Kỹ thuật của người An Nam – Phần 1: Bộ tư liệu được tìm thấy và đặt tên như thế nào?

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

1.1 BỘ TƯ LIỆU ĐƯỢC TÌM THẤY VÀ ĐẶT TÊN NHƯ THẾ NÀO?

   1.1.1 Tại thủ đô Hà Nội, từ những thập niên 50,60, một số hoạ sĩ đàn anh như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn … và một số nhà nghiên cứu trẻ đã bắt đầu để ý đến nhiều bức tranh mộc bản đầu thế kỉ trong một bộ tư liệu và đã bước đầu đặt vấn đề tìm hiểu nghiên cứu. Về sau, nhiều viện nghiên cứu như Viện Sử, Viện  Mĩ thuật, Viện Từ điển Bách khoa, Viện Đông Nam Á, Viện Hán Nôm, Viện Ngôn ngữ … cũng đã tiếp xúc với bộ tư liệu nói trên.

     Tại thành phố  Saigon trước đây, có lẽ vào những năm 60, Viện Khảo cổ và nhiều nhà nghiên cứu đã biết và tìm hiểu pho sách độc đáo ấy, nhất là vào những năm 70 lại thấy xuất hiện một số bức hoạ với tựa đề: “Tranh mộc bản Việt Nam đầu thế kỉ 20” (1).

     1.1.2 Tại Paris, vào tháng 4 năm 1978, Tập san Khoa học Xã hội (Paris) đã cho đăng một bài viết giới thiệu nhan đề “Mĩ thuật dân gian qua 650 tranh khắc gỗ mới tìm được” (2).

     Hai tháng sau, một cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Nhà Văn hoá Bourges (Pháp) với dòng chữ lớn: “Peintres paysans du VN” (Những hoạ sĩ nông dân Việt Nam) (3).

     1.1.3 Sau bài viết và cuộc triển lãm này, một số báo của người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu và Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật tại Hà Nội cũng đã cho đăng lại bài viết nói trên (số 4/78).

     Đến năm 1985, Tạp chí Tri thức Bách khoa của Viện Từ điển Bách khoa thuộc Uỷ Ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã giới thiệu được 351 bản vẽ với hàng tít lớn: “Bách Khoa thư bằng tranh – trích Bách khoa thư Văn hoá Vật chất Việt Nam – nghệ nhân vô danh vẽ đầu thế kỉ 20”(4).

     Gần đây, trên số báo xuân Mậu Thìn (1988), Tạp chí Đất Việt của Hội người Việt Nam tại Canada có sử dụng 8 bức vẽ để minh hoạ cho các bài viết về Tết với lời ghi chú: “Ảnh vẽ thế kỉ 19 mới sưu tầm được” và hiện nay một số tạp chí khác cũng đang chú ý khai thác.

     Ngoài ra, chúng ta lại còn thấy 2 bản vẽ hình con trâu được chọn trong bộ tư liệu nói trên để đăng trên một tạp chí với tựa đề: “Con trâu hồn nhiên trong tranh tượng”(5).

     Đáng chú ý là sách giới thiệu về văn hoá dân tộc (6) có minh hoạ 30 bức vẽ, trong đó có 26 bức mô phỏng theo tư liệu này.

     1.1.4  Sơ bộ, chúng ta nhận thấy tư liệu tuy đã được giới thiệu từng lúc, từng nơi, dưới dạng này hay dạng khác, nhưng chưa thống nhất. Do đó nảy sinh những câu hỏi cần được trả lời:

     a) Phải chăng sau một thời gian dài – hơn nửa thế kỉ – bị quên lãng, số phận một kho tàng văn hoá lớn của dân tộc Việt Nam “đã bắt đầu trôi nổi – thoắt ẩn thoắt hiện – theo dòng thời cuộc” từ  Hà Nội (những năm 50) đến Saigon (sau 54) rồi lại “ra đi biền biệt vào một phương trời xa xăm nào khác” (Paris – sau 75)?

     b) Phải chăng đây là “một dòng tranh mới” – khác với dòng tranh Hồ, Hàng Trống … quen thuộc – hay đây là “một loại hình nghệ thuật” hoặc “một loại hình nghiên cứu khoa học” nào khác mà chưa được nhìn nhận? Có lẽ trong phạm vi của tập sách giới thiệu này thiết nghĩ chưa vội đi sâu nghiên cứu về nhiều mặt mà chính là “mô tả như nó là nó” tránh gán ghép dù là “những giá trị xa lạ” vô tình xúc phạm đến giá trị khoa học chân chính!.

