Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620 đến 1659) – Phần 1

   Tác giả bài viết: ĐINH TRỌNG TUYÊN* – ĐINH BÁ TRUYỀN**
(*Nhà nghiên cứu ở Quảng Nam,  ** Nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ)

1. Francisco de Pina hay là buổi bình minh của chữ Quốc ngữ

     Sử dụng các mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt với mục đích truyền đạo Công giáo vào xứ Đàng Trong ở tiền bán thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên không bao giờ ngờ rằng họ đã để lại một món quà vô giá cho dân tộc Việt Nam, đó là chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chẳng ai hoài nghi về sự tiện ích tuyệt đối của chữ Quốc ngữ đối với nền quốc học và sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà, nhưng mấy ai biết chữ Quốc ngữ đã được khai sinh bởi một giáo sĩ người Bồ Đào Nha, tên là Francisco de Pina, tại một làng quê dân dã ở tỉnh Quảng Nam, đó là làng Thanh Chiêm.

     Vào đầu thế kỷ XVII, một Giáo đoàn Kitô gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, đó là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp mà trong đó đa phần là người Bồ Đào Nha, được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong Giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Cho đến năm 1623, đã có hai trú sở truyền đạo chính thức được mở, một tại Hội An (Residentia Fayfó) và một tại Nước Mặn (Residentia Nuœcman, Pulocambi) thuộc Quy Nhơn, và hai năm sau (1625) thì lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm. Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu dân địa phương nói gì bởi ngôn ngữ ở đây là một thứ “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”. Vì thế, các giáo sĩ đã sử dụng những mẫu tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản địa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không cần phiên dịch.

     Theo Roland Jacques (trong tác phẩm Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650 / L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650, Bangkok, Orchid Press, 2002), giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên bắt tay vào thực hiện công trình Latinh hóa tiếng Việt đầy khó khăn nhưng cũng không kém phần vinh quang này. Cũng theo Roland Jacques thì giáo sĩ Pina đã nhận xét tiếng Việt là một ngôn ngữ “có thanh điệu như một bản xướng âm, cần phải biết xướng âm trước đã. Chỉ sau đó mới học các chữ”.

     Với niềm tin sâu sắc là di cảo của giáo sĩ Pina vẫn còn được lưu giữ ở đâu đó trên thế giới, nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques vất vả hàng chục năm ròng đi tìm. May mắn thay, cuối cùng ông đã phát hiện ra hai tác phẩm chưa công bố của Francisco de Pina, đó là bức thư viết dở bằng Bồ ngữ dài 7 trang cho Đức cha bề trên Jerómino Rodríguez ở Ma Cao và tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài) bằng La ngữ tại Thư viện Quốc gia ở cung điện Ajuda – Lisbonne, Bồ Đào Nha. Nhờ hai tư liệu quý giá này mà trong luận văn tiến sĩ của mình, L’oeuvre de quelques pionniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học trước 1650), Roland Jacques đã chứng minh được với thế giới rằng giáo sĩ Francisco de Pina mới chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chứ không phải là giáo sĩ Alexandre de Rhodes như mọi người vẫn đang lầm tưởng.

     Francisco de Pina sinh tại thành Guarda, thuộc vùng Beira Alta, Bồ Đào Nha vào năm 1585 – 1586 (theo Roland Jacques) hoặc 1588 (theo Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên). Ông gia nhập vào Dòng Tên vào khoảng năm 19 tuổi, sau đó đến xứ Goa (Ấn Độ) sống ít lâu trước khi sang Trung Hoa. Năm 1611, tại Học viện Thánh Phaolô, Ma Cao, ông theo học Khoa học xã hội và tự nhiên, 4 năm về Thần học và cả tiếng Nhật. Đến năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc tại trú sở Hội An.

