Kỹ thuật của người An Nam – Phần 2: Giới thiệu Bộ tư liệu

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)

2.1 CHÍNH DANH TÁC GIẢ, TÁC PHẨM & HÌNH THỨC XUẤT  BẢN

     2.1.1 Đây là công trình nghiên cứu mang tên Kĩ thuật của người An Nam của Henri Oger, gồm những tư liệu thu hoạch được tại miền trung du Bắc Bộ Hà Nội trong những năm 19081909.

     2.1.2 Toàn bộ tác phẩm đã được thể hiện dưới hai hình thức:

1. Một bộ sách “Giới thiệu tổng quát về việc nghiên cứu kĩ thuật của người An Nam” (1) – Một tiểu luận về đời sống vật chất, về nghệ thuật và công nghiệp của người An Nam.

     2. Một bộ Album gồm 4.000 bản vẽ khắc gỗ nhan đề Kĩ thuật của người An Nam(2) mà Henri Oger gọi là một “Bách khoa thư về những dụng cụ, đồ nghề của các cử chỉ trong cuộc sống và nghề nghiệp của người Bắc Bộ”.

_______
(1) HENRI OGER – Introduction générale à l’étude de la technique du Peuple Annamite – Essai sur la vie matérielle, les arts et industries du Peuple d’Annam – Geuthner, Librairie Éditeur Jouve Cie Imprimeurs – éditeurs – Paris.

(2) HENRI OGER – Technique du Peuple Annamite – Encyclopédie de tous les instruments, ustensiles, de tous les gestes de la vie et métiers du Peuple Annamite Tonkinois – Journal quotidien de l’Indochine française – 114 Rue Jules Ferry, Hà Nội.

Hình 15:Giới thiệu tổng quát về việc nghiên cứu
Kĩ thuật của người An Nam của H.OGER

2.2 VỀ TẬP SÁCH “GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT VIỆC NGHIÊN CỨU KĨ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM” (h. 15)

     2.2.1 Đây là tập sách do Oger viết bằng tiếng Pháp, ấn hành 200 bản tại Paris. Mỗi bản dày 159 trang (Oger đánh nhầm số trang, thực tế chỉ có 156 trang), có 32 bản vẽ để minh hoạ gồm 79 trang nói về phương pháp làm việc, trình bày, xuất bản, một số ngành nghề bản xứ, sinh hoạt; 30 trang gồm các thư mục tham khảo về kĩ thuật tổng quát và kĩ thuật Trung Quốc, về trò chơi (hình 16) và đồ chơi; 40 trang chú thích nội dung kí hoạ trong từng trang của bộ album và cuối cùng là bảng mục lục chung.

Hình 16: LÀM HÙM BẮT LỢN (trò chơi bắt lợn).
Bọn trẻ đứng thành vòng, bên trong một em làm lợn (heo) bên ngoài em khác làm hùm (cọp)

     2.2.2 Trong phần giới thiệu về các ngành nghề – một phần nội dung chính của sách – Henri Oger đã mô tả một số nghề như sơn mài, thêu, khảm trai, chạm gỗ, làm giấy và các nghề mà Oger gọi là bắt nguồn từ giấy như: làm lọng, quạt, vẽ tô màu, in sách. Tiếp theo đó, H.Oger nói về một số: “ngành công nghiệp bản xứ” như: làm nhà cửa, vận tải, dệt vải (hình 17), quần áo, nhuộm, công nghiệp thực phẩm, chế biến gạo thành thức ăn, làm bột gạo, đánh bắt cá và kể cả sản xuất thuốc hút…

Hình 17: DỆT VẢI

     2.2.3 Nói về ngành nghề bản xứ, H.Oger đã để tâm theo dõi về mặt kĩ thuật, ghi chép từng động tác, từng cử chỉ, từng loại đồ nghề, nhận xét chất liệu, chất lượng, đề tài, điều kiện làm việc, sự tiêu thụ sản phẩm, so sánh mặt bằng với Nhật Bản, Trung Quốc…Tóm lại, Oger đã khái quát được cuộc sống của nhiều nghề thủ công thời ấy theo cái nhìn riêng, không tránh khỏi chủ quan và đi đến nhận định chung không ngoài mục đích phục vụ cho đường lối cai trị của Pháp. Chúng ta thử đọc qua một vài đoạn mô tả như sau:

      a. “Nhiều nhà quan sát đã sống ở nước An Nam thường viết trong các bản tường trình về các cuộc du hành của họ rằng: nền công nghệ hầu như vắng bóng và vô nghĩa ở nước An Nam. Và khẳng định rằng: ta (tức là nước Pháp) không nên coi thường phần đóng góp của người thợ thủ công bản xứ vào phong trào kinh tế mà chúng ta muốn truyền vào nước này”.

