Không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành
Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU RẠNG
(Học viên cao học, chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Email: rangnh.vhvn033@pg.hcmue.edu.vn)
1. Đặt vấn đề
Đời sống văn hóa nông nghiệp của cư dân miền sông nước đã quy định nên vai trò, tầm quan trọng về một số nhu cầu vật chất tối thiểu ở con người nơi đây. Trong đó, nhu cầu quan trọng nhất vẫn là nhu cầu về chỗ ở: “Thổ công là cha, chúa nhà là con”. Khác với cư dân vùng văn hóa du canh du cư chủ yếu trồng trọt để duy trì sự sống bằng các loại cây trồng ngắn hạn. Điều này dẫn đến hệ quả chỗ ở của họ thường là những không gian không cố định. Họ thích sống theo kiểu rày đây mai đó vì vậy không gian nhà ở cũng chỉ mang tính tạm bợ với hình thức giản đơn thành những mái lều dựng tạm. Ý thức về ngôi nhà hay rộng hơn là ý thức về tầm quan trọng và vai trò thiêng liêng của không gian có mái che ấy trong đời sống tinh thần ở cư dân vùng văn hóa này thường khá mờ nhạt. Họ có thể có hàng trăm căn lều, hàng trăm không gian mái che khác nhau được dựng lên ở bất kỳ nơi nào con người đặt chân đến.
Trái lại, đối với cư dân vùng văn hóa nông nghiệp, ý thức về ngôi nhà, về không gian có mái che cả đời mình không những sâu đậm mà còn trở nên thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Điều này xuất phát từ đặc tính sinh trưởng và phát triển lâu dài, mất nhiều thời gian của cây lúa nước. Vì vậy, không gian nhà ở của con người vùng văn hóa nông nghiệp không thể tạm bợ, rày đây mai đó mà ngược lại luôn phải cố định, gắn bó với họ suốt cả một đời người. Trong quan niệm của con người nơi đây, mái nhà không chỉ đơn giản là không gian con người sớm ra tối vào; là chỗ để ngã lưng, che mưa tránh nắng mà còn là hạt nhân cơ bản hình thành nên những tình cảm cần thiết ban đầu từ việc xác lập các mối quan hệ giữa các thế hệ sống bên dưới mái nhà ấy như tình yêu thương giữa: vợ và chồng, ông bà với con cháu, cha mẹ và con cái, anh chị em… Nhân cách và các hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cũng được hình thành bên dưới những không gian có mái che ấy.
Có được cái nhà, có được một không gian có mái che cố định, có được mảnh đất để sống gửi thác về hay định chuyện cơ nghiệp dài lâu… luôn là mong ước từ bao đời nay của bất kỳ người Việt nào. Thế nhưng, không phải lúc nào mong ước ấy cũng trở thành sự thật, không phải lúc nào tạo hóa cũng đóng vai là một bà mẹ hiền dịu chịu để yên cho số phận con người. Lắm lúc, nó buộc con người suốt đời phải mang thân lữ khách không có lấy một mái nhà để trở về. Số phận con người là những chuỗi ngày dài đằng đẵng, ngao ngán khi phải gán mình vào trong những không gian có mái che tạm bợ, chật hẹp – không gian nhà trạm. Có thể nói, không gian nhà trạm trên mỗi chặng đường mà con người bước tới cũng là một trong những dạng thức không gian nghệ thuật thường thấy ở thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền, cụ thể ở thơ chữ Hán của Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành.