     Trở lại với quá trình khai sinh chữ Quốc ngữ, việc La ngữ âm hóa tiếng bản địa không phải là sáng kiến của Pina, bởi việc này đã được các giáo sĩ kiêm nhà ngôn ngữ học thực hiện trước đó. Từ thế kỷ XVI, để quảng bá Kitô giáo ra khắp thế giới một cách hữu hiệu, những nhà truyền đạo đã được Giáo hội La Mã khuyến khích sử dụng mẫu tự Latinh để ký âm hóa ngôn ngữ tại địa phương nơi mà họ đang gieo Đức tin Thiên Chúa. Theo Roland Jacques, đã có các công trình La ngữ âm hóa tiếng Tamin (ở miền Nam, Ấn Độ), tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa, tiếng Tupi-guarani (tiếng bản địa của Brazil) do các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý thực hiện trước khi Pina sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.

     Vừa đặt chân đến Hội An, Pina lao vào học tiếng Việt với một tinh thần hăng say đáng ngưỡng mộ và nhờ thế, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có thể trực tiếp đàm thoại với người bản địa. Giáo sĩ Gaspar Luis đã chứng nhận điều đó: “Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên đã miệt mài nghiên cứu tiếng nói”. Thật vậy, khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624 đã thấy Pina giảng Kinh Thánh mà không cần phiên dịch. Có thể nói, vào thời điểm đó, Pina là vị giáo sĩ đầu tiên và duy nhất giảng đạo trực tiếp cho giáo dân bản địa bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Thời gian đầu Pina học tiếng Việt tại Hội An và Nước Mặn, nhưng sau đó, vào khoảng năm 1619, ông chuyển đến dinh trấn Thanh Chiêm. “Vậy ông linh mục này muốn gì với Kẻ Chàm?”. Đó là mong muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình học tiếng Việt có thể nảy sinh tại Hội An, vì nơi này đã có hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, bởi Phố Khách là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Trung, Nhật, Bồ… Hơn nữa, tại Hội An, người ta chỉ quan tâm đến việc buôn bán, Pina khó có thể tiếp cận với giới trí thức trẻ ở địa phương ngõ hầu tìm kiếm sự cộng tác trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, nên Pina quyết định đến dinh trấn Thanh Chiêm. Ông đã khẳng định điều đó: “Đối với con việc nghiên cứu tiếng nói, Kẻ Chàm vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy một sự giúp đỡ”. Roland Jacques cũng hoàn toàn xác nhận ý kiến này: “Thành phố này (Hội An) từ rất xa xưa là một thủ đô kinh tế của Champa ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất. Ở thế kỷ XVII, nó vẫn là thành phố chợ quan trọng, một trung tâm thương mại kép gồm hai đơn vị tách rời nhau: một khu của người Nhật và một khu của người Hoa. Mỗi khu được quản lý bởi một trưởng khu theo luật quán ước riêng. Cư dân ở đây rất hỗn tạp, điều này giải thích hiện tượng lai tạp ngôn ngữ. Francisco de Pina nghĩ rằng nơi này không thể là nơi học tiếng Việt được”.

     Lập luận Pina chuyển lên ở hẳn Thanh Chiêm vào năm 1619 là có cơ sở bởi theo lời tường trình của giáo sĩ Cristoforo Borri thì nhờ vào những hiểu biết về thiên văn và toán học mà Pina đã tính toán chính xác là có nguyệt thực diễn ra tại Thanh Chiêm vào lúc 11 giờ đêm (23h) mồng 9.12.1620, điều này làm cho thế tử Kỳ rất kính trọng Pina. Qua đấy, Pina đã thiết lập mối quan hệ hết sức thân thiết với quan trấn thủ dinh trấn Thanh Chiêm. Tuy không thể thuyết phục thế tử Kỳ chịu làm lễ thánh tẩy, nhưng ông đã làm vị thế tử này có cảm tình với đạo Công giáo và các Kitô hữu. Trong bức thư viết dở vào đầu năm 1623, Pina có báo cáo cho Cha bề trên Rodriguez: “Năm vừa qua, con đã viết để báo cáo với đức cha, thưa cha kính mến, rằng con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeanne ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường”. Pina đã mua hai căn nhà đó vào năm 1619, ta có thể khẳng định điều này qua câu viết của Cristoforo Borri: “Năm 1619, một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đầy các cố đạo và phá hủy nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm với tên gọi “nhà của mẹ Jeanna”.

