Một số ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN của VĂN HOÁ LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN ở vùng ĐỒNG BẰNG CHÂU THỔ BẮC BỘ
BÙI THANH XUÂN
(ThS, Đại học Thủ Dầu Một)
1.
Làng, một cộng đồng cư dân của người Việt trên vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả… đã có lịch sử mấy thiên niên kỉ. Quá trình phát triển liên tục vừa cải tạo tự nhiên, vừa chống ngoại xâm và đô hộ của nước ngoài… và đã có lúc nước bị mất nhưng làng không mất. Làng vẫn được giữ vững, phục hồi, tái lập trên khắp đồng bằng châu thổ sông Hồng, rồi tái sinh phát triển trên dải đất miền trung và đồng bằng sông Cửu Long, cái gì đã làm cho làng có sức mạnh bền vững và dẻo dai như thế. Chính là văn hoá làng và cơ sở vật thể và phi vật thể của văn hoá làng là cái đình, luỹ tre, cây đa, ao làng, cổng làng,…
2.
Cây đa, từ bao đời nay, mỗi người dân Việt ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung đều coi mái đình, cây đa như một biểu tượng của làng quê truyền thống. Cây đa tượng trưng cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai. Không phải ngẫu nhiên mà những bậc cao niên, những người đã có nhiều thành tựu ở một lĩnh vực nào đó thường được đồng nghiệp và xã hội coi là “cây đa, cây đề”, biểu tượng cho sức làm việc quên mình, dẻo dai, cho sự tích luỹ kiến thức phong phú.
Cũng với ý nghĩa trường tồn ấy, cây đa xuất hiện trong ca dao như một nhân chứng của thời gian, chứng kiến những sự đổi thay của con người, của đất trời, đôi khi là cả một vòng đời người.
“Trǎm nǎm dầu lỗi hẹn hò Cây
đa bến cũ con đò khác đưa. Cây
đa cũ, bến đò xưa
Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ.”
Gốc đa cũng là nơi dân làng ngồi nghỉ chân sau một ngày làm việc vất vả trước khi về nhà, người ta thường tụ tập nhau bên gốc đa. Họ uống chè vối, hút thuốc lào rồi kể chuyện với nhau, bàn bạc và bình luận về cuộc sống. Gốc đa là nơi trẻ nhỏ nô đùa, thoả thích nhặt búp, hái lá, chơi những trò chơi dân gian. Gốc đa cũng là nơi chàng và nàng gặp gỡ hẹn hò, thề thốt với nhau. Bên gốc cây đa, họ bảo: “Có cây đa biết mối tình đôi ta”. Cây đa tha thiết và thiêng liêng: “Trăm năm, đành lỡ hẹn hò… Cây đa bến cũ, con đò năm xưa”? Cây đa cũng là nhân vật, là thành viên của xóm làng: “Giếng nước, cây đa tiễn chàng trai ra trận”!
Cây đa chứng kiến những thăng trầm của các lớp người. Không chỉ có vậy, cây đa làng Việt còn là biểu tượng tâm linh của con người.Trong tín ngưỡng dân gian, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa thường có một cái miếu nhỏ đặt bát hương, những chiếc bình vôi để hương khói cho thần cây đa: “Thần cây đa, ma cây gạo”.
Cây đa là hình ảnh cao đẹp, là cả một bức tranh hoành tráng gắn bó với mái đình, chùa, miếu, giếng thơi, v.v. dựng nên cả một thế giới tinh thần bền vững cho mọi người từ khi còn trẻ thơ cho đến lúc về già.
Cây đa tượng trưng cho vẻ đẹp quê hương. Nó góp thêm màu sắc, âm thanh cho làng quê êm đềm. Nó vẫy gọi những đàn chim nhiều màu đến hội tụ, làm tổ rỉa quả đa chín. Và thỉnh thoảng vào những buổi đẹp trời từ những cành đa nhằng nhịt, tung ra những trận mưa chim.
Ngày xưa, ở trên thân cây đa thường có những tờ cáo thị, yết thị. Thời kì cách mạng xuất hiện những tờ hiệu triệu đồng bào sản xuất, chiến đấu, đoàn kết. Cây đa Tân Trào là hình ảnh quê hương cách mạng mùa thu không bao giờ phai mờ trong tâm trí người Việt Nam qua câu thơ “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”.
Như vậy, cây đa luôn là biểu tượng đẹp với hầu hết các ý nghĩa chuẩn mực của biểu tượng: vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn, huyền bí, vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh. Phải chǎng chính sự kết hợp này đã tạo nên biểu tượng cây đa có sức sống bền lâu trong vǎn học dân gian, vǎn thơ bác học và trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Cây đa là một vẻ đẹp, là biểu tượng, là hình ảnh sinh động của làng quê Việt Nam. Nó góp phần làm cho văn hoá làng xã thêm đậm đà, lấp lánh.
Ao làng, một trong nhữnh hình ảnh gần gũi, thân thương và ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân ở làng quê từ thời thơ ấu cho tới lúc về già là hình ảnh những cái ao làng. Từ xưa, ở vùng làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ có câu “còn ao rau muống, còn đầy chum tương” nói lên một cuộc sống thanh đạm mà ung dung trong cảnh thanh bần.
Ao cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động náo nhiệt, ồn ào như vào những ngày giáp tết Nguyên đán người ta tát cạn ao và chia từng phần cá cho nhau, có những người vớt từ dưới ao lên những cây gỗ ngâm từ trong bùn lên để chuẩn bị sửa nhà hoặc làm nhà. Nhiều người chung nhau một con lợn và mổ ngay bên bờ ao, chia thịt, luộc lòng, người ta rửa lá dong để gói bánh chưng,… thật nhộn nhịp.
Ao cũng là nơi dân làng rửa, giặt giũ, gặp gỡ giao lưu, tán gẫu và hỏi thăm thông tin giữa các thành viên trong làng. Ngoài ra, ao cũng là nơi hẹn hò, gặp gỡ của các chàng trai và cô gái trong làng.vào những buổi chiều tối và những đêm trăng hoặc những buổi sáng sớm và ao còn gắn liền với nhiều kỉ niệm thời ấu thơ khó quên của mọi người như: “Nhớ những ngày trốn học, Đuổi bướm cầu ao… Mẹ bắt được, Chưa đánh roi nào đã khóc!” (Quê hương, Giang Nam).
Cổng làng, chiếc cổng bằng gỗ cũ kĩ đã tróc sơn, mọt cánh hay một chiếc cổng được xây bằng gạch rêu phong đã mọc đầy là hình ảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Đứng riêng một góc, xa khuất, tưởng chừng chẳng dính dáng gì đến số phận làng quê và thân phận mỗi con người, chiếc cổng làng lại chiếm một chỗ sâu kín nhất, lặng thầm nhất trong đáy sâu tâm hồn. Có làng rồi mới có cổng, nhưng không phải làng nào cũng có cổng.
Ở mỗi làng châu thổ Bắc Bộ thường có một luỹ tre xanh bao quanh khu thổ cư. Làng tương đối khép kín, chỉ để một hoặc hai lối ra vào và chỗ này thường dựng một cái cổng làng là giới hạn giao lưu liên làng và mở ra khu thổ canh. Buổi sáng, cổng làng mở, dân làng đi làm, chợ búa,… đến tận tối, sau khi dân làng và trâu bò đã về làng rồi thì cổng được đóng lại “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Cổng làng không phải là biểu tượng duy nhất của mỗi làng quê mà nó tồn tại với cây đa, mái đình. Đối với những người đi xa, khi trở về quê, còn cách làng khoảng 2 đến 3 cây là đã có thể nhìn thấy cây đa và biết rằng mình sắp sửa về đến làng. Nhưng về tới gần hơn, qua cổng làng mới bước chân vào mảnh chôn nhau, cắt rốn của mình và coi như đã về tới nhà mình, vì người trong một làng thường đối xử với nhau như anh em trong một gia đình.
Cổng làng là nơi dân làng đến ngồi chơi, là nơi giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin, là nơi chứng kiến sự đi và đến của mọi người. Đi xa nhớ ngày về sẽ có người đứng đợi ở cổng làng. Thương nhau cũng hò hẹn ở cổng làng, rồi khi về làm dâu, bước qua cổng làng về nhà chồng, trở thành thành viên trong cộng đồng dân cư. Cổng làng cũng là nơi dừng chân, đặt gánh, trở vai lúa nặng trĩu trong những ngày mùa bận rộn.
Mỗi một cổng làng đều có những nét kiến trúc riêng làm tâm điểm trong cái bố cục hài hoà với không gian của con đường làng, luỹ tre xanh, cây đa, giếng nước, ao làng và những cánh đồng lúa chín. Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kì, phô trương mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong không gian làng quê vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ… Việc xây cổng làng tuỳ theo điều kiện của mỗi làng. Làng giàu thì cổng lớn, rồng chầu, hổ phục. Mái cổng đứng lên một nấc, nóc mái đầu đao có khi gắn đôi chim phượng… Dù cổng to hay cổng nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể xộc xệch, sơ sài, con người có thể lam lũ nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ là chiếc cổng xây bằng gạch mộc hoặc đá xẻ cuốn tròn, cổng làng là bộ mặt của làng quê. Vì vậy, chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể đoán định được phần nào cốt cách của làng xóm, tư chất của mỗi người dân. Bởi thế chiếc cổng phải đặt ở vị trí trang trọng nhất, để từ xa có thể dõi tầm mắt là nhận ra ngay.
Thời phong kiến, nhiều khi đánh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Thời đó, làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan to, thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn, nhưng tuyệt nhiên không được vượt qua những quy định nghiêm ngặt.
Cổng làng thường là cổng “tam quan” – có ba cửa. Một cửa chính giữa, hai bên tả hữu là hai cửa nhỏ. Thường ngày dân làng, người lạ chỉ được qua lại ở hai cửa ngách ấy. Khi làng có việc trọng đại như hội hè, đình đám hay rước quan… cửa chính mới được mở. Hai bên cổng thường gắn vế đối chữ nho. Có thể là câu đối vua ban, nhưng đa phần là những câu đối đúc kết những tinh hoa của làng quê hay cầu mong những điều tốt lành. Như vậy, cổng làng là một nét văn hoá riêng và là một phần của văn hoá làng. Có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối tam quan làng mình và ai có dịp đi xa trở về làng cũng không quên dừng chân bên cổng tam quan.
Giếng làng, nông thôn Việt Nam xưa phần nhiều là ở nhà tranh tre nứa lá, do đó rất ít nhà có bể nước mưa, người làng chủ yếu dùng nước công cộng. Làng nào cũng có một, hai cái hoặc nhiều hơn tuỳ theo làng. Vì thế “Cây đa, bến nước và sân đình” đã trở thành những hình ảnh của quê hưông, nhất là những người rời làng đi làm ăn xa.
Giếng nước là nơi hội tụ nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra… Trong sinh hoạt đời thường, dân làng lấy nước giếng về dùng trong sinh hoạt như nước mưa, là nơi gặp gỡ, giao lưu chuyện trò của dân làng nói chung và là nơi hẹn hò của các chàng trai, cô gái. Giếng nước, còn là chiếc gương lớn để các cô gái ra gánh nước thì tranh thủ soi mình làm duyên.
Ngày nay, nông thôn đang từng ngày đổi mới, nhà nhà ngói hoá và đồng thời cũng xây dựng bể nước mưa và khi triển khai phong trào nước sạch nông thôn thì nhà nhà có giếng đào và giếng khoan. Do đó, ở nhiều nơi giếng làng bị lãng quên và rồi san lấp để lấy mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, vẫn còn những giếng làng đang tham gia vào cuộc sống thường ngày của người dân như làng Giang Xá (Hà Tây cũ). Cũng có một số giếng ngày nay không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn được địa phương gìn giữ và bảo vệ như giếng ở đầu đình Đại Phùng (Hà Tây cũ), trước nhà Tổ chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Chợ làng, nhắc đến đặc trưng của làng xã Việt Nam nói chung và làng Việt ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nói riêng, người ta không thể không nhắc đến chợ làng. Ở đâu có sự trao đổi, có một số người bán và một số người mua là thành chợ. Chợ làng hay còn gọi là chợ phiên rất phổ biến hình như làng nào cũng có chợ, thậm chí có nhiều làng cùng chung một cái chợ và có nhiều tầng bậc khác nhau. Có chợ hôm (sớm), họp chợ hàng ngày hoặc vài ngày một lần, những làng nghề có chợ chuyên bán sản phẩm làm ra như làng nghề Bát Tràng.
Ngoài ý nghĩa trao đổi mua bán, chợ còn là nơi giao tiếp, nhộn nhịp. Thông qua chợ, người ta có thể biết được nhiều thông tin không chỉ về buôn bán, làm ăn mà còn về mọi mặt trong đời sống hàng ngày. Tất cả cứ ồn ã, xôn xao và đậm đà tình làng, nghĩa xóm. Chợ quê thường nổi bật lên hình ảnh những cô hàng xén với những đôi mắt nhìn bâng khuâng. Họ là những bông hoa của chợ. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết về họ rất hay: “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng.”
Người ta đi chợ để bán những sản phẩm làm ra chưa dùng đến, là nơi họ mua những sản phẩm thiếu, có những người đi chợ chơi, dạo chợ và coi đó là một thú vui. Có những chàng trai, cô gái đi chợ cũng để làm quen, hò hẹn nhau, manh mối một mảnh tình nào đó.
Chợ ngày xưa, còn có một nhân vật đặc biệt. Đó là anh mõ chợ, là người thông báo, là người đi rao mọi tin tức về việc buôn bán trong chợ. Anh ta còn làm đủ mọi việc như giúp mọi người ổn định chỗ ngồi, sửa lều lán, thu lệ phí,…
Qua thăm một cái chợ, người ta có thể biết được tình hình về kinh tế, văn hoá, xã hội của một địa phương nào đó.
Đình làng, ở các làng xã Bắc Bộ xưa, hầu như làng nào cũng có một ngôi đình. Có ngôi đình chung cho cả mấy xã hoặc huyện. Đình nằm ở một không gian trung tâm, rộng lớn và có phong cảnh đẹp của làng quê Việt Nam. Đình làng trang trọng và thiêng liêng, nó gần như là đại diện, là biểu tượng quyền lực của làng xã. Mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế và xã hội của cộng đồng, thời Lý thường diễn ra ở chùa. Nhưng từ giữa đời Trần, các sinh hoạt đó được chuyển sang đình và truyền thống đó được giữ cho đến đời Nguyễn.
Đình còn là nơi nghỉ ngơi, dừng chân của vua hoặc các quan lớn khi đi vi hành, tuần du. Đình làng là nơi tụ họp, bàn bạc công việc và là nơi thờ cúng Thành hoàng. Đình còn là nơi thực thi lệ làng: thu thuế, xét xử, khao vọng, phạt vạ; lễ tết, hội hè, diễn xướng,… cũng diễn ra ở đình và sân đình. Với người bình dân, đình cũng là nơi giao tiếp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn.
Đình làng, là một ngôi nhà to rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm bằng gỗ lim. Tuờng đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói âm dương, bốn góc có bốn đầu đao cong vút lên, có đôi con chim phượng uốn cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt. Sân đình được lát gạch.Trước đình có hai trụ cao vút, trên đỉnh được tạc tượng con nghê. Trong đình, gian giữa gọi là chính tẩm, là nơi đặt bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành Hoàng. Hai bên đình còn có hai dãy nhà phụ để chứa kiệu bát cống, long đình, cờ, trống, chiêng,… Đình còn ngăn riêng một gian để cúng hậu gọi là nhà hậu.Có nơi, trước mặt đình còn có một công trình kiến trúc nhỏ gọi là “phương đình” hoặc “bái đình”.
Mọi việc lớn, nhỏ trong làng được quyết định ở đình do một hội đồng kì mục điều hành. Lí trưởng là thành viên cao nhất trong việc chấp pháp. Vai vế cao hơn Lí trưởng có tiên chỉ. Trông coi đình là ông từ, là người có phẩm hạnh tốt.
Vào những ngày lễ tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và trời đất giúp cho được mưa thuận, gió hoà, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành.
Mùa xuân đến, sân đình trở thành một sân khấu hát chèo hoặc để đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên,… Đình làng, còn là nơi nam thanh, nữ tú gặp gỡ hẹn hò,…
Những năm trước cách mạng tháng Tám, đình là nơi đi lại, hoạt động của nhiều đồng chí cách mạng. Từ năm 1945 trở đi, sân đình là nơi luyện tập quân sự tuyển quân, tổ chức những cuộc họp mặt hoặc mít tinh kêu gọi dân làng hưởng ứng những phong trào yêu nước, cứu nước. Đồng thời, cũng là nơi tụ họp các thanh niên nhập ngũ, là nơi người thân tiễn đưa con em lên đường ra mặt trận…
Đình làng, là nơi thờ Thành Hoàng, có thể là tổ sư các ngành nghề, là người có công với dân làng, là các anh hùng như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo,…
Ngày nay, ở một sống làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ vẫn còn gìn giữ được nhiều ngôi đình lớn, hoành tráng như: đình Tây Đắng, đình Triều Khúc, đình Kim Liên, đình Chèm, đình Đình Bảng,… đó là nét đặc trưng tiêu biểu nhất của làng, xã Bắc Bộ nói riêng và là di sản văn hoá vô giá của dân tộc.
Hội làng, một đặc trưng quan trọng của văn hoá làng là lễ hội, còn gọi là hội làng. Hội làng là sinh hoạt tôn giáo, nghệ thuật, thể thao truyền thống của cộng đồng làng, là nét đặc sắc trong văn hoá làng Việt Bắc Bộ.
Hàng năm, hầu như làng quê nào ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ cũng mở hội làng, nhỏ thì một ngày, lớn thì nhiều ngày, nhất là những năm được mùa thì hội làng vui không kể xiết. Hội làng thường được tổ chức vào mùa xuân, khi đất trời giao hoà, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Có thể nói, hội làng là thời điểm cuốn hút nhất, tưng bừng nhất với những nghi thức tôn nghiêm và thuần Việt nối đời: tế lễ, rước, trò vui và hát xướng,… Hội làng nào cũng có một mong muốn chung là “nhân khang vật thịnh” hoặc “quốc thái dân an”,…
Ngoài các quốc lễ do Nhà nước phong kiến tổ chức, hội làng thường do một làng đứng ra tổ chức, hoặc có thể do một số liên làng gần nhau cùng thờ cúng một Thành Hoàng … Nhưng, dù là hội của một làng hay liên làng thì hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian bừng chảy tràn trề trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh người Việt.
Hội làng đã có từ xa xưa, theo thư tịch, nhiều hội làng nổi tiếng tiêu biểu cho tín ngưỡng phồn thực được bảo lưu từ thời thuợng cổ. Ngay trên trống đồng cổ, cũng có những nét hoa văn của hội làng. Có những hội làng trở nên tiêu biểu như: hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội Cổ Loa, Lệ Mật, Phù Đổng (Hà Nội), hội đền Kiếp Bạc, hội Chùa Hương (Hà Tây cũ), hội Lim, Bà Chúa Kho, Chùa Dâu (Bắc Ninh),… Có thể nói, hội làng mang tính cộng đồng sâu sắc, là đỉnh cao của sự hoà hợp, đoàn kết vì một ước nguyện chung cho sự phồn vinh của làng xã.
Hội làng thường tổ chức ở đình. Cũng như lễ hội truyền thống, hội làng cũng gồm hai phần lễ và hội. Nhưng, ở hội làng bao giờ phần lễ bao giờ cũng nổi trội hơn phần hội. Lễ thể hiện lòng ngưỡng mộ, sùng bái anh hùng, tôn vinh danh nhân, người có công với dân làng, tổ nghề, có thể là những thần, thánh, những nhân vật siêu phàm. Phần lễ gồm các hoạt động rước nước và mộc dục, rước và tế… Hội là phần thể hiện những sinh hoạt văn hoá cộng đồng như rước kiệu, đấu vật, chơi cờ người, chọi gà, đua thuyền, vật võ, thổi cơm thi, múa, hát giao duyên,… đều mang ý thức cầu mong Thành Hoàng phụ hộ cho dân làng và cho bản thân,…
Trong các sinh hoạt hội, mọi người tham gia trình diễn, sáng tác, thưởng thức và hưởng thụ sau những ngày lao động vất vả, không kể sang hèn. Vì thế, có thể cho rằng hội làng đã tạo nên niềm cộng cảm sâu sắc giữa các thành viên trong cộng đồng, là sự nhất quán trong việc giao truyền các giá trị văn hoá giữa các thế hệ.
3.
Làng, là nơi mọi người sinh ra và lớn lên ở đó và rồi sau khi về già qua đời cũng được chôn ở chính quê hương mình. Ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt, họ không bao giờ muốn rời bỏ làng mình để đi nơi khác. Vì thế, ngay cả khi phải rời làng ra đi thì trong tâm trí họ vẫn luôn nhớ về làng và mong muốn được trở về làng, trở về với những hình ảnh thân thương, ăn sâu vào tâm trí của mỗi người ở các làng quê Việt ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là chiếc cổng làng, giếng nước, cây đa, sân đình, ao làng,…
Tuy nhiên ngày nay bộ mặt làng quê Bắc Bộ đang từng ngày đổi mới và đã biến đổi nhiều trước sự đô thị hoá nông thôn, đã phá vỡ ít nhiều cảnh quan đã được coi là đặc trưng của văn hoá làng xã nông thôn Bắc Bộ. Chúng ta đang cố gắng giữ gìn nét đẹp văn hoá dân tộc. Những xóm làng nay không còn khép kín trong luỹ tre, mà đã hoà nhập đô thị. Nhưng dẫu sao vẫn còn lại một số hình ảnh trên để chúng ta bảo tồn, nghiên cứu nét văn hoá riêng của làng quê cổ truyền Bắc Bộ.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Phan Đại Doãn (viết chung), Một số vấn đề về làng xã Việt Nam, Một số chuyên đề về lịch sử Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
2. Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam, một số vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
3. Phan Đại Doãn, Mấy vấn đề văn hoá làng xã Việt Nam trong lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
4. Nguyễn Hữu Hiệp, Đình làng ngôi nhà chung của đồng bào ở nông thôn, Xưa và Nay, số 96, 7/2001.
5. Vũ Tự Lập (chủ biên), Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Hồng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
6. Hà Văn Tấn, Làng liên làng và siêu làng (Mấy vấn đề suy nghĩ về phương pháp), Một chặng đường nghiên cứu lịch sử 1995 -2000, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
7. Nguyễn Khắc Tụng, Bức tranh quê – một chặng đường (một số yếu tố đặc trưng của làng xã người Việt ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ từ trước cách mạng tháng Tám đến nay), Nghiên cứu Lịch sử, số 1, 1990.
8. Trường ĐHKHXH & NV – ĐHQGHN, khoa Lịch sử, Làng Việt Nam đa nguyên và chặt, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006.
Ảnh đại diện – Cổng cổ làng xưa (Ban Tư thư thiết lập). Nguồn: https://nghiencuulichsu.com