2. Giải quyết vấn đề
Qua khảo sát các bài thơ chữ Hán của ba tác giả Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành viết về không gian nhà trạm, chúng tôi nhận thấy hình ảnh này xuất hiện 98 lần trong 68 bài thơ, cụ thể:
HÌNH ẢNH NHÀ TRẠM |
||||||||
Nguyễn Đề |
Nguyễn Du |
Nguyễn Hành |
||||||
Số bài |
Số lần |
Tỉ lệ |
Số bài |
Số lần |
Tỉ lệ |
Số bài |
Số lần |
Tỉ lệ |
9 |
10 |
10.20% |
27 |
43 |
43.88% |
32 |
45 |
45.92% |
Bảng. Thống kê sự xuất hiện của không gian nhà trạm
trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành)
Theo thống kê trong 68 bài thơ chữ Hán có sự xuất hiện của hình ảnh nhà trạm của ba tác giả Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành, người viết nhận thấy có khoảng 61 tên gọi khác nhau được các nhà thơ sử dụng khi viết về hình ảnh này. Một số tên gọi của hình ảnh nhà trạm xuất hiện trong thơ: Từ những tên gọi chỉ chung về nhà trạm: Dịch gia, gia, viện, (thâm) đường, tiểu điếm, tiểu các, trú cửu, thất, (đông/tây) gia, khách xá, càn khôn, ốc, (bế) hộ… cho đến những tên gọi riêng biệt: Quỳnh Châu, Nam Hải, Tây Hà dịch, Trinh Dương, Thanh Khê, Đồng Xuân thậm chí nhà trạm còn được gọi tên bằng những phần đặc trưng gắn liền với nó như: (tiểu) song, (sài) môn, (bế) môn, đình, thiềm đầu, bất khai, (hoại) bích, (đông) bích…
2.1. Trước hết, không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền được thể hiện trong trạng thái không cố định, không chắc chắn. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, không gian nhà trạm được thể hiện qua các địa điểm dừng chân của đoàn sứ bộ trên những chuyến sứ trình vạn dặm nơi Bắc quốc (còn gọi: dịch trạm):
“Hiểu phát Trinh Dương vụ sắc thê
Bồng tường cao quải thướng Thanh Khê”
(Sớm từ trạm Trinh Dương lên đường, sương lạnh
Lá buồm giương cao, hướng trạm Thanh Khê)
(Anh Đức tình diểu – Nguyễn Đề)
Mở đầu bài thơ, xuất hiện trước mắt người đọc là những không gian nhà trạm nối tiếp nhau: “Trinh Dương”, “Thanh Khê”. Con người bị cuốn vào guồng quay của việc thực hiện nhiệm vụ sứ thần mà triều đình giao phó, khẩn trương chuyển dời từ nhà trạm này đến nhà trạm khác. Sự gấp rút của đoàn sứ bộ: “hiểu phát”, “vụ sắc thê” cùng với đó là hai không gian nhà trạm liên tiếp xuất hiện đại diện cho hai điểm rời đi (Trinh Dương) và đích đến tiếp theo (Thanh Khê) đã làm góp phần làm nổi bật hiện thực bấp bênh, vô định. Thế nhưng, đâu đó trong bài vẫn còn có một niềm an ủi, xoa dịu hiện thực bấp bênh của kẻ lữ khách. Ngay trong tính chất vô định của những nhà trạm, con người vẫn có thể tìm thấy một sự cố định, lặp lại. Điều này có thể được lý giải bởi lẽ các điểm dừng chân – nhà trạm của đoàn sứ bộ trên những chuyến sứ trình đều đã được định sẵn từ trước theo thông lệ hai nước. Các sứ thần chỉ việc căn cứ vào lịch trình định sẵn trên đường mà đi tới. Con người khi rời khỏi nhà trạm này (Trinh Dương) đã xác định được ngay thậm chí rõ ràng, cụ thể đích đến tiếp theo: “Bồng tường cao quải thướng Thanh Khê”. Con người như kẻ phiêu bạt nhưng ít ra họ vẫn có thể xác định chắc chắn phần không gian nhà trạm phía trước mà bản thân sắp đặt chân đến.
