Du lịch Việt Nam đầu thế kỷ XX (Phần 1)
TRẦN VIẾT NGHĨA
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)
Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã phát triển các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Ban đầu chúng cử những nhà khoa học người Pháp đi tìm khắp Việt Nam những nơi có khí hậu mát mẻ để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cho các quan chức thực dân. Một số nơi có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ đã được các nhà khoa học Pháp phát hiện ra như Hạ Long, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Ba Vì, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bạch Mã, Nha Trang, Đà Lạt, và Vũng Tầu. Những địa danh này đã được người Pháp xây dựng thành các khu nghĩ dưỡng, về sau phát triển thành các đô thị và trung tâm du lịch nổi tiếng. Nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách châu Âu đã đến các địa điểm du lịch ở Việt Nam. Ở Việt Nam bắt đầu hình thành sở thích đi du lịch. Thực dân Pháp không chỉ khai thác du lịch như một ngành kinh tế, mà còn sử dụng nó để thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam. Thông qua các hoạt động du lịch, nhiều người Việt Nam đã biết đến nhiều địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Du lịch trở thành cầu nối văn hoá Việt Nam với nhiều nền văn hoá trên thế giới.
x
x x
Trong lịch sử châu Âu đã có nhiều thương nhân, giáo sĩ và nhà thám hiểm đi khám phá nhiều vùng đất ngoại Âu. Nhưng phải đến thế kỷ XIX, du lịch mới trở thành một ngành kinh tế ở châu Âu. Đây là thời kỳ các nước thực dân phương Tây đã cơ bản phân chia xong các thuộc địa trên thế giới. Do đó, các nhà kinh doanh du lịch ở châu Âu đã có điều kiện tổ chức các tua (tour) du lịch cho các du khách châu Âu đi tham quan các thuộc địa. Người châu Âu lúc này đã có một sự hiểu biết đáng kể về các vùng đất trên thế giới thông qua các công trình nghiên cứu địa lý của các nhà khoa học và các nhà thám hiểm. Các tác phẩm văn học của Jules Verne, Rudyard Kipling, Julien Viaud được coi là những cuốn sách hướng dẫn du lịch. Thêm vào đó là sự quảng bá tích cực của báo chí, tiêu biểu như các tờ La Revue des deux mondes (Tạp chí hai thế giới), L ‘Illustration (Báo ảnh) và Le Tour du mond (Vòng quanh thế giới), đã kích thích những người châu Âu vốn hiếu kỳ đi khám phá và tìm hiểu những vùng đất mới đầy kỳ bí và hấp dẫn mà họ chưa từng được đặt chân đến.
Sau khi chiếm được Việt Nam, chính quyền thuộc địa đã cử nhiều đoàn thám hiểm đi khảo sát và tìm kiếm khắp Việt Nam những nơi có địa hình đẹp, có khí hậu phù hợp với việc nghỉ dưỡng và du lịch. Qua các cuộc khảo sát đó, các nhà thám hiểm đã khám phá ra nhiều địa danh lý tưởng như Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bạch Mã, Vũng Tầu, Ba Vì, và Hạ Long. Những địa danh này nhanh chóng được người Pháp xây dựng thành những trung tâm du lịch để kinh doanh kiếm lời. Đây cũng là cơ sở ban đầu cho sự hình thành ngành du lịch Việt Nam.
1. Sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam
Năm 1913, Maurice Rondet Saint, Thư ký của Ủy ban du lịch thuộc địa Pháp, sau khi trở về từ Đông Dương đã có bản báo cáo về những tiềm năng của du lịch Đông Dương: lịch đã làm biến đổi nhiều vùng trên trái đất và là một nhân tố kinh tế quan trọng hàng đầu. Ngoại trừ Tunisie và Algérie, thuộc địa của chúng ta cho đến tận bây giờ chiếm một vị trí rất mờ nhạt về du lịch… Đông Dương nằm trên một phần của thế giới nơi có mật độ du lịch lớn. Con số sau đây có thể chứng minh điều này: Hiện nay, Nhật Bản đón hàng năm khoảng 20.000 khách du lịch: Joxa là 8.000 khách; Philippines là 4.000 khách; Ấn Độ là 25.000 khách, trong khi đó Đông Dương chỉ có 150 khách. Nhật Bản là một nước mà vẻ đẹp và những điều lý thú của nó rất nổi tiếng, những hiển nhiên là không thể bằng Đông Dương. Java là nơi có rất ít những thứ để xem, lại càng không thể so sánh với Đông Dương ở bất cứ điểm nào. Philíppines thu hút được 4.000 khách du lịch cũng chỉ do những công dân Mỹ muốn tới thăm thuộc địa mới của mình. Đối với Ấn Độ, đó là một luồng khách được thiết lập từ lâu, được khai thác trong nguồn khách hàng quốc tế mà chuyến du lịch của họ phần nào mang tính chất cổ điển” [8: 4-5].
