Khai thác giá trị nghệ thuật Tuồng xứ Quảng trong phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng

DEPLOYING ARTISTIC VALUES OF TUỒNG
FOR TOURISM DEVELOPMENT IN DA NANG

Tác giả bài viết: TRẦN THỊ MAI AN (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)
ĐINH LÊ NGỌC OANH (Trường THPT Liên Chiểu)

TÓM TẮT

     Xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng là mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng nhiều loại hình âm nhạc truyền thống, trong đó thể loại Tuồng rất được ưa chuộng. Trong bối cảnh phát triển du lịch như hiện nay, việc khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống để phục vụ cho du lịch rất được quan tâm. Bài viết tập trung phân tích các giá trị của loại hình nghệ thuật Tuồng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn việc khai thác giá trị này vào phục vụ phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng.

Từ khóa: Tuồng, Đà Nẵng, giá trị, du lịch, sản phẩm.

ABSTRACT

     The Quang land in general and Da Nang in particular is considered a land of diverse traditional music genres, of which Tuồng is the most popular. In the current context of tourism boom, the deployment of traditional art genres has attracted lots of attention. The article focuses on analyzing the values of Tuồng and proposing good and sound solutions to promoting the deployment as well as taking advantages of these values for the city’s tourism development.

Keywords: Tuồng, Da Nang, values, tourism, products.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trong dòng chảy lịch sử nghệ thuật dân tộc, tuồng là loại hình biểu diễn cổ truyền độc đáo được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian. Tuồng còn được gọi là hát bội, hát bộ. Cuối thế kỷ XVIII, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn và được ghi nhận là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

     Xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng là mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng nhiều loại hình âm nhạc truyền thống, trong đó thể loại Tuồng rất được ưa chuộng. Trong bối cảnh phát triển du lịch như hiện nay, việc khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống để phục vụ cho du lịch rất được quan tâm. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất thành công trong việc khai thác tài nguyên nghệ thuật dân tộc vào hoạt động du lịch. Các thể loại Kinh Kịch (Trung Quốc), Gagaku, Nô (Nhật Bản), Pansori (Hàn Quốc) hay Robam (Campuchia),… là các sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng và được nhiều du khách biết đến. Để góp phần khẳng định và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc từ loại hình nghệ thuật Tuồng cho du lịch Đà Nẵng, bài viết tập trung phân tích các giá trị của loại hình nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hơn việc khai thác giá trị này vào phục vụ du lịch tại địa phương.

2. Các giá trị của nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng

     Theo Hoàng Châu Ký (1973), Sở VHTT tỉnh Quảng Nam (2001), Vũ Đức Sao Biển (2010), Tuồng xứ Quảng với không gian gồm tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi, xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Mở đầu là hoạt động của hai gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và gánh hát Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIX và có nguồn gốc từ Tuồng cung đình Huế. Đến khoảng những năm 70 của thế kỷ XIX, ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hình thành nên một số vùng Tuồng khá tiêu biểu như Tiên Phước, Nông Sơn, Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Túy Loan, Miếu Bông1, Chợ Mới2… Sang đầu thế kỷ XX đến năm 1920 là giai đoạn phát triển rực rỡ của các rạp hát ở Quảng Nam và một loạt các trường Tuồng ở Đà Nẵng như Miếu Bông, Chợ Mới, Nam Ô3… Các gánh diễn nơi đây được tổ chức, quản lý tương đối nề nếp, quy mô từ lực lượng diễn viên đến trình độ biểu diễn. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu như Mịch Quang (1995), Phan Thị Huyền Trâm (2013), Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Lê Tuyên (2013),… Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng trong giai đoạn này có sắc thái riêng, không bị pha tạp. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ kéo dài khoảng 20 năm rồi nhường cho sự xuất hiện của nghệ thuật Cải lương có nguồn gốc từ Nam Bộ. Từ năm 1920 đến Cách mạng tháng Tám 1945, nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng tồn tại hai xu hướng là trung thành với những giá trị truyền thống của tuồng và đổi mới. Tiêu biểu cho xu hướng trung thành với giá trị truyền thống là sự ra đời Quảng Hiệp Ban (1932) của danh ca Chánh Đệ với sự tham gia của các nghệ nhân Tuồng ở Đà Nẵng như: Đội Tảo, Sáu Lai, Sáu Lê, Ngô Thị Liễu, Phó Sơn, Phó Thủ,… Khi danh ca Chánh Đệ mất (năm 1940), gánh hát yếu dần và tan rã vào năm 1945. Tiêu biểu cho xu hướng 2 đổi mới là gánh hát Ý Hiệp Ban với việc tiếp thu toàn bộ những cái mới của nghệ thuật Cải lương bấy giờ để làm phong phú hơn nghệ thuật Tuồng, mở ra giai đoạn Tuồng kiếm hiệp, Tuồng tiểu thuyết hay Tuồng xuân nữ của Đà Nẵng, Quảng Nam (từ năm 1935 trở đi). Từ năm 1945 – 1954 nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng khai thác loại đề tài đấu tranh yêu nước, cứu quốc, tuy nhiên sau đó phần lớn các nghệ sĩ tham gia vào kháng chiến chống Pháp, phục vụ chiến đấu nên các đoàn hát tan rã. Năm 1952, Đoàn hát Tuồng thuộc khu tuyên truyền và văn nghệ Khu ủy Liên khu V được thành lập. Năm 1967, Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam ra đời. Năm 1992, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được thành lập, thuộc UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1997, Nhà hát trở thành đơn vị nghệ thuật của thành phố Đà Nẵng. Năm 2015, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