     Tại hai ngôi nhà này, Pina đã tuyển chọn một số thanh niên Công giáo để phụ lễ, đào tạo họ thành người thông dịch và chắc chắn những thanh niên này đã cộng tác với ông trong vấn đề nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ. Về sự cộng tác của người Việt Nam, Roland Jacques cho biết: “Trong công việc của mình, linh mục Pina nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi, có tên rửa tội là Phêrô, kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này hẳn là rất hữu ích trong công việc của Pina”. Tại Thanh Chiêm, Pina cùng với Phêrô, một thanh niên địa phương, đã lần đầu tiên dịch Kinh Thánh sang chữ Quốc ngữ, sự kiện này được biết qua một bản phúc trình chính thức của Francisco Eugenio, tu sĩ Dòng Tên, người Ý ở Ma Cao: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng Kẻ Chàm, anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh có tên thánh rửa tội là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục Pina rất nhiều trong việc dịch kinh “Pater noster”, “Ave Maria”, “Credo” và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương, các kinh mà Kitô hữu đã thuộc lòng. Linh mục Pina cũng viết ra các điều phải tin các mầu nhiệm về Ba Ngôi, về Chúa nhập thể làm người, về chuộc tội, cũng như sự cần thiết của đức tin và các bí tích để được tham dự vào ơn tích của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Các Kitô hữu chép lại tất cả những điều ấy, và đã bắt đầu lần hạt mân côi y như tại xứ chúng ta”.

Pina cũng có ý định học chữ Nho và chữ Nôm (nhưng chưa thực hiện được) với một giáo viên bản địa tầm cỡ như thầy giảng Augusto, người thông ngôn của cha Buzomi hiện đang ở Pulo Cambi (Quy Nhơn) khi viết: “Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương, thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì chính lý do này, con không biết văn chương. Và đó là chỗ trống đáng tiếc. Về ngôn ngữ, con đã tự mày mò học hỏi với nỗ lực của chính mình”.

     Nhờ quan hệ tốt với thế tử Kỳ ở dinh trấn Thanh Chiêm, nên Pina đã lập một trú sở mới ở đây vào khoảng cuối năm 1624, đầu năm 1625 và đến tháng 5 năm 1625, Pina chính thức trở thành Cha bề trên quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm (Residentia Dinh Ciam), trú sở quan trọng nhất tại Đàng Trong vì nó ở ngay cạnh dinh trấn Quảng Nam, triều đình thứ hai của xứ này do thế tử Nguyễn Phúc Kỳ đứng đầu. Không chỉ có hoạt động nghiên cứu và sáng tạo chữ Quốc ngữ, tại trú sở Thanh Chiêm, Pina vừa là thầy dạy tiếng Latinh cho các thầy giảng người Việt vừa là giáo sư Việt ngữ cho hai giáo sĩ dưới quyền mới đến hồi cuối năm 1624 là Antonio de Fontes và Alexandre de Rhodes, người mà sau này được thực dân Pháp tôn vinh, một cách có dụng ý, như là ông tổ của chữ Quốc ngữ. Nói không ngoa, trú sở Thanh Chiêm là Học viện Việt ngữ học đầu tiên trên thế giới, mà Pina có tư cách là vị giám đốc khai lập và Alexandre de Rhodes là vị giám đốc kế nhiệm.

     Đối với công việc nghiên cứu tiếng Việt, Pina cho biết: “Về phần con, con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này, và con đang lao vào ngữ pháp. Tuy nhiên, dù con đã tập hợp các truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của tác giả nhằm củng cố ngữ nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến bây giờ con phải nhờ ai đó đọc các từ đó cho con. Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người của chúng ta có thể đọc và học các từ đó thuộc lòng, như học Cicéron và Virgile vậy. Vả lại con đã có ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở vương quốc này”. Như vậy, vào buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, việc La ngữ âm hóa tiếng Việt phải gọi là Bồ Đào Nha ngữ âm hóa tiếng Việt mới đúng.

     Theo Roland Jacques, cuốn ngữ pháp và ba tập, tập hợp các văn bản có phân tích trong số các văn bản hay nhất ở xứ Đàng Trong của Pina đến nay vẫn chưa được tìm thấy, hi vọng một ngày nào đó, hai tài liệu quý hơn vàng này sẽ được phát hiện để chúng ta có thể biết rõ hơn về chữ Quốc ngữ vào cái buổi bình minh của nó và qua đó công lao của Pina có thể được nhìn nhận đầy đủ và đúng đắn hơn.