Maurice Rondet Saint đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của du lịch Đông Dương là do Chính phủ Pháp chưa có sự phối hợp với các cơ quan du lịch quốc tế trong việc quảng bá hình ảnh Đông Dương ra nước ngoài, tổ chức và khai thác các tuyến điểm du lịch. Do đó hầu hết các khách hàng tiềm năng của thế giới đều không biết tới Đông Dương.
Báo cáo của Maurice Rondet Saint đã được Bộ Thuộc địa, nhất là ủy ban du lịch thuộc địa Pháp hết sức quan tâm. Năm 1914, Uỷ ban đã tiến hành quảng bá du lịch Đông Dương bằng cách xuất bản sách giới thiệu về Đông Dương và gửi thư đề nghị hợp tác du lịch tới các công ty du lịch trên thế giới. Ngay lập tức Công ty Du lịch EMS- HALL của Mỹ, có trụ sở tại San Francisco, đã viết thư đáp từ và tỏ ý muốn được cùng hợp tác để phát triển du lịch Đông Dương. Nội dung bức thư như sau:
”San Francisco, ngày 7- 3-1914
Gửi Ủy ban du lịch thuộc địa
Trả lời bức thư của quý ngài ngày 17- 2 vừa qua, chúng tôi hân hạnh được thông báo cho ngài biết rằng lời đề nghị của quý ngài làm chúng tôi rất quan tâm. Hàng năm chúng tôi có khoảng từ 100 đến 200 người đăng ký cho chuyến du lịch Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Dưới đây tôi kèm theo những chương trình tham quan để quý ngài thấy các tua du lịch của chúng tôi được phối hợp như thế nào.
Nhiều khách du lịch của chúng tôi đã thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới và tìm những vùng đất mới để tham quan. Chúng tôi có ý định tổ chức một chuyến du lịch từ San Francisco đến Tahiti, Niudilân, Úc, Philíppin, Hồng Kông, Nhật Bản và trở về San Francisco. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tổ chức quảng bá tốt ở Mỹ thì Đông Dương có thể sẽ có nhiều may mắn thay thế Ai Cập, bởi vì các khách du lịch sống ở phía Tây Chicago đến Đông Dương một cách dễ dàng. Theo tập ảnh mà quý ngài gửi cho chúng tôi, chúng tôi thấy rằng Đông Dương đặc biệt có thể thu hút khách du lịch.
Công ty du lịch EMS- HALL sẵn sàng gửi tới Đông Dương một nhân viên du lịch có kinh nghiệm với nhiệm vụ nghiên cứu thực địa, xin gửi cho chúng tôi những tài liệu cần thiết cho phép chúng tôi lập các tuyến du lịch thường xuyên từ San Francisco tới Hồng Kông và Đông Dương. Để cho chuyến du lịch hoàn chỉnh hơn, chúng tôi sẽ đưa thêm Thái Lan, Singapo, Java, Phiiíppin và trở về San Francisco thông qua Nhật Bản… ” [9: 1-2].
Du lịch Đông Dương đang có cơ hội phát triển thì bị ngưng trệ bởi Thế chiến thứ nhất (1914- 1918). Do đó, du lịch Đông Dương không có thêm một bước tiến đáng kể nào. Năm 1916 số du khách đến Đông Dương mới chỉ là 150 người [9: 58].
Sau Thế chiển thứ nhất, mặc dù không phải là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng Pháp muốn lợi dụng du lịch để mời gọi các nhà tư bản đầu tư vào Việt Nam. Ngày 20- 10- 1922, Albert Sarraut, Bộ trưởng thuộc địa Pháp, đã gửi Chỉ thị cho các viên Toàn quyền ở các thuộc địa của Pháp hướng dẫn việc phát triển và khai thác du lịch: “Có vẻ như thừa khi nhấn mạnh ở đây tới tính cần thiết về sự tổ chức du lịch; nó không chỉ cần thiết về mặt phát triển kinh tế của các thuộc địa của chúng ta; mà nó còn làm cho mọi người biết đến những lãnh thổ rộng lớn đặt dưới quyển của chúng ta, và cũng cần phái nói thêm rằng những lãnh thổ này vẫn còn xa lạ với những người nước ngoài hay ít nhất là đối với những người Pháp; một lợi ích cao hơn tầm quốc gia đòi hỏi chúng ta phải làm cho mọi người biết về hành động khai hoá văn minh và bình định của nước Pháp; một lợi ích riêng đòi hỏi các thuộc địa của chúng ta phải được tham quan, bởi vì hôm nay là một khách du lịch, ngày mai có thể trở thành thực dân và ví dụ này không phái là hiếm. Vì vậy, việc tổ chức du lịch phải gồm 2 chặng đường: 1. Quy hoạch các thuộc địa, 2. Khai thác du lịch ở thuộc địa và tổ chức tuyên truyền.
