SỰ ĐÓNG GÓP của TRUYỀN THÔNG trong quá trình PHÁT TRIỂN VĂN HÓA Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX
HOÀNG MINH PHÚC
(Phó Giáo sư. Tiến sĩ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam)
1. Dẫn nhập
“Từ khi có con người, mỗi người chúng ta lẽ dĩ nhiên là cần phải nói với người khác những gì mà mình biết và những gì mà mình suy nghĩ như chúng ta. Nhu cầu này là một điều kiện sinh tồn đối với con người ngay từ lúc sơ khai” (F.Terrou, 1968, tr.13).
Từ thời kỳ tiền sử, khi chưa có tiếng nói, chữ viết, con người giao tiếp với nhau bằng âm thanh, ký hiệu, hình vẽ, màu sắc,… Khi có tiếng nói, thông tin được chuyển tải qua nhiều hình thức, từ những câu chuyện truyền khẩu, những bài hát đồng dao, những câu ca dao, câu vè, đố, trong sinh hoạt đình làng, qua mõ làng và nhiều hình thức dân gian khác.
Khi có chữ viết, tin tức được chuyển tải thông qua văn bia, sách vở, báo cáo, biên niên sử bằng hình thức chạm, khắc và ấn loát thủ công. Đến cuối thế kỷ 19, cùng với sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam với mục đích chính trị là những thay đổi trong phương thức truyền thông gắn liền với sự du nhập các phương tiện và kỹ thuật tiên tiến như máy in là tiền đề cho ngành in và báo chí ra đời, hệ thống điện tín, điện báo,… Tuy nhiên, trong suốt gần 10 thế kỷ từ thế kỷ 11 đến giữa thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20 người Việt sử dụng phương thức truyền thông bằng phương pháp ấn loát thủ công lâu dài nhất. Phương thức này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tri thức, lịch sử, văn hóa, thông tin và nghệ thuật của người Việt.
2. Phương thức, kỹ thuật và lịch sử
Ấn loát thủ công là một kỹ thuật có lịch sử phát triển lâu đời từ các nước Đông Nam Á, Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ấn loát thủ công là một cách gọi. Trong lịch sử ngành in Việt Nam, khi nói tới phương thức ấn loát thủ công chúng ta thường nghĩ tới in khắc gỗ vì đây là chất liệu duy nhất được sử dụng để in sách, kinh Phật, văn thơ và các ấn phẩm khác trong gần 10 thế kỷ. Do vậy, ấn loát thủ công có thể là cách gọi chung theo phương pháp in, nhưng cũng có thể chính xác hóa tên gọi theo phương thức và chất liệu của loại hình này là tranh in khắc gỗ, tranh in mộc bản hay đồ họa in khắc gỗ.
Trước khi kỹ thuật in này ra đời, sách và các văn bản khác thường được lưu hành bằng cách chép tay do vậy để sao chép với số lượng nhiều mà tránh được tình trạng tam sao thất bản, người ta đã phát minh ra kỹ thuật in khắc gỗ. Việc khắc ván và in trên giấy giúp việc nhân bản một cuốn sách và truyền bá tri thức, tôn giáo trở nên dễ dàng và chính xác hơn. Gỗ để san khắc rất quan trọng. Tuổi thọ của ván in phụ thuộc vào chất lượng gỗ vì vậy ván dùng để san khắc thường được ngâm tẩm nhiều năm để đảm bảo độ co ngót và không bị mối mọt như gỗ thị, gỗ mực, gỗ mít hoặc gỗ mỡ. Trong số đó, gỗ thị vẫn được sử dụng phổ biến nhất do gỗ thị thớ đa chiều, rất rắn nhưng có độ bền cao khi khắc nét. Việc sử dụng gỗ thị để khắc sách cũng được Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên nhắc đến. Đối với các văn bản thuần chữ Hán, Hán Nôm hay sách kinh Phật do mật độ chữ dày đặc, các nét thường liên kết với chặt chẽ nên không cần khắc quá sâu. Những bản khắc khác có hình minh họa thì hình có thể đứng độc lập, có thể kèm chú giải cần sắp xếp sao để tăng cường độ liên kết bằng nét cho ván khắc.
