Tiếp cận công tác bảo tồn di sản văn hoá thị trấn cổ Vigan qua các văn bản pháp lệnh của chính quyền sở tại

Tác giả bài viết: NGUYỄN LÊ ĐỨC ANH1, TRẦN THẨM NHU1,
NGUYỄN NHƯ NGỌC1, LẠI THỊ SEN1, LÊ THÙY BẢO VY
(1Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Những di sản văn hoá, các di tích lịch sử của nhân loại đang đứng trước nguy cơ biến mất dần. Không chỉ vậy, việc bảo tồn các di sản hiện nay cũng đứng trước những thách thức rất lớn từ tự nhiên và cả con người. Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa và các di tích lịch sử đối với việc giáo dục thế hệ trẻ; trong công tác bảo tồn, rất nhiều quốc gia đã và đang đưa ra những chính sách đúng đắn với các hành động khoa học và thiết thực nhằm trùng tu và bảo tồn thành tựu chung của văn minh nhân loại tại chính đất nước sở tại. Bài viết tiếp cận trường hợp Phillipines ở một số vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và trùng tu di sản thị trấn cổ Vigan qua nguồn tư liệu gốc là các văn bản pháp lệnh của chính quyền Thành phố Vigan công bố nhằm mang lại thêm một trường hợp tham khảo cho việc bảo tồn di sản văn hóa từ một nước trong khu vực Đông Nam Á.

Từ khóa: thị trấn cổ Vigan, di sản đô thị, bảo tồn di sản đô thị, bảo tồn và phát triển.

ABSTRACT

     Cultural heritages, historical relics of mankind are in danger of disappearing. Furthermore, the conservation of the current heritage nowadays also faces great challenges from nature and humans. Recognizing the importance of cultural and historical heritages to the education; In the field of conservation, many countries have been making policies with practical and scientific actions to restore and conserve the common achievements of human civilization in their own countries. The article approaches the case of the Philippines in a number of issues related to the work conservation and restoration of the heritage of Vigan’s historical town through the original source documents which are ordinances announced by the Vigan City Government. It is also a case study for the conservation of cultural heritage from a regional country in South East Asia.

Keywords: Vigan’s historical town, urban heritage, urban heritage’s conservation, conservation and development.

x
x x

1. Tiến trình hình thành và suy tàn của thị trấn lịch sử Vigan
(City Government of Vigan, n.d.a.)

     1.1. Sự hình thành thị trấn lịch sử Vigan

     Vigan, thị trấn thuộc tỉnh Ilocos Sur, nằm dọc theo bờ biển phía tây của Bắc Luzon. Phía Bắc giáp với đô thị Bantay; phía đông giáp đô thị Santa; phía nam giáp đô thị Caoaya; phía tây giáp đô thị Sta. Vigan cách Manila (thủ đô Philippines) 408 km, có diện tích 2,886.085 ha bao gồm 39 barangay (Đơn vị hành chính nhỏ nhất của Philippines, tương đương với cấp xã hay phường). Một bản đồ thế kỷ XVI chỉ ra rằng Vigan từng được bao quanh hoàn toàn bởi nước, tách biệt với đất liền giống như một hòn đảo hình tam giác (City Government of Vigan, n.d.b.).

     Vigan là một điểm giao dịch ven biển quan trọng trong thời kỳ tiền thuộc địa. Rất lâu trước khi các thuyền buồm Tây Ban Nha đến, các thuyền buôn Trung Quốc đi từ Biển Đông đến đây qua sông Mestizo. Họ đã đến để trao đổi các sản phẩm hàng hóa kỳ lạ từ vương quốc Châu Á để đổi lấy vàng, sáp ong và các sản vật miền núi khác từ Cordillera. Những người nhập cư, chủ yếu là người Hoa, định cư ở Vigan, đã kết hôn với người bản địa và hình thành dòng máu đa văn hóa của con người nơi đây.

     Năm 1572, Vua Philip II đã phái Đại úy Juan de Salcedo cùng với khoảng 80 binh sĩ đi khám phá bờ biển Los Ilocano từ Manila. Đoàn người khởi hành ngày 20 tháng 5 năm 1572 và đến Vigan vào ngày 12 tháng 6 năm 1572.