Khác với thơ Nguyễn Đề, không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán Nguyễn Du đôi lúc lại không được nhà thơ nói rõ trực tiếp mà thể hiện gián tiếp qua: hành động “túc” (nghỉ trọ) tại một điểm dừng chân bất kỳ, hình ảnh cửa “môn” [1], vách nhà “bích”, sân trước nhà “đình”…:
“Dã túc phùng tiều giả”
(Đêm trọ giữa đồng quê gặp bác tiều)
(Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành – Nguyễn Du)
“Bế môn bất ký xuân thâm thiển”
(Đóng cửa không biết xuân sớm hay muộn)
(Tạp ngâm – Nguyễn Du)
“Đông bích hàn trùng bi cánh tân”
(Vách phía đông, dế gặp lạnh kêu buồn thảm, chua xót)
(Thu dạ I – Nguyễn Du)
“Thiên lý xích thân vi khách cửu
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai”
(Ngàn dặm, thân trơ trọi, ở đất khách lâu ngày
Một sân lá vàng đưa thu đến)
(Thu chí – Nguyễn Du)
Rõ ràng, con người ở đây đang phải đối diện với tình cảnh lạc lõng, vô gia cư:
“Chinh phu hoài vãng lộ
Dạ sắc thượng mông mông
Nguyệt lạc viên thanh ngoại”
(Kẻ lữ hành nghĩ đến đường phía trước
Sắc đêm còn mờ mịt
Trăng lặn phía bên kia, nơi có tiếng vượn hú)
(Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành – Nguyễn Du)
Sự khác nhau giữa hai không gian có mái che này trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề và Nguyễn Du đã cho thấy sự khác biệt trong lý tưởng và sự thức nhận về tình cảnh thực tại của hai tác giả khi ra làm quan cho các triều đại sau nhà Lê. Nguyễn Đề làm quan cho nhà Tây Sơn với lý tưởng tận trung báo quốc dù rằng thái độ ban đầu của ông có phần miễn cưỡng. Suốt đời, ông dành trọn tài và tâm mà dốc lòng phò tá, đáp đền ơn thiên tử (Ân Châu đạo trung ngẫu thành). Mặt khác, những góc khuất về hiện thực trong bộ máy quan lại dưới triều đại Tây Sơn dường như không mấy gay gắt chuyện tranh giành, đấu đá lẫn nhau như vào thời nhà Nguyễn. Vì vậy, con người toàn tâm toàn ý phụng mệnh thiên tử, không đến mức phải rơi vào cảnh sống bần hàn, đói rách và giam mình trong những không gian nhà trạm chật hẹp, rách nát giữa đồng hoang như con người trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Còn với Nguyễn Du, vốn là người mang trái tim nhạy cảm trước mọi biến động của thời cuộc, ông nhận thấy rõ những góc khuất trong bộ máy quan lại triều Nguyễn. Lý tưởng tận trung, giúp dân khi ra làm quan trong ông chỉ vừa hé mở nhưng rồi lại vụt tắt, tan biến và đẩy bản thân ông vào trong những vỏ bọc chỉ biết giữ đúng chức phận, dạ vâng với thiên tử. Cái đói, cái nghèo trước đây của ông chưa thể trả xong giờ lại tiếp đến sự thất vọng, chán chường khi ra làm quan khiến số phận ông đã khổ nay lại càng khổ hơn trăm bề. Khoảng cách giữa kẻ bề tôi với bậc thiên tử trong ông quá lớn khiến ông không thể có được tinh thần: “Bôn tẩu đãn tri quân mệnh trọng / Trì khu quản cố ngã thân khinh” [2] (Lữ thứ thư hoài) như Nguyễn Đề. Ông chọn lấy con đường ở lại với nỗi đau muôn kiếp của thập loại chúng, giam mình trong những không gian nhà trạm chật hẹp, rách nát. Không thể dự định trước được tương lai chính vì vậy mà mọi thứ hiện lên trong thơ ông, đặc biệt là những mái che nhà trạm cứ mỗi lúc một chênh vênh, vô định. Ông bước đến đâu cũng đều có thể dừng lại mà trú tạm, không có bất kỳ một dự tính nào trước cho những mái che mà người sắp bước vào. Bao trùm cả không gian trong thơ ông là sắc đen của cảnh đêm tĩnh mịch: “Dạ sắc thượng mông mông”. Thân người theo đó cũng hiện lên trơ trọi, chỉ còn biết cố tìm lấy một mái che tạm bợ nương náu cho qua đêm dài:
“Nhân hành hổ tích trung
Lực suy thường úy lộ”
(Người đi trong vùng có vết chân hổ