     Cũng giống như bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào, kịch bản là thành tố cốt lõi làm nên thành công của vở diễn. Kịch bản Tuồng xứ Quảng Đà Nẵng thường có 2 loại là tuồng đồ và tuồng pho. Trong các loại trên có thể được phân ra thành các loại nhỏ như tuồng cổ, tuồng hàn lâm – tuồng cung đình, tuồng dân gian và tuồng hài. Cấu trúc kịch bản được chia thành nhiều hồi, mỗi hồi có nhiều lớp. Thông thường, kịch bản Tuồng có 3 hồi: hồi 1 – giới thiệu hoàn cảnh, các tuyến nhân vật chủ yếu và những mâu thuẫn cơ bản của kịch; hồi 2 – xung đột nổ ra quyết liệt; hồi 3 – xung đột được đẩy lên cao trào, giải quyết và kết thúc. Tuy nhiên, cũng có vở gồm 4 hồi, hồi 3 – phát triển xung đột, gây nhiều tình huống khó khăn; hồi 4 – xung đột lên cao và kết thúc. Nhìn chung, kịch bản tuồng khá chặt chẽ, có những quy luật riêng. Đề tài, nội dung tư tưởng của kịch Tuồng mang đặc trưng thẩm mỹ là bi hùng, với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và tổ quốc. Nhân vật trong nghệ thuật Tuồng gồm: đào, kép, lão, nịnh, tướng, yêu tinh; thuộc hai phe: phản diện và chính nghĩa. Âm nhạc Tuồng mang tính bi hùng, quy phạm và niêm luật chặt chẽ, được tạo ra từ sự tổng hợp các hình thức âm nhạc như nhạc hát và dàn nhạc. Tuy cùng nằm trong chiếc nôi Tuồng Việt Nam nhưng Tuồng xứ Quảng – Đà Nẵng vẫn có những nét riêng như thiên về lối hát nam4 chuộng tuồng văn, múa ít, động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, ít khai thác động tác võ thuật. Trong bài viết này, để tiếp cận loại hình nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng như một sản phẩm văn hóa dân tộc đặc sắc, chúng tôi xác định các giá trị cơ bản của Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng như sau:

     2.1. Giá trị giải trí

     Tuồng hay bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào trước hết là một hoạt động giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của con người về thể chất, trí tuệ và mỹ học. Tuồng Đà Nẵng bằng những nội dung mang nặng các trăn trở, tự sự, bi hùng, mãnh liệt đã góp phần làm đời sống văn hóa tinh thần của người dân được phong phú hơn, đa dạng hơn. Một vở Tuồng được diễn trước công chúng là sự kết hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật như kịch bản, âm nhạc, múa, nghệ thuật hóa trang và phục trang. Sự đắm chìm vào số phận nhân vật, sự thưởng thức, cảm nhận từng động tác điệu múa đến lời ca vở diễn của người xem với các nghệ sĩ là sự ủng hộ viên mãn nhất cho sự tồn tại của từng kịch bản Tuồng. Chính vì vậy, sự trau chuốt càng cao của các nội dung vở Tuồng cộng với đặc điểm mang tính bác học từ xử lý làn điệu và thể nói lối/hát bằng thơ theo cùng cặp đã khiến loại diễn xướng này không chỉ dừng lại ở tính giải trí đơn giản và thông thường mà đã được nâng lên thành hàng nghệ thuật, trở thành loại hình giải trí đòi hỏi có sự kén chọn về khán thính giả. Giá trị giải trí của Tuồng còn được thể hiện ở sự sáng tạo thăng hoa của nghệ sĩ qua nghệ thuật biểu diễn tài hoa của họ. Và không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn những thích thú cá nhân thuần túy, mà thông qua giải trí, cả người xem và người diễn được khơi dậy, kích thích các tiềm ẩn nghệ thuật bên trong, tạo điều kiện cho sự phát triển khả năng sáng tạo toàn diện của con người hơn ngay trong quá trình giải trí.

