Người gõ cửa hoàng hôn (Phần 2) – Tia chớp ái tình

         Nhưng người đàn bà ấy đã trở lại lần thứ ba. Bà quản gia phải bất đắc dĩ đi mở chốt cổng, mồm lầm bầm! Cặp môi mấp máy như người mắc kinh phong: – “Cái bệnh giả đò! Tình tứ vụng trộm!”

     Lần gặp này, ông bác sĩ nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ không chớp mắt:

– Như vậy, bà vẫn chưa không đúng sự thật. Cái sự thật mà vừa qua bà vẫn giả dối đấy thôi!

– Thưa bác sĩ, ông nói nhiều hơn tôi nghĩ, tôi chỉ mới nói đến một nửa sự thật!

– Còn cái nửa còn lại kia là che dấu để làm gì?

     Người đàn bà đưa mắt nhìn ra ngoài bờ tường nơi có những ánh đèn mờ chập chờn rồi lấy hai bàn tay bưng lấy mặt.

– Trước đó, tôi có yêu một người… một người còn đang là một thư sinh…từ trong một đêm mưa gió với “tia chớp ái tình”, chúng tôi đã yêu nhau, định lấy nhau rồi hứa hẹn cùng nhau sangPháp du học.

     Hai vai bà ta rung động:

-Nhưng tất cả đã đổ vỡ…

     Rồi bà oà lên khóc – tiếng khóc nức nở làm rung động lớp vỏ bề ngoài bóng bẩy như cành phong lan trước cơn giông tố. Người đàn ông im lặng để nghe ngóng thêm. Đây là cơ hội để ông định bệnh! Người đàn bà nói tiếp:

-Nhưng, đấy là dĩ vãng ông ạ!

– Thế bà còn gì để luyến tiếc?

Phải luyến tiếc chứ, thưa ông! Vì không do lỗi lầm của tôi.

– Mà do hai bên cha mẹ?

Cũng không! Mà do thời cuộc!

Thời cuộc đã làm gì?

Không làm gì tôi. Nhưng đã làm cho người của tôi phải từ biệt để ra đi.

     Ông bác sĩ đứng dậy, bước lững thững ra cánh cửa sổ, rồi đứng lại nói vào bóng đêm đang buông xuống.

– Tôi xin lỗi phảỉ định bệnh bằng lời nói thẳng: “Anh ta quất ngựa truy phong!”

– Xin ông đừng mở lời “tồi tệ”. Không! Quất ngựa đi truy tìm cái bóng mơ mộng.

     Ông quay lại nhìn người đàn bà:

– Nghĩa là anh ấy mơ mộng về cái gì còn lãng mạn hơn cái đã có trong tay! 

– Ông nhầm đấy!

– Bà không nên chơi chữ để khiến tôi dễ nhầm lẫn khi cho toa bốc thuốc!

Tôi xin lỗi ông, tôi sống với mẹ, mẹ tôi buộc tôi phải chọn lựa. Một là bỏ lại và lập gia đình theo sự chỉ định. Hai là đi theo con đường anh ấy và bà phải chết.

– Con đường gì mà mẹ cô phải tỏ ra tuyệt vọng như vậy!

Con đường bên kia.

– -Bên kia à!

-Thưa, bên kia!

– Tôi hiểu rồi! Bên kia…

     Ông bác sĩ im lặng, nhìn ra ngoài, vẻ mặt như đang còn có tâm tư gì với 2 chữ “bên kia ”. Xong! ông quay đầu lại.

– Vậy bà còn gì phải luyến tiếc!

Chẳng phải luyến tiếc nếu đúng là một tên sở khanh đã thể hiện hành vi.

Nhưng không phải vậy, ông ạ! Anh ta đã trở về có đem theo một “bếp nồng tình ái” vẫn còn nguyên vẹn.