Sức yếu thường sợ đường dài)
(Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành – Nguyễn Du)
Có thể thấy, trong bài, tác giả hoàn toàn không đề cập đến sự xuất hiện của nhà trạm nhưng người đọc vẫn cảm nhận sự hiện hữu của nó hay đúng hơn là một không gian nhà trạm bao phủ thân lữ khách qua một tín hiệu duy nhất từ động từ: “túc” trong: “Dã túc phùng tiều giả”. Một không gian có mái che vô hình hiện ra trơ trọi giữa đồng từ đó trở thành không gian nối kết hai con người tưởng chừng ở hai địa vị đối nghịch nhau:
“Tương liên bất tại đồng”
(Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau)
Bản thân ông không thể tự xác định hay tìm kiếm nổi cho mình một mái che dừng chân cố định. Con người trong thơ ông cứ thế mà đi mãi trong vô định, hễ đêm xuống thì tìm vội một mái che tạm bợ bên đường hoặc giữa đồng để trú thân. Cảm thức chung khi đọc vào những bài thơ chữ Hán Nguyễn Du, đặc biệt là những bài được làm lúc ông lỡ đường, người đọc vẫn hình dung rõ không gian nhà trạm cùng hiện thực cô độc, bế tắc của thân phận con người:
“Tứ bích cùng thanh náo dạ miên
Ải sàng di hướng khúc lan biên
Vi phong bất động sương thùy địa”
(Đêm dế kêu quanh bốn vách rộn giấc ngủ
Dời chiếc chõng lại cạnh lan can
Gió nhẹ không lay, bức màn rũ xuống tận đất)
(Dạ tọa – Nguyễn Du)
Nhà trạm ở đây một lần nữa không được nhà thơ nhắc đến trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện rõ nét trước người đọc thông qua việc khắc họa không gian xung quanh. Không gian nhà trạm trong bài có phần đơn sơ, giản dị: “Tứ bích cùng thanh náo dạ miên”. Không gian ấy hiện lên chỉ duy nhất một âm thanh từ tiếng dế kêu trong đêm và một cử động của con người: “Ải sàng di hướng khúc lan biên”. Con người hết nghĩ về quá khứ đến ngoảnh nhìn vào thực tại bế tắc, đói rách của bản thân để rồi lại lo, lại sầu. Bất kỳ nơi nào người dừng chân đều gọi là “nhà”. Cả trời đất là nhà trong mắt kẻ lữ khách lỡ bước:
“Đạp biến thiên nha hựu hải nha
Càn khôn tùy tại tức vi gia”
(Đi khắp chân trời lại đến góc bể
Trong khoảng trời đất đến đâu là nhà đến đó)
(Tạp ngâm – Nguyễn Du)
Xem cõi “càn khôn” trong vũ trụ là nhà, kẻ phiêu bạt cứ thế bước đi trong vô định:
“Bách niên thân thế ủy phong trần
Lữ thực giang tân hựu hải tân”
(Thân thế trăm năm phó mặc gió bụi
Hết ăn nhờ ở miền sông lại đến miền biển)
(Mạn hứng I – Nguyễn Du)
“Thiên lý xích thân vi khách cửu”
(Ngàn dăm thân trơ trọi, ở đất khách lâu ngày)
(Thu chí – Nguyễn Du)
Như một sự gặp gỡ tình cờ, không gian nhà trạm với tính chất tạm bợ trong thơ chữ Hán Nguyễn Hành cũng có những nét tương đồng với thơ chữ Hán Nguyễn Du. Không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán Nguyễn Hành cũng xuất hiện một cách vô định, tạm bợ:
“Hữu cữu quan tư thổ
Thời lai thả tạm y
Bán gian liêu hữu thác”
(Có cậu làm quan đất này
Thỉnh thoảng đến tạm nương náu
Nửa gian nhà tạm đủ chỗ ở)
(Nam Sách lữ hoài – Nguyễn Hành)
Không gian nhà trạm xuất hiện trong sự lặp lại qua tín hiệu từ trạng từ tần suất: “Thời lai” (thỉnh thoảng). Thân phận con người trong bài lại có phần bi đát hơn khi không gian bên dưới mái che họ gửi thân càng lúc càng thu hẹp. Nó trở nên ngột ngạt, chật chội và tù túng hơn bao giờ hết: “Bán gian liêu hữu thác”. Không gian ấy bị chia cắt, thu hẹp một cách tối đa khiến hiện thực cuộc sống con người càng lúc càng trở nên bế tắc. Nó xuất hiện trong sự chia cắt, đứt gãy và có phần đối lập giữa hai “tiểu không gian” bên trong: không gian quê nhà với mái che cố định với: “Thê nhi thả cộng hoan” và không gian lữ thứ với mái che tạm bợ, vô định: “Ky lữ hồn vô định”.