     b. Oger có nhận xét: “người nông dân Việt Nam, không phải vất vả quanh năm suốt tháng mà luôn có những ngày nhàn rỗi dài. Chính lúc này, người nông dân sẽ trở thành những người làm việc thành phường thợ (hình 18) và những sản phẩm làm ra sẽ là phần bổ sung về tiền tài mà việc trồng lúa không thể mang lại cho họ, nhất là loại lúa Đông Dương”.

Hình 18: PHƯỜNG SƠN MÀI

     c. Thế nào là một phường thợ? Theo Henri Oger: “Đó là hai vấn đề chính: những người thợ làm việc tại nhà họ cho một ông chủ, và ông chủ ấy đi thu gom, các sản phẩm mà họ làm ra”.

     d. Trong một đoạn khác H.Oger đã viết:

“Việt Nam là một nước sản xuất nhiều sơn, nhất là sơn Bắc kỳ lại rẻ mạt. Do đó các đồ dùng thường ngày của Việt Nam đều được sơn phủ, mặt khác cũng là để chống lại thời tiết khắc nghiệt mà các đồ gỗ dễ bị phá hoại nhanh chóng (hình 19). Sơn không chỉ cung cấp đủ dùng trong nước mà còn sản xuất thêm nhiều để các nhà buôn bán lớn ở Quảng Đông nhập khẩu vào nước họ”.

Hình 19: ĐỒ SƠN MÀI

     e. Nhận xét về sản phẩm sơn mài Việt Nam lúc ấy, Oger có cho rằng: “Kĩ thuật sơn mài của Việt Nam làm không tinh vi khéo léo bằng kĩ thuật của người Nhật Bản. Việt Nam chỉ trải một lớp sơn bóng có phẩm chất đặc biệt lên trên đồ vật bằng tre hay bằng gỗ đã được chà thật nhẵn và trám chỗ hỏng bằng thứ đất sét mịn để bán cho khách hàng nghèo. Do đó, món hàng phết lớp sơn ấy đã bị phồng và rít tay”.

     f. Khi nói đến đề tài trang trí, Oger nghĩ rằng những người thợ sơn mài chỉ mượn ở những “biểu tượng Hán Việt” cũng như người thợ thêu, “tại nhà anh ta có cả một lô đề tài từ Trung Hoa đưa vào mà thường khi anh ta phối hợp một cách vụng về”. Cuối cùng, Oger cho rằng người thợ Việt Nam không chịu khó tìm đề tài trang trí mới “Từ cha ông đến con cháu, người ta chỉ truyền cho nhau các lô đề tài mà từ xưa đã được một người thợ vẽ nào đó thực hiện theo mẫu hàng”.

     Trong một đoạn khác, chúng ta thấy Oger chú ý đến các loại công cụ và thao tác….

     g. “Cái khung thêu, một loại đồ nghề dân gian, đó là cái khung hình chữ nhật làm bằng tre (hình 20). Chiếc khung này được đặt trên hai chiếc ghế ngựa, bằng sức nặng của nó, tấm lụa sẽ được đặt vào trong lòng cái khung này. Người ta căng nó thật chặt bằng những sợi dây nhỏ được quấn vào sườn tre, còn hình mẫu thêu đã được vẽ sẵn trên một mảnh giấy An Nam, một loại giấy rất nhẹ và mịn. Nó được đặt trên một cái giá nằm ngang bằng tre. Ở trên nữa người ta lại đặt một tờ giấy bản Tàu trong suốt, có khi trải trên tấm lụa. Nhờ một cây bút lông, người thợ đồ lại đúng y nguyên mẫu, trong phần tìm hiểu về người thợ làm tranh dân gian An Nam ta (tức phía Pháp) sẽ thấy lại phương thức tài tình đó. Nó cho phép sao lại đến vô tận”.