     Sau cuộc thám hiểm thành công về phía Bắc, Don Juan de Salcedo đã thành lập ra Villa Fernandina de Vigan, để vinh danh con trai của vua Philip II, Hoàng tử Ferdinand vừa qua đời ở tuổi thứ tư.

     Tháng 1 năm 1574, Salcedo trở lại thủ đô Encomienda của mình, Vigan, mang theo một số nhà truyền giáo dòng Thánh Augustine để đi tiên phong truyền giáo và thành lập một thành phố Tây Ban Nha, với mục đích kiểm soát các nước láng giềng.

     Người ta tin rằng khi Juan de Salcedo hỏi một người bản địa tên của nơi này là gì (bằng tiếng Tây Ban Nha), người bản địa không thể hiểu được những gì mà ông ta nói, tuy nhiên Salcedo lúc đó đang chỉ tay vào mặt đất và người bản địa nghĩ rằng anh ta muốn biết tên của thảm thực vật được trồng tại đây. Người bản địa này đã nói rằng, bigaa apo, bigaa apo, tức một loại cây thuộc họ củ ‘gabi’ hay khoai môn. Từ đó người Tây Ban Nha đặt tên cho nơi này là Bigan. (City Government of Vigan, n.d.a.)

     1.2. Sự phát triển của thị trấn lịch sử Vigan

     Vào thế kỷ XVI đến XVIII, Vigan là một khu định cư Tây Ban Nha hưng thịnh nằm gần Manila. Nó đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm ảnh hưởng của Tây Ban Nha ở miền Bắc với sức mạnh kinh tế – chính trị to lớn. Năm 1755, Giám mục Don Juan dela Fuente de Yepes đã yêu cầu Quốc vương Tây Ban Nha và Giáo hoàng chuyển Giáo phận từ Lallo, Cagayan sang Vigan, nơi đang ở đỉnh cao của sự tiến bộ. Vigan sau đó trở thành trung tâm tôn giáo, hoạt động thương mại và văn hóa xã hội.

     Theo Nghị định Hoàng gia Tây Ban Nha, Villa Fernandina de Bigan, nơi trở thành trụ sở mới của Giáo phận, đã được nâng lên thành một thành phố được biết đến với tên gọi là Fern Fernandina de Vigan để vinh danh Quốc vương Tây Ban Nha hiện tại.

     Năm 1803, người bản địa chủ yếu hoạt động sản xuất nông nghiệp trong khi đó các mestizos (chủng tộc pha trộn) trao đổi, buôn bán với các tỉnh khác, bao gồm Manila. Các mestizos đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tiến bộ và thịnh vượng của thành phố Vigan.

     Mặt khác, người Trung Quốc ở Vigan, định cư ở một nơi có tên là Par Pariancillo. Với tài năng và kiến thức trong kinh doanh, cũng như kỹ năng và kinh nghiệm trong sản xuất, người Trung Quốc trở nên giàu có và quyền lực trong xã hội. Họ đã mở doanh nghiệp ở trung tâm của Vigan, sử dụng tài nguyên tại chỗ, kết hôn với người bản địa và mestizos. Sau một thời gian, họ vươn lên thành tầng lớp tinh hoa. Họ đã kích hoạt một sự bùng nổ kinh doanh trong cộng đồng và tham gia vào thương mại trong và ngoài nước. Họ đã xuất khẩu chàm, vôi, maguey (là thùa hay dứa sợi Mỹ là một loài cây có hoa thuộc họ Măng tây), thuốc lá, vải dệt gọi là abel, và các sản phẩm địa phương khác sang châu Âu, Trung Quốc, Borneo và Malaysia. Hệ quả của sự bùng nổ kinh doanh này đã thay đổi rõ rệt lối sống của cư dân tại đây.

     1.3. Thị trấn lịch sử Vigan suy tàn

     Năm 1898, Philip tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha nhưng nhanh chóng rơi vào tay Mỹ. Do đó, Tây Ban Nha rút dần ảnh hưởng của mình ở Vigan. Những năm đầu của thế kỉ XX, sự biến đổi về chính trị cũng như sự nổi lên mạnh mẽ của Manila khiến Vigan mất dần vị thế ảnh hưởng của mình đối với Philippines. Thêm vào đó, các yếu tố tự nhiên đặc thù của vùng đảo như là bão cũng góp phần làm suy yếu kinh tế nơi này. Ngày càng nhiều những người trẻ rời Vigan đến những “vùng đất hứa” hiện đại và phát triển hơn để gây dựng sự nghiệp. Và rồi, Vigan trở thành một thị trấn vắng vẻ, cổ xưa, chỉ có những kiến trúc Á-Âu còn sót lại tại đây làm minh chứng cho một thời rực rỡ đã qua.

