THẰNG CON LAI MẼO
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học)
Đêm nay là đêm thứ ba – một đêm đến sau hai cái đêm Ba mươi của Tháng tư và một tháng năm của năm bảy mươi lăm. Đêm nay đối với Bà quản gia cũng vẫn là cái đêm thao thức! Bà chơm chớp đôi mắt để thoảng qua một vài giấc ngủ chập chờn!.
Nhưng đôi lúc Bà quản gia lại bật dậy như chiếc lò xo! Tiếng người khua động trên đường vang lên nghe như tiếng tuần canh thời giặc giã! Trái tim già cỗi của bà nhảy nhổm! Thỉnh thoảng bà lại nghe như có tiếng người ngoài ngõ. Rồi tất cả lại yên lặng cho bóng đêm được thanh thản. Nhưng lần này rõ là có tiếng sột soạt trước cổng nhà. Bà nhướng cổ cao. Con Lắc-ki nằm bên cạnh vểnh tai lên. Con Tô Tô ngốc đầu dậy. Trời đã về khuya, bà quản gia cảm thấy có gì bất thường. Bà rón rén bước ra, nheo mắt nhìn vào cái lỗ khóa đã quen thuộc dùng làm chiếc ống dòm để nhìn ra “vùng ven biên giới” diễn ra trước cổng nhà. Như có bóng dáng một cô gái tiều tụy, bừa bãi “- Ai đó!” – “Dạ con đây!” – “Con là ai!” – “Con là con Sáu “giữ đền” – “Mày đó à! Mày đến đây làm gì?” – “Xin Dì mở cửa cho con vào”.
Hình 1: Con Sáu ở đền mang theo món đồ
Cánh cửa hé mở! Con Sáu xô mạnh rồi bước nhanh vào với một túm đồ ôm theo người (hình 1)
– Cái gì đây?”.
– Xin Dì thương con! Đây là một “đứa bé” bị bỏ ngoài cổng đền đêm qua! Nó khóc! Con nhặt vào, rồi lật cái khăn trùm nó ra. Trời ạ! Thằng con lai Mẽo! Con sợ quá! Con che mặt nó lại! Con đem nó lại đây! Cái đền chắc tan tành”.
– Mấy ổng vào thì “cúng kiến múa may” sẽ chết cả lũ con ạ! Lại còn thêm “cái này” nữa!
– Sáng sớm mai này con bỏ đền về quê. Còn đêm nay đứa bé này con không biết phải làm sao! Con xin Dì thương xót nó! Chả nhẽ lại vất bỏ ngoài đống rác cho chuột bọ!
Con Sáu bèn mở cái khăn che mặt. Một gương mặt“con lai Mỹ”. Bà quản gia rung lên bần bật như dẫm phải con rắn hổ mang! Bà không rõ tại sao nó lại không đem đi nơi khác?!
– Thưa Dì, những năm tháng con thường được Dì đến “chơi đền”…!
Nghe 2 chữ “chơi đền” bà giật nẩy mình như “đỉa phải vôi”. Thà là “chửi cha” còn hơn “la làng”. Bà muốn bịt “cái mõm” của nó lại và mắng nó là“đồ thối mồm”. Mầy muốn chửi bới dòng họ tổ tiên của bà thì cứ chửi. Họ chết cả lũ rồi! Còn nói bà đến “chơi đền” là mầy “la làng” để tố cáo bà “lên đồng, lên cốt”. Mầy muốn mổ thịt người đang sống đây, phải không con ạ! Cái tội này đối với mấy “Ông cách mạng” là cái tội “dị đoan mê tín”. Tội còn nặng hơn mấy ông nghiện hút “đi mây về gió”.
Trong đầu bà thoáng qua một cơn ác mộng đến từ cái “đền đồng bóng” đặt ở bên gốc Vườn Ông Thượng mà dân Sài Gòn thường gọi là Vườn Bồ Rô. Trông bề ngoài vườn chỉ có cái bàn thiên hiền lành kê dưới gốc cây Bồ Đề mà ngày đầu bà đến đó. Nhưng bên trong bày biện mấy pho tượng thánh mà trí óc của bà chỉ còn nhớ lại một vài pho tượng như “pho tượng bà Ba Thoải”. Ừ! Thoải đọc trại của Thủy là nước để tránh phạm vào “tên cúng cơm” của Thánh Thần. Tượng cô Ba Thượng Ngàn, rồi tượng Ông Hoàng Bơ, ông này ghiền thuốc phiện đây!
