Giải pháp nâng cao năng lực LẬP KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI của CÁC ĐỊA PHƯƠNG trong TỈNH NGHỆ AN
SOLUTION ENHANCING CAPABILITY of PLANNING for ECONOMIC and SOCIAL DEVELOPMENT of LOCALITIES in NGHE AN PROVINCE
NGUYỄN CÔNG NHẬT* – NGUYỄN VẠN PHÚC**
(* Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Vinh – Nghệ An
** Viện Công nghệ và Quản trị Á Châu – Tp. HCM)
TÓM TẮT
Bài viết giới thiệu về quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và chủ yếu tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh Nghệ An.
ABSTRACT
The article introduces the process planning for economic and social development and focuses on offering solutions to improve the planning for economic and social development of localities in Nghe An province.
x
x x
1. Giới thiệu
Một trong những thực tế mà nhiều tỉnh đang gặp phải đó là có nhiều dự án khác nhau do các nhà tài trợ khác nhau thực hiện trên địa bàn đang áp dụng những phương thức và cách tiếp cận khác nhau đối với việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (PTKTXH). Điều này đang tạo ra nhiều phiền toái hơn là cung cấp được cho địa phương một con đường có tính thực tiễn cao trong công tác kế hoạch PTKTXH. Việc tập trung nghiên cứu đưa ra được bộ giải pháp nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch PTKTXH của các địa phương trọng tỉnh Nghệ An là hết sức cần thiết, tạo sự thuận lợi cho các địa phương xây dựng kế hoạch tốt hơn và tính thực tiễn và mức độ thành công cao hơn khi triển khai kế hoạch.
2. Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong tỉnh Nghệ An
Bản chất của lập kế hoạch PTKTXH là quá trình thu thập, xử lý thông tin dựa trên sự tham gia nhằm tìm kiếm các ý tưởng phát triển (từ xác định những tồn tại, những vấn đề hiện hữu đối với bất kỳ cộng đồng nào). Kế hoạch chỉ trở thành chính thức và có giá trị thực hiện khi được các bên cùng đồng thuận và thông qua.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Sở Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn quy trình lập kế hoạch PTKTXH hằng năm. Để xây dựng được kịch bản phát triển kinh tế xã hội tốt, phù hợp với từng địa phương trong từng giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển đòi hỏi cán bộ cấp xã phải tiếp cận và triển khai quy trình lập kế hoạch một cách nghiêm túc và bài bản. Thông thường việc lập kế hoạch được triển khai thông qua các bước.
Bước 1: Ra văn bản chỉ đạo và hướng dẫn lập kế hoạch
Tiến hành ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chính thức khởi động quá trình lập kế hoạch. Triển khai tập huấn cho các thành phần tham các công cụ thu thập thông tin phục vụ cho quá trình lập kế hoạch. Quan triệt với các thành phần tham gia lịch trình thực hiện và nắm được thực trạng phát triển cũng như những định hướng lớn và mới của cấp trên cũng như chiến lược phát triển của địa phương.
Bước 2: Thu thập thông tin
Thành phần tham gia tiến hành thu thập từ thôn bản thông qua tổ công tác thôn và các cuộc họp tại thôn với sự tham gia được phân lập theo trình độ và khả năng điều phối của ban quản lý thôn.
Thu thập thông tin từ ban ngành để lấy được các ý tưởng phát triển đứng trên góc độ quản lý ngành của các ban ngành cấp xã và ý tưởng phát triển từ các hiệp hội, đoàn thể, cơ quan, đơn vị bên cạnh việc lồng ghép các chủ trương phát triển theo ngành dọc của cấp trên.
Thu thập thông tin từ cấp trên để nắm được các chủ trương, đường lối phát triển, nguồn lực dự kiến nhằm cung cấp cơ sở cho việc rà soát nguồn lực sau này.