2. Công tác bảo tồn thị trấn lịch sử Vigan

     Ta xem xét thị trấn lịch sử Vigan là một không gian đô thị tồn tại trong lịch sử và có ảnh hưởng đến hiện tại. Di sản văn hóa đô thị là không gian rộng lớn, “bao gồm các di tích khảo cổ học hình thái và cấu trúc đô thị (gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn); các công trình kiến trúc tiêu biểu cho lịch sử phát triển của đô thị; các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội, lối sống, nếp sống, ngôn ngữ, ẩm thực, địa danh, ký ức thị dân”. (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018). Vì thế, để làm tốt công tác bào tồn, nó phải được đặt dưới sự đa dạng về góc độ nghiên cứu. Trước hết, thị trấn lịch sử Vigan đặt trong phạm vi của khảo cổ học đô thị để khôi phục diện mạo của thị trấn – một phần quan trọng của công tác bảo tồn di sản. Không chỉ vậy, bảo tồn di sàn đô thị còn có nhiều cách tiếp cận khác từ không gian vật thể, khía cạnh chính trị, khía cạnh kinh tế và khía cạnh xã hội (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018).

     2.1. Một số thực trạng cần khắc phục hiện nay của di sản Vigan

     Ở thời điểm hiện tại, quần thể di sản này đã trải qua khoảng trên 500 năm- một quãng thời gian khá dài và song hành với nó là biết bao biến động của lịch sử và biến đổi tự nhiên đã khiến nó xuống cấp. “Nằm trong danh sách tuyển chọn các di sản thế giới vào 1999 thế nhưng những giá trị phổ quát nổi bật của Vigan đang gặp nguy hiểm trầm trọng” (Unesco, n.d.). Cụ thể hơn, có thể điểm qua ở một vài yếu tố từ tác động của tự nhiên và tác động từ con người.

     2.1.1. Sự tác động từ tự nhiên đến thị trấn Vigan

     Thị trấn Vigan nằm bên bờ tây của đảo Luzon trên vùng đồng bằng sông Abra và nhìn về phía Biển Đông, là vùng ven biển (costal), nên yếu tố khí hậu có tác động rất lớn. Gió biển thổi vào rất nhanh bào mòn các công trình mang tính lịch sử ở Vigan.

     Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Phillipines là một quần đảo giữa Thái Bình Dương, nằm dọc vành đai bão nên thường bị bão tấn công tàn phá vào nội địa. Đảo Luzon (nơi Vigan tọa lạc) là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bão đổ bộ. (Điển hình như bão Mangkhut-bão số 6 hay bão Ompong theo cách gọi của Phillines năm 2018 tấn công vào Vigan khá nghiêm trọng) (City Government of Vigan, n.d.c.). Việc các cơn bão thường xuyên quét qua còn gây thêm một thiệt hại nữa thể hiện ở việc nước biển dâng và lấn lên tới phần đất sản xuất nông nghiệp ít ỏi vốn đã không màu mỡ mà còn lại cằn cỗi ở vùng bờ biển Vigan. Điều này khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nước biển dâng cũng phần nào xâm thực đất liền, ít nhiều thay đổi cấu trúc tự nhiên nền đất. Ví dụ “Bão nhiệt đới đi qua vào tháng 10 năm 2016 đã phá hủy tính cân bằng về tự nhiên vốn đã mong manh. Dọc bờ biển Ilocos Sur và cả miền duyên hải phía Tây Luzon nói chung chứng kiến tình trạng mực nước biển dâng lên” (Gueguen, 2018).