*
* *
Bà cố vét lại ký ức đã qua trong cuộc đời mình ở cái đất Sài Gòn này. Cứ ngày ngày đi chợ lang thang quanh khu Bến Thành. Bà ghé đến mấy con bán hàng ngồi chồm hổm thì thế nào bà cũng xin được một quả chanh, vài quả ớt, mấy tép hành, ít củ tỏi… Thay vì phải trả mấy cắc, mấy đồng thì bà dành dụm lại mà không cắt bớt tiền chợ của nhà chủ. Bà tự hào về truyền thống gia đình chuyên nghề ở đợ “giấy rách vẫn giữ lấy lề”. Vào những lúc rảnh việc, bà chạy tới Vườn Ông Thượng gặp bà giữ đền để hẹn ngày “lên giá”. Ấy! Ấy! Cái từ này chỉ bọn đồng bóng mới hiểu. Chứ “dân Sài Gòn chính Ông Bà lang trọc” – nếu không lê la đến chốn này – thì cũng “mít-tờ-lờ”. Khi “Mấy Ổng” có hỏi “lên giá” là lên gì? Bà phải trả lời ngay, mà không được ấm ớ hội tề:“ Thưa Cán bộ: lên giá là lên đồng”. Mấy Ổng lại cật vấn “lên đồng là lên cái gì”! Bà thầm nghĩ: đúng là “cha nội” này phải là một ông miền Nam, chắc là ở mấy vùng Năm Căn. Chứ mấy ông bộ đội đi B thì rành“6 câu”. Làm gì mấy ổng không có dịp viếng thăm đền Phủ Giầy?! Như vậy bà phải “Kính thưa các đồng chí hẳn hoi. Ấy! Ấy! Bà dùng hai từ “đồng chí” là có ý nghĩa – là kết thân được rồi đấy!”. “Lên đồng” tức là lúc “giá” nhập vào “môi đồng” thì người hầu đồng sẽ lắc lư. Ngay lập tức người Phụ đồng ngồi bên cạnh – một tay trợ thủ – đoán biết ngay là ai nhập vào. Cái “con phải gió này” là cái con từng phụ đồng cho bà nên nó biết rõ ngọn ngành chân tay múa may quay cuồng của bà. Nếu nó tố cáo với mấy“Ông quân quản” thì cái đời bà phải ra ma, ra quỷ, ra tàn hương nước lã… Mà không khéo nó mô tả có lúc khi giá nhập lên bà ngáp ngáp mấy cái là nó lấy điếu thuốc “ba số năm” phết ngay chút thuốc phiện vào đầu điếu thuốc để phục vụ. Rồi nó bật lửa cho Ông Hoàng Bơ – tức Ông Hoàng Ba đấy – nhập vào thì bà“hít hít phì phì”! Nếu nó tố cáo cái đoạn này thì mấy ông quân quản dễ khép tội bà vào loại dân nghiện! Nếu nó bị gạn hỏi thêm mà tố cáo rằng thì là có lúc bà vào vai ông Chánh Tuần Chanh là ông quan cai trị – mà cái mặt bà vênh váo lên như răn đe, bắt nạt – thì Mấy Ổng cho vào cái tội mơ mộng làm “cường hào ác bá” . Đừng có láng cháng nhe cái con ăn mắm ăn muối, coi chừng Mấy Ổng cho đi Bà Rá nhốt chung với cái bọn con nít lang thang trộm cắp để dễ quản lý. Còn nếu Mấy Ổng lại cắc cớ đi sâu nghiên cứu tình hình “dị đoan mê tín” để điều tra báo cáo thì ối giời ơi! Bà phải tấu thành “Sớ Táo Quân” mới ăn thua! Táo Quân đem sớ đi “chầu Trời”. Còn “sớ” của bà chắc phải đi “chầu tiên tổ”.
Dòng tư tưởng bà vừa thoáng qua thì nó tiếp lời “- Con biết Dì có lòng thương người như ông bác sĩ nhà – Xin Dì cùng ông hãy thương xót nó! Dù sao nó cũng là con người. Nó không có tội! Còn mẹ nó không biết là ai? Thôi Dì ạ! Thời cuộc! Chắc mẹ nó đã bỏ trốn. Còn nó chỉ là “chứng tích” tàn dư của chiến tranh!