     Xin nói thêm, mặc dù đã cố gắng chứng minh tiểu luận Nhập môn tiếng Đàng Ngoài là của Pina, nhưng vì tài liệu này không có người ký tên ở dưới, thế nên cho đến nay Roland Jacques vẫn bị linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên hoài nghi về tính chính xác của nó (xem Công trình nghiên cứu tiếng Việt của một người Thụy Sĩ ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài, Onofre Borgès 1614 – 1664; Góp ý với Roland Jacques về công trình nghiên cứu tiếng Việt của mấy người Bồ tiên phong cho tới 1650, in tại Paris, năm 1996).

     Tác giả Hồng Nhuệ cho rằng chính giáo sĩ Onofre Borgès (còn được chép với tên Onófrio hay Onuhpre) mới là tác giả của cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài chứ không phải Pina. Nhưng trong luận văn của mình, Roland Jacques đã chứng minh Onofre Borgès không phải là tác giả của tác phẩm Nhập môn tiếng Đàng Ngoài: “Onofre Borgès, là tên mang âm sắc Bồ Đào Nha, nhưng dưới cái tên này ẩn giấu tên nguồn gốc hơi khác, có thể là Honufer (Onuphrius) Bỹrgin… Ông sinh ở Lucerne vào năm 1614, năm 1630 ông vào Dòng Tên miền thượng Đức. Có thể là, ông đã giảng dạy trong các lớp tiểu chủng viện Innsbruck của Dòng Tên ở Tyrol. Đi sang phương Đông năm 1638, đã kết thúc việc nghiên cứu của mình ở Học viện Ma Cao. Rồi ông dạy ngữ pháp có thể là trong ba năm. Tiếp đó, ông sang làm việc ở Tonkin (Đàng Ngoài) từ 1645; bị trục xuất năm 1663, trên một con tàu của Hà Lan. Ông chết khi đến Jakarta. Trong tài liệu lưu trữ của Dòng Tên, có bức thư ngày 30.7.1654 cũng như 3 báo cáo thường niên về giáo đoàn ở Tonkin: năm 1650, 1660 và 1661. Ông đã cộng tác chuẩn bị một vài báo cáo khác. Các hoạt động ngôn ngữ của ông không được ghi chép rõ ràng. Rõ nhất, là việc ông viết vài văn bản tiếng Việt và chữ Nôm. Có thể, là cùng một nguồn cảm hứng như các văn bản được biết rõ là của Jésuite Majorica. Những năm cuối cùng của ông, từ 1658 thật là vất vả. Phần lớn các nhà truyền giáo bị trục xuất. Borgès đã được phép của chúa Trịnh ở lại đất nước với một đồng sự duy nhất mới bước vào nghề Joseph Tissanier để đảm trách việc thờ phụng của toàn bộ các cộng đồng công giáo Thăng Long và Nghệ An. Ông kiệt sức vì công việc. Toàn bộ công trình ngôn ngữ vậy phải làm trước năm 1658. Rất có thể Tissianier đã mang đến một bản từ điển của Rhodes vừa mới in, nên nếu Borgès tiếp tục công việc về ngôn ngữ cũng là thừa”. Về vấn đề ai là tác giả của cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài, có lẽ Roland Jacques chính xác hơn Hồng Nhuệ.

     Cuốn tiểu luận của Pina về chính tả và các thanh điệu tiếng Việt, theo như Roland Jacques, được mang tên Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài). Đây là một tiểu luận bằng La ngữ và Quốc ngữ dài 22 trang chép tay, có bố cục rõ ràng, gồm ba chương: Về các thanh điệu; Về các con chữ và bảng chữ cái; và Về các danh từ. Tài liệu được bổ sung thêm các phần Đối thoại, Quán ngữ, Lăng mạ… Cũng theo Roland Jacques, thì đây rõ là một tác phẩm đang viết dở dang: “Toàn bộ gây cho ta ấn tượng mạnh là công việc còn bỏ dở. Dường như tác giả lúc đầu muốn soạn một tác phẩm đầy đủ, nhưng cuối cùng do thiếu thời gian phải thu hẹp việc triển khai và kết thúc bằng cách ghi lung tung trên giấy các nhận xét khác nhau”.

