LỊCH SỬ BÁO XUÂN NAM KỲ
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)
Một số nhà làm báo kỳ cựu của thời kỳ 30-40 đã mạnh dạn cho rằng chính ông Diệp Văn Kỳ là người có sáng kiến làm báo xuân đầu tiên sau khi ông gia nhập vào làng báo – Tờ Đông Pháp thời báo của ông hội đồng Nguyễn Kim Đính năm 1927 (*).
Tuy là của Nguyễn Kim Đính – song chủ bút của nó là Trần Huy Liệu – Tờ Đông Pháp thời báo là tờ báo duy nhất bám sát phong trào quốc gia – Vào thời điểm ấy đang nổi lên sôi động – nên đã được đông đảo quần chúng chú ý đón đọc. Do đó, ngay vào cuối năm 1927, tờ báo xuân ít trang với khổ báo bình thường ra đời với hai màu đen đỏ đã bán hết ngay.
Nội dung bài báo có gì mà khiến độc giả hoan nghênh. Phải chăng là nhờ sự xuất hiện tên tuổi của các nhà chính trị Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu hay Bùi Quang Chiêu?! Ngược lại – chính là nhờ sự xuất hiện của nhà thơ “lạ đời” Nguyễn Khắc Hiếu với bài “Chơi xuân”. Đọc bài“Chơi xuân” với lối văn mộc mạc của thời 30 – 40 tưởng rằng nhà thơ cho ta cái cảm khoái của một bợm nhậu như ông khi nốc cạn chén rượu mà ngược lại ông sơ kết những lối “Chơi xuân” trải dài qua các thời kỳ lịch sử từ Tàu sang Ta. Với ý nghĩa nhân văn, chính trị, quân sự… nhằm khêu gợi tình yêu nước.
Vào thời ấy, tuy vừa thoát khỏi sự ràng buộc của văn chương Hán nôm, anh chàng tập tễnh theo lối sống tây, học tiếng tây cũng không đứt được cái đuôi “biền ngẫu”.
Tiếp sau đó, báo xuân Thần Chung ra đời năm 1929 – Chỉ tiếc rằng Thần Chung vắn số nên kể từ khi ra đời ngày 7-1-1929 đã phải chết yểu ngày 25 tháng 3 năm 1930.
Thần Chung có một cặp vế đối thời ấy được độc giả mến chuộng:
“Vang động tiếng chuông mai, mừng chúc anh em ba bữa tết.
Ngổn ngang tình nước cũ, trông mong vận hội lắm ngày xuân.”
Vào những năm 30, báo chí bằng chữ “Quốc ngữ” không nhiều, tuy rằng giới công chúng văn học đã làm quen với loại chữ La tinh. Trong số cái không nhiều ấy thì báo Thần Chung nổi bật nhất.
H.176 BÁO THẦN CHUNG
Số Xuân Ất Mão – 1975
__________
(*) Theo ĐÀO HƯNG – Báo xuân Tết – Tạp chí Đọc thấy vòng quanh thế giới – xuân Nhâm Thìn – năm 1952 – được in tại nhà in Võ Văn Vân – Sàigòn.
Cùng trong nhóm làm báo xuân, báo Công Luận lại có chủ trương đáng chú ý là cứ mỗi số xuân sẽ do một nhóm biên tập riêng – như số ra đời năm 1931 thì do Nguyễn Văn Bá và Phú Đức. Sau đó là do Võ Khắc Thiệu, rồi do Diệp Văn Kỳ, Trần Thiệu Quý.
Mặc dù nhóm Kỳ, Bá được độc giả ưa thích khi còn ở Thần Chung – song đến khi sang Công Luận thì lòng mến mộ đã mất dần đi.
Tương tự như trường hợp Trần Thiệu Quý – khi đứng ra chủ trương Trung Lập thì độc giả hoan nghênh, đến khi bước qua Công Luận thì ít nhiều uy tín có giảm sút.
Báo xuân – đứa con ra đời vào ngày Xuân ấy – tuy được trau chuốt, đánh bóng song số phận của nó cũng phải chịu chung số phận của đất nước qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trước hết là giai đoạn khủng hoảng kinh tế – số xuân ra đời ngày 14-2-1931 đã ta thán cảnh khổ của dân chúng Nam kỳ qua bài viết “Tết năm ngoái với Tết năm nay” của Nguyễn Văn Bá – một người được làm chủ bút. Ta hãy đọc lại một đoạn văn đầy bi quan của ông để có thể so sánh với đoạn văn yêu đời của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu đã viết ở bài “Chơi xuân”.
