Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
Tác giả bài viết: ĐỖ NGỌC GIAO*
3.2.2 Nhóm 2
Những chuyện dưới đây có 5 mục: hiệp sỹ, cúng người, con rồng, trận đánh, xác nhận công trạng.
6. Bốn chục hoàng tử và con rồng bảy đầu (Thổ Nhĩ Kỳ).23
Xưa có ông vua (padishah) đẻ ra bốn chục đứa con trai, chúng lớn lên muốn lấy bốn chục chị em làm vợ. Tìm khắp trong xứ có nhà kia đẻ ra ba mươi chín đứa con gái mà thôi, nên chúng đòi đi xứ khác kiếm vợ. Vua dặn chúng có đi thì chớ nên nghỉ đêm gần sông, trong ‘han’ (lữ quán), ngoài đồng.
Đi một ngày đường, họ tới một con sông. Cả đám ngủ đêm bên sông, riêng người em út [gọi tắt là Út] nhớ lời cha, ráng thức canh chừng. Nửa đêm thấy hiện ra một con rồng bảy đầu. Út đánh nó, chém đứt sáu đầu, nó nói chém luôn cái đầu thứ bảy, Út thôi vì biết chém nữa nó sẽ lấy lại sức mạnh. Thấy cái đầu rồng lăn xuống một cái giếng, Út cột dây xuống giếng, gặp một cái dinh với đủ thứ đồ quý và thấy trong đó có bốn chục cô kia, nói họ là chị em ruột bị rồng bắt đem về đây nhốt. Út biểu họ chờ, hứa sẽ cứu, rồi ảnh leo lên giếng, về ngủ.
Sáng sau mấy người anh thức dậy, thấy không có gì xảy ra trong đêm, tưởng cha họ nói gạt. Đi thêm ngày đường, họ tới một cái ‘han’, ngủ đêm ở đó. Út cũng ráng thức canh chừng. Nửa đêm thấy hiện ra một con rồng nữa, cũng bảy đầu, bự hơn cái con đêm qua. Út đánh nó, chém đứt sáu đầu, chừa cho nó một đầu, rồi thấy cái đầu rồng lăn xuống một cái giếng. Út xuống giếng, gặp một cái dinh còn bự hơn cái hôm qua, với đồ quý còn nhiều hơn, rồi ảnh leo lên giếng, về ngủ.
Thêm ngày đường nữa và bọn họ tới một cánh đồng. Sắp sửa đi ngủ thì bỗng nhiên hiện ra một con rồng bự tổ chảng có bảy đầu, thở ra lửa, rú lên: ‘Thằng nào đã hại hai đứa em của ta?’ Út đưa chìa khóa hai cái dinh cho mấy người anh, hối họ đi cứu bốn chục cô kia và đem kho báu về, còn ảnh ở lại đánh rồng. Hai bên đánh nhau, ngang ngửa. Đánh một hồi, rồng nói: ‘Nếu mi tới Chinimatchin đem công chúa về cho ta, ta sẽ bỏ qua việc này.’ Út chịu.
Con rồng, tên là Champalak, đưa Út bộ dây cương, dặn tới cánh đồng nọ kiếm con ngựa tên Ajgyr, nó sẽ đưa Út tới xứ Chinimatchin. Út làm theo, được Ajgyr cõng bay tới đó ban đêm. Út gặp bà kia nghe nói xứ đó đang bị một con rồng bảy đầu quấy phá vì nhà vua (sultan) không chịu gả công chúa cho nó. Út tìm cách tới gặp và hỏi chuyện công chúa, lúc đó đang lánh trong một cái ‘kiosk’. Thì ra con rồng muốn lấy cổ chính là Champalak.
Út bày mưu đưa công chúa đi gặp nó, làm bộ ưng nó để dụ cho nó nói ra cái nơi mà nó giấu bùa hộ mạng: lấy bùa này mới giết được nó. Rồng mắc mưu, chịu nói, Út nhờ con ngựa Ajgyr cõng bay tới nơi đó. Nghe lời ngựa, Út tìm thấy bùa hộ mạng của Champalak: đó là ba con bồ câu. Út vặn cổ một con, trở về dinh Champalak, vặn cổ luôn hai con. Rồng lúc đó gần chết, xin Út cho rờ xác hai con chim. Út tính cho, công chúa chạy ra ngăn lại. Con ngựa Ajgyr nói rồng mà rờ chim thì nó sẽ lấy lại sức mạnh. Rồi ngựa biến mất.
Út đưa công chúa về Chinimatchin, được vua cha gả cho. Họ về xứ và Út kể lại mọi chuyện. Rốt cuộc, ba mươi chín anh em lấy ba mươi chín chị em, cô thứ bốn mươi gả cho hoàng tử xứ Chinimatchin.
7. Hiệp sỹ con nhà cá (Tây Ban Nha).24
[ATU 303]
Xưa có ông thợ giày nhà nghèo ra sông bắt được con cá bự, nó nói ổng cứ kho nó lên và rắc muối tiêu rồi ăn, chừa lại hai khứa cho bà vợ và hai khứa chôn trong vườn. Sau đó bà vợ sanh đôi hai con trai và ngoài vườn mọc hai cây lạ. Lớn lên, hai đứa con, tên Sặc và Rô, chia nhau đi hai hướng kiếm vận may.