     2.2. Giá trị nghệ thuật thẩm mỹ

     Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là loại hình sân khấu đề cao hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật trình thức, đặc tính ước lệ tượng trưng cao. Khi múa Tuồng, diễn viên sử dụng vũ đạo, lối nói hát và làn điệu hát để lột tả tính cách cũng như tâm trạng của nhân vật. Hoạt động này được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong đời sống xã hội của con người. Hát tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối, được viết theo thể thơ lục bát, song thất lục bát hay tứ tuyệt. Diễn xuất trong tuồng thường được khuếch đại so với sự thật từ động tác đến kiểu cách đi đứng để thể hiện những khía cạnh đặc điểm của nhân vật. Âm nhạc Tuồng chú trọng bộ gõ, bộ hơi, bộ dây và bộ gảy.

     Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như Chèo, Cải lương hay Kịch, Tuồng rất đề cao nghệ thuật biểu diễn. Đặc điểm này phản ánh bao quát nhất giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của Tuồng.

     Trước hết là sự biểu hiện trong nghệ thuật mô tả. Tuồng chia nghệ thuật mô tả thành 2 bộ là bộ bê và bộ lỉa nhằm mô tả cảm xúc nhân vật. Bộ bê diễn tả nội tâm nhân vật đau đớn, bi thương, bi hùng, bạo liệt. Hình thức diễn bộ bê là hai chân thẳng, lắc người từ phải sang trái, tiếp từ trái qua phải, hai tay xuôi, mặt biến sắc sợ hãi, toàn thân rung lên bị kích động mãnh liệt, hoặc lăn lê đau đớn vật vã. Mỗi động tác bộ bê truyền cảm tới người xem, tạo sự đồng cảm cao giữa khán giả cùng cảm xúc nhân vật. Bộ lỉa là những động tác ngoại hình, biểu hiện nội tâm nhân vật. Hình thức diễn bằng nhiều động tác mô tả như tỏ vẻ xem thường đối thủ, chụm chân lại, nhấc hai gót chân lên cao, tay trái giơ ngang mắt, hoặc các động tác biểu thị cảm xúc nội tâm khác. Nghệ thuật mô tả trong Tuồng đạt đến các cảm nhận giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao. Thứ hai, là nghệ thuật ước lệ. Ước lệ trong Tuồng là một loại hình ngôn ngữ, lột tả nội tâm nhân vật, ngoại hình nhân vật và hệ thống đạo cụ. Ví dụ ước lệ hệ thống nhân vật, ước lệ hình dáng màu sắc các hạng người trong xã hội, ước lệ các loại binh khí, đạo cụ, phục trang, trang sức cho từng loại nhân vật sử dụng, ước lệ giọng nói, ngôn ngữ động tác hình thể từng loại nhân vật, ước lệ thời gian, ước lệ không gian. Nghệ thuật ước lệ giúp giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của Tuồng đạt đến đẳng cấp của tính biểu đạt, đồng điệu cảm nhận cùng khán thính giả trong từng hồi, chương của vở diễn. Thứ ba, là nghệ thuật tượng trưng. Hệ thống nghệ thuật này bao gồm tổng thể quy phạm sân khấu gồm nhân vật tượng trưng, hành động tượng trưng, tính cách tượng trưng, đạo cụ tượng trưng và màu sắc tượng trưng. Đặc điểm tượng trưng giúp Tuồng khái quát hoặc đặc phổ được nhiều không gian, thời gian, hay hiện tại hoặc chiều sâu biểu diễn của đối tượng, sự vật, hiện tượng muốn hướng đến. Thứ tư, giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của Tuồng thể hiện qua nghệ thuật cường điệu. Sự cường điệu từ giọng nói, giọng hát, đến cường điệu hiện thực. Cường điệu giọng hát được diễn theo ngữ điệu, ngữ khí riêng giúp người xem nhận diện các hình mẫu nhân vật như vua, hoàng hậu, công chúa, quan văn hay quan võ, lính lệ, nông phu, đào kép,… Ở đây ngữ hiệu phối hợp cùng ngữ khí trong từng phân màn nhân vật để đẩy cao nghệ thuật cường điệu lên. Học giả Tôn Thất Bình (1993), Nguyễn Lộc (1994) cho rằng ngữ khí là lấy hơi bụng, vận khí tạo cột hơi trong cổ họng, phát âm vang trong cổ chứ không phải kiểu gào như hát rock, phát âm ngoài khoang miệng. Nói ngữ khí, âm thanh sang sảng, dày đậm, cường điệu ngôn ngữ mà người diễn viên không bao giờ mất tiếng như gào ngoài cổ họng. Nói ngữ khí là tinh hoa, ngữ điệu, ngôn ngữ đặc sắc nhất của Tuồng, thể hiện giá trị nghệ thuật thẩm mỹ sâu đậm. Và cuối cùng, giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của Tuồng thể hiện qua sự cường điệu hiện thực. Đây là phương pháp mô tả đặc sắc của Tuồng. Ví dụ như muốn diễn tả hành trình xa xôi, diễn viên đi ba bước, nói đã qua trăm núi, ngàn sông, đây là một nét khắc họa không gian rất khái quát, ngắn gọn. Nghệ thuật cường điệu qua phương pháp đặc tả ấn tượng, độc đáo của Tuồng đã làm phong phú đa dạng hơn về hình thức biểu diễn và nội dung kịch bản, khiến Tuồng mang những giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao.