“… Khi chúng ta ở trong cái Tết năm ngoái, ai ai đều biết chắc rằng sẽ có cái Tết năm nay, nhưng có ngờ đâu có cáí Tết như năm nay? Mà cái tết năm nay nội năm ngoái không có mà thôi, e chừng lâu nay xứ Nam kỳ cũng chưa hề có.”
“Cái tết buồn làm sao!”
“Cái Tết năm Tân Vị này buồn làm sao!”
… “Đừng kể chi xa, kể từ năm Tân Vị (1871) trước đây đến giờ dân Nam kỳ sau khi tất cả thuộc về nước Pháp, thảy đều làm ăn vui vẻ, đến cái Tết nào bà con ta cũng cất chén rượu mà mừng rỡ với xuân, cho đến năm ngoái đây (1930) dầu khí tưởng không được rực rỡ, quang cảnh không được nhộn nhịp như mấy năm trước, song mười phần cũng còn tỏ ra cái vẻ Tết được bảy tám. Bất kỳ ai sanh trưởng trên đất này cũng đều nhìn nhận như thế. Thế mà Tết năm Tân Vị đổi hẳn, ta có thể nói rằng năm ngoái mười, năm nay không được một. Một cửa hàng bán đồ tơ lụa ở đường Catina, năm ngoái vào dịp Tết cũng còn bán được mỗi ngày bốn năm trăm đồng, năm nay chỉ bán được mỗi ngày ba bốn chục. Ai ai cũng đều than lỗ lã…”
“… Lại còn một nguyên do nữa riêng về xứ đây là sự lộn xộn từ năm ngoái mà ra.”
Nhưng không phải tất cả báo xuân đều rơi vào tình trạng “thiểu não chán chường” mà có báo đứng ở vị trí nhìn xa hơn để báo hiệu một tương lai tốt đẹp. Chúng ta thử đọc lại một trang báo xuân Trung Lập của Trần Thiếu Quý xuất bản 21-1-1933. Mượn tục ngữ Pháp để nói lên sự biến đổi của thịnh suy, may rủi – như một thứ triết lý muôn thuở.
“…Tục ngữ Pháp có câu: cái hoạ bao giờ cũng có cái hay”. Ở đây cái hay tuy nhiên có hơi chậm một chút, nhưng thật sự thì ai cũng phải nhìn nhận là có.
“Không có làm sao chầu rày Annam ta lại biết nấu xà bong, dệt vớ, đẽo guốc, đóng giày làm không biết bao nghề mà khi trước vẫn để dành cho các chú. Không có làm sao mà chầu rày Annam ta biết mở tiệm cơm, tiệm cháo, tiệm cà phê cho đến có nhiều gánh hủ tiếu, gánh mì đã về tay người mình chuyên bán.”
Vài năm sau đó, báo chí được một mẻ luới “tự do” nên khá phát triển – nhất là vào khoảng năm 1938 –1939. Tuy nhiên khi chiến tranh bùng nổ, nhiều tờ báo bị đóng cửa kéo theo nhiều ký giả bị bắt, bị tù đày. Làng báo rơi vào cảnh bi đát. Lúc ấy người ta chỉ còn nhận diện được Điện tín, Sàigòn, Truyền tin, Dân báo.
Riêng với Dân báo – Bùi Thế Mỹ đã cho ra 3 số xuân liên tục 1940 –1941 – 1942 – Bên cạnh đó, tuần báo của Đặng Ngọc Anh và Mai Văn Ninh cho ra 3 số vào những năm kế tiếp 1943 – 1944 – 1945.
Nếu “giọng điệu” ê chề từng bộc lộ ở thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì khi bước vào chiến tranh chất giọng này vẫn còn phục vụ đông đảo quần chúng mang nặng tâm lý u uất. Ta hãy đọc lại bài báo Điện tín năm 1945.
“… Người có núp hầm, mới biết lòng đất còn sâu thăm thẳm; ai có ra khơi, mới hay mặt biển còn rộng thênh thang. Xứ ta trong khoảng 6 năm nay, thật như cảnh thuyền ra khơi, mà trong đất liền còn có chút hầm để núp.
Cái dở của người đời tưởng thiên hạ có phước hơn mình, mà không tự biết rằng hàng ngày ta được hưởng phước hơn thiên hạ. Dù có nhỏ nhen chăng nữa, cái phước ấy nên vui, vì tự tay ta đào tạo ra, cũng như cái hầm kia tuy có chật hẹp bốn bề, song sức gió ép dữ tợn lại đi qua, với những mảnh bom chơm chởm bén.