_______
(1) NGUYỄN KHẮC NGỮ – “Tranh mộc bản Việt Nam đầu thế kỉ 20” – Tạp chí Trình bày, từ số 1 đến 10 năm 1970

(2) PHẠM NGỌC TUẤN – Mĩ thuật dân gian qua 650 tranh khắc gỗ mới tìm lại được – Tạp chí Khoa học Xã hội, Paris, số 4.78

(3) PHẠM NGỌC TUẤN – Những hoạ sĩ nông dân Việt Nam – Triển lãm tại Nhà văn hoá Bourges (Pháp) do Hội người Việt Nam tại Pháp và Viện Bảo Tàng Con người phối hợp tổ chức – từ ngày 10.6.78 đến 30.7.78

(4) Trên các số 3, 4, 5.1985 và số 1 tháng 10.1985 (in thành tập riêng)

(5) NGUYỄN QUÂN – Con trâu hồn nhiên trong tranh tượng – Báo văn nghệ Việt Nam, số Tết Ất Sửu 1985 – Tr.12

(6) NGUYỄN THỤ – Minh hoạ cho Bộ Thi ca Bình dân Việt Nam – Toà lâu đài văn hoá Dân tộc (quyển 4), do Nguyễn Tấn Long và Phan Canh biên soạn – Sống Mới xuất bản năm 1971 tại Saigon.

1.2 ĐĂNG KÍ THÀNH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG BỐ CHÍNH THỨC

     1.2.1 Vào tháng 4 năm1984, chúng tôi đã chính thức đăng kí thành đề tài nghiên cứu khoa học (1) dưới sự hướng dẫn của Khoa Ngữ văn thuộc trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ của Hội Văn nghệ Dân gian, Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam. Chúng tôi đã giới thiệu bộ tư liệu để làm rõ những điều nói trên trong cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 13.7.1985 tại Hà Nội.

     1a. Các thầy BÙI KHÁNH THẾ (giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học). CHU XUÂN DIÊN (giáo sư văn học dân gian). TRẦN CHÚT (phó Khoa Ngữ văn Đại học Tổng Hợp) đã hướng dẫn cách giới thiệu công trình.

     1b. Các bác ĐẶNG ĐỨC (nhà nghiên cứu Hán Nôm), Trần Mai và Hồ Nam (các nhà nghiên cứu văn hoá) đã giúp chú giải nội dung.

     1c. Các thầy HOÀNG NHƯ MAI (giáo sư văn học). LÊ ĐÌNH KỴ (giáo sư lí luận văn học) TRẦN THANH ĐẠM (giáo sư văn học). NGUYỄN LỘC (giáo sư văn học)., TRẦN THÁI ĐINH (tiến sĩ triết học), LÊ VĂN HẢO (giáo sư tiến sĩ dân tộc học) đã đọc, góp ý bản thảo.

     1d. Các ông VÕ SĨ KHẢI (nhà nghiên cứu khảo cổ học), NGUYỄN NGỌC BÁCH (M.S), DƯƠNG NGỌC DŨNG (giảng dạy tiếng Anh) đã sửa chữa bản dịch cũ và bản dịch mới bổ khuyết này đã được thực hiện và sửa  lần cuối bởi dịch giả VŨ ANH TUẤN.

     Sau đó, chúng tôi đã tiếp tục giới thiệu tại nhiều nơi khác (2) cũng như với nhiều anh chị em người Việt Nam sống ở nước ngoài khi có dịp về thăm quê nhà.

______

(2) a. Ở Hà Nội, đã giới thiệu tại các nơi: Viện Hán-Nôm, Viện Ngôn ngữ, Khoa Tiếng Việt Đại học Tổng hợp Hà Nội.

         b. Ở Thành phố Hồ Chí Minh: tại Ban Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Trí thức yêu nước, Hội Y học, Tổ Sử, Nhà Truyền Thống Phụ nữ Nam Bộ, Nhà Xuất bản Trẻ. Bộ phận Thường trú Viện Văn hoá, Hội Nghị Ngôn ngữ Phương Đông lần thứ 4 các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức ngày 22.11.86 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa Học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Xưởng phim Giáo khoa Bộ Giáo dục, Hội đồng Khoa học Khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

     1.2.2 Riêng qua cuộc hội thảo, bộ tư liệu đã được báo chí đưa tin (1) và đã được nhiều nhà chuyên môn nhận xét đánh giá về giá trị nhiều mặt:

     a) Bộ sử bằng hình vẽ, tuy chưa thật toàn diện, nhưng đã có rất nhiều giá trị về khả năng phản ánh hiện thực, cho thấy nhiều mặt đời sống xã hội Việt Nam ở thời kì này. Bộ tranh còn là đóng góp vô giá vào kho tàng hội hoạ truyền thống dân tộc (hình 1).