Như vậy có thể thấy, không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền đang vận động theo xu hướng thu hẹp dần. Từ những không gian nhà trạm tương đối rộng rãi dành cho đoàn sứ bộ trong thơ Nguyễn Đề cho đến không gian nhà tạm bợ, đơn sơ trong thơ Nguyễn Du và sau cùng là những mái che mà không gian bên trong bị chia cắt trở nên tù túng, ngột ngạt trong thơ Nguyễn Hành:
“Kỷ nhật hạp ngâm bất phế thi
Hư quỷ hà tu canh tướng bách
Thử thân bất tự tại gia thì”
(Mấy ngày nằm ngâm rên rỉ không bỏ thơ
Quỷ đói đâu cần phải đến bức bách)
Thân này không giống như lúc ở nhà)
(Khách trung ngọa bệnh – Nguyễn Hành)
2.2. Bên cạnh tính chất tạm bợ và vô định, không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền còn là điểm tựa cho cảm xúc đồng thời là nơi con người bày tỏ nỗi niềm trên chặng đường phiêu bạt. Trước hết, đối với thơ chữ Hán Nguyễn Đề, không gian nhà trạm gắn liền với ông trên bước đường đi sứ là nơi con người bộc lộ nỗi niềm hoài hương của bản thân:
“Giai tiết dị linh hương tứ động
Trường đồ bất cấm lữ tình khiên
Ngẫu phùng mai dịch gia tân yến
Vô hạn sầu tình phó tửu diên”
(Ngày tết dễ khiến động niềm xa quê hương
Đường dài chẳng cầm được mối tình lữ thứ
Chợt gặp buổi tiệc đãi trong dịch trạm
Lòng buồn vô hạn phó hết trong buổi tiệc rượu)
(Lữ trung nguyên đán – Nguyễn Đề)
Thêm một năm nữa vô tình lướt qua trên phận đời lữ khách. Câu thơ như bị chính tác giả của nó kéo dài ra bởi nhịp điệu 2/2/3 chậm rãi, giọng thơ chất chứa nỗi niềm ngao ngán: “Thời tự thuân tuần hựu nhất niên” [3]. Cảm giác cô độc ở đây không hoàn toàn đến từ cảnh vật xung quanh mà chủ yếu đến từ việc con người bị đặt vào trong không gian mái che xa lạ: “Ngẫu phùng mai dịch gia tân yến”. Đó là không gian của dịch trạm xa lạ với những con người tuy ở cùng đoàn sứ bộ nhưng suy cho cùng giữa “ta” và họ cũng chẳng khác chi người dưng trong đời. Con người tìm đến rượu, những mong men nồng có thể làm ấm lại cõi lòng và giúp người quên đi nỗi hoài hương nhưng mọi thứ đều vô vọng:
“Hàn tại giang sơn tửu mạc khu
Phóng nhãn bất tri nan tự khiển
Nhật Nam, Thần Bắc lưỡng du du”
(Rượu chẳng thể đẩy lui cái lạnh của đất trời
Phóng tầm mắt trông mà sầu khôn nguôi
Trời Nam, cõi Bắc hai nẻo thật xa vời)
(Tàn đông lữ thứ – Nguyễn Đề)
Hai mái che, hai không gian với hai tính chất đối nghịch nhau cùng xuất hiện trong cõi thơ thi nhân: Mái che quê nhà (Nhà ở quê) với không gian quê hương mang tính chất cố định nơi trời Nam (Nhật Nam) và mái che dịch trạm với không gian đất khách mang tính chất vô định ngay trước mắt kẻ lữ thứ (Thần Bắc). Hai hình ảnh mái che ấy được đặt cạnh nhau trong câu thơ nhưng giữa chúng là cả một khoảng cách xa vời về địa lý lẫn tâm lý. Tình cố hương cùng nỗi sầu chia cách, ly biệt cũng theo đó mà “được phổ mang mang vào giữa cõi đất trời” [4] khiến cõi lòng khách tha phương:
“Vạn lý tha hương, cố quốc tình”
(Vạn dặm tình quê trải dài nơi đất lạ)
Khác với thơ Nguyễn Đề, nhà trạm trong thơ chữ Hán Nguyễn Hán Nguyễn Du xuất hiện một cách tồi tàn, rách nát. Lòng người vốn đã ngao ngán, chán nản trước thời cuộc giờ lại càng thêm bế tắc bên trong không gian có mái che ấy:
“Phế táo tụ hà ma
Thâm đường xuất khâu dẫn”
(Cóc nhái nhóm quanh bếp vắng
Giun từ góc nhà bò ra)
(Bất mị – Nguyễn Du)
Không gian nhà trạm trong thơ hiện ra dưới sự hỗ trợ của cảnh vật xung quanh. Nó vốn trước đây đã nhỏ hẹp, chật chội nay lại càng thêm tồi tàn, ẩm thấp hơn bao giờ hết. Bên dưới mái che rách nát, một phận người lẻ loi lỡ nhịp với đời, “bất mị” giữa canh tàn:
“Bất mị thính hàn canh
Hàn canh bất khẳng tận”
(Không ngủ nằm nghe trống điểm trong đêm lạnh
Trống canh đêm lạnh điểm mãi không thôi)