Nhưng biết hưởng, có năm bảy đường mà đường thụ động với đường tác động là hai, tưởng ta nên nghĩ kỹ lúc Xuân về.”
Nhiều nhà báo thời ấy đã đánh giá sự sa sút về nội dung của báo xuân trong suốt 5 năm chinh chiến ấy.
Đấy là tình trạng tại Nam Kỳ mà Hồ Biểu Chánh là một trong số chứng nhân lịch sử.
Nhìn ra Hà Nội – Cái nôi của cả nước – đã thông qua Tri Tân, Thanh Nghị,Trung Bắc chủ nhật đã để lại cho ta ngày nay một kho báu tư liệu khá phong phú trong làng văn bút. Thành thật mà nói, những số xuân của Trung Bắc chủ nhật và của Phong Hoá rồi Ngày Nay đã chiếm lĩnh tâm hồn độc giả Nam Kỳ.
Riêng đối với Phong Hoá, Ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng khá độc đáo trong nền văn học và báo chí cận hiện đại. Những nhân vật sáng tạo như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh … là một hiện tượng đáng chú ý về loại hình báo chí trong giai đoạn sơ khai này. Nhất là những nhân vật Lý Toét, Xã Xệ … đã xuất hiện lại trên tạp chí viết bằng tiếng Pháp. Những người làm báo xuân cho các tạp chí nói chung đã dùng những bức hý hoạ về hai nhân vật tưởng tượng nói trên mà họ xem là – những nhân vật bình dân – điển hình của Việt nam – Chúng ta sẽ có dịp giới thiệu trong số đặc san xuân này.
H.180 BÁO PHONG HOÁ
Số Xuân Năm Giáp Tuất – 1934
Sau khi Pháp trở lại Sàigòn lần 2, Tương lai và Phục Hưng đã hăm hở ăn Tết sớm nhất. Đặc biệt loại báo này có sáng kiến in danh thiếp để chúc mừng năm mới bằng số cuối năm Bính Tuất (năm 1946). Lúc này, đất nước đã đi vào kháng chiến chống Pháp, nhưng Phục Hưng vẫn mong ước hoà bình:
“Xuân Bính Tuất (1946) Phục Hưng kính chúc độc giả quốc dân được tận hưởng: Hòa Bình – Tự Do – Hạnh Phúc”.
Ngay trong phương pháp sưu tầm cũng không phải là việc làm đơn giản – mặc dù trong tay chúng ta có thể đã sẵn có thêm nhiều tập báo để điểm danh như Đông Thanh Xuân năm 1935 của Bác sĩ Trần Như Lân và nhiều tập báo khác: Nay Xuân, Tân Tiến Xuân, Đàn Bà Mới của Băng Dương, Sài Thành Hoạ báo, Tân Thời, Tự Do, Đồng Nai, Đông Dương, Nữ Giới, Khoa Học, Sống – Chớp Bóng, Văn học tuần san, Niết Bàn… Đặc biệt trong số đó cần kể tên số xuân tên là Mai của Đào Trinh Nhất, Tân Văn của Phan Văn Thiết, Nhựt Báo và Dân Mới của hai ông Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Văn Mai. Lại còn phải nhận diện điều mà làng báo bảo nhau là nhóm đệ tam có tờ Đại Chúng, nhóm đệ tứ có tờ Tranh Đấu điều mang tính cách đặc sắc riêng.
Tuy nhiên ở đây nhìn về bề nổi của nó, nhận thấy ở buổi ban đầu báo xuân ra đời rất ít trang so với báo thường – phải chăng bài vở phải tập trung cho xuân nên đã được chọn lọc kỹ hơn. Tờ Trung Lập (1933) chỉ có 10 trang với khổ báo thường với giá bán 15 xu chỉ riêng Xuân Phụ nữ tân văn khá dày với 38 trang – đặc biệt 4 trang bìa in màu cũng khá đẹp, song với giá bán cũng chỉ với 20 xu. Vào thời điểm Thần Chung bị đóng cửa, độc giả đã đi theo Phụ nữ tân văn. Báo xuân Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Phan Long và Nguyễn Văn Sâm cũng khá nổi bật trong số đặc biệt năm 1935 với 20 trang, in đẹp và giá bán là 20 xu. Rồi năm 1936, số xuân Việt Nam của Nguyễn Phan Long với 24 trang và giá bán còn thấp hơn 20 xu.
H.186 BÁO VIỆT NAM GIÁO KHOA
Số Xuân Năm Giáp Ngọ – 1954
Báo cuối năm của Phục hưng năm (1946) có kích thước chỉ bằng nửa tờ báo ngày, gấp đôi với giá bán một đồng.
