Khảo cổ học với tu bổ, tôn tạo di tích (Qua trường hợp di tích đền – chùa Bà Tấm, Gia Lâm – Hà Nội)

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  NGUYỄN VĂN ĐOÀN
(Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

TÓM TẮT

     Qua khai quật phế tích đền – chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội, có niên đại vào thế kỷ XI – XII), tác giả nhận thấy, có nhiều lớp văn hoá chồng lên nhau và có nhiều giá trị riêng biệt. Vì thế, không thể dựng ngôi chùa mới lên trên khu vực này, việc tôn tạo cần đẩy lên phía trước (trong khuôn viên chùa) để phục vụ yêu cầu tôn tạo và tín ngưỡng của nhân dân.

Từ khóa: khảo cổ học, tu bổ, tôn tạo, di sản văn hoá, di tích.

ABSTRACT

     Through the excavation of the remain of temple – pagoda Bà Tấm (Gia Lâm district, Hanoi, dated in 11th – 12th centuries, the author sees lots of cultural layers with different values. Thus it is not to erect new pagoda on this area, and the restoration should come forward to serve the preservation and belief demand of local people.

Key words: archaeology, repair, conservation, cultural heritage, heritage site.

x
x x

     Trong những năm qua, việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích đã thực sự được chú trọng và ngày càng phát huy hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước đã nghiêm túc trong các thỏa thuận, đồng ý cho phép tu bổ, tôn tạo theo quy trình “khảo cổ học luôn đi trước một bước”. Với thế mạnh trong phương pháp nghiên cứu, là thông qua tài liệu địa tầng để tìm hiểu, lý giải về diễn biến các lớp kiến trúc, văn hóa của di tích trong suốt quá trình tồn tại, khảo cổ học đã cung cấp các thông tin hết sức khách quan, khoa học, là cơ sở quan trọng mang lại nhận thức sâu sắc về các nền văn hóa cổ, về đời sống cư dân, về các dữ liệu, về bố cục mặt bằng, kỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng của các thời kỳ lịch sử…, giúp cho các nhà thiết kế tìm ra giải pháp tu bổ, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất, nhằm phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại đang trên đà phát triển.

     Mặc dù nhận thức và xác lập đúng về quy trình “khảo cổ học luôn đi trước một bước”, song, khảo cổ học với tu bổ, tôn tạo, nhất là với một di tích cụ thể đôi khi vẫn là vấn đề cần thảo luận, trao đổi. Và, từ thực tiễn kết quả đạt được trong nghiên cứu và khai quật khảo cổ học tại di tích đền – chùa Bà Tấm, chúng tôi sẽ nêu lên một vài suy nghĩ về giải pháp tu bổ, tôn tạo, với mong muốn có thể phát huy tốt hơn giá trị di tích thời gian tới.

1. Đôi nét giới thiệu về cụm di tích đền – chùa Bà Tấm

     Cụm di tích đền – chùa Bà Tấm thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, cách khu vực trung tâm Hà Nội gần 20km về phía Đông, trên Quốc lộ 5 đi Hải Phòng.

     Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, cụm di tích này được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của di tích gắn với Nguyên phi, Hoàng Thái hậu Ỷ Lanmột nhân vật kiệt xuất của vương triều nhà Lý, giỏi việc trị nước, khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, dân gian tôn sùng bà là Phật Bà Quan Âm, thường gọi là Bà Tấm, hiện thân của lòng bao dung, tài năng, đức độ và những điều tốt lành. Các huyền thoại, truyền thuyết về bà phủ trùm lên một vùng văn hoá, lịch sử của xứ Kinh Bắc xưa.

     Bà đã cho xây dựng hàng trăm chùa, tháp nổi tiếng, một số còn tồn tại dấu vết đến tận ngày nay, như chùa Dạm, 1086 (Quế Võ, Bắc Ninh); chùa Một Mái ở Hoàng Xá, 1099 (Quốc Oai, Hà Nội); chùa Phật Tích, 1100 (Tiên Sơn, Bắc Ninh); chùa Báo Ân, 1057 (Động Sơn, Thanh Hoá); tháp Chương Sơn, 1108 (Ý Yên, Nam Định). Và, ở quê hương, hương Thổ Lỗi (sau đổi thành hương Siêu Loại), vào năm 1115, bà đã cho xây dựng Linh Nhân Tư Phúc tự (dân gian quen gọi chùa Bà Tấm). Vào năm 1117, khi Ỷ Lan qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng. Từ đó đến nay, đền – chùa Bà Tấm là nơi hành lễ thờ Phật và cũng là nơi tưởng niệm, tôn vinh của nhân dân trong vùng về Nguyên phi, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Trong quá trình tồn tại lâu dài, di tích đền – chùa Bà Tấm đã được sửa chữa, tu bổ và tôn tạo nhiều lần. Văn bia còn lưu giữ tại di tích cho biết, vào các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, các Vương phi, Quận chúa họ Trịnh nhiều lần công đức tiền của cùng nhân dân xã Dương Xá, Dương Nguyễn tu bổ lại chùa.