Bước 3: Tổng hợp thông tin và dự thảo kế hoạch
Các bên tham gia tiến hành tổng hợp theo nhóm với từng nội dung thông tin trong đó lấy các ban ngành làm cơ sở để bổ sung, sửa đổi thông qua sử dụng thông tin do thôn bản và các hiệp hội đoàn thể đề xuất. Xác định mục tiêu từ những nội dung đã được lựa chọn để thấy được sự mong đợi về kết quả của các bên. Rà soát thông tin để nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào bằng năng lực của cán bộ lãnh đạo và cán bộ có kiến thức về phân bổ ngân sách. Bên cạnh đó còn giúp phân tách các hoạt động đề xuất theo mức độ khả thi về mặt nguồn lực. Từ các nguồn thông tin đã tổng hợp, tiến hành sắp xếp các nội dung vào bản dự thảo kế hoạch để bản kế hoạch được “mềm dẻo” và có tính thuyết phục cao hơn.
Bước 4: Tổ chức hội nghị kế hoạch xã, thông qua dự thảo, báo cáo cấp trên
Hội nghị tiến hành báo cáo những nội dung đã tổng hợp để đại diện tất cả các nhóm lợi ích hiểu rõ quá trình tổng hợp và những ghi nhận đề xuất của các bên liên quan vào bản kế hoạch. Tìm ra những điểm chưa hợp lý để rà soát, sửa đổi. Các bên tham gia bàn thảo để phân nhóm lại các hoạt động theo sự cấp thiết thực hiện, tạo cho bản kế hoạch có tính khả thi cao hơn và phản ánh nhiều hơn nguyện vọng và ý chí của cộng đồng. Sắp xếp ưu tiên thực hiện theo lợi ích toàn thể để quyết định nên hướng vào mục tiêu phát triển chủ yếu nào trong năm tới. Phân bổ các nguồn ngân sách đã biết và trong khả năng có thể quyết định một cách công khai dựa trên mức độ ưu tiên đã xác lập. áo cáo cấp trên để ghi nhận, tổng hợp vào chương trình ngành và kế hoạch cấp trên bên cạnh việc nhận được những phản hồi để tăng chất lượng lập kế hoạch.
Bước 5: Tham vấn cộng đồng
Tiến hành tham vấn rộng rãi tới những bên không được tham dự cuộc họp để biết và ghi nhận phản hồi. Các bên tham gia sẵn sang cấp nhật những thay đổi về bối cảnh phát triển.
Bước 6: Phê duyệt, ban hành kế hoạch
Tiến hành ban hành bản kế hoạch chính thức nó được xem là thủ tục chính thức và pháp lý hóa bản kế hoạch để các bên tham gia thực hiện.
3. Giải pháp hỗ trợ quy trình lập kế hoạch
Gắn kế hoạch PTKTXH của địa phương trong mối liên quan với các nguồn lực: Kế hoạch PTKTXH của địa phương là công cụ mà khi được sử dụng sẽ làm cải thiện môi trường phát triển của địa phương theo hướng hài hòa nhu cầu cộng đồng, các nhóm lợi ích tại địa phương với định hướng phát triển của nhà nước thông qua các nguồn lực khác nhau như: Nguồn lực nhà nước sử dụng để giải quyết những nội dung thuộc trách nhiệm cung cấp dịch vụ công (Cơ sở hạ tầng thiết yếu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thú y, nông nghiệp, hành chính …vv) của nhà nước cho cộng đồng. Những nội dung này thường có tính sinh lợi đặc thù thấp hoặc song có tác động đến đại đa số nhóm lợi ích hay chỉ đơn thuần là vượt quá khả năng đầu tư của các nhóm tại cộng đồng. Nguồn lực xã hội nội tại (doanh nghiệp, nhóm dân cư) để mang lại lợi ích trực tiếp cho nhóm cộng đồng, doanh nghiệp đó. Nguồn lực bên ngoài (các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong và ngoài nước) giúp giải quyết, nâng cao vị thế của nhóm cộng đồng yếu thế dễ bị tổn thương mà bản thân họ ít hoặc khó có khả năng tự huy động nguồn lực cho những mong muốn phát triển của họ (nhóm người nghèo, trẻ em, phụ nữ …vv).