[ATU 300]
Sặc tới xứ nọ, ở đó có một con rồng bắt người ta mỗi năm nộp cho nó một gái đẹp, năm nay tới phiên công chúa, và cổ đang ở chỗ hẹn nộp mạng cho con rồng, dưới gốc cây kia.
Sặc liền đi kiếm một con ngựa, một cây giáo và một tấm gương thiệt bự, tới chỗ công chúa. Sặc biểu công chúa cho mượn tấm mạng che mặt, rồi phủ lên tấm gương, treo tấm gương lên cành cây, nói cổ đứng sau gương, hễ con rồng tới gần phía trước thì lột tấm mạng ra, mọi chuyện khác ảnh lo.
Công chúa làm theo. Rồng ta thấy bóng trong gương, tưởng là con rồng khác, phóng vô chụp [K1052]. Gương bể cái rầm. Rồng hết hồn đứng sững, bị Sặc nhào vô xỉa cây giáo ngang họng, chết ngắt. Ảnh cưỡi ngựa đưa công chúa về, kéo theo xác con rồng. Vua gả công chúa cho ảnh.
[hết ATU 300]
Gần đó có một cái dinh, nghe đồn ai vô đó sẽ bị nhốt ở trỏng. Sặc mò vô. Ai dè ở trỏng có bà phù thủy (witch) biến ảnh ra tượng đá…
Lúc đó, Rô đi tới xứ của Sặc.
Thấy mọi người chào mình, Rô hỏi mới biết người ta đã dòm lộn mình là Sặc, và Rô đoán rằng Sặc đã gặp nạn trong cái dinh kia. Vậy là Rô theo về cung, làm như mình là Sặc, nhưng chẳng ngủ chung và cũng ít nói chuyện với công chúa.
Hôm sau, Rô vô dinh của bà phù thủy, bả tưởng ảnh là hồn ma của Sặc, bỏ chạy, bị Rô lấy gươm lụi. Ảnh hỏi Sặc đâu, bả biểu ảnh làm thuốc xức cho bả sống thì bả mới nói… Rô làm theo lời bả, rốt cuộc cứu được Sặc và nhiều người khác nữa sống lại.
3.2.3 Nhóm 3
Những chuyện dưới đây có 4 mục: hiệp sỹ, cúng người, con rồng, trận đánh.
8. Anh thợ thuộc da Nikita (Nga).25
Gần Kiev có một con rồng, hàng ngày người ta phải nộp một gái tơ cho nó nuốt.
Bữa đó tới lượt công chúa. Nó đem công chúa về động nhưng thấy cổ đẹp nên không nuốt mà để lại ép làm vợ.
Công chúa có đem theo một con chó để đưa thơ cho cha mẹ. Bữa nọ nhà vua gởi thơ biểu công chúa tìm cách hỏi con rồng coi ai mạnh hơn nó. Cổ dụ nó, cuối cùng nó nói có một anh thợ thuộc da ở Kiev tên Nikita là mạnh hơn nó mà thôi.
Vua tự mình tới gặp Nikita xin ảnh đi giết rồng cứu dân và công chúa. Ban đầu ảnh không chịu đi. Tới khi vua sai người đi gom năm ngàn đứa nhỏ tới trước mặt Nikita cùng khóc một lượt để năn nỉ thì ảnh mới chịu đi. Ảnh lấy mười hai ngàn ‘pound’ sợi gai (hemp) trét đầy nhựa đường (pitch) quấn khắp người để khỏi bị rồng nuốt, rồi tới động kêu nó ra.
Rồng đóng cửa, không chịu ra. Nikita hăm phá tan động, nó mới ra đánh với Nikita.
Đánh mấy trận thua hết, rồng tính chia đôi thế giới với Nikita, mỗi bên một nửa.
Ảnh lấy cái cày nặng mười hai ngàn pound, cột rồng vô, cho nó kéo đi thành một cái rãnh để làm ranh giới, từ Kiev tới biển Caspian. Chia đất xong, Nikita nói nó xuống dưới nước chia biển. Khi con rồng ra tới giữa biển, Nikita xáng một cái, nó chết ngắt.
Cái rãnh đó ngày nay còn nguyên, cao mười bốn ‘feet’, chưa ai đụng tới. Nikita làm xong việc, chẳng màng nhận thưởng, quay về với nghề thuộc da.
9. Con rồng bảy đầu (Hy Lạp).26
Xưa có vua xứ kia cùng thuộc hạ giong thuyền đi chơi, lên một hòn đảo thấy có sư tử canh gác liền giết sạch. Họ tới một cái vườn, thấy ba con suối thay vì chảy ra nước thì một suối chảy ra vàng, một suối chảy ra bạc, một suối chảy ra ngọc. Họ nhào vô hốt lia lịa. Rồi họ thấy một cái hồ, tới gần thì nghe cái hồ nói ra tiếng người rằng chúa đảo này là một con rồng bảy đầu, đang ngủ, nó sắp tới đây tắm.
Cái hồ nói họ cởi hết đồ đang bận trên mình ra, lót kín khúc đường từ dinh con rồng tới đây để nó bò cho êm, may ra nó bớt giận. Họ làm theo vậy. Rồi con rồng tới. Nó tha mạng cho về, nhưng bắt nhà vua mỗi năm đem tới đây cúng cho nó mười hai đứa con trai và mười hai đứa con gái, không thôi nó phá tan xứ. Vua đành chịu.
