THẦN CÂU MANG
“Xuân từ trong ấy ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”
(TRẦN TẾ XƯƠNG)
Từ trong ấy! Chính là từ kinh thành Huế vua ban hành lịch mới, Trần Tế Xương đã khéo mở đầu cho bài thơ Tết của mình. Ngày nay, ở Hà Nội còn một phố mang tên là phố Khâm Thiên vì từ xưa toà Khâm Thiên giám toạ lạc nơi đây, để các quan chuyên lo việc xem thiên văn và làm lịch. Sau khi nhà Nguyễn thiên đô vào Huế, toà Khâm Thiên giám cũng được dời vào thiết lập ngoài hoàng thành. Một đài thiên văn cao chừng bảy trượng, sừng sững ở phía đông bắc gần bờ sông Hương.
Theo thông lệ, hàng năm cứ hai ba tháng trước Tết, lịch soạn xong đã được chấm phê, toà Khâm Thiên giám chuyển giao cho bộ Lễ gởi đi khắp các tỉnh, xuống tận phủ huyện, châu, xã Nam Kỳ và mấy thị xã đã cắt nhượng cho Pháp.
Tại kinh đô, lễ ban lịch được thiết triều cử hành trọng thể với đông đủ bá quan văn võ, để chứng tỏ quyền lực tối cao của nhà vua. Xác định ngày tháng để mọi người cùng theo về một mối trong sinh hoạt, biết rõ việc phải làm, ý thức được thời gian và những định kỳ: ngày sóc vọng, ngày kỵ lạp, đình đám, hội hè, phiên chợ…
Lịch được sử dụng trong dân gian có hai loại: loại lịch ta (lịch Việt Nam) và lịch Tàu. Cả hai đều coi ngày tháng tốt xấu, thiếu đủ … nhưng lịch ta thì ghi toát yếu, mỏng manh – chừng năm tờ giấy cỡ 22 x 15cm khó bề cạnh tranh nổi với lịch tàu ngoài thị trường vì đầy đủ chi tiết và có độ dày gần bốn mươi lần hơn (khoảng 200 tờ 27 x 16cm) và giá đắt gấp bốn năm lần.
Năm 1910, lịch Tàu từ Quảng Đông đưa sang lấy lên “Hồng Tự đầu thông tư”. Trong khi đó lịch ta có tựa là “Đại Nam Duy Tân tử niên tuế Canh Tuất hiệp kỷ lịch”. Lịch Tàu gần như là cuốn bách khoa, chép đủ mọi điều, ghi đủ mọi việc, từ dự đoán thời tiết cho đến việc bói khoa trị bệnh, bùa chú, ngày cát, ngày hung, như theo Jean Przyluski (1). Trang 2, lịch “Hồng Tự đầu thông tư”, năm 1910 có báo trước việc làm nhà phải nhắm hướng Tây, Đông thì tốt, còn hướng Bắc thì kỵ. Do đó, năm này Động thổ cũng tránh hướng Bắc. Thậm chí còn có người tin rằng lịch cũng dùng vào việc trừ tà, bỏ vào săng người chết khi tẩm liệm.
Bây giờ, chúng ta thử xem một quẻ trong lịch Tàu (hình 1). Vị tinh tạo tác sự như hà? Phú quý vinh hoa hỉ khí đa. Mai táng, gia quan thăng lộc vị. Hôn nhân dụng thử thất gia hoà. Như thế, quẻ này chỉ nói chung chung về việc xây cất, mai táng, hôn nhân chứ không đề cập gì khác. Nhưng có khi lịch Tàu đi vào chi tiết, không khéo nếu y theo mà thực hiện, có khi chỉ được một lần tắm vào dịp cuối năm mà thôi.
________
(1) Theo JEAN PRZYLUSKI – Le Peuple ¾ Tư liệu không ghi nơi in, ngày in.
Bây giờ chúng ta hãy thử xem một mẫu lịch – có lẽ là lịch Việt Nam(?) dự báo mùa màng trong năm – năm mà chúng ta đang cùng dự vào những ngày lễ Tết – năm Mậu Thân 1908 – H. Oger gọi tên cho trang lịch mẫu này là “en tête d’un almanach”.Đây là hình vẽ một con trâu với thần Câu mang dưới dạng một mục đồng tay dắt trâu, tay cầm cành cây (hình 2). Ngoài ra
còn bốn dòng chữ Hán :
“Mậu Thân chí tuế sư như hà ?
Tan đông phù điệp đắc thành tư
Thánh Chúa chẩm dương tu khủng cụ
Quân Lê hà giáo oán nam tân”.
Tạm dịch :
Năm mậu Thân 1908 việc xảy ra thế nào?
Vào cuối đông, sâu bướm sinh sản nhiều.
Thánh Chúa đêm nằm còn ngủ không yên
Việc dân đen oán trách làm chi ?
Trước kia, hàng năm người Việt Nam đều làm lễ tế xuân. Người ta nắn hình Câu mang dẫn trâu bằng đất, tuỳ theo từng năm mà có màu sắc khác nhau. Thần và trâu được rước đi khắp phố. Dân chúng thi nhau đốt pháo khi đám rước đi ngang qua. Cuối cùng đám rước đến “Đàn Tế xuân” xây ngay giữa trời. Lễ phẩm chỉ có hoa và giấy vàng, đem hoá. Người ta vây lại giành nhau những thứ ấy đem về nhà, xem như là “lá bùa vạn phúc”. Trâu và hình Câu mang được mang về đem chôn nơi thầy địa lý chỉ định (2).
_______
(2) Xin tham khảo Ký hoạ Việt Nam đầu thế kỷ 20 – NGUYỄN MẠNH HÙNG – nhà xuất bản Trẻ 1989 –
trang 89
Vào những năm 30, ở kinh đô Huế mỗi đầu năm, khoảng từ mồng 7 đến rằm tháng giêng, bộ Lễ của triều đình có tổ chức Lễ Tế Xuân hay Tế Thần Nông, “Đàn Tế Xuân” được lập tại làng Phú Mỹ (nay là Phú Hiệp) và hiện nay tàn tích vẫn còn. “Đàn” rộng mỗi bề độ mười, mười lăm mét cao hơn mặt đất 8 tấc. Trước Đàn là khoảng đất trống mỗi bề khoảng mười lăm mét.
Đúng vào chiều trước ngày hành lễ, Lý trưởng làng Phú Mỹ cùng năm bảy dân đinh vào sở Canh nông, trong Thành nội, khuân bức ảnh vẽ hình Thần nông về để tại Đàn.
Ảnh ấy vẽ bằng sơn dầu, to chừng hai mét vuông, dựng đứng trên một hương án chạm trổ, sơn son thiếp vàng. Từ sở Canh-nông về Đàn, vì chưa làm lễ, nên ảnh được phủ kín. Sáng lại, lễ Tế bắt đầu, có trống kèn, hương hoa, ngũ quả, nhưng không thấy có thịt, xôi.
Chủ lễ có năm là ông Phủ Doãn, có năm là ông Phủ Thừa của tỉnh Thừa Thiên. Các vị này là khâm mạng triều đình (thay mặt Vua), mặc áo đại trào và lạy ở bàn thờ giữa. Hai bàn thờ tả hữu thì do hai ông Tri huyện Hương Trà và Phú Vang làm phó chủ lễ, hai ông này mặc áo thụng xanh.
Lễ xong, ảnh được rước vào Cung Nội, có chiêng trống đi theo. Chiếc hương án có ảnh Thần nông được che lộng vàng do bốn tên lính của Hoàng Cung khuân (lính này đôi nón chóp sơn vàng, mặc áo dấu màu đỏ có nẹp xanh). Các vị chủ lễ, phó chủ lễ đều theo đám rước. Ai cũng khăn áo chỉnh tề. Đám rước đi từ Đàn Tế vào Hoàng Cung, xa độ trên bốn cây số, hai bên đều phố xá. Phần đông, dân mang pháo ra đốt để chúc mừng khi đám rước đi ngang qua nhà. Khi đến Hoàng Cung, cả đoàn người có phận sự đi theo đám rước đều được đi qua cửa Ngọ Môn, một điểm đặc biệt vì cửa Ngọ Môn chỉ dành cho Vua đi.
Qua cửa Ngọ Môn rồi thì rước ảnh đến Duyệt Thị Đường, và kết thúc cuộc lễ tế tại đấy.
Dân chúng nhìn vào ảnh Thần nông mà luận đoán việc xảy ra trong năm. Nếu ông Thần nông đi giày (như trong ảnh) là năm mưa nhiều, không mang giầy là năm khô ráo. Có khi Thần chỉ mang một giầy còn một giầy giắt lưng. Phần trên bản vẽ có bóng mặt trời trong hình được tượng trưng bằng chữ “nhật” có đám mây. Mặt trời có khi vàng, khi đỏ. Đỏ có lúc nhạt lúc đậm.
Bức vẽ lại còn có nhánh lúa khi trĩu hạt, khi xác xơ. Khi đứng trước, khi đứng sau con trâu. Tất cả đều mang tính chất dự báo mùa màng trong năm. Lễ tế xuân tại Huế chấm dứt từ sau năm 1939. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.
Riêng đối với Lễ tế Thần Nông hay còn gọi là lễ Tế Xuân. Henri Oger cho ta một bản vẽ độc đáo có thể được dùng làm sử liệu quý báu để soi rọi với các nguồn tư liệu như: “Lễ tế Xuân hay đám rước Thần Nông” của Bửu Kế trên tạp chí Bách Khoa – Tết Tân Sửu (1961) ấn hành tại Saigon, trang 39 ~ 44, hay một tư liệu khảo cứu có giá trị khác của Ngô Đình Nhu qua bài viết “Lễ lập Xuân ở Hà Nội” trên tạp chí Thanh Nghị 16/9/1942 (trang 16 ~ 18).
Lễ này sẽ được biên khảo và ấn hành dưới đề tài “Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20” – một luận án Phó Tiến sĩ sử học của cùng người nghiên cứu.
_______
* PGS.TS
1. Theo Jean Przyluski – Le Peuple – Tư liệu không ghi nơi in, ngày in.
2. Nguyễn Mạnh Hùng, Ký hoạ Việt Nam đầu thế kỷ XX, NXB Trẻ, Năm 1989, trang 89.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, Xuân 2018, Số 492, tháng 2.