     2.3. Giá trị lịch sử

     Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng nằm trong dòng chảy của tuồng miền Trung, là loại hình sân khấu cổ truyền của Việt Nam, nên bản thân loại hình này đã mang trong mình giá trị lịch sử của vùng đất miền Trung – Đà Nẵng. Các tài liệu liên quan nguồn gốc lịch sử sân khấu Tuồng nói chung và riêng tuồng Đà Nẵng không nhiều và rất khó tra cứu, chỉ biết rằng khi vừa xuất hiện và phát triển từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, nghệ thuật Tuồng đã là “nghệ thuật sân khấu hầu như duy nhất mà quan lại và nhân dân đều biết đến và có dịp thưởng thức qua các tuồng diễn” (Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam, 2011, tr 14). Sân khấu Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với các tầng lớp xã hội Việt. Từ chế độ quân chủ đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân, xây dựng đất nước sau giải phóng và hội nhập giao lưu ngày nay, Tuồng luôn có mặt với các kịch bản đa dạng phản ánh bức tranh xã hội Việt Nam qua các giai đoạn, đặc biệt là sở trường với những đề tài lịch sử giữ nước. Như đã nói qua ở phần đầu, kịch bản Tuồng Đà Nẵng thuộc văn học tự sự và chủ yếu là tự sự trữ tình, có thể phân ra thành 2 bộ phận là tuồng đồ và tuồng pho. Tuồng đồ là loại truyện được sáng tác không theo tích truyện của Trung Quốc mà dựa trên một tích, sáng tác về triều đại nào đó hay dựa vào chuyện cổ tích dân gian. Một số kịch bản nổi tiếng của tuồng đồ ở Đà Nẵng như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Dương Chấn Tử, Sơn Long Xích hậu, Đào Phi Phụng, Nghêu Sò Ốc Hến, Trần Bồ, Trương Đồ Nhục, Trương Ngáo. Tuồng pho (hay còn gọi là tuồng truyện) là những vở tuồng được sáng tác dựa theo các tích truyện của Trung Quốc. Giai đoạn đầu đến những năm 70 thế kỷ XIX, Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng thiên về diễn tuồng pho nhiều hơn với các vở nổi tiếng như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đường chinh đông, Đường chinh tây, Ngũ Hổ, Chung Vô Diệm, Phong thần (Phan Thị Huyền Trâm, 2013, tr 50). Những năm tháng chống thực dân, nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng khai thác loại đề tài đấu tranh yêu nước, cứu quốc, thông qua các vở diễn như Gương liệt nữ (Hai Bà Trưng khởi nghĩa), Gia đình cách mạng, Kiều quốc sĩ, Tiếng gọi Lam Sơn,… cũng đã để lại nhiều dấu ấn với các khán giả.