Vua không có con. Bữa kia, hoàng hậu gặp một bà già tới đưa cho trái táo, kêu ăn vô sẽ có con. Hoàng hậu lột vỏ ăn. Ai dè một con ngựa cái trong dinh đi ngang, ăn luôn vỏ táo. Sau đó, hoàng hậu đẻ ra một thằng, ngựa kia đẻ ra một con [B311]. Cả hai lớn lên, chơi với nhau như anh em.
Bữa nọ người anh nhờ ngựa em chở đi gặp bà già hồi xưa đã đưa táo cho hoàng hậu ăn, xin bả bày cách diệt con rồng. Bả dặn ảnh đi theo một lối kín tới dinh con rồng, vô buồng nó ngủ, lấy cây gươm treo bên trên giường nó, gọi nó dậy, dùng gươm đó đánh nhau với nó, nhớ mỗi lần chém nó đứt một đầu thôi để cho gươm đừng gãy, hễ bị đứt hết bảy đầu thì nó chết…
Ảnh làm theo, quả nhiên diệt được con rồng. Xứ ảnh thoát nạn.
10. Lambton và con rồng (Anh).27
Xưa có Lambton ra sông Wear câu được con rắn (worm) ở mỗi bên miệng có chín cái lỗ. Ông kia đi ngang thấy vậy nói ảnh giữ lấy con đó chớ không được thả lại xuống sông, sợ mai mốt nó lên bờ hại người. Ảnh quăng đại nó xuống cái giếng gần đó. Nó lớn lên [thành con rồng, B11.1.3.1], khi giếng chật thì bò ra sông, ban ngày cuộn quanh gộp đá giữa sông, ban đêm vô làng bú sữa bò [B11.12.4], nuốt cừu, rượt gái, rồi tới một cái gò gần nhà Lambton, cuộn quanh gò, ngủ.
Lambton thấy vậy, hối hận, tình nguyện đi thánh chiến, mong sao dân làng thoát cái họa con rồng. Nhưng bây giờ con rồng bò ngay tới đất của nhà Lambton, người ta phải vắt sữa chín con bò đổ ra cái máng đá đặt trước cổng cho nó. Uống xong, nó tới gò ngủ. Ngày nào cũng vậy. Thiếu sữa, nó nhổ cây. Như vậy suốt bảy năm trời.
Nhiều người đã bỏ mạng khi tìm cách diệt con rồng.
Lambton trở về, đau lòng nhìn cảnh nhà xơ xác. Người cha biểu ảnh tới gặp bà mo (wise woman) ở Brugeford coi bả có cách gì giúp diệt con rồng hay chăng. Bả ra điều kiện là nếu diệt được con rồng thì Lambton phải giết thứ gì mà ảnh gặp trước hết ở cổng nhà mình, bằng không sẽ chẳng có ai trong giòng họ Lambton chết trên giường suốt chín đời. Ảnh hứa. Bà mo biểu ảnh đặt thợ rèn làm một bộ giáp gắn đầy đinh nhọn, mặc vô, ban đêm bơi ra gộp đá giữa sông chờ, tới sáng rồng về thì ráng sức ắt diệt được nó. Lambton làm theo.
Con rồng quấn lấy ảnh xiết, bị đinh nhọn đâm, nó xả ra; ảnh chặt nó làm hai, khúc dưới rớt xuống sông liền bị nước cuốn đi. Còn lại khúc trên, rồng quấn xiết nữa, cuối cùng bị đinh nhọn đâm chết, nước cuốn đi luôn. Lambton bơi vô bờ, lấy tù và thổi ba tiếng. Nghe vậy, đáng lẽ người nhà thả con chó săn tên là Boris cho nó chạy ra, như lời Lambton dặn, ai dè cha của ảnh mừng húm liền chạy ù ra. Lambton thổi tiếng nữa, người nhà mới thả Boris ra, ảnh chặt đầu con chó.
Nhưng không kịp rồi. Từ đó về sau, giòng họ Lambton, suốt chín đời, không ai chết trên giường. Người chót hết thì chết trong xe ngựa, khi băng qua cầu Brugeford, hồi một trăm ba chục năm trước.
3.3 Ý nghĩa
Đọc xong mười câu chuyện kể trên, ta thấy rồng có thể mang dạng của bất cứ con gì; dù vậy nó chẳng phải loài vật mà là một thứ ‘siêu nhiên’ (supernatural) ở giữa ‘yêu’ (demon) và ‘quỷ’ (devil).28
Những câu chuyện ‘người diệt rồng’ muốn nói lên điều gì? Có 3 cách hiểu.29
1. Bạn phải diệt được một con rồng thì mới trở thành kẻ giỏi nhứt trong thiên hạ và xứng đáng nhận giải thưởng cao nhứt, thí dụ một cô công chúa.
2. Rồng là tượng trưng cho lòng tham: nó khư khư giữ một đống của hoặc một bầy gái cho đã, vậy thôi. Nói rộng ra, nó là bất cứ một cái trở ngại nào bên trong hoặc bên ngoài con người của mình mà bạn phải vượt qua thì mới nhận được những gì tốt đẹp trong đời.