Trong lịch sử truyền thông, nếu như mõ làng được xem là phương tiện truyền thông sơ khai trong xã hội cổ truyền Việt Nam thì ấn loát trên ván gỗ là phương tiện truyền thông có lịch sử lâu dài nhất. Phần lớn tư liệu sử cho thấy ấn loát thủ công ra đời từ thế kỷ 11 “Trong giai đoạn Bắc thuộc từ năm 111 trước công nguyên đến thế kỷ 10, không tìm được một di vật ấn loát nào” (Phan Cẩm Thượng, 1999, tr.15). Tuy nhiên sách Thiền uyển tập anh có xác nhận thiền sư Tín Học (thời Lý 1009-1224) sinh ra trong gia đình làm nghề khắc bản in lâu đời “Chùa Quán đỉnh, núi Không Lộ. Người châu Minh, phủ Thiên đức, họ Tô. Đời đời chuyên nghề khắc ván kinh” (Quyển thượng, tr.64) là một chứng cứ quan trọng để xác nhận việc ấn loát trên ván gỗ đã có từ thế kỷ 11, 12. Trong chương Văn hiến của bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú nói rằng “nghề in đã có từ thời Lý (1009-1225) và đời Trần (1225-1400) và có nhiều sách đã được in. Chứng cứ là khi quân Minh xâm lược Việt Nam (1414-1417), người Trung Hoa đã đem về nước 60 bộ sách”.
Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, kiến thức nhân loại và tri thức dân gian Việt Nam trong một thời gian dài đều được chuyển tải qua chữ Hán, nên trong quá trình ấn hành (xuất bản) các bộ sách đều được soạn sao cho dễ đọc, dễ hiểu hoặc thêm hình minh họa để phổ biến tri thức đến với công chúng chưa đọc thông viết thạo chữ Hán trong xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện việc san khắc một bộ sách hay văn bản theo phương thức này đều đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ càng về thời gian, vật lực và nhân lực. Như bộ Đại Tạng Kinh do thiền sư Pháp Loa chủ trì ấn hành từ năm 1295 đến năm 1319, có thời gian ghi chép san khắc trong 24 năm gồm 6.010 quyển. Theo tư liệu sử, người thợ khắc (hay phường thợ) thực hiện san khắc sách đều phải có trình độ: có tay nghề giỏi (chuyên môn), tinh thông chữ Hán (hiểu biết) và qua các kỳ sát hạch của triều đình (trình độ) cho thấy độ khó của một nghề nghiệp vốn là một nghề thủ công trong xã hội phong kiến. Như vậy, để san khắc một cuốn sách dày 400 trang, người thợ cần chuẩn bị từ 100-200 bản gỗ nếu in hai trang giấy trên một mặt và/hoặc in hai mặt cùng một lúc để tiết kiệm mặc dù việc in ấn được sử dụng nhiều lần. Hay như bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 1.252 trang, mỗi trang là một bản khắc khoảng 400 chữ được khắc từ 7-8 ngày, để khắc 1.252 trang người thợ phải mất 3-4 tháng chuyên tâm làm việc mới hoàn thiện bộ sách.
Do tính phức tạp và tốn kém nên sách xuất bản thường được chia theo cơ sở in: nhà nước (quan khắc), dân gian (phường khắc), các cơ sở tôn giáo (tự viện khắc). Trên cơ sở phân loại này, mà chuẩn bị kho để bảo quản ván khắc trước và sau khi san khắc in. Điều này cho thấy, phương thức truyền thông này cần rất nhiều sự đầu tư về thời gian, công sức, tay nghề và của cải.
Hình minh họa thợ khắc trong Technique du peuple Annamite của Henri Oger
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, việc in khắc ván in Kinh, sách vở, văn bản,… đều được thực hiện bằng phương pháp in mộc bản [1]. Thế kỷ 15, sử sách ghi nhận việc thám hoa Lương Như Hộc đi sứ Trung Hoa và học nghề in khắc sách và truyền dạy cho hai làng Hồng Lục, Liễu Chàng ở Hải Dương. Đến thế kỷ 17, 18, 19 ghi nhận việc ra đời của các dòng tranh dân gian Việt Nam sử dụng ván gỗ để in khắc như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, làng Sình,… Trong nghiên cứu này, tác giả không bàn đến tranh dân gian nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò truyền thông văn hóa của các dòng tranh với chức năng thưởng ngoạn và trang hoàng nhà cửa vào dịp Xuân về. Một số nội dung trong tranh dân gian mang tính thông tin, giáo dục và lịch sử thường kèm thêm chữ bên cạnh hình ảnh. Một số khác, sau này do tác động của bối cảnh xã hội, hình ảnh dân gian dần thay thế bằng hình ảnh ông Tây bà đầm, máy bay hay ô tô đã vẽ ra một khung cảnh mới phản ánh sự đổi thay của thời cuộc.
3. Truyền thông sự đổi thay và những đóng góp tích cực
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nước ta có khoảng 350 cơ sở in khắc gỗ và một đội ngũ học giả, tổ chức biên soạn sách (Phan Cẩm Thượng, 2011). Như vậy, trong gần 10 thế kỷ người Việt không biết đến một phương pháp in ấn nào ngoài in khắc gỗ. Mặc dù, nghề in và minh họa sách báo đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật độc lập góp phần chuyển tải tri thức và thông tin cho xã hội “Cho đến tận trước ngày thực dân Pháp đặt chân lên nước ta thì kỹ thuật in mộc bản này đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn là kỹ thuật in duy nhất” (Đỗ Quang Hưng, 2000). Minh chứng cho thấy, năm 1908-1909 ấn phẩm Technique du peuple Annamite của Henri Oger đã được tác giả sử dụng kỹ thuật in khắc gỗ trên giấy để tái hiện lại đời sống văn minh vật chất của người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ đầu thế kỷ 20 thông qua hơn 4577 hình khắc. Đây là bộ sách duy nhất thực hiện bằng phương pháp in khắc truyền thống của người Việt từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu phương Tây.
Tuy nhiên, do tính phổ quát trong xã hội ngày càng đòi hỏi sự chính xác và tốc độ thông tin, kỹ thuật in mộc bản vì vậy dần dà không đáp ứng được tính chất thời sự và sự mở rộng của thông tin. Trước những nhu cầu như vậy, nghề in tiến hành cải cách theo nhiều cách, từ kỹ thuật khắc in trên gỗ chuyển thành kỹ thuật in rời (hoạt bản).
Giữa thế kỷ 19, người Pháp đến Việt Nam mang theo máy in, máy ảnh, điện tín, xe đạp, xe hơi,… và nhiều trang thiết bị khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ trong quá trình đô hộ tại Việt Nam. Năm 1861, để phục vụ việc in chỉ thị, công văn, nghị định, huấn thị, thông tư của và công báo, người Pháp mang máy in và thợ in đến Sài Gòn, Le Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine là một trong những tờ báo Pháp đầu tiên sử dụng máy in và phương pháp in hoạt tự [2] ở Việt Nam năm 1861 [3]. Năm 1862 Pháp xuất bản tờ Xã thôn công báo [4] in bằng chữ Hán được gửi đi các làng xã Việt Nam để phổ biến những quyết định, mệnh lệnh của nhà cầm quyền tới các chức sắc bản xứ (lần đầu tiên người Việt tiếp xúc với báo chí) và sử dụng một hình thức truyền thông khác là công báo đăng tải những thông tin ngắn gọn, có tính thời sự (Journal officiel) [5]. Năm 1865 thành lập nhà in dưới sự bảo trợ về kỹ thuật của Nhà in Quốc gia Paris (Imprimerie Impériale) [6] đảm nhiệm hầu hết việc in các tờ công báo sau này của chính quyền thực dân ở Nam Kỳ [7], thành lập nhà in Chính phủ (Imprimerie Gouvernement) [8] ở Hà Nội năm 1873, đây là cơ sở đầu tiên được trang bị máy in hiện đại.
Như vậy, đến những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 một hệ thống các cơ sở in ở Sài Gòn và Hà Nội được thành lập trang bị máy in typo hiện đại. Việc sử dụng máy in trong in ấn đã mở ra trong lĩnh vực truyền thông những hoạt động mới, đặc biệt là báo chí, sau là tạp chí, sách văn học và những loại sách khác,… “Trước khi được tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người Việt Nam ta cũng viết sách, in sách chữ Hán. Đời Lý đã có in sách mộc bản. Từ đời Trần về sau nghề in sách ngày càng tiến bộ hơn. Nhưng về báo chí thì mãi đến khi người Pháp sang mới thấy ra đời với chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và cách in hoạt bản”[9]. Báo chí ra đời đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển văn minh và nhiều ngành khoa học khác trong xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, đơn giản và dễ dàng hơn “Tờ báo ngày nay đã trở thành một món ăn cần cho người ta, có người đã ví như đồ ăn cho trí-não như cơm gạo là đồ ăn cho thân-thể, có lẽ cũng có khi không bổ như cơm gạo thật nhưng đã thành một món tất-yếu không thể khuyết được”[10].
Như đã trình bày ở trên, việc in ấn và lưu hành sách được phát triển từ rất sớm nhưng số lượng độc giả trong xã hội phong kiến đọc thông viết thạo chữ Hán Nôm không nhiều “Trước thế kỷ 19 ngoài sách Hán Nôm, Việt Nam hầu như không có loại sách gì khác và sách vở cũng không thật sự phổ biến đến mặt bằng xã hội, mà chỉ thông dụng với giai tầng kẻ sỹ” (Hoàng Minh Phúc, 2015). Do vậy, sử dụng hình minh họa kèm chữ là cách thức có thể tiếp cận người đọc dễ nhất, hình minh họa có tác dụng làm rõ nghĩa cho nội dung. Tuy nhiên, do thay đổi phương thức in nên trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 nhiều ấn phẩm vẫn phối hợp hai loại in: in tay (in khắc gỗ) và in máy (in hoạt tự). Để đảm bảo sự chính xác, minh họa trong sách sử dụng kỹ thuật in khắc gỗ, phần nội dung in máy bằng chữ con chì, sắp vào khuôn in từng khối như trang sách, khuôn tranh khắc gỗ cũng được đặt vào vị trí thích hợp cùng với chữ chung quanh. Những ấn bản đó, mang tính chất nửa công nghiệp nửa thủ công nhưng rất đẹp vì các bản vẽ thường do các họa sĩ thực hiện, khắc và in như cuốn Lục Vân Tiên in năm 1927 tại nhà in Lê Văn Tân ở Hà Nội do tác giả Nguyễn Đình Chi minh họa, cuốn Kim Vân Kiều in năm 1942, Mai Lĩnh ấn hành tại Hà Nội do Mạnh Quỳnh minh họa in khắc gỗ, cuốn Dẫn giải truyện Kim Vân Kiều của Huyền Mặc Đạo Nhân soạn in, xuất bản và phát hành tại nhà in Tín Đức thư xã phát hành,…
Trong một vài trường hợp tranh minh họa được in rời rồi dán vào trang trống đã được định sẵn trong sách như cuốn Nguyễn Du minh họa tập in năm 1942. Người mua sách đó có thể bóc minh họa đó ra làm tranh treo vì riêng minh họa đó đã là một tác phẩm độc lập.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi…, Nguyễn Tường Lân, 1942, Khắc gỗ màu, 20x28cm,
Minh họa trong Nguyễn Du minh họa tập
Khi báo chí phát triển và nền văn học mới hình thành thời thực dân đô hộ, nhiều nhà văn xuất bản sách và viết truyện dài kỳ trên các trang báo khiến nhu cầu minh họa sách báo hiện đại cũng tăng lên “Minh họa sách báo trở thành cái vỏ thẩm mỹ của đời sống thông tin mới” (Hoàng Minh Phúc, 2015, tr.114) tạo nên mối quan hệ mới giữa văn chương và hội họa. Bìa sách, bìa tạp chí cũng được in thủ công trên ván gỗ do các phường thợ ở Hàng Quạt, Tô Tịch in khắc hoặc do các họa sĩ thực hiện. Cách làm này kéo dài đến những năm 60 của thế kỷ 20, khi các phương tiện in ấn hiện đại có thể đảm nhiệm đồng bộ quy trình in hình và chữ.
4. Kết luận
Trong quá trình phát triển của dân tộc, in khắc gỗ không chỉ là một phương thức in ấn phổ biến và lâu dài nhất trong lịch sử, mà còn là phương tiện quan trọng trong việc truyền bá tri thức, thông tin trong xã hội. Các công trình sách, Kinh Phật, truyện thơ, tranh minh họa không chỉ phản ánh sự kết hợp tài tình giữa tác giả, người viết, người vẽ, thợ khắc, thợ in, người biên tập,… mà còn cho thấy sự tài hoa, sự thông đạt và tay nghề của các tác giả trong quá trình thực hiện ấn phẩm. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi phương thức in có sự chuyển biến và thay đổi, phương pháp in mộc bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc in minh họa cho sách, tạp chí và các tác phẩm văn học. Sự kết hợp giữa văn chương và hội họa, giữa nhà văn và họa sĩ trong giai đoạn bản lề của xã hội Việt Nam đã tạo ra những dấu ấn quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật đương thời. Điều này, đã đem lại cho truyền thông giá trị mới mang yếu tố thẩm mỹ. Ngày nay, truyền thông đã phát triển nhanh chóng với những phương tiện khoa học hiện đại và tối tân nhưng nửa trước của thế kỷ 20 trở về trước, dân tộc Việt Nam với một phương thức chuyển tải thông tin đã tạo ra những dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển trên nhiều phương diện từ văn minh, văn hóa, tới nghệ thuật.
__________
[1] Hoa Bằng, “Từ lối in mộc bản xưa đến kỹ thuật in hoạt bản bấy giờ”, Tri Tân, số 49 (3/6/1942).
[2] Kỹ thuật in hoạt tự (chữ rời) là phương pháp dùng sẵn những chữ rời, sau đó căn cứ vào nội dung bản thảo, lựa chọn những chữ cần thiết mà gắn vào thành hàng rồi tiến hành in ấn. Sau khi in xong, bản khắc lại được tháo rời những chữ đơn có thể dùng để sắp xếp lại để in ấn phẩm khác.
[3] Le Bulletin officiel de l’Expédition de là Cochinchine (Kỷ yếu Công vụ cuộc viễn chinh xứ Nam Kỳ), phát hành lần đầu ngày 29/9/1861, sau này đổi tên thành Bulletin officiel de la Cochinchine francaise (Kỷ yếu Công vụ xứ Nam Kỳ thuộc Pháp). Năm 1899 khi nền thống trị Pháp được xác lập trên toàn Đông Dương báo đổi tên là Bulletin officiel de l’Indochine francaise (Kỷ yếu Công vụ xứ Đông Dương thuộc Pháp). Năm 1902, đổi thành Bulletin Administratif phát hành ở năm xứ Đông Dương.
[4] Le Bulletin des Communes in năm 1862 bằng chữ Hán (có tư liệu ghi năm xuất bản lần đầu 1863).
[5] Tờ báo đầu tiên thuộc loại này mang tên Le Courrier de Saigon (Tin Sài Gòn) ra đời ngày 01/1/1864. Đến 1879 đổi thành Journal officile de la Cochinchine (Công báo Nam Kỳ) và năm 1889 đổi là Journal officiel de l’Indochine (Công báo Đông Dương).
[6] Khuông Việt, Lịch trình báo chí Việt Nam, Tri Tân, số 56 (28/7/1942).
[7] Năm 1859, thành Gia Định thất thủ người Pháp tiến hành đô hộ và thiết lập hệ thống chính trị thuộc địa tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
[8] Sau được đổi thành nhà in Bảo hộ (Imprimerie Protectorat).
[9] Lịch trình báo chí Việt Nam, Tri Tân, số 56 (28/7/1942).
[10] Hồng Nhân, Nghề làm báo, tài liệu dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa – Thông tin, Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở (2006), 60 năm tranh cổ động Việt Nam 1945 – 2005.
2. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn học.
3. Đỗ Quang Hưng (chủ biên) (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
4. Terrou (1968), L’information, PUF Paris.
5. Hoa Bằng (1970), “Kỹ thuật ấn loát của ta ngày xưa”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 133.
6. Hoàng Minh Phúc (2015), Đồ họa in khắc gỗ hiện đại Việt Nam, NXB Thế giới.
7. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB TP Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Quân (2010), Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, NXB Tri thức, Hà Nội.
9. Nguyễn Trân (1995), Nghệ thuật đồ họa, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
10. Nguyễn Văn Trung (1974), Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, NXB Nam Sơn, Sài Gòn.
11. Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược (2011), Đồ họa cổ Việt Nam, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
12. Quang Phòng, Quang Việt (2000), Mỹ thuật thủ đô Hà Nội thế kỷ XX, NXB Mỹ thuật, Hà Nội.
13. Tô Huy Rứa (Chủ biên) (1998), Thư tịch Báo chí Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 681 đến trang 689).
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)