Trong đêm thâu tĩnh mịch, chỉ có tiếng trống tàn canh là đối tượng duy nhất “thức” cùng con người đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy bước đi của thời gian. Tiếng trống canh bên ngoài gõ nhịp vào đêm thâu càng lúc càng trở nên vô tình: “Hàn canh bất khẳng tận”. Không gian nhà trạm càng về cuối càng trở nên tối tăm. Con người càng lúc càng trở nên bế tắc:
“Triệt dạ la thanh bất tạm đình
Cô đăng tương đối đáo thiên minh”
(Suốt đêm tiếng thanh la đánh không ngớt
Ngồi bên ngọn đèn cô đơn cho đến sáng)
(Mạc phủ tức sự – Nguyễn Du)
“Hoang thảo nhạ lưu huỳnh
Nhàn giai dạ khí thanh
Hàn đăng lưu quỉ ảnh
Hư trướng tụ văn thanh”
(Trong đám cỏ hoang đom đóm lập lòe
Ngoài thềm vắng, ban đêm khí trời mát mẻ
Ngọn đèn leo lét như in bóng ma
Màn thưa muỗi xúm lại kêu)
(Quế Lâm công quán – Nguyễn Du)
Ngoài ra, không gian nhà trạm bao giờ cũng trở thành điểm tựa cho cảm xúc, nơi con người trữ phát và bộc bạch nỗi niềm. Khi đã trở thành điểm tựa để con người bộc bạch nỗi niềm tha hương, không gian ấy trong thơ Nguyễn Du cũng có sự thay đổi về tính chất:
“Môn yểm tà phi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách”
(Cánh cổng xiêu, bên trong chiếc nhà bần bạc
Ở trọ lâu ngày, quên bẵng mình là khách)
(U cư I – Nguyễn Du)
Có thể thấy, không gian nhà trạm ở đây đã có sự chuyển đổi từ tính chất tạm bợ, vô định sang chắc chắn, cố định: “Trú cửu đốn vong thân thị khách”. Con người mang thân là khách trọ sống trong những mái che mục nát: “viện bần” ngày này qua ngày khác. Nhà trạm ở riết cũng thành quen. Khi đã thốt lên được điều đó cũng đồng nghĩa con người bắt đầu ý thức thậm chí ý thức rất rõ về tình trạng bi đát của bản thân ở hiện tại nhưng thử hỏi Nguyễn còn có con đường nào khác hay sao bởi:
“Niên thâm cánh giác lão tùy thân”
(Qua nhiều năm, biết cái già đến với mình)
Còn đối với thơ chữ Hán Nguyễn Hành, không gian nhà trạm là điểm tựa cho cảm xúc vui mừng của con người khi tìm thấy hơi ấm từ tình cảm gia đình, sức sống của tình người:
“Cảm ngôn duy đức khả thành lân
Trú cửu nhân tình diệc tự thân”
(Dám nói, chỉ có đức mới thành hàng xóm
Ở trọ lâu, tình người dưng như người thân)
(Đồng Xuân phường tác II – Nguyễn Hành)
Bên dưới những mái che xa lạ vẫn còn tồn tại một tình người đầm ấm. Mặt khác, không gian nhà trạm trong thơ Nguyễn Hành cũng được thi nhân chuyển đổi tính chất từ không gian xa lạ nơi quê người thành không gian gần gũi chẳng khác gì quê mình:
“Nhiêm đệ lai hà viễn
Dư tâm chân dục cuồng
Tương tư tương hội xứ
Vong khước tại tha hương”
(Em từ nơi xa đến
Lòng ta mừng thật muốn phát cuồng
Nơi ta nhớ nhau là nơi ta gặp nhau
Quên mất là đang ở quê người)
(Hỉ đệ Xương lai tự Tứ Kỳ I – Nguyễn Hành)
Chất xúc tác cho sự chuyển đổi tính chất của không gian nhà trạm để tạo nên cảm giác gần gũi nơi quê người nằm ở tình cảm gia đình được đặt trong mối quan hệ anh – em thân thuộc. Tình thâm ấy có thể xuyên thủng kết giới, phá vỡ những không gian mái che xa lạ nơi quê người: “Tương tư tương hội xứ”. Con người ngay lúc gặp lại người thân như có cảm giác được quay về với mái che gia đình nơi quê nhà: “Vong khước tại tha hương”. Tình cảm gia đình trong trường hợp này chẳng khác gì mũi tên được vót nhọn. Chúng có thể xuyên thủng kết giới, phá vỡ không gian quê người xa lạ khiến con người cảm giác được quay về với mái che gia đình nơi quê nhà. Có thể thấy, tình người giữa đời loạn là chất xúc tác mãnh liệt nhất giúp con người kết nối các mối quan hệ xa lạ, thắt chặt thêm tình thâm máu mủ. Quan trọng hơn cả, nó phá bỏ những khoảng không xa lạ khiến con người trong khoảnh khắc nào đó như quên đi thân phận khách tha hương.