     Trong tác phẩm này, phương pháp ký âm tiếng Việt của Pina còn siêu hơn cả cách phiên âm của các giáo sĩ Gaspar de Amaral, António Barbosa và Alexandre de Rhodes về sau, bởi nó rất giống với chữ Quốc ngữ bây giờ một cách đáng ngạc nhiên và đáng khâm phục (nếu so với cuốn Từ điển Việt – Bồ – La mà Alexandre de Rhodes cho xuất bản vào năm 1651 thì phương pháp ký âm của Pina có phần tân tiến hơn):

Kẻ có tài thì haọc → Kẻ có tài thì học.

Thàng nào lành thì dĕạy → Thằng nào lành thì dạy.

Đi đàng kia làm chi → Đi đằng kia làm chi.

Cha lo viẹc bay giờ → Cha lo việc bây giờ.

     Hôm qua tôi mạc chép thư nói chảng được → Hôm qua tôi mắc chép thư nói chẳng được.

     Francisco de Pina không may qua đời trong một tai nạn lật thuyền. Vào cuối năm 1625, có lẽ vì lý do nào đó, mà tàu buôn Bồ Đào Nha ở Ma Cao không đến Hội An như mọi năm, chỉ có tàu buôn từ Cao Miên trở về, bỏ neo ở ngoài khơi Cửa Đại và nhắn cho các giáo sĩ ở Hội An biết tin để ra tàu nhận hàng tiếp tế của tòa Giám mục Ma Cao. Pina được cử ra tàu để nhận hàng và đi trên một chiếc thuyền nhỏ, khi quay vào bờ, chẳng may bị một cơn gió mạnh làm lật úp thuyền, Pina vì vướng trong chiếc áo chùng dài nên bị chết đuối giữa biển, đó là ngày 16.12.1625. Có thể di hài Pina được an táng tại trú sở Thanh Chiêm, nay nhà thờ Phước Kiều. Sau đó, Vương quốc Bồ Đào Nha đã tiến hành lễ quốc tang cho ông. Roland Jacques cho rằng sau khi Pina mất đi, thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã mang công trình của thầy mình ra Đàng Ngoài vào năm 1627, rồi trao cho giáo sĩ Gaspar de Amaral. Về sau, tài liệu này rơi vào tay Onofre Borgès. Có lẽ, tiểu luận này được Borgès hiệu chỉnh đôi chút và đặt tên cho nó là Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài).

     Sau Pina, các giáo sĩ Gaspar de Amaral, António de Barbosa, Girolarmo Majorica và Alexandre de Rhodes tiếp tục công việc nghiên cứu và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Năm 1627, giáo sĩ Alexandre de Rhodes chuyển ra một trú sở truyền giáo tại Cửa Bạng (nay là Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) và mang theo tất cả công trình dở dang của Pina rồi trao lại cho Gaspar de Amaral và António de Barbosa. Nhờ thế, Gaspar de Amaral đã hoàn thiện cuốn Từ điển Bồ – Việt và António de Barbosa soạn xong cuốn Từ điển Bồ – Việt vào khoảng năm 1635 – 1640.

     Giáo sĩ Gaspar de Amaral sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên năm 1608. Ông đã làm giáo sư La văn, triết học, thần học tại các chủng viện ở Bồ Đào Nha. Năm 1923, ông rời Bồ Đào Nha đi Áo Môn hoạt động truyền giáo và đến Đàng Ngoài vào tháng 10 năm 1629. Sau 7 năm ở Đàng Ngoài, tức vào năm 1638, ông được gọi về Áo Môn giữ chức Viện trưởng Học viện Madre de Pina Deus. Ba năm sau, ông được cử làm phó Giám tỉnh Dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước: Nhật, Xiêm, Việt Nam, Miên, Lào, đất Áo Môn và hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây). Năm 1645, ông lại đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài truyền giáo, nhưng tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam, ông chết đuối ngày 23.12.1645.

