Hiệu quả KINH TẾ – XÃ HỘI từ MÔ HÌNH HỘI QUÁN của NÔNG DÂN tỉnh ĐỒNG THÁP
PHẠM NGỌC HÒA
(Học viện Chính trị khu vực IV)
Hội quán của nông dân tỉnh Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện giữa những người nông dân với nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đây không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa người nông dân với chính quyền về những vấn đề kinh tế – xã hội ở địa phương, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Mô hình này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, hình thành niềm tin cho người nông dân thông qua việc phát huy dân chủ.
x
x x
Là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã có bước phát triển khá nhanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhưng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, như quy mô sản xuất chạm ngưỡng; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản tương đối thấp; tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng nhờ vào tăng diện tích, tăng vụ1,… Nhìn chung, qua 05 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bên cạnh những mặt đạt được thì đời sống của người nông dân trong tỉnh vẫn còn bấp bênh, nghèo khó, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” liên tục lặp đi lặp lại đã làm cho đời sống của người nông dân thêm khó khăn. Trước thực trạng trên, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã cùng nhau thành lập mô hình Hội quán để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hội quán là mô hình quy tụ nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, phương thức làm ăn giỏi… Hoạt động của Hội quán đã giúp người nông dân từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phát huy được tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của người nông dân trong sản xuất và trong tham gia giải quyết công việc của cộng đồng và của chính mình, là tiền đề tiến tới thành lập hợp tác xã. Việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quán đều phù hợp với các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Sự ra đời và hoạt động của hội quán nhận được sự quan tâm của ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh uỷ, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện trong quá trình hình thành và hoạt động của hội quán. Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đã ban hành văn bản về việc lãnh đạo phát triển mô hình hội quán trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả kinh tế – xã hội từ mô hình hội quán của nông dân tỉnh Đồng Tháp
Hội quán của nông dân tỉnh Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Hay nói cách khác, hội quán là mô hình do nông dân tự nguyện cùng lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập; thông tin, bàn luận công việc ở cộng đồng dân cư.
Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa những người nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Từ mô hình Canh Tân Hội quán ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 03/7/2016 với 105 thành viên, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 56 Hội quán trên 12 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số hội viên là 3.145 người.
Theo ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Các hội quán tuy chỉ đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã mang đến một sinh khí mới. Trước tiên là tính tự nguyện, tự chủ của bà con tham gia. Mọi người vui vẻ, chan hòa, đoàn kết, không theo mô thức quen thuộc kiểu “trên bảo, dưới nghe”, không dài dòng, nặng nề hình thức. Quan trọng hơn hết, giữa các thành viên phải có niềm tin với nhau, có niềm tin là có tất cả để mang lại lợi ích chung”. Thực vậy, mô hình hội quán này hoàn toàn là sự tự nguyện của người nông dân trong tỉnh, chính quyền các cấp không can thiệp vào hoạt động của các hội quán mà chỉ hỗ trợ ban đầu bằng việc tặng một số tài sản cố định như laptop, máy chiếu, màn chiếu. Mỗi Hội quán thường tập hợp những hộ nông dân cùng ngành nghề như nuôi tôm, cá, trồng xoài, quýt, nhãn…
Về cơ cấu tổ chức của Hội quán không rườm rà, phức tạp, chỉ cần có một người đứng đầu làm đầu mối thông tin giữa các thành viên trong hội quán, các thành viên tự bầu chọn ra một Chủ nhiệm Hội quán. Ban Chủ nhiệm được cơ cấu từ 03 đến 11 thành viên, là những nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng. Nội dung sinh hoạt của các hội quán rất phong phú, do Ban Chủ nhiệm trao đổi và thống nhất của thành viên Hội quán như trao đổi cách làm mới, hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi; xem phim tư liệu; nghe các nhà khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; thông tin, liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư và tiêu thụ hàng nông sản; bàn chuyện của cộng đồng dân cư khuyến học, an ninh trật tự,… Hội quán sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hai tuần hoặc một tháng. Địa điểm sinh hoạt của hội quán có khi ở nhà văn hóa khóm, ấp; đình, miếu; nhà dân. Mặc dù chỉ hơn hai năm hình thành và phát triển nhưng mô hình hội quán đã tỏ rõ sự kết nối và lan tỏa trong cộng đồng, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn cho nông dân tỉnh Đồng Tháp.