     Cụm di tích chùa – đền Bà Tấm vốn được xây dựng trên một gò đất cao, rộng, nằm bên hữu ngạn dòng sông Thiên Đức nổi tiếng (phía bên Tả ngạn là chùa Báo Ân thời Trần, gắn với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông). Trải qua quá trình tồn tại, mặt bằng di tích có nhiều thay đổi, kiến trúc chùa, đền và nhà thờ Mẫu cùng một số đơn nguyên kiến trúc kề cận in đậm dấu ấn tu sửa gần đây (đền xây khoảng nửa đầu thế kỷ XX, chùa xây khoảng những năm 1980), song, đây thực sự là một không gian linh thiêng, được nhân dân trọng vọng, thể hiện rõ nhất trong lễ hội vào các ngày 19/2 và 25/7 Âm lịch hằng năm. Hội đền Bà Tấm là hội lớn trong vùng, không chỉ có Dương Xá, Dương Nguyễn, mà kéo dài suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm (Hưng Yên).

     Tại di tích còn lưu giữ nhiều di vật phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần tu bổ, sửa chữa di tích, đáng kể là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước khá lớn; thành bậc trang trí sấu, chim phượng, cúc dây nổi tiếng; di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý; các bia đá thời Lê và Nguyễn; các chân tảng đá sa thạch thời Lý, Trần; các di vật khác của thời Lê và Nguyễn.

2. Kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học

     Các di tích và di vật khảo cổ học được phát hiện rải rác ở khu vực này từ lâu, song, tính đến nay, di tích đền – chùa Bà Tấm chính thức được nghiên cứu, khai quật khảo cổ học 2 lần. 

     – Lần thứ nhất, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện năm 2005, trong chương trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, nhằm tìm hiểu và đánh giá bước đầu về nghệ thuật kiến trúc thời Lý gắn với nhân vật nổi tiếng Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, với các hố đào tập trung ở phía Bắc và hai bên phía Đông – Tây của đền và chùa, tổng diện tích gần 300m2.

     – Lần thứ hai, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm (Hà Nội) thực hiện cuối năm 2013, nhằm mục đích phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo Linh nhân Tư Phúc tự, với tổng diện tích 67m2, các hố đào tập trung ở mặt phía Bắc (sát với tòa Tam bảo) và phía Nam của ngôi chùa. Công trình dự kiến khánh thành nhân kỷ niệm 900 năm ngày mất của Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.

     Về cơ bản, các hố thám sát và khai quật sâu từ 1,15m đến 2,4m. Căn cứ vào diễn biến địa tầng, đã xác định được các lớp kiến trúc sau:

     + Kiến trúc thời Lý, nằm ở độ sâu từ 0,8 – 1,2m, vết tích kiến trúc gồm: móng, gia cố nền, đường ống cống nước, lớp này bị ảnh hưởng do mặt bằng được tận dụng để xây dựng công trình mới vào thời Lê Trung hưng. Móng kiến trúc thời Lý chỉ còn là những đoạn ngắn, sử dụng gạch hình chữ nhật, xếp khít, không có chất kết dính. Nền xếp gạch hình vuông, trang trí hoa mẫu đơn, hoa sen, cúc. Dưới nền được gia cố gạch, ngói lèn chặt, dày 0,3m đến 0,4m (gồm có gạch lát nền, gạch chữ nhật, ngói mũi hài, ngói bản…).

     Đặc biệt, trong đợt nghiên cứu năm 2013, đã tìm thấy trụ gia cố chân tảng và thành bậc, cùng các bậc lên xuống phía Bắc của chùa còn khá nguyên vẹn (trang trí chim phượng, tượng sấu và văn sóng nước, giống với thành bậc hiện biết rất đặc sắc của thời Lý).

     Ngoài ra, còn phát hiện được các đường cống thoát nước, dài tới 4,9m, chạy theo trục Đông – Tây, được cấu tạo bởi các loại ống cống khác nhau, lần đầu tiên tìm thấy trong kiến trúc thời Lý, có chữ Đông nhị để định vị kiến trúc.