     2.1.2. Tác động từ phía con người

     Qua việc tiếp cận thiên nhiên ảnh hưởng tới vùng đất Luzon như thế nào, ta phần nào hiểu được đời sống kinh tế- tinh thần người dân nơi đây là khó khăn. Do đó, việc có nhu cầu tìm hiểu về di sản và bảo tồn di sản – một nhu cầu về tinh thần của con người, phải tạm gác lại cho mưu sinh đời thường. Những người trẻ, trước hoàn cảnh đó, không ở lại quê mình mà đi ra các thành phố lớn kiếm việc làm, làm cho nơi đây thiếu hụt một lực lượng lớn lao động. Ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa khu vực là cụ thể và cấp bách mà trước mắt ta hoàn toàn quan sát được. Ở tầm vĩ mô hơn, Phillipines là một đất nước hợp thành bởi nhiều đảo, việc quản lí tập trung vì thế không phải công việc dễ dàng và gặp rất nhiều thách thức. Chính đó một phần đã gây ra sự bất ổn về an ninh và điều này không phải là không đáng quan ngại. Unesco khi khảo sát về tình hình Vigan chỉ ra “sự lụy tàn dần đi của các điểm lịch sử Vigan, sự suy giảm của các ngành nghề truyền thống, chợ công cộng bị phá hủy do cháy lớn, ngay cả nguồn hỗ trợ trả tiền lương cho nhân viên Nhà nước còn thiếu hụt. Về chính trị thì nổi cộm lên có tình trạng phiến quân nổi dậy, các cuộc bạo lực chính trị diễn ra (Unesco, n.d.). Ngoài ra, các xe tải lớn khi lưu thông trên đường hay thậm chí là trong chính phạm vi khu vực di sản tạo ra rung chấn cũng làm các tòa nhà cổ trong Vigan bị rung lắc, động cơ máy bay cũng được xem là yếu tố tác động giống như ảnh hưởng từ xe lớn (chủ yếu đến từ các máy bay tư nhân, máy bay huấn luyện).

     Như vậy, thực tế có nhiều thách thức đặt ra trước những hoạt động phục vụ cho mục đích bảo tồn di sản Vigan. Việc này cần phải được bắt tay giải quyết trên cơ sở tính toán kĩ lưỡng, phân tích tình huống chi tiết và được thực hiện bởi các chuyên gia; có sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương qua các chính sách phù hợp.

     2.2. Công tác bảo tồn di sản Vigan

     Từ quá trình tiếp cận các chính sách bảo tồn Vigan của chính quyền thành phố, chúng tôi nhận thấy công tác này đang được thực hiện khá tốt, trên nhiều lĩnh vực từ bảo tồn phần vật chất và phi vật chất; quy định hạn chế và khắc phục tác nhân gây hại đến Vigan đến phát triển du lịch văn hóa như là một biện pháp hỗ trợ đắc lực cho sự bảo tồn Vigan. Từ 1994 đến 2015 đã có đến tầm khoảng 22 Công lệnh của Hội đồng Thành phố Vigan đề câp những công việc vừa được nêu cho công tác bảo tồn thị trấn lịch sử Vigan. (Vigan City Concil, n.d.). Chúng tôi chỉ tiếp cận các Công lệnh quy định những vấn đề trọng tâm mang tính khái quát nhất là Công lệnh số 12, Công lệnh số 14 năm 1997 và Công lệnh số 7 năm 2006. Qua các văn bản pháp quy của Thành phố sở tại về các chỉ thị cho việc bảo tồn di sảnVigan, ta thấy được một cái nhìn toàn cảnh về nhận thức cùa chính quyền (khía cạnh chính trị) ra sao đối với các yếu tố còn lại (không gian vật thể, kinh tế và xã hội).