Thứ nhất, việc xây dựng hội quán đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Thông qua mô hình Hội quán đã dần xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể; từ tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong. Qua mô hình này, người dân hiểu được họ đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ vào cấp ủy, chính quyền. Từng thành viên trong hội quán biết tận dụng, chia sẻ cùng nhau phát triển, tạo ra một thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thông qua sinh hoạt Hội quán giữa các thành viên đã có niềm tin và tất cả vì lợi ích chung trong xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Thứ hai, mô hình Hội quán đã thể hiện được vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Hội quán đã giúp chuyển biến nhận thức của nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, từ đó giúp nông dân giảm bớt những rủi ro cho tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hoạt động của hội quán đã xây dựng được những hạt nhân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu,… mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, nhất là việc thành lập các tổ kinh tế hợp tác và tiến tới thành lập hợp tác xã. Tại các buổi sinh hoạt hội quán, thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp để tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và cách tiếp cận thị trường trong sản xuất.
Thứ ba, qua sinh hoạt Hội quán, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, họ chủ động tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội của địa phương như: vận động xây dựng nhà tình thương, xây dựng cầu, đường nông thôn, cấp phát quà cho hộ nghèo, học bổng cho học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn… góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hình thức sinh hoạt mang tính tập trung của các hội quán đã giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, kích hoạt sự đổi mới, sáng tạo, tập hợp những người cùng ngành nghề sản xuất, tự chủ, tự lực, tự quản. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền gần dân hơn, nắm tâm tư, nguyện vọng, tương tác với người dân thường xuyên, đây cũng là kênh tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân trong địa phương.
Thứ tư, các hội quán đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, gắn kết tình làng nghĩa xóm với nhau. Trong các buổi sinh hoạt hội quán, ban chủ nhiệm chủ động mời các đồng chí công an huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tai nạn giao thông,… Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm các Hội quán còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương lồng ghép tuyên truyền, thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Thông qua hoạt động hội quán, người dân mạnh dạn tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cộng đồng và đóng góp ý kiến về chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương,… Qua đó, đã giải quyết cơ bản những vấn đề có liên quan đến cuộc sống hàng ngày ở khu dân cư như tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhân dân ngày càng đoàn kết gắn bó, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Như vậy, thực tiễn bước đầu hoạt động của các Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy, mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả. Đặc biêt, trong bối cảnh nhiều tổ chức quần chúng đang rơi vào tình trạng hành chính hóa, có biên chế cồng kềnh, hệ thống tổ chức thiếu linh hoạt, không còn thực sự thu hút được người dân thì không gian của các hội quán phần nào có thể khỏa lấp được khoảng trống về nhu cầu liên kết, chia sẻ thông tin của người nông dân. Đây được xem là một hình thức liên kết mới trong sản xuất cần được nhân rộng trong cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng mô hình Hội quán cũng gặp một số hạn chế, bất cập. Đó là ban chủ nhiệm còn lúng túng trong việc chọn nội dung để triển khai thực hiện. Một vài ban chủ nhiệm và thành viên hội quán thiếu tự tin, còn lúng túng trong hoạt động và chưa tích cực tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, vẫn còn một số thành viên chưa thật sự có niềm tin trong liên kết, hợp tác sản xuất. Một số hội quán không duy trì được việc sinh hoạt đinh kỳ; nội dung và hình thức sinh hoạt có lúc chưa gắn với lợi ích thiết thực của hội viên; nội dung tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất của các ngành chức năng còn dàn trải, chưa đi vào trọng tâm. Mặt khác, khi thực hiện mô hình hội quán, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và các ngành chức năng trong theo dõi, hỗ trợ và nắm bắt, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của hội quán có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc liên kết giữa thành viên hội quán với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định, nhất là việc liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững từ mô hình hội quán của nông dân tỉnh Đồng Tháp
Thứ nhất, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các hội quán đã có và phát triển thêm hội quán ở những nơi có đủ điều kiện; chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thường xuyên tham dự hoạt động của hội quán để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, tạo mọi điều kiện để các hội quán hoạt động có hiệu quả. Trong xây dựng mô hình hội quán, không chú trọng quá về số lượng, thành tích mà quan tâm hỗ trợ nhưng vẫn bảo đảm tính tự chủ, tự lực của cộng đồng dân cư.