1. Việc quy hoạch thuộc địa gồm: lập ra các tổ chức du lịch; công nghiệp khách sạn; kiểm kê các danh lam thắng cảnh và bảo tồn chúng; lập ra các rừng quốc gia và các khu bảo tồn săn bắn; nghiên cứu các tuyến điểm du lịch;…
2. Đồng thời với việc quy hoạch, cần phải quan tâm tới bước thứ hai, có nghĩa là việc khai thác du lịch ở thuộc địa và tổ chức tuyên truyền. Tôi cũng xin các ngài đặc biệt quan tâm tới tầm quan trọng của việc tổ chức các phương tiện vận chuyển bên ngoài cũng như bên trong nước, phù hợp với những đòi hỏi của khách du lịch…” [9: 43-44].
Ngày 27- 7- 1923, quyền Toàn quyền Đông Dương là Baudoin đã ra Nghị định thành lập Ủy ban du lịch trung ương (Comité central du Tourisme). Các thành viên của Ủy ban gồm Thủ hiến các xứ, Giám đốc các Sở Tài chính, Sở Kinh tế, Giám đốc Trường Viễn Đông bác cổ, và Kiến trúc sư trưởng của Sở kiến trúc, ủy ban trực thuộc Phủ Toàn quyền. Nghị định cũng quy định việc thành lập Uỷ ban du lịch vùng (Comité regional du Tourisme) ở mỗi xứ thuộc Liên bang Đông Dương. Uỷ ban này có chức năng giúp các Thống sứ trong việc tổ chức hoạt động du lịch địa phương. Tuy nhiên, việc đặt các cơ quan du lịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phủ Toàn quyền và các Sở kinh tế đã làm cho hoạt động du lịch ở Đông Dương không có hiệu quả bởi vì những người phụ trách cao cấp không có nghiệp vụ du lịch. Hơn nữa, các chức vụ được giao chi có tính kiêm nghiệm nên không được họ quan tâm thoả đáng. Theo quy định, Uỷ ban du lịch trung ương mỗi năm phải họp ít nhất một lần, nhưng từ năm 1923 đến năm 1928, Uỷ ban chưa tổ chức được lần họp nào do không triệu tập được thành viên.
Để khắc phục nhược điểm đó, ngày 3- 4-1928, quyền Toàn quyền Đông Dương là Monguillot đã ra Nghị định về việc tổ chức lại ngành du lịch Đông Dương. Nghị định cho phép thành lập Sở tuyên truyền và du lịch (Service de la Propagande et du Tourisme), Văn phòng du lịch Đông Dương (Office indochinoise du Tourisme), và Văn phòng tuyên truyền (Bureau de la Propagande). Sở tuyên truyền và du lịch sẽ đảm nhiệm các công việc liên quan đến các hoạt động du lịch. Văn phòng du lịch Đông Dương có nhiệm vụ quan hệ với các Uỷ ban du lịch địa phương; các công ty du lịch, các hãng du lịch và các tổ chức du lịch; thống kê và bảo tồn các danh lam thắng cảnh, rừng quốc gia và khu bảo tồn săn bắn; cải tạo hoặc quy hoạch các tuyến điểm du lịch, phương tiện giao thông và khách sạn. Văn phòng tuyên truyền có nhiệm vụ tập hợp và phổ biến các thông tin về tài nguyên, đời sống văn hoá, xã hội của Đông Dương; tổ chức chụp ảnh, làm phim, quảng cáo, hội chợ và triển lãm về Đông Dương; quan hệ với các cơ quan kinh tế, cơ quan ngoại giao và hãng thông tấn để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.
Rõ ràng, Nghị định năm 1928 đã khắc phục được những bất cập trong bộ máy tổ chức du lịch Đông Dương, làm cho bộ máy tổ chức ngành du lịch tinh gọn hơn và chuyên nghiệp hơn. Sở tuyên truyền và du lịch trở thành một cơ quan du lịch chính quy (9: 160).