     2.2.1. Xác định Phạm vi của di sản Vigan – “thị trấn lịch sử Vigan”

     Để có thể tiến hành công tác trùng tu và bảo tồn di sản một cách hiệu quả, ít tốn kém nhất, khoanh vùng phạm vi của nó là công tác tiên quyết. Di sản Vigan được xác định khi bảo tồn là những gì nằm trong phạm vi “Thị trấn Lịch sử Vigan”, không phải là toàn bộ tất cả thành phố hiện nay mà chỉ là khu vực thuộc phạm vi của thị trấn xưa lưu giữ diện mạo của một phố thị có vị trí chiến lược quan trọng từ thế kỉ XVI1 – những gì có giá trị về văn hóa: về mỹ thuật, kinh tế, giáo dục, môi trường, tôn giáo, xã hội, lịch sử giúp ta hiểu về quá khứ, tiếp tục dự phần vào việc làm giàu thêm bản sắc của môi trường sinh thái cũng như truyền lại cho thế hệ mai sau, theo Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b) & Ordiance No.12 Series of 1997: An Ordiance defending the core and buffer zones of the historic town of Vigan and the historical, cultural, educational, aesthetics and economic parameters of its presevation and development 1997 (Republic of the Philippines, 1997a). Nó gồm các công trình kiến trúc lịch sử, các đài tường niệm, đền thờ, đường phố, quảng trường, cảnh quan thiên nhiên, được bảo tồn sao cho gần giống như nguyên trạng với những vật liệu đặc trưng tạo nên các giá trị của kiến trúc Vigan xưa theo cách khả thi nhất – Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b). Về vị trí được xác định là “Thị trấn lịch sử Vigan” đã được chỉ dẫn rõ trong Công lệnh thứ 12 năm 1997 của Hội đồng Thành phố Vigan, nằm ở Phần (Section) 4 và 5 gồm khu vực cốt lõi (core zone) và vùng ven (buffer zone). Vùng ven “giúp định hình và là lá chắn từ xa bảo vệ cho “Thị trấn lịch sử Vigan”. Giới hạn bảo tồn còn chỉ ra rất cụ thể và chi tiết, phác họa lên các trục đường và thậm chí từng số nhà cụ thể. Xem Ordiance No.12 Series of 1997: An Ordiance defending the core and buffer zones of the historic town of Vigan and the historical, cultural, educational, aesthetics and economic parameters of its presevation and development 1997 (Republic of the Philippines, 1997a). Có thể nhình nhận đây là cách vận dụng sáng tạo phương pháp của UNESCO về bảo tồn di tích lịch sử cảnh quan đô thị khi tiếp cận cảnh quan và văn hóa đô thị như một quần thể qua xác định không gian của thị trấn lịch sử Vigan – một khái niệm bao hàm khu vực có sự đa dạng về các công trình lịch sử với sự đa văn hóa nhưng đặc điểm lịch sử đặc biệt của tổng thể có ý nghĩa cao hơn cả so với tổng từng giá trị riêng lẻ (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018).

     2.2.2. Một số biện pháp cụ thể trùng tu “thị trấn lịch sử Vigan”

     Một cách cơ bản cũng như tổng quát nhất, hệ thống các quy trình để bảo quản và phát triển “thị trấn lịch sử Vigan” nằm trong các Công lệnh Số 12, Số 14 năm 1997 và số 7 năm 2006 của Hội đồng Thành phố Vigan. Nó được cụ thể hóa hơn nữa bằng nhiều Công lệnh nối tiếp khác. Công lệnh Số 12 năm 1997 xác định phạm vi thuộc về di sản và vùng đệm tác động.

     Công lệnh Số 14 trên cơ sở phạm vi di sản đã được xác định, đưa ra:

     Định nghĩa về các điều khoản (Definitions of Term) gồm 10 điều, các nguyên tắc bảo tồn (Conservation Priciples) gồm 7 yêu cầu , vạch ra quy trình bảo tồn cần phải được thực hiện (Conservation Processes) gồm 4 điều, về quy tắc thiết lập văn bản báo cáo, ghi nhận tình hình (Documentation and Recording) gồm 6 yêu cầu và cách sử dụng tương thích di sản cho các mục đích khác nhau (Compitable Uses) có 7 hoạt động (và nhóm các hoạt động) có thể sử dụng tương thích với di sản và 5 hoạt động (và nhóm các hoạt động) không hề tương thích với di sản. Xem Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b).

