Nhìn lại các YẾU TỐ góp phần hình thành BẢN SẮC VĂN HOÁ NAM BỘ

1. Hành trình văn hoá *

       Văn hoá là cái không có sẵn trong tự nhiên, mà là sản phẩm do con người tạo ra trong một điều kiện tự nhiên xã hội nhất định dưới sự tác động của một số yếu tố ngoại vi khác.

     Hiển nhiên là văn hoá Nam Bộ hình thành trên cái nền chung, cái cội nguồn của văn hoá dân tộc; tuy nhiên, “cái nôi” này không phải được truyền tải trực tiếp vào Nam, mà phải theo bước chân Nam tiến “nhảy cóc” của người Việt kéo dài suốt trên 6 thế kỉ (1069 – 1693) trên dải đất miền Trung, quê hương của người Chàm, rồi thêm vào đó là gần 200 năm (1627 – 1802) Đại Việt bị chia cắt thành Đàng Ngoài – Đàng Trong, như hai nước thù địch. Nên hành trang văn hoá mà lưu dân người Việt mang vào vùng sông nước Đồng Nai – Cửu Long hồi thế kỉ XVII – XVIII không còn cái nôi nguyên mẫu nữa mà được pha trộn thêm màu sắc văn hoá Chàm. Dù hai yếu tố trên là yếu tố ngoại vi, không diễn ra trực tiếp trên đất Nam Bộ, nhưng là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định bản sắc văn hoá của vùng đất này.

     Trong tình hình hiện nay, nhìn lại các yếu tố góp phần hình thành văn hoá Nam Bộ là một việc làm hết sức cần thiết, để từ đó nhận ra bản sắc của nó chính xác hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin điểm qua điều kiện tự nhiên và xã hội của Nam Bộ, mà chú ý đến các yếu tố ngoại vi, một bộ phận thường bị lãng quên khi nhận thức văn hoá Nam Bộ.

2. Các yếu tố ngoại vi

       Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, Nam tiến là xu thế phát triển. Buổi đầu dựng nước, ranh giới phía Nam nước ta là dãy Hoành Sơn, đến thế kỉ XI, dưới sức ép của hoàn cảnh quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, người Việt vượt qua dãy Đèo Ngang tiến về phương Nam. Trong suốt sáu bảy trăm năm với cách “nhảy cóc” đến thế kỉ XVI – XVII những lưu dân người Việt tiền phong mới vào đến vùng châu thổ Đồng Nai – Cửu Long, mà sử Trung Quốc gọi là Thuỷ Chân Lạp, vùng đất thường xuyên chịu sự tác động của hiện tượng biển tiến, biển thoái, đến thế kỉ XIII mới tạm dừng và để lại địa mạo như ngày nay.

2.1 Đường biên văn hoá *

2.1  Dãy Hoành Sơn, vừa là đường biên văn hoá giữa hai nền văn hoá lớn n – Trung, vừa là đường biên chính trị giữa hai nước Đại Việt – Chiêm Thành

       Hoành Sơn là một dãy núi ngang ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn dài 50 km, tách ra từ dãy Trường Sơn, nối liền từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận Biển Đông. Đỉnh cao nhất trong dãy núi có độ cao tuyệt đối là 1044 m. Trước kia, muốn vượt qua dãy núi này, người ta thường phải đi lên đèo Ngang cao tới 256 m và dài tới 6 km rất khó đi. Hoành Sơn vốn là biên giới tự nhiên giữa nước Đại Việt và Lâm Ấp (Chiêm Thành sau này). Từ thế kỉ thứ IV, vua Lâm Ấp đã xây luỹ để chống giữ quân Tấn. Phế tích này được gọi là luỹ Lâm Ấp, đến nay vẫn còn.

     Năm 992, dưới thời vua Lê Đại Hành, Ngô Tử An [6] được lệnh xây dựng đường đèo Ngang với gần 2.000 bậc đá. Đây là con đường độc đạo để đi lên dãy núi Hoành Sơn. Nhưng phải đến 500 năm sau thì Hoành Sơn – Đèo Ngang mới được biết đến nhiều trong chiến tranh TrịnhNguyễn và trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng NgoàiĐàng Trong. Năm 1833, vua Minh Mạng cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang và hình tượng trưng cho dãy Hoành Sơn được khắc vào Huyền đỉnh (một trong Cửu đỉnh).

     Ngoài tư cách đường biên chính trị, ranh giới giữa hai nước, Hoành Sơn còn là ranh giới ảnh hưởng của hai nền văn hoá lớn trên thế giới kéo dài hàng ngàn năm trên đất Đại Việt:

     – Phía bắc là Đại Việt, nơi chịu ảnh hưởng văn hoá Tam giáo của Trung Quốc, như các nước vùng Đông Á (Nhật Bản, Triều Tiên, Đại Hàn). Sau thời kì tự chủ dưới hai quốc hiệu Văn LangÂu Lạc, Đại Việt rơi vào sự thống trị của Trung Quốc hàng ngàn năm. Đến thế kỉ thứ X, quật khởi giành độc lập, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Tam giáo, nhưng văn hoá Đại Việt vẫn có bản sắc riêng. Văn hoá Việt Nam dưới thời Lý, Trần mang đậm nét màu sắc Phật giáo, sang Hậu Lê, ảnh hưởng Nho giáo ngày càng có ưu thế hơn.

     – Phía nam là Chiêm Thành, Chân Lạp chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn Độ, như các nước vùng Đông Nam Á (Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia…). Trong nhiều thế kỉ trước, giới thương thuyền quốc tế gọi vùng giáp ranh này là bán đảo IndoChine (Ấn – Trung) chủ yếu dựa vào điểm này.

     Lịch sử Chiêm Thành cổ, bao gồm các tiểu quốc Hồ Tôn, Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành (Campanagara) và Thuận Thành (Nagar Cam), độc lập được từ năm 192 và kết thúc vào năm 1693, Nguyễn Phước Chu đổi đất phần đất cuối cùng của Chiêm Thành (vùng Tam Phan) thành trấn Thuận Thành.

     Chủ nhân vương quốc là người Chàm (1) có nguồn gốc Malayo – Polynésian thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian), di cư từ Bornéo đến đất liền Đông Nam Á vào thời đại văn hoá Sa Huỳnh ở thế kỉ thứ 1 và thứ 2 tr.CN. Tôn giáo chính của người Chàm là Ấn độ giáo, chủ yếu là Shiva giáo, tức là đạo thờ thần Shiva, chịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố tín ngưỡng bản địa Po Yang, trong đó tín ngưỡng Po Yang Inư Nagar là phổ biến. Biểu tượng chính của tôn giáo Shiva của người Chàm là linga, mukhalinga, jatalinga, linga chia tầng, kosa,… Có thể chia tôn giáo Chàm ở Việt Nam thành ba nhóm chính: Chàm Bàlamôn (Bà Chăm), Bàni (Hồi giáo bản địa hoá). Hồi giáo bắt đầu xâm nhập vào Champa từ sau thế kỉ thứ X, nhưng chỉ sau năm 1471 thì ảnh hưởng của Hồi giáo mới rõ nét.

       Hàng ngàn năm trước khi hai nước có mối quan hệ (từ năm 938), hai nước xuất phát từ hai ý thức hệ khác nhau: Đại Việt chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, với thế giới quan dựa trên thuyết âm dương ngũ hành, chọn ý thức của Nho giáo để quy định những phép tắc hành xử xã hội, tuân thủ Tam cương Ngũ thường, dựa vào tư tưởng trung quân của Khổng Mạnh để xây dựng chánh quyền theo mô hình trung ương tập quyền, dưới sự cai trị của vua là Thiên tử, tức con Trời, đồng thời còn là Vua Phật (thời Lý Trần); còn Champa với chế độ đẳng cấp của Bà la môn giáo có những phép tắc ứng xử riêng biệt, vốn không phù hợp với lễ giáo Khổng Mạnh và nền tảng nhà nước xây dựng theo mô hình quân chủ phân quyền (một quốc gia thống nhất với nhiều tiểu quốc), theo quan niệm Vua – Thần.

     Xét về nhiều mặt, đây là hai ý thức hệ có nhiều phạm trù đối lập nhau, khó tìm ra những điểm chung, cho nên Hoành Sơn vừa là đường biên chính trị giữa hai nước Đại ViệtChampa vừa là đường biên văn hoá giữa Tam giáoẤn giáo trong nhiều thế kỉ, trước khi hai nước có quan hệ ngoại giao.

       Từ thế kỉ XI, quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Champa diễn ra rất đa dạng từ hoà bình giao hảo, nộp cống, hôn nhân đến chiến tranh, chiếm đất, bắt tù binh,… Nhờ đó văn hoá hai nước mới có điều kiện cọ sát và tiếp biến. Sự giao thoa văn hoá dù bằng con đường cưỡng bách hay tự nguyện, phải được nhân dân địa phương tình nguyện tiếp nhận, vì sự tiếp nhận tự nguyện một yếu tố văn hoá nào đó là tất yếu cho bản thân sự tồn tại và sự đa dạng của mỗi nền văn hoá. Sau mỗi lần thắng trận, quân ta thường bắt nhiều tù binh đưa về, trong đó ngoài cung phi vũ nữ, phần lớn là nghệ nhân cho họ ở chung quanh Thăng Long phục vụ cho triều đình, xây dựng cả đền thờ Pô Nagar cho số cư dân này,… Qua nhiều thế kỉ, trong môi trường văn hoá Khổng Mạnh, nhiều yếu tố văn hoá Champa không có sức lan toả vào nếp sống của cộng đồng người Việt, ngược lại còn bị Việt hoá. Đến thế kỉ XI, khi người Việt vượt biển hoặc Đèo Ngang vào đất Chiêm mức độ Việt hoá ngày càng cao và sâu sắc hơn.

__________
1. Cham (hay Cam) là một dân tộc trong cộng đồng dân tộc thuộc vương quốc Champa (hay Campa) cổ. Campa đọc là “cham-pa”. Có nhà viết sử phiên âm Campa là Chiêm Bà. Chàm là do người Việt phiên âm chữ CHAM (hay CAM). CAM trong akhar thrah (chữ truyền thống Cham) viết không có dấu âm pauh thơk, đọc là “cham”. Cả người Thái, người Lào hay Khơ-me cũng đọc là “Cham”. Nhưng do đặc trưng giọng nói của người Cham vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận) phát âm nặng hơn nên CHAM biến thành CHĂM. Do chi tiết này nên từ ba hay bốn thập kỉ qua, một số người Cham viết thêm pauh thơk vào chữ truyền thống. Từ đó, có nhà nghiên cứu phiên âm thành “Chămpa”. Trên cơ sở đó, năm 1979, Nhà nước chính thức quy định CHĂM là tên gọi tên dân tộc Cham.

Còn trước năm 1979, trong vốn từ Việt suốt miền Trung, không có CHĂM mà chỉ có CHÀM là vậy: Tháp Chàm, Cù lao Chàm, giếng Chàm (hay giếng Hời) vàng Chàm,… Ngay cả nơi người CHAM sống hiện nay cũng có mặt cả khối địa danh liên quan đến CHÀM: Phan Lí Chàm, Ma Lâm Chàm, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm,… (Inrasara, Báo Điện tử Đà Nẵng, ngày 23-8-2010).

2.2. Cuộc Nam tiến diễn ra dưới hình thức “nhảy cóc”

       Để có không gian sinh tồn và phát triển, trong hoàn cảnh của người Việt luôn bị áp lực to lớn từ phương Bắc, chỉ còn con đường tiến về phương Nam. Do điều kiện khách quan và cả chủ quan, cuộc Nam tiến của người Việt diễn ra dưới hình thức có thể nói là tiệm tiến”. Lịch sử cho thấy, để tiến qua hết dãy đất Trung Bộ, từ dãy Hoành Sơn đến Phan Thiết – Bình Thuận, người Việt phải mất đến hơn 600 năm (1069 – 1693) và gần 200 năm (1623 – 1757) để tiến từ miền đông đến tây Nam Bộ. Cụ thể như sau:

     –  Trên đất Trung Bộ, dưới ba triều đại LýTrầnHồ là thời kì thường xuyên có các cuộc giao tranh giữa các vương triều Đại Việt với Chiêm Thành ở phía Nam. Phần thắng thường thuộc về nước Đại Việt, vốn là nước mạnh hơn. Năm 1069, dưới triều vua Lý Thánh Tông, vua Chiêm là Chế Củ buộc phải dâng đất của ba châu Bố Chính, Địa LíMa Linh cầu hoà (nay là Quảng Bình và bắc Quảng Trị). Năm 1306, nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Mân, đổi lại Chế Mân dâng đất cho Đại Việt gồm Châu ÔChâu Rí, nay thuộc vùng nam Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, lãnh thổ Đại Việt kéo dài tới đèo Hải Vân.

     –  Trong thời kì đầu nhà Hậu Lê, Chiêm ThànhĐại Việt quan hệ tương đối giao hảo. Đến năm 1470, vua Lê Thánh Tông phái danh tướng Đinh Liệt cầm 20 vạn quân đánh Chiêm Thành. Năm 1471, Lê Thánh Tông sáp nhập miền bắc Chiêm Thành, từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông, đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam ngày nay và cho khắc chữ vào vách đá trên đỉnh núi Thạch Bi, phân định ranh giới.

     –  Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng phái Văn Phong đem quân vào đánh nước Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên, nay thuộc Phú Yên. Năm 1653, Chúa Nguyễn Phước Tần sai cai cơ Hùng Lộc sang đánh, vua Chiêm là Bà Tấm xin hàng, chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm phủ Thái Ninh, sau đổi làm phủ Diên Khánh, nay thuộc Khánh Hoà. Năm 1693 với lí do vua Chiêm Thành là Bà Tranh không triều cống, chúa Nguyễn Phước Chu Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh bắt được vua Chiêm, Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận Phủ, nay thuộc Bình Thuận.

     Hình thức Nam tiến nhảy cóc này là một tác nhân vô cùng quan trọng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá. Tiến một bước rồi dừng lại, để sau đó tiến thêm bước nữa, cứ như thế tiếp tục, theo kiểu “tằm ăn dâu”, như Nguyễn Cư Trinh nói. Kiểu tiệm tiến này tạo ra điều kiện thời gian kéo dài để cho văn hoá của hai cộng đồng có cơ hội diễn ra hiện tượng thẩm thấu có chọn lọc.

       Dù bằng con đường hoà bình hay chiến tranh, xét về phương diện lí thuyết thì tính ưu trội của mỗi nền văn hoá sẽ được đối phương tiếp nhận và sử dụng tự nguyện như một giá trị của khu vực và nhân loại. Giá trị này làm cho mỗi nền văn hoá vừa muốn chối bỏ về mặt hình thức vì tự tôn dân tộc, nhưng bên trong lại muốn đón nhận vì cái hữu ích và thực tế của nó [2].

     Trong trường hợp cụ thể sự giao lưu tiếp biến giữa văn hoá Đại Việtvăn hoá Champa trên đất Trung Bộ trong thời gian từ thế kỉ XI đến thế kỉ XVII, không dừng lại ở đó. Hiện tượng thẩm thấu văn hoá đến lúc bão hoà sẽ tạo ra một giá trị mới, với nội dung bao gồm giá trị cũ có bổ sung phần giá trị mới; trong đó giá trị cũ là bộ phận chủ đạo. Cụ thể, nếu gọi V là giá trị nền tảng, trước khi có hiện tượng thẩm thấu, v là phần bổ sung và V’ là giá trị mới, thì: V + v = V’.

       Ở đây vấn đề đặt ra là vào đầu thế kỉ XVII, khi lưu dân người Việt từ Nam Trung Bộ vào Mô Xoài – Bà Rịa, ngoài những công cụ để phá rừng làm ruộng, đánh bắt lâm thuỷ sản, hành trang văn hoá họ mang theo là những gì? Chứa đựng nội dung như thế nào? Đó có phải là văn hoá nguyên mẫu của cái nôi sông Hồngkhông?

       Hơn 600 năm (1069 – 1693), văn hoá dân tộc Việt giao thoa qua lại với văn hoá bản địa dù với tư cách là người thắng trận, là người chủ mới, sự tác động này vẫn là hai chiều qua lại và đàng nào cũng vừa có cho vừa có nhận. Vì tự tôn dân tộc, về mặt tổ chức quản lí đời sống xã hội trên vùng đất mới vẫn theo nguyên tắc Nho giáo, vua chỉ là con Trời, nhưng bên cạnh đó vua lại có quyền sắc phong cho thần của kẻ bại trận, nhưng thần ở đây là thần trong hệ thống thần của đạo Bà la môn, theo nguyên tắc thiên tử phong bách thầncủa Nho giáo, cốt để làm giàu hệ thống thần linh quốc gia. Theo Nho giáo, thần càng nhiều, chỗ dựa của quyền lực triều đình càng vững chắc.

      Đó là chưa đề cập đến tình trạng tự phát trong lãnh vực dân sự, cộng đồng cư dân thắng trận từng bước Việt hoá các yếu tố văn hoá Champa theo mô thức kết hợp môi trường tự nhiên với hành trang văn hoá dân tộc mang theo và văn hoá bản địa theo chiều hướng có lợi cho họ, để thích nghi với cuộc sống trên vùng đất mới.

     Từ đó, cái nhà không chái(1) trở thành nhà rường đâm trính xuyên lãng với một hai hoặc ba gian hai chái; các món tương bần, cà pháo, mắm cáy, mắm tôm,… trở thành: mắm nêm, mắm nục, mắm ruốt…; chiếc váy (2) thâm, váy đùm trở thành cái quần, chiếc áo tứ thân, áo mớ ba mớ bảy trở thành áo dài,… Và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện của quần chân áo chít”, bộ trang phục ban đầu áp dụng tại hai vùng Thuận Hoá, Quảng Nam, về sau được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc, từng bước trở thành quốc phục của triều Nguyễn.

        Về mặt tín ngưỡng, người Việt không cải biên các tục thờ cổ truyền của dân tộc được mang theo, mà tiếp biến tín ngưỡng bản địa thành niềm tin tín ngưỡng mới phù hợp với tín ngưỡng dân tộc, Bà Mẹ xứ sở của người Chàm (Pô Yang Inư Nagar) thành bà Thiên Y Ana, bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc, bà Bô Bô, bà Giàng, bà chủ Ngu Man nương,…; các bumông trở thành miếu, đền,…

       Cho đến lúc ấy, đường biên văn hoá Việt – Champa không còn nữa. Tuy nhiên, một đường biên khác lại hình thành, đó là đường biên chính trị có tác động không kém phần quan trọng, làm cho có sự khác biệt lớn về văn hoá giữa hai miền Bắc và Nam Bộ sau này. Đó là tình trạng chia cắt lâu dài trong cuộc tranh chấp TrịnhNguyễn.

__________
1. Từ câu: “Nhà không chái, đái không ngồi, nồi không quai”.

2. Từ câu đố: “Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tàu thì không”.

2.3. Tình trạng đất nước bị chia cắt lâu dài

       Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn đưa đến việc hình thành Đàng NgoàiĐàng Trong, như hai nước thù địch. Sau 45 năm (1627 – 1672) đánh nhau không phân thắng bại, hai đàng mặc nhiên công nhận sông Gianh là biên giới giữa hai Đàng. Sông Gianh ở phía nam dãy Hoành Sơn, dài khoảng 160km, chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, đến gần Ba Đồn (có vĩ độ 17°45′25″B), còn cách biển 6km sông rộng khoảng 1km để đổ ra Biển Đông ở Cửa Gianh.

       Nếu là hai nước bình thường, thì ngoài quan hệ ngoại giao cấp nhà nước còn quan hệ ngoại giao dân sự tự phát theo yêu cầu phát triển xã hội của nhân dân hai nước. Ở đây là hai nước thù địchdù cùng tôn phù triều đại nhà Lê, nên quan hệ lãnh vực ngoại giao hầu như không có, diễn trình xã hội của mỗi nước phát triển theo hướng riêng với xu thế diệt trừ lẫn nhau. Mọi mối quan hệ dân sự giữa hai đàng đều bị nghi ngờ là hoạt động gián điệp, cụ thể như trường hợp thiền sư Hương Hải, một nhà sư thuộc phái Trúc Lâm phục hưng ở Đàng Trong (1),… Mọi sinh hoạt giao lưu văn hoá giữa hai Đàng xem như cắt đứt hoàn toàn, không hề có tác động qua lại lẫn nhau suốt trong một thời gian dài gần hai thế kỉ. Nếu chỉ tính từ lúc chiến tranh giữa hai Đàng diễn ra (1627), đến khi quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh vào Nam (1775) quân Trịnh tiến vào Phú Xuân, Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam, quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hoá là 158 năm. Nhưng một số các cuộc nội chiến khác liên tiếp diễn ra tiếp theo giữa các thế lực Tây Sơn, quân Trịnh, Nguyễn Phước Ánh, đến năm 1802, kéo dài thêm 27 năm nữa mới chấm dứt và đất nước thu về một mối.

        Hơn một thế kỉ rưỡi đầu của thời kì phân li này đóng vai trò quyết định làm cho văn hoá Đàng NgoàiĐàng Trong ngày càng khác biệt. Vì ngoài sự giao lưu tiếp biến theo quy luật lan toả của sinh hoạt văn hoá, còn có sự can thiệp hành chánh của nhà nước, cụ thể là dưới thời chúa Nguyễn Phước Khoát. Từ lâu các chúa Nguyễn đều thực hiện lời trăn trối của chúa Nguyễn Hoàng trong lúc lâm chung, như một di chúc chính trị là lập ở Đàng Trong một triều đình riêng biệt. Đến triều chúa thứ tám, Nguyễn Phước Khoát (1738 – 1765), Đại Nam thực lục tiền biên viết: “ …cho rằng, lời sấm có câu nói: Bát đại thời hoàn trung đô, bèn cho thay đổi y phục, phong tục, cùng dân đổi mới, châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn chức từ quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo, võ từ chưởng cơ đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bực). Thế là văn vật một phen đổi mới” [5, tr. 208].

       Để tỏ rõ quyết tâm độc lập thực sự với Đàng Ngoài của chúa Trịnh, chúa Nguyễn cho dời phủ chúa từ làng Bác Vọng về lại Phú Xuân, năm 1744, xưng vương hiệu là Võ Vương, cho đúc ấn Quốc vương, bỏ Tam ti lập ra Lục bộ, lập Phú Xuân thành thành đô, trong văn bản đổi chữ “thân” thành chữ “tấu” và vẫn dùng niên hiệu nhà Lê, nhưng với các thuộc quốc thì là Thiên vương. Điều này cho thấy văn hoá Champa mang màu sắc Ấn giáo đã tác động đến tận đỉnh cao của quyền lực phong kiến chúa Nguyễn. Trước đây các vua Lý, Trần đều xưng là Phật vương, ở đây “với quan niệm nhìn nhà vua như là một thần linh cao cấp – không phải là loại thần thứ cấp, loại chỉ “con Trời” mang xác phàm, phải tế Cha (Trời) hàng năm qua lễ Giao. Trên đất nước của vương quốc Chàm, Angkor, vua chính là thần linh với yếu tính nhập vào trụ đá linga và quan niệm devarajah, có thể dịch qua chữ Thiên vương, đã để dấu ấn đậm nơi dân chúng và những người cầm đầu đất Đàng Trong [8, tr. 204].

      Chúa còn quy định y phục mới cho dân chúng, cụ thể là phụ nữ phải mặc áo dài và quần chớ không mặc váy, như ở Đàng Ngoài. Ông giao cho triều thần nghiên cứu tham khảo chiếc áo dài của người Chàm (áo Aw kamei Cam, giống hệt áo dài hiện nay nhưng không xẻ nách), với áo dài của phụ nữ Thượng Hải (gọi là sườn xám, xẻ đến đầu gối) và áo tứ thân của ta, để chế ra áo dài cho phụ nữ Đàng Trong và phải mặc với quần hai ống (2).

      Từ đó, phong tục tập quán, kể cả tín ngưỡng hai Đàng chẳng những phát triển theo hướng riêng mà còn không có điều kiện giao lưu, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Cho đến cuối thế kỉ XVI- XVII, trong khi trên đất Bắc, tục thờ Bà (thờ Mẫu) chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, phát triển đến đỉnh cao là mẫu Tam Tứ phủ; cùng trong thời điểm này ở Đàng Trong, tín ngưỡng Pô Yang Inư Nagar, người Mẹ xứ sở của Champa bị Việt hoá qua tín lí thờ Mẹ Đất, tín ngưỡng phồn thực của người Việt lần lượt trở thành các bà: Thiên Y Ana, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, bà Bô Bô, bà Giàng, Chúa Thượng động,… Các hiện thân này, khi vào Nam Bộ kết hợp với bà Néang Khmau của người Khơ-me trở thành Bà Chúa xứ, một nữ thần tiêu biểu ở Nam Bộ.

       Như vậy, rõ ràng trong vòng hơn sáu thế kỉ Nam tiến và gần hai thế kỉ Đại Việt rơi vào tình trạng chia cắt, ngay trên đất Thuận Quảng, quê hương của văn hoá Champa một thời rực rỡ, đã hình thành một nền văn hoá mới, mang màu sắc ViệtChàm. Như vậy, nếu gọi V là văn hoá cội nguồn của dân tộc, bây giờ đã trở thành V’. Có thể nói đây là cơ sở chủ yếu, là yếu tố nền tảng góp phần hình thành văn hoá vùng Nam Bộ, vì đại bộ phận lưu dân vào Nam trong hai thế kỉ XVII và XVIII đều xuất phát từ Thuận Quảng.

       Đường biên giới chính trị sông Gianh bị xoá vào năm 1786, lúc Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long, nhưng thật sự đến năm 1802 đất nước mới thống nhất dưới triều Gia Long. Khoảng 150 năm sau, một đường biên chính trị khác xuất hiện với sông Bến Hải từ 1954 đến 1975.

       Các cuộc chia cắt lâu dài trong lịch sử chẳng những tạo nên những dấu ấn trong văn hoá, mà còn là một tác động ảnh hưởng đến tâm lí của cư dân Việt ở Nam Bộ. Xuất phát từ nguyên nhân xa quê cũ, xa cội nguồn dân tộc, không biết bao giờ mới có dịp quay trở về, nên họ cố giữ gìn, trân trọng, bảo tồn vốn cũ, để qua đó hướng về đất Tổ, quê Cha. Bên cạnh lời thơ của tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, còn biết bao nhiêu tâm tình tương tự. Trong tục cúng việc lề và một số tục cúng đình miếu khác ở Nam Bộ đều có nghi thức thả bè chuối với gạo muối, nước ngọt, củi đun,… với niềm xác tín là đưa tổ tiên về thăm lại quê ở miền Trung. Quê cũ miền Trung được họ gọi là ở ngoải, ở Ngũ Quảng, ngoài Huế, ở Đàng Ngoài. Đàng Ngoài ở đây không phải là Đàng Ngoài theo cách hiểu thông thường, mà là ngoài Nam Bộ, tức chỉ vùng Thuận Quảng.

     __________
1. Thiền sư rất được chúa Nguyễn trân trọng và tin dùng. Nhưng do có quan hệ mật thiết với Thị Nội giám là Gia quận công, vốn là quan lại của Đàng Ngoài bị chúa Nguyễn bắt trong lúc đánh chiếm 7 huyện của trấn Nghệ An trong thời gian (1655 – 1660), sau đó được chúa tha và cho dạy học trong nội cung. Bị người ghen ghét dèm pha, chúa Nguyễn nghi thiền sư là gián điệp của chúa Trịnh, bị chúa Nguyễn đày vào Quảng Nam để hành đạo. Năm 1682, thiền sư cùng 50 đệ tử đào thoát ra Đàng Ngoài, khiến Đàng Trong khan hiếm tu sĩ Phật giáo, giới mà chúa Nguyễn đang cần để củng cố thế lực.

2. Gọi như thế để phân biệt với chiếc quần không đáy (tức cái váy, cái củn). Chữ quần (Hán, bộ y), chỉ đồ mặc để che phần dưới thân thể của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa, phải được hiểu và phải được dịch nôm là cái váy để khỏi nhầm lẫn với cái quần đàn ông. Điều này đã được tranh dân gian Oger (1909) chứng minh rõ ràng hơn qua một tấm vẽ người phụ nữ mặc váy. Tranh được ghi chú bằng chữ Hán Nôm “dã phụ y thử quần, tục danh quần đùm” (váy của người phụ nữ nhà quê, tục gọi là váy đùm). Người người phụ nữ trong tranh mặc váy, do đó chữ quần (Hán) phải được dịch (Nôm) là váy. Váy đùm là váy buộc túm cạp lại.

3. Điều kiện tự nhiên

       Ở đây chỉ xin bàn đến yếu tố sông nước, một trong những yếu tố có tính quyết định bản sắc văn hoá Nam Bộ.

      Với đặc điểm là vùng đồng bằng châu thổ, sông rạch chằng chịt và một số vùng trũng (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh,…), một số ít núi đồi thấp ở miền đông và tây nam; đặc biệt là mùa nước lên hàng năm có tính chu kì, kéo dài vài ba tháng tuỳ theo vùng, là cơ sở hình thành nhiều dạng địa hình sông nước và hiện tượng tự nhiên mà nơi khác không hoặc ít có.

     Địa hình thường thấy: rạch, lòng, ngọn, ngả, xép, xẻo, cồn, bãi vàm, lung, láng, bàu, trấp, bưng, doi, vịnh, dứt, sình, dớn, tràm,… Hiện tượng phổ biến: nước ngập (nước lên, mùa nước, không có nước lũ), chỗ giáp, nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước những lớn, chụp ròng, nước quay, nước sình, nước thúi, nước ương,… Điều kiện sông nước với địa hình và hiện tượng tự nhiên trên là yếu tố chủ đạo mang tính quyết định trong cuộc sống hàng ngày của cư dân Nam Bộ.

     Trong lao động sản xuất, trong chài lưới, đánh bắt thuỷ sản, trồng lúa,… đều phải dựa vào quy luật của con nước để chọn thời điểm, dụng cụ và thao tác lao động. Do điều kiện thuỷ văn tương đối ổn định, người ta không cần phải đắp đê. Với cái phảng phát cỏ, con trâu, cái cày, cái bừa vớ đất, vùng nước sâu dùng cày ta, vùng ruộng cao dùng cày mên (Miên). Khi thu hoạch, dùng liềm để cắt lúa để đập bồ, dùng vòng hái để gặt lúa rồi dùng trâu đạp. Khi chuyển lúa về nhà, dùng cộ, xe trâu, lĩa trâu,… khi nước cạn, dùng ghe xuồng khi nước sâu,… Vào mùa nước tuỳ theo địa phương, người ta áp dụng nhiều cách đánh bắt khác nhau; ngoài chài lưới, câu, đáy, người ta còn đào mương xây rọ, làm vó gạt, đào đìa,… Cá nhiều quá, ngoài làm mắm, làm cá khô, người ta còn dùng cá để nấu dầu để đốt đèn, làm phân bón cây trồng,…

     Sông nước cung cấp cho cư dân địa phương nhiều loài tôm cá cùng các loại rau dại theo mùa. Mùa nước lên mọi thứ đều phong phú đa dạng hơn. Trên cơ sở các nguyên liệu đó, con người chế biến thành nhiều món ăn, chẳng những khoái khẩu mà thích ứng với thời tiết, phòng chống bệnh tật. Vào mùa nước lên, do phải thường xuyên lao động trong môi trường nước, con người cần thức ăn mặn để chống chọi với cái lạnh; sẵn cá tôm dồi dào, ăn tươi không hết, người ta chế biến thành nhiều thứ mắm, thứ cá khô để dùng trong mùa này.

     Về nhà ở có hai loại kết cấu phổ biến, tuỳ thuộc vào mức độ nước lên hàng năm ở địa phương, là nhà nền đất đắp cao, hoặc nhà sàn (không gọi là nhà sàn trên cộc). Đại đa số dân nghèo, người ta thường sử dụng cây gỗ, tre, lá, đưng, lát,… có sẵn tại chỗ để dựng nhà. Nhà sàn của người Việt Nam Bộ không giống như sàn của tộc người khác từ kết cấu đến công năng. Làm nhà sàn với mục đích không bị ngập trong mùa nước, nên sàn không cao lắm và dưới sàn bỏ trống không sử dụng. Tuy nhiên, để đề phòng, nước dâng cao đột xuất, ở vùng thường bị nước ngập sâu, người ta thiết kế sàn nhà rời không gắn chặt vào cộc; trên cộc có vài ba nấc cách nhau khoảng 0,20 m, để có thể nâng lên hoặc hạ sàn xuống dễ dàng tuỳ theo nước lên hay xuống.

     Việc đi lại, vận chuyển ở Nam Bộ chủ yếu bằng đường thuỷ, đường bộ phát triển về sau này. Phương tiện di chuyển rất đa dạng, phổ biến nhất là xuồng ba lá vào mùa nước nhà nào cũng có ít nhất là một chiếc, vì “lấy xuồng là chân”. Xuồng di chuyển bằng nhiều cách: bơi bằng dằm, chèo với một hoặc hai chèo, chống bằng sào hoặc sào nạng. Ngoài xuồng ba lá còn có nhiều loại khác, như xuồng cui, xuồng Cần Thơ, xuồng độc mộc, xuồng cà – dom,… Ghe càng đa dạng hơn: ghe tam bản, ghe hầu, ghe lường, ghe chài, ghe bầu,… Do quá nhiều sông rạch nên trên đường bộ ngày xưa có nhiều cầu khỉ.

     Dọc theo bờ sông thường có miếu thờ Bà Thuỷ, Thuỷ Long thần nữ, Bà Cậu, Ngũ Hành, ghe nào cũng có trang thờ Bà Cậu mong được Bà phù hộ độ trì tai qua nạn khỏi khi giông to sóng lớn,… Các đình ở ven sông, khi rước sắc thần, đám rước cũng diễn ra trên sông nước. Mỗi khi cúng miếu, cúng đình,… thường có tục thả bè trên sông, với ước mong đưa tổ tiên về thăm quê ở miền Trung.

     Những năm nước ngập sâu, kéo dài nhiều tháng, khi có người qua đời trong lúc này, không có nơi chôn cất, người ta tẩm liệm thi hài trong một cái lu (chum), rồi bỏ xuống nước, lấy dây neo vào gốc cây, để cái lu không bị nước cuốn trôi đi, hoặc tẩm liệm vào quan tài bình thường rồi đưa ra nơi xa xóm làng dùng cây xóc chéo làm cái dàn để quan tài trên đó,… đến khi nước xuống mới đem chôn cất.

     Sông nước Nam Bộ, từ lâu chẳng những đi vào thơ ca bình dân cũng như bác học, lịch sử với những chiến thắng chống quân Xiêm xâm lược lừng danh như Rạch Gầm – Xoài Mút (1785) vàm Nao – Sông Tiền (1834), mà còn trở thành nhiều biểu tượng ngôn ngữ qua nhiều khái niệm, như: Xe đò, bến đò, Xa cảng, Phi cảng, Xử chìm xuồng, Cho mò tôm, Cạn đìa mới biết rô trê, Bộ râu cá chốt, Tìm đụt nước, Thừa nước đụt thả câu, Đi cầu, Đi sông, Ngâm tôm, Thứ bắt cá hai tay, Có giang /Quá giang, Bán vàm, Bối,… người phương xa thoạt nghe, rất khó hiểu, nhưng nó thể hiện khả năng sáng tạo, tư duy phong phú của cư dân địa phương,… góp phần làm giàu ngôn ngữ dân tộc.

4. Cơ sở xã hội

       Cơ sở này ở Nam Bộ rất phong phú và đã được bàn đến rất nhiều khi nói đến văn hoá Nam Bộ; ở đây chúng tôi chỉ bàn đến cuộc nội chiến Tây SơnNguyễn Ánh trên đất Nam Bộ, như một yếu tố góp phần hình thành bản sắc văn hoá Nam Bộ.

     Nam Bộ không phải là nơi có cơ sở xã hội trực tiếp làm nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chiến tranh diễn ra ở đây là do lực lượng Tây Sơn truy đuổi đám tàn quân của Định vương Nguyễn Phước Thuần trên đường trốn tránh. Hơn nữa, hoàn cảnh kinh tế – xã hội Nam Bộ vào cuối thế kỉ XVIII hoàn toàn khác hẳn với vùng Thuận Quảng và càng khác xa với Đàng Ngoài. Do đó, tính chất cuộc nội chiến trên địa bàn này không giống như ở miền Trung và miền Bắc, đã tạo nên một dấu ấn sâu đối với văn hoá Nam Bộ. Cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh riêng trên đất Nam Bộ không đơn thuần là cuộc khởi nghĩa nông dân và tính chất này thay đổi qua hai giai đoạn:

4.1. Giai đoạn đầu (1777-1787)

        Tính đến thời điểm trước khi anh em Tây Sơn ra mặt kình chống nhau bằng võ lực để giải quyết quyền lợi theo kiểu phong kiến cát cứ (tháng 2 /1787), Tây Sơnlực lượng tiến bộ, tiêu biểu cho nguyện vọng nhân dân đáp ứng yêu cầu thống nhất đất nước, chống lại bộ máy nhà nước quân chủ chúa Nguyễn quá yếu kém, không đủ sức quản lí Đàng Trong, làm cho đời sống nhân dân khốn khổ, bần cùng. Triều đại các chúa Nguyễn thật sự chấm dứt theo cái chết của Định vương Nguyễn Phước Thuần (tháng 9 /1777).

      Phong trào Tây Sơn lúc đầu, ngay trên đất Quy Nhơn, chẳng những thu hút được đông đảo nông dân mà còn có nhiều tầng lớp xã hội khác (thương nhân, thợ thủ công, quan lại nhỏ,…) và có sự hiện diện của người Hoa và một số dân tộc ít người khác. Vì thế phong trào không đơn thuần là một cuộc khởi nghĩa nông dân chống phong kiến, mà còn là một cuộc đấu tranh xoá bỏ tình trạng cát cứ, thống nhất đất nước.

      Chủ tâm của Tây Sơn đối với Gia Định là tiêu diệt thế lực quân sự Nguyễn Ánh, thu gom vật lực, tài lực để phục vụ mục tiêu lớn hơn là tiêu diệt chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, hơn là chiếm cứ quản lí đất đai. Nên trong suốt thời gian làm chủ Gia Định, Tây Sơn chưa có một công trình nào về kinh tế – xã hội đáng kể, khả dĩ thay đổi cấu trúc xã hội cũ, triệt tiêu các tiềm năng xã hội có thể giúp lực lượng Nguyễn Ánh hồi phục. Sau mỗi lần chiến thắng, đại quân Tây Sơn rút đi, chỉ để lại một bộ phận quân sự nhỏ ở lại lo việc phòng thủ, hơn là tổ chức một hệ thống hành chính quản lí mới, cải tạo xã hội, thu hút nhân tâm. Do đó, chúng ta không lạ gì khi thấy cái cảnh lặp đi lặp lại là đại quân Tây Sơn rút đi không bao lâu thì lực lượng Nguyễn Ánh hoạt động trở lại…

       Tính chất nông dân chống phong kiến của cuộc nội chiến này không thể hiện rõ ở Gia Định (Nam Bộ). Vì lúc bấy giờ giới điền chủ ở đây chưa thực hiện xong quá trình tập trung ruộng đất, chưa thật sự câu kết với quan lại chúa Nguyễn để hình thành giai cấp phong kiến địa chủ. Nông dân ở Gia Định có bị bóc lột, song chưa đến độ gay gắt để hình thành mâu thuẫn với giới điền chủ. Đất đai Gia Định còn hoang vu, vô chủ, chỗ này sống không được, lưu dân sẵn sàng bỏ đi nơi khác khai khẩn làm ăn sinh sống. Mâu thuẫn nếu có đều tự giải quyết theo cách này. Mâu thuẫn giữa nông dân và điền chủ chưa phải là phổ biến. Nên cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên đất Gia Định vào thời điểm này không mang tính chất nông dân nổi dậy chống phong khiến như ở phía bắc Đàng Trong, nơi cuộc khởi nghĩa nổ ra với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo”.

       Về vấn đề này, nhà sử học Xô – viết, I. A. Ognhêtôp [3, tr. 122], có nhận xét:

      “Khác với miền Trung, tại Nam Bộ dân cư ở lưu vực sông Cửu Long không theo Tây Sơn mà trong nhiều trường hợp đã hành động chống trả lại họ. Tại đây trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa quân Tây Sơn gặp phải một lực lượng không nhỏ của binh lính bị phát vãng, cuộc đời của họ đã gắn bó một cách chặt chẽ với triều Nguyễn. Ách áp bức phong kiến ở vùng này cũng chưa đến đỉnh cao của sự tàn bạo gây nên nỗi bất bình của nông dân. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến cho quân Tây Sơn chưa thể đường đường chính chính củng cố thế lực ở trong vùng, mà phải tạm thời dừng lại trước cửa ngõ Gia Định để củng cố khả năng chiến đấu”.

      Như vậy, các tỉnh tận cùng đất nước ở miền Nam đã nghiễm nhiên trở thành căn cứ địa của “phong trào” chống Tây Sơn, kéo dài trong nhiều năm, có khi lực lượng chống Tây Sơn bị đánh tan rã, nhưng vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Tình trạng này không xuất hiện ở Bắc Hà, sau khi Tây Sơn tiêu diệt nhà nước Lê – Trịnh, càng làm cho chúng ta thấy rõ tính chất của cuộc nội chiến Tây SơnNguyễn Ánh trên đất Nam Bộ có một nét đặc biệt vượt ra ngoài quy luật thông thường, do hoàn cảnh kinh tế – xã hội cụ thể của địa phương quy định. Ba ngàn nông dân ở Ba Giồng nổi lên cùng Đỗ Thanh Nhân theo Nguyễn Ánh là một bằng chứng.

       Nguyễn Ánh, một hậu duệ của họ Nguyễn, giương lên ngọn cờ phục thù, được sự ủng hộ của các cựu thần cùng giới điền chủ mới và một bộ phận nông dân ở Nam Bộ mang tư tưởng “trung quân” với ý nghĩa tôn thờ, nhớ ơn các chúa Nguyễn dày công trong công cuộc khai hoang mở cõi trên đất Nam Bộ. Nhưng trước một thế lực cách mạng đang lên, với thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, lực lượng phục thù của họ Nguyễn nhiều lần bị đánh tan tác ra khỏi đất liền, Nguyễn Ánh phải trú ẩn ở các hải đảo, có lúc phải lưu vong sang Xiêm. Để có lực lượng đương đầu với Tây Sơn, ngoài việc động viên, hô hào bọn cựu thần, giới điền chủ mới ở Nam Bộ, Nguyễn Ánh không ngần ngại bắt liên lạc ngoại giao với nhiều thế lực nước ngoài. Tai hại nhất là việc rước quân Xiêm về giày xéo đất nước. Sự kiện này làm biến đổi tính chất cuộc chiến từ nội chiến sang chiến đấu chống xâm lược.

      Nhưng tính chất này chỉ mang tính tạm thời và nhanh chóng được thay thế bằng cuộc chiến tranh giữa các thế lực phong kiến cũ và mới sau khi Tây Sơn đánh đuổi 5 vạn quân xâm lược Xiêm ra khỏi bờ cõi, rồi tiến ra Bắc Hà tiêu diệt nhà nước Lê – Trịnh, hình thành nhà nước Tây Sơn, một nhà nước phong kiến mới, nhưng vẫn vận hành theo cơ chế một nhà nước phong kiến cổ truyền với tình trạng phân quyền cát cứ: Nguyễn Huệ ở phía Bắc, Nguyễn Lữ ở phía Nam và Nguyễn Nhạc với tư cách trung ương ở miền Trung.

     Tính chất chiến tranh trong giai đoạn này, chúng ta còn nhìn thấy qua động thái của giới trí thức Nam Bộ lúc bấy giờ. Hầu như không có bóng dáng nho sĩ Nam Bộ trong hàng ngũ quan lại của Tây Sơn. Điều đó nói lên hai lẽ. Một là do họ quá bảo thủ, hẹp hòi, như nhận định của tác giả cuốn Nhà Tây Sơn Sĩ phu khư khư giữ lấy lời dạy thánh hiền, chữ trung của Hán nho, Tống nho đã in sâu vào tâm phủ. Lòng họ đối với nhà Nguyễn tuy không sâu đậm bằng lòng người Bắc Hà đối với nhà Lê, song có tài chinh phục đến đâu cũng khó thu về cho nhà Tây Sơn trong hôm sớm”. Còn quần chúng nhân dân, thì tác giả này, viết “Gia Định ở xa Phú Xuân, nhân dân chưa bị khổ vì nạn Trương Phước Loan, nên không căm thù nhà Nguyễn như người miền Trung. Quân ta vào đánh quân nhà Nguyễn, nhân dân miền Nam coi như cuộc tranh giành địa vị với nhau, chớ không phải để giải phóng họ. Bởi vậy, hễ bên nào mạnh, được thì họ theo, theo trong nhất thời. Rồi ai được, ai thua, họ bàng quan toạ thị. Do đó quân ta cứ chiếm lấy được Gia Định rồi lại mất… Muốn giữ được đất bền lâu, thì phải làm thế nào chiếm cho được lòng dân, nhất là lòng kẻ sĩ” [4, tr. 106 – 107]. Hai là giới nho sĩ Nam Bộ không giống như nhà nho ở Thuận Quảng (như Trần Duy Trung, Lê Viết Trình ủng hộ Lê – Trịnh hay như Ngô Thế Lân, Hồ Đồng theo Tây Sơn), các nhà nho Gia Định vào cuối thế kỉ XVIII, nhìn chung chỉ thừa nhận họ Nguyễn ở Đàng Trong là vương triều chính thống. Cái chuẩn mực chính trị “chính thống” phổ biến ấy đã hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể ở địa phương đồng thời được liên tục củng cố bởi kết quả xây dựng kinh tế, quản lí xã hội,… [7, tr. 106- 107]. Bên cạnh đó mỗi khi giành lại được Gia Định, Nguyễn Ánh còn quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài [1, tr. 83]. Công việc này chẳng những cung cấp cho Nguyễn Ánh những nhân sự hết sức cần thiết trong chiến tranh mà còn tạo ảnh hưởng chính trị thuận lợi cho lực lượng phục thù.

     Tính chất này càng rõ nét ở giai đoạn sau:

4.2. Giai đoạn sau (1787-1789)

       Trước khi Nguyễn Huệ mang 60.000 quân (1) từ Phú Xuân vào bao vây thành Hoàng đế (Quy Nhơn) đánh nhau với anh mình là Nguyễn Nhạc (đầu năm 1787), đòi phân chia lại đất Quảng Nam. Anh em Tây Sơn bắt đầu chia rẽ từ khi họ kéo quân vào Nam sau khi tiêu diệt nhà nước Lê – Trịnh (tháng 8 /1786). Từ đây lực lượng Tây Sơn từng bước thoái hoá, ngày càng mang đậm tư tưởng của một cuộc khởi nghĩa nông dân và rơi vào tình trạng phong kiến cát cứ qua việc phân chia quyền lực giữa ba anh em. Trong đó, mâu thuẫn giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ là chủ yếu. Lời trăn trối của Nguyễn Huệ trước lúc lâm chung cho chúng ta thấy rõ quan điểm khác nhau giữa hai anh em. Nguyễn Nhạc tự mãn trước chiến thắng, quyền lực hiện tại, quay ra hưởng thụ, không nghĩ đến tương lai; còn Nguyễn Huệ, ngoài thiên tài quân sự còn có một nhãn quan chính trị sắc sảo, tầm nhìn xa trông rộng, với hoài bão thống nhất đất nước

       Mâu thuẫn này chẳng những là điều kiện giúp cho lực lượng phục thù của Nguyễn Ánh lớn mạnh nhanh chóng, mà còn mang lại nhiều lợi thế về mặt chính trị, mà trong đó, việc Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Nước Xoáy – Tân Long (Sa Đéc), với sự ủng hộ của giới điền chủ và nông dân đồng bằng sông Cửu Long là bước ngoặt quan trọng. Điều đó cho thấy, ngay trong vùng đất do Tây Sơn quản lí, chẳng những điền chủ mà cả nông dân cũng ủng hộ Nguyễn Ánh. Dù việc cầu viện Pháp thất bại, nhưng lực lượng phục thù của Nguyễn Ánh vẫn đủ sức đánh tan toàn bộ quân Tây Sơn trên đất Nam Bộ.

     Cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh không còn mang ý nghĩa của một cuộc đấu tranh vì quyền lợi nông dân chống phong kiến áp bức. Tây Sơn bây giờ không còn là Tây Sơn của mười mấy năm trước, mà là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, cũng chỉ là hai thế lực phong kiến cũng như Nguyễn Ánh ở trong Gia Định, họ Trịnh ở Bắc Hà trước đây.

     Tính chất cuộc chiến tranh phong kiến của cuộc nội chiến ngày càng lộ rõ, khi mâu thuẫn của anh em Tây Sơn bộc phát và cũng là lúc Nguyễn Ánh từ Xiêm về lập căn cứ ở Long Hưng.

     Dù cuộc nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ chỉ kéo dài trên 13 năm (1777 – 1790), nhưng đã lưu lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người Nam Bộ qua nhiều thế hệ được thể hiện qua thi ca, truyện tích dân gian, địa danh, tục lệ tín ngưỡng,… liên quan đến sự tôn thờ Nguyễn Phước Ánh và nhiều nhân vật liên quan đến Nguyễn Phước Ánh rất phong phú, đa dạng, trong khi nội dung tương tự liên quan đến Tây Sơn và Nguyễn Huệ có phần hạn chế hơn nhiều.

5. Lời kết *

       Tóm lại, lãng quên hay xem nhẹ vai trò của các yếu tố trên trong nhận thức văn hoá Nam Bộ, tất yếu không đánh giá được một cách thấu đáo bản sắc văn hoá của miền sông nước này; từ đó dẫn đến việc “sáng chế” ra một số “khái niệm mới”, hoặc giải thích một số khái niệm, giá trị văn hoá Nam Bộ qua cái nhìn đương đại hoặc qua lăng kính “châu thổ sông Hồng”…

      Bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương góp phần làm giàu bản sắc hoá dân tộc không phải chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan văn hoá mà còn là trách nhiệm hàng đầu của các cơ quan giáo dục.

_______
1. Thư Doussaine, ngày 6/6/1787 (BEFFEO, 1912, tr.19) Dẫn lại, Tạ Chí Đại Trường, Sđd. tr.148.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, tập II.

2. Nguyễn Đức Hiệp, Sàigon – Chợ Lớn và Nam Bộ: Từ tiền sử đến Phù Nam, đế quốc Khơ-me và vương quốc Champa (Phần 1), http://www.vanchuongviet.org/.

3. I. A. Ognhêtôp, Phong trào nông dân Tây Sơn dưới mắt người nước ngoài, NXB Nghĩa Bình, 1988.

4. Quách Tấn – Quách Giao, Nhà Tây Sơn.

5. Quốc sử quán, Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, Hà Nội, 1960.

6. Thái Văn Sinh, Một số danh thắng tiêu biểu, Sở Văn hoá – Thông tin Hà Tĩnh, 2008.

7. Cao Tự Thanh, Nho giáo Gia Định, Sđd.

8. Tạ Chí Đại Trường, Thần Người và Đất Việt, Văn Nghệ, California, USA, 1989.

 

NGUYỄN HỮU HIẾU 1

__________
1. ThS, Chuyên viên Cao cấp, Ủy viên BCH/Hội KHLS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp.

BAN TU THƯ
08/2019

GHI CHÚ:
*  Các tiêu đề, chữ đậm, chữ màu, hình minh hoạ do Ban Tu thư thiết lập.
**  Nguồn hình ảnh: ditichnguyensinhsac.vn, hinhanhvietnam.com