Những tương đồng và khác biệt của từ láy trong tiếng Việt và tiếng Hàn
Tác giả bài viết: Tiến sĩ ĐỖ THỊ BÍCH LÀI
(Đại học KHXH & NV Tp Hồ Chí Minh)
Nghiên cứu so sánh, đối chiếu để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Hàn là một trong những công việc có tính thời sự của ngành ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu hiện nay ở Việt Nam. Bởi vì, trước hết, như chúng ta biết, do sự giao lưu về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị kinh tế – văn hoá – khoa học kĩ thuật giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển khiến cho việc nghiên cứu và học tập tiếng Việt và tiếng Hàn của người dân 2 nước ngày càng tăng theo. Sau nữa, việc nghiên cứu so sánh – đối chiếu 2 ngôn ngữ khác nhau về đặc điểm loại hình để khám phá ra những khác biệt và đồng thời cả những tương đồng giữa chúng cũng là một nhu cầu tự thân trong khuynh hướng phát triển của ngôn ngữ học đại cương nói chung, ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu nói riêng.
Mục đích của bài viết này là góp phần chỉ ra những dị biệt trong lớp từ láy của 2 ngôn ngữ Việt – Hàn. Bởi vì theo suy nghĩ của chúng tôi, chính sự khác biệt đó mới gây nên nhiều khó khăn trở ngại trong việc sử dụng lớp từ này. Vì sao chúng tôi lại chọn lớp từ láy làm đối tượng cho sự nghiên cứu so sánh – đối chiếu? Theo nhìn nhận của chúng tôi, từ láy trong tiếng Việt là một lớp từ hết sức độc đáo, đặc biệt cả về phương diện cấu tạo lẫn về phương diện ngữ nghĩa.
Nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, chẳng hạn như các ngôn ngữ châu Âu không có lớp từ này như là một tiểu hệ thống trong hệ thống vốn từ vựng. Trong khi đó, ở một ngôn ngữ khác xa về mặt loại hình học đó là tiếng Hàn, lại có lớp từ độc đáo này, với một số lượng không thể không quan tâm đến được1. Đây là một sự tương đồng đến kì lạ giữa tiếng Việt và tiếng Hàn – 2 ngôn ngữ mà ngỡ như hoàn toàn chẳng có gì là chung, là giống nhau – bởi sự thật tiếng Hàn là ngôn ngữ thuộc loại hình chấp dính, trong khi đó, tiếng Việt lại là một ngôn ngữ đơn lập.
Hiện nay, trong giới Việt ngữ học, việc miêu tả, phân loại, xác định ranh giới từ láy tiếng Việt vẫn còn có nhiều chỗ chưa thống nhất. Về từ láy tiếng Hàn có lẽ cũng có tình trạng tương tự. Bài viết của chúng tôi không có mục đích bàn luận về các ý kiến khác nhau của các tác giả đi trước về các vấn đề này, mà thừa nhận một điểm là trong tiếng Việt và trong tiếng Hàn có một lớp từ được gọi là từ láy, do chỗ trong các từ ấy, các thành tố của nó có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm và về mặt chức năng ngữ pháp thì các từ này hoạt động với tư cách là từ.
Việc tìm ra những tương đồng và dị biệt trong từ láy của 2 ngôn ngữ Việt – Hàn một mặt góp phần thúc đẩy sự nghiên cứu so sánh – đối chiếu ngôn ngữ trong xu thế phát triển của ngôn ngữ học hiện đại, mặt khác góp phần giúp ích trước hết là cho những người Hàn Quốc đang nghiên cứu và học tập tiếng Việt, và sau đó là những người Việt đang nghiên cứu và học tập tiếng Hàn cũng như cho chính những người Việt học tập và sử dụng tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ.
Từ trước đến nay, có thể nói là chưa có một công trình nào đi sâu và nghiên cứu so sánh – đối chiếu lớp từ láy tiếng Việt và tiếng Hàn. Chỉ đến năm 1998 mới có một luận văn tốt nghiệp đại học2 khảo sát về đề tài này. Trong luận văn này, tác giả Cho Hae Kyung đã bước đầu miên tả cấu trúc, phác thảo sơ lược về ngữ nghĩa của từ láy trong tiếng Hàn và tiếng Việt, từ đó bước đầu đã đưa ra được một số nét tương đồng và dị biệt về cấu tạo và ngữ nghĩa của từ láy trong tiếng Việt và tiếng Hàn. Đây là công trình đầu tiên khảo sát về vấn đề này. Vì vậy, nó có những đóng góp nhất định, đặc biệt là đã miêu tả rất kĩ về cấu tạo của từ láy tiếng Hàn, đã cho người đọc có những hiểu biết nhất định về từ láy trong ngôn ngữ này. Song theo thiển ý của chúng tôi, công trình này chưa nêu bật là những điểm dị biệt về bản chất của từ láy tiếng Việt và từ láy tiếng Hàn, trong đó đáng chú ý, đáng quan tâm nhất là sự khác nhau về ngữ nghĩa của từ láy trong 2 ngôn ngữ, bởi vì chính sự khác nhau này sẽ dẫn đến những hệ quả về khả năng hoạt động của chúng trong quá trình giao tiếp, vì vậy, có thể nói, bài viết của chúng tôi chủ yếu sẽ cố gắng đi sâu vào khảo sát những dị biệt của chúng trong quá trình sử dụng lớp từ này cả với tư cách là tiếng nước ngoài lẫn với tư cách là tiếng mẹ đẻ.
Trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi xin xác định rõ giới hạn khảo sát của đề tài là từ láy 2 âm tiết và từ láy 4 âm tiết. Bởi vì, đây là 2 loại từ láy tiêu biểu cho tiếng Việt và tiếng Hàn.
A. Những dị biệt về phương diện cấu tạo giữa từ láy tiếng Việt và từ láy tiếng Hàn.
I. Những dị biệt về nguồn gốc cấu tạo của từ láy trong tiếng Việt và tiếng Hàn:
1.1. Đối với loại từ láy 2 âm tiết
a. Trong tiếng Việt, từ láy 2 âm tiết là loại từ láy có số lượng lớn nhất được sử dụng với tần số cao nhất, có khả năng sản sinh cao nhất và vì vậy có thể nói đây là loại từ láy điển hình của tiếng Việt. Vì sao như vậy? Bởi vì tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Đơn vị có nghĩa nhỏ nhất trong tiếng Việt, xét về mặt cấu tạo, đó là âm tiết (trừ một vài trường hợp từ láy âm mô phỏng âm thanh của tự nhiên thì đơn vị có nghĩa nhỏ nhất ở đây là lớn hơn âm tiết). Trong khi đó các ngôn ngữ loại hình khác không có tình hình như vậy. Vì thế, khi nghiên cứu về từ láy trong tiếng Việt, trước hết chúng ta cần nói về từ láy 2 âm tiết. Và trước hết, cần phải tìm hiểu về nguồn gốc cấu tạo của lớp từ láy 2 âm tiết này mới có thể chỉ ra được sự khác nhau về bản chất và sự giống nhau chỉ là về hình thức của từ láy tiếng Việt và tiếng Hàn.
Về nguồn gốc cấu tạo, từ láy 2 âm tiết tiếng Việt có 2 tiểu loại:
Tiểu loại I: Bao gồm những từ láy được tạo ra theo cơ chế láy dựa trên cơ sở một từ gốc đã có nghĩa (Đây là loại từ láy quan trọng, tạo nên diện mạo và bản chất của từ láy tiếng Việt). Vậy sản phẩm từ láy này là một từ phái sinh. Nghĩa của chúng cũng là ngữ nghĩa phái sinh. Nghĩa này có được dựa trên cơ sở của nghĩa gốc.
Ví dụ:
Từ gốc | Từ láy (từ phái sinh) |
đẹp | đẹp đẽ |
sạch | sạch sẽ |
gọn | gọn gẽ |
nhỏ | nhỏ nhẹ |
vuông | vuông vắn |
đỏ | đỏ đắn |
vội | vội vàng |
lẹ | lẹ làng |
Tiểu loại II: Bao gồm những từ láy được tạo ra theo cơ chế láy nhưng không phải dựa trên cơ sở của một từ gốc đã có mà cả 2 yếu tố (2 âm tiết) mới là 1 từ gốc.
Ví dụ:
bâng khuâng
đủng đỉnh
bìm bịp
lênh khênh
khập khiễng
long đong
lận đận
b. Trong khi đó, ở tiếng Hàn cũng có loại từ láy 2 âm tiết. Như vậy, sự tương đồng giữa từ láy 2 âm tiết tiếng Việt và từ láy 2 âm tiết tiếng Hàn thể hiện ở số lượng âm tiết và ở quy tắc cấu tạo – đó là quy tắc láy âm. Tuy nhiên, điều quan trọng muốn nói ở đây là sự khác nhau về nguồn gốc cấu tạo từ láy tiếng Hàn loại 2 âm tiết chỉ có 1 tiểu loại duy nhất, đó là từ láy mà cả 2 yếu tố (2 âm tiết) chỉ có nghĩa gốc, không có nghĩa phái sinh. Hay nói cách khác từ láy 2 âm tiết trong tiếng Hàn là từ với chức năng định danh. Lúc này nó tương đương với tiểu loại từ láy thứ 2 trong từ láy 2 âm tiết được miêu tả ở trên trong tiếng Việt. Có lẽ cả 2 tiểu loại từ láy này trong tiếng Việt và tiếng Hàn chẳng gây khó khăn gì nhiều trong việc sử dụng chúng, bởi vì nó chỉ có 1 nghĩa – đó là nghĩa định danh – nghĩa gốc. Vậy vấn đề còn lại là ở tiểu loại từ láy 2 âm tiết thứ nhất trong tiếng Việt – tiểu loại từ láy được tạo nên theo cơ chế láy dựa trên cơ sở một từ gốc có sẵn. Chính kiểu loại này đã tạo nên sự khác biệt về bản chất giữa từ láy 2 âm tiết tiếng Việt và từ láy 2 âm tiết tiếng Hàn, tạo nên những sự đa dạng, phức tạp, tinh tế về ngữ nghĩa khiến cho người nước ngoài và cả chính người bản ngữ phải “lao đao” vì nó.
1.2. Đối với loại từ láy 4 âm tiết
a. Nguồn gốc cấu tạo của từ láy 4 âm tiết trong tiếng Việt là dựa trên cơ sở của từ láy 2 âm tiết. Loại này có số lượng không nhiều, không phải là tiểu loại từ láy điển hình của tiếng Việt. Như vậy, từ gốc của từ láy bốn âm tiết trong tiếng Việt là từ láy 2 âm tiết.
Ví dụ:
Từ láy gốc | Từ láy 4 âm tiết phái sinh |
hùng hổ | hùng hùng hổ hổ |
hấp tấp | hấp ta hấp tấp |
lúng túng | lúng ta lúng túng |
hì hục | hì hà hì hục |
đủng đỉnh | đủng đà đủng đỉnh |
b. Trong khi đó, từ láy có cấu tạo 4 âm tiết trong tiếng Hàn lại là loại có số lượng lớn nhất trong tổng số từ láy. Có thể nói, đây là loại từ láy điển hình của tiếng Hàn. Theo Cho Hae Kyung thì từ láy 4 âm tiết của tiếng Hàn được tạo ra trên cơ sở từ từ láy 2 âm tiết. Song, qua kiểm tra của chúng tôi dựa vào bảng phụ lục của luận văn của Cho Hae Kyung thì cơ sở của từ láy 4 âm tiết trong tiếng Hàn không phải là từ láy 2 âm tiết mà chỉ là từ 2 âm tiết, bởi vì các từ gốc này không phải là từ láy. Xét các ví dụ sau đây:
Từ gốc | Từ láy 4 âm tiết |
hanđac | hanđac hanđac (đong đưa) |
bul thông | bul thông bul thông (bí xị) |
gơ phul | gơ phul gơ phul (lung linh) |
gơm sil | gơm sil gơm sil (long lanh) |
gô bul | gô bul gô bul (ngoằn ngoèo) |
đu đơl | đu đơl đu đơl (lẩm bẩm) |
Như vậy, từ láy 4 âm tiết trong tiếng Việt và tiếng Hàn đều có sự giống nhau về nguồn gốc cấu tạo ở chỗ: chúng đều được tạo ra trên cơ sở từ 2 âm tiết: nhưng giữa chúng lại có sự khác nhau rất cơ bản ở chỗ từ gốc nào trong đó tạo nên từ láy 4 âm tiết. Trong tiếng Việt đó là từ láy 2 âm tiết; còn trong tiếng Hàn đó chỉ đơn thuần là từ 2 âm tiết mà thôi. Ngoài ra, trong tiếng Hàn, để tạo ra 1 từ láy 4 âm tiết, còn có 2 kiểu cấu tạo khác nữa, đó là:
a. Từ được tạo nên trên cơ sở 2 từ gốc có vỏ ngữ âm khác nhau nhưng nghĩa thì tương tự nhau (có thể coi đó là những từ đồng nghĩa). Ví dụ: từ ginđung hanđung được cấu tạo trên cơ sở 2 từ gốc, đó là ginđung (có nghĩa là hấp tấp) và han đung (cũng có nghĩa là hấp tấp); từ láy ơ ri bơng bơng được cấu tạo từ 2 từ gốc: ơ ri và bơng bơng (đều có nghĩa là thất thần).
b.Từ được tạo ra như là một chỉnh thể mà các yếu tố trong chỉnh thể đó (các âm tiết) có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm. Lúc này, cả từ láy là một từ gốc. Ví dụ:
– ơ đơ đung đung (tiếng ru con)
– gi gi be be (tiếng chim kêu)
Đến đây, có thể tổng kết lại là: Từ láy 4 âm tiết trong tiếng Việt được cấu tạo dựa trên một cơ sở duy nhất, đó là từ láy 2 âm tiết; trong khi đó, từ láy 4 âm tiết trong tiếng Hàn lại có 3 nguồn cấu tạo khác nhau:
1. Dựa trên 1 từ gốc có 2 âm tiết; vì vậy từ láy là một từ phái sinh.
2. Dựa trên 2 từ gốc khác âm đồng nghĩa; và từ láy cũng là một từ phái sinh.
3. Từ láy âm tiết là sản phẩm trực tiếp của quá trình định danh. Đây chính là từ gốc. Vì vậy từ láy là một từ gốc chứ không phải là từ phái sinh.
II. Những dị biệt và tương đồng giữa từ láy tiếng Việt và tiếng Hàn về hình thức cấu tạo
1. Đối với từ láy đôi
a. Từ láy đôi trong tiếng Việt có hình thức cấu tạo rất phong phú, đa dạng. Trên đại thể, có thể chia ra thành 2 tiểu loại lớn với những tiểu loại nhỏ trong đó hết sức linh hoạt.
Tiểu loại I: Loại này được gọi là láy hoàn toàn, do chỗ vỏ ngữ âm của các âm tiết có trong từ láy được lặp lại hoàn toàn. Tuy nhiên, trong kiểu loại I này, trên thực tế lại bao gồm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất được gọi là nhóm láy hoàn toàn chân chính.
Ví dụ: ba ba, chuồn chuồn, lâng lâng, cào càng, đùng đùng; và nhóm thứ hai được gọi là nhóm láy hoàn toàn không chân chính (sở dĩ gọi như vậy là vì thực ra đây cũng là từ láy hoàn toàn, song do sự chi phối, sự tác động của quy luật đồng hoá, dị hoá ngữ âm, cho nên một bộ phận trong 1 âm tiết đã bị biến đổi âm tạo nên sự khác nhau giữa 2 âm tiết, nhưng sự khác nhau này có tính quy luật và là hiện tượng có thể giải thích được).
Ví dụ:
Loại có biến thanh ở 1 âm tiết
bươm bướm
đu đủ
tim tím
nho nhỏ
khe khẽ
nhè nhẹ
Loại có biến âm cuối ở 1 âm tiết
bìm bịp
đôm đốp
lôm lốp
đèm đẹp
san sát
nung núc
kkol kkol (róc rách)
ttênh ttênh (leng keng)
ppuc ppuc (toạc/xoạc – tiếng vải bị xé rách)
Tiểu loại II: Láy toàn bộ. Tiểu loại này cũng được chia ra thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, gọi là láy âm đầu.
Ví dụ:
đẹp đẽ gọn gàng
sạch sẽ nhẹ nhàng
xinh xắn lẹ làng
vuông vắn nhanh nhẹn
Và nhóm thứ hai gọi là láy phần vần.
Ví dụ:
long đong lim dim
linh tinh bồn chồn
hấp tấp lóng ngóng
Như vậy, về hình thức, 1 âm tiết tiếng Việt có thể phân chia thành 2 bộ phận: âm đầu và phần vần, để thực hiện cơ chế láy. Cách thức phân chia như vậy còn được vận dụng trong nhiều trường hợp khác nữa, như trường hợp nói lái, trường hợp cấu tạo từ ngữ mới kiểu “iếc” hoá (ví dụ: cà phê cà phiếc, xi măng xi miếc),trường hợp tạo sinh ra các từ láy mới khác… Với cách thức này, tiếng Việt có khả năng lớn về việc sản sinh từ ngữ mới. Phải chăng đây là một hình thức sản sinh từ láy rất độc đáo của tiếng Việt, tạo nên bản sắc riêng cho lớp từ này và cũng làm nên sự khác biệt về chất giữa nó với lớp từ láy 2 âm tiết trong tiếng Hàn.
b. Trong tiếng Hàn, như đã nói ở trên từ láy đôi là loại từ láy nhỏ nhất về vỏ vật chất cấu tạo, giống với từ láy đôi trong tiếng Việt. Tuy nhiên về phương thức láy, thì cũng giống như ở nguồn gốc cấu tạo, từ láy đôi trong tiếng Hàn hầu như chỉ có một phương thức duy nhất, đó là lặp lại hoàn toàn vỏ ngữ âm của các âm tiết trong từ láy.
Ví dụ:
gal gal (trơ trẽn)
gôl gôl (cục tác cục tác)
gôl gôl (bị bệnh rề rề)
kkăc kkăc (quạ quạ – tiếng quạ kêu)
kkel kkel (khẹc khẹc)
Ở một đôi trường hợp, từ láy 2 âm tiết có sự biến đổi âm đầu (âm đầu khác nhau) nhưng không phổ biến, không điển hình, và đây có thể coi như là biến thể của từ láy hoàn toàn.
Ví dụ: kkăng tchăng (thoăn thoắt)
(Từ này, về hình thức cấu tạo, từ láy đôi tiếng Việt phong phú hơn từ láy đôi trong tiếng Hàn: từ láy đôi tiếng Việt có đến 3 dạng thức, trong khi đó từ láy đôi tiếng Hàn chủ yếu chỉ có một dạng thức.
2. Đối với từ láy tư (láy 4 âm tiết)
a. Hình thức cấu tạo của từ láy tư trong tiếng Việt cũng rất đa dạng. Theo Nguyễn Tài Cẩn thì trong tiếng Việt có 04 tiểu loại kiểu hì hà hì hục, bổi hổi bồi hồi ,hùng hùng hổ hổ và lôi thôi lếch thếch [7;128-136]
b. Trong khi đó ở tiếng Hàn từ láy 4 âm tiết chủ yếu chỉ có một phương thức cấu tạo, đó là lặp lại hoàn toàn về ngữ âm các từ gốc đã có.
Ví dụ:
kkưn đơc kkưn đơc (gật gật)
kkư giơc kkưn giơc (dính)
kkinging kkiging (hừ hừ)
kki giơc kki giơc (viết quấy quá)
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, trong tiếng Việt có sự linh hoạt, đa dạng hơn nhiều so với tiếng Hàn trong cách thức láy. Điều này có thể giải thích một phần ở đặc điểm loại hình tiếng Việt là một ngôn ngữ có cơ chế đơn tiết – âm tiết tính. Mỗi một âm tiết hoặc vốn tự thân nó đã mang nghĩa hoặc tiềm tàng khả năng có thể mang nghĩa. Trong quá trình sản sinh từ mới – láy là một phương thức rất quan trọng và là một trong những phương thức chủ yếu được sử dụng trong tiếng Việt. Trong khi đó, phương thức này có lẽ không phải là phương thức cấu tạo từ chủ yếu trong tiếng Hàn, bởi vì trong tiếng Hàn khuynh hướng cấu tạo từ mới bằng phụ tố (bao gồm tiền tố, trung tố, hậu tố), mới là một trong những khuynh hướng chủ đạo.
Vì vậy cả 2 loại từ láy tiếng Hàn, láy đôi và láy tư, đều có chung một đặc điểm: đó là lặp lại hoàn toàn các âm tiết gốc. Điều này không hoàn toàn giống với tiếng Việt. Trong tiếng Việt, vừa có dạng lặp lại hoàn toàn âm tiết gốc, vừa có dạng biến đổi một bộ phận của âm tiết gốc, tạo nên sự phong phú về hình thái của từ láy tiếng Việt.
B. Những tương đồng và khác biệt về mặt ngữ nghĩa trong từ láy của tiếng Việt và tiếng Hàn
Nói đến ngữ nghĩa, cần phân biệt 2 loại nghĩa sau đây:
1. Nghĩa gốc (nghĩa đen, nghĩa có trước nghĩa thường trực) – nghĩa được định nghĩa trong từ điển.
2. Nghĩa phái sinh (nghĩa bóng, nghĩa có được dựa trên cơ sở nghĩa gốc, nghĩa không thường trực – nghĩa ngữ cảnh).
Vậy, đối với lớp từ láy trong tiếng Việt, về phương diện ngữ nghĩa thì chúng tương đồng và khác biệt như thế nào so với tiếng Hàn.
I. Từ láy trong tiếng Việt và tiếng Hàn đều có sự giống nhau ở tính phái sinh về nghĩa so với từ gốc.
II. Khác nhau trong các từ láy 2 âm tiết của tiếng Việt, chỉ có một số lượng rất nhỏ (bao gồm các từ láy phỏng thanh, phỏng hình…) là từ láy có nghĩa gốc, có nghĩa là bản thân từ láy đó là một từ gốc. Ngoài ra, các từ láy 2 âm tiết khác nhau đều là từ láy mang nghĩa phái sinh và chính vì vậy nghĩa của nó không còn là nghĩa của từ gốc, cho nên các đặc tính và chức năng về mặt ngữ pháp của nó cũng đã hoàn toàn khác với các từ gốc mà từ đó tạo ra chúng. Có lẽ đây là sự khác nhau sâu xa nhất, cơ bản nhất giữa từ láy 2 âm tiết trong tiếng Việt so với tiếng Hàn và cũng chính vì đặc điểm này của từ láy tiếng Việt mà khiến cho sự nghiên cứu, học tập và sử dụng chúng rất khó khăn không những đối với người nước ngoài mà cả đối với người Việt. Sự chuyển nghĩa của từ láy 2 âm tiết trong tiếng Việt không chỉ có khuynh hướng, không chỉ có một kiểu. Sau đây, để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi sẽ chỉ ra các cách chuyển nghĩa của từ láy tiếng Việt so với từ gốc mà từ đó chúng được tạo ra:
-Hướng thứ nhất: chuyển từ nghĩa cụ thể của từ gốc sang nghĩa khái quát hoá biểu tượng hoá, nghĩa không cụ thể.
Ví dụ:
đẹp -> đẹp đẽ mập -> mập mạp
sạch -> sạch sẽ chậm -> chậm chạp
đất -> đất đai buồn -> buồn bã
vuông -> vuông vắn xinh -> xinh xắn
– Hướng thứ hai: chuyển từ nét nghĩa miêu tả, nghĩa “định danh” sang các nét nghĩa miêu tả, có mức độ. Hướng này có 2 chiều:
+ chiều “giảm” mức độ nghĩa gốc:
* Về tính chất, hành động (đối với từ láy là tính từ và động từ).
Ví dụ:
tím -> tim tím
nhỏ -> nho nhỏ
bé -> be bé
tiếc -> tiêng tiếc
* Về số lượng (đối với từ láy là danh từ)
+ Chiều “tăng” thêm mức độ nghĩa gốc (tăng số lần) như tăng về tính chất, hành động: đùng đùng, oang oang, gõ gõ, đập đập, vẫy vẫy, lắc lắc, nói nói, thề thề.
– Hướng thứ ba: Từ láy tạo ra trên cơ sở từ gốc sẽ tạo ra sự gián đoạn trong nghĩa của từ gốc.
Ví dụ:
Từ gốc | Từ láy |
phồng | phập phồng (phồng lên, xẹp xuống, từng lúc) |
ngừng | ngập ngừng (ngừng từng lúc) |
nhô | nhấp nhô (khi lên, khi biến từng lúc) |
mô | mấp mô (nhô lên từng đoạn) |
loé | lấp loé (loé lên từng hồi, không liên tục) |
sánh | sóng sánh (lúc lên, lúc xuống) |
– Hướng thứ tư: tạo ra nghĩa phái sinh được phát triển dựa trên nghĩa gốc kiểu: vuông -> vuông vắn, xinh -> xinh xắn. Ví dụ:
Từ gốc | Từ phái sinh |
-chênh | chông chênh (không đều nhau, không đồng nhau, nguy hiểm) |
-manh (mỏng) | mong manh (ít hi vọng) |
-lanh (nhanh) | lanh chanh (nhanh không đúng với yêu cầu) |
-hớ (bị lỗi trong cư xử, xử sự, tính toán) | hớ hênh (ăn mặc không kín đáo, không phải phép) |
-mơ (1 trạng thái khi ngủ) | -lơ mơ (nhận thức không rõ, không kĩ vấn đề, hiểu lơ mơ về vấn đề này) |
Trong khi đó, ở tiếng Hàn, ngoài các từ láy mang nghĩa gốc, các từ láy khác chỉ có một
hướng chuyển nghĩa, đó là hướng chuyển nghĩa từ nghĩa gốc sang nghĩa tăng hoặc giảm mức độ nghĩa của từ gốc. Chính đây là sự khác nhau ở chiều sâu, sự khác nhau này mới giúp ích cho người nghiên cứu, người học tập và người sử dụng. Chứng cớ là trong quá trình sử dụng của người Việt, không ít trường hợp sử dụng từ láy sai về ngữ nghĩa và ngữ pháp. Chẳng hạn: một số sinh viên người Hàn đã viết các câu sau:
– Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống đất đai.
– Một nhà máy bị cướp phá sạch sẽ
– Đây là một căn nhà hình vuông vắn
– Cô bạn gái láng giềng của tôi sẽ đẹp đẽ.
– Mắt cô gái này rất hiêng hiếng
c. Như vậy, ngoại trừ một số lượng không lớn từ láy 2 âm tiết trong tiếng Việt mang nghĩa gốc, còn lại, số từ láy này đều mang nghĩa phái sinh. Chính vì vậy mà sự hoạt động của các từ láy này trong câu, trong phát ngôn so với từ gốc là rất khác nhau. Hay nói cách khác, chúng đã có đặc điểm ngữ pháp khác với từ gốc. Chẳng hạn:
1. Các từ láy không đứng sau từ rất, trong khi các từ gốc có thể kết hợp với từ rất phía trước.
So sánh.
a. Cô gái ấy rất đẹp (+)
b. Cô gái rất đẹp đẽ (-)
a1. Quyển sách này rất bé (+)
b1. Quyển sách này rất be bé (-)
2. Hoặc ngược lại trong những trường hợp khác từ láy lại có thể đứng sau từ rất nhưng từ gốc thì lại không.
a2. Nó rất mơ màng về công việc đó (+)
b2. Nó rất mơ về công việc đó (-)
a3. Hi vọng rất mong manh (+)
b3. Hi vọng rất manh (-)
3. Khi dùng 2 từ (từ gốc và từ láy phái sinh từ từ gốc) sẽ tạo nên 2 câu có nội dung ngữ nghĩa hoàn toàn khác nhau
Ví dụ:
Nó rất lơ mơ về nghệ thuật (+)
Nó rất mơ về nghệ thuật (-)
Trong khi đó, trong tiếng Hàn chỉ có một hướng phái sinh – đó là phái sinh về mức độ nghĩa mà thôi.
Kết luận
Trên đây, chúng tôi đã chỉ ra những tương đồng, và đặc biệt là những khác biệt căn bản
mang tính loại hình trong từ láy của tiếng Hàn và tiếng Việt. Những khác biệt là điều dễ cắt nghĩa, khi mà hai ngôn ngữ này không cùng loại hình.
Đáng ngạc nhiên là ở chỗ hai ngôn ngữ khác nhau rất lớn về đặc điểm loại hình học, lại có thể có những nét tương đồng rất đáng chú ý trong cấu tạo một loại từ, cụ thể là trong việc cấu tạo một loại từ rất độc đáo – đó là loại từ láy.
___________
1. Theo sự thống kê của Cho Hae Kyung trong luận án của mình thì có 2.163 từ láy và dạng láy (thống kê dựa theo cuốn Từ điển “Quốc Nghi Min Jung”. Seoul. 1996.
2. Cho Hae Kyung – Bước đầu so sánh từ láy tiếng Hàn với từ láy tiếng Việt – Luận văn tốt nghiệp Đại học TP HCM-1998.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cho Hae Kyung, (1998), Bước đầu so sánh từ láy tiếng Hàn Quốc với từ láy tiếng Việt. Luận văn tốt nghiệp ĐHNN Hà Nội. TP. HCM
2. Hoàng Tuệ, (1978), Về những từ gọi là từ láy trong tiếng việt. TCNN số 3.
3. Hoàng Văn Hành, (1985), Từ láy trong tiếng Việt Nxb KHXH, HN.
4. Hoàng Văn Hành, (chủ biên) (1995), Từ điển từ láy tiếng Việt. Nxb GD HN
5. Hồ Lê, (1976), Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại. Nxb KHXH, HN.
6. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, (1997), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb GD HN.
7. Nguyễn Tài Cẩn, (1999), Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ). Nxb ĐHQGHN.
8. Viện Ngôn ngữ học (1995), Từ điển từ láy tiếng Việt. Nxb GD HN.
9. Jong Shil Kim, (1992), Word formation, The phonological, and word level phonology in Korean. Hanshin Pub., Seoul – Korea.
10. Weon Don Jeong, (1992), Word formation and interface phenomena in Korean lexicon Hanshin Pub.,Seoul – Korea.
11. Ho Min Sohn, (1999), The Korean Language. Cambridge University Press.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 6 (164), 2009
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những tương đồng và khác biệt của từ láy trong tiếng Việt và tiếng Hàn (Tác giả: TS Đỗ Thị Bích Lài) |