     Như vậy, có thể thấy kịch bản tuồng Đà Nẵng càng phong phú, phản ánh các vấn đề chính trị xã hội các thời kỳ bao nhiêu thì càng phản ánh giá trị lịch sử trong từng giai đoạn ấy bấy nhiêu. Chất sử, giá trị sử trong tuồng đã thể hiện rõ nét đặc thù không gian, thời gian, dấu ấn lịch sử, sự kiện lịch sử, giai đoạn lịch sử hay tiến trình lịch sử trong đời sống văn hóa xã hội dân tộc Việt. Và cũng chính giá trị sử ấy của tuồng đã giúp đề cao lòng tự tôn dân tộc, giáo dục con người về tinh thần yêu nước từ suy nghĩ, cảm nhận đến hành động, là động lực, tinh thần giúp nhân dân đứng lên chống lại kẻ thù hoặc bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển hơn.

     2.4. Giá trị hiện thực

     Cũng giống như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Chèo, Cải Lương, Kịch, giá trị hiện thực của Tuồng được phản ánh trong mỗi vở diễn. Và tùy vào ý đồ sáng tạo kịch bản của người nghệ sĩ mà tính hiện thực có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Mỗi chủ đề diễn của nghệ thuật Tuồng ở mỗi giai đoạn, thời kỳ đều có giá trị hiện thực trong từng biểu hiện nghệ thuật trình diễn của Tuồng. Từ hóa trang, phục trang đến đạo cụ, động tác, tổ hợp động tác vũ đạo, lời nói, tất cả đều có ý nghĩa phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc.

     Như trong thời kỳ 1920 – 1945, Tuồng Đà Nẵng phát triển xu hướng đổi mới, mở ra giai đoạn Tuồng kiếm hiệp, Tuồng tiểu thuyết hay Tuồng xuân nữ. Thực chất của lối tuồng này là viết dựa theo một tiểu thuyết đương thời nào đó hoặc sáng tác vở theo thể loại tiểu thuyết. Cách gọi Tuồng xuân nữ là vì hát theo điệu nhạc xuân nữ, điệu nhạc nghe êm tai, chứ không mang tính chiến đấu, bi hùng – bạo liệt như nhạc tuồng dạng truyền thống. Thời kỳ này những tác phẩm văn học hiện thực có giá trị của các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố được đông đảo giới thanh niên và trí thức tiểu tư sản yêu thích. Nội dung các vở tuồng tiểu thuyết ở Đà Nẵng cũng nằm trong phạm vi văn học đó (Phan Thị Huyền Trâm, 2013, tr 66) và tính hiện thực của xã hội Việt giai đoạn này đã được khúc xạ phản ánh phần nào qua các vở diễn ấy.

     Bên cạnh đó, giá trị hiện thực của Tuồng Đà Nẵng còn thể hiện rõ qua phục trang sân khấu. Đó là tấm gương phản chiếu trang phục đời sống xã hội rất rõ. Trang phục của mỗi vở diễn đều phản ánh không gian, thời gian trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì vậy, không thể dùng trang phục thời này sang thời khác, không dùng mẫu trang phục tộc người này cho tộc người khác. Trang phục sân khấu tuồng đã mang tính hiện thực, mô phỏng theo trang phục của các nhân vật trong cuộc sống. Nhìn vào trang phục của các diễn viên trên sân khấu, khán giả phần nào nhận ra được thân phận, giai cấp, nhân phẩm của họ. Ngoài ra, trang phục tuồng còn khắc họa rõ hơn tính cách nhân vật, làm nổi bật hơn tuyến nhân vật mà vở diễn hướng đến.

     2.5. Giá trị nhân văn

     Sở dĩ nghệ thuật truyền thống Tuồng Đà Nẵng từ khi ra đời cho đến nay vẫn luôn có được các khán giả của riêng mình là vì loại hình nghệ thuật này rất đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chính giá trị nhân văn của nghệ thuật tuồng, vở diễn tuồng khiến nó luôn có sức sống bền bỉ trong đối sánh với vô vàn các loại hình giải trí nghệ thuật cổ truyền khác. Chủ đề nổi bật của Tuồng luôn là sự xung đột diễn ra giữa cái thiện và cái ác một cách khốc liệt, và cái thiện đã thắng, luôn thắng hoàn toàn về mặt tư tưởng, tinh thần, tình cảm. Chính vì vậy, cho dù là đề tài quân quốc đậm nét với những tấm gương trung thần mẫu mực, trung, hiếu, tiết, nghĩa hay các đề tài quan hệ gia đình, xã hội thì cấu trúc kịch bản tuồng luôn được xây dựng với những giằng xé giữa tốt xấu một cách bạo liệt, để nhằm tạo nên sự lựa chọn hướng tới những chuẩn mực của đạo đức xã hội, xây dựng hình tượng nhân vật với các giá trị đạo đức cao đẹp hơn.