     Đây là dẫn chứng hết sức sinh động trong nỗ lực của thành phố trong việc bảo vệ di sản “thị trấn lịch sử Vigan” một cách ngắn gọn, súc tích; thể hiện sự quan tâm đến những di sản mang giá trị văn hóa và lịch sử cao và đồng thời cũng rất có tính khoa học chứ không hề vô lí hay tùy tiện, cẩu thả. Nó hướng tới mục tiêu là bảo tồn sao cho tránh hư hại, và sửa chữa kịp thời những hư hại đang tồn tại, giữ nguyên trạng hoặc phục chế giống với các công trình cổ ở di sản Viganmang đậm dấu ấn của lịch đa văn hóa từ văn hóa phương Tây do người Tây Ban Nha, người Mỹ mang lại hòa quyện văn hóa Á Đông từ cư dân người Hoa, từ lục địa Đông Nam Á. Đặc biệt, nhóm tác giả muốn chỉ ra một vài yếu tố độc đáo trong kế hoạch bảo tồn di sản Vigan tiếp cận từ các văn bản pháp lệnh. Trước hết là nội dung quản lí chặt chẽ, nghiêm túc. Dựa vào Công lệnh số 14 năm 1997 Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b), bất kỳ hoạt động nào được thực hiện tại Thị trấn lịch sử Vigan đều phải được nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp qua tìm hiểu về tính chất, có tài liệu và thu thập chứng cứ rõ ràng. Mọi chất liệu, trạng thái hiện hữu đều phải báo cáo qua trước lúc can thiệp vào di sản Vigan. Các chính sách đưa ra về bảo tồn phải dựa trên cơ sở bằng chứng cụ thể (tranh, hình chụp, vật mẫu).

     Nội dung bảo tồn thị trấn Vigan còn quy định về các sinh hoạt đời sống hiện tại sao cho tương thích với công tác bảo tồn di sản, nghĩa là vừa hoạt động vừa bảo tồn song song; nêu lên hoạt động mà khi xuất hiện ở Vigan sẽ không giúp gì cho công tác bảo quản di sản Vigan mà còn gây nguy hại, đe dọa, làm thị trấn lịch sử xuống cấp.

     Hoạt động (và nhóm các hoạt động) tương thích với công tác bảo tồn di sản Vigan gồm việc cho phép hình thành các khu dân cư đơn lẻ hoặc mật độ dân cư nhiều không quá 8 căn; cho phép các hộ kinh doanh (chỉ cho phép ở tầng trệt) các mặt hàng như gốm, đồ dệt, sách bào tạp chí, quà lưu niệm, bách hóa, cửa hàng quần áo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ lữ hành…; đặt văn phòng đại điện của chính quyền. Ngoài ra còn có cơ sở tài chính; nơi để du khách cư trú như khách sạn nhà hàng; cơ sở giáo dục; cơ sở tâm linh và nhiều loại bảo tàng. Tổng quát lại, đó là các hoạt động phục vụ nhu cầu tối thiểu cho dân bản xứ và khách du lịch, có thể quảng bá hình ảnh di sản Vigan. Hoạt động (và nhóm các hoạt động) không tương thích ở “Thị trấn lịch sử Vigan” gồm những gì xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đạo đức, văn hóa, sự yên bình, hệ sinh thái môi trường và trật tự ổn định ở thị trấn lịch sử (ví dụ: các hoạt động của bến xe, tàu, sân bãi phương tiện lớn, bãi rác, gara, xưởng mộc, sản xuất nông nghiệp, làm ruộng, làm ao nuôi trồng thủy sản, nhà kho, lò hỏa táng, lò đốt, vật liệu xây dựng gây nguy hại,…) – Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b).

     Vào 2006, Hội đồng Thành phố Vigan tiếp tục đi sâu hơn một cách rất chi tiết quy cách bảo quản và phục dựng đến từng bộ phận các thành phần cấu tạo nên “Thị trấn lịch sử Vigan” (được xem xét chỉnh sửa bổ sung 2007).