     HOÀNG THAO – Một bộ tranh khắc gỗ độc đáo – Nhân Dân 20.7.1985

Hình 1: BÉ CHĂN TRÂU (vẽ theo tượng bằng đất nung)

     b) Những bức tranh có nghệ thuật vẽ rất điêu luyện, đẹp và sinh động, nhất là ở nghệ thuật khắc gỗ, rất gần với các dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống nổi tiếng mà ta đã biết từ lâu (hình 2).

     Trong những năm 50, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung và Trần Văn Cẩn cũng đã được thấy bộ tranh khắc gỗ đó tại Hà Nội và mới đây Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố bản gốc có tại thành phố Hồ Chí Minh.

     P.V. Hơn 4.000 tranh khắc gỗ dân gian đầu thế kỉ XX vừa được phát hiện – Quân đội Nhân dân 20.7.1985.

Hình 2: CÁ CHÉP CHƠI TRĂNG (lí ngư hí nguyệt) tranh dân gian VN

     c) Về bộ sưu tập tranh dân gian đặc sắc này, giáo sư viện sĩ Trần Văn Cẩn – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Tạo hình Việt Nam đánh giá:

     Bộ tranh dân gian này có giá trị rất cao về nghệ thuật. Các nghệ nhân xưa đã vẽ những bức tranh sống động này với một tài nghệ bậc thầy. Ngày nay, xem tranh, chúng ta như được thấy lại chính mình (hình 3). Chỉ xét riêng ve mặt nghệ thuật tạo hình không thôi, bộ sưu tập đặc sắc này cũng đã cho chúng ta những bài học hết sức bổ ích.

     L.V. Bộ sưu tập tranh dân gian đặc sắc – Tuần Tin Tức 20.7.1985.

Hình 4: LÒN TRÔN (XUẤT KHỔ HẠ) (hình phạt học trò viết thất nét)

     d) Giáo sư sử học Phan Huy Lê  nhận xét:

     “Đây là một bộ sưu tập lịch sử bằng hình ảnh về đời sống nhân dân ta xưa, từ các ngành nghề trong xã hội cho đến các mặt đời sống văn hoá tinh thần. Hơn 4000 bức vẽ hợp lại là một tài liệu hết sức phong phú, đa dạng, sống động, giúp chúng ta tìm hiểu những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc về một thời lịch sử đã qua” (hình 4).

     P.V. Bộ sưu tập tranh dân gian đặc sắc – Tuần Tin Tức 20.7.1985.

Hình 4: LÁ BÙA TRỪ TÀ “Trừ tà trị bệnh” Trấn trạch bình an

     e) “Toàn bộ sưu tập gồm hơn 4000 bức tranh do nghệ nhân ta vẽ, khắc và in tay vào những năm 1908 –1909 tại Hà Nội. Các tranh đều có chú dẫn chi tiết bằng chữ Hán, chữ Nôm để giới thiệu nội dung các mặt sinh hoạt sản xuất, chăn nuôi (hình 5), nghi lễ, tập quán và vui chơi giải trí của nhân dân vào đầu thế kỉ này”.

     Giới thiệu sưu tập tranh dân gian đầu thế kỉ 20 – Hà Nội Mới, 20.7.1985.

Hình 5: MỔ TRÂU

     f) “Hơn 4000 bức tranh như một sưu tập lịch sử bằng hình ảnh về đời sống của nhân dân ta xưa, từ các ngành nghề khác nhau trong xã hội cho đến những sinh hoạt tinh thần (hình 6) và đời sống mà các nghệ nhân dân gian đã thể hiện một cách hết sức tài tình và cô đọng”.

      Hội thảo khoa học nhân dịp công bố bộ sưu tập hơn 4000 bức tranh dân gian – Saigon Giải phóng 17.7.1985.

Hình 6: THỔI CƠM THI

     g) “Nhưng có lẽ cái quý nhất là giá trị của một tư liệu bằng tranh, có chú thích chữ Hán, Nôm (hình 7) (2) nên đã ghi lại khá đầy đủ các sinh hoạt trong dân gian vào thế kỉ trước.

     Bảo vệ những di sản văn hoá dân tộc là một nhiệm vụ của thế hệ trẻ, vì họ có rất nhiều thời gian phía trước để nghiên cứu cả một văn hoá dân tộc đã qua”.

     HUỲNH DŨNG NHÂN – Tuổi trẻ Chủ nhật số 24/85 ngày 25.8.1985.