     Như vậy giá trị nhân văn trong mỗi tác phẩm tuồng được chuyển tải thông qua sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và tài hoa của những nghệ sĩ, bức tranh cung bậc cảm xúc của sự lên án, phê phán xã hội; sự ngợi ca các phẩm chất tốt đẹp hoặc sự thương cảm, bênh vực vẻ lương thiện nào đó cho đến việc chỉ ra con đường, lối thoát cho nhân vật trong tuồng đều toát lên sự nhân văn, khẳng định giá trị, sức sống bền lâu của nghệ thuật Tuồng.

3. Khai thác các giá trị của loại hình nghệ thuật Tuồng xứ Quảng nhằm phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng

     Có thể thấy, Tuồng là loại hình diễn xướng dân gian truyền thống đặc biệt tinh tế của văn hóa Việt Nam, là nhu cầu thiết yếu, thể thiện khát vọng chân thiện mỹ của con người Việt, góp phần xây dựng các giá trị tinh thần của xã hội người Việt. Những vấn đề về tư tưởng, về đạo đức xã hội được Tuồng chuyển tải bằng nghệ thuật biểu diễn đặc sắc thông qua số phận từng nhân vật để hướng đến bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Các giá trị mà Tuồng đem lại được công chúng đánh giá, tiếp nhận và ngưỡng mộ vì sự đa dạng phong phú của kho tàng văn hóa Việt. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, việc lựa chọn, khẳng định và giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo của riêng mỗi tộc người, mỗi đất nước càng hết sức được quan tâm và chú ý.

Các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và Tuồng nói riêng được xem là những mảnh đất màu mỡ được sử dụng để đáp ứng các điều kiện và cơ hội hội nhập giao lưu ấy. Năm 2015, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là nơi tạo nên điểm nhấn ấn tượng về Tuồng ở Đà Nẵng. Cuối năm 2009, ngành du lịch Đà Nẵng đã lên ý tưởng khai thác loại hình nghệ thuật truyền thống Tuồng để xây dựng thành các chương trình nghệ thuật độc đáo, được biểu diễn thường xuyên phục vụ khách tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và ở một số cơ sở nghệ thuật khác trong thành phố. Hơn 10 năm qua, ý tưởng đó đã đi vào hiện thực và đã gặt hái được những thành công nhất định. Mỗi năm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vượt chỉ tiêu từ 200 đến 250 suất diễn (Ngọc Hà, 2019). Các đơn vị lữ hành, cơ sở kinh doanh lưu trú đã phối hợp với nhà hát và các cơ sở biểu diễn nghệ thuật khác tổ chức các show diễn Tuồng trong chương trình tour và điểm đến du lịch của khách. Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng, từ tài nguyên văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Quảng đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố trẻ.

      Tuy nhiên, trong một thế giới phẳng như hiện nay, việc giao lưu hội nhập văn hóa giữa các quốc gia, các vùng đang diễn ra ngày một nhanh chóng, thị hiếu của con người cũng có nhiều cơ hội được tiếp cận, lựa chọn và thay đổi trong việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật thì việc giữ cho Tuồng phát huy tối đa được các giá trị tích cực của mình, được khán giả lựa chọn và “sống” mãi cùng khán giả không phải là câu chuyện đơn giản. Để góp phần khai thác các giá trị của loại hình nghệ thuật Tuồng nhằm phục vụ cho du lịch thành phố Đà Nẵng, bài viết xin đưa ra một số giải pháp chủ yếu sau:

     Thứ nhất, khi sử dụng Tuồng dưới góc nhìn là một sản phẩm văn hóa du lịch thì phải xác định đối tượng được phục vụ chính là khách du lịch. Đối với khách du lịch, tính giải trí của Tuồng sẽ được đưa lên hàng đầu và khách sẽ tiếp cận loại hình này theo cách dễ hiểu nhất và mang tính dân tộc hay sắc thái vùng nhất. Bởi vậy, các kịch bản Tuồng cần được đầu tư, quan tâm và trau chuốt kỹ lưỡng. Thông thường, đối tượng là khách du lịch sẽ có hai bộ phận là khách nội địa và khách quốc tế. Chúng ta có thể xây dựng các kịch bản sân khấu khác nhau hoặc tìm sự dung hòa trong thị hiếu thưởng thức của 2 bộ phận khách nói trên để cho ra đời các kịch bản Tuồng hợp lý và ấn tượng. Tuy khách nội địa có thể đã có sự am hiểu về bộ môn Tuồng, hoặc khách quốc tế thường đòi hỏi tính mỹ thuật cao trong nghệ thuật nhưng cần nhớ rằng chúng ta đang xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch hướng đến thị trường, mang tính thị hiếu nên có thể không nhất thiết phải áp đặt một không gian sân khấu quá truyền thống, kịch bản Tuồng không cần quá dài quá chi tiết, chỉ cần có các trích đoạn dễ hiểu, thú vị trong một khoảng thời gian ngắn để tạo ấn tượng với du khách. Đây là một quan điểm cần được chú ý cao bởi đôi khi bản chất nghệ thuật rất đặc sắc nhưng các cách tiếp cận lại không phù hợp với nhu cầu thưởng thức của du khách thì việc đưa được các loại hình nghệ thuật truyền thống đó đến được với du khách sẽ là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, song song với các buổi biểu diễn Tuồng, cần tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm đi kèm như vẽ mặt nạ, thử trang phục, tham gia vào sân khấu nhỏ để trực tiếp diễn thử với các diễn viên. Mục đích cần có các hoạt động này là để du khách gần gũi hơn với sân khấu biểu diễn, có cảm giác đồng cảm, trải nghiệm cảm xúc nghệ thuật, nghề diễn và giao lưu trực tiếp cùng các nghệ sĩ, tạo ấn tượng sâu sắc hơn cho du khách. Những hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ chân du khách, khuyến khích họ quay trở lại hoặc thu hút nguồn khách mới.

     Thứ hai, cần khai thác tối đa sự đặc sắc trong giá trị nghệ thuật thẩm mỹ Tuồng qua trang phục và đạo cụ biểu diễn, xây dựng thành các sản phẩm lưu niệm văn hóa du lịch gọn, nhỏ để khách có thể mua như một sản phẩm lưu niệm hoặc quà tặng du lịch đặc trưng vùng Đà Nẵng. Những sản phẩm văn hóa du lịch này thường mang những ý nghĩa rất lớn về dấu ấn văn hóa, lịch sử, truyền thống của một vùng đất. Nếu ta biết chăm chút cho những sản phẩm ấy, chúng sẽ là những đại diện ấn tượng góp phần khẳng định hơn một thương hiệu Đà Nẵng riêng biệt và độc đáo, hấp dẫn và khó quên với khách du lịch. Ví dụ như cần phải có sự sáng tạo và lồng ghép các biểu tượng của nghệ thuật Tuồng (tính biểu trưng của các loại mặt nạ cách điệu, phối hợp màu sắc mỹ học Tuồng,…) trong các mẫu thiết kế của các sản phẩm lưu niệm du lịch trong thành phố, có thể là các sản phẩm thuộc nhóm may mặc – giày da, nhóm vải lụa – thổ cẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ hay nhóm tranh ảnh,… Thực tế cho thấy, sản phẩm lưu niệm trong mỗi chuyến đi sẽ là “đồ vật” luôn gợi nhắc và khiến du khách nhớ lâu về địa điểm du lịch mình đã có dịp ghé thăm nhất.

     Thứ ba, cố định xây dựng các chương trình du lịch phải có sản phẩm nghệ thuật đặc trưng tại thành phố Đà Nẵng là Tuồng, phải xem đây là sắc thái văn hóa nghệ thuật vùng đặc sắc, tạo điều kiện để Tuồng được quảng bá và vinh danh ngay trên mảnh đất của mình. Ở đây, các đơn vị liên quan (cơ sở lữ hành, cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở biểu diễn nghệ thuật) cần linh hoạt phối hợp để quảng bá, xây dựng chương trình nghệ thuật, đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách trong mọi hoàn cảnh, từ các vấn đề cơ sở vật chất, nhân sự, nội dung phục vụ,…; bởi lẽ nếu như các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống có chương trình biểu diễn mà số lượng tham gia của khách quá ít hoặc nếu khách du lịch có nhu cầu thưởng thức loại ca vũ cổ truyền này mà các đơn vị biểu diễn nghệ thuật lại không đáp ứng được thì việc xây dựng Tuồng thành sản phẩm văn hóa – du lịch ấn tượng của thành phố sẽ khó đạt được hiệu quả.