     Tiếp tục xác định trọng tâm, nêu ra vật liệu xây dựng nhà cổ ở Vigan (Typology of Vigan Houses); chỉ dẫn cho việc giữ nguyên trạng (Guidelines for the foundation); chỉ dẫn bảo quản sàn nhà tầng trệt (Guidelines for ground foor flooring); chỉ dẫn bảo quản tường (Guidelines for walls); chỉ dẫn bảo quản cửa ra vào (Guidelines for doors); chỉ dẫn bảo quản cửa sổ (Guidelines for windows); chỉ dẫn bảo quản các chi tiết trang trí ở trên công trình kiến trúc (Guidelines for architectural ornaments and details); chỉ dẫn bảo quản cho tầng hai và các cầu thang (Guidelines for second floor and staircase); chỉ dẫn bảo quản trần và mái nhà cổ (Guidelines for roof and ceilings); chỉ dẫn sơn phết sao cho phục dựng đúng nguyên trạng và giữ nguyên trạng di sản (Guidelines for paint). Thậm chí pháp lệnh rất cẩn thận chỉ dẫn việc đặt bảng hiệu, số nhà giảm thiểu đụng chạm đến vật liệu xưa (Guidelines of signages); cả vấn đề lắp đặt sử dụng trang thiết bị hiện đại ở nhiều tòa nhà cổ sao cho không làm hư hại ảnh hưởng gì đến những giá tri di sản cần bảo tồn cũng được đề cập rất nghiêm túc qua chỉ dẫn sử dụng các hệ thống điện và máy móc (Guidelines for electrical and mechanical systems) – Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b). Các vấn đề trên cũng là các vấn đề đã được đề cập dến trong Hiến chương Venice (Venice Charter) về việc bảo tồn các di sản văn hóa – lịch sử (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018).

     Pháp lệnh Số 7 năm 2006 thực tế cụ thể hóa rất nhiều cho Pháp lệnh số 14 năm 1997 một cách kĩ lưỡng, sâu sát, chú trọng an toàn và diện mạo văn hóa, lịch sử ở “thị trấn lịch sử Vigan”. Các Pháp lệnh đã nêu trên đều có hiệu lực gần như là ngay sau khi ban hành, đưa ra chế tài nghiêm khắc cho những ai làm trái. Ta thấy rõ các chính sách tách nông nghiệp khỏi hoạt động ở “thị trấn lịch sử Vigan”, chú trọng nhiều vào dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, phát triển thủ công nghiệp (truyền thống). Điều này vừa giải quyết vấn đề việc làm cho cư dân bảo địa mà cũng góp phần duy trì, bảo tồn di sản Vigan. Thông tin này đã chỉ ra được bản chất việc bảo tồn di sản đô thị là xác lập phương thức dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018); việc phối hợp nhiều cấp độ bảo tồn là cần thiết để duy trì cấu trúc vật chất của di sản ở một mặt, đồng thời là cải tạo, tái sử dụng, thích ứng các giá trị vật thể và phi vật thể của nó vào dòng chảy của cuộc sống đô thị hiện đại ở một mặt khác (Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, 2018), thể hiện ra tính kinh tế và xã hội ở chỉ thị bảo tồn di sản thị trấn lịch sử Vigan của chính quyền sở tại. Nhìn qua lăng kính thực tế, ta có ở ngành du lịch, cụ thể là sự phát triển của công nghiệp khách sạn, có tính khả thi trở thành câu trả lời cho việc bảo tồn di sản kiến trúc ở Vigan. Nhờ nhu cầu về phòng khách sạn theo phong cách nhà giai đoạn thực dân trong lịch sử cao, nhiều ngôi nhà bằng dá [Bahay na bato] được chuyển đổi lại theo dạng này, phục vụ các cặp đôi đám cưới và đi hưởng tuần trăng mật. Hình đám cưới chụp trên con đường Crisologo quả không còn nghi ngờ gì, rất tuyệt vời! (Gueguen, 2018). Ngoài ra, các lái xe ngựa tham quan thị trấn (kelesa driver) đều mặc đồng phục theo phong cách thời kì thực dân nhằm tái hiện diện mạo và tạo một không khí cho “thị trấn lịch sử Vigan” sát với lịch sử của nó. Các quán ăn truyền thống theo kiểu cũ thì cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. (Gueguen, 2018).

     Về khía cạnh xã hội, để hạn chế ảnh hưởng tự nhiên từ thiên tai, còn thấy rất rõ ràng và thực tiễn quan sát thấy nhiều bức tường và rào chắn bê tông được dựng lên nhằm tránh biễn lấn, xâm thực (Gueguen, 2018).