Hai là, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động cho các hội quán, nâng mức hỗ trợ cho các hội quán từ nguồn kinh phí Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh (thông qua Trạm khuyến nông cấp huyện). Bên cạnh đó, chính quyền ở các địa phương cần tăng cường công tác tuyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chữ “tín” trong sản xuất.
Ba là, tỉnh cần hỗ trợ tập huấn kỹ năng chuyên môn, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường, cũng như triển khai một số chuyên đề theo chức năng để nâng cao trình độ, kiến thức cho thành viên hội quán. Đồng thời, triển khai công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với các hội quán và các hợp tác xã được thành lập từ mô hình này.
Bốn là, để mô hình hội quán thực sự phát biển bền vững theo đúng nghĩa là một tổ chức xã hội của người nông dân thì chính quyền chỉ làm nhiệm vụ cầu nối để các hội quán tiếp xúc với doanh nghiệp và các chuyên gia tư vấn về kỹ thuật và quản trị sản xuất hoặc phát triển cộng đồng, chứ chính quyền không nghĩ thay, làm thay hoặc chỉ đạo hoạt động của các hội quán. Muốn vậy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hội quán hoạt động theo hướng tự nguyện, tự quản lý, xây dựng hội quán ngày càng vững mạnh. Đồng thời, vận động các thành viên của hội quán tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.
3. Kết luận
Xây dựng hội quán là yêu cầu cấp thiết và quan trọng hiện nay, góp phần tạo bước chuyển trong tư duy sản xuất của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc xây dựng thành công mô hình hội quán là điều kiện quan trọng để nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cất cánh, vươn xa trên thị trường thế giới. Đồng thời, hoạt động của hội quán đã mở ra một hướng đi mới trong công tác dân vận, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội ở nông thôn và thật sự đáp ứng nguyện vọng của nông dân, đã và đang hình thành phương châm công tác dân vận “Tự lực, chăm chỉ, hợp tác”.
Hoạt động của hội quán đã đa dạng hóa các hình thức hợp tác để phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cộng đồng, đã làm thay đổi, phong phú thêm phương thức tập hợp nhân dân, theo hướng trao quyền quyết định cho người dân, khơi gợi phát huy dân chủ, tạo động lực mới cho nông thôn Đồng Tháp phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp (2018), Báo cáo hoạt động mô hình “Hội quán” 6 tháng đầu năm 2018, Số 350- BC/BDVTU, ngày 10 tháng 8 năm 2018.
– Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp (2018), Báo cáo kết quả triển khai mô hình “Hội quán”, Số 334-BC/BDVTU, ngày 21 tháng 6 năm 2018.
– Thu Quỳnh (2017), Hội quán của nông dân: Nói cho nhau nghe, nghe nhau nói, Tạp chí Tia sáng, Số 09.
– Lê Minh Hoan (2018), Để mô hình Hội quán nông dân vươn xa, Báo Đồng Tháp điện tử, truy cập từ http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1D3FE18F3E9/De_mo_hinh_Hoi_quan_nong_dan_vuon_xa.aspx, [cập nhật ngày 15-8-2018].
– Lê Minh Hoan (2015), Đồng Tháp sau 2 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Tạp chí Cộng sản, Số 877 (11-2015).
– Tỉnh ủy Đồng Tháp (2018), Về việc lãnh đạo phát triển mô hình “Hội quán” trên địa bàn tỉnh, Số 508-CV/TU, ngày 25 tháng 01 năm 2018.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Cần Thơ, tập 65, số 1 (2019). ISSN: 1859-025X
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)