Hình 7: KHỈ KẾT BẰNG LÁ THUỐC
(năm Mậu Thân – 1908 – kết hình con khỉ, giữ trong nhà, sau đó ngắt ra làm thuốc uống trị bệnh)

     h) “Có lẽ đây là một giới thiệu có ý nghĩa cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu về văn hoá dân gian, về dân tộc học, về xã hội học (hình 8). Hơn nữa, bộ sưu tập gồm hơn 4.000 tranh còn phản ánh giá trị nghệ nhân khắc, hoạ thời bấy giờ”.

     HỒ KIM – Về bộ sưu tập hơn  4.000 tranh khắc gỗ dân gian đầu thế kỉ 20 – Người Công giáo Việt Nam số 32 ngày 11.6.1985.

Hình 8: ĐẤU VẬT (bằng đất nung)

     i)  … “Với tinh thần tin cậy và hợp tác khoa học, anh Hùng đã cho tôi xem toàn bộ tư liệu của anh, giới thiệu những thu hoạch của anh qua nhiều năm nghiên cứu, những mặt còn tồn tại, những trăn trở của anh và những dự kiến trong tương lai. Với sự làm việc cần cù, bền bỉ, anh mới có thể hiểu và chú giải được trên 4.000 tranh ghi bằng chữ Nôm và dấu vết còn để lại rất thực của tiếng nói Hải Hưng, quê quán của các nghệ nhân. Tuy nhiên có nhiều tranh mang nội dung khó hiểu, anh phải thăm hỏi nhiều thầy, nhiều bác từ miền Bắc vào mới giải thích (hình 9).

     ĐẶNG ĐỨC – Văn  Nghệ số 5-6, 1.2.1986. Tết Bính Dần.

Hình 9: CHIÊU HỒN NHẬP QUAN

     j)“Những bản vẽ của đầu thế kỉ 20 này được làm ra với một kĩ thuật cao đã phản ánh cuộc sống của người Việt Nam thời ấy. Nhiều bản trong số này có giá trị nghiên cứu khoa học, đặc biệt là dân tộc học” (hình 10).

     4000 tranh dân gian được sưu tập – Thông Tấn xã Việt Nam 16.6.1985.

Hình 10: HỎI VỢ (Vấn danh). Một trong sáu nghi thức cưới hỏi.
Người nhà
đội mâm trầu cau, chú rể che ô tây, bà mối kè kè chiếc nón cụ quai thao.

     k) … “Những cơ quan văn hoá đã tổ chức xác định nguồn gốc những bản vẽ này và lí lịch của những tác giả. Người ta hy vọng sẽ tìm thấy các bản gốc và sẽ cho ấn hành thành nhiều tập”.

     Một bộ sưu tập đáng chú ý – Thời báo Việt Nam – 9.85 (Une collection remarquable – Le Courrier du Vietnam – 9.1985).

     l) … “Phải có thêm một thời gian để chuẩn bị cho việc xuất bản bộ sưu tập Tranh Dân  Gian Việt Nam đầu thế kỉ XX, vì đây là một di sản quý báu trong kho tàng văn hoá phong phú của nước ta, nhằm mục đích bảo tồn và giới thiệu rộng rãi với công chúng ở trong nước và ngoài nước về nghệ thuật tạo hình  Việt Nam” (3).

“Vẫy vùng sóng nước đôi chân,
Tung vó xuống cất vô vàn cá to”

     Nội dung tập tranh đề cập  đến nhiều mặt trong cuộc sống của xã hội Việt Nam (hình 11), không còn giới hạn trong phạm vi kỹ thuật.

Hình 11: CẤT VÓ

     Đây là loại vó tay đan vuông bằng dây gai mỗi chiều từ 1,5m đến 2m, có 1 cọng dài 3, 4 mét dùng đánh bắt cá tôm chỗ nước sâu, song không ngập đầu người (sông ngòi, ao, hồ…) thường người cất vó, đeo 1 cái giỏ ở thắt lưng để đựng tôm cá bắt được. Có loại vó to hơn gọi là vó bè, dàn vó cố định, đặt ở khúc sông giữa 2 nguồn nước giao lưu có chòi để ăn ở, canh gác tại chỗ, song có loại vó di chuyển được. Loại vó này giỏ nằm ngang ở rốn, lại còn có loại vó tôm nhỏ chỉ là 1 vuông vải dùng bắt tôm tép.