Xây dựng bộ chỉ tiêu, chỉ số phát triển kinh tế xã hội: Chỉ tiêu kế hoạch nên phản ánh mong đợi của việc sử dụng ngân sách khi can thiệp vào môi trường phát triển địa phương. Chẳng hạn, với các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn như kênh mương thủy lợi thì chỉ tiêu mong đợi sẽ là diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu. Hoặc đầu tư vào hệ thống chăm sóc thú y nhằm làm giảm các vụ dịch bệnh, số gia súc gia cầm chết. Chỉ tiêu kế hoạch nên phản ánh chất lượng của chức năng mà chính quyền địa phương cần thực thi đối với cộng đồng địa phương.
Ví dụ: Đối với lĩnh vực cải tiến xử lý văn bản hành chính địa phương, chỉ tiêu kế hoạch có thể là giảm số ngày xử lý văn bản. Hoặc khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân về thông tin đất đai, quy hoạch …Nên chuyển các chỉ tiêu, chỉ số kém hiện thực (tốc độ tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, tổng giá trị sản xuất, giá trị gia tăng …) sang nhóm chỉ tiêu kế hoạch phản ánh mong đợi được lượng hóa của các dòng kinh phí nằm trong khả năng quản lý của chính quyền.
Ví dụ: Chỉ tiêu về tổng thu phí dịch vụ, thuế, lệ phí, tổng thu từ đấu thầu quyền sử dụng đất.
Đơn giản hóa chi tiết công việc theo năng lực cán bộ của địa phương: Số lượng bảng biểu được hạn chế ở mức tối thiểu. Các công cụ kỹ thuật được thiết kế theo trình độ hiện tại và không yêu cầu chất lượng thực hiện quá cao do có sự tham gia của các cán bộ có năng lực và khả năng phù hợp với từng giai đoạn của lập kế hoạch.
Các khâu tổ chức theo khả năng đáp ứng về mặt năng lực của từng thành phần tham gia: Với những hoạt động phức tạp, cần thiết phải có sự tham gia, quy trình được chia làm 2 bước theo đó, những ý tưởng sơ khởi sẽ do các cuộc họp nhóm nhỏ xây dựng trước khi đem ra thảo luận tại các cuộc họp nhóm lớn. Sự hạn chế về năng lực của cán bộ điều hành thảo luận sẽ không còn là rào cản để đạt được kết quả mong đợi.
Chuyên môn hóa nội dung công việc: Thực hiện phân công nội dung công việc đúng và phù hợp với năng lực chuyên môn của các thành phần tham gia, không áp đặt đối với bất kỳ cá nhân nào nếu họ có năng lực hạn chế.
Chỉ thu thập những thông tin cần thiết cho lập kế hoạch: Những thông tin không hoặc chưa cần thiết cho lập kế hoạch không được đưa vào để thu thập nhằm giảm gánh nặng cho công tác tổng hợp cũng như cung cấp thông tin.
Không thụ động chờ vào nguồn thông tin từ cấp trên: Sử dụng tất cả những gì sẵn có để lập kế hoạch, tạo ra sự sẵn sàng để bổ sung thông tin có thêm trong suốt quá trình lập kế hoạch. Vai trò thông tin từ cấp trên là quan trọng nhưng không có nghĩa thiếu thông tin đó thì cấp xã không tổ chức lập kế hoạch được. Quy trình tạo ra những điểm kết nối sao cho khi có thêm thông tin, ngay lập tức chúng sẽ được xử lý để phản ánh vào bản kế hoạch. Mong muốn không còn đơn thuần là liệt kê mà phải đảm bảo lý giải được sự cần thiết của mong muốn đó bên cạnh chỉ ra cách thực hiện. Những đề xuất hoạt động sẽ có tính khả thi cao hơn rất nhiều do đơn vị đề xuất có được ý tưởng rõ ràng, cụ thể về việc muốn làm điều này để giải quyết vấn đề gì và nguyên nhân tại sao lại xảy ra vấn đề đó, đồng thời chỉ rõ được những giải pháp, nội dung cần có để đảm bảo thực hiện được đề xuất đó.