     Trong thời gian ở Đàng Ngoài, hai tài liệu viết tay quý giá có liên quan đến chữ Quốc ngữ mà Gaspar de Amaral để lại là bức thư bằng Bồ ngữ viết tại Kẻ Chợ (Thăng Long) đề ngày 31.12.1632, nhan đề Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japan e China (Báo cáo thường niên về nước Annam năm 1632, gởi cha Dòng Tên André Palmeiro, giám sát các tỉnh ở Nhật và Trung Hoa), tài liệu này hiện lưu trữ tại Thư khố Dòng Tên ở La Mã. Và tài liệu thứ hai là bức thư cũng bằng Bồ ngữ viết tại Kẻ Chợ (Thăng Long) đề ngày 25.3.1637, với nhan đề Relaçam dos catequistas da Christamđae de Tunkine seu modo proceder pera o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão de China (Tường trình về các thầy giảng của Giáo đoàn Đàng Ngoài về các hoạt động của họ, gửi cho cha Manoel Dias, giám sát Nhật Bản và Trung Hoa), tài liệu này hiện giữ tại Thư khố Viện Hàn lâm Lịch sử Hoàng gia Madrid. Trong cả hai tài liệu, mà rõ nhất là tài liệu thứ hai, Amaral đã soạn cuốn Từ điển Việt – Bồ: Diccionário amanita- português.

     Giáo sĩ António Barbosa, sinh năm 1954 tại Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên năm 1624. Cuối tháng 4.1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khỏe, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5.1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh. Ông là tác giả cuốn Từ điển Bồ – Việt: Diccionário português – amanita. Về sau cả hai cuốn Từ điển Việt – Bồ và Bồ – Việt đầu tiên của hai giáo sĩ Amaral và Barbosa đều rơi vào tay Alexandre de Rhodes.

     Cũng vào khoảng thời gian đó, tại trú sở Nước Mặn (Quy Nhơn) và Cửa Bạng (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), giáo sĩ Girolarmo Majorica cũng cho ra đời khoảng 48 văn liệu Thiên Chúa giáo (sách dạy giáo lý) bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, như: Thiên Chúa thánh giáo hối tội kinh, Thiên Chúa thánh mẫu, Thiên Chúa thánh giáo khai mông, Kinh những mùa lễ Phục sinh… Linh mục Girolarmo Majorica sinh tại Napoli, Italia vào Dòng Tên năm 1605, sang Ấn Độ năm 1619, và từ đó ông sang Ma Cao, rồi đến Thanh Chiêm năm 1624 cùng với giáo sĩ Alexandre de Rhodes và vài giáo sĩ khác. Nhưng Girolarmo Majorica chỉ ở Thanh Chiêm một thời gian ngắn rồi chuyển vào Quy Nhơn. Trong 5 năm ở Nước Mặn, ông học được tiếng bản xứ. Năm 1629, ông bị trục xuất ra khỏi Đàng Trong và đến truyền giáo tại Đàng Ngoài (trú sở Cửa Bạng) năm 1631. Ông mất năm 1656. Trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học trước 1650, Roland Jacques có kể đến vai trò của các giáo sĩ người Ý khi viết: “Người Ý duy nhất có đóng góp đáng kể vào chữ Quốc ngữ là Girolarmo Majorica, đến Cochinchine (Đàng Trong) vào năm 1624, cùng với chuyến tàu với Alexandre de Rhores. Nhưng trong khi Rhodes là một tên tuổi trong lĩnh vực từ vựng và ngữ âm thì Girolarmo Majorica hoàn toàn dồn sức vào việc sáng tạo văn học Công giáo bằng chữ Nôm”. Chúng ta biết rằng, trước khi có chữ Quốc ngữ, thì chữ Nôm là hệ thống phiên âm duy nhất của Việt ngữ, được biết với cái tên Quốc âm hay tiếng nói của Quốc gia. Mà chữ Nôm thì dựa trên căn bản chữ Nho (Hán tự), và học chữ Nôm còn khó hơn cả học chữ Nho. Việc Girolarmo Majorica có thể sáng tạo văn học Công giáo bằng chữ Nôm rõ ràng cho thấy vị giáo sĩ này thông thạo tiếng Việt, vừa biết chữ Nho lẫn chữ Nôm, do đó đóng góp của ông vào việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là to lớn chứ không phải là đáng kể như Jacques đã mô tả. Bởi chữ Quốc âm khó đến như thế mà ông còn có thể viết được thì hẳn phải biết cách dùng các mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt.

