công bố.
19. Mikami Tsugio. Đồ gốm Việt Nam và sự buôn bán đồ gốm. Toàn tập gốm thế giới, Tập 16, Shogakukan, Tokyo – 1984, Tr. 226, Bản dịch của Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội.
20. Mirimoto Asako. về đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam đào được ở Nhật Bản và xuất xứ của những sản phẩm này, Mỹ thuật (Thành phố Hồ Chí Minh) – 1994 (16 – 17), Tr. 50 – 52.
21. Mori Tsuyshi. Gốm sứ Việt Nam qua cuộc điều tra khai quật khảo cổ ở Osaka, Trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt – Nhật thế kỷ XV – XVI qua giao lưu gốm sứ, Hà Nội – 1999.
22. Đỗ Văn Ninh. Huyện đảo Vân Đồn, ƯBND huyện Vân Đồn – 1997.
23. Ogiura Gốm sứ Việt Nam qua cuộc điều tra khảo cổ ở Nagasaki, Trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt – Nhật thế kỷ XV – XVI qua giao lưu gốm sứ, Hà Nội – 1999.
24. Phòng KCH Lịch sử, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng. Khai quật di chỉ Hợp Lễ và Cậy (xã Long Xuyên – cẩm Bình – Hải Hưng), Trong: NPHM về KCH năm 1990, Viện KCH, Hà Nội – 1991, Tr. 188 – 192.
25. Phòng KCH Lịch sử, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng. Khai quật di chỉ gốm sứ Hợp Lễ (Hải Hưng) lần thứ ba (Báo cáo sơ bộ), KCH, số 4 – 1991, Tr. 31 – 36.
26. Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín. Khai quật khảo cồ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm – Hội An – Quảng Nam (1997 – 2000), Trong: Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử, Hà Nội – 2000, Tr. 5 -14.
27. Tống Trung Tín, Phạm Như Hồ. Gốm ở một số bến và cảng ở Nghệ Tĩnh, KCH số 4 – 1991, Tr. 70 – 77.
Bùi Minh Trí. Gốm Hợp Lễ trong phức hợp gốm sứ thời Lê, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Hà Nội – 2001.
Tsuzuki Shinichino. Gốm sứ Việt Nam khai quật từ di chỉ hào thành Sakai, Trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt – Nhật thế kỷ XV – XVI qua giao lưu gốm sứ, Hà Nội – 1999
46. Trịnh Cao Tưởng. Báo cáo sơ bộ về tàu thuyền cổ bị đắm chìm trong vùng cửa biển Hội An, Quảng Nam – Đà Nang, Trong: NPHM về KCH năm 1994, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1995, Tr. 327 – 329.
47. Trịnh Cao Tưởng. Gốm Việt Nam ở Nhật Bản, Trong: NPHM về KCH năm 1995, Nxb. KHXH, Hà Nội – 1996, Tr. 452 – 453.
48. Nguyễn Bá Vân. Một số vấn đề về gốm hoa lam thương mại Việt Nam, KCH, số 1 – 1993, Tr. 73 – 77.
49. Thành Thế Vỹ. Ngoại thương Việt Nam, Nxb. Sử học, Hà Nội – 1961.
50. Nguyễn Văn Y. Trở lại vấn đề “chiếc lọ hoa lam” của Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Topali Saray (Istanbul). Khảo cổ học, số 3 -1982, Tr. 59-61.
51. Nguyễn Văn Y. Đồ gốm hoa lam qua một số trung tâm sản xuất. Khảo cổhọc, số 4 – 1991, Tr. 37-41.
52. AOYAGI The trend of Vietnamese ceramics in the history of ceramic trade with particular reference to the Islands of Southeast Asia. Journal of East-West Maritime Relations, Vol. 2, 1992, pp. 1 – 17.
53. BROWN, ROXANA. The ceramics of South-East Asia: Their Dating and Identification. 2nd ed. Oxford University Press, Singapore, 1988.
54. CORT, LOUISE ALLISON. Vietnamese ceramics in Japanese contexts. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, 1997, pp. 63 – 83.
55. DIEM, ALLISON. Relics of a lost Kingdom – Ceramics from the Asian maritime trade. In Christophe Loviny (ed.). The Pearl Road – Tales of Treasure Ships in the Philippines. Asiatype, Inc, Makati City, Philippines, 1996, pp. 95 – 108.
56. DIEM, ALLISON I. Vietnamese blue and white ceramics in the Philippines: Late 14th – 16th centuries. In Chinese and Vietnamese Blue and White found in the Philippines, Bookmark, Makati City, Philippines, 1997, pp. 183 – 205.
57. DIZON, EUSEBIO D. Anatomy of a shipwreck – Archaeology the 15th – century.
58. GUY, JOHN. Vietnamese Ceramics and Cultural Idenity. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp.l 1-21.
59. GUY, JOHN. Vietnamese ceramics in international trade. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp. 47-61.
60. KRAHL, REGINA. Vietnam blue-and-white and related wares. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp. 147 – 157.
(15) LAM, PETER. Vietnamese celadon and their relationships to the wares of Southern China. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp. 129 – 145.
LEIDY, DENISE. Treasures of Asian Art: The Asia Society’s Mr & Mrs John D. Rockefeller 3rd Collection. Abbeville Press, New York, 1994.
MORIMOTO ASAKO. Kilns of Northern Vietnam. In John Stevenson & John Guy (eds.), Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp. 85 – 93.
SCOTT, ROSEMARY. Southern Chinese provincial kilns: Their importance and possible influence on South East Asian ceramics. In Rosemary Scott & John Guy (eds.), South East Asia and China: Art, Interaction and Commerce. Percival David Foundation of Chinese Art, London, 1995, pp. 187 – 203.
(19) STEVENSON, JOHN. Ivory-glazed wares of Ly and Tran. In John Stevenson & John Guy (eds.). Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997, pp. 110- 127.
STEVENSON, JOHN & JOHN GUY. Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition. Art Media Resources with Avery Press, Chicago, 1997.
STUDY GROUP OF OLD KILN SITES IN VIETNAM, KOEZUKA TAKAYASU, NINOMIYA SHUJI, ABOSHI MAMORU AND YAMASAKI KAZUO. Scientific Study on the Ancient Vietnamese Ceramics. Journal of East-West Maritime Relations, Vol.4, 1996, pp. 1 – 33.
TENAZAS R. c. p Underwater archaeology investigation of the Rang Kwian shipwreck. SPAFA Digest, Vol. 11, No. 2, pp. 31 – 32.
Underwater Archaeology in Thailand I: Ceramics from the Gulf of Thailand. Smaphan Publishers Co, Ltd, Bangkok, 1990.
Vietnamese Ceramics in the Museum of Vietnamese History Ho Chi Minh City. The Museum of Vietnamese History – Ho Chi Minh City, 1998.
WILLETS, WILLIAM. Ceramics Art of Southeast Asia. Southeast Asian Ceramic Society, Singapore, 1971.
($6) Wolker, T. Porcelain and the Dutch East India Company, Leiden, E.J.Brill, 1971.
Nguồn:
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đôi điều về gốm thương mại miền Bắc Việt Nam thế kỷ XV—XVII (Tác giả: Hán Văn Khẩn) |