     + Kiến trúc thời Lê Trung hưng, nằm ở độ sâu 0,4- 0,8m, là vết tích đống đổ kiến trúc, đường bó móng, gia cố nền, tận dụng khá triệt để mặt bằng và các loại vật liệu kiến trúc thời Lý để xây móng và gia cố nền. Mặt bằng thời Lê Trung hưng có xu hướng tiến về phía Nam.

     + Các vết tích nền, móng kiến trúc sử dụng gạch chữ nhật và gạch vuông Bát Tràng, niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và vết tích kiến trúc nhà Tổ, xây dựng vào khoảng những năm 1950 là lớp trên cùng, gần như lộ trên bề mặt. Mặt bằng kiến trúc thời kỳ này cũng có xu hướng dịch về phía Nam.

     + Bên cạnh các phế tích kiến trúc, qua khai quật đã thu thập được các nhóm hiện vật các thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn có niên đại thời Lý là các vật liệu và trang trí kiến trúc liên quan trực tiếp đến (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự và ngôi đền thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, với kỹ thuật và nghệ thuật trang trí, điêu khắc tinh xảo, chủ yếu bằng đất nung và đá sa thạch (gạch lát nền, trang trí hoa cúc, hoa mẫu đơn; ngói mũi hài, ngói ống, đầu ngói trang trí hoa sen, lá đề trang trí rồng và chữ Hán ở mặt sau, tượng sư tử đá, uyên ương, mảnh tượng Kim Cương…), đặc biệt, có viên gạch ghi niên hiệu: Lý gia đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo (1066) và 1/2 trụ đá có kích thước khá lớn, liên tưởng đến trụ cột hay biểu tượng của Linga của công trình kiến trúc rất giống như ở chùa Dạm (Bắc Ninh); và, số lượng đáng kể vật liệu trang trí tháp đất nung, mà qua đề ký tự và ký hiệu cho biết, tháp cao tới hơn 10 tầng (11 hoặc 13), chứng tỏ sự tồn tại của kiến trúc tháp Phật có quy mô to lớn bên cạnh mặt bằng kiến trúc chùa.

     Trong bộ sưu tập hiện vật còn có mặt các đồ gốm sứ, sành, đất nung và các tàn tích vật chất khác phản ánh sinh động quá trình sinh hoạt tôn giáo nơi đây suốt từ thời Lý đến thời Nguyễn.

3. Một vài suy nghĩ về giải pháp tu bổ, tôn tạo

     Kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học trong các năm 2005 và 2013 đã khẳng định rõ sự tồn tại của công trình kiến trúc có quy mô to lớn thời Lý được Nguyên phi, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan xây dựng vào năm 1115 như sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền. Thông qua các di tích, di vật được phát hiện cho thấy, di tích khởi dựng từ thời Lý, liên tục được tu bổ, sửa chữa và xây dựng vào các thời kỳ sau, khẳng định vị trí và ảnh hưởng của Nguyên phi, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cùng Phật giáo trong đời sống tâm linh và tâm thức dân gian.

     Tuy nhiên, để có cơ sở phục dựng đầy đủ hơn diện mạo vốn có của di tích, còn khá nhiều vấn đề đặt ra cho công tác khảo cổ học. Dưới đây, chúng tôi xin đề cập tới 3 nội dung:

      – Các bước gian là cơ sở để xác lập bố cục mặt bằng, quy mô, kích thước và các vấn đề liên quan đến công trình kiến trúc. Hiện nay, qua hố khai quật năm 2013 ở phía Bắc tòa Tam bảo, đã tìm thấy 4 trụ sỏi gia cố chân tảng. Qua diễn biến địa tầng, cấu tạo và phân bố của các gia cố cũng như so sánh diễn biến và mặt bằng hiện trạng, từ đó có thể xác định, đây là hai hàng cột hiên và cột quân, tạo thành hành lang rộng khoảng 2,2m ở phía Bắc ngôi chùa thời Lý. Do diện tích hố đào bị khống chế bởi ngôi chùa và tòa Tam bảo, không thể mở rộng, nên những tư liệu khảo cổ học cung cấp chỉ là những gợi ý ban đầu, chưa đầy đủ cho việc suy dựng mặt bằng kiến trúc (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự.