     Có một giáo sĩ người Ý nữa mà Roland Jacques cho là chỉ có vai trò thứ yếu trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ là Cristoforo Borri. Roland Jacques viết: “Cristoforo, thường hay được các tác giả hiện đại nhắc tới thì thời gian ở Việt Nam quá ngắn (1618 – 1621) để có thể gán cho ông một vai trò quan trọng và ông quan tâm đến những vấn đề khác khá xa với ngôn ngữ học”. Phải chăng giáo sĩ Borri không quan tâm đến ngôn ngữ học? Hãy xem Borri viết: “Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ nhưng chỉ có một tiếng hay lời nói rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay tương lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại, là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: tôi có, anh có, nó có. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có, về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên, từ có không bao giờ thay đổi. Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn”. Hơn nữa, Borri đến xứ Đàng Trong gần như cùng lúc với Pina và họ đều hoạt động trong phạm vi Thanh Chiêm, Hội An, Cửa Hàn và Nước Mặn, nên chắc chắn là có mối liên hệ mật thiết, điều này đồng nghĩa với việc Borri biết công trình nghiên cứu tiếng Việt mà Pina đang đuổi theo, nên có thể Borri đã hỗ trợ Pina một tay. Để chứng minh điều này, ta có thể xem các chữ “Ciam, gno, scin” mà Borri dùng để phiên âm các từ “Chiêm, nhỏ, xin” cho thấy có dấu vết của các phụ âm ci-, gn-, sc- trong tiếng Ý. Về sau các phụ âm ci-, gn-, sc- đều được ghi theo gốc Bồ Đào Nha ngữ, ci- = ch-, gn- = nh-, sc- = x-. Như vậy, đã xuất hiện sự cạnh tranh giữa hai cách phiên âm, hoặc theo Ý ngữ hoặc theo Bồ ngữ, sau cùng trường phái Bồ ngữ đã thắng. Nhưng hai tự vị và hai phụ âm trong chữ Quốc ngữ hiện đại như ghe, ghi và gh-, gi- vẫn còn giữ nguồn gốc từ tiếng Ý. Ai trong các giáo sĩ người Ý, Borri hay Majorica, đã đưa những tự vị và phụ âm này vào chữ Quốc ngữ, đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng điều đó cũng đủ để khẳng định vai trò của các giáo sĩ người Ý, chí ít là Borri và Majorica, vào quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là tương đối lớn.

     Đến đây, ta có thể điểm lại những cái nôi đã khai sinh ra chữ Quốc ngữ là Thanh Chiêm, Hội An, Nước Mặn (Quy Nhơn) và Cửa Bạng (Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Trong bốn địa điểm này, rõ ràng Thanh Chiêm là cái nôi quan trọng nhất, bởi tiếng nói nơi đây là đối tượng nghiên cứu của hai vị đại diện xuất sắc nhất: Pina, người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, và Alexandre de Rhodes, người mà sau này đã từng được cả Tây lẫn Ta tôn vinh như là ông tổ của chữ Quốc ngữ.

     Vào cái buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, hay tạm gọi là thời kỳ chữ Quốc ngữ tiền Alexandre de Rhodes, sáu tên tuổi có công đặt nền móng cho công trình La ngữ âm hóa tiếng Việt đáng ghi nhớ là: Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar de Amaral, António Barbosa, Girolarmo Majorica và Onofre Borgès, mà trong số đó người đầu tiên đáng được ghi nhớ nhất, và tất nhiên, Francisco de Pina đáng phải được tôn vinh như là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dinh Trấn Thanh Chiêm và Chữ Quốc ngữ”

     Còn tiếp: Mời Quý độc giả đón xem:

     Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620 đến 1659) –

          Phần 2: Xét lại công lao của Alexandre de Rhodes

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)