     Ông bác sĩ im lặng! Ông đứng dậy! Bước ra cánh cửa sổ, nhìn mông lung ra ngoài. Bà quản gia đứng nép ở cái ga ra tối tăm đã nhận ra ngay gương mặt đăm chiêu của ông trông như một ông cha cố khi con chiên xưng tội. Rồi như nhận ra ánh sáng chân lý, “ông cha cố” giảng đạo:

– Thưa bà, tôi không phải là con người thánh thiện luôn mặc vào chiếc áo thầy tu. Tôi cũng không phải là con nhà luân lý, luôn chỉ dạy những khuôn phép thánh hiền. Thưa bà, tôi chỉ là một bác sĩ trị bệnh. Tôi đưa ra đây hai giải pháp để bà chọn lựa như hai toa thuốc. – Một là bà dứt khoát, cự tuyệt mối tình luyến ái lãng mạn, vẩn vơ, bất chính, để chỉ quan tâm đến người chồng tình nghĩa của mình để được hưởng tấm lòng chung thủy. Bà hãy để cho đạo lý chọn lựa con đường cho bà thăm nuôi ông đang ở trại “học tập cải tạo”.

     Bà quản gia làu bàu ở ngoài sân – “Cái ông này ấm ớ mắc phải cái con yêu! Thời cuộc thế này mà còn hơi đâu để lo gỡ rối tơ lòng”. À! “toa thuốc” ấy nghe được đấy!

     Ông bác sĩ quay đầu vào trong, ngồi vào chiếc ghế nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ lộ vẻ trang nghiêm, ông nói từ tốn nhỏ nhẹ như chỉ để thủ thỉ cho vào tai một mình bà nghe thấy về cái toa thuốc thứ hai này “-Hai là vừa chăm sóc ông – vì ông nhà xứng đáng thụ hưởng sự thương yêu cao cả theo đạo nghĩa vợ chồng – song vừa thầm lặng chắp nối lại mối tình dang dở đầy thơ mộng trong bối cảnh nghiệt ngã này của lịch sử. Đó là những tấm gương lịch sử đã dám hy sinh tình yêu vì lý tưởng. Tấm gương này xứng đáng được hưởng hạnh phúc lãng mạn thầm kín trong tình thế đầy rủi ro, bất trắc này. Bà hãy để cho trái tim bà trả lời”.

     Nói xong, ông trở lại bàn mở ngăn kéo cũng lấy ra lọ thuốc cũ.

– Đây cũng chỉ những viên thuốc bổ và an thần, xin bà cứ uống đều trong 7 ngày nữa. Nếu không hết bệnh, mời bà hãy đến gõ cổng.

     Người đàn bà đến gõ cửa vào chiều hoàng hôn ấy đã nói lên sự thật! Cái sự thật mà ông cho là còn nhiều mờ ảo có pha trộn sự dối trá.

     Nhưng điều đó đối với ông không quan trọng. Điều quan trọng là bà ta đã tự chọn được một giải pháp cho cuộc đời của mình, ông cảm thấy yên lòng! Chiều hôm đó, sau khi tiếp nhận mấy viên thuốc cuối cùng. Bà ta ở lại với ông để trò chuyện một chút. Sau đó bà ta ra về và đã không bao giờ trở lại nữa.

*
* *

     Đã một năm trôi qua, kể từ cái chiều có người đàn bà đến gõ cửa hoàng hôn hôm ấy. Ông bác sĩ hành nghề tại biệt thự màu rêu xanh cũng vẫn còn đứng trên lầu như thói quen mỗi ngày để nhìn ra cái cổng sắt.