     Thứ tư, khai thác giá trị hiệu quả bất cứ loại hình nghệ thuật nào trong du lịch đều không thể không nhắc đến việc bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, tác giả, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, biên đạo,… góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật; thực hiện chế độ ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật. Ở đây, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật, đơn vị kinh doanh lữ hành và các đơn vị sản xuất hàng hóa du lịch cần phối hợp với nhau chặt chẽ để cùng tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật – văn hóa – du lịch chất lượng đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc và nhu cầu mua sắm. Có như vậy, việc khai thác nghệ thuật Tuồng – từ tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch mới trở nên hiệu quả và có giá trị.

4. Kết luận

     Tuồng là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Những giá trị nghệ thuật, tinh thần mà Tuồng đang nắm giữ góp phần làm đa dạng và phong phú hơn kho tàng văn hóa của dân tộc. Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng thể hiện dấu ấn lịch sử, con người vùng đất xứ Quảng cả về thời gian lẫn không gian. Việc khai thác và xây dựng loại hình nghệ thuật này từ tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch văn hóa rất cần sự chung tay của nhiều cấp lãnh đạo, các đơn vị, cơ quan ban ngành liên quan. Nghệ thuật và du lịch là hai yếu tố luôn đồng hành và có mối quan hệ mật thiết với nhau, có thể liên kết, hỗ trợ và hình thành các dòng sản phẩm văn hóa – du lịch sáng tạo, đặc thù, hấp dẫn du khách. Với Đà Nẵng, Tuồng sẽ không chỉ là loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính hàn lâm mà Tuồng còn là một “thương hiệu” độc đáo, được du khách nghĩ đến và luôn nhớ về khi có dịp ghé thăm hoặc được gợi nhắc về thành phố Đà Nẵng.

     Chú thích:

      1. Nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

     2. Nay thuộc phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

     3. Nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

     4. Nhạc hát Tuồng có những điệu hát cơ bản như: nói lối, hát nam, hát khách, các làn điệu không nhịp và các làn điệu có nhịp. Nói lối là viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ và được quy định vế trống, vế mái; câu đầu là vế trống, câu thứ hai là vế mái; vế trống thường ở vần trắc, nói cao giọng; vế mái gieo vần bằng, nói hạ giọng. Hát nam diễn ra khi tình cảm của nhân vật lên tới cao trào trong tình huống kịch, thông thường có 3 câu gọi là một sắp: câu 1 là câu trống gồm 2 vế theo thể song thất lục bát phá thể, câu 2 là câu mái bao giờ cũng ở thể lục bát. Tùy vào tính kịch mà hát nam có các điệu: nam xuân, nam dựng, nam ai, nam chạy, nam biệt, nam xuân nữ. Hát khách được dùng khi tự sự, đối thoại, phân binh ra trận, đi dạo chơi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Vũ Đức Sao Biển. (2010). Hát bội Quảng Nam. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh.

     Tôn Thất Bình. (1993). Tuồng Huế. Nxb Thuận Hóa. Huế.

     Lê Văn Chiêm. (2007). Nghệ thuật sân khấu hát bội. Nxb Trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh.

     Ngọc Hà. (2019). Tăng nguồn nhân lực cho nghệ thuật truyền thống. Truy xuất từ https://www.baodanang.vn/, ngày 02/07/2020.

     Hoàng Châu Ký. (1973). Sơ khảo lịch sử Tuồng. Nxb Văn hóa. Hà Nội.

     Nguyễn Lộc. (1994). Nghệ thuật hát bội Việt Nam. Nxb Văn hoá. Hà Nội.

     Phan Thị Huyền Trâm. (2013). Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng ở Đà Nẵng. Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, 38.

     Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam. (2001). Tuồng Quảng Nam. Tam Kỳ.

     Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp. (2013). Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỳ 20. Nxb Văn hoá Văn nghệ. Thành phố Hồ Chí Minh.

     Mịch Quang. (1995). Đặc trưng nghệ thuật Tuồng. Nxb Sân khấu. Hà Nội.

     Xuân Yến. (1998). Nghệ thuật Tuồng trong thời đại mới (vấn đề truyền thống và cách tân). Nxb Sân khấu. Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 01 (69) – 2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khai thác giá trị nghệ thuật Tuồng xứ Quảng trong phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng (Tác giả: Trần Thị Mai An ; Đinh Lê Ngọc Oanh)