     – Về bố cục mặt bằng kiến trúc chùa, các phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học từ năm 2005 đến năm 2013 tại di tích đền – chùa Bà Tấm cho thấy phạm vi, phân bố các vết tích lớp kiến trúc thời Lý rất đậm đặc, có xu hướng phát triển và tịnh tiến dần vào vị trí tòa Tam bảo và ngôi chùa hiện tại. Từ thực tế kết quả nghiên cứu cùng với hiện trạng chùa (nhất là cao độ cũng như vị trí của 2 tượng sư tử đá thời Lý), chúng tôi cho rằng, phần trung tâm, “lõi” quan trọng nhất của (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự thời Lý nằm ở vị trí Tam bảo và chùa hiện nay. Đây là nơi hàm chứa những giá trị quý giá nhất còn lại của ngôi chùa do chính Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan xây dựng. Tuy nhiên, do sự tồn tại của kiến trúc chùa và tòa Tam bảo cũng như sự ngưỡng vọng đối với Hoàng Thái Hậu và tâm linh dân gian, nên sự quý giá ấy chỉ được ghi nhận, nâng niu và gìn giữ, chưa thể nghiên cứu và khai quật khảo cổ học, vì vậy, bố cục mặt bằng chùa vẫn chưa được xác định, nếu có điều kiện nghiên cứu và khai quật ở khu vực này sẽ góp phần quan trọng trong nhận thức về mặt bằng kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo thời Lý, về nhân vật lịch sử Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và các vấn đề liên quan… để từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học trong tôn tạo và phát huy giá trị.

     – Bố cục mặt bằng tổng thể kiến trúc (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự thời Lý cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Liệu rằng, trong mặt bằng tổng thể ấy, ngoài chùa và đền thờ là hai kiến trúc chính, còn có kiến trúc tháp vốn là đặc trưng của mặt bằng kiến trúc Phật giáo thời Lý? Chúng ta mới chỉ biết tới các mảnh trang trí tháp bằng đất nung, các mảnh vật liệu có ký tự, cho biết tháp cao hơn 10 tầng. Mặc dù chỉ là nhưng thông tin ban đầu và còn hạn chế, song, qua đó đã khẳng định sự hiện diện của ngọn bảo tháp, bên cạnh kiến trúc chùa và đền hiện biết.

     Vị trí, quy mô, kích thước và các vấn đề liên quan đến bảo tháp vẫn chưa thể lý giải?

     Thực tiễn ấy đã đặt ra yêu cầu về giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích như thế nào nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di tích thời gian tới, làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu tâm linh và sự tôn kính của nhân dân đối với Nguyên phi, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, lại vẫn không động chạm, thậm chí phá hủy mất dấu tích quan trọng nhất còn lại của thời Lý (vì nếu dựng kiến trúc mới trên vị trí nền cũ sẽ phải hạ giải kiến trúc hiện tồn, đào móng, phá dỡ…) trong khi chưa thể nghiên cứu, khai quật kỹ lưỡng? Như vậy, phương án phục dựng một kiến trúc ở trên vị trí chùa và Tam bảo hiện nay, với việc các dấu tích sẽ được làm xuất lộ toàn bộ, rồi chỉ chọn có giới hạn một vị trí được cho là phù hợp để làm bảo tàng tại chỗ là không có sức thuyết phục.

     Trước yêu cầu đó, chúng tôi đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí việc Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm đã tổ chức hội thảo, xin ý kiến các nhà khoa học cho phương án tôn tạo lại (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự, trên cơ sở đó đã lựa chọn được phương án chúng tôi cho là tối ưu nhất. Đó là sẽ xin ý kiến nhân dân để thay đổi phương án tôn tạo (chùa) Linh Nhân Tư Phúc tự, không dựng lại ở khu vực chùa và Tam bảo hiện nay mà dịch chuyển về phía trước (phía Nam) là khu vực sân chùa, có không gian thoáng, rộng, đáp ứng được thiết kế cho ngôi chùa mới. Còn khu vực chùa và Tam bảo được giữ nguyên trạng, sẽ tiến hành nghiên cứu, khai quật khảo cổ học khi điều kiện cho phép – Vì chúng ta đã biết, trước kia, sân chùa hiện nay là cấp nền dẫn lên chùa chính. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, vị trí này đã bị đào bới khá triệt để tới tận sinh thổ, rồi được san phẳng, lọc bỏ các gạch ngói vỡ để làm vườn cây cho các cụ – Từ đó có thể đưa ra được giải pháp tôn tạo ngôi chùa mà vẫn dung hoà được yêu cầu bảo vệ tới mức cao nhất dấu tích di sản khảo cổ học như đã nêu trên, đồng thời, vẫn đáp ứng được yêu cầu của địa phương và tín đồ thập phương trong nhu cầu tâm linh hướng về kỷ niệm 900 năm Quan Âm nữ đã cho dựng kiến trúc này.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 4 (49) – 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
 

Downlaod file (PDF): Khảo cổ học với tu bổ, tôn tạo di tích (Qua trường hợp di tích đền – chùa Bà Tấm, Gia Lâm – Hà Nội) – Tác giả: TS. Nguyễn Văn Đoàn