     Đôi mắt ông nheo lại. Đôi môi ông mấp máy như muốn phát ra âm thanh gì. Nhưng lại thôi. Bỗng chốc ông lại tỏ ra vội vã, bồn chồn, ông cúi đầu xuống tự than vãn “thời gian trôi nhanh quá”. Đã một năm qua đi rồi còn gì? Kể từ sau ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm ấy. Bỗng ông ngẩng đầu lên. Ông bước ngay đến bàn làm việc, mở ngăn kéo, lấy ra cuốn sổ tay. Ông xoa lên mặt như để quét tạm lớp bụi thời gian. Đúng là tròn hơn một năm! Ông từ tốn lật qua từng trang như để dò tìm cái đoạn mà ông ghi chép về người đàn bà qua 3 lần gặp gỡ. Nhưng hôm nay nghĩ lại, ông cảm thấy xao xuyến vì người đàn bà ấy đã cố để lại một dấu vết không bình thường. Lần đầu ông chưa kịp ghi gì ra giấy vì sự xuất hiện đột ngột làm ông thoáng mất thói quen nghề nghiệp. Nhưng lần thứ hai thì ông đã bắt đầu ghi chép. Quà thưởng cho ông đã đến bất ngờ. Đến lần thứ 3 thì bí mật đã lộ ra một phần. Nhưng, cái ẩn kín bên trong đã đi theo bà ta qua cái “lý lịch mờ nhạt” của cuốn sổ tay.

     Hai chữ “lý lịch” làm ông nổi gai cùng mình. Vì cho đến bây giờ ông đã viết đến 5 lần! Không! 6 lần về cái lý lịch cho chính quyền. Cứ mỗi lần như vậy ông đều thêm vào đó cái khoản đời của ông như để biện minh cho hành vi nghề nghiệp của mình mà không dính dáng gì đến những hoạt động chính trị, đảng phái. Nhưng đối với bà ta cái ‘Lý lịch” chỉ giản đơn là thăm hỏi tên tuổi, chỗ ở! Vậy là bà ta lại cùng với ông sáng tác cả những tiểu phẩm như trai gái thi tài “đánh trống quân” trong ngày hội làng ở nông thôn miền Bắc. Bỗng dưng ông mỉm cười! Nụ cười bâng quơ trong gió! Thật thú vị – nó thú vị như từ trong giấc ngủ – ông được mơ thấy một nàng tiên đang vượt qua từ cánh cửa sổ để mở. Khi tỉnh giấc, nàng tiên vẫn còn đó và trò chuyện với ông cho tới khi ánh trăng bắt đầu khuất. Rồi nàng đã vội tan biến vào trong bóng sương mờ.

     Người đàn bà ấy là ai? Đã một năm trôi qua! Sự biến động xã hội đã xoá mờ dĩ vãng mỏng manh như làn khói lam chiều. Bỗng dưng giờ phút này nó trở lại như ánh trăng lấp ló bên song cửa. Đúng là đến lần thứ ba, ông mới bắt đầu đủ tỉnh táo để lập “sổ bệnh” theo nghề nghiệp.

– Thưa bà, cho tôi được ghi tên tuổi bà vào sổ tay.

Bây giờ có cần gì phải nêu tên tuổi!

Tôi phải ghi chép vào hồ sơ. Tôi biết mình phải giữ bí mật.

Không cần đâu ông! Lúc này thì còn gì là bí mật hay riêng tư!

     Người đàn bà chợt vén một bên mái tóc để lộ trọn con mắt bên trái. Con mắt đen cứ trông như viên đá cuội, nhìn thẳng vào mặt ông không chớp – Ông nhìn thẳng vào con mắt không hồn ấy. Rồi bất chợt hơi ngước mặt lên buông ra một câu đầy triết lý.

– Thưa bà, bí mật vẫn là quyền lực bất tận để tưởng thưởng cho người có công giữ gìn được nó. Người Pháp nói: “Cuộc sống kín đáo là cuộc sống hạnh phúc”.

     Người đàn bà ngồi xếp đôi chân gọn trước mặt (hình 3) và mấp máy đôi môi.

– “Lời nói đầy triết lý lãng mạn ấy như của một anh kép cải lương những năm 30-40”.

     Ông bác sĩ nhíu mày.

– Xin ông ghi vào sổ một loài hoa để gọi tên tôi.

– Hoa có màu.

– Thưa bà “Hoa” đã trải qua bao nhiêu mùa xuân.

– Ông nói nghe như nàng Kiều bước vào ngày hội đạp xuân. Nhưng đời tôi lại chỉ là mùa đông. Tôi có quyền từ chối trả lời.

     Người đàn bà đưa bàn tay trắng nõn nà vén nhẹ mái tóc bên kia. Lần này con mắt bên phải khác hẳn. Trông nó long lanh như viên ngọc còn đang xa vắng từ cõi sâu thẳm của quá khứ.

– Theo tôi, bà còn thấp hơn số tuổi 30 nhiều.

Ông đã để lộ bí mật, cái mà ông tự hứa sẽ gìn giữ nó.

Tôi xin lỗi, bây giờ còn nơi cư trú.

Ông đã đi quá sâu như một người công an mà tôi đã gặp lần đầu.

Bà nên cảm thông, ông ta đang làm nhiệm vụ mới – nhiệm vụ tiếp quản một đô thị của đoàn quân chiến thắng.

Nhưng ông cần gì phải theo cái mới đó.

Tôi chỉ làm theo thông lệ cũ của nghề nghiệp.

Ông chu đáo quá: vậy xin ông cứ ghi – một khu phố có “cây dài bóng mát”.

Sài Gòn không thiếu gì “bóng mát cây dài”. Nó ở đâu? Đường nào?

Ông có thể nhận ra được một sắc thái riêng. Nếu ông đã nghe qua một bài hát của một ông nhạc sĩ nổi tiếng về những “bài hát dân ca” về “lối sống” kỳ lạ của ông ấy. Ông nên tự lo liệu lấy để chọn nơi nào có hàng cau sừng sững.

     Đến khi ông đã “cho toa bốc thuốc” xong – tưởng chừng như ông đã có thể tiễn chân người phụ nữ ấy ra về được rồi – thì, trông như đôi chân bà vẫn còn gì vướng bận.

– Thưa bà, chắc bà còn muốn cho tôi được nghe điều gì đó mà bà còn đang giữ kín?

Thưa bác sĩ, xin ông đừng làm vị cha cố để con chiên của ông luôn phải khai báo những chuyện thầm kín dưới sự bảo vệ của cây Thánh giá.

Thưa bà, nếu thế thì không còn gì là thú vị! Vì vị cha cố sẽ đem chuyện ấy để báo lại với Chúa. Còn tôi, chỉ có một mình với trái tim con người.

Như vậy, cũng đủ để tôi tin vào người có trái tim của một người đàn ông mà tôi cho là có trách nhiệm – không chỉ vì lương tâm nghề nghiệp mà còn ở nhân cách con người.

Nếu được bà nhận xét như thế thì xin bà hãy nhanh chóng cho tôi được thừa hưởng giây phút đặc biệt này, chắc là thú vị lắm!

– Thưa bác sĩ, chỉ một mẫu chuyện nhỏ mà thôi – tôi hứa với bác sĩ chỉ một mà thôi. Rồi sau đó tôi ra về ngay.

Thưa bà, tôi không chịu nổi cách giao ước với lời lẽ đe dọa như thế để chấn chỉnh sự thèm muốn của tôi – mà tôi xin bà vào chuyện ngay và cho xin tựa đề.

– Thưa bác sĩ: Bây giờ ông đã trở thành nhà tiểu thuyết lãng mạn nên tôi tạm đặt tên cho câu chuyện của tôi là “Tia chớp ái tình”. Khi tia chớp ấy xuất hiện trong đêm mưa gió mà tôi đã có lần mô tả cho ông rồi đấy!

     Nói xong, đúng như lời hứa, bà ta đứng phắt dậy và xin từ biệt để ra về một cách thản nhiên và dứt khoát như không còn gì phải lưu luyến!

TIA CHỚP ÁI TÌNH

     Cô ta là một nữ sinh học trường “ma sơ”, thích chơi đàn piano (dương cầm) từ bé theo cách giáo dục của gia đình. Nhà cô là một căn biệt thự trong một khu phố khá sang trọng của vùng đất Sài Gòn của những năm 60 – 70. Mỗi đêm cô thường ngồi chơi đàn một mình đến khuya, như để đàn lại các bài tập cổ điển đã được học tại trường Quốc gia âm nhạc (hình 4). Nhưng đêm hôm đó mưa rơi tầm tã, trời càng về khuya, mưa càng nặng hạt. Những bản nhạc cổ điển do cô ta đánh lên đã đưa tâm hồn cô vào cõi mơ mộng. Tuy nhiên, bên tai cô vẫn nghe có tiếng sột soạt ngoài cửa, nghe chừng có ai ngoài đó. Cô bèn đứng dậy để đi xem xét. Qua lớp kính mờ, cô thoáng thấy bóng một chàng thanh niên dong dỏng cao. Trông như anh ta đội một mái tóc híp- pi. Hình ảnh này thật quen thuộc trong giới thanh niên Sài Gòn với cái đầu quạ như thế mà cô chán ghét thế nào đấy! Nhưng cái đầu của anh chàng này – đêm hôm nay bất chợt lại “hấp dẫn” cô kỳ lạ! Cô bèn lấy tay quẹt qua lớp sương mờ của hơi nước để nhìn cho rõ. Anh ta đang đụt mưa bên ngoài mái hiên với vóc dáng đứng thẳng. Hai tay anh ta ôm chéo ngang ngực như để chống đỡ cái lạnh. Cô liền hé mở cánh cửa để mời anh ta bước vào trong. Anh ta quay mặt lại và nhìn cô bằng cặp mắt sáng quắc nhưng với một gương mặt lầm lì! Đến lúc này, cô chợt cảm nhận cặp mắt ấy là 2 ngọn hải đăng quét ánh sáng qua con tàu đang lênh đênh ngoài biển cả trong đêm giông bão. Cô tự hỏi – không biết anh ta đã thấy gì mình chưa nhỉ? Về cái lối ăn mặc của cô. Đối với cô điều đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài – cái áo mỏng manh như hơi sương. Còn cái bên trong đã được che kín bằng nền tảng văn hóa gia đình đối với con nhà lành đó là “chiếc áo giáp”.

     Ở vùng đất Sài Gòn, nơi nổi tiếng thế giới vì cái tên gọi “Hòn ngọc Viễn đông” từ thời thực dân xa xưa vọng về hay gần đây được gán cho một cái tên mới là Ba Lê phương Đông quyến rũ dù cho nó có sa đọa, tha hóa – thì “chiếc áo giáp” ấy vẫn là cái lá chắn bằng thép. Nhưng đối với cô, nó chỉ là để che mắt thánh trong giây phút căng thẳng. Cô đào Ma-rơ-lin Mông-rô (Marilyn Monroe) – khi vào nhà thờ – đã phải ngồi lên đôi bàn tay của mình khi nghe vị cha cố giảng đạo. Nếu không, cô sẽ dùng đôi bàn tay ấy để cởi toát toàng toang bộ đồ mặc trên người để nói rằng, không có đạo nào trong sáng hơn tấm thân nõn nà của nàng Eva mà chúa đã sáng tác bằng cảm hứng ban đầu khai thiên lập địa.

     Tuy nhiên, với dáng lấp ló của một người trông ra vẻ là đàn ông với dáng đứng thẳng, im lặng như pho tượng đồng khiến cô bỗng chốc quên đi bản thân mình. Lẽ ra trong trường hợp này, cô phải vào trong để khoác lên trên chiếc áo dày che bớt lớp lụa mỏng manh. Nhưng với cái “pho tượng” dường như vô cảm kia, nó không cần phải dòm ngó sâu vào trong đề tìm kiếm sự lơ đãng của cô gái.

     Cô nghĩ rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu” theo ngạn ngữ phương Tây, thì chiếc áo hớ hênh gợi dục cũng không thể vì thế mà biến cô thành cô gái ở nhà thổ. Cái không gian bên trong của ngôi biệt thự vắng lặng thuộc vùng đất Sài Gòn này là của riêng cô, không ai được phép rình mò nếu không phải là kẻ trộm. Cô thầm nghĩ, mà nếu cái pho tượng lầm lì trong cơn mưa gió kia có cắc cớ xoay đầu vào trong thì đấy là dịp để cô được phô bày cái thể xác nõn nà, trau chuốt mà bấy lâu nó bị ủ kín. Cô tin rằng ngoài pho tượng Phật ra thì không có nhà tu hành nào chịu khó ngồi thiền, lim dim đôi mắt mà không hướng về bộ thời trang bãi biển đằng sau lớp lụa mỏng chân chính.

     Nhưng cô đã tự cảm thấy mình cũng có chút gì biết che chắn để tránh bớt sự trơ trẽn đáng ngượng, thì đã có bộ bikini áp sát da rồi còn gì! Chỉ đáng trách là mấy cô gái – tự nhận là con nhà lành theo phong trào híp-pi quỷ quái nào đó dùng loại thời trang zíp-se-rê (váy ngắn) kéo tới “ngã ba ông Tạ” mà bên trong lại “xăng xú xăng xì” (không nịt vú, không quần xà) ngồi ngay cái quán kem đưa cặp đùi hướng ra đường Lê Lợi. Cái cách này cô cho là “sến” vì nó chỉ làm cho giới đàn ông đi đường phải mỏi lưng cúi xuống để nhìn vào cái “hang cua tối om ”.

     Trông như từ một con tàu đang lênh đênh ngoài biển cả! Cô mở cánh cửa rộng hơn. Anh ta im lặng rồi ngoảnh mặt ra đường. Dù là bị “tia chớp” loé vào tim nhưng cô vẫn còn đủ sức trở về chiếc đàn của mình. Còn cánh cửa hé mở vẫn cứ để đấy! Như mời gọi! Cô đặt tay lên phím đàn nhưng vẫn lắng nghe động tĩnh. Tiếng cửa rít nhẹ! Hình như anh chàng đã bước vào bên trong. Cô mỉm cười như để bồi dưỡng cho tâm hồn một niềm hạnh phúc bất chợt. Con tàu đã nhận được tín hiệu của ngọn hải đăng. Cô không cần phải ngoảnh đầu lại để quan sát. Cô có cảm nhận như con bướm đi tìm được bạn tình trong hơi gió! Cô bèn đứng lên bước vào bếp để chuẩn bị một ấm trà nóng. Thời gian chuẩn bị khá lâu, nhưng cô không sốt ruột chút nào. Bỗng nhiên, cô nghe có một nốt nhạc bâng quơ được đánh lên – Thì ra chàng ta đã mò tay lên phím đàn và nghịch ngợm như một đứa trẻ. Rồi 3 nốt nhạc được đánh lên cùng lúc. Như vậy anh ta đã đánh một hợp âm trầm. Anh ta cũng biết chơi đàn!? Cô cảm thấy thú vị!.

     Niềm hạnh phúc dâng lên như nước tràn bờ. Bình trà giờ đây đã sẵn sàng – nhưng cô không vội gì dọn ra ngay. Cô càn nín hơi chờ đợi một cái gì đó sẽ đổ xô tới để va chạm vào trái tim cô đơn của mình. Sự chờ đợi của cô đã có hiệu quả. Anh ta bắt đầu một bản nhạc “Mưa rơi” quen thuộc – “Mưa rơi! chiều nay vắng người”. Nhưng chỉ một đoạn nhạc rồi im bặt. Bỗng một bản nhạc quen thuộc hơn được đánh lên “Mộng dưới hoa”. Bất chợt một giọng ca trầm ấm như tiếng ểnh ương “chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng. ” Thật êm ả! Lãng mạn! Như tiếng nước róc rách âm thầm, rên rỉ. Trái tim cô như muốn vỡ tan.

     Bây giờ cô không còn đứng vững được nữa! Cô ngồi bên chân cầu thang, ôm chặt hai tay vào khay nước như để giữ yên niềm hạnh phúc vui sướng từ trong trí tưởng tượng về một chàng trai lịch lãm. Rồi tiếng đàn im bặt, im bặt thật lâu! Lúc này cô chợt tỉnh để trở về thực tế với cái bình trà. Cô bước nhẹ ra ngoài, nhìn vào cây đàn. Ơ! Anh ta đã không còn ở đó! Cô bèn đảo mắt nhìn quanh nhà. Rồi nhìn ra ngoài. Anh ta vẫn không có ở đó. Cô bèn ra cửa. Cánh cửa đã khép lại. Anh ta đã ra đi với chiếc xe đạp – Trời ơi! Tim cô như ngừng đập. Trời đất đã sụp đổ dưới chân cô. Nỗi thất vọng đã đè lên trái tim cô. Anh ta là ai? Một con người có ánh mắt phát ra tia chớp ái tình ấy. Bỗng dưng hai tay cô ôm mặt! Dòng nước mắt từ trong cõi lòng tuôn chảy.

     Đêm sau đó! Trước ngôi biệt thự, một tấm bảng nhỏ được treo trước cửa nhà – nơi chàng trai đã từng đứng đó: “Anh ơi! Anh là ai? Hãy trở lại!’’

     Tuy không ghi chép, nhưng từ trong ký ức mờ nhạt đã hiện rõ những mẫu đối thoại bỡn cợt như ong bướm.

     Ông bóp trán! Ngâm nga câu hát lấy từ trong ký ức “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của chàng nhạc sĩ nổi danh – Mà giờ đây ông ta đã đi theo vết chân ngựa hoang.

     Cái con người khi nó tự bộc lộ cái nửa sự thật còn lại ấy, tưởng chừng như đã đủ để khép lại hồ sơ bệnh án, thì bỗng chốc, nó đã mở hé ra một dấu vết tiềm ẩn mới.

     Lúc ấy – trước khi ra về – bà ta quay mặt ra hướng khác để lộ vẻ trầm ngâm rồi hững hờ đưa cánh tay lên cao. Bất chợt, bà bật cái nút áo ngực.

     Một tiếng động phát ra cộc lốc tựa như tiếng nấc thầm đơn độc của người phụ nữ trầm uất trong đêm khuya vắng. Nhưng tai ông lại nghe như tiếng kêu của viên đá cuội vừa rơi tỏm xuống khe suối tĩnh lặng của núi rừng, ông quay hướng nhìn vào nơi khua động. Một viên đá sỏi hoang dã màu đen treo lủng lẳng trên sợi dây ngũ sắc mong manh nằm gọn trên nền ngực nõn nà như bông bưởi (hình 5). Tại sao không phải là một viên đá quý, hồng ngọc hay kim cương… cho có thêm chút kiêu kỳ để tô điểm cho lớp vỏ hào nhoáng, ông bác sĩ nhìn qua cánh cổng sắt, đôi mắt mở to, tim đập mạnh như đang bị thôi thúc vào con đường phiêu lưu kỳ thú sắp đến để truy tìm cho ra dấu vết của người “Gõ cửa hoàng hôn” bị “Tia chớp ái tình ” trong đêm mưa bão ấy.

     Truyện của LÊ PHONG
(NGUYỄN MẠNH HÙNG 1)

____________
1. PGS, tiến sĩ sử học.

Minh họa: Họa sĩ Nguyễn Minh Trúc Sơn – Phó Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (năm 2013). (Ảnh minh họa: Ban Tu Thư đã chỉnh sửa lại tone màu theo yêu cầu của tác giả).

Truyện ngắn đã được đăng trên Tạp chí Thanh Niên, số 16, kỳ 4, tháng 4-2013.