3. Kết luận
Tóm lại, không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền phần lớn đều mang tính chất tạm bợ, không cố định. Con người có lúc còn không thể đoán định hay nhìn thấy trước được nó trong tương lai. Không gian nhà trạm trong trường hợp này phản ánh đời sống bấp bênh, vô định của những phận đời mang thân là khách phiêu bạt. Con người trong thơ cứ đi, cứ bước tới trong vô vọng, mờ mịt. Họ hoàn toàn không biết được đâu là nơi dừng chân sau cùng của đời mình. Mặt khác, không gian nhà trạm trong thơ còn đóng vai trò là điểm tựa của cảm xúc và tâm trạng. Trong không gian ấy, con người có thể bộc bạch nỗi niềm hoài hương, nỗi sầu thất chí hoặc niềm vui sướng khi nhận ra tình người đâu đó vẫn còn tồn tại giữa cơn địa chấn dữ dội của thời đại. Tất cả những điều trên vừa góp phần làm nổi bật nhưng đồng thời cũng phần nào làm giảm bớt hiện thực cô độc, bế tắc mà con người đang phải đối diện.
Chú thích:
[1]. Hình ảnh cửa (cửa ra vào, cửa sổ) trong thơ chữ Hán đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh mái che. Tác giả Lê Thu Yến trong công trình Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du (1999) đã từng nêu lên ý niệm rất phù hợp về hình ảnh cửa trong thơ chữ Hán từ góc độ thi pháp học: “Trong nhà quan trọng nhất là cái cửa. Sự đóng mở của cánh cửa góp phần quyết định sự vui buồn, đầm ấm hạnh phục hay lạnh lẽo cô đơn.” (Lê Thu Yến, 1999, tr.147).
[2]. Bôn tẩu trên đường chỉ biết trọng lệnh vua / Rong ruổi lo chi coi nhẹ thân mình.
[3]. Ngày tháng trôi qua lại thêm một năm.
[4]. Nguyễn Thị Bích Hải, 2006, tr.89.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Quang Trường. (Chủ biên). (2019). Thơ Nguyễn Đề (tuyển). NXB Văn học.
Lê Thu Yến. (1999). Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du. NXB Thanh niên.
Mai Quốc Liên. (Chủ biên). (2001). Nguyễn Du toàn tập, tập 1. NXB Văn học.
Mai Quốc Liên. (Chủ biên). (2015). Thơ Nguyễn Hành (tuyển). NXB Văn học.
Nguyễn Du. (2012). Thơ chữ Hán (Nguyễn Sĩ Lâm hiệu đính, Trương Chính giới thiệu). NXB Văn học & Công ty sách Thời Đại.
Nguyễn Thị Bích Hải. (2006). Thi pháp thơ Đường. NXB Thuận Hóa.
Nguyễn Thị Phượng. (Chủ biên). (1995). Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề. NXB Khoa học Xã hội.
Trần Đình Sử. (2005). Thi pháp văn học trung đại Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Ngọc Thêm. (1999). Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Giáo dục.
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Không gian nhà trạm trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành (Tác giả: Nguyễn Hữu Rạng) |