     Trên  4000 hình vẽ, ta thấy khoảng 1000 hình có tính chất ghi chép, kĩ thuật đơn giản, khô khan như cái thang cái đèn (hình 12), cái cối, cái chày, cái cưa… Có những hình tinh vi có giá trị hình hoạ đẹp, phong phú về dáng tạo hình công nghiệp … giúp cho các nhà nghiên cứu những tài liệu rất quý về mặt trực quan”.

     MAI TRANG – …4000 tranh dân gian đầu thế kỉ – Tôn giáo 9.1985.

Hình 12: Cây đèn dầu

     m) “Do yêu cầu đặt ra là minh hoạ một ý đồ cụ thể hay ghi chép trực quan một khía cạnh nào đó của cuộc sống, nên một số hình ghi chép còn tự nhiên chủ nghĩa như cảnh chém tung đầu (hình 13) , cái chuồng lợn (hình 14), ngồi tè hay ăn mày …”

Hình 13: CHÉM TUNG ĐẦU

     Thường không nhà nông nào mà không nghĩ đến việc nuôi lợn để có phân bón ruộng. Nếu không vì quá nghèo túng, chật vật thì cũng là một cái chuồng lợp lá, đan tre làm rào chung quanh mỗi chiều độ 2 hay 3 mét. Nhà nào có điều kiện hơn thì ngăn ra một gian làm chuồng lợn. Có nhà làm chung với hố xí, hoặc đặt bên cạnh bếp, đắp tường đất, đóng cọc chung quanh gọi là chẹm cho lợn khỏi phá nhà, khá hơn nữa thì xây gạch. Trong chuồng để trấu, rơm, rạ cho lợn nằm và đại tiểu tiện, khi nào làm chuồng ( khi phân ngầu lên rồi) thì đổ lên một lớp khác. Đây chính là nơi dự trữ và ủ phân làm phân chuồng. Một loại phân bón chủ lực của miền xuôi, còn vùng bán sơn địa hay vùng núi, lợn thả rông nên chỉ dùng phân xanh.

     ĐẶNG ĐỨCTập tranh khắc gỗ dân gian đầu thế kỉ, nhìn ở góc độ nghệ thuật tạo hình – Văn hoá Dân gian số 3.1986.

Hình 14: Chuồng lợn

     n) “Với tiến bộ khoa học kĩ thuật vượt bậc của thời đại ngày nay, chúng ta không chỉ có những bộ sách Bách khoa (encyclopédies) là sách in mà còn có sách Bách khoa bằng tranh, bằng âm thanh, bằng phim chiếu, bằng màn hình do máy tính điều khiển. Ở đây xin nói về một  bộ sách Bách khoa bằng tranh của Việt Nam ra đời đầu thế kỉ này…”  

     LÊ VĂN HẢO – Một văn vật quý hiếm trong kho tàng văn hoá Việt Nam, 4577 bức vẽ trong bộ Bách khoa bằng tranh của nghệ nhân Việt Nam đầu thế kỉ 20 – Saigon Giải phóng ngày 16 và 17.7.1987.

     o) “Trong đời sống văn hoá – nghệ thuật những năm gần đây có một sự kiện được nhiều người, nhất là trong giới mĩ thuật, văn hoá dân gian và một số ngành khoa học xã hội quan tâm: đó là việc một số cơ quan văn hoá, nghệ thuật và khoa học xã hội tổ chức công bố một tập tranh khắc gỗ khá đồ sộ được thực hiện vào đầu thế kỉ này…”

     QUỐC ANH Nhìn nhận lại giá trị của một tập tranh đầu thế kỉ 20 – Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật – Bộ Văn hoá – Số 2.1988 (tr.48).

___________

(1) Như Thông Tấn xã Việt Nam, Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội Mới, Saigon Giải phóng, Tôn giáo, Tuần Tin tức, Người Công Giáo Việt Nam, Le Courrier Du Vietnam, Tuổi trẻ. Điện Ảnh, Văn Nghệ Tết Bính Dần (1986), Kiến thức Ngày nay số 2/88 …

(2) Khỉ kết bằng lá thuốc với dòng chữ Hán nội dung: “Đến Tết Đoan Dương (5 tháng 5) người ta dùng lá nghệ kết thành hình này, năm nào thì kết hình con ấy, kết thành con vật tên gọi là Khỉ”. Năm Mậu Thân 1908 là năm Khỉ nên kết hình con khỉ gọi là Hầu Tử, sau đó ai đau bụng thì ngắt ra làm thuốc.

(3) Trong cuộc hội thảo, chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam – nhà thơ Cù Huy Cận – đã cảm hứng đề thơ tranh “Cất vó”.

Còn tiếp

 Mời xemPhần 2GIỚI THIỆU BỘ TƯ LIỆU