3. Rồng là quái vật. Hiệp sỹ là người, phải diệt quái vật thì cõi người mới yên.
Chú thích:
17. ANTTI AARNE (1973) The types of the folktale, translated and enlarged by Stith Thompson.
18. The seven-headed monster, Folktales of France, ed GENEVIEVE MASSIGNON, trans JACQUELINE HYLAND (1968).
19. The three dogs, The Green Fairy Book, ed ANDREW LANG (1902).
20. The two brothers, German popular tales and household stories, ed GRIMM (1853).
21. JIMMY JOE. Tristan and Isolde: Wagner’s Medieval Romance Summary.
22. Shortshanks, Popular tales from the Norse, ed Sir GEORGE WEBBE DASENT (1903).
23. IGNÁCZ KÚNOS. The forty princes and the seven-headed dragon.
24. The knights of the fishes, The brown fairy book, ed ANDREW LANG (1914).
25. Nikita the tanner, Russian Fairy Tales, ed ALEKSANDR AFANAS’EV, trans NORBERT GUTERMAN (1945).
26. The seven-headed serpent, Andrew Lang’s Fairy Books.
27. The Lambton worm, More English fairy tales, ed JOSEPH JACOBS (1894).
28. MONCURE DANIEL CONWAY (1879)Demonology and Devil-Lore, vol I, p 320.
29. LEXINE LYNNER (2018)Dragon slayers: remastering and redefining the enduring struggle.
4. ATU 300 ở Đông nam Á
11. Hai anh em (Philippines).30
[ATU 303]
Xưa có hai anh em sanh đôi tên Pedro và Fortunato, vô rừng kiếm củi lượm được một ổ chim bằng vàng và trứng chim bằng vàng. Dân làng cho là điều xấu, xúi ba má hai đứa đem bỏ chúng vô rừng [cho chết].
May thay, hai đứa được bà kia nuôi, lớn lên chúng đòi đi. Bả dặn chúng đem theo cây kim đặt dưới tảng đá nọ, hễ một trong hai đứa gặp nạn thì cây kim bị rỉ. Hai đứa chia tay.
[ATU 300]
Pedro tới nơi kia, thấy một cái dinh treo vải đen. Hỏi thăm thì được biết đó là dinh vua và canh ba đêm nay sẽ có một con rồng từ chỗ nọ tới dinh ăn thịt công chúa thứ nhứt. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, giết nó, chặt bảy đầu của nó treo lên cây, rồi đưa công chúa về. Cổ cho ảnh cái nhẫn.
Pedro gặp một con sóc và một con sư tử xin đi theo sau khi được ảnh tha mạng.
Mấy bữa sau, thấy dinh vua treo vải đen nữa. Hỏi thăm thì được biết canh ba đêm nay sẽ có một con rồng thứ hai từ chỗ khác tới dinh ăn thịt công chúa thứ hai. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, sai con sư tử giết nó, rồi ảnh chặt bảy đầu của nó treo lên cây gần chỗ treo bảy đầu của con rồng hôm trước, đưa công chúa về. Cổ cho ảnh cái nhẫn.
Pedro gặp một con khỉ lùn (tarsier) xin đi theo sau khi được ảnh tha mạng. Mấy bữa sau, thấy dinh vua treo vải đen nữa. Hỏi thăm thì được biết canh ba đêm nay sẽ có một con rồng thứ ba từ chỗ khác tới dinh ăn thịt công chúa thứ ba. Ảnh vô dinh tìm gặp công chúa, cỡi ngựa đưa cổ tới chỗ con rồng, sai con khỉ lùn giết nó, nhưng rồng khạc lửa làm chết khỉ lùn. Pedro bèn giết rồng, chặt bảy đầu của nó bỏ đó, lấy bảy cái lưỡi của nó treo lên cây, rồi đưa công chúa về. Gặp vua, ảnh kể chuyện giết rồng và xin cưới công chúa thứ ba, vua chịu, chọn ngày làm đám cưới.
Có anh hoàng tử kia mê công chúa thứ ba, tìm cách giết Pedro, chặt đầu quăng đi, rồi lượm bảy đầu của con rồng thứ ba đem về đưa vua coi, nói chính y giết rồng, và xin cưới công chúa thứ ba. Vua tin lời, gả cho y.
Trong khi đó con sóc tha cái đầu ráp vô mình Pedro, cho ảnh sống lại. Pedro được biết vua đã gả công chúa thứ ba cho người khác, bèn đi lấy bảy cái lưỡi của con rồng thứ ba, hai cái nhẫn của công chúa thứ nhứt và công chúa thứ hai, đem tới đám cưới đưa vua coi, kể lại mọi chuyện. Vua hiểu ra, cho Pedro làm phò mã, xử tội tên bợm kia.
[hết ATU 300]
Ngày nọ, Pedro lạc vô rừng, bị mụ phù thủy biến thành đá…
Fortunato lúc đó thấy lòng xốn xang, đi coi cây kim thì nó đã bị rỉ. Fortunato tìm tới nơi Pedro ở, bị công chúa thứ ba dòm lộn là chồng của cổ. Fortunato ngồi ngoài cầu thang chớ không vô nhà, nghe nói Pedro đã gặp nạn, liền vô rừng tìm cách cứu anh mình…
Rốt cuộc, cứu được Pedro và nhiều người khác, trong đó có hai cha con mà cô con sau này là vợ của Fortunato.
12. Công chúa tóc thơm (Cao Miên).31
[ATU 303]
Xưa có hai anh em tên Chan và Son, làm biếng, bị ba má đuổi đi. Có ông đạo kiathấy hai đứa tốt tướng, kêu chúng về dạy, được ba ngày chúng cũng xin đi. Ổng cho mỗi đứa một cây gươm phép, hễ chỉ vô ai thì nấy chết, và khi một đứa bị chết thì cây gươm của đứa kia sẽ hiện ra ba đốm rỉ [E761.4.7], đứa còn sống lấy gươm chỉ vô đứa đã chết sẽ sống lại.
[ATU 300]
Tới xứ kia hai anh em nghe nói có cặp chằng (yaksa) đòi nhà vua mỗi năm nộp cho chúng một cô công chúa, vua có hai mươi mốt cô thì đã nộp cho chúng hai chục cô, còn lại cô út tên Pou chúng cũng không tha. Chan và Son tới dinh của chằng, dùng gươm phép chỉ vô chúng, cho chúng chết, cứu công chúa. Công chúa đòi theo Chan nhưng hai anh em không chịu, dặn công chúa khi về gặp vua đừng nói chuyện họ giết chằng.
Sau có hai viên quan tới nơi tính hốt xương công chúa về chôn, thấy xác cặp chằng mà chẳng thấy công chúa, bèn về tâu với vua là chính họ đã giết chằng. Vua hứa nếu tìm thấy công chúa sẽ gả cho. Họ tìm thấy Pou và khi nhà vua đưa về thì cổ không nói gì chuyện Chan và Son.
Tới khi nhà vua tính gả Pou cho một viên quan thì cổ mới kể lại chuyện Chan và Son giết chằng. Vua sai bắt giam hai viên quan, cho người tìm Chan và Son. Hai anh em cũng chưa chịu về. Tới khi xác chằng sình thúi, mà nặng quá chẳng ai kéo đi nổi, thì Chan và Son mới về, lấy gươm đẩy xác chúng đi chôn, rồi vô gặp vua.
Vua gả công chúa cho Chan, nhường ngôi.
[hết ATU 300]
Son từ giã Chan, đi nữa. Chan cho một nắm hột cây để Son rải trên đường đi, phòng khi cần hai anh em sẽ theo hàng cây mà kiếm ra nhau.
Son tới thành Nokor Thom, vừa lúc có một đàn quái hình chim đang lùng bắt người ăn thịt và ngay cả ông vua ở đó cũng bị chết khi cùng quan binh chống lại chúng.
Công chúa, có mái tóc thơm phức, thì trốn trong lòng một cái trống bự. Son giết đàn chim, cứu công chúa ra khỏi cái trống và đưa về cung. Công chúa kể lại chuyện Son giết quái vật, hai người lấy nhau, Son lên làm vua.
Bữa nọ hoàng hậu tóc thơm tắm sông với đứa thị tỳ, nó bị nước cuốn tới xứ của một ông vua bị cùi. Ổng nghe nó nói chuyện, liền dụ nó đưa hoàng hậu tóc thơm qua cho ổng. Nó về, lấy trộm gươm của Son, chỉ vô ảnh cho chết. Hoàng hậu không thiêu Son, mà chôn, theo lời ảnh dặn. Đứa thị tỳ gạt hoàng hậu đưa qua xứ vua cùi, nhưng ông này chẳng dám làm gì hết vì hoàng hậu có đem theo cây gươm phép.
Ở nhà, Chan thấy gươm có ba đốm rỉ, biết Son đang gặp nạn, liền theo hàng cây, qua thành Nokor Thom. Hỏi thăm, Chan biết Son đã chết, bèn tới mộ, lấy gươm chỉ, hòm lộ ra, lấy gươm chỉ, xác lộ ra, lấy gươm chỉ, Son sống lại. Hai anh em giả làm thầy thuốc tới xứ vua cùi xin trị bịnh cho ổng, rồi lừa cho ổng tắm trong nồi nước sôi, bị phỏng chết. Đứa thị tỳ bị đuổi vô rừng cho cọp giảo. Son sau đó làm vua của xứ vua cùi luôn…
5. ATU 300 ở Việt Nam
5.1 Miền xuôi
5.1.1 Chuyện kể
13. Tiêu diệt mãng xà.32
Xưa có con mãng xà, đầu bự như cái chum, cái mào đỏ chót, mắt bự như trái quýt, mình dài hơn trượng, ở trong hang. Nhà vua mỗi năm phải nộp cho nó một người gái tơ, không thôi nó phá. Ai giết được nó, vua gả công chúa.
Anh kia [tạm gọi ‘Vô Danh’] ở chùa từ nhỏ, khi xuống núi thầy cho cây gươm quý.
Trên đường về làng, trời tối, Vô Danh thấy một cái đền có đèn hắt ra, bèn ghé vô qua đêm. Dè đâu gặp một cô bị trói ngồi khóc ở trỏng. Cổ nói cổ là nạn nhơn của con mãng xà và nhà vua đang cần người diệt nó. Vô Danh cởi trói cho cổ thoát về làng, rồi ảnh nán lại chờ diệt con quái.
Nửa đêm quả nhiên mãng xà bò vô, ảnh lấy gươm đánh nhau với nó, cuối cùng chặt đầu giết nó chết, nhưng gươm bị mẻ một miếng ghim trong đầu nó. Sáng, ảnh về làng. Trưa, có một viên quan tới đền, thấy xác mãng xà. Không gặp ai hết, y mừng húm xách đầu mãng xà đem nộp cho vua, nói chính y giết nó. Vua tin lời, định ngày gả công chúa cho y.
Ngày đám cưới, Vô Danh tới gặp vua xin lại miếng gươm ghim trong đầu con mãng xà. Xẻ đầu nó ra coi thì thấy một miếng thép giống như chỗ bị mẻ trên cây gươm của Vô Danh. Vua cho rằng ảnh mới là người giết mãng xà, chớ không phải viên quan, nên gả công chúa cho ảnh và xử tội viên quan.
14. Thạch Sanh.33
[Hồi 1]
Xưa xứ Mang Khảm [nay là Hà Tiên] có con chằng ở trong hang đá, nhà vua mỗi năm phải cúng cho nó một mạng người, không thôi nó giết. Vua nói ai diệt được nó thì cho làm quan lớn. Năm đó tới phiên Lý Thông, làm nghề nấu rượu, bị bốc thăm nộp mạng cho chằng [S262.3]. Thạch Sanh có sức mạnh hơn người, làm nghề tiều phu, bán củi cho Lý Thông.
Lý Thông muốn kiếm người thế mạng cho mình, nên y làm thân với Thạch Sanh, rồi tới ngày đã định thì lừa anh này tới hang chằng nộp mạng. Ai dè Thạch Sanh chém con chằng đứt đầu, về cho Lý Thông biết.
Một lần nữa, Lý Thông lừa cho Thạch Sanh bỏ đi, rồi báo với vua rằng y đã giết con chằng. Vua tới hang coi, thấy xác chằng, tin lời, cho y làm quan lớn.
[Hồi 2]
Con vua là công chúa Quỳnh Nga, trong ngày hội quăng trái cầu để chọn phò mã, bị một con đại bàng tha đi. Thạch Sanh tình cờ trông thấy, bắn tên trúng đại bàng nhưng nó vẫn bay được về hang, để lại dấu máu.
Vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Ba ngày trôi qua vẫn chưa thấy Lý Thông báo tin gì, nhà vua nóng ruột, nói ai cứu được công chúa sẽ cho làm phò mã.
Lý Thông kiếm Thạch Sanh, nhờ giúp. Thạch Sanh dắt y theo dấu máu đại bàng tới miệng hang, để y giòng dây cho ảnh xuống hang, giết chết đại bàng. Quỳnh Nga đưa Thạch Sanh trái cầu [ngụ ý chọn ảnh làm phò mã]. Lý Thông kéo Quỳnh Nga lên, bỏ mặc Thạch Sanh dưới hang, lấp đá lại, đưa cổ về cung. Thấy Thạch Sanh bị hại, Quỳnh Nga tức mình, câm luôn [F569.3.1]. Vua bèn lo chạy chữa cho cổ…
Trong hang, Thạch Sanh cứu một vị thái tử cũng bị đại bàng bắt nhốt ở đó. Thái tử đưa Thạch Sanh thoát khỏi hang, dẫn qua xứ chơi, khi ảnh về, được vua xứ đó tặng cho cây đờn…
Lý Thông biết Thạch Sanh còn sống, y lập mưu bắt ảnh bỏ ngục [K1931.5]…
Nghe tiếng Thạch Sanh đờn trong ngục, Quỳnh Nga nói được, xin vua cha cho gặp người đánh đờn. Thấy đúng là người đã cứu mình, Quỳnh Nga kể vua cha nghe mọi chuyện. Thạch Sanh lấy trái cầu đưa Quỳnh Nga. Thấy trái cầu, vua hiểu ra, cho gọi Lý Thông. Y nhận tội, nhưng được vua tha vì có Thạch Sanh xin, rốt cuộc y cũng bị sét đánh chết [Q552.1.3]. Vua gả Quỳnh Nga cho Thạch Sanh.
5.1.2 Nhận xét
Tiêu diệt mãng xà
Chuyện này có 6 mục của ATU 300: hiệp sỹ (Vô Danh), cúng gái, con rồng (mãng xà, B11.2.1.1), trận đánh, tên bợm (viên quan), xác nhận công trạng.
Nhưng còn thiếu mục ‘lưỡi rồng’ với motif H105.1 ‘hiệp sỹ cắt lưỡi rồng để làm chứng cho việc giết rồng’ mà đáng lẽ phải có.
Ở đây, chứng cớ của Vô Danh được cho là miếng gươm ghim trong đầu mãng xà: nó khớp với cây gươm bị mẻ của ảnh (motif H101 đã gặp ở chuyện Tristan và Isolde).
Song le, lấy lý mà xét, đó chưa phải là chứng cớ hoàn hảo chừng nào chưa kiểm tra cây gươm của viên quan [mà y nói đã dùng để giết mãng xà]. Nếu cây gươm của y còn nguyên, hoặc y không đưa ra cây gươm nào hết, thì cây gươm bị mẻ của Vô Danh mới là chứng cớ hoàn hảo.
Thiếu chi tiết đó, nên mục ‘xác nhận công trạng’ nghe vụng về, không hợp lý.
Bởi vậy, ta ngờ rằng người kể chuyện này đã bỏ sót chi tiết.
Thạch Sanh
Hồi 1 chuyện này có 5 mục của ATU 300: hiệp sỹ (Thạch Sanh), cúng người, con rồng (chằng), trận đánh, tên bợm (Lý Thông).
Nhưng còn thiếu 2 mục ‘lưỡi rồng’ và ‘xác nhận công trạng’ mà đáng lẽ phải có. Ngoài ra, cốt chuyện còn bị sửa đổi làm cho :
+ Thạch Sanh vừa là hiệp sỹ vừa là nạn nhơn (người bị cúng),
+ Lý Thông vừa là nạn nhơn vừa là tên bợm,
+ Lý Thông vừa là tên bợm vừa là hiệp sỹ [được xác nhận công trạng].
Vậy hồi 1 ắt là chuyện sáng tác, dùng một số motif của ATU 300.
Hồi 2 chuyện này có đủ 6 mục của ATU 301 Ba cô công chúa bị bắt cóc với những motif đặc trưng như sau 17:
Hiệp sỹ (Thạch Sanh)
– sức mạnh hơn người | F610 |
Xuống cõi dưới
– chuyến đi xuống cõi dưới | F80 |
– xuống cõi dưới qua miệng hang | F92.6 |
– xuống cõi dưới bằng dây | F96 |
– hiệp sỹ bắn đại bàng và theo nó xuống cõi dưới | F102.1 |
Công chúa (Quỳnh Nga) bị bắt đi
– [vua sai người] đi kiếm công chúa | H1385.1 |
– công chúa bị đại bàng bắt đi | R11.1 |
Công chúa được cứu
– tên bợm (Lý Thông, cùng đi với Thạch Sanh) phản bội | F601.3 |
– tên bợm đem công chúa đi [sau khi cổ được cứu] | K1935 |
– công chúa được cứu ra khỏi cõi dưới | R111.2.1 |
Hiệp sỹ bị phản bội
– hiệp sỹ từ cõi dưới trở về bằng phép lạ (thái tử) | F101.4 |
– tên bợm bỏ lại hiệp sỹ ở cõi dưới | K1931.2 |
– tên bợm giành giải thưởng của hiệp sỹ | K1932 |
Xác nhận công trạng
– vật làm tin [của công chúa đưa] | H80 |
– vật làm tin là trái cầu | |
– tên bợm bị trừng trị | Q262 |
– hiệp sỹ nghèo hèn lấy công chúa | L161 |
– ai cứu công chúa sẽ được lấy cổ | T68.1 |
Vậy hồi 2 là một version của ATU 301.
Ta thấy ‘hiệp sỹ’ và ‘tên bợm’ ở hồi 1 đã bị bóp méo để trở thành ‘hiệp sỹ’ và ‘tên bợm’ ở hồi 2, lần lượt.
Bởi vậy, tóm lại, ta cho rằng đây không phải chuyện dân gian mà là chuyện sáng tác, dựa theo một số motif của ATU 300 và một version của ATU 301.
Cách nay gần 65 năm, VÕ XUÂN PHỐ34 cũng nêu lên ý na ná như vậy :
Truyện Thạch Sanh là một truyện rất phổ biến trong đồng bào Miên ở Cao Miên cũng như ở các vùng thiểu số ở Việt Nam (như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc)… Các gánh hát ‘dù kê’ của người Miên ở các vùng nói trên… đều lấy truyện Thạch Sanh xây dựng nên vở ‘dù kê’ của mình…
Nhân dân Miên coi Thạch Sanh là vị anh hùng cứu tinh của họ…
Theo tôi, truyện Thạch Sanh nguồn gốc có lẽ ở Cao Miên… Do đó, có thể là người Việt chúng ta đã phóng tác theo một chủ đề dựa trên một chủ đề của người Miên.
Còn mục đích của việc sáng tác là gì thì ta không bàn ở đây, nhưng NGUYÊN GIÁC35 cho rằng :
Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào. Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh – Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện …
5.2 Miền thượng
5.2.1 Chuyện kể
Dưới đây là một chuyện của người Mnong nói tiếng Bahnaric.
15. Prang và Iyang.36
Xưa có hai anh em tên Prang và Iyang. Bữa nọ Iyang lượm được cục đá thần, ném trúng người ai cục đá cũng xuyên qua như không …
Iyang bị người anh đuổi đi, sang xứ kia được vợ chồng nọ nhận làm con nuôi. Ở đó có một con rồng đòi nhà vua phải nộp công chúa tên Pou cho nó. Để cứu công chúa, Iyang tìm một bọn ‘yeak’, đưa cục đá thần nhờ chúng rèn cho mình một cây gươm thiệt bén [F833.5]…
Iyang tới chỗ Pou đang chờ nộp mạng cho con rồng, lấy gươm chém đầu nó ngọt xớt, rồi bỏ về. Pou đòi theo, Iyang không chịu, dặn Pou khi gặp lại vua cha thì đừng kể gì hết. Bảy ngày sau, nhà vua cho người tới nơi thăm dò. Khi biết rồng đã chết, vua hỏi Pou ai đã cứu cổ. Pou nói không biết, nhưng đưa vua coi cái bao gươm và một khúc đai bị đứt của Iyang bỏ lại. Vua cho rằng ai mang gươm vừa với cái bao đó và mang đai vừa với cái khúc bị đứt đó, thì chính là người đã cứu con mình, nên cho gọi hết thảy đàn ông người Mnong, người Jaraï, người Samré và người Stieng – mà có xài gươm và đeo đai – tới cung vua để thử.
Chưa tìm thấy ai, nên vua cho gọi thêm hết thảy đàn ông người Miên, người Ấn, người Lào và người Xiêm tới thử, nhưng cũng không tìm ra ai. Được biết còn Iyang chưa tới thử, vua cho người mời. Ảnh không đi mà đưa họ cây gươm và cái đai để đem về trình vua, nhưng chẳng ai nhấc nổi cây gươm [D1654.4.1]. Rốt cuộc, Iyang ra mặt, vua nhận ra ảnh là người giết rồng cứu công chúa, bèn gả Pou cho ảnh …
5.2.2 Nhận xét
Chuyện này có 5 mục của ATU 300: hiệp sỹ (Iyang), cúng gái, con rồng, trận đánh, xác nhận công trạng.
Vậy đây là một version của ATU 300, ở đó hiệp sỹ được nhận ra nhờ hai vật :
+ cái đai bị đứt một khúc H117
+ cây gươm [khớp với cái bao] H125.1
6. Thảo luận
Ta đã gặp những version của ATU 300 ở :
+ Philippines và Cao Miên, có lẽ do người Âu và người Ấn lần lượt đem sang,
+ miền thượng Việt Nam, được cho là ở Cao Miên truyền sang.36
Trong chuyện dân gian người Việt, ta gặp một version của ATU 300 (Tiêu diệt mãng xà) mà có lẽ người kể đã bỏ sót chi tiết.
Ta cũng tình cờ nhận ra một chuyện sáng tác dựa theo một số motif của ATU 300 và một version của ATU 301 (Thạch Sanh).
Vậy bằng cách nào ATU 300 Người diệt rồng [và ATU 301 Ba cô công chúa bị bắt cóc] đã được phổ biến trong dân gian người Việt?
NGUYỄN ĐỔNG CHI cho rằng chuyện Tiêu diệt mãng xà là ‘tiếp thu’ của người Ấn.32 Song le, Berezkin,8 khảo sát dữ liệu phân bố 548 motif trong nhóm ‘hành động và mánh khóe’ (gồm cả ‘người diệt rồng’) ở 309 nền văn hóa dân gian trên cựu thế giới, cho biết rằng Đông nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, thì không có chung motif với hai vùng gần gũi là Đông Á (Trung) và Nam Á (Ấn), mà có chung motif với hai vùng xa xăm là châu Phi bên dưới sa mạc Sahara và nam châu Âu bên Địa Trung Hải.
Vậy cả hai type 300 và 301 đều do người Âu đích thân đem sang? hay là do người bổn xứ chép lại tài liệu của người Âu?
Muốn tìm hiểu điều đó, ta phải chờ thêm dữ liệu.
Người viết xin ngừng ở đây.
Tạm biệt dragon!
Cám ơn rồng đã cho mượn tên!, 21-Sep-2021
Chú thích:
30.DONN V. HART and HARRIETT C. Hart. A Philippine version of “The two brothers and the dragon slayer” tale.
31. LÊ QUANG HƯƠNG (1969)Chuyện cổ Cao Miên.
32. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, ed NGUYỄN ĐỔNG CHI (1957).
33. TRẦN ANH TUẤN (2011) Đôi nét về Kiên Giang.
34. VÕ XUÂN PHỐ (1957)Góp ý kiến về nguồn gốc truyện Thạch Sanh.
35. NGUYÊN GIÁC (2019) Đọc truyện Thạch Sanh Lý Thông.
36. HENRI MAITRE (1912)Les jungles Moï, Exploration et histoire des hinterlands moï du Cambodge, de la Cochinchine, de l’Annam et du Laos, phần III, ‘Résultats géographiques de la mission: géographie – ethnographie – histoire’, trans LƯU ĐÌNH TUÂN (2007).
* * * (3)
Ghi chú: Chữ in hoa, chữ nghiêng và bảng biểu do Ban Tu Thư thiết lập.
Nguồn: Tác giả cung cấp bài viết cho thanhdiavietnamhoc.com, 27/09/2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Các bài viết khác của tác giả (Đỗ Ngọc Giao):
1. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 1)
2. Rồng – Từ biển đen tới Đất Việt (Phần 2)
3. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1A)
4. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 1B)
5. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2A)
6. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 2B)
7. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3A)
8. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3B)
9. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 3C)
10. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần 4)
11. Phân tách chuyện Tấm Cám theo lý thuyết của Prop (A Proppian analysis of Tam Cam)
12. Antony Landes với chuyện dân gian người Việt (Phần chót)
13. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 1)
14. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 2)
15. Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết (Phần 3)