Hình 20: CÁI KHUNG THÊU

     h. “Công việc người thợ thêu (hình 21) đòi hỏi nhiều chịu khó và khéo tay hơn là trí thông minh. Vì thế người ta thường thuê đàn ông hay đàn bà còn trẻ, nhiều khi chỉ thuê trẻ con. Công việc phải làm là tạo lại nét vẽ bằng những sợi chỉ nhiều màu khác nhau. Người thợ ngồi trước khung, hai chân bỏ duỗi phía dưới. Anh cầm mũi kim theo chiều đứng trên tấm lụa rồi kéo mạnh sợi chỉ, để không chỗ nào bị chùng.

Hình 21: THỢ THÊU

     Đó là cách để tấm thêu được bền bỉ, bên cạnh anh có cây đèn vì phải làm việc suốt đêm để đáp ứng nhiều mối hàng. Cây đèn này (hình 22) chỉ gồm một cái lọ mực hai xu đổ đầy dầu, trong đó đặt một cái tim đèn. Người thợ An Nam làm việc dưới ánh đèn chập chờn, đầy khói và hôi hám đó. Cho nên dễ hiểu vì sao nghề này, người ta thấy rất ít những người thợ già – lớp người thường được thuê mướn trong các ngành nghề khác của người An Nam”.

Hình 22: NGỌN ĐÈN LỌ MỰC

 2.3 VỀ BỘ  ALBUM “KĨ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM” (h.23)

     2.3.1 Thống kê số bản vẽ và nơi lưu trữ

     a. Đây là một bộ kí hoạ mà chúng tôi đã thống kê được 4.577 bản (1) gồm 2.529 bức có con người, có cảnh vật, trong số này có 1.049 bức có mặt người phụ nữ; 2.048 bức vẽ lại các đồ dùng dụng cụ sản xuất.

     b. Bộ lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội gồm 7 quyển được đóng khung đều đặn mang kí hiệu HG18 – Nguyên trước mang kí hiệu G5 của Thư viện HàNội (Bibliothèque Hà Nội) – Nơi đây đã chụp vi phim vào tháng 4.1979, kí hiệu SN/805 dài 40,70m.

     Một bộ lưu trữ tại Thư viện Khoahọc Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh – nguyên thuộc Thư viện Phủ Thống sứ Nam Kỳ – kí hiệu 10511 – được chụp vi ảnh lần thứ hai năm 1975 và được đóng lại thành hai quyển.

     Nguyên trước đây bộ này gồm 10 quyển và được Viện Khảo cổ đưa chụp vi ảnh: số 92/VAPNHY, ngày 24.5.1962 (2) tại hãng phim Alpha Saigon. Tuy nhiên vi ảnh đã chụp thiếu trang 94, trùng trang 95 (do lỗi kĩ thuật).

Hình 23: KĨ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM của H.OGER

     c. Riêng quyển lẻ chỉ được đóng thành 120 trang đầu (không đủ bộ) có kí hiệu sách HE 18a, kí hiệu vi phạm SN/495 dài 5,5m và mang dấu của Thư Viện Trung ương Đông Dương (Bibliothèque centrale de l’Indochine) số 17924.

     – Đây là quyển lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội. Đáng chú ý là trên trang đầu nơi góc phải có những dòng chữ của Henri Oger  đề tặng cho Toàn quyền Sarraut:

“Kính tặng ông Toàn quyền Sarraut món quà kính cẩn mà ngài đã chứng tỏ đối với những công trình nghiên cứu của tôi (3) Vinh, ngày…tháng 3/1912.Henri Oger”.

d. Chúng tôi chưa có dịp tìm hiểu thêm nhiều nơi khác, nhất là tại Paris, song nơi đây, Pierre Huard (4) đã xác nhận với lời lẽ như sau:

“Tác phẩm được in tại Việt Nam đã không theo một thủ tục lưu chiểu nào nên không có một bản nào được nộp tại Thư viện Quốc gia Paris cả. Chuyện không thể tưởng tượng được là tôi (Pierre Huard) không thể tìm đâu ra một bản nào trong các thư viện của Paris. Song nhờ sự thông cảm của nhà cầm quyền Việt Nam (Saigon trước đây) mà tôi được bản sao chụp lại từ bản gốc kí hiệu 10511 của Thư viện Phủ Thống Sứ Nam Kỳ:

Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp sở dĩ có được là nhờ ở Sở Nhiếp ảnh – Bộ phận Tư liệu Trung ương thuộc Trung tâm Quốc gia Khảo Cứu Khoa Học (C.N.R.S)”

     Tác phẩm này được khắc gỗ từng bản vẽ nhỏ và in trên giấy dó khổ lớn (65×42), dày 700 trang sắp xếp không hệ thống, không thứ tự, mỗi trang có khoảng 6 bản vẽ, có bản sẽ được đánh số La Mã, kèm bên con số chữ Hán tương đương nhưng không hệ thống. Số lượng ấn hành rất hạn chế: 15 bộ và một cuốn lẻ không đủ bộ. Mỗi bộ được đóng thành 7,8 hay 10 quyển. Hiện nay chỉ mới thấy có 2 bộ và 1 cuốn lẻ Việt Nam (5).

__________
(1) Chúng tôi có loại trừ số bản trùng và số bản vẽ những dụng cụ quá nhỏ và đơn sơ không nhận rõ hình dạng.

(2) a. Được biết cụ Phan Huy Thuý – Một nhà nghiên cứu văn hoá – nguyên viên chức Viện Khảo cổ Saigon đã chú ý bộ kí hoạ. Cụ đã gửi vi ảnh sang Mĩ (khoảng năm 1972) để nhân ảnh. Nhưng do giá thành quá cao nên ý đồ phổ biến đến các trường dạy nghề, trường Mĩ thuật đã không thành. Chỉ có Viện Đại học Vạn Hạnh đã sử dụng vi ảnh nói trên rửa ra trên giấy ảnh lớn, nhỏ để gửi đến các nhà chuyên môn trong ngoài nước, ông Nguyễn Đôn cũng đã sớm tiếp xúc với vi ảnh này.

     b. Tại Paris  các nhà nghiên cứu nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Trần Huân, ông Pierre Huard có lẽ cũng đã có trong tay vi ảnh như đã giới thiệu.

(3) “A Monsieur le Gouverneur général Sarraut en hommage respectueux pour le bienveillant intérêt qu’il veut bien apporter à mes études. Vinh le…… Mars 1912 Henri Oger.

(4) Pierre Huard : là một nhà Đông Phương học, từng viết chung với Maurice Durand tác phẩm nổi tiếng “Hiểu biết về Việt Nam” (Connaissance du V.N) xuất bản năm 1954 tại Hà Nội. Pierre Huard  – Le pionnier de la technologie vietnamienne – Henri Oger  – B.E.F.E.O –T.L VII 1970, page 215, 217.

 (5) Chúng tôi đã tiếp xúc với hai bộ này tại hai thư viện lớn: Thư viện Quốc gia Hà Nội (vào năm 1985) và Thư viện Quốc gia Saigon (vào năm 1962). Bộ sau này hiện còn lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (chúng tôi đã tiếp xúc lại vào năm 1984).

     2.3.2 Phân loại các mảng đề tài (theo H. Oger)

     a. Trong bộ Album này, Henri Oger đã phân thành bốn mảng đề tài lớn: ba mảng đầu là ba nền công nghiệp (đời sống vật chất), một mảng cuối là đời sống riêng tư và công cộng (đời sống tinh thần).

     1. Nền công nghiệp lấy nguyên liệu từ trong thiên nhiên.

2. Nền công nghiệp chế luyện các vật liệu lấy từ thiên nhiên.

3. Nền công nghiệp đưa vào sử dụng các vật liệu đã chế luyện.

4. Đời sống riêng và chung.

     b. Đối với nền công nghiệp lấy nguyên liệu từ trong thiên nhiên. Oger tập trung được 26 bản vẽ (1) và tiếp tục phân loại thành 5 mảng nhỏ, trong đó nghề nông có số lượng kí hoạ cao nhất rồi đến vận chuyển, hái lượm, săn bắn (hình 24) đánh bắt cá.

Hình 24: BẮT ẾCH (Bằng vợt)

_________
(1) Những con số này do chúng tôi thống kê.

 Còn tiếp: