NGƯỜI DÒM LỖ KHOÁ (Phần 2) – NƯỚC MẮT BÃO TỐ

Lời tòa soạn

     Tôi đã đọc hết tập truyện thứ nhất Người dòm lỗ khóa được đang tải trên Báo Doanh nghiệp và Thương hiệu số tháng 05/2013. Nay đọc tiếp tập thứ 2, tựa đề “Nước mắt bão tố” trong chuỗi tập truyện tựa đề “Viên sỏi đen”. Đây là một thể loại truyệnchiến tranh và hòa bình mà độc giả đã quen thuộc như truyện “Chiến tranh và hòa bình” của Léon Tolstoi  (Nga) hay “Cuốn theo chiều gió” của nhà văn Mỹ. Ở đây, tác giả đã chọn chỗ đứng thanh tịnh tại ngả đường để quan sát và mô tả cuộc chiến tranh vừa tàn trong giai đoạn lịch sử Việt Nam cận hiện đại từ 1945 đến 1975 + 1. Tập thứ hai này tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, nhưng đôi mắt tôi dừng lại ở một đoạn: “Cái căn nhà trông như đã thay ngôi, đổi chủ. Người chủ mới là một con “ách” nằm úp bấy lâu nay, đã bật ngửa! Ông bác sĩ đã chợt nghĩ ra cái hình tượng oái ăm đó. Còn ông! “Lá bài tàn” hay một con “tốt” đã “liều qua sông” nhưng đã bị chận trước những cỗ “xe pháo” của phía bên kia”.

     Tác giả đã dùng một hình ảnh ví von rất kỳ thú, vừa tượng hình, vừa “thâm thúy” không thể khác hơn khi lột tả cảm xúc. Thời thế đã xoay vần của những con người ở cả hai phía trong thời khắc lịch sử của ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Sau khi đọc xong phần I truyện ngắn “Người dòm lỗ khóa”, có độc giả đã nói với tôi: “Truyện ngắn Người dòm lỗ khóa không đơn thuần là truyện ngắn mà Người dòm lỗ khóa được ví như là một lát cắt của lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Những tình tiết, sự việc trong câu chuyện được  khắc họa rõ nét như mới ngày hôm qua. Dù ngày hôm qua đó đã trôi qua gần nửa thế kỷ…”

     Nay tập truyện tiếp theo với tựa đề như đã trình bày: Nước mắt bão tố” để mô tả một gia đình trí thức trong chế độ – nhưng vào giờ phút lịch sử “đi hay ở” đã diễn ra như trận động đất để tách vợ chồng ra làm hai đường biên. Mẫu chuyện Nước mắt bão tố” đã khiến tác giả nhớ lại “Bữa tiệc cuối cùng của Chúa”. Trong cuộc tiệc này có anh chàng Giuda – một người dự tiệc. Giuda vào tiệc với thể xác ẩn nấp một nỗi đau khổ bị dày vò trong cơn ác mộng của lịch sử. Giu đã phải phản bội lại Chúa. Chúng ta hãy xem lại nỗi đau ấy của Giuda như chính nỗi đau của chúng ta ở nhiều góc cạnh của cuộc đời để mơ ước một ngày hòa bình mãi mãi cho xứ sở. Tác giả đã viết như vậy.

     Chúng tôi xin độc giả xem tiếp một chuỗi truyện ngắn “Người gõ cửa hoàng hôn”“Tia chớp ái tình”Trên Báo Tạp chí Thanh Niên số 16 – Kỳ 4, tháng 04/2013, để thấy dần chân dung cuộc chiến tranh và hòa bình Việt Nam  – mà tác giả đã nắn nót ngòi bút của mình bằng  trái tim nhân hậu và nước mắt.

*
**

     Thế mà bây giờ! Trời mới tờ mờ sáng – nhìn qua cái lỗ khóa – bà trông nó như con gà trống vừa ra khỏi chuồng. Nó đập mạnh cửa.

– Dì Ba mở cửa cho con vào! Nhanh lên! Con đây nè!

     Bà quản gia rung rẩy! Bà thò tay nắm cái chốt cửa – như đặt tay vào cò súng. Cánh cửa hé mở. Ôi! Chao ơi! Cái thằng đánh giày! Nó oai vệ làm sao! Không biết nó lấy đâu ra bộ quần áo màu xanh lá cây lùng thùng! Trên đầu còn một cái nón tai bèo! Nhưng cái quan trọng là nó đeo một khẩu súng ngắn bên hông (hình). Nó đã đẩy mạnh cánh cổng và bước vào bên trong như người chủ nhà – Lần này thì tim bà biến thành cái trống chầu. Bà tự trấn an! Chả nhẽ nó móc nòng súng ra để… Bà nghĩ ngợi đủ thứ! Nếu phải thế thì thôi cứ thế! Đời bà chắc là hết! Bà nhắm mắt lại để nghĩ cái ngày “tận cùng” ấy của của đời bà trong cái nấm mồ này.

     Cánh cổng đã mở rộng! Nó nhảy tới ôm sầm lấy bà (hình).

– Con đây! Con theo mấy ảnh rồi!

     Tim bà muốn rụng! Mà hai hàm răng thì lập cập, nhưng bà vẫn cố sức để bật ra tiếng:

– Mầy là “thằng đánh giày” phải không? Có thật là mầy không?

– Thật mà! Con đây mà! Con bằng da bằng thịt đây mà!

     Nó liền chìa cánh tay ra cho bà, bà chộp ngay lấy một mẫu da thịt của nó. Bà véo một cái. Thằng đánh giày la lên “ái cha! đau quá”. Bà quản gia gật gừ: “đúng là mầy rồi! Sao mày thế này!” – Nó trả lời vanh vách:“Con theo mấy ảnh rồi mà!” – Sướng rồi dì Ba! Con sẽ không còn xin cơm dì Ba nữa! Con có cơm ăn rồi! Mấy anh còn cho con thêm quần áo mới nè! Đầy đủ rồi. Thôi! Con đi làm công tác!”

     Trời ơi! Đất đã động đậy dưới chân bà. Nó nói như một “thủ lĩnh”. Nói xong nó ra đi ngay! Vội vội vàng vàng như một người quá bận rộn. Bà chợt nhận ra cái khẩu súng để xệ gần dưới đáy quần màu xanh lá cây – Bà choáng váng!

     Bây giờ trời đã sáng rực, tình hình đã trở nên yên tịnh…!

     Bà bước hẳn ra ngoài cửa! Ngẩng đầu lên! Cầm vội lấy cây chổi quét đường cao hơn mái tóc bỏ xoã đêm qua. Bà bước đi với cặp mắt dò dẫm dưới chân mà chưa dám ngẩng đầu lên. Cặp môi bà run bần bật như phải chịu cái rét đậm năm xưa ở Hà Nội.

– Ối giời ơi! Mấy ngày qua phu quét đường đã bỏ việc.

     Bà cúi gầm xuống nền đất cố thu gom những đám lá vàng. Bà thì thầm:

– Đất ạ! Bà đã theo tàu há mồm vào Nam. Giờ thì bà xin được chôn xác tại đây.

     Như có tiếng chó ríu rít đâu đó. Bà đảo mắt chung quanh. Bà nhận ra con Tô Tô của ông tổng giám đốc ngân hàng đầu ngỏ.

– “ Chủ mày đã bỏ đi rồi à”! Thôi! Về nhà bà! con ạ.

     Con Tô Tô ve vẩy chiếc đuôi, chạy theo ngón tay trỏ của bà về phía căn biệt thự – nơi có con Lắc ki của “ông chủ vỡ nợ” để làm bạn. (hình).

     Bà gật gù, rồi lại cắm đầu xuống đất. Tiếng chổi khua động trên lề đường. Bỗng nhiên bà chùn tay lại, cái đống rác vô tình đã phủ lên đôi chân mang dép râu màu đen. Cây chổi trên tay bà khua động. Bà cố ngước mắt nhìn lên. Một “Ông bộ đội” sừng sững trong bộ đồ Kaki vàng.

– Thưa ông! Tôi không cố tình… Xin ông tha tội

    Bà cúi đầu xuống, nhắm mắt lại, chờ đợi cái gì từ trên giáng xuống. Nhưng khi mở mắt ra, bà chỉ chợt nhận thấy một khẩu súng đen ngòm vắt sau lưng, đang đi xa dần.

     Một giấc mơ, đây rồi ! Bà ngây ngất như người đang hầu bóng. Bà quay vội về cánh cổng sắt, đóng sầm lại, réo lên:

– “Này! Ông này! Ông thức dậy chưa”. Rồi bà nói to hơn: “- Tôi thấy rồi ông ạ”.

     Trông chừng như chưa hiệu quả, bà hô lên:

– Đôi dép râu và một khẩu súng!

     Người đàn ông nhướng mắt, vọng xuống

– Của mấy “Ổng”.

     Đúng! Ông ạ! Của mấy “Ổng” nhưng không giống con người trong cơn ác mộng đêm qua “lấy móng tay! Xẻo thịt!”. Một người bình thường! Không phải là Ngay lúc đó, cái giọng nói từ trên lại vọng xuống như giọng cha cố đạo.

– Chính cơn ác mộng, nó lừa dối bà.

– Lừa dối tôi làm gì! Tôi chỉ là người dân thường, thậm chí còn là người nằm dưới đáy xã hội.

     Bà nói dõng dạc như người đối đáp trước quan toà! Còn “cha cố” từ trên hất hàm.

– Thế còn tôi nằm ở đâu? Bà quản gia nổi sùng.

– Nằm trong cái “tháp ngà” này.

     Ông bác sĩ chột dạ! Bỏ sừ rồi! Bà ta đang “tố cáo” mình như cái ngày “cải cách ruộng đất” của miền Bắc rồi đây! Nhưng ông vẫn giữ vẻ điềm đạm:

–  Trời cho tôi cái số lao động trí thức. Số phận bà ạ !

– Thế nào! Số à! Ông mê tín rồi đấy! Trước đây, tôi có nghe ông nói đến nó bao giờ – Trí thức không bằng ”cục phân bò.”

     Ông bác sĩ cau mày lại! Bà ta lấy đâu ra “cục phân bò” để định phẩm giá trí thức. Ông còn nhớ lại khi còn ở học đường tại Paris. Ông đã từng cho rằng Trí thức có một giá trị đặc biệt là nó có mặt trong nhiều giai cấp khác nhau, trong đó có giai cấp công nhân. Trong giờ phút lịch sử này giai cấp công nhân có thể đã cướp được chính quyền nhưng không phải vì thế mà trí thức sẽ trở thành kẻ thù của nó.

     Nhưng “cục phân bò” đã làm ông thoáng nghe được cái mùi vị lao động nơi những nông trường… Một nhát dao chém ngang trán. Từ thời khắc này mà nói đến hai chữ trí thức chẳng khác nào tự mình đâm sầm vào tường đá. Ông im lặng, ông thoáng nhận ra một điều gì đang xảy ra ngay trong căn nhà này. Cái căn nhà trông như đã thay ngôi, đổi chủ. Người chủ mới là một con ách nằm úp bấy lâu nay, đã bật ngửa! Ông bác sĩ đã chợt nghĩ ngợi ra cái hình tượng oái oăm đó. Còn ông! Lá bài tàn hay một con “tốt” đã “liều qua sông” nhưng đã bị chặn trước những cỗ “xe pháo” của phía bên kia.

     Bà quản gia tự thấy mình hơi bị quá đà! Bà chột dạ về sự trở mặt khá là “sổ sàng”. Nhưng bà tự nhận là cần có sự trở mặt cần thiết ấy như nó đã từng ẩn nấp trong xó tối để chờ ngày – cái ngày tuyên ngôn “hỡi những giai cấp bị bóc lột hãy đoàn kết lại”. Bà nghĩ bụng – Cũng phải thế thôi! Cũng không đi ngược lại với thời thế. Còn ông, chính bản thân ông mới không “xứng đáng” khi đã vô tình làm ngơ với vợ con mình trong những giây phút cuối cùng!. Họ đã lặng lẽ ra đi. Còn ông mãi chờ đợi để chứng kiến những ngày tàn của cuộc chiến tranh. Cái cảnh tượng mà ông từng mơ ước về một sự biến đổi nào đó của nhân loại khi còn cắp sách trong những ngày tháng đầy mơ mộng của tuổi trẻ – hồi đang còn đi học tại Pháp.

NƯỚC MẮT BÃO TỐ

     Lúc ấy tình trạng căng thẳng như sợi chỉ mong manh xảy ra trong gia đình ông – ở lại hay ra đi­. Nếu ở lạitức là phải đối phó với nhiều biến động đầy bất trắc trong khoảng thời gian “tù mù” phía trước. Còn ra đi – tức là vứt bỏ tất cả để lao vào cuộc mạo hiểm sinh tử trong“cơn bão tố”.

     Người vợ cả đời luôn nghe lời chồng thì đến thời điểm này bà đã tự hành động! Bè bạn đồng nghiệp đã khăn gói “ra đi”. Còn chồng bà! Ông ta điên rồi! Điên lắm rồi!

     Đã đến giờ hẹn – mà ông vẫn bình chân như vại một cách lạ lùng.

– Chả phải đi đâu cả! Cứ ở lại – chúng ta không dính dáng đến chính trị – chỉ sống bằng nghề chuyên môn!

– Sao lại không dính dáng! Chế độ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng địa vị và cơm gạo.

– Địa vị à! Nếu ở tôi – chỉ là một người chữa bệnh. Còn ở bà­ – một người bênh vực lẽ phải – Người chữa bệnh chỉ đứng bên cạnh bệnh nhân. Còn người bênh vực lẽ phải chỉ đứng trước mặt quan toà. Bệnh nhân không có mùi vị đảng phái. Còn lẽ phải không khoác áo quyền lực! Không tô điểm giai cấp! Nó đứng bất kỳ đâu – bất kỳ thời đại nào! Không có sức mạnh nào buộc nó tách rời khỏi chỗ đứng của nó. Còn cơm gạo à! Ai cho! Nếu không biết tự lực! Bà vợ ông – vốn là một thầy cải ở ba tòa quan lớn – tấn công ngay cái “thân chủ” ngây ngô của mình.

– Nhưng chúng ta đã hít thở phải cái không khí của chế độ!

     “Thân chủ” của bà bây giờ đã trỏ thành bị cáo – bèn đối đáp:

– Vậy ta là nạn nhân của cái không khí đó! Cái không khí đã bị ô nhiễm!

     Tên “bị cáo” trả lời sang sảng như thế. Còn bà thì muốn kết thúc ngay.

– Tức là ông không muốn ra đi. Nói trắng ra là ở lại.

– Có lẽ là vậy!

– Ông đã đủ chính chắn để chọn lựa điều đó!

– Làm sao gọi là đủ, nếu còn thiếu thì đấy sẽ là một bài học!

– Ông chực chờ một bài học phía trước với đầy bất trắc mà  quay lưng lại với gia đình?!

– Thôi như thế đã rõ.

     Người đàn bà đầy bản lĩnh ấy đã từng thuyết phục được cả những quan tòa áo đen, áo đỏ ngày nào để giảm hình phạt cho một tội nhân chính trị trước bản án tử hình. Bây giờ đây! Bà không đủ sức thuyết phục một người chồng“mất trí”của mình trong cơn khủng hoảng này! Bà cho rằng ông ta mắc một thứ hội chứng. Hội chứng “phá ngục Bastilles”.

     Những năm tháng theo học tại Pháp –  ông đã say mê triết học Các Mác – như một thứ vũ khí của những người bị áp bức. Trở về nước ông vẫn giữ niềm đam mê ấy như một thứ triết lý đấu tranh giai cấp. Do đó, mà bà không ngạc nhiên khi ông thường thức nhiều đêm khuya để nghe lén đài phát thanh bí mật của phía bên kia – đài giải phóng – rồi đài Hà Nội! Như nghe tiếng nói của người tình bí ẩn – nói theo cái kiểu tiểu thuyết phiêu lưu lãng mạn! Rồi ông tuyên truyền lại cho gia đình qua những bữa cơm tối của ngày hôm sau.

     Khi ấy mọi người trong gia đình đã im lặng và có vẻ tập trung hướng nhìn vào “cái miệng nằm vùng” của ông về sự phát hiện vĩ đại của Các Mác và Ăng Ghen trong lịch sử. Đó là việc bóc tách ra từ nhân loại trong khối quần chúng bị áp bức bóc lột được một giai cấp vô sản. Từ đó, thổi hồn đấu tranh cách mạng cho giai cấp này từ giữa thế kỷ 19 để làm tròn sứ mệnh lịch sử theo một hình thức và phương pháp được vạch rõ và theo một đường lối chính trị có tổ chức!

     Có lúc hăng hái quá, ông rời khỏi bàn ăn, đi vào trong tủ sách lấy ra một quyển sách dầy cộm mạ vàng mà ông dấu kỹ đâu đó để đem ra đọc. Ông thong dong minh hoạ để thuyết giáo như một ông cha cố xứ đạo, đứng oai phong trên thánh đường với quyển Thánh kinh để thuyết phục các “tín đồ” của ông trong gia đình.

– Đây là Bộ Tư bản luận! Nó đã mổ xẻ xã hội Tư bản chủ nghĩa…

     Lúc này! bà vợ chen vào ngay

– Thôi ông ơi! Ông chỉ giỏi đánh võ mồm. “Nhát như thỏ đế” mà lúc nào cũng vênh váo. Mật vụ ở khắp nơi đấy! Có ngày vào nhà pha. Ai nuôi cơm. Cơm nhà không ăn lại đòi ăn cơm tù.

     Kể từ đó, ông dửng dưng trước tình cảm vợ con – những người mà ông chỉ một mực yêu thương trong đời mình.

     Rồi giờ phút căng thẳng đã đến -vào chiều ngày 29, cả gia đình quần tụ trong bữa cơm chiều nguội lạnh. Vợ ông báo tin chuyến ra đi “bỏ của chạy lấy người” vào ngay đêm hôm ấy. Gương mặt ông bỗng trở nên khác lạ – như đang ngắm nhìn bức tranh khắc hoạ của Léonard de Vinci treo trên trần nhà của nhà tu ở Milan  Ý- từ thế kỷ 15. Như chúa Jesus – ông đã tự tố cáo kẻ phản bội. Kẻ ấy lại chính là mình. Ông cương quyết ở lại. Là một bác sĩ phân tâm học, giờ đây ông tự biết mình đang mắc thứ hội chứng “bữa tiệc cuối cùng của Chúa”. Sự phản bội của con người Giu-da đã ẩn nấp trong thể xác đau khổ của mình qua cơn ác mộng của lịch sử để đón nhận một tương lai hòa bình độc lập cho xứ sở mà Giuda đã từng mơ mộng!

*
*  *

     Thế  còn cái biển “bác sĩ phân tâm học(hình). tốt nghiệp tại Paris nằm lù lù bên cạnh cái biển“coi chừng chó dữ” – ông nghĩ sao?

     Bà ta đây rồi! Tiếng của bà vừa dứt thì cái mồm bà vênh lên để lộ rõ hàm răng hô đen xì như mái hiên cũ kỹ từ thuở còn con gái. Chỉ tiếc là nó để gẫy một cái trông như bị tốc mất một viên ngói phía trước. Đến bây giờ bà mới dám phô trương nó ra như thứ vũ khí lợi hại của con người thuộc giai cấp lao động nghèo truyền thống từng bị đàn áp mòn đời.

– Còn phải nghĩ gì nữa . Tôi hành nghề như thế.

– Cái nghề phải gió. Sao ông không học cái nghề chữa răng, chữa mắt có hơn không?!

– Thế nào là phải gió?

– Không “phải gió” sao được. Tôi nghe họ khai toàn bệnh giả đò. Cứ chiều chiều là phải bâng khuâng. Còn sáng ra đã ngáp vắn ngáp dài.

– Thật đấy bà Hai. Không chỉ đau gan, đau ruột mới là đau. Có khi chỉ bế tắc cái gì đó! Mà phải bâng khuâng, rũ rượi như kẻ thất thần.

– Có gì mà bế tắc. Thiếu gạo mới là bế tắc chứ!

     Ông bác sĩ bây giờ đã nhận ra sự thật. Chỉ có thóc gạo mới là cái tồn tại trong xã hội này! Địa vị, danh vọng, lâu đài … chỉ là rơm rác hay nói theo kiểu mới của bà – nó không bằng “cục phân bò”

     Để lên lớp cái ông “bác sĩ tâm thần” như đang có “vấn đề”, bà quản gia thuyết giảng:

– Khi xưa phong kiến chia ra các thứ bậc theo thứ tự: “nhất Sĩ, nhì Nông” – đến khi hết gạo chạy rông thì “nhất Nông, nhì Sĩ”, Này ông ạ! Tiêu chuẩn trí thức tiểu tư sản như ông được mấy ký gạo đấy! ­ – Bây giờ bà chuyển sang giọng ấm cúng rồi đây! Ông bèn phụ họa:

– Thì cứ nấu chung mà ăn.

Nấu chung thế nào được – phải sàng sẩy – ăn cả thóc cả sạn à !

– Ý bà Hai muốn tôi phụ nhặt sạn các thứ ấy!

– Chả cần đến ông.

Thế tôi phải làm gì?

Ông tháo cái bảng xuống, bôi hai chữ “phân tâm” đi. Viết vào đấy hai chữ “bá bệnh”.

– Ông bác sĩ tỏ vẻ lo âu: “Việc đó khó quá bà Hai!”.

Khó cái gì, học tới bác sĩ, thì bệnh gì mà chả trị được chứ!.

      Tôi đi họp tổ dân phố, nghe phổ biến có ông giám đốc bệnh viện, nhờ tinh thần cách mạng lên cao mà ông cho mổ ruột thừa, rồi rửa bằng vòi nước. Đã chết ai? Chiến sĩ thi đua đấy!

     Cái bà này nói theo giọng “quân quản” rồi đây. Ông bác sĩ há hốc mồm!

– Bà ạ! Chả cần phải thế! Chỉ đánh bóng cho sáng lại “cái thương hiệu” .

– Đánh bóng à! “Thương hiệu à!” Tợ như cái “thương hiệu” của bà “đánh són thoa phân” của ông. Vậy mà lại còn che nửa mặt mới rởm đời.

     Nói xong, bà đảo cặp mắt nhìn thoáng qua gương mặt ngầy ngật của ông bác sĩ. Rồi bà thong dong đi vào trong, không quên lẻm bẻm một câu nói mỉa mai dạy đời! Chỉ để mình bà nghe được. Rồi bất chợt, bà trở ra, nói giật ngược.

– Ông à! Tôi đã đăng ký cùng tổ dân phố, ta tham gia hợp tác xã “rau thịt tươi sống phụ nữ”. Tôi bảo để tôi “trao đổi làm việc” với ông chủ nhà tôi cho gỡ mấy khối gạch ở gara lên để trồng rau. Đối với cái xe hơi “con cóc” tôi cho lôi ra ngoài, lật ngửa lên trồng hành. Nhưng tổ dân phố góp ý rất sáng suốt là cái ga ra thì dùng nuôi đàn lợn nái cho hợp tác xã nhà. Riêng tôi, chọn một con béo phì tôi đưa lên phòng khách của ông trên lầu cho nó có hơi người, để ông lao động lập công “cải tạo tư tưởng”. Rồi còn phải rước con heo nọc ở Cai Lậy về cho nó nhảy đực, tăng gia sản xuất để đóng góp sản phẩm cho hợp tác xã nhà!.

     Đôi mắt ông nheo lại! Cố đẩy lùi hình ảnh con heo nái mồm kêu ụt ịt tối ngày mà tưởng tượng đến một người – một người đàn bà gõ cửa hoàng hôn vào chiều hôm ấy – Bà ta là ai? Tại sao lại bật cái cúc áo để lộ “viên sỏi đen” (hình) đã xuất hiện chập chờn trong ký ức của ông – Rồi biến mất tăm như trong truyện “Liêu trai chí dị”. Nhưng thật rõ ràng từ trong tiềm thức mỏng manh của ông còn ẩn chứa một thứ mùi vị thầm lặng trong cơn bão tố. Nó hắt ra một thứ hương thoang thoảng của người đàn bà đến từ cánh đồng hoang dã ./.

NGUYỄN MẠNH HÙNG 1

___________
1. PGS, tiến sĩ sử học.