3. Kết luận

     Tóm lại, tiếp cận một số văn bản pháp quy của chính quyền Thành phố Vigan, có thể nói việc quan tâm đến “thị trấn lịch sử Vigan” là rất kịp thời của Nhà nước cũng như người dân. Công tác bảo tồn và trùng tu liền sau đó được xây dựng nhanh chóng nhưng không vì thế lại cẩu thả, mang tính đối phó mà rất hiện đại, quy củ, có kế hoạch. Chính điều ấy đã tạo nên một hệ thống vững chắc, khoa học, đáp ứng nhu cầu bảo tồn di sản kết hợp việc tạo ra điều kiện sống và cơ hội việc làm cho người dân, góp phần phát triển sự đa dạng bản sắc văn hóa trong di sản Vigan. Xuyên suốt các điều khoản của quy định, tính chính trị qua nhận thức các vấn đề xung quanh công tác bảo tồn thị trấn lịch sử Vigan đã có sự kết nối chặt chẽ với tính kinh tế và xã hội và, tính lịch sử. Tất cả vói chung một mục đích cao cả: bảo tồn những gì có giá trị về văn hóa: “về mỹ thuật, kinh tế, giáo dục, môi trường, tôn giáo, xã hội, lịch sử giúp ta hiểu về quá khứ, tiếp tục dự phần vào việc làm giàu thêm bản sắc của môi trường sinh thái cũng như truyền lại cho thế hệ mai sau” – theo Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Republic of the Philippines, 1997b) & Ordiance No.12 Series of 1997: An Ordiance defending the core and buffer zones of the historic town of Vigan and the historical, cultural, educational, aesthetics and economic parameters of its presevation and development 1997 (Republic of the Philippines, 1997a).

___________
1. Trong bài viết này, khi nhắc đến “di sản Vigan” hay có từ “bảo tồn Vigan” hay “thị trấn lịch sử” ở đây đều mang ý nghĩa “Thị trấn lịch sử Vigan” phân biệt với toàn bộ vùng đất Vigan thuộc tỉnh Ilcolus Sur hay chính quyền thành phố Vigan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     City Government of Vigan. (n.d.a.). History. Retrieved March 20, 2020,
from http://vigancity.gov.ph/city/history/

     City Government of Vigan. (n.d.b.). Geographic. Retrieved March 25, 2020,
from http://vigancity.gov.ph/city/geographics/

     City Gorvernment of Vigan. (n.d.c.). Typhoon Ompong hits Vigan. Retrieved March 20, 2020, from http://vigancity.gov.ph/typhoon-ompong-hits-vigan/

     Gueguen, C. (2018). Preserving Vigan. Retrieved April 20, 2020,
from http://tulay.ph/2018/02/20/preserving-vigan/

     Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyen, H. T. (2018). Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Khảo cổ học và bảo tồn di sản [Urban Saigon – Ho Chi Minh City – Archeology and heritage conservation]. Ho Chi Minh City, Vietnam: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

     Republic of the Philippines. (1997a). Ordiance No.12 Series of 1997: An Ordiance defending the core and buffer zones of the historic town of Vigan and the historical, cultural, educational, aesthetics and economic parameters of its presevation and development 1997 (Vig) (Phil).

     Retrieved April 20, 2020, from http://vigancitycouncil.ph/

     Republic of the Philippines. (1997b). Ordiance No.14 Series of 1997: Ordiance providing the guidelines in the conservation of the historic town of Vigan 1997 (Vig) (Phil). Retrieved March 20, 2020, from http://vigancitycouncil.ph/

     Republic of the Philippines. (2006). Ordiance No.7 Series of 2006: Vigan conservation guidelines as amended 2006 (Vig) (Phil). Retrieved March 27, 2020,
http://vigancitycouncil.ph/

     Unesco. (n.d.). Guide 1 – Case Study: Historic Town of Vigan (Philippines). Retrieved March 20, 2020,
from http://whc.unesco.org/sustainabletourismtoolkit/guide-1-%E2%80%93-casestudy-historic-town-vigan-philippines

     Vigan City Council. (n.d.). Heritage Conservation and Tourism. Retrieved April 20, 2020,
http://vigancitycouncil.ph/index.php?option=com_phocadownload&view=category&id=10:heritage-conservation-and-tourism&Itemid=582&limitstart=0

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố HồChí Minh,
15(6), 101-108, năm 2020

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiếp cận công tác bảo tồn di sản văn hoá thị trấn cổ Vigan qua các văn bản pháp lệnh của chính quyền sở tại (Tác giả: Nguyễn Lê Đức Anhcác cộng sự)