Việc báo xuân bán chạy có khi không chỉ nhờ ở cái hình bìa – như báo Ánh Sáng của ông Lữ Khê, hay ở số trang của Thần Chung, của Nam Đình mà có khi lại còn nhờ cuộc xổ số để “tiếp thị” như trường hợp Sài Gòn Mới của Bà Bút Trà. Đặc biệt báo xuân Đọc Thấy của Trần Văn Ân vừa nhờ “ba tập bán nhập một” với giá bán vừa túi tiền lại vừa treo giải thưởng. Riêng với báo xuân Dân Quý của Ông Phan Khắc Sửu – một nhân vật chính trị ở Miền Nam – và Nguyễn Văn Mai nhờ ở cách trình bày mỹ thuật và nội dung đáng đọc.
Ngoài ra, làng báo cũng không thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh để ra báo sớm. Nhờ đó mà Thần Chung của Nam Định đã nhanh chóng đến tay bạn đọc trước các báo khác.
Điểm lại đời sống của báo xuân, chúng ta có thể xếp loại sống lâu cho hai tờ báo quen thuộc là Sài Gòn và Điện Tín. Vì cùng sống lâu với nhau nên cũng tranh nhau ráo riết không chỉ ở số xuân mà còn cả ở số thường. Từ khi ông Bút Trà ra làm chủ báo thì năm nào ông cũng làm đẹp mặt bằng số xuân. Đầu tiên là tờ báo Sài Thành ông cho ra số xuân 1933. Năm tiếp theo là Sài Gòn xuân kéo dài cho đến năm 1945. Trong lúc Sài Gòn ra hàng ngày thì địch thủ của nó là Điện Tín đã được Nguyễn Trung Cang cho ra số xuân đầu tiên vào năm 1935.
Với báo chí Sài gòn thời ấy không đánh giá cao về chất lượng báo mà chỉ đánh giá ở thế lực riêng của 2 tờ báo này trong sự tồn tại của nhiều năm mà các báo khác không có được. Khi chiến tranh bùng nổ (1939) – trong khi nhiều báo bị đóng cửa, làng báo xơ vơ xác vác thì Sài Gòn và Điện Tín vững như bàn thạch.
Rồi cho đến năm 1937 – do tranh nhau ra sớm mà Lê Trung Cang đã phát hành loại báo xuân “Song Thai”. Nói là “Song Thai” vì cả hai số báo xuân chỉ ra đời cách nhau có mấy ngày. Giới làng báo Sài Gòn hồi ấy bảo nhau là: “Chỉ có mình anh Năm dám chơi Bà Bút Trà như thế”. Do đó, mỗi khi anh Năm gặp gỡ anh em ở tiệm rượu là anh Năm hồ hởi tuyên bố “Anh Năm mà em ! Chơi cho Sài Gòn nó hết thấu cấy! Anh Năm mà!”.
Loại ngôn ngữ sinh hoạt trên đường phố nói trên không xa lạ với tính cách “anh hùng lương sơn bạc” ở vùng đất Nam kỳ này.
Càng điểm lại làng báo xuân Sài Gòn càng cảm được sự thấm thía về lối chơi “hơn người” như đã thấy.
Từ sau ngày mở cửa, đại học Việt Nam đã bước đầu phát triển hai ngành học khá đặc biệt. Đó là ngành luật và báo chí.
Nói như thế không có nghĩa là lịch sử đã phủ định vai trò đóng góp nhất định của hai ngành này từ thời Pháp thuộc và nhất là thời chế độ cũ tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Vừa qua, một luận án tiến sĩ được bảo vệ về chuyên đề báo chí thời kỳ 54-62 (tức thời chế độ Ngô Đình Diệm) thuộc chuyên ngành lịch sử Việt Nam cận hiện đại.
Luận án đã cho ta một bản sơ kết tình hình hoạt động báo chí trong giai đoạn này. Song nhìn chung bản luận án có lúc, có nơi lại tiếp cận phương pháp chính trị học hơn là sử học mà chính trị học là điều Đại học đang suy nghĩ về nó – về đối tượng nghiên cứu và về phương pháp tiếp cận trong hoàn cảnh hiện nay.
Nhân dịp Tết năm nay, tác giả của bài viết thô sơ này chỉ nhằm trò chuyện với độc giả yêu thích báo xuân hơn là nhằm mục đích khảo cứu đi sâu. Xin nhường lại vùng đất còn hoang hóa này cho độc giả đã từng quan tâm đến nó – nhất là giới sinh viên của ngành báo chí học.
Hình ảnh: Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com) sưu tầm & thiết lập tone màu ảnh.