*
* *
Con Sáu vừa nói xong là nó đưa thằng bé ra cho bà như đưa một “món đồ”. Bà đỡ vội mà không kịp phản ứng gì! Còn nó chạy vội ra ngoài như để trốn thoát. Bà chỉ biết đóng cửa lại mà ôm“cái của nợ” vào nhà bếp. Hai con chó đi theo hí hửng (hình 2). Riêng con Tô Tô thì tưởng như là đồng đội cũng di tản như nó! Đầu óc bà rối bời! Đêm qua lại là cái đêm của ông “ngụy quyền”. Còn đêm nay lại là cái đêm còn sót lại của “đế quốc Mỹ”! Cả hai đều là thứ dữ! Nỗi ám ảnh về một trại cải tạo đang mở toang cánh cổng để đón bà.
Bà nhìn vào mặt thằng bé con lai mà nghĩ ngợi lung tung về cái số kiếp làm người của nó. Trông nó còn tồi tệ hơn cái thân phận của thằng Chí Phèo. Bà là người dốt nát – do mấy đời “ở đợ” – làm gì mà có một chữ nào trong người để đọc mấy quyển tiểu thuyết nói về cái số kiếp của thằng này. Tuy thế, dù có làm nghề “con sen” nhưng không phải vì thế mà không có chất lãng mạn trong người. Có những lúc bà vểnh tai nghe lỏm bọn học trò bên vách nhà. Chúng há hốc mồm đọc to ba cái truyện của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… mà bà cũng được ngấm tí “văn chương” trong người. Nhờ đó mà bà biết cuộc đời của Chí Phèo là thế đấy! Sao mà nó hao hao một phần đời rách nát tợ như cái thằng “con lai Mẽo” này.
Thằng Chí Phèo là đứa con hoang bị bỏ rơi ngoài đồng trong một làng thời phong kiến ngoài Bắc đầy bọn Quan lại, Chánh tổng, Lý trưởng của làng Vũ Đại… Còn thằng “con lai Mỹ” này lại bị ném trước cửa cái “tháp ngà” của thời đại huy hoàng của chế độ “quốc gia” tại thành phố Sài Gòn này. Oái ăm thay! Thằng Chí Phèo dù gì cũng là nòi giống Việt. Nó bị xã hội phong kiến từ chối số phận làm người của nó. Nhưng nó vẫn đang làm người theo cách của nó: “ăn thịt chó chửi bới lung tung”. Chả ai dám làm gì mà ngược lại còn sợ nó là đằng khác! Còn“thằng bé lai”! Ối giời đất ơi! Nó chưa đủ số phận làm người mà chỉ vượt trội hơn “số phận làm thú vật một bậc”.
Hai xã hội cách biệt nhau hơn gần nửa thế kỷ thời gian song cư trú tại hai vùng cách xa nhau hàng ngàn cây số mà cả hai đều phải sống vất vưởng ngoài vòng pháp luật! Số phận hai đứa còn tồi tệ hơn bọn cùng đinh, bọn nghèo mạt rệp, bọn cửu vạn,bọn xích lô xe kéo, bọn cu-li băm bù, bọn đá cá lăn dưa, bọn khố rách áo ôm, bọn ở đợ, bọn con hoang…
Nghĩa là nếu xếp nó vào “chủng loại động vật có xương sống” thì nó là con “linh trưởng” đã được lai giống – nói theo cái giọng của ông “bác học” nào đó là bạn của ông bác sĩ nhà này. May mắn cho nó là còn được hưởng cái diễm phúc là được đem vào nhà để cùng được nuôi chung với hai con chó. Cái thằng Chí Phèo trông hình thù xấu xí, hung tợn. Còn thằng con lai này thì trông trắng trẻo – chỉ khác là nó có cái “lỗ mũi cao”. Chính cái lỗ mũi này đã tố cáo con người nó, trông như “thằng ngợm”. Bà ôm “thằng ngợm” vào lòng. Hai con chó nhổm đầu cao lên sủa vang như ganh tị:
– Im mồm các con! Đừng có láng cháng! Ông chủ mày tưởng là gì! Xuống đây! Tao khó trả lời! Cứ để yên cái đã, tao xem động tĩnh thế nào!”
Bà cho tay vuốt hai “mái đầu xanh” của hai con chó con: “ Yên tâm đi hai đứa! Tao có 3 thằng – 3 số phận, 3 nỗi lo! Mà cái lo lớn nhất là lấy đâu ra cơm gạo nuôi chúng bay. Sắp tới đây! Tiêu chuẩn gạo của ông chủ và của tao cộng vào phải thổi chung một bếp, rồi nhín cho 3 đứa! Chúng bay làm gì có tiêu chuẩn. Chúng bay là thứ xa xỉ, là “vật cưng” của bọn quý tộc! Nếu chúng bay mà được đưa vào Sở thú để nuôi chung với cọp, beo, rắn rít… để các cháu ngắm nhìn thì còn có tiêu chuẩn. Vậy mà có người cảm thấy cay đắng! Mấy con cọp bị đem ra làm đề tài “kiểm điểm” trước tập thể ngay vào những ngày đầu tháng năm! Làm gì mà chúng nó được nuôi “ bằng thịt bò” như bọn “tư sản mại bản”. Yêu cầu phải được thay bằng món cá lòng tong, cá chốt, cá kèo… chờ nó bốc mùi thối lên đã mà hãy cho ăn”.
Cho đến lúc này – từ cái hình ảnh cứ quanh đi quẩn lại về cả cuộc đời của thằng Chí Phèo – bà nghĩ ngợi ra đủ thứ tối tăm về cuộc đời của “thằng bé lai” này trong những năm tháng sắp tới! Cả hai đứa ra đời không có một mục đích làm người mà làm “quái thai” nên cần phải vứt bỏ đi. Nhưng vứt đi đâu? Con chó hoang có khi còn có tác dụng đối với các Phường “hạ cờ tây”, mà “hạ cầy tơ” là để “làm món thịt chó”. Còn đối với nó? Thằng con lai Mẽo này? Dòng tư tưởng bà cứ loay hoay tuôn trào cuồn cuộn vào cái số phận thằng Chí Phèo bị vứt bỏ bên lò gạch cũ năm xưa. Ừ nhé! Cái lò gạch cũ còn được xem là biểu tượng của nền văn minh cày cuốc. Như vậy! thằng “Chí Phèo” còn có “mộ táng” làm nền. Đàng này! Thằng con lai bị vứt bỏ, chả có nghĩa lý gì cả! Nếu bị vứt ở cái xó xỉnh nào, ở cái đống rác, đống rưởi nào, thì còn có giá trị của “giai cấp” bần cùng bị bọn cường hào ác bá thời trung cổ đại ruồng bỏ. Đàng này bị vứt ở trước đường biên của thành trì đế quốc tư sản mại bản. “ Ối! Giời đất ơi! Lạy Thánh mớ bái!”
Bà bế thằng bé vào lòng ngắm nghía. Nó đúng là “một con người”. Nhưng là một con người dị thường – trong cuộc chiến tranh rạch ròi “bán nước hay yêu nước”. Ở đây “địch ta lẫn lộn”, pha tạp! Nên mẹ nó phải xa lìa nó để khỏi phải vương lấy tội lỗi. Cái tội “bán nước” hợp tác với địch còn ghê gớm hơn cái tội “địa chủ, phong kiến”! Nhưng bây giờ nó đã ở trong cái nhà này rồi thì bà phải tính toán cái “hậu vận” cho nó. Bà cho tay lên má bên phải. Bà véo lấy một cái. Nó hét lên: “ Thế là mày “phát thanh ra bằng tiếng Việt”. Rồi như chưa yên lòng, lo là véo chưa “đúng huyệt”! Bà bèn véo sang bên trái cho chéo “đường thần kinh” của thầy lang băm. Nó cũng réo lên tương tự! Lần này bằng một tràng tiếng khóc. Nó khóc bằng tiếng Việt “- Thế là yên chí, nếu mầy có la, có khóc mà có văng ra ngoài cái lỗ khóa, có “tai mắt” nào để ý thì cũng là dân tộc Việt chính cống “A-na-mít”!
Bà mỉm cười! Vậy là ổn rồi! Nếu bà con trong tổ dân phố có thắc mắc nhỡ nghe tiếng nó văng ra ngoài cái lỗ khóa thì bà “báo cáo” ngay rằng: “ Thằng bé cháu tôi, mẹ nó bế lên chơi, mà tôi chưa kịp đăng ký ‘tạm trú tạm vắng”. Thế là yên chí lớn! Mấy Ổng quản lý chặt lắm. Con ruồi con muỗi cũng chả thoát! Huống hồ…! Chả ai nghi ngờ gì. Chính cái tấm thâm “ở đợ” của bà là sự “đảm bảo trung thực” của giai cấp công nông! Bà mỉm cười sung sướng! Cái sung sướng của bà giống y cái sung sướng của thằng Chí Phèo bên cạnh đĩa thịt chó và chai rượu “cuốc lủi”.
Bây giờ! Bà nhìn mái tóc vàng hoe của nó, không biết phải nhuộm thế nào cho nó ra màu đen để “phi tang”. Nhưng làn da hồng hào của nó thì chẳng có thuốc tẩy nào! Nếu cho tắm “sữa dê” như bà “mệnh phụ phu nhân” nhà “họ Ngô” thì nó chỉ “trắng ra” chứ “không vàng”. Như vậy thì lại thêm “tội ác”! Thôi cứ để y như thế cho được việc!
Nhưng khi sờ kỹ vào cái lỗ mũi của nó mà ngắm nghía, cái mũi nhô lên hơi cao làm cho cái mặt nó trông ngồ ngộ!
Ấy chết! Chả nhẽ đưa cái lỗ mũi nó lên thớt rồi xẻo một cái cho nó bằng với cái mũi của mấy thằng ranh con bụi đời? Bà suy gẫm. Trước sau gì rồi cái Ủy Ban Quân Quản cũng sẽ đem bà ra “kiểm thảo” cho ra lẽ. Con nhà ai đây? Hay là con… bà! Chả nhẽ bà lại có thời gian đi ở đợ cho Mẽo, rồi bị nó…? Thôi! Bỏ sừ rồi.
Tự dưng bà cảm thấy nhục nhã. Nhục cho bà thì ít mà nhục cái tổ tông cha truyền con nối làm nghề ở đợ thì nhiều. Cái hình thù này của bà chả có một chút “thịt thà” gì gọi là hấp dẫn. Con Thị Nở tuy là xấu xí như “ma chê quỷ hờn”, mà nó còn có “mớ tóc dài buông xõa xuống cái vai trần!”. Như thế cũng đã đủ sức gợi tình. Thế mà Thị Nở còn tựa lưng vào gốc chuối để nghỉ ngơi và hóng mát (hình 3). Chính con người nó trong cái khung cảnh nên thơ lãng mạn ấy!… Ôi chao! Bắt con mắt thằng Chí Phèo phải tập trung vào nó mà bỏ lơ chai rượu đang cầm tay. Thằng Chí Phèo như bị đánh động vào con tim bị ruồng bỏ của nó lâu đời. Nó rạo rực lên mà nhảy bổ tới để vồ con mồi “nghìn năm một thuở”! Còn bà đi ở đợ, dù làm việc cho cái thằng Mẽo nào đó, dù cho nó có háo hức mà nhìn thấy bà tựa cái lưng còm vào cái bếp lò nóng hừng hực với mùi xào nấu nồng nặc thì có thằng Mẽo nào mà “động đực”!
Nhưng bà còn bâng khuâng! Nếu gặp phải cái ông “bộ đội quân quản” trải qua hai đời kháng chiến mà cắc cớ phản bác lại thì sao?
– Này bà ạ! Hồi chống Pháp! Bọn Tây vào làng. Đàn bà con gái trốn hết, chỉ còn có con bò cái chưa mang đi. Vậy mà con bò cái cũng không chịu nổi mấy thằng Tây “mặt gạch”. Nó nằm liệt cả tuần!
Bà nghĩ bụng! Thôi cứ liều bế thằng bé lên trình diện. Nếu mấy ổng hỏi lý lịch ba đời nó để xem xét thành phần mà “chiếu cố”, thì bà chỉ có thể báo cáo được một đời nó mà thôi cho gọn. “ Mẹ nó chắc là một cô gái bán bar, loại lao động nghèo. Cha nó phải là một lính Mẽo dzi-ai, xuất thân là cái anh cao bồi chăn bò bị bắt đi quân dịch! Sai đâu đánh đó! Chả có ý đồ! Vì “lỡ kẹt” mà sinh ra nó! Vậy nó phải thuộc giai cấp “công nông” mà để nó nghe theo tiếng gọi: “Hỡi giai cấp công nông trên thế giới hãy đoàn kết lại”. Còn nếu mấy ổng có truy hỏi lý lịch như thế “đã trong sáng chưa?”, thì thưa quý cán bộ, quý đồng chí, quý đồng bào! đố ai dám nói rằng lý lịch của mình là lý lịch trong sáng và rõ ràng như lý lịch của ông cha bốn nghìn năm văn hiến của các dòng họ nhà Hồng Bàng, nhà Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn..?!” Nhân danh giai cấp “bần công nông chí cốt trơ xương”, tôi xin hỏi làng nước, bà con cô bác tổ dân phố?!
Bà bế nó sát vào lòng, tự dưng bà cảm thấy yêu thương nó! Tưởng chừng nó là con đẻ của bà! Vì thế mà bà xua đuổi mấy cái tư tưởng vẩn vơ trước đó. Bà xem như ngôi nhà này chỉ có “hai con chó” và một “con má”. Nếu cần bà sẽ đem chúng ra trước tổ dân phố mà “dàn cảnh đấu tố” chúng nó để tỏ rõ lập trường. “Trong chế độ cũ chúng bay làm tay sai cho “bọn tư sản mại bản”. Còn bây giờ chúng bay là đồ “chó má” vô dụng! Vì từ nay đất nước sẽ không còn trộm cướp, đĩ điếm… Nếu còn thì đó là tàn dư của “chế độ cũ” là di chứng còn sót của chủ nghĩa đế quốc . Từ nay đất nước sẽ là “thiên đàng địa giới”. Cái thiên đàng do bà tự nghĩ ngợi ra. Nó không giống với cái “Niết bàn” của nhà Phật dành cho Thái tử Tất Đạt Ta – một nhà đại quý tộc của Vương quốc Ấn Độ xa xưa – Ngài bỏ vợ con, bỏ ngai vàng để sống với Trăng Sao. Còn bà, một con ở chính cống “Bà lang trọc” chỉ mơ có cái nồi cơm giống cái nồi cơm “Thạch Sanh”. Ăn đến đâu, nồi cơm đầy lên đến đó. Bỗng! Bà lấy cánh tay quẹt hai dòng nước mắt lã chã mà nhớ lại cảnh chết đói năm Ất Dậu. Mẹ Bà dù đã cạp hết một vạc đất mà nhà chủ đã cho thay tiền công, rồi Bà cũng phải chịu cảnh chết bó chiếu!
Bất chợt! Bà cười to lên! Đây là lần đầu tiên trong đời đã dám có một nụ cười đầy ngạo nghễ về tương lai tươi sáng của đất nước sắp bước vào buổi bình minh trên “cánh đồng chó ngáp!”. Trong đó có trộn lẫn tương lai truyền kiếp thụ hưởng“cơm thừa canh cặn” của đời bà! Bà đưa cánh tay lên trời. Hai con chó nhìn theo tưởng chừng bà đang với lấy miếng thịt treo giàn bếp. Bà tung hô: “Hỡi giai cấp bị bóc lột, áp bức… Hãy nhanh lên mà đổi đời, đổi kiếp, mở toang cánh cửa, gạo mắm đầy nhà, cả xóm đầy ắp tiếng cười! Còn tiếng khóc chỉ được bọn sân khấu cải lương nhái lại tuồng tích cũ để cho con cháu ngàn đời sau biết rằng tiếng khóc đã từng có trong lịch sử. Con xin lạy Thánh thêm mớ bái!”.
Bà liền bỏ tay xuống vội tát vào cái mồm hô của bà! Hai con chó mở to mắt trân tráo nhìn bà! Thường thì bà hay vả vào cái mồm chúng cho mấy vả và mắng cho mấy mắng: “đừng sủa bậy bạ” nhé! Thế mà tại sao hôm nay bà lại “vả vào ngay cái mồm hô của bà”?!
*
* *