2. Về hoạt động quảng bá du lịch
Trước Thế chiến thứ nhất, hầu hết các hoạt động quảng bá du lịch Đông Dương do Câu lạc bộ Touring của Pháp đảm nhiệm. Câu lạc bộ này được thành lập vào năm 1890 và trở thành một tổ chức hoạt động công ích từ năm 1907. Năm 1910, Câu lạc bộ thành lập Văn phòng du lịch thuộc địa, có trụ sở tại số 65, đại lộ Grande- Armée, và được đặt dưới sự bảo trợ của Tổng thống Pháp. Câu lạc bộ đã xuất bản sách giới thiệu về Đông Dương, gửi thư quảng cáo đến các công ty du lịch lớn trên thế giới, in các sách hướng dẫn du lịch v.v… để thu hút các khách du lịch Âu- Mỹ đến Đông Dương. Công việc quảng bá đang tiến triển thuận lợi thì bị đứt quãng đột ngột do Thế chiến thứ nhất bùng nổ.
Sau Thế chiến thứ nhất, vấn đề khôi phục lại các hoạt động quảng bá du lịch Đông Dương trở nên cần thiết hơn, bởi nước Pháp cần phải khuyếch trương mạnh mẽ các hình ảnh về Đông Dương để chào gọi các nhà đầu tư. Hoạt động quảng bá được đẩy mạnh hơn, nhộn nhịp hơn do có sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông tiện ích như sách, báo, phim ảnh, hội thảo v.v… Thực dân Pháp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển lãm tranh ảnh, chiếu phim về các danh lam thắng cảnh, phong tục, tập quán và các hoạt động du lịch tại Đông Dương ở Pháp, Anh, Mỹ và Nhật Bản.
Tháng 7- 1923, tạp chí chuyên ngành du lịch là Revue du Tourisme indochinoise (Tạp chí du lịch Đông Dương) ra đời tại Sài Gòn. Bên cạnh nó còn có một số tờ báo khác đã có những hỗ trợ đáng kể cho công tác tuyên truyền như tờ La Dépêche coloniale (Điện tín thuộc địa), Revue indochinoise (Tạp chí Đông Dương) và Bulletin des Amis du Vieux Huế (Tạp chí những người bạn yêu Huế).
3. Một số hoạt động du lịch tiêu biểu
Nhờ có sự quảng bá tích cực của các phương tiện truyền thông, các cơ quan du lịch nên các hoạt động du lịch ở Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung cũng có nhiều bước tiến đáng kể. Đã có một số công ty chuyên về du lịch và các công ty vận tải của Pháp và Đông Dương tham gia vào hoạt động tổ chức đưa đón khách đi du lịch như Compagnie francaise du Tourisme (Công ty du lịch Pháp), và Messageries Maritimes (Công ty vận tải biển). Phương tiện phục vụ du lịch ban đầu là tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô, xe kéo tay, võng, kiệu, ngựa, sau này có thêm máy bay của Hãng hàng không Pháp Air France.
Các tuyến du lịch trọng điểm trong nước như Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa v.v… đã đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Nguồn khách đi du lịch ban đầu chủ yếu là người Âu Mỹ. Người Việt chưa có thói quen đi du lịch và đời sống kinh tế còn có nhiều khó khăn. Sau Thế chiến, do tác động của việc quảng bá du lịch và đời sống kinh tế khá giả hơn nên đã có khá đông người Việt Nam tham gia vào các tua du lịch trong nước và nước ngoài.