Phân lập mối liên quan về sự ưu tiên giữa các cấp độ khác nhau: Mức ưu tiên của cấp nào sẽ chỉ có giá trị tại cấp đó mà không có mối quan hệ chéo. Mức ưu tiêu do thôn bản xác lập chỉ có giá trị đối với bản kế hoạch của họ, trong khi mức ưu tiên của các hoạt động trong bản kế hoạch xã sẽ phản ánh mong đợi chung của tất cả các nhóm lợi ích, các thôn, cộng đồng .
Phân biệt rõ được nhóm các hoạt động có thể có và không có nguồn lực: Các hoạt động có mức độ chắc chắn về nguồn lực thực hiện được tách riêng trong khi những hoạt động chưa chỉ ra nguồn lực huy động từ đâu sẽ được đặt vào nhóm đề xuất nhằm đảm bảo tính sẵn sàng thực hiện mỗi khi có thêm nguồn vốn huy động bổ sung được trong suốt năm thực hiện kế hoạch.
Tạo diễn đàn cho những quyết định tập thể: Không còn chỗ cho việc áp đặt ý chí chính trị khi phân bổ ngân sách. Đối với các xã có những nguồn ngân sách được phân cấp hoặc có nguồn lực từ các chương trình can thiệp ngoài ngân sách, việc quyết định chi cho hoạt động nào sẽ dựa vào mức ưu tiên và do đại diện các nhóm lợi ích cùng bàn bạc và đồng thuận. Lồng ghép những công cụ giúp tăng cường năng lực đồng thời cho phép sự tham gia của các bên liên quan mà không để xảy ra chồng chéo, lãng phí. Bản kế hoạch là trung tâm của mọi can thiệp của các chương trình, dự án. Các chương trình, dự án sẽ không cần phải lập kế hoạch theo kênh riêng mà chỉ là sử dụng lại bản kế hoạch đã được lập bên cạnh việc giới thiệu các công cụ giúp tăng cường chất lượng thông tin đầu vào hoặc xử lý thông tin trong quy trình.
4. Kết luận
Trong quá trình xây dựng và thực hiện các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về PTKTXH các địa phương cần thực hiện đúng quy trình công tác lập kế hoạch PTKTXH trên cơ sở lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cán bộ làm công tác lập kế hoạch PTKTXH, công tác tổng hợp, công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác lập, theo dõi, đánh giá kế hoạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về kế hoạch PTKTXH của địa phương, tạo điều kiện để cộng đồng theo dõi, giám sát đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện kế hoạch. Tiếp tục công tác phân quyền, phân cấp trong lập, thực hiện, theo dõi, đánh giá kế hoạch PTKTXH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. PGS TS Bùi Tất Thắng. -Phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế Việt Nam (Thời kỳ 2011 – 2020) , NXB Khoa học xã hội, 2010.
[2]. Barbara J.Streibel, -Lập kế hoạch và tiến hành họp hiệu quả, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2008.
[3]. Trịnh Tuấn, -Lập Kế Hoạch Và Quản Lý Dự Án Bằng Microsoft Project 2002, NXB Thống kê, 2003.
[4]. Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An. http://www.ngheanbusiness.gov.vn/
[5]. http://www.vnecon.vn/showthread.php/39040-Các-bước-lập-kế-hoạch-phát-triển-nền-kinh-tế-địa-phương/