Thử đi tìm Lịch sử lưu truyền BÙA CHÚ THẦN THÔNG

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học
Người tạo hình trang web
 http://thanhdiavietnamhoc.com/)

     Kinh nghiệm của lịch sử cho thấy, không phải lúc nào lịch sử phát triển của con người cũng luôn theo con đường ‘chánh đạo’. Những nhà nghiên cứu lịch sử của tôn giáo càng thấy rõ khuynh hướng ‘tà đạo’ luôn ẩn nấp để thừa cơ xuất hiện phá phách, để tiêu diệt hay ít ra cũng làm cho biến tướng.

     Trong các tôn giáo ấy, Phật giáo là nơi bộc lộ khá rõ nét về những khuynh hướng đối nghịch ấy qua những hoạt động siêu hình khá phức tạp, nếu không nói là ly kỳ. Những lời dạy ban đầu của Phật Thích Ca đã báo trước trong đám môn đệ của mình có kẻ đam mê cái hiệu quả lạ lùng của Phù chú sau khi nhận được một vài món thần thông làm phương tiện tu hành mà từ bỏ đường tu ‘chánh pháp’. Những kẻ này đã thành một loại thuật sĩ mà nhà Phật gọi là Pháp sư Bàng môn tả đạo.

     Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo cho rằng mãi đến 700 năm sau khi Ngài tạ thế – lúc ấy Ấn Độ bước vào thời kỳ khủng hoảng Đạo giáo. Vì ngoài đạo Phật còn vô số đạo khác đã nổi lên tranh giành ảnh hưởng. Số đạo này dùng những tà thuyết, kèm theo những hoạt động dị kỳ của phù phép để mê hoặc dân chúng hòng tách đại bộ phận này xa lánh giáo pháp của nhà Phật. Trong số này chắc hẳn có Bàng môn tả đạo.

     Không thể ngồi nhìn bọn pháp sư tà đạo nói trên hoành hành khắp thiên hạ mà những vị tu hành gọi là các Cao tăng Đại đức đã “dĩ độc trị độc”- tức là đã lấy chính ngay sức mạnh của thần thông để áp đảo Bàng môn tả đạo.

     Sức mạnh ấy đã lôi cuốn được thị hiếu mê tín của số Phật tử yếu bóng vía để tin phục và lôi kéo họ trở về với chánh đạo của nhà Phật.

     Song cuộc đấu tranh mãnh liệt ấy đã biến những nhà chân tu đi theo hẳn lối tu luyện Pháp thuật thần thông mà không quay về với đường tu chân chính theo giáo lý nhà Phật nữa. Chính lực lượng này đã hình thành một Tông phái riêng gọi là Mật tông – hay cũng gọi là Chơn ngôn tông.

     Tại sao gọi là Chơn ngôn? vì Tông phái này sử dụng lời nói bí mật gọi là Chơn ngôn chú ngữ (tantra) để cầu sự chứng Đạo cấp tốc.

     Theo cách nhận định lịch sử nói trên mà những nhà nghiên cứu đã tách Mật tông ra khỏi Bàng môn tả đạo.

     Nếu Bàng môn tả đạo phủ định giới luật của nhà Phật thì Mật tông vẫn thực hành đầy đủ 4 đức tính chủ yếu và chân chính của nhà Phật là Từ, Bi, Hỉ, Xả.

Hình 2: Bùa “Thần giao cách cảm”, Bùa “Triệu Hồi”,
Bùa ”Thôi Bú”, Con Mắt “Sự Sống
(Nguồn: BỐN BỘ SÁCH TẾT, Viện Nghiên cứu Việt Nam học)

Lối tu hành của Mật tông

    Theo các tài liệu sưu tập được – những nhà tu theo “mật tông” khi quan sát các hiện tượng thiên nhiên đã khái quát thành quy luật: “Vũ trụ có 2 mặt – Hiển và Mật – tức là mặt bộc lộ ra ngoài – và mặt ẩn nấp bên trong”. Do đó mà phái tu hành này đã đề xướng ra 2 phương pháp tu – gọi là giáo pháp – để dẫn đến giác ngộHiển giáo và Mật giáo.

    Như vậy, Mật tông tuy có biến tướng, nhưng lịch sử vẫn nhìn nhận là chánh pháp. Lối tu này đã truyền từ bắc Ấn Độ sang Tây Tạng để sản sinh ra những vị Lạt Ma, sang Trung Hoa để đào tạo ra những vị Tổ sư, sang Nhật Bản để phát triển các Giáo tổ… Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi từ trong sử sách – mà nhất là trong dân gian – luôn nghe thấy những vị đạo hạnh cao siêu kia đầy những phép thần thông kỳ diệu bên mình.

    Thật là thú vị khi những nhà duy vật như chúng ta vẫn muốn tiếp tục đi sâu tìm hiểu dòng tu luyện độc đáo này để xem loại giáo lý nào đã chủ đạo lối tu của họ và phương pháp tu hành ra sao để có thể tự hào là đã đạt một lúc cả hai thứ: “Đắc đạo và Thần thông”.

    Hiển giáo tức là phương pháp tuyên truyền công khai trong dân chúng qua các loại kinh Luật, Luận (Tứ Đế, Thập nhị nhân duyên, Thiền, Tịnh, Kinh luật, Luận, …).

    Ngược lại, Mật giáo lại dùng lối bí mật đưa con người nhập thẳng vào tư tưởng nhà Phật để thấu đáo chân lý mà không qua kinh luận và hành đạo.

    Nói một cách dễ nhận dạng hơn – đó là tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền quán tưởng, bố thí, giữ giới, … theo lối tu của các tông phái đã từng hoạt động trong dân gian: Đại thừa, Tiểu thừa, Thiền, Tịnh, …

    Theo cách nghĩ của tôn phái này – đó là những phương pháp tiến hành có cái nhanh cái chậm song đều thể hiện ra một cách công khai, rõ ràng.

    Tuy nhiên – trở lại với lối tu luyện Mật giáo – cách vận dụng của giáo phái này lại phân biệt ra 3 loại hình khác nhau: Mật ngữ, Mật hạnh và Mật ý (dùng tiếng nói bí ẩn, dùng bàn tay kết ấn hay dùng ý tưởng đổ dồn vào một vị Phật đại nhựt hay một vị Bồ tát).

    Nói cách khác, là ta đã vận dụng cả 3 nghiệp là Thân, Khẩu và Ý tập trung vào nơi bí mật để sáp vào một thể thống nhất làm một với Phật hay Bồ tát.

    Nếu được như vậy, giáo phái này có thể mãn nguyện vì đã được Thần thông và Giải thoát cấp tốc. Xuất phát từ phương pháp vận dụng mang tính bí ẩn để tìm hiểu tiếng nói bí mật của vũ trụ và tâm linh mà giáo phái này sáng tạo ra những câu châm ngôn chú ngữ, những pháp thuật dùng bàn tay bí ẩn và những phù hiệu (hay ta thường gọi lá bùa hay một thứ hình vẽ nào đó) trong lúc Thiền định. Lối tu hành này không quan tâm đến những lý lẽ đôi co mang lớp vỏ suy luận bề ngoài không tác dụng.

    Như vậy – giáo phái này mang một nội dung thể hiện cao cả hơn giáo phái gọi là Bàng môn tả đạo mà chúng ta có dịp hiểu qua về lịch sử ra đời của nó. Vì giáo phái tu theo lối “tà đạo” này chỉ nhằm thoả mãn cái ý nghĩ vị kỹ và đam mê Thần quyền.

    Mật tông phát triển tại Trung quốc song đã dần mai một. Trong khi đó, Mật tông lại phổ biến rộng rãi tại Tây Tạng và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, sử sách có nói đến Vị gọi là Hoằng Pháp đại sư. Ông sinh năm 774, đến Trung Hoa năm 804, về Nhật lập ngôi chùa tại núi TaKa no Yama để tu hành.

    Trong lịch sử Việt Nam – chúng ta chưa được thấy rõ giáo phái nhân danh là Mật tông – nhưng qua lối tu niệm ta có thể nhận dạng từng lúc, từng nơi loại hình chú ngữ và kết ấn.

    Trong bài viết này – chúng ta không đặt ra câu hỏi để truy tìm ra thứ ngôn ngữ bí mật ấy – Và cũng không mô tả phương pháp kết ấn như thế nào để phá bỏ lớp vỏ tâm linhsiêu hình. Vấn đề này chúng ta còn để lại trong dịp khác.

    CHÚ THÍCH :

1:  NGUYỄN MẠNH HÙNG là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học. Giảng viên Trường Đại học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh; Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Ngoại ngữ Osaka Nhật Bản (1989-1992); Cựu sinh viên Luật khoa, Văn khoa Sài Gòn (1963-1968); Huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ tại Sài Gòn và kiếm thuật phương Tây (1962-1969); vô địch môn Sabre tại CLB Sài Gòn (C.S.S – Cercle Sportif Saigonnais). Vận động viên kiếm đạo tại Minô, Osaka Nhật Bản (1990).

NguồnThánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)