Trong thời kỳ đầu du lịch là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và do người Pháp chiếm ưu thế hoàn toàn, về sau đã có một số người Việt chen chân vào kinh doanh du lịch, tiêu biểu là chủ hiệu ảnh Khánh Ký ở Sài Gòn. Ngày 7- 1-1930, chủ hiệu ảnh Khánh Ký đã gửi thư cho chủ hiệu ảnh Hương Ký ở Hà Nội đề nghị cùng cộng tác tổ chức chuyến du lịch sang Pháp xem Hội chợ Paris: “Trong này tôi vừa được giấy của hãng tàu cho rédution (giảm giá) về cuộc Đấu sảo Paris, vậy tôi có lập một cuộc du lịch ở trong này được nhiều người muốn đi lắm. Nay ông ở ngoài đó ông có biết ai muốn đi hoặc ông có đi sang qua bên đó để quan sát cho vui thì ông vào trong này đi với tôi cùng một chuyến tàu thì thực là tiện lợi lắm. Trong này tôi định tôi lấy vé tàu cùng vừa đi vừa về, cùng ăn ở bên đó tôi bao hết trong hai tháng ở Paris mà giá tiền rất rẻ. Như cách đi tàu hạng 1 Changeurs Réunis hay hạng 2 Messageries Maritimes cả ăn ở hai tháng hết thảy là 2200 $. Cách đi hạng 3 Messageries hay hạng 3 Changeurs hết thảy là 1350 $. Cách đi hạng tư hết thảy là 850 $. Còn sự tiêu pha xe pháo ngoài Paris thì độ 3, 4 $ một ngày là đủ. Còn cái tiện này nữa như có người Fonctionnaire (công chức) nào không có sẵn tiền dư thì đến khi đi trả trước cho một nửa số tiền, còn lại bao nhiêu thì có thể trả góp được làm 4 tháng. Như vậy thì thực là tiện hơn hết vì rằng ở trong này có nhiều fonctionnaire nguời ta bằng lòng như thế. Vậy ông xin vui lòng dù cho được nhiều đi cho vui. Sau nữa về cái phần của ông đi thì tôi xin trâm trước nhiều. Lại còn mỗi một người đi được một cái bon- exposition (phiếu dự thưởng) may ra khi sổ số đuợc 10.000 $ cũng nên. Nhân đây tôi nhờ ông làm ơn dán dùm cho mấy cái nhật trình cho người ta biết và có ai hỏi thì nhờ ông trả lời dùm cho những lời tôi đã nói ở trên. Sau đây xin có lời kính chúc ông cùng quý quyến được vạn an. Nay kính lời. Khánh”[10: 3-4].
Ngay sau đó, Khánh Ký và Hương Ký đã đăng các mẩu tin quảng cáo trên báo chí để tập hợp thêm khách cùng đi du lịch:
“Cuộc đi du lịch đấu sảo ở Paris
Kính cáo đồng bào trong khắp Tam kỳ biết rằng:
Chúng tôi có nhiều người dù nhau đi du lịch cuộc đấu sảo Paris năm 1931 này để quan sát về Mỹ thuật, Kinh tế, Thực nghiệp và Văn minh Âu- Tây, nên chúng tôi tổ chức cuộc du lịch này thật là tiện lợi lắm…
Trong hai muơi người đi có một người đưa đường đi coi các danh thắng và thông ngôn cho mình. Ngài nào không biết tiếng Pháp cũng có người cắt nghĩa dành giọt…
Ngài nào muốn hỏi điều gì thêm hoặc muốn dự cuộc du lịch này xin biên thơ thẳng cho Khánh ký Photo Saigon hoặc quá bộ lại Hiệu Hương ký Photo, 84 Hàng Trống Hà Nội nói truyện. Kính đạt” [10: 2].
Sau sự thành công của tua du lịch năm 1931, Khánh Ký đã thiết lập một chi nhánh tại số 11, phố Balainville, quận 5, Paris. Năm 1937, Khánh Ký và hãng Cook đã phối hợp quảng cáo và tổ chức hai tua du lịch tham quan nước Pháp nhân dịp nước Pháp tổ chức hội chợ vào tháng 5 và tháng 11- 1937. Hai nhà tổ chức này còn sẵn sàng đáp ứng nếu khách có nhu cầu đi tham quan một số nước châu Âu như Anh, Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ và Ý.
Bên cạnh việc mở tuyến tham quan từ Việt Nam tới châu Âu thì một số công ty du lịch và cá nhân còn tổ chức các chuyến tham quan tới các nước ở châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và Hồng Kông. Ngày 22- 6- 1937, Nguyễn Văn San, trú tại số 7, phố Minault, Bắc Ninh, đã gửi đơn lên Thống sứ Bắc Kỳ xin tổ chức tua du lịch đi Hồng Kông. Năm 1938. chính quyền thuộc địa Đông Dương dự định tổ chức một cuộc hành hương về thánh địa Méc ca để kiếm lời, nhưng thương vụ này không được người Việt Nam hưởng ứng.
__________
1 Để viết được bài này, tôi xin chân thành cảm ơn anh Nguyễn Văn Thuyên, nguyên là cán bộ của Trung tâm lưu trữ Ọuốc gia, đã cung cấp cho tôi những tư liệu (đã dịch từ tiếng Pháp) về du lịch Việt Nam đầu thế kỷ XX [ 1 -7].
Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 26 (2